Chủ nhân của cuốn sổ này xem ra rất tài hoa. Ít nhất là qua những hình vẽ lung tung này đã nói lên điều đó.
Chỉ thông qua vài bút đơn giản, bức tranh một ông thầy giáo già hói đầu, thịt kho tàu trong bữa cơm trưa, đám chim se sẻ ríu rít ngoài của sổ, đều hiện ra như thật. Không khỏi khiến người ta phải hoài nghi, người này rốt cuộc đang học chuyên ngành gì.
Ngoại trừ những hình vẽ ở góc các trang sổ, còn có một số câu linh tinh. Nào là oán thán bữa cơm trưa nay dưới căn tin sao mà ít thịt quá, nào là trách cứ ông thầy giảng bài sao mà không ngớt khoe mẽ, cả chuyện thằng bạn cùng phòng ăn ở dơ bẩn, không chịu giặt vớ, rất hôi…
Tiếng chuông hết tiết đã vang lên, Nguyễn Ngọc Hà vẫn chưa dừng cơn hứng thú. Bạn học hỏi cô ta xem cuốn sổ toán cao cấp có gì vui. Cô ta liền khẽ đỏ mặt, trả lời qua quýt: “Thì tiện tay xem thử thôi.”
Cô ta không nỡ mà cất cuốn sổ trở lại ngăn bàn.
Thời gian cảnh mộng đã nhảy cóc.
Tôi vẫn đang có mặt trong giảng đường.
Có điều, lần này chỗ ngồi của tôi đã có người.
Tôi bay ra chỗ trống phía sau, nhìn Nguyễn Ngọc Hà kéo tay cô bạn, bước vội đến chỗ ngồi lần trước.
Cuốn sổ vẫn còn, người mất vẫn chưa quay lại lấy, cô lao công dọn dẹp phòng ốc chắc cũng đã quên mất.
Nguyên cả buổi học, Nguyễn Ngọc Hà đều cúi đầu xuống, hệt như đi tìm kho báu, tìm kiếm những câu tùy bút linh tinh trong cuốn sổ.
Lần này, cô ta đã có phát hiện mới.
Ở góc dưới bên trái của mười mấy trang cuối, người đó đã vẽ một bức tranh liên tiếp. Ban đầu cô ta không hiểu, nhưng tôi thì nhận ra nhanh hơn.
Tôi từ đằng sau, thò đầu tới, nhìn thấy vẻ mặt đầy bất ngờ và hứng thú của cô ta. Ngón cái và ngón trỏ nắm lấy mấy trang, thả từ từ, mấy trang giấy lần lượt rớt xuống.
Góc dưới bên phải của trang giấy, một hình tròn lăn qua một vòng, để lộ ra tai và đuôi, biến hành một chú gấu trúc mũm mĩm.
Nguyễn Ngọc Hà bật cười.
“Em mặc áo sơ mi trắng. Lên đây trả lời câu hỏi của tôi.” Thầy giáo trên bục giảng hắng giọng.
Nguyễn Ngọc Hà bị cô bạn bên cạnh đẩy một cái, lúng túng đứng dậy, ấp a ấp úng, mặt đỏ bừng.
“Lên lớp phải chú tâm một chút chứ. Các cô cậu đừng có nghĩ cứ đỗ đại học là xong chuyện. Lên đại học rồi, thì càng phải nỗ lực học hành cho đang hoàng. Đừng có tưởng vớ được cái bằng là được rồi.” Thầy giáo nghiêm mặt nói.
Nguyễn Ngọc Hà ngượng ngùng đứng ngay tại chỗ.
Những sinh viên khác đều vội vàng cất hết những thứ linh tinh của mình.
“Thôi được rồi, ngồi xuống đi, tập trung mà nghe giảng.” Thầy giáo phất tay.
Nguyễn Ngọc Hà ngồi xuống, mặt vẫn còn rất đỏ.
Tôi tuy chỉ là một kẻ đứng bên ngoài quan sát, lại cảm thấy rất thú vị.
Bây giờ tôi giống như được xem một bộ phim tình cảm tuổi thanh xuân. Một cô nàng xinh đẹp nhặt được cuốn sổ tay của một anh chàng thú vị, rồi từ đó hai người quen nhau.
Nhưng đáng tiếc thay, tôi đã biết trước cái kết mất rồi.
Nó không giống như phim, bất luận là bi hay hài, đều có một câu chuyện hoàn chỉnh. Còn câu chuyện của Nguyễn Ngọc Hà thì bị đứt gánh giữa đường. Cô ta chết trong một tai nạn, để rồi suốt cả cuộc đời vẫn chưa biết chủ nhân của cuốn sổ này là ai.
Tôi khá là đồng cảm và trong lòng chợt trào ra ý nghĩ muốn cứu cố ta.
Trước đó, ý nghĩ này chưa hề có.
Nguyễn Ngọc Hà mà tôi đã nhìn thấy trong video là một hồn ma vừa nhút nhát, vừa bẽn lẽn, áy náy. Cô ta không hề cảm thấy tiếc nuối mấy về cái chết của mình, càng không hề có sự tức giận và không cam tâm. Cuối cùng thì cô ta đã đi đầu thai.
So với những hồn ma chết oan chết uổng, chết bất đắc kì tử thì đó đã là một cái kết rất tốt đẹp rồi.
Chỉ là một vụ tai nạn đáng tiếc mà thôi.
Còn một điểm nữa, đó là sự tồn tại của Nguyễn Ngọc Hà đã cứu giúp được rất nhiều người. Bằng không, thì không chỉ có Trần Nhất Tây và Trương Nhu, mà sẽ có nhiều người bị hại hơn bởi lời nguyền rủa từ ảnh hưởng của móc khóa. Nếu như không bỏ mạng, ít cũng phải gặp xui rủi, bị thương.
Tôi cảm thấy buồn.
Bây giờ Nguyễn Ngọc Hà vẫn chẳng hay biết chút gì về những chuyện này. Cô ta không đem cuốn sổ đi, mà chỉ mỗi tuần đến tiết học môn Hóa, thì lại đến cùng một chỗ ngồi và xem tiếp những nội dung trong cuốn sổ.
Mọi hình ảnh, tranh vẽ linh tinh đều đã được cô ta tìm thấy và cũng đã được xem đi xem lại nhiều lần mà không hề chán.
Cuối cùng, cô bạn học đã phát hiện ra.
“Bạn tương tư rồi đấy à? Có vậy mà cũng xem đến độ đỏ cả mặt hả?” Cô nàng này cố tình trợn to mắt lên hỏi.
Mặt của Nguyễn Ngọc Hà càng đỏ hơn: “Làm gì có!”
“Có điều, rất giống mấy tình tiết trong tiểu thuyết đó nha.” Nữ sinh kia mặc kệ những lời thanh minh gượng gạo bất lực của Nguyễn Ngọc Hà, thò tay qua giật lấy quyển sổ, lật bừa vài trang, “Hay là… thử đi tìm xem.”
“Gì cơ?” Nguyễn Ngọc Hà khá ngơ ngác.
“Thì thử đi tìm cái người ấy đi. Sinh viên trong cái lớp Toán Cao Cấp này chắc cũng không nhiều đâu.” Cô nữ sinh kia nói: “Mình giúp bạn hỏi thăm thời khóa biểu.”
Nguyễn Ngọc Hà ợm ờ mấy câu, nhưng không hề phản đối.
“Nhỡ đâu gặp phải một anh xấu ma chê quỷ hơn thì làm sao ta? Nhỡ đâu gặp phải một anh chàng mập như cái thùng phuy di động thì sao nhỉ?” Nữ sinh kia nháy mắt tinh nghịch, cầm cuốn sổ đẩy đẩy Nguyễn Ngọc Hà.
Nguyễn Ngọc Hà vội giật lại cuốn sổ, chứ không nói gì.
Khung cảnh xung quanh phát sinh biến đổi.
Tôi đã rời phòng học, xuất hiện trong một gian phòng ký túc xá.
Nội y giăng “hiên ngang” trong phòng lẫn ngoài sân hiên khiến tôi khá là bối rối. Bốn nữ sinh trong một phòng, mà có đến hai người đang mặc đồ ngủ. Tôi cảm thấy mình không biết nên để mắt ở đâu.
Tôi không còn là một thiếu niên trong sáng, gì cũng không hiểu nữa. Tôi với Nguyễn Ngọc Hà không phải sống cùng một thời đại. Lúc tôi ra đời, đã là thời đại của công nghệ và truyền thông bùng nổ, các sản phẩm công nghệ kĩ thuật cao cấp càng lúc càng phổ cập đến các lứa tuổi nhỏ. Tư tưởng nam nữ sinh viên đều trở nên rất thoáng. Huống hồ, tôi vẫn còn một đứa em gái, chính mắt tôi nhìn nó lớn lên từng ngày. Chỉ có điều, khi đối diện với mấy cô gái lạ, tôi vẫn cứ cảm thấy không thoải mái. Cái cảm giác này cứ như mình là một tên biến thái đang nhìn trộm người ta vậy.
“Ngọc Hà, mình lấy được thời khóa biểu rồi nè.”
Cửa phòng bị ai đó đẩy ra, một nữ sinh ùa vào, trên tay cầm một tờ thời khóa biểu.
Tôi lướt mắt nhìn qua, nhận ra đôi tai của Hồ Ngọc Hà đã ửng hồng.
“Chắc là năm ba của ngành Quản lý Kinh tế, trước mình một khóa. Chỉ có họ mới học môn Toán Cao Cấp, hơn nữa còn học ngay trước tụi mình hai tiết nữa.” Nữ sinh chỉ tay lên một hàng trong thời khóa biểu nói.
Tôi dõi mắt qua nhìn, thấy bên trên đề “Lớp 9092”, chắc là dựa vào năm nhập học để sắp xếp và đặt tên lớp.
“Bạn hỏi rồi sao, lớp Quản lý Kinh tế à?” Một nữ sinh khác nói.
“Chứ sao, hỏi rồi. Mình còn hỏi được, nam sinh của ngành Quản lý Kinh Tế khóa trước đều ở tòa lầu số 17 hết. Muốn đi tìm không?” Cô nữ sinh kia tỏ vẻ rất hồ hởi.
Nguyễn Ngọc Hà lắc đầu: “Tìm gì chứ? Có quen biết gì đâu.”
“Thì nói là đi trả vở.”
“Không ổn lắm… cứ vậy mà kiếm người, thì kì lắm…”
“Hay kiếm ai đó trong lớp họ hỏi thăm trước xem?”
“Có quen ai đâu?”
Đám nữ sinh bàn cãi um sùm.
Nguyễn Ngọc Hà thì chỉ đỏ mặt, ánh mắt bất định, chốc chốc lại liếc nhìn bảng thời khóa biểu.
“Sao cũng không được, thì giao lại cho phòng bảo vệ của trường đi. Hội sinh viên cũng có bảng ghi thông báo mời nhận lại vật đánh rơi chứ nhỉ?” Một nữ sinh khoát tay.
“Mình thấy, cũng chưa chắc chính là cái lớp đó đúng không? Nếu thật sự là vậy, sao mỗi tuần đều có tiết mà lại không phát hiện ra mình mất sổ?” Một cô sinh viên khác nói.
Cuộc bàn bạc vẫn chưa có kết quả.
Đến lúc tắt đèn đi ngủ, Nguyễn Ngọc Hà đang nằm trên giường. Chất lượng rèm cửa sổ phòng ký túc xá không được tốt lắm, ánh trăng bên ngoài vẫn có thể chiếu vào được.
Tôi nhìn thấy Nguyễn Ngọc Hà cứ mở mắt, mãi không ngủ. Vẻ mặt của cô ta không ngừng thay đổi, có lúc cười thầm, có lúc buồn bã.
Lòng tôi đã buồn lại càng thêm buồn.
Bóng tối bỗng chợt tan biến, ánh sáng tràn đến.
Tôi trông thấy Nguyễn Ngọc Hà ôm quyển sổ trước ngực, cùng một nữ sinh khác đi vào một tòa nhà, gõ lên cánh cửa có treo bảng: “Hội Sinh Viên”.
“Chuyện đó, xin chào, mình nhặt được cuốn sổ này trong giảng đường…” Nguyễn Ngọc Hà ấp úng, đưa quyển sổ cho một sinh viên đang ở trong phòng.
“À, vậy bạn qua bên này điền thông tin một chút nhé.” Cậu sinh viên chào hỏi với bạn của Nguyễn Ngọc Hà, nhận lấy cuốn sổ, rút trên giá sách ra một cuốn sổ khác, đưa cho Nguyễn Ngọc Hà. Trong lúc Nguyễn Ngọc Hà điền thông tin mời nhận vật đánh rơi, thì cậu ta lật thử vài trang, rồi mở miệng nói, “Toán Cao Cấp à, ghi chép tỉ mỉ quá nhỉ. Mà đã sắp thi đến nơi rồi, mất cái này thật đúng là thảm.”
“Đúng đó.” Bạn học của Nguyễn Ngọc Hà tiếp lời, tỏ vẻ đồng tình.
Chiếc bút trên tay Nguyễn Ngọc Hà dừng lại một chút, vẻ mặt thoáng nét lo âu.
Sinh viên trong hội sinh viên “ủa” một tiếng, nhìn qua bạn của Nguyễn Ngọc Hà hỏi: “Hôm trước bạn xin mình cái thời khóa biểu, để kiếm lớp đang học Toán Cao Cấp là vì cái này đúng không?”
Nguyễn Ngọc Hà lúng túng ngẩng đầu lên, còn cô bạn kia thì hồn nhiên vô tư thừa nhận.
Cậu sinh viên kia không hề nhìn Nguyễn Ngọc Hà, nói: “Hôm trước mình có hỏi thăm lớp Quản lý Kinh tế rồi, hình như đã biết được ai để quên. Tên gì nhỉ… Nhất thời mình không nhớ ra. Mình nghe đứa bạn của mình bảo, gần đây cậu ta về quê ở vùng duyên hải. Về làm chứng nhận gì đó, hè năm nay sẽ thực tập chỗ gì đó thuộc chính quyền Dân Khánh. Cũng nằm trong hạng mục hợp tác của trường chúng ta. Cậu ấy thật là may mắn, mới năm ba mà nền tảng công việc đã định hình. Kế đến chắc sẽ ở lại Dân Khánh luôn cũng nên.”
Nguyễn Ngọc Hà lắng tai nghe, cố tình viết thật chậm nội dung thông tin mời nhận vật đánh rơi. Vẻ mặt của cô ta đầy hớn hở và mong ngóng.
Ánh mắt tôi lướt qua khuôn mặt Nguyễn Ngọc Hà, di chuyển lên tấm lịch đang nằm trên tường.
Hiện tại là… năm 1993.