Hoa mận trắng

NGƯỜI LÀM ĐỒ CHƠI

Bác bên cạnh nhà tôi là một người làm đồ chơi bằng bột màu rất tài. Tôi không hiểu bác về đây từ bao giờ, chỉ biết khi tôi sinh ra, lớn lên đã thấy bác ở phố này và tóc đã bạc rồi. Bác sống một mình. Người ta bảo ngày xưa bác đã từng theo một gánh hát tuồng đi lưu lạc nhiều nơi. Vợ con bác đều đã mất từ lâu. Giờ thì bác già rồi không còn ý định lập gia đình nữa.

Tôi thì tôi cảm thấy bác không sống một mình, vì bác luôn luôn có những người bạn do bác làm ra: những ông Quan Công, ông Trương Phi, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới…, rồi những con gà, con vịt, con rồng các màu rực rỡ. Chưa bao giờ tôi thấy bác có vẻ buồn. Bác thường vừa làm vừa hát tuồng hoặc nói chuyện với các nhân vật của bác.

Buổi tối tôi hay sang chơi nhà bác, xem bác nhào bột, pha màu. Mỗi khi thấy tôi sang, bác rất vui: Bác cho tôi chọn một trong những con đồ chơi mà tôi thích nhất. Bác kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện, nhất là chuyện về những nhân vật đồ chơi của bác. Bác bảo: “Vịt với gà tuy khác giống nhưng lại rất thương yêu nhau vì loài vịt đều là con nuôi của loài gà. Từ ngày xưa, vịt tuy hiền và tốt nhưng lại rất vụng, chỉ biết đẻ trứng mà chẳng biết ấp và nuôi con. Gà thấy vậy liền nhặt những quả trứng của vịt về ấp cùng với trứng của mình. Vịt con nở ra ngơ ngác giữa chị em gà con. Vịt con cũng theo mẹ con gà đi kiếm ăn, nhưng khi gặp hồ nước thì lao xuống ngụp lặn. Gà mẹ lồng lộn trên bờ lo cho con chết đuối, trong khi vịt con vẫn bình thản bơi đi… Sau rồi mẹ gà con vịt cũng quen cái cảnh sinh hoạt tách rời nhau, nhưng gà vẫn thương vịt và vịt vẫn biết ơn gà”. Khi rõ lai lịch câu chuyện, tôi nhìn con vịt và con gà bằng bột của bác cắm cạnh nhau, dáng vẻ nhìn nhau rất âu yếm.

Bác còn kể chuyện về Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh, Quan Công và Trương Phi đánh nhau với Tào Tháo… Bác thường hát cho tôi nghe câu hát mà bác bảo là trong vở tuồng “Trương Phi hồi cổ thành”:

… Lao xao… a… sóng vỗ ngọn tùng…

Gian nan là nợ a… anh hùng phải vay…

Điệu hát thật là buồn và hùng tráng.

Ở ngoài phố, ngọn cái sào nứa buộc cái chổi xuể cắm đồ chơi của bác dựng chỗ nào là chỗ đó các bạn nhỏ xúm xít lại. Không chỉ xem đồ chơi mà các bạn còn muốn xem cách làm các đồ chơi ấy. Từ những ngón tay đen xạm và thô nháp của bác dần hiện ra những con rồng đang leo, đang múa, những con vịt ngây thơ chậm chạp, những con gà tinh nhanh, chăm chỉ… Ai xem cũng không biết chán. Tôi được cái may mắn hơn các bạn là biết rõ lai lịch những đồ chơi ấy. Cho nên chắc chắn là tôi thích chúng hơn các bạn nữa kia.

Ngày tháng cứ qua đi như vậy, bác Nhân rất vui, vui với đồ chơi bác làm ra, đó là những cái cầu nối liền bác với bao bạn nhỏ.

Mỗi buổi chiều đi bán hàng về bác lại kể cho tôi nghe là đồ chơi của bác được các bạn nhỏ thích thú như thế nào. Tôi nhớ nhất một chuyện bác kể: “Có chú bé nhìn đồ chơi của bác một cách rất thèm đến phát khóc mà không dám hỏi mua. Sau bác biết chú chỉ có hào rưỡi, đồ chơi của bác thì những hai hào. Thế là bác liền bán rẻ cho chú năm xu…”

Mấy năm gần đây, những đồ chơi của bác không được đắt hàng như trước. Ở cổng công viên, bên cạnh nơi bác vẫn hay đứng bán hàng, có thêm mấy hàng đồ chơi bằng nhựa.

Đồ chơi bằng nhựa ngày càng nhiều, nhất là từ khi giải phóng Sài Gòn. Súng ống, máy bay, xe tăng toàn bằng nhựa. Lại có những thằng người cưỡi xe máy phóng như bay cũng bằng nhựa. Các con lợn, gà, voi, khỉ đều bằng nhựa. Đồ chơi bằng nhựa, gián không gặm được đã đành mà còn tha hồ đánh rơi cũng không vỡ.

Không hiểu các bạn nhỏ có thích đồ chơi đó không nhưng chắc chắn là bố mẹ các bạn rất thích cho nên hay mua cho các bạn, vì nó bền.

Tôi thì tôi không thích những đồ chơi bền, vì bền quá thì cũ và xấu, thế là mình chán. Vậy nên tôi vẫn cứ thích bằng bột màu của bác Nhân hơn. Đồ chơi đó luôn luôn được làm lại. Và mỗi lần được làm lại, nó lại mang một dáng vẻ mới, sinh động lạ lùng!

Bác Nhân càng ngày càng ế hàng, có những ngày chỉ bán được bốn, năm con đồ chơi. Một hôm bác bảo tôi:

- Bác sắp về quê đây, cháu có nhớ bác không?

- Có. Nhưng bao giờ bác lại ra?

- Bác về mãi. Về làm ruộng ở quê.

- Thế bác không làm đồ chơi nữa à? – Tôi ngơ ngác hỏi bác.

- Có, nếu cháu thích, thỉnh thoảng bác sẽ làm gửi cho cháu. – Thấy tôi cứ bần thần đứng đó, bác lại nói – Tuy vậy, thỉnh thoảng bác cũng có thể ra chơi thăm cháu.

Không muốn để bác biết là tôi sắp khóc, tôi cố gắng tỏ ra bình thản:

- Thế bao giờ bác về?

- Ngày kia.

- Đừng, bác đừng về. Bác ở đây làm đồ chơi bán cho chúng cháu.

- Bác cũng muốn thế lắm chứ, nhưng cháu biết đấy, độ này chả còn mấy người mua thứ đó nữa.

- Cháu mua.

- Nhưng cháu làm sao mua được tất cả đồ chơi bác làm ra hàng ngày?

- Cháu sẽ rủ các bạn cháu mua.

- Cháu tôi! – Bác cảm động ôm lấy tôi – Cháu chẳng hiểu gì cả! Cháu chỉ nên nhớ một điều là bác không muốn xa cháu, xa các bạn nhỏ như cháu, nhưng hoàn cảnh bác nó thế, cần phải thế. Bác già rồi, không thể sống một mình mãi được. Hiện bác còn một người cháu ở quê, anh ấy đã có vợ con, không còn bố mẹ, họ hàng thân thuộc chẳng còn ai nên muốn đón bác về, trước là chú cháu được gần gũi, sau là trông nom gia đình cho anh ấy, anh bảo chú cũng như cha, anh muốn được trông nom săn sóc bác lúc tuổi già. Còn một ít bột, màu, bác sẽ nặn và bán nốt trong ngày mai.

- Nếu như bán chưa hết thì ngày kia bác có về không?

- Cũng về. Vì thực ra không phải bác chỉ muốn bán hết hàng mà bác muốn được gặp gỡ các khách hàng nhỏ bé của bác trong ngày mai.

Không nói thêm được gì nữa, tôi chạy vụt về nhà, vì rằng nếu đứng đó thêm, tôi sẽ khóc òa lên mất. Bao nhiêu điều lộn xộn diễn ra trong tôi: “Những con gà, con vịt, những ông tướng bằng bột màu rực rỡ… Những câu chuyện mà bác Nhân thường kể cho tôi nghe, rồi điệu hát tuồng hùng tráng và buồn bã… Ngày mai, chỉ còn ngày mai nữa thôi. Cháu cũng muốn được thấy bác vui vẻ như những lần bác đắt hàng nhất trở về”. Đêm ấy, tôi không sao chợp mắt được. Chờ cả nhà ngủ rồi, tôi vùng dậy lấy con lợn đất của tôi, đập ra và đếm được hơn mười đồng cành cạch. Tôi cất số tiền vào ngăn cặp sách rồi lại lên giường nằm. Sáng hôm sau đi học, tôi nói với một số bạn thân cùng lớp đầu đuôi câu chuyện về bác Nhân và tôi muốn các bạn giúp tôi bằng cách chia món tiền ấy ra mua giúp cho tôi những đồ chơi của bác. Tôi yêu cầu các bạn giữ bí mật điều này.

Chiều, tôi nôn nóng qua nhà bác mấy lần chờ “kết quả”. Mãi bác vẫn chưa về! Cuối cùng tôi trông thấy bác tất tả từ đầu phố, nét mặt rạng rỡ, tay bác cầm cái sào nứa còn cắm hai con đồ chơi: Một con gà và một ông Trương Phi. Vừa trông thấy tôi, bác đã nói như reo lên:

- Bác bớt lại hai cái này để làm quà cho cháu. Hôm nay bác bán hết hàng, giá còn nữa bán cũng hết. Thì ra vẫn còn nhiều bạn nhỏ thích đồ chơi của bác. Thế mà bác cứ tưởng những đồ chơi nhà quê ấy chẳng còn ai để ý nữa rồi. Giá mà cháu được thấy những con mắt đen láy láy nhìn theo bàn tay bác nặn đồ chơi thì cháu mới hiểu được là bác đã vui như thế nào. Có chú nhóc mua tới ba, bốn con nữa kia. Chúng cứ tấm tắc khen là đẹp, là lạ! Ngày hôm nay thật là kỳ lạ! Khi về quê bác cũng sẽ nặn đồ chơi để bán. Nghe nói trẻ ở nông thôn còn thích thứ này hơn cả trẻ thành phố…

Rồi bác giả vờ vuốt râu, co chân theo thế múa tuồng, hát hai câu bác vẫn thường hát:

… Lao xao… a… sóng vỗ ngọn tùng…

Gian nan là nợ a… anh hùng phải vay…

Cho mãi tới bây giờ, tôi vẫn nhớ rất rõ những con đồ chơi bằng bột màu rực rỡ với cái điệu hát tuồng hùng tráng và buồn bã ấy.

HẾT