- Tôi e rằng tôi không đi xa hơn nữa, tôi sẽ để cô xuống đây, cô có thể đón xe khác…
- Ô… - tin này thật đáng thất vọng, vì từ sau khi bỏ trốn cha tôi, đi bộ qua sa mạc, đói khát nhiều ngày, bị sư tử đuổi theo, bị người chăn gia súc xua đuổi và gã lái xe tấn công, thì quý ông trong chiếc Mercedes này là thứ tốt đẹp nhất đến với tôi kể từ lúc tôi bỏ nhà ra đi.
- Chúc cô một chuyến đi may mắn – ông ta gọi từ cửa xe mở và vẫy tay, để lộ hàm răng trắng muốt lần nữa.
Tôi đứng trong ánh mặt trời bên lề đường bẩn thỉu và vẫy lại, không nhiệt tình lắm. Tôi nhìn chiếc xe biến vào những đợt nóng rung rinh và lại bắt đầu đi bộ, phân vân không biết có đến được Mogadishu không.
Ngày hôm ấy, tôi đi nhờ được mấy chuyến nữa nhưng họ chỉ đi những quãng ngắn, giữa những chuyến đi tôi vẫn đi bộ. Lúc mặt trời đang lặn, một chiếc xe tải tắp vào lề đường. Lạnh cứng người vì sợ, tôi nhìn chằm chằm vào những cái đèn thắng màu đỏ và nhớ lại chuyện vừa qua với tên lái xe tải. Trong lúc tôi đứng đó nghĩ ngợi, người lái xe nhìn tôi. Nếu tôi không hành động ngay, tôi biết anh ta sẽ cho xe vọt đi mà không có tôi, vì thế tôi vội vàng chạy đến chỗ buồng lái. Đó là một chiếc xe tải cỡ lớn, lúc người lái xe mở cửa từ bên trong, tôi cố trèo lên.
- Cô đi đâu? – anh ta hỏi – Tôi chỉ đến Galcaio thôi.
Nghe người lái xe nói "Galcaio", một ý tưởng loé lên trong đầu tôi. Tôi không nhận ra tôi đã ở gần thành phố, và ông bác giàu có của tôi sống ở Galcaio. Thay vì lang thang khắp Somalia tìm Mogadishu, tôi có thể ở lại Galcaio với bác Ahmed. Trong ý nghĩ của tôi, đàng nào bác cháu tôi vẫn có việc chưa giải quyết xong, tôi chưa nhận được đôi giày đổi công chăm sóc đàn gia súc của bác. Tôi tưởng tượng tối nay sẽ được ăn một bữa no đủ trong ngôi nhà xinh đẹp của bác và ngủ ở đấy, thay vì dưới một gốc cây.
- Vâng, đó là nơi tôi định đến – tôi mỉm cười, thú vị vì ý nghĩ ấy – Tôi cũng đến Galcaio.
Trong xe chất đầy thức ăn, hàng đống bắp màu vàng, nhiều bao gạo và đường, nhìn chúng, tôi mới thấy mình đói ngấu.
Người lái xe trạc bốn mươi và tán gái có hạng. Anh ta cố giữ cho câu chuyện ròn rã, tôi muốn tỏ ra thân mật, nhưng tôi vô cùng sợ hãi. Điều cuối cùng tôi muốn là để cho anh ta tưởng tôi chú ý đến những thứ lộn xộn chung quanh anh ta. Nhìn ra ngoài cửa xe, tôi cố hình dung ra cách tốt nhất để tìm ra nhà bác tôi, vì tôi không biết ông ở đâu. Nhưng lúc đó, một trong những lời bình luận của anh ta làm tôi chú ý:
- Cô đang bỏ trốn phải không?
- Tại sao anh lại nói thế? – tôi ngạc nhiên hỏi.
- Tôi có thể nói là cô đang bỏ trốn. Tôi đem cô về nộp lại đây.
- Ơ kìa! Không.. tôi xin anh… tôi sẽ đi. Tôi phải đi thôi. Tôi chỉ muốn anh đưa tôi..đưa tôi đến Galcaio thôi. Tôi đến thăm bác tôi ở đó. Ông đang đợi tôi.
Vẻ mặt người lái xe tỏ rõ anh ta không tin tôi, nhưng anh ta vẫn lái đi. Tâm trí tôi quay cuồng – tôi biết nói với người lái xe cho tôi xuống ở chỗ nào? Sau câu nói ông bác đang đợi tôi, tôi không thể thú nhận là tôi không biết ông ấy đang ở đâu. Lúc vào thành phố, tôi nhìn khắp các đường phố đông đúc, đầy những toà nhà, xe và người, nơi đây lớn hơn ngôi làng tôi đã gặp lúc trước và lần đầu tiên tôi nhận ra rằng tôi không cố muốn tìm ông bác.
Từ trên buồng lái cao chót vót của chiếc xe tải, tôi căng thẳng nhìn xuống cảnh hỗn loạn của Galcaio. Với tôi, thành phố là một mớ rối beng, và tôi giằng co giữa ý muốn không ra khỏi buông lái và cảm thấy tốt hơn là nên rời cái xe thổ tả này thật nhanh, trước khi gã lái xe quyết định trao nộp tôi như một kẻ bỏ trốn. Lúc đến cái chợ ngoài trời, tôi nhìn thấy những quầy hàng đầy đồ ăn và quyết định xuống.
- Này anh, tôi sẽ xuống đây. Bác tôi sống ở đàng kia kìa – tôi nói và chỉ về một bên đường phố rồi nhảy ra trước khi anh ta kịp ngăn lại – Cám ơn anh đã cho đi nhờ - tôi nói lúc đóng sầm cửa xe lại.
Tôi đi xuyên qua chợ, rất ngạc nhiên. Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi thấy nhiều đồ ăn đến thế! Tôi nhớ tôi đã nghĩ nơi này mới đẹp làm sao! Hàng đống khoai tây, bắp, những giá đầy mì ống. Và trời ơi, đủ mọi màu sắc! Nhiều thùng xếp cao ngất đựng chuối màu vàng sáng, dưa màu xanh và vàng, rồi hàng ngàn, hàng ngàn quả cà chua đỏ thắm. Trước khi tôi chưa bao giờ nhìn thấy những thứ thực phẩm này, và tôi đứng trước một giá bày bán cà chua. Lúc này, tôi bắt đầu mê mẩn những quả cà chua chín ngon lành, cho đến hôm ấy tôi chưa bao giờ được ăn cà chua thoả thích. Tôi nhìn chăm chú vào đống thức ăn, và mọi người đi qua đều nhìn tôi. Bà chủ quầy hàng cau mày. Bà ta là một mama trọn vẹn (ở châu Phi, từ "mama" là một từ chỉ sự kính trọng đối với một phụ nữ. Nó có nghĩa là một phụ nữ đã chín chắn, đã đến tuổi trưởng thành, và muốn xứng đáng với danh hiệu này, phải thực sự làm mẹ). Màu sắc và khăn quàng của bà ta rực rỡ.
- Cô muốn gì? – mama này hỏi.
- Cháu có thể có một ít thứ này được không ạ? – tôi nói và chỉ đống cà chua.
- Cô có tiền không?
- Không ạ, nhưng cháu đói lắm….
- Ra khỏi đây! Đi đi! – bà ta kêu lên, giơ một bàn tay xua tôi ra khỏi quầy hàng của bà.
Tôi đến chỗ một người bán hàng khác và lại nhìn chằm chằm. Người phụ nữ này nói:
- Tôi không muốn bất cứ người ăn mày nào lảng vảng trước quầy của tôi. Tôi cố cai quản công việc ở đây. Cô đi đi.
Tôi kể chuyện của tôi, rằng tôi cần tìm được Ahmed, và hỏi bà ta có biết bác tôi sống ở đâu không. Tôi cho rằng vì bác tôi là một doanh nhân giàu có nên dân ở Galcaio sẽ biết ông.
- Này, im cái miệng đi, cô không thể từ bụi rậm ra đây mà la hét như thế này được! Xì… Phải biết chút ít lễ phép chứ, cô gái. Cô phải giữ mồm giữ miệng chứ. Giữ mồm giữ miệng. Đừng có kêu tướng tên tuổi gia đình ở chốn công cộng này.
Nhìn bà trừng trừng, tôi nghĩ "Ôi trời ạ, bà này đang nói gì với mình nhỉ, và thế thì mình liên hệ với những người này sao được?"
Có một người đàn ông đứng dựa vào tường, tách khỏi chúng tôi. Y gọi to:
- Lại đây, cô gái.
Tôi xúc động đến chỗ y và cố giải thích tình thế khó khăn của tôi. Y trạc ba mươi tuổi, trông như mọi người đàn ông châu Phi bình thường khác – chẳng có gì đặc biệt nhưng y có bộ mặt thân thiện. Y nói kiên nhẫn:
- Được, im đi. Tôi có thể giúp cô, nhưng cô phải cẩn thận chứ. Cô không thể đi khắp nơi xưng toang toác tên bác của cô ra như thế được. Cô thuộc bộ lạc nào nhỉ? - Tôi kể cho y nghe mọi thứ tôi biết về gia đình tôi và bác Ahmed. – Ra vậy, tôi nghĩ là tôi biết ông ấy đang ở đâu. Chúng ta đi thôi và tôi sẽ giúp cô tìm ra ông ấy.
- Ồ vâng, vâng. Ông có thể đưa tôi đến đó chứ?
- Được, đi nào. Chúng ta sẽ tìm được ông ấy thôi.
Chúng tôi đi ra khỏi khu chợ náo nhiệt, đến một trong những đường phố có bóng râm mát. Người đó dừng lại trước một ngôi nhà.
- Cô có đói không?
Lẽ tất nhiên ai cũng dễ thấy trông tôi thật đáng thương.
- Có.
- Thôi được, đây là nhà tôi. Sao cô không ghé vào một lát tôi sẽ cho cô ăn rồi chúng ta sẽ đi tìm bác cô?
Tôi cảm kích nhận lời mời của y.
Lúc chúng tôi vào trong nhà, một mùi đặc biệt đập vào mũi tôi, một mùi lạ lùng trước đây tôi chưa ngửi thấy bao giờ. Y bảo tôi ngồi xuống và mang đồ ăn đến cho tôi. Tôi vừa ăn xong miếng cuối cùng, y bảo:
- Sao cô không nằm đây, nghỉ trưa với tôi?
- Nghỉ trưa?
- Ừ, nghỉ ngơi một chút ấy mà.
- Không, tôi xin ông, tôi chỉ muốn tìm thấy bác tôi.
- Tôi biết. Nhưng trước hết chúng ta chợp mắt một chút đã. Bây giờ đang giờ nghỉ trưa. Cô đừng lo, sẽ tìm thấy bác cô thôi.
- Không ạ, xin ông. Ông cứ nghỉ đi, tôi sẽ đợi ông ở đây. không sao đâu ạ.
Dù lúc đó đúng giấc nghỉ trưa thật, song tôi không hề có ý nằm nghỉ với người đàn ông lạ mặt này. Lúc đó tôi đã hiểu như thế là xấu, rất xấu. Nhưng là một cô gái ngây thơ, tôi không biết rõ xấu như thế nào.
- Nào, cô bé. – Y nói bằng giọng giận dữ - nếu cô muốn tôi đưa đi tìm bác cô, tốt hơn hết là cô nằm xuống và nghỉ trưa đi đã.
Tôi biết tôi cần người này giúp tôi tìm ra bác Ahmed. Mỗi lúc y càng nôn nóng và khăng khăng nài nỉ, tôi đâm sợ rồi cuối cùng tôi đã làm cái việc tệ nhất, tôi nhượng bộ y. Cố nhiên là lúc chúng tôi nằm trên giường y, ngủ trưa là việc cuối cùng trong ý nghĩ của y. Chỉ trong chớp mắt tên khốn nạn đã đè lên người tôi. Lúc tôi chống trả và tránh khỏi hắn, hắn vả mạnh vào gáy tôi. Không nói một lời, nhưng tôi chớp ngay cơ hội và vuột ra khỏi tay hắn, chạy tuốt ra khỏi phòng. Lúc chạy, tôi nghe tiếng hắn vọng ra từ trong giường:
- Này, con ranh, quay lại đây… - rồi tôi nghe thấy một tiếng cười khẽ.
Tôi lao vào đường phố tăm tối và khóc nức nở rồi theo đường cũ trở lại khu chợ, tìm sự an toàn giữa đám đông. Một bà già trạc sáu mươi đến chỗ tôi:
- Có việc gì thế cháu? – bà nắm lấy cánh tay tôi và bảo tôi ngồi xuống – Nín đi. Kể cho ta nghe có chuyện gì không ổn nào.
Tôi không thể kể được chuyện vừa xảy ra. Quá bối rối vì xấu hổ, tôi không thể thuật lại cho bất cứ người nào. Tôi cảm thấy mình ngu quá, đúng là một con bé ngu xuẩn mới vào ngôi nhà ấy và để cho chuyện ấy xảy ra. Tôi vừa nức nở vừa cắt nghĩa với bà rằng tôi đang tìm bác tôi mãi mà không tìm thấy.
- Bác cháu là ai? Ông ấy tên gì?
- Ahmed Dirie.
Bà già giơ một ngón tay xương xẩu lên chỉ vào ngôi nhà màu xanh nhạt, ở chéo góc phố:
- Ở đàng kia kìa – bà nói – Cháu có nhìn thấy cái nhà kia không? Nhà bác cháu đấy.
Nó đúng đằng ấy. Ở đấy, bên kia phố, đúng chỗ tôi đứng lúc đầu, van nài thằng chó đẻ ấy giúp tôi tìm bác. Sau này tôi hiểu rằng lúc tôi kể chuyện, y biết chính xác tôi là ai và bác tôi là ai. Bà già bảo nếu tôi muốn, bà sẽ dẫn tôi đến đó. Tôi nhìn bà gay gắt, vì lúc này tôi không tin ai được nữa. Nhưng nhìn mặt bà, tôi có thể thấy bà là một mama đích thực.
- Vâng, xin bà giúp cho – tôi khẽ trả lời.
Chúng tôi đi qau góc phố và tôi gõ vào cánh cửa ngôi nhà màu xanh lơ. Bác gái tôi mở cửa và nhìn tôi chằm chặp vì sửng sốt:
- Các người làm gì ở đây? – Bà già quay người và bỏ đi.
- Bác ơi, cháu đây mà! – tôi đáp một cách ngớ ngẩn.
- Lạy đức Allah, mày làm gì ở đây? Mày bỏ trốn phải không?
- Vâng…
- Tao sẽ trả mày về! – bác gái tôi nói kiên quyết.
Bác Ahmed là anh trai của cha tôi, bác cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, nhưng điều ngạc nhiên nhất là tôi tìm được nhà bác. Tôi kể lại chuyện, bỏ qua chuyện đánh gã lái xe bằng hòn đá và suýt bị tên hàng gần nhà bác cưỡng hiếp. Tuy bác tôi sửng sốt thấy tôi tìm được đường băng qua sa mạc và theo vết mà thấy tôi nhưng bác vẫn không hề có ý cho tôi ở lại. Bác lo không có người chăn dắt gia súc cho bác – một việc tôi đã làm nhiều năm và vì thế tôi cứ đòi bác mua giày cho tôi. Hiện giờ các anh chị lớn của tôi đều xa nhà. Tôi là đứa lớn nhất còn lại – đứa bền bỉ nhất, có thể tin cậy nhất so với những đứa khác bé hơn.
- Không, cháu phải về nhà thôi. Ai sẽ giúp cha cháu trong mọi việc nào? Ở đây thì cháu biết làm gì? Ngồi trên lưng lừa ư?
Thật không may, tôi không biết trả lời các câu hỏi ấy như thế nào. Tôi biết không phải lúc kể cho bác nghe tôi chạy trốn cha tôi vì ông bắt tôi lấy một ông lão râu bạc trắng. Bác sẽ nhìn tôi như một con điên và bảo:
- Thế ư? Thế ư? Waris, cháu phải lấy chồng đi. Cha cháu cần có lạc đà…
Không phải lúc tôi giải thích rằng tôi khác hẳn gia đình tôi, tôi yêu cha mẹ tôi, nhưng những điều họ muốn không đủ cho tôi. Tôi hiểu có nhiều thứ hơn chỉ là sống, dù tôi chưa biết chắc là cái gì. Sau vài ngày, tôi biết bác tôi nhắn cha tôi, và cha tôi đang trên đường đến đây.
Tôi biết rõ hai con trai của bác Ahmed, vì họ thường đến ở với gia đình tôi những khi được nghỉ học. Họ giúp chúng tôi trông nom gia súc của nhà họ, và dạy chúng tôi một số chữ Somali. Hồi đó, có truyền thống con trai lên thành phố học rồi ra sa mạc dạy con cái dân du mục. Trong thời gian ở với họ tại Galcaio, các anh họ của tôi bảo họ biết chị Aman ở đâu, chạy trốn khỏi nhà, chị đến Mogadishu và đã lấy chồng. Tôi quá đỗi vui mừng vì từ ngày bỏ đi, tôi chưa nghe thấy nhắc đến chị lần nào, biết đâu chị đã chết rồi cũng nên. Tôi hình dung cha mẹ tôi đã biết chị Aman ở đâu, nhưng chị bị cấm cửa nên họ chẳng bao giờ nói đến chị.
Lúc biết cha tôi đang trên đường đến đưa tôi về nhà, chúng tôi vạch ra kế hoạch. Các anh tôi chỉ đường cho tôi tìm chị tôi lúc tôi đến thủ đô. Sáng hôm sau, họ dẫn tôi ra đường đi khỏi thành phố, cho tôi ít tiền và bảo:
- Em đi đi, Waris – họ vừa nói vừa chỉ - đường đi đến Mogadishu.
- Các anh hãy hứa là không nói với ai em đi đâu đấy nhé. Nhớ đấy, lúc nào cha em đến đây, các anh bảo không biết có chuyện gì xảy ra với em nhé. Lần cuối cùng các anh nhìn thấy em là sáng hôm nay ở trong nhà, được không?
Họ gật đầu và vẫy tay chào tạm biệt lúc tôi lên đường.
Chuyến đi đến Mogadishu chậm chạp vô cùng. Tôi đi nhiều ngày, nhưng chí ít lúc này tôi cũng có ít tiền, có thể mua thức ăn dọc đường. Lâu lâu tôi mới nhờ được một chặng xe, còn hầu hết tôi đi bộ. Bực mình vì chuyến đi lề mề quá, cuối cùng tôi mua một cuốc xe tải châu Phi, một loại xe tải lớn chở bốn chục người trên thùng. Loại xe này rất phổ biến ở châu Phi. Sau khi đổ hàng gồm hạt ngũ cốc hoặc đường mía, chuyến về họ chở khách trên thùng xe. Quanh thùng xe là một khung giống hàng rào bằng gỗ, khách trên xe dù ngồi hay đứng trông giống trẻ con trong cũi. Xe tải chở người rất đông, đầy trẻ con, hành lý, dụng cụ gia đình, dê sống, bu gà… Lái xe lèn khách chật hết mức có thể được. Nhưng sau nhiều kinh nghiệm vừa qua, tôi sẵn sàng chịu chật chội trong đám đông còn hơn là đi một mình với bọn đàn ông lạ mặt. Khi đến ngoại vi Mogadishu, chiếc xe đỗ lại và chúng tôi xuống bên một cái giếng dân chúng đến lấy nước cho gia súc. Tôi khum tay vục nước uống rồi vả nước lên mặt. Tôi chú ý thấy có nhiều con đường. Vì Mogadishu là thành phố lớn nhất Somalia, có bảy trăm ngàn dân. Tôi đến gần hai người du mục đứng cạnh lạc đà và hỏi:
- Các ông có biết đường nào đến thủ đô không?
- Cô đi đàng này – Người đó nói và chỉ.
Tôi theo hướng ông ta chỉ và đi thẳng vào bên trong thành phố. Mogadishu là thành phố cảng trên bờ Ấn Độ dương, hồi đó rất đẹp. Bước đi, tôi rướn cổ ngắm các toà nhà trắng toát đẹp ngây ngất có dừa và những cây hoa màu sắc rực rỡ, tươi sáng bao quanh. Rất nhiều công trình kiến trúc do người Italy xây trong thời kỳ Somalia là thuộc địa của Italy, tạo cho thành phố dáng vẻ Địa trung hải.
Phụ nữ đi ngang qua tôi quấn những chiếc khăn quàng lộng lẫy màu vàng, đỏ và in hoa xanh lơ. Những chiếc khăn được bao quanh khuôn mặt, họ thắt khăn dưới cằm để những làn gió biển thổi bay nhẹ đầu khăn. Tấm vải mỏng nhẹ phất phơ duyên dáng sau lưng những người phụ nữ khi họ xuống phố, rập rờn như sóng. Tôi đã thấy nhiều phụ nữ Hồi giáo trùm khăn kín đầu, mạng dài che kín mặt. Nhìn họ chăm chú tôi không hiểu làm thế nào họ nhận ra đường xá. Thành phố lấp lánh trong ánh mặt trời và mọi thứ màu sắc dường như càng lộng lẫy thêm.
Lúc đi, tôi giữ người ta lại hỏi thăm đường đến khu lân cận của chị tôi. Tôi không có địa chỉ gì cả, nhưng dự định lập lại cách tìm bác Ahmed ở Galcacio. Bao giờ đến khu vực của chị, tôi sẽ đến chợ và hỏi thăm xem có ai biết chị ở đâu không, nhưng lần này tôi sẽ không ngu dại để bọn đàn ông xa lạ "giúp đỡ" nữa.
Khi đến vùng phụ cận, tôi nhanh chóng tìm thấy chợ và rảo khắp chợ xem mua thứ gì bằng mấy xu Somali quý giá cuối cùng. Tôi mua ít sữa ở quầy của hai người đàn bà, tôi chọn mua của họ vì giá rẻ nhất. nhưng lúc tôi đứng đó uống ngụm đầu tiên, tôi thấy ngay sữa có mùi và không đúng là mùi sữa.
- Sữa này bị hư rồi sao? – tôi hỏi.
- Không sao hết! Sữa của chúng tôi không hề bị hư!
- Ra vậy. Có một thứ tôi biết rõ là sữa. Nó không đúng mùi sữa. Các bà đã cho nước hay thứ gì đó vào đây.
Cuối cùng họ phải công nhận đã trộn nước vào sữa và bán với giá rẻ hơn. Khách hàng của họ không hề để ý. Chúng tôi tiếp tục câu chuyện và tôi kể với họ tôi đến thủ đô để tìm chị tôi, tôi hỏi họ có biết Aman không.
- Có, tôi trông cô quen quen! – một trong những người phụ nữ kêu lên.
Tôi cười vì từ hồi chúng tôi còn bé, tôi đã giống hệt chị tôi. Họ biết chị vì ngày nào chị cũng đi chợ. Bà bán sữa gọi cậu con nhỏ lại và bảo chỉ cho tôi nơi chị tôi ở.
- Đưa cô ấy đến nhà Aman rồi về ngay đấy! – bà ra lệnh cho cậu bé.
Chúng tôi đi theo những con phố yên tĩnh, lúc này đang giờ nghỉ trưa, ai cũng nghỉ tránh nóng giữa ngày. Cậu bé chỉ một ngôi nhà sơ sài, nhỏ xíu. Tôi vào trong nhà và thấy chị tôi đang ngủ. Tôi lay cánh tay, đánh thức chị dậy.
- Em làm gì ở đây… - chị nói, lảo đảo, nhìn tôi như trong giấc mơ. Tôi ngồi lên giường và kể rằng tôi đã bỏ trốn như nhiều năm trước chị đã làm. Cuối cùng, tôi đã có người để trò chuyện và tôi biết người ấy sẽ hiểu. Chị tôi hiểu ở tuổi mười ba, tôi không thể đi lấy lão già ngu ngốc ấy vì lợi ích của cha tôi.
Aman kể với tôi chị đến Mogadishu và tìm chồng ra sao. Anh ấy là người tốt, tính tình trầm lặng và chăm chỉ. Chị đang mang thai đứa con đầu lòng, chắc còn độ vài tháng nữa thì sinh. Nhưng lúc chị đứng dậy, trông chị không có vẻ là một phụ nữ sắp sanh con tí nào. Cao hơn mét tám, chị thon thả và thanh lịch, trong bộ váy áo rộng thùng thình kiểu châu Phi, trông chị như không mang bầu. Tôi nhớ chị xinh đẹp biết chừng nào và ao ước đến khi có thai tôi cũng được như chị.
Chúng tôi nói chuyện một lát, cuối cùng tôi thu hết can đảm hỏi chị cái câu cốt tử:
- Chị Aman, em không muốn trở về. Em có thể ở lại đây với chị được không?
- Thế là em đã bỏ trốn và để mẹ lại với đủ thứ công việc… - chị buồn bã nói.
Nhưng chị ưng thuận cho tôi ở lại bao lâu tuỳ ý. Chỗ ở của chị chật hẹp, chỉ có hai phòng, một phòng bé tí để tôi ngủ và phòng kia cho vợ chồng chị. Song tôi ít khi gặp anh rể của mình, anh đi làm từ sáng sớm, về nhà ăn và ngủ trưa rồi lại đi làm, đến chiều muộn mới về nhà. Lúc ở nhà anh ít nói đến mức tôi chẳng nhớ được tí gì về anh, kể cả tên anh là gì, anh làm gì để kiếm sống.
Aman sinh một bé gái kháu khỉnh và tôi giúp đỡ chăm sóc cháu bé. Tôi cũng dọn dẹp nhà cửa, mang quần áo ra ngoài giặt giũ, phơi lên dây cho khô.
Tôi đi chợ, học cách mặc cả với những người bán hàng. Bắt chước dân địa phương, tôi đến quầy và hỏi ngay;
- Bao nhiêu?
Trình tự này có vẻ máy móc, vì ngày nào cũng thế, một bà để trước mặt tôi ba quả cà chua, một quả lớn, hai quả nhỏ hơn, rồi nói cái giá tôi có thể mua nổi một con lạc đà.
- Chà,đắt quá – tôi trả lời vẻ chán nản và xua tay.
- Vậy cô trả bao nhiêu?
- Hai rưỡi.
- Ôi, không, không được. Cô trả tiếp đi… - Lúc ấy tôi ra bộ sắp bỏ đi và nói chuyện với người bán hàng khác rất nhiệt tình, lúc nào cũng nhìn thẳng vào mục tiêu của tôi. Rồi tôi trở lại, chọn đúng nơi đã bỏ đi rồi mặc cả tiếp cho đến lúc một trong hai người phát chán và chịu thua.
Chị tôi rất lo cho mẹ tôi, chị lo rằng tôi bỏ đi rồi, mẹ tôi sẽ phải làm mọi việc một mình. Bất cứ lúc nào đả động đến chuyện này, hầu như người có lỗi duy nhất ấy chính là tôi. Tôi chia xẻ nỗi lo lắng của chị về mẹ, nhưng Aman chẳng bao giờ nói rằng chị cũng bỏ trốn. Lúc này hồi ức bị quên lãng trong những năm ấu thơ lại trở về. Khoảng năm năm nay tôi không gặp chị, và chị đã thay đổi rất nhiều. Với Aman, tôi vẫn là cô em bé ngốc nghếch mà chị bỏ lại hồi nào, còn chị lúc nào cũng là người chị lớn nhất, khôn ngoan nhất. Càng ngày tôi càng hiểu ra rằng mặc dù diện mạo chúng tôi rất giống nhau, nhưng tính cách chúng tôi chẳng giống nhau chút nào. Hàng ngày tôi cảm thấy không bằng lòng sự hống hách liên miên của chị. Khi cha tôi cố ép gả tôi cho lão già, tôi bỏ trốn vì tôi nghĩ có nhiều cách để sống. Nấu ăn, giặt giũ, trông trẻ - những việc tôi đã làm nhiều với lũ em trai, em gái của tôi – không phải là thứ tôi nghĩ trong đầu.
Rồi có ngày tôi để cho Aman phát hiện ra rằng còn có số phận khác dành cho tôi. Tôi không bàn soạn với chị, tôi cũng không bảo với chị là tôi sẽ bỏ đi. Một sáng kia tôi ra khỏi nhà và không trở lại. Lúc ấy có vẻ đó là một ý tưởng hay, nhưng tôi không biết rằng sau này tôi không bao giờ còn gặp lại chị nữa.