- Tớ có một người anh lái máy bay, anh ấy rất giỏi – Bạn Tâm khoe – anh ấy bay cao lắm và biết được trên trời có những gì. Khi mưa, anh ấy ở trên cơn mưa nên không bị ướt. Khi nắng, máy bay anh ấy là sát thành phố, có thể thấy rõ cả cái nhà anh ở và trông rõ cả tớ nữa. Anh ấy mỉm cười vẫy tớ, có khi còn ném cả thư cho tớ nữa.
- Thế trong thư, anh cậu viết những gì? – Bạn Loan hỏi.
- Trong thư anh ấy bảo: “Tâm ơi, anh trông thấy em rồi đấy. Em đang xách chai nước đi đổ dế kìa. Em đang vẫy anh phải không?”.
- Sao? Thế thư đâu?
- Tớ bỏ quên ở nhà rồi.
- Thế thì bọn tớ chẳng tin đâu. – Tất cả đều cười, làm Tâm ức quá phát khóc lên được.
- Còn tớ, tớ có một người chú lái tàu thủy kia. Chú ấy thường kể cho tớ nghe bao nhiêu là chuyện ly kỳ ở tận dưới đáy biển, lại còn mang cả quà về cho tớ nữa: Rất nhiều vỏ ốc đẹp, những cây san hô màu đỏ, màu trắng nhé, lạ lắm!
Loan lấy trong cặp ra một chiếc vỏ ốc màu hồng, đưa cho các bạn xem, ai cũng khen là đẹp. Loan lại còn bảo:
“Ghé tai vào chiếc vỏ ốc là nghe thấy biển nó nói chuyện với mình. Biết bao nhiêu chuyện kỳ lạ còn hay hơn cả chuyện mà chú tớ đã kể cho tớ nghe”. Các bạn tranh nhau áp sát tai vào vỏ ốc nhưng chẳng ai nghe thấy gì ngoài tiếng u… u… nhè nhẹ. Riêng Hương thì Hương lại nghe thấy cái vỏ ốc nó nói:
“Cô Thu u… u… Cô Thu… u… u…”. Mặt Hương bỗng sáng lên rạng rỡ:
- Tớ nghe thấy rồi đấy, biển nó đang nói chuyện với tớ đấy.
- Nó nói gì? Nói gì?... – Bao nhiêu con mắt tò mò chăm chú nhìn vào Hương.
- Nó gọi: “Cô Thu… Cô Thu…”
- Cô Thu là ai thế?
- Cô Thu là cô của tớ, cô ấy làm y tá ở một bệnh viện ngoài Hà Nội. Cô ấy giỏi lắm! Giỏi hơn cả anh của bạn Tâm và chú của bạn Loan kia.
- Sao? Ai bảo ấy thế? – Loan bĩu môi.
- Bố tớ. Bố tớ thường nói chuyện với các chú bạn bố tớ là “Người mà hiểu được mọi người là người giỏi nhất”. Thế mà cô tớ thì lại rất hiểu mọi người, nhất là những người ốm. Người ốm không cần nói gì mà cô tớ cũng hiểu được người ấy đau ở chỗ nào, cần những cái gì - Mẹ tớ bảo thế.
- Thế cô ấy có hay viết thư cho ấy không?
- Không. Chắc là cô tớ bận. Với lại tớ cũng chưa viết thư cho cô tớ bao giờ. Thế mà tớ không nghĩ ra. Từ mai trở đi tớ phải luôn viết thư cho cô tớ mới được.
Và từ hôm sau đó, Hương bắt đầu viết thư cho cô Thu. Một việc thật là mới mẻ và thích thú. Hương không còn thấy buồn chán và sợ hãi mỗi khi bố mẹ đi vắng cả, nhốt Hương ở nhà một mình với con mèo con. Mọi khi thì Hương nói chuyện với con mèo. Nhưng nói mãi cũng chán! Vì nó chẳng biết nói chuyện lại với Hương mà chỉ biết meo meo thôi. Bây giờ thì Hương đã có người để mà trò chuyện rồi. Hương viết thư cho cô Thu, nhất định cô Thu sẽ viết thư cho Hương. Cô Thu sẽ hiểu Hương. Hương sẽ kể cho cô Thu những chuyện Hương bị oan ức. Ví dụ như chuyện: “Hôm nọ Hương lấy nước hoa rửa mặt cho búp-bê, tự nhiên má hồng của búp-bê bị thôi ra nhem nhuốc. Thế là mẹ mắng Hương là “đồ phá hoại”. Hương có cố tình phá hoại đâu, Hương chỉ muốn cho em bé vừa sạch vừa thơm thôi. Chẳng may nó thế!”. Bây giờ thì phải viết một lá thư cho cô Thu kể về chuyện các bạn ở lớp Hương đã.
Thư thứ nhất:
Cô Thu ơi, bạn Tâm lớp cháu nói rằng bạn ấy có một người anh lái máy bay. Còn bạn Loan lại khoe chú bạn ấy lái tàu thủy. Các bạn ấy nhất định cho rằng anh và chú các bạn ấy là những người giỏi nhất vì biết được bao nhiêu chuyện trên trời dưới biển. Cháu thì cháu lại nghĩ rằng cô còn giỏi hơn vì cô biết được hết những ý nghĩ của người ốm và chắc là cả ý nghĩ của người không ốm nữa cô nhỉ. Ý nghĩ tức là những điều không nói ra (bố cháu bảo thế), mà những điều không nói ra thì chẳng có hình thù gì nên mới khó chứ. Đằng này là những thứ trên trời như mây, nắng, gió, mưa… Những thứ dưới biển như cua, cá, san hô… thì đều có thể nhìn thấy được. Với lại phi công hay thuyền trưởng thì thế nào chẳng có lúc ốm. Khi ốm lại phải nhờ những người y tá chữa cho. Thế thì cô chẳng giỏi hơn họ là gì. Chắc ở chỗ cô cũng có những phi công hay thuyền trưởng bị ốm.
Thư thứ hai:
Cô Thu ơi, cháu chưa gặp cô bao giờ, thế mà cháu lại nhớ cô ghê cơ! Nhất là cái hôm mẹ cháu nhổ răng cho cháu, đau đau là. Lúc bấy giờ cháu cứ nghĩ “Nếu như cô Thu mà nhổ thì chắc là cháu không đau đâu”. Mẹ cháu nhổ răng cho cháu xong rồi mẹ cháu ném cái răng lên nóc nhà. Mẹ cháu bảo răng hàm dưới thì ném lên nóc nhà còn răng hàm trên thì vứt gầm giường, làm như vậy cái răng thay sau sẽ mọc chóng hơn. Có đúng không cô?.
Thư thứ ba:
Cô Thu ạ, con mèo của cháu nó chẳng biết nói chuyện gì cả mà chỉ biết kêu meo meo thôi. Nó dại lắm, hôm qua nó đùa với cái vỏ chai bia, thế là cái vỏ bia đè lên mình nó, nó kêu tướng lên. Cháu phải “cứu” nó đấy.
Thư thứ tư:
Hôm nay cháu ức lắm cô ạ, con Duyên học cùng lớp cháu ấy nó đổi mất cái ngòi bút mới của cháu. Có hôm nó còn nhổ nước bọt vào chỗ ghế cháu ngồi. Nó ghê lắm! Cháu bỏ nó rồi.
Thư thứ năm:
Cô Thu ơi, cháu và bạn Duyên hết bỏ nhau rồi. Cô có biết tại sao chúng cháu lại chơi với nhau không? Hôm nay mẹ cháu cùng cháu sang nhà bạn Duyên chơi. Trong lúc mẹ cháu nói các thứ chuyện với mẹ bạn Duyên thì tự nhiên cháu và bạn Duyên cùng sờ tay vào một tờ giấy. Bạn ấy vò tờ giấy và bảo “tờ giấy nó kêu này”, cháu bảo “ừ nhỉ”, thế là hai đứa lại chơi với nhau. Bây giờ bạn ấy ngoan rồi. Bạn ấy cho cháu mượn đồ chơi, còn cháu thì cho bạn ấy hạt dưa.
Thư thứ sáu:
Ơi giời ơi, cô Thu có biết không? Hôm nay cháu suýt chết. Buổi sáng, cháu ở nhà một mình, đang chán quá, cháu nghe thấy tiếng cười đùa của bọn trẻ con hàng xóm nhà cháu. Cháu nghễn cổ nhìn qua cửa kính và nhe răng ra cười với chúng nó thế là một thằng trong bọn nó ném đánh choang một cái vào mặt cháu, may mà còn có lớp kính, nên chỉ vỡ kính cửa thôi. Sao nó ác thế hở cô? Cháu có làm gì nó đâu! Ác có phải là một bệnh không? Và có thể chữa cho khỏi ác được không cô? Bây giờ thì mẹ cháu đã lấy những miếng gỗ che tất cả kính cửa sổ lại. Thế là nó chẳng ném được cháu và cháu cũng chẳng nhìn ra ngoài được nữa.
Thư thứ bảy:
Hôm nay mẹ cháu đọc hết cả những thư cháu viết cho cô, vì cháu để trong ngăn kéo bàn cháu mà chưa kịp gửi. Vả lại cháu chưa hỏi mẹ cháu địa chỉ của cô. Mẹ cháu cứ bảo là cháu chỉ viết những chuyện vớ vẩn, làm phiền cô thôi. Mà cô thì còn bận nhiều việc, sao mẹ cháu lại nói thế nhỉ? Cháu toàn viết những chuyện thật cả chứ có chuyện nào vớ vẩn đâu. Chắc cô chẳng nghĩ như mẹ cháu. Cô còn hiểu được cả những điều người ta không nói ra kia mà. Vậy cô sẽ hiểu cháu.
Thư thứ tám:
Cô ơi, cô viết thư cho cháu đi và cô cho cháu cả một cái ảnh của cô nữa nhé. Cháu cứ nghĩ là cô hay mặc áo màu hồng. Cô tươi cười. Cô biết nhiều chuyện để kể cho người ốm nghe. Cô lại biết tiêm không đau nữa, phải không cô?
Bây giờ, trong ngăn kéo của Hương có tới trên dưới mười lá thư Hương viết cho cô Thu. Thư không có địa chỉ, ngày tháng gì và chẳng bao giờ gửi đi đâu.
Đúng là bé Hương có người cô tên là Thu, làm y tá ở Hà Nội thật. Cô không hoàn toàn giống như Hương tưởng tượng. Cô làm ở bệnh viện nhi, năm nay cô hai mươi tám tuổi. Cô hay mặc áo kẻ và áo màu sẫm chứ không mặc áo hồng như Hương nghĩ. Vì cô đang có con nhỏ, mặc như vậy cho đỡ bẩn. Cô là một y tá chăm chỉ, biết làm tròn bổn phận. Những tối không phải trực ở bệnh viện, cô xin được chân giữ trật tự ở nhà hát thành phố để kiếm thêm tiền nuôi con nhỏ. Làm ở nhà hát, ngoài việc xé vé, đưa khán giả vào đúng chỗ ngồi thì cô không để ý đến gì hết. Cô ít khi quan tâm đến buổi diễn. Thường thì vào quãng chín giờ, giờ nghỉ giải lao của buổi diễn là cô Thu về nhà. Khi đó cô đã xong nhiệm vụ.
Cuộc sống của cô Thu cứ từ nhà đến bệnh viện, đến nhà hát rồi lại về nhà, đều đặn như vậy. Không vui cũng không buồn.
Hôm nay bỗng cô Thu nhận được một phong bì dày cộp, trong đó có những lá thư của bé Hương do mẹ Hương ghi địa chỉ và gửi cho cô. Đọc thư, cô rất vui và cảm động. Cô không ngờ cái con bé Hương, khi theo bố mẹ vào Sài Gòn mới có hai tuổi, bé tí xíu, chẳng biết gì, thế mà bây giờ đã viết thư cho cô, nhớ đến cô, nghĩ cho cô bao nhiêu điều tốt đẹp. Ôi, những nét chữ to tướng không đều hàng ấy mang tới cho cô bao nhiêu là niềm vui. A, ra lâu rồi mãi bận công việc, cô chẳng để ý là mình có vui không. Hôm nay cô vui, cô mới biết là mọi khi mình chưa vui. Nhưng cô chỉ là một người bình thường với bao nhiêu điều thiếu sót. Cô chưa được như điều bé Hương vẫn nghĩ. Từ nay trong công việc làm của cô, trong cuộc sống hàng ngày của cô đều có đôi mắt đen tròn của bé Hương dõi theo cô. Đôi mắt ấy có gì giống như những đôi mắt của những bệnh nhân bé bỏng của cô cầu cứu cô trong những lúc khát, lúc đau.
Từ đó cô cảm thấy ở nơi nào cũng có điều gì đợi chờ cô. Điều gì đấy thì cô không biết nhưng cô chỉ cảm thấy trong đó mang theo cả niềm vui và sự khám phá. Khi ở bệnh viện, cô cảm thấy được cái đau và cái vui của những bệnh nhân bé nhỏ. Nghe tiếng thở, cô biết được các em thức hay ngủ. Nhìn vào đôi mắt, cô biết được các em muốn gì.
Ở nhà hát, cô chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối những buổi diễn hay. Cô tìm đọc nhiều chuyện để kể cho những người ốm bé bỏng của cô vượt qua những cơn đau. Nhìn làn môi héo hắt mỉm cười, đôi mắt mệt nhọc ló ra dưới lần chăn trắng nhìn cô đầy lòng biết ơn và yêu mến, cô cảm thấy cô được trả lại niềm vui còn lớn hơn niềm vui cô mang đến cho các bạn nhỏ ốm đau kia.
Sau những buổi trực đêm trở về, lòng cô trong suốt, nhẹ nhõm. Cô cảm thấy cô nghe được cả tiếng gió hát, lá thở trên các vòm cây.
Ôi tuổi thơ thật là kỳ diệu! Những em bé xanh xao nằm trên giường bệnh kia đủ sức mạnh truyền lại niềm vui cho cô. Và con bé Hương bé tí xíu mà lại ở xa xôi thế cũng biết quả quyết tin vào điều tốt đẹp, để rồi điều tốt đẹp ấy trở thành sự thực.
Tới kỳ nghỉ phép năm, nhất định cô Thu sẽ đi Sài Gòn để thăm anh chị và bé Hương của cô. Bây giờ cô có thể gặp mặt bé Hương mà không xấu hổ. Cô sẽ mặc chiếc áo màu hồng như Hương vẫn tưởng tượng.
Nghĩ vậy, cô Thu liền viết cho Hương một lá thư kể công việc của cô cho Hương nghe và hứa sẽ vào thăm Hương trong kỳ nghỉ phép tới. Cô không quên bỏ vào phong thư một tấm hình đẹp nhất của cô.