Hoa Sa Mạc

Chương 16

Mùa xuân 1995, tôi hoàn thành bộ phim tài liệu với BBC có tựa đề Một người du mục ở New York. Sau tất cả những năm này, tôi vẫn là một người du mục vì tôi vẫn không có một mái nhà thật sự. Tôi phải di chuyển rằng nhiều vì công việc, New York, London, Paris, Milan. Tôi thường ở nhà bè bạn hoặc ở khách sạn. Tôi có ít đồ đạc – một ít ảnh, vài quyển sách, và đĩa CD, tất cả đều cất ở nhà của Nigel ở Wales. Vì phần lớn công việc của tôi là ở New York, nên tôi ở đấy nhiều hơn cả. Có lúc tôi thuê căn hộ đầu tiên cho riêng mình, một studio ở SoHo. Sau này, tôi có một chỗ ở tại Village, rồi một ngôi nhà ở West Broadway. Nhưng tôi không thích bất cứ nơi nào. Chỗ ở tại Broadway như một nơi rồ dại, nó làm tôi hóa điên. Lúc nào cũng có xe chạy qua, ầm ầm như ở ngay trong nhà. Góc phố có một trạm cứu hoả và tôi nghe tiếng còi hú suốt đêm. TG không được nghỉ ngơi đủ, nên sau mười tháng tôi bỏ căn nhà đó và trở lại với kiểu sống du mục của tôi.

Mùa thu năm ấy tôi đi Paris trình diễn, rồi quyết định bỏ các cuộc diễn ở London và đến thẳng New York. Tôi cảm thấy đã đến lúc phải có chỗ ở riêng và ổn định cuộc sống phần nào. Trong lúc đang săn lùng một căn hộ, tôi ở Village với George, một trong những người bạn thân nhất của tôi. Hồi tôi ở đó, một đêm kia một người bạn khác của George là Lucy định mừng sinh nhật. Cô muốn ra thành phố để kỷ niệm nhưng George tuyên bố anh ta quá mệt và sáng hôm sau phải dậy sớm làm việc. Tôi tình nguyện đi cùng Lucy.

Chúng tôi đi bộ ra khỏi nhà và chưa nghĩ sẽ đến đâu. Ở Đại lộ Tám, tôi dừng lại và chỉ vào căn hộ cũ của tôi:

- Mình đã sống ở kia kìa, bên trên một dàn nhạc Jazz. Họ chơi nhạc rất hay, nhưng mình chưa bao giờ vào đấy.

Lúc chúng tôi đứng đó, tôi lắng nghe tiếng nhạc từ trong nhà vọng ra.

- Này, hay ta vào đó đi. Cậu có muốn không?

- Không hẳn, mình muốn đến chỗ Nell.

- Cứ vào đây đã. Chúng mình vào xem sao. Mình thực sự thích loại nhạc họ đang chơi, mình cảm thấy muốn khiêu vũ quá.

Lucy miễn cưỡng đồng ý. Tôi bước xuống các bậc vào một câu lạc bộ nhỏ xíu và ngay trước mặt là ban nhạc. Tôi bước đến trước sân khấu và dừng lại. Người đầu tiên tôi nhìn thấy là một tay trống, ánh sáng chiếu lên anh ta trong một căn phòng tối om. Anh đang đập trống, còn tôi chỉ đứng đó nhìn anh. Anh ta có bộ tóc kiểu Afro (kiểu tóc quăn và dài như dân da đen) những năm bảy mươi và phong thái sôi nổi. Lúc Lucy bắt kịp tôi, tôi quay sang cô:

- Không, không, không đâu. Chúng ta ở lại đây thôi. Ngồi xuống, uống một ly đã. Chúng ta ở lại đây một lúc.

Ban nhạc ứng tấu và tôi bắt đầu nhảy như điên. Lucy nhập bọn và tất cả những người khác trước đó có vẻ cầm chừng hơn đang ngồi quanh và ngắm đều nhanh chóng đứng dậy và nhảy múa cùng chúng tôi.

Nóng và khát, tôi uống một ly và đứng cạnh một phụ nữ trong đám khán giả. Tôi nói:

- Loại nhạc này rất sôi động. Họ là ai thế chị?

Chị ta nói:

- Tôi không biết vì họ là nhóm tấu tự do, nhưng chồng tôi là người chơi kèn sắc xô.

- Chà, vậy ai đánh trống?

Chỉ mỉm cười từ tốn:

- Rất tiếc, tôi không biết.

Vài phút sau ban nhạc nghỉ giải lao, và lúc tay trống đi ngang qua, người phụ nữ ấy nắm lấy cánh tay anh ta và nói:

- Tôi xin lỗi, nhưng bạn tôi muốn gặp anh.

- Thế ạ? Ai vậy?

- Cô ấy đây – và chị kéo tôi ra phía trước. Tôi lúng túng đến mức không biết nói gì.

Cuối cùng sau khi đứng như trời trồng trong chốc lát, tôi nói:

- Chào anh – Bình tĩnh nào Waris – tôi rất thích điệu nhạc.

- Cảm ơn cô.

- Tên anh là gì?

- Dana – anh ta nói và nhìn quanh bẽn lẽn.

- Ô

Anh quay người và bỏ đi. Tệ quá! Nhưng tôi không để anh đi dễ dàng thế. Tôi theo đến chỗ anh ngồi với các bạn trong ban nhạc, giật mạnh một cái ghế rồi ngồi xuống cạnh anh. Lúc tay trống nhìn quanh và thấy tôi anh ta nhảy bật lên. Tôi trách:

- Tôi đang nói chuyện với anh kia mà? Như thế là khiếm nhã. Anh có biết là anh bỏ đi không?

Dana nhìn tôi, ngơ ngác, rồi cười phá lên và gập người làm đôi trên bàn:

- Thế tên cô là gì? – anh hỏi rồi thẳng người dậy.

- Lúc này nó chẳng có ý nghĩa gì hết – tôi đáp với vẻ vênh váo nhất và hếch mũi lên trời. Nhưng sau đó chúng tôi bắt đầu trò chuyện về đủ mọi thứ, cho đến khi anh nói anh phải chơi nhạc lần nữa.

- Cô sắp ra đi à? Cô đến đây cùng với ai vậy? – anh hỏi.

- Bạn tôi. Cô ấy ở đàng kia kìa.

Lần giải lao sau đó, anh nói ban nhạc chỉ còn chơi vài bải nữa thôi, và nếu tôi muốn, sau khi chơi xong, chúng tôi sẽ cùng đi đâu đó. Lúc anh trở lại, chúng tôi ngồi nói chuyện mãi, nói mãi về mọi chuyện, về bất cứ thứ gì. Cuối cùng tôi nói:

- Ở đây khói thuốc ghê quá. Tôi không thể thở được. Anh muốn ra ngoài không?

- Có chứ. Chúng ta ra ngoài và ngồi ở bậc thềm nhé?

Lúc ra đến đầu cầu thang, anh đứng lại:

- Tôi có thể hỏi cô câu này được không? Tôi có thể ôm cô không?

Tôi nhìn anh như thể đây là một yêu cầu tự nhiên nhất trên đời, như thể tôi đã quen biết anh từ lâu. Tôi ôm anh thật chặt, và tôi biết nó sẽ là thế, giống như tôi biết về chuyến đi London sắp tới và tốt biết về nghề làm mẫu. Tôi hiểu rằng tay trống bẽn lẽn có mớ tóc Afro này chính là người đàn ông của tôi. Đêm ấy đã quá khuya nên không thể đi đâu được nữa, nhưng tôi hẹn hôm sau anh gọi cho tôi và cho anh số điện thoại của George.

- Tôi có nhiều cuộc hẹn trong buổi sáng. Nhưng hãy gọi cho tôi đúng lúc ba giờ nhé, được không?

Tôi chỉ muốn xem liệu anh ta có gọi đúng lúc tôi đã bảo không.

Sau này anh kể đêm hôm ấy trên đường về nhà, anh đi tàu điện ngầm đến Harlem. Lúc đến ga, anh nhìn lên và thấy một tấm bảng cực lớn có mặt tôi đang nhìn anh chằm chặp. Trước đây anh chưa bao giờ chú ý đến nó, và chẳng hề nghĩ tôi là một người mẫu.

Ngày hôm sau chuông điện thoại reo lúc ba giờ hai mươi. Tôi giật lấy ống nghe:

- ANH GỌI MUỘN RỒI.

- Tôi xin lỗi. Cô có muốn gặp tôi ăn tối không?

Chúng tôi gặp nhau trong hiệu cà phê nhỏ bé ở Village và lại nói chuyện, nói mãi. Lúc này đã biết anh, tôi nhận ra anh thật khác lạ với bản thân anh, vì anh vốn rất ít nói với người không quen. Cuối cùng, tôi bật cười. Trông Dana rất sửng sốt:

- Em cười gì thế?

- Chắc anh tưởng em là con điên.

- Đúng thế. Anh đã nghĩ em điên thật.

- Em sẽ có đứa con của anh – trông anh chẳng có vẻ gì hài lòng lúc nghe anh sẽ là người cha tương lai của con tôi. Thay vào đó, anh nhìn tôi trừng trừng như thể muốn nói "Người phụ nữ này điên thật" – Em biết anh nghĩ thế này thật lạ lùng, nhưng em chỉ muốn nói chuyện với anh. Nhưng thôi, hãy quên chuyện này đi.

Anh ngồi lặng yên, chăm chú nhìn tôi, tôi có thể thấy anh rất bối rối. Và chẳng có gì là ngạc nhiên. Thậm chí tôi còn chưa biết tên đệm của anh. Sau này, anh kể lúc đó anh nghĩ "Mình không muốn gặp cô ấy lần nữa. Mình phải tránh người đàn bà này thôi. Cô ta giống một kẻ theo đuổi điên rồ trong "Sự hấp dẫn chết người".

Sau bữa tối, Dana đưa tôi về nhà, nhưng anh hết sức lặng lẽ. Ngày hôm sau, tôi rất giận mình. Tôi không thể tin nổi mình đã nói những điều trơ tráo đến thế. Nhưng đồng thời, hình như nó có vẻ thông thường nhất, như là nói "Ôi, hôm nay trời sẽ mưa" vậy. Cũng chẳng có gì lạ khi suốt tuần sau tôi chẳng thấy anh gọi. Cuối cùng, tôi chịu thua và gọi cho anh:

- Em đang ở đâu đấy? – anh hỏi.

- Ở nhà bạn em, anh có muốn gặp nhau không?

- Ôi Chúa. Có, có chứ. Chúng ta đi ăn trưa nhé?

- Em yêu anh.

- Anh cũng yêu em.

Tôi đặt ống nghe xuống quá đỗi bàng hoàng và sợ hãi vì vừa nói với người đàn ông này là tôi yêu anh, sau khi tôi đã thề là phải cư xử cho đúng đắn. Không được nói chuyện về con cái, về bất cứ thứ gì như thế, vậy mà vừa rồi lại nói với anh là tôi yêu anh. Ôi Waris, sao mi lại đổ đốn ra thế? Thông thường, mỗi khi bất cứ người đàn ông nào để ý đến tôi, tôi đều bỏ chạy. Tôi biến mất. Còn lúc này đây, tôi lại theo đuổi người đàn ông tôi vừa quen biết. buổi tối gặp Dana, tôi mặc chiếc áo len dài tay màu xanh lá cây, mái tóc tôi quăn dài, hoang dã. Sau này anh kể rằng đêm hôm ấy ngoảnh đi đâu anh cũng chỉ thấy CHIẾC ÁO LEN MÀU LÁ CÂY VÀ MÁI TÓC QUĂN DÀI. Tôi giải thích rằng vì một lý do nào đó – lần đầu tiên trong đời tôi – tôi rất muốn có một người đàn ông. Tôi không thể cắt nghĩa nổi vì sao tôi lại cảm thấy như thể tôi đã biết anh suốt cả đời.

Dana và tôi gặp nhau, ăn trưa và lại nói chuyện, nói mãi, nói mãi về đủ thứ trên đời. Hai tuần sau, tôi sống với anh tại nhà anh ở Harlem. Sáu tháng sau chúng tôi quyết định sẽ kết hôn.

Sau khi chung sống với nhau gần một năm, bất ngờ một hôm Dana nói:

- Anh nghĩ rằng em đang có thai.

Tôi kêu lên:

- Anh nói gì thế? Ơn Chúa!

- Chúng ta đến tiệm thuốc đi.

Tôi phản đối nhưng anh không chịu. Chúng tôi đến tiệm thuốc và mua đồ thử thai đem về nhà. Nó chỉ dương tính.

- Anh không tin vào cái thứ nhảm nhí này chứ? – tôi hỏi và chỉ vào cái hộp.

Anh cầm cái hộp lên và rút ra một que thử khác.

- Làm lại lần nữa xem.

Lần này cũng dương tính. Tôi cảm thấy buồn nôn, như tôi hay nôn nao mỗi kỳ hành kinh. Nhưng lần này khác hẳn. Tôi thấy tệ hơn thường lệ, và đau hơn. Song tôi không nghĩ mình có thai. Tôi tưởng có điều gì nguy kịch, tôi tưởng mình sắp chết. Tôi đến bác sĩ và được giải thích mọi sự. Ông làm xét nghiệm máu và tôi đợi suốt ba ngày khổ sở để chờ kết quả. Trời đất quỷ thần ơi! Sắp xảy ra chuyện gì đây? Có khi mình bị một bệnh kinh khủng nào đấy và ông ấy không muốn nói với mình?

Cuối cùng, một buổi chiều tôi về nhà và Dana nói:

- Em này, bác sĩ gọi điện đấy.

Bàn tay tôi chẹn lên cổ họng:

- Chúa ơi, ông ấy nói sao?

- Ông ấy bảo là muốn nói chuyện với em.

- Sao anh không hỏi ông ấy?

- Ông ấy bảo khoảng mười một, mười hai giờ ngày mai sẽ gọi cho em đấy.

Đêm ấy là đêm dài nhất trong đời tôi, tôi nằm đó không biết tương lai mình sẽ ra sao. Ngày hôm sau lúc chuông điện thoại reo, tôi vồ lấy ngay. Bác sĩ nói:

- Tôi có tin cho cô đây, cô không còn một mình nữa đâu – trời đất ơi, ra thế! Không còn một mình nữa – nghĩa là u bướu khắp người!

- Ô không. Như thế nghĩa là gì vậy?

- Cô đang có thai, cô có thai được hai tháng.

Lúc nghe những lời này tôi như bay lên chín tầng mây. Dana cũng hài lòng vì suốt đời anh chỉ muốn được làm cha. Ngay lập tức, cả hai chúng tôi đều biết sẽ là con trai. Nhưng điều quan tâm đầu tiên của tôi là sức khoẻ đứa bé. Tôi đến bác sì sản khoa thứ hai, và cũng được biết tôi đang mang thai. Lúc bác sĩ làm siêu âm, tôi nói với bà đừng bảo tôi giới tính của đứa trẻ.

- Xin bác sĩ cho biết cháu có ổn không?

Bà ta nói:

- Cháu khoẻ, hoàn toàn khoẻ mạnh – đấy chính là những lời tôi ao ước được nghe.

Lẽ tất nhiên Nigel là trở ngại rất lớn trong cuộc hôn nhân hạnh phúc của tôi với Dana. Khi tôi có thai bốn tháng, chúng tôi quyết định cùng về Wales để giải quyết mọi sự với Nigel. Lúc đến London, tôi bị ốm vì cứ sáng là nôn và bị cảm lạnh. Chúng tôi ở nhà một người bạn, vài ngày sau, tôi hồi phục và thu hết can đảm gọi điện cho Nigel. Nhưng lúc tôi gọi, anh ta bảo cũng bị cảm lạnh nên tôi phải hoãn cuộc đến thăm.

Dana và tôi đợi ở London mất hơn một tuần. Nigel mới có đủ sức tiếp. Tôi gọi điện báo lịch trình của xe lửa để Nigel chúng tôi đón chúng tôi tại nhà ga, và nói:

- Tôi muốn để anh biết là Dana đi cùng tôi. Và tôi không muốn có chuyện rắc rối, được không?

- Tôi không muốn gặp anh ta. Bây giờ tôi sẽ nói với cô chuyện đó. Đây là chuyện giữa cô và tôi.

- Nigel!

- Tôi không quan tâm. Tôi không quan tâm. Chuyện này chẳng dính dáng gì đến anh ta hết.

- Hiện giờ có nhiều thứ liên quan đến anh ấy. Anh ấy là vị hôn phu của tôi. Anh ấy là người tôi sắp kết hôn. Anh rõ chưa? Và bất cứ việc gì tôi phải làm ở đây, anh ấy sẽ cùng làm với tôi.

- Tôi không muốn gặp anh ta và cứ như thế đấy.

Vậy là Nigel yên trí tôi sẽ đi xe lửa một mình đến Wales. Lúc tôi ra khỏi xe lửa, anh ta đang đợi,dựa vào cây cột ở bãi đậu xe và hút thuốc như thường lệ. Trông Nigel ốm yếu hơn lần Cuối cùng tôi gặp nhiều. Giờ đây tóc anh ta trụi hết, và dưới mắt là những quầng thâm.

Tôi quay sang Dana nói:

- Anh ta đấy. Bây giờ hãy bình tĩnh nhé.

Chúng tôi đi đến chỗ Nigel, và tôi chưa kịp mở miệng anh ta đã nói:

- Tôi đã bảo cô là tôi không muốn gặp mặt anh ta, tôi đã bảo thế rồi. Điều đó rất rõ ràng. Tôi đã nói điều đó rất rõ ràng. Tôi muốn gặp một mình cô thôi.

Dana buông các túi xắc lên vỉa hè:

- Này, anh đừng có nói với cô ấy như thế, và cũng đừng có nói với tôi như thế. Tại sao anh muốn gặp một mình cô ấy? Có việc gì ở đây vậy? Anh muốn gặp cô ấy một mình ư? Vậy thì tôi không muốn anh gặp mình cô ấy. Nếu anh nói câu ấy lần nữa, tôi sẽ đá vào cái mông khốn kiếp của anh.

Nigel càng tái xanh hơn bao giờ hết.

- Thôi được…nhưng xe không đủ chỗ.

- Tôi không cần đi xe của anh. Chúng tôi có thể gọi taxi. Hãy chở giúp số đồ đạc này.

Nhưng lúc đó Nigel đi thật nhanh đến xe của anh ta và nói với qua vai:

- Không, không, không. Đấy là việc tôi không thể làm – anh ta nhảy vào xe, khởi động máy và chạy ầm ầm qua chúng tôi lúc Dana và tôi đứng cạnh một lô túi xắc nhìn anh ta lái qua.

Chúng tôi quyết định tốt nhất là tìm một khách sạn. Thật may là ngay cạnh nhà ga có một nhà trọ. Nó bé tí và bừa bộn, nhưng trong hoàn cảnh này, đấy là thứ ít phàn nàn nhất. chúng tôi ra ngoài gọi đồ ăn Ý nhưng chẳng thấy ngon miệng nên chỉ ngồi đó rầu rĩ ngắm món ăn, cho đến lúc trở về phòng.

Sáng hôm sau tôi lại gọi cho Nigel:

- Tôi chỉ muốn lấy đồ đạc của tôi thôi, được không? Nếu anh không muốn giúp việc này thì quên nó đi vậy. Chỉ cho tôi xin lại đồ đạc của tôi.

Chẳng ăn thua gì. Lúc này Dana và tôi phải dọn đến một khách sạn vì nhà trọ chúng tôi nghỉ đêm qua đã được đặt trước hết, và chúng tôi muốn có một chỗ dễ chịu hơn. Chỉ có Chúa mới biết Nigel còn kéo dài chuyện này bao lâu nữa. chúng tôi tìm được chỗ khác để ở, và dọn đến xong, tôi lại gọi điện:

- Sao anh cứ ngốc nghếch mãi thế? Sao anh lại làm thế? Chuyện này sẽ kéo dài bao nhiêu năm nữa? Bảy năm? Tám năm? Giờ hãy gặp nhau đi.

- Thôi được, cô muốn gặp tôi, thì được. Nhưng chỉ một mình cô thôi. Tôi sẽ đón cô ở khách sạn, nhưng nếu anh ta cùng đi thì thôi đấy. Tôi sẽ lái xe đi ngay. Không, chỉ một mình cô thôi.

Tôi thở dài, nhưng thấy không còn cách nào khác nên đành ưng thuận.

Tôi treo máy lên và giải thích tình hình với Dana:

- Em xin anh Dana, hãy để em đến đấy một mình xem liệu có thể thuyết phục được anh ta không. Cứ để em làm việc này.

- Đành vậy, nếu em nghĩ là có thể làm thế. Nhưng nếu anh ta động đến em thì anh ta sẽ lãnh đủ. Anh bảo cho em biết, anh không thích cái chuyện rác rưởi này, nhưng nếu đấy là điều em muốn làm thì anh không thể ngăn được – Tôi bảo Dana loanh quanh trong khách sạn và tôi sẽ gọi anh nếu cần đến anh.

Nigel đón tôi và chúng tôi đến căn nhà anh ta đang thuê. Chúng tôi vào nhà, và anh ta mời tôi uống trà. Tôi nói:

- Nigel, đấy là người tôi sắp kết hôn, và tôi đang mang thai đứa con của anh ấy. Chẳng gì vớ vẩn hơn cái thế giới nhỏ bé hão huyền của anh, trong đó tôi là người vợ quý báu của anh và chúng ta có một cuộc sống chung. Chuyện ấy chấm dứt rồi. bây giờ, chúng ta hãy làm việc đó. Tôi muốn ly dị ngay bây giờ, ngay trong tuần này. Tôi sẽ không về New York chừng nào chúng ta chưa thanh toán xong cái đống rác này.

- Được, vậy trước hết, tôi sẽ không ly dị với cô cho đến khi nào cô trả cho tôi toàn bộ số tiền cô nợ tôi.

- Ơ kìa, tôi nợ anh tiền? Bao nhiêu vậy? Ai đã làm việc và cho anh tiền suốt từng ấy năm?

- Đấy là số tiền trả cho đồ ăn thức uống của cô đã ăn.

- Thôi được rồi, tôi hiểu. Thậm chí ngay cả khi tôi không ở đây. vì anh cứ bị ám ảnh mãi về chuyện tiền nong, vậy là bao nhiêu?

- Ít nhất là bốn chục ngàn bảng.

- Hả? Tôi lấy đâu ra chừng đó tìền? tôi không có đâu.

- Tôi không quan tâm. Tôi không quan tâm. Tôi không quan tâm. Tôi nói rồi, mọi sự sẽ là thế. Cô nợ tôi tiền, và tôi sẽ không đi đâu hết, tôi sẽ không cho cô ly dị hoặc bất cứ thứ gì. Cô sẽ không bao giờ được tự do, trừ khi cô trả số tiền nợ cho tôi. Tôi bán nhà cũng vì cô.

- Anh bán nhà vì anh không thể trả nổi khoản tiền thế nợ, còn tôi đã chán ngấy việc đó rồi. tất cả việc anh cần làm là kiếm cho mình một công việc, nhưng anh không thể làm được.

- Cái gì? Kiếm việc làm ư? Tôi sẽ làm việc kiểu gì? Làm ở McDonald chắc?

- Nếu làm việc để trả tiền thế nợ, thì sao lại không?

- Đấy không phải là thứ tôi làm thành thạo.

- Vậy anh thạo cái quỷ gì vậy?

- Tôi là một nhà môi trường học.

- Thì đúng thế rồi. Tôi đã kiếm chi anh một việc và họ đã sa thải anh, họ bảo anh đừng có quay lại nữa. Chẳng đổ tại ai ngoài anh, và tôi không chịu nổi cái chuyện vớ vẩn này nữa. Tôi sẽ không cho anh một xu, anh có hiểu không? Anh có thể lấy cái quyền đảm bảo ngớ ngẩn của anh ra mà đập vào mông anh. Rõ ràng là không thể nói chuyện với anh hơn được nữa. cuộc hôn nhân của chúng ta không thực tế, và nó không hợp pháp vì chúng ta chưa bao giờ thực sự gần gũi nhau.

- Điều đó không đúng. Không phải là bây giờ. Đừng có giở luật ra lúc này. Cô đã lấy tôi và tôi sẽ không bao giờ để cô thoát, Waris. Con của cô sẽ là con hoang suốt đời.

Tôi ngồi đó nhìn anh ta trân trối, và sự thương hại nhỏ bé tôi đã từng có với anh ta chai điếng, rắn lại thành lòng căm hận. Tôi nhận ra sự trớ trêu khủng khiếp của tình hình. Tôi đã quyết định lấy anh ta lúc anh ta háo hức giúp tôi "vì đây là ý của đức Allah". Vì em gái anh ta là người bạn tốt của tôi, tôi cảm thấy nếu có gì rắc rối, cô ta sẽ đứng ra can thiệp giùm. Nhưng cô không ở gần đây.

- Tôi sẽ ly dị, Nigel ạ, dù anh có thuân tình hay không. Chúng ta không còn gì để nói nữa.

Anh ta nhìn tôi giây lát, vẻ rất nghiêm nghị, rồi nói khẽ:

- Được, nếu tôi không có cô, tôi sẽ chẳng có gì hết, tôi sẽ giết cô rồi tự tử.

Tôi lạnh cứng người, cố suy nghĩ xem nên làm gì, rồi nói lừa:

- Dana sắp đến đây đón tôi. Nếu tôi là anh, tôi sẽ không làm gì hết.

Tôi biết phải ra khỏi đây ngay lập tức, vì lúc này anh ta đã thực sự điên tiết lên rồi. Tôi cúi xuống cầm xắc ở trên sàn và anh ta đẩy tôi thật mạnh từ phía đàng sau. Đầu tiên, tôi đâm sầm vào mặt chiếc máy stereo, rồi lăn tròn trên sàn gỗ cứng, ngã ngửa. Tôi nằm đóm, sợ quá không cử động nổi. Trời ơi, con tôi! Tôi đờ người vì sợ con tôi bị thương. Tôi đứng dậy rất từ từ.

- Mẹ kiếp, cô không sao chứ? – anh ta gào lên.

- Không, tôi không sao – tôi nói bình tĩnh. Lúc này tôi mới hiểu đến đây một mình mới ngốc làm sao, và chỉ muốn ra khỏi đây nguyên vẹn – không sao, tôi ổn mà – anh ta giúp tôi đứng dậy. ra vẻ bình tĩnh, tôi mặc áo khoác.

- Tôi sẽ đưa cô về nhà. Lên xe – lúc này anh ta lại nổi đóa.

Trong lúc Nigel lái xe, tôi ngồi và nghĩ "Anh ta căm ghét đứa bé này và không sung sướng gì hơn là thấy nó chết. Nhỡ anh ta lái xe lao khỏi vách đá?" Tôi thắt dây an toàn. Trong lúc đó anh ta gào thét, chửi rủa, gọi tôi bằng đủ thứ tên anh ta nghĩ ra. Tôi chỉ ngồi yên, nhìn thẳng về phía trước, sợ nói một lời là anh ta sẽ đánh tôi. Lúc này tôi tê điếng cả người, không còn nghĩ gì đến bản thân nhưng rất lo cho đứa bé. Tôi là một người hăng hái, nếu tôi không có thai, ắt tôi sẽ rứt đứt "hòn bi" của anh ta.

Lúc đến khách sạn, Nigel hét lên:

- Rõ chưa? Cô chỉ ngồi ỳ ra đấy, câm tịt cái mồm, sau tất cả những gì tôi làm cho cô!

Việc thứ hai lúc anh ta dừng xe và với tay qua tôi để mở cửa, là đẩy tôi ra đất. Một chân tôi vẫn vướng trong xe, tôi nằm xoài trên sàn xe. Tôi cố thoát khỏi xe và chạy lên phòng.

Lúc Dana mở cửa, nước mắt giàn giụa trên mặt tôi.

- Có chuyện gì thế? Hắn đã làm gì em?

Tôi biết rõ là nếu tôi kể thật với Dana, anh sẽ giết Nigel rồi ngồi tù, và tôi sẽ phải nuôi con một mình.

- Không, có gì đâu. Anh ta chỉ ngu xuẩn như thường lệ thôi. Và không trả em đồ đạc – tôi xỉ mũi.

- Chỉ thế thôi ư? Thôi nào Waris, em quên cái thứ vớ vẩn ấy đi, nó chẳng đáng để khóc thế.

Dana và tôi bay chuyến đầu tiên về New York.

Giờ đây nhìn lại thời gian đó, dù cách anh ta cư xử với tôi trong thời gian cuối, tôi vẫn biết ơn vì thực ra anh ta thường đứng về phía tôi và đã giúp tôi nhiều lúc tôi thực sự bơ vơ ở Anh.

Tôi có mang được tám tháng, một nhà nhiếp ảnh người Phi nghe tin tôi có thai bèn đề nghị chụp ảnh tôi. Anh ta mời tôi đến Tây Ban Nha, nơi anh ta đang làm việc. Hồi này tôi thấy rất khoẻ khoắn nên không sợ phải đi. Tôi biết người ta cấm phụ nữ có thai hơn sáu tháng bay, nhưng tôi mặc áo rộng lùng thùng và lẻn lên khoang máy bay. Anh ta đã chụp cho tôi nhiều bức ảnh rạng rỡ cho tờ Marie Claire.

Nhưng trong lúc có thai tôi phải bay thêm lần nữa. Hai mươi ngày trước khi sinh, tôi bay đến Nebraska, đến với gia đình Dana để họ chăm sóc tôi sau khi sinh con. Tôi ở cùng cha mẹ Dana ở Omaha. Anh đang có nhiều hợp đồng biểu diễn ở các câu lạc bộ và dự định tuần sau mới tới. Tôi vừa đến được ít ngày, một buổi sáng tôi thấy bụng mình khang khác, tôi biết tối hôm trước đã ăn thứ gì nên mới khó tiêu đến thế. Tình trạng ấm ách này kéo dài suốt ngày hôm đó, nhưng tôi không nói ra. Sáng hôm sau tôi đau bụng dữ dội. Rồi tôi chợt hiểu có thể không phải là một cơn đau bình thường. Có lẽ tôi sắp sinh.

Tôi gọi điện cho mẹ của Dana ở chỗ làm việc và nói:

- Con bị đau lạ lắm, cứ đau rồi thôi. Con đã đau suốt cả ngày và đêm hôm qua. Nhưng càng ngày càng đau hơn. Con không biết là đã ăn phải thứ gì, nhưng con thấy lạ lắm.

- Waris, tạ ơn Trời. Con đang đau đẻ đấy.

Ôi lúc đó tôi hạnh phúc biết bao, vì sắp có con. Tôi gọi cho Dana ở New York và bảo anh:

- Em nghĩ là em sắp sinh!

- Không, không, không! Em không thể sinh con cho đến lúc anh đến đấy. GIỮ LẤY ĐỨA BÉ NHÉ! Anh sắp đến, anh sẽ bay ngay bây giờ.

- Anh đến mà giữ nó! Em làm thế sao được? Giữ lấy đứa bé!

Trời ơi những người đàn ông ngốc nghếch! Nhưng tôi muốn Dana có ở đây lúc tôi sinh đứa con đầu lòng của chúng tôi, và tôi sẽ thất vọng nếu anh không nhìn thấy. Lúc trước tôi đã nói chuyện với mẹ anh, bà gọi đến bệnh viện và y tá đã khám cho tôi. Chị ta nói nếu muốn dễ đẻ, tôi nên đi lại. Tôi mường tượng nếu tôi không muốn đẻ ngay, nghĩa là phải làm ngược lại, vì thế tôi nằm thật yên.

Chiều hôm sau, Dana mới tới. Lúc này tôi đã đau suốt ba ngày. Lúc cha anh ra sân bay đón anh, tôi đang hổn hển nặng nhọc:

- Ô, ô, ô…EEE! A! Khốn kiếp! Trời ơi!

- Đếm đi, Waris, đếm đi! – mẹ Dana kêu to. Chúng tôi quyết định đến bệnh viện nhưng không thể đi được vì cha Dana đã lấy xe ra sân bay. Lúc ông lái về, họ chưa kịp vào nhà, chúng tôi đã hét lên – Vào xe đi, đến bệnh viện!

Chúng tôi đến bệnh viện lúc mười giờ, và đến mười giờ sáng hôm sau tôi vẫn còn đau.

- Tôi muốn đi lộn ngược trên cây! – tôi vẫn la hét.

Tôi biết điều này là bản năng hoàn toàn thú vật như bản năng của một con khỉ, vì súc vật vẫn làm như thế. Chúng di chuyển loanh quanh, ngồi, ngồi xổm, chạy và đu ngược cho đến lúc sinh con. Chúng không chịu nằm. Kể từ hôm đó Dana gọi tôi là Khỉ. Anh la the thé "A a a, tôi muốn đu lộn ngược trên cây".

Trong lúc chúng tôi đang ở trong phòng sinh, người đang mong làm cha dỗ dành:

- Thở đi bé, thở đi nào.

- Khốn kiếp! Xéo đi! Tôi sẽ giết anh, đồ khốn kiếp!

Trời ạ, tôi những muốn bắn chết anh. Tôi muốn chết, và trước khi chết, tôi muốn biết chắc là đã giết chết anh.

Cuối cùng, đến trưa, khoảnh khắc ấy mới đến. Tôi phải cám ơn vị bác sĩ đã mổ cho tôi ở London, vì tôi không thể hình dung nổi vượt qua cơn đau ra sao khi tôi vẫn còn bị khâu kín. Sau khi chờ đợi chín tháng và chịu đau ba ngày liền, đứa bé là một phép màu kỳ diệu. Ô ô ô! Sau những thời khắc đó, tôi vui mừng nhìn thấy bé, đứa con nhỏ bé dường này. Nó xinh xắn, có mái tóc đen óng ánh, cái miệng nhỏ xíu, bàn chân và ngón tay dài. Nó dài năm chụ centimét, nặng gần hai ký tám. Con tôi nói "A a" ngay lập tức và bắt đầu nhìn quanh phòng rất tò mò. Đây là cái gì vậy? Đây là cái gì? Đây là ánh sáng? Ắt bé phải cảm thấy thích thú ghê lắm sau chín tháng trong cảnh tăm tối.

Tôi đã nói với các nhân viên y tế là ngay sau khi sinh, tôi muốn đặt đứa trẻ lên ngực tôi, để nguyên nó còn nhớp nháp với các thứ. Họ làm đúng như thế, và ngay từ lúc đầu tiên ôm lấy nó, tôi đã hiểu câu người mẹ nào cũng nói với tôi là sự thật: Khi bế đứa con mới sinh, sẽ chẳng còn đau đớn nào nữa. Chỉ còn duy nhất một niềm vui.

Tôi đặt tên cho con là Aleeke, tiếng Somali nghĩa là Sư tử dũng mãnh. Nhưng lúc này, với cái miệng bé xíu cong lên, đôi má phúng phính, vòng tóc quăn, trông bé như thần Cupide da đen hơn là một con sư tử. Vầng trán rộng, mượt mà giống tôi như đúc. Lúc tôi nói chuyện với nó, nó chúm miệng lại như mỏ chim sắp hót. Từ lúc ra đời, nó là đứa trẻ hết sức tò mò, lặng lẽ nhìn ngắm mọi vật và khám phá thế giới mới mẻ của nó.

Hôi tôi còn bé, tôi rất mong đến tối để về nhà sau khi dồn đàn gia súc, và nằm trong lòng mẹ tôi. Bà vuốt ve đầu tôi, ban cho tôi cảm giác thanh thản và yên bình. Giờ đây tôi làm thế với Aleeke và lúc tôi làm thế, nó cũng thích lắm. Tôi nhè nhẹ xoa đầu nó và nó ngủ thiếp ngay trên tay tôi.

Từ ngày sinh con, cuộc đời tôi biến đổi hẳn. Giờ đây, bé là tất cả đối với tôi, là niêm hạnh phúc vô bờ của tôi. Tôi gạt sang bên mọi chuyện lặt vặt ngớ ngẩn mà tôi hay lo lắng và phàn nàn. Tôi nhận thức được rằng chẳng còn vấn đề gì là quan trọng nữa. Cuộc sống – khả năng sống – mới là quan trọng, và tôi nhớ mãi điều đó khi sinh đứa con trai của tôi.