Hitler và những sứ mạng bí mật của Skorzeny

Chương XX

Ngày 20 tháng 10 năm 1944, tôi trở lại Tổng Hành Dinh của Fuhrer, hiện đang ở gần mặt trận kinh khủng bởi vì quân Nga đã vào thật sâu trong vùng Đông Phổ. Lần này Hitler chỉ tiếp có mình tôi. Như thường lệ, ông tỏ ra rất dễ thương; vả lại tôi có cảm giác ông có vẻ tươi hơn, khỏe hơn là trong lần gặp gỡ trước. Sau khi cho biết là ông đã ân thưởng cho tôi huy chương Thập Tự Vàng, ông yêu cầu tôi kể chi tiết cuộc bắt người con trai của Horthy và cuộc tấn công lên đồi Mont du Château. Khi chấm dứt báo cáo, tôi đứng dậy, tưởng rằng cuộc tiếp xúc đã chấm dứt, Fuhrer giữ tôi lại.

- Ở lại đó đã, Skorzeny. Tôi sắp giao nhiệm vụ mới cho anh đây - Có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất đời anh. Cho đến nay, rất ít người được biết rằng chúng ta đang chuẩn bị trong vòng tối mật, một chiến dịch trong đó anh sẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Trong tháng 12, quân lực Đức sẽ phát động cuộc Tổng phản công có tầm quan trọng quyết định vận mạng của xứ sở.

Và rồi thì Fuhrer trình bày với tôi thật lâu quan niệm chiến lượt của đợt Tổng phản công về phía Tây, mà các sử gia sau này gọi là cuộc “Tổng phản công tại Ardennes”(1) hay “the Battle of the Bulge” nói theo ngôn ngữ Anh Mỹ. Trong nhiều tháng qua Bộ Tổng Tư lệnh Đức đã rất vừa ý vì đẩy lui và cầm chân được quân địch. Đó là thời kỳ tình thế đổi thay liên tục, tại mặt trận phía Đông cũng như phía Tây, nhiều khu vực lần lượt rơi vào tay địch. Vả chăng, hệ thống tuyên truyền của Đồng minh đã coi Đức quốc như một thây ma mà việc chôn cất vĩnh viễn chỉ còn là vấn đề thời gian; căn cứ theo các diễn văn được các đài phát thanh Anh-Mỹ truyền đi, Đồng minh có thể chọn giờ để mai táng theo ý muốn.

Họ không thấy rằng Đức quốc chiến đấu là vì Âu châu, hy sinh vì Âu châu, để ngăn chặn Á châu tiến trên con đường đến phương Tây, - Hitler nhận định một cách chua chát.

Theo ông, dân Anh cũng như dân Mỹ đều không muốn tiếp tục chiến tranh nữa. Do đó, nếu “thây ma Đức quốc” đứng dậy và dáng một đòn nặng về phía Tây, thì dưới áp lực của công luận giận dữ cho rằng họ bị lừa phỉnh, Đồng minh sẽ phải chuẩn bị ký kết đình chiến với xác chết còn rất mạnh khỏe này. Lúc đó, chúng ta sẽ có thể tung tất cả các Sư đoàn, tất cả quân lực vào mặt trận Miền Đông và thanh toán trong vài tháng mối đe dọa khủng khiếp đang đè nặng trên Âu châu. Vả chăng, từ cả ngàn năm nay, Đức quốc đã chứng tỏ là kẻ chăn dắt bầy người ô hợp Á châu và không bao giờ Quốc gia này lại thất bại trong sứ mạng thiêng liêng đó.

Từ nhiều tuần qua, vài nhân vật của Bộ Tổng Tham mưu đã soạn thảo một kế hoạch Tổng phản công. Chúng tôi phải lấy lại thế chủ động mà địch quân nắm giữ bấy lâu nay. Ngay từ khi cuộc đổ bộ ở Normandie bắt đầu cho đến khi quân Đồng minh tiến tới biên thùy Quốc xã, Hitler đã suy nghĩ về một trận Tổng phản công mạnh mẽ. Tuy nhiên tình hình các đạo quân nguy kịch đến nỗi không thể nào thi hành được kế hoạch đó.

Vậy mà từ ba tuần nay, quân Đồng minh không tiến nữa. Một mặt, đường giao thông đã kéo dài quá xa, mặt khác, tiếp liệu cho đạo quân cơ giới đã cạn sạch sau bốn tháng chiến đấu không ngừng. Nhờ hai yếu tố đó, mặt trận phía Tây của chúng tôi có lúc tưởng đã tan vỡ, lại được ổn định.

Theo ý Fuhrer, sở dĩ Đồng minh thắng được tại Pháp và Bỉ, đó là nhờ ưu thế không quân. Nhưng có thể hy vọng rằng thời tiết xấu trong những tháng cuối năm sẽ làm giảm thiểu, dù là tạm thời, hoạt động của Không quân Anh Mỹ. Hơn nữa, không quân Đức sẽ có thể mang ra sử dụng 2000 phản lực cơ chiến đấu mới vẫn để dành riêng cho chiến dịch.

Sau cùng, một cuộc Tổng phản công chớp nhoáng sẽ ngăn không cho Pháp tổ chức quân lực mạnh. Hiện tại Đồng minh có 70 đại đơn vị, số này không đủ cho cả một mặt trận dài 700 cây số. Do đó, rất có thể tập trung quân Đức để chọc thủng một điểm phòng vệ yếu, trước khi Đồng minh kịp củng cố phòng tuyến bằng các Sư đoàn mới do Pháp thành lập.

Riêng phần chọn lựa địa điểm, - Fuhrer nói tiếp, - chúng tôi đã thảo luận mấy tuần liền. Có năm kế hoạch được đem ra bàn cãi: Tổng phản công tại Hòa-Lan khởi đầu từ vùng Venloo hướng về phía Tây, phía hải cảng Anvers; - Một cuộc Tổng phản công khởi đi từ phía bắc Lục-Xâm-Bảo, hướng về phía tây bắc trước rồi hướng về bắc, được hậu thuẫn bởi cánh quân khởi đi từ phía bắc Aix-la-Chapelle; - Một cuộc phản công bằng hai cánh: một từ trung tâm Lục-Xâm-Bảo, cánh kia từ Metz và hẹn gặp tại Longwy: song song với hành động đó, hai cánh quân khác khởi đi từ Metz và từ Baccarat, điểm tái ngộ là Nancy; - và sau cùng, chiến dịch “Alsace” với hai cánh quân, một tiến từ Epinal, cánh kia từ Montbéliard và sẽ gặp nhau tại Vesoul.

“Sau khi cân nhắc thật lâu ưu và khuyết điểm của mỗi kế hoạch, chúng tôi loại bỏ ba kế hoạch đầu. Chiến dịch “Hollande” có vẻ hay nhưng nhiều nguy hiểm quá. Sau cùng, chúng tôi đã quyết định lập kế hoạch phản công từ bắc Lục-Xâm-Bảo và được hậu thuẫn bởi cánh quân xuất phát từ Aix-la-Chapelle. Đấy cũng chính là vùng mà trong lần tấn công nước Pháp đầu tiên, hồi năm 1940, chúng ta đã chọc thủng được phòng tuyến địch.

“Phần anh và các đơn vị thuộc quyền, chúng tôi giao cho một trong những nhiệm vụ quan yếu nhất trong khung cảnh cuộc Tổng phản công. Trong vai trò đơn vị tiền đạo, anh phải chiếm một hay nhiều cây cầu trên sông Meuse giữa Liège và Namur. Anh sẽ thi hành nhiệm vụ nhờ mưu kế này: binh sĩ của anh sẽ mặc quân phục Anh-Mỹ. Nhờ mưu kế này địch đã cho ta nhiều vố nặng, trong các cuộc hành quân cảm tử. Ví dụ cách đây mấy hôm khi tiến chiếm Aix-la-Chapelle, một bộ phận quân Mỹ mặc quân phục Đức đã xâm nhập vào phòng tuyến của ta. Ngoài ra, những toán nhỏ được hóa trang như vậy, đằng sau phòng tuyến địch, có thể ra lệnh giả, phá rối hệ thống truyền tin, và nói tổng quát, có thể gieo rắc hỗn loạn trong hàng ngũ Đồng minh. Công cuộc chuẩn bị của anh phải hoàn tất trước ngày 1 tháng 12. Về phần chi tiết anh hãy đến gặp Đại Tướng Jodl.

“Tôi biết rằng thời hạn này quá ngắn, tuy nhiên tôi tin anh có thể làm chuyện thiên nan vạn nan. Lẽ tất nhiên, anh cũng sẽ ở ngoài tiền tuyến khi binh sĩ thuộc quyền bắt đầu hành động. Nhưng tôi cấm anh mạo hiểm đi qua phòng tuyến địch; chúng tôi không được phép để mất anh”.

Vài giờ sau, Đại Tướng Jodl tiếp tôi và nhờ một bản đồ, ông giải thích cho tôi vài chi tiết của chiến dịch. Cuộc tổng phản công sẽ bắt đầu từ vùng nằm giữa Aix-la-Chapelle và Lục-Xâm-Bảo, hướng về phía hải cảng Anvers và làm như vậy là cắt ngang đạo quân thứ hai của Anh và các thành phần quân đội Mỹ chiến đấu trong vùng Aix. Cùng lúc đó, Bộ Tổng Tư lệnh Tối cao dự liệu một tuyến che chở ở phía Nam (Lục-Xâm-Bảo – Namur-Louvain) và một tuyến ở phía Bắc (Eupen – Liege – Longeren – Hasselt cho đến kinh Albert).

Trong các điều kiện tối hảo, Anvers sẽ bị tái chiếm trong vòng 7 hôm. Mục tiêu tối hậu của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng địch phía Bắc phòng tuyến Anvers – Bỉ, và trong vùng Bastogne.

Toàn bộ các đơn vị tham dự cuộc Tổng phản công, mang danh hiệu Đạo quân B, được đặt dưới quyền Thống chế Model. Đạo quân gồm có quân đoàn 6 thiết kỵ (Tướng Waffen SS Dietrich), quân đoàn 5 Thiết kỵ (Tướng Von Manteuffel) và quân đoàn 7, được sắp xếp như vậy từ Bắc xuống Nam. Sau một đợt pháo kích dữ dội, nhưng ngắn thôi (tôi nghĩ đến 6.000 khẩu mà Fuhrer vừa nói với tôi) các cánh quân phải chọc thủng phòng tuyến địch tại nhiều điểm chọn lựa theo quan niệm chiến thuật.

Phần anh, Skorzeny, anh sẽ hành động trong khu vực trách nhiệm của Quân đoàn 6 Thiết kỵ. Đây là một bảng nghiên cứu có thể làm anh thích: nó trình bày tình hình sẽ diễn biến 24 giờ sau khi cuộc Tổng phản công bắt đầu.

Trên tấm bảng đồ mà Đại Tướng Jodl trải ra trước mặt, chúng tôi thấy Bộ Tổng Tư Lệnh Tối cao tin có thể tấn công, vào lúc đó, trên phòng tuyến Eupen-Verviers-Liege, và nghĩ rằng có thể thành công trong việc thiết lập ở trung tâm, hai đầu cầu bên kia bờ sông Meuse. Mặt khác, người ta đã tiên liệu các cuộc tấn công dữ dội, do các đơn vị trừ bị của Đồng minh, vào mạn sườn phía Bắc của hướng Tổng phản công của chúng tôi.

Trước khi cho tôi rút lui, Đại Tướng Jodl yêu cầu tôi trình ông trong thời hạn ngắn nhất bảng liệt kê nhân sự và vật liệu cần thiết. Ông cũng cho tôi biết là Bộ Tổng Tham mưu đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị biệt phái cho tôi tất cả quân nhân nào biết nói tiếng Anh. Lệnh này về sau tượng trưng cho lầm lỗi điển hình của việc tiết lộ tin tức hành quân – một lầm lẫn do chính cơ cấu lãnh đạo tối cao của quân lực Đức phạm phải.

Vài ngày sau tôi nhận được bảng sao của mệnh lệnh này. Đọc xong mệnh lệnh, tôi đã thấy cuộc tấn công thất bại. Lệnh do một ông lớn ký, đóng dấu “mật” có nội dung tương tự như sau:

“Lệnh cho tất cả các đơn vị Lục quân: báo cáo chậm nhất là ngày… tháng 10 năm 1944, các sĩ quan và binh sĩ nói tiếng Anh, tình nguyện tham dự một sứ mạng đặc biệt… Lên đường đến Friedenthal, gần Bá-linh để gia nhập các đơn vị cảm tử của Trung tá Skorzeny”.

Tôi đùng đùng nổi giận. Các cơ quan tình báo Đồng minh đánh hơi được vụ này rồi, không còn chối cãi được nữa. Sau chiến tranh, tôi được biết rằng chưa đầy 8 ngày sau đó, người Mỹ đã có trong tay bảng văn mệnh lệnh đó. Tôi không hiểu tại sao họ không rút ra được kết luận nào và áp dụng các biện pháp đề phòng.

Theo ý tôi, kế hoạch hành quân đã bị chôn vùi trước khi thấy ánh mặt trời. Tôi gởi về Tổng Hành Dinh lời phản kháng mạnh mẽ và “lễ phép” xin hủy bỏ sứ mạng của tôi. Lẽ tất nhiên, đơn của tôi được chuyển theo hệ thống. Vì thế Tướng SS Fegelein, anh em bạn rể của Fuhrer đã trả lời tôi như thế này: Vụ đó thật khó tin và khó hiểu, nhưng đó lại là một lý do nữa để đừng nói gì với Fuhrer. Do đó việc hủy bỏ nhiệm vụ không thể được.

Cũng trong thời kỳ đó, tôi được dịp tiếp xúc thích thú với một sĩ quan tham mưu của Tướng Winter. Viên sĩ quan này đã trình bày với tôi khía cạnh pháp lý của công tác. Theo ông, các cảm tử quân sẽ bị bắt, khi bị bắt, đối xử như các gián điệp và chịu hậu quả nặng. Riêng đối với toàn thể đơn vị của tôi, luật quốc tế nghiêm cấm một quân nhân sử dụng vũ khí của mình trong khi trên người khoác bộ quân phục của địch. Ông ta khuyến cáo tôi như sau: binh sĩ của tôi sẽ mặc bên trong bộ quân phục địch, bộ đồng phục Đức. Đến khi bước qua giai đoạn tấn công thật sự, họ sẽ cởi bỏ quân phục Anh hoặc Mỹ. Tất nhiên là tôi nghe theo khuyến cáo này.

°

Hiện tại, chúng tôi đã có thể bắt tay vào công cuộc chuẩn bị. Các đơn vị của tôi sẽ họp thành Lữ đoàn 150 Thiết kỵ. Căn bản kế hoạch của tôi rõ ràng là thời biểu do Bộ Tổng Tư Lệnh Tối cao ấn định cho toàn thể cuộc Tổng phản công. Theo thời biểu này, đạo quân của chúng tôi phải chọc thủng phòng tuyến địch ngay trong ngày đầu tiên. Ngày thứ hai, chúng tôi phải tới và vướt qua sông Meuse. Vậy chúng tôi có quyền ước tính rằng đến cuối ngày thứ nhất, các mảnh vụn của các lực lượng Đồng minh sẽ tháo chạy lui.

Trong giả định đó, chúng tôi biết rằng phải ứng biến để tự xoay trở lấy. Vì cuộc Tổng phản công được ấn định vào đầu tháng 12, chúng tôi chỉ còn có một tháng mấy ngày – Thời hạn rõ rệt không đủ để tổ chức và huấn luyện cả một đơn vị tân lập, nhất là đơn vị này lại được giao phó cho một sứ mạng đặc biệt. Đó gần như một chuyện không thể thực hiện được, chúng tôi ý thức rõ rệt điều đó. Nhưng vì Fuhrer đã lưu ý đến sự thiếu sót này, nên tôi cũng an tâm.

Để nắm vững tất cả những gì bất ngờ có thể xảy ra, chúng tôi ấn định ba mục tiêu chính yếu: các cây cầu bắt ngang sông Meuse tại Engis, Amay và Huy. Do đó chúng tôi sẽ cắt khu vực trách nhiệm của Quân đoàn VI Thiết kỵ ra thành ba dãy đất mỗi phần bắt đầu từ các cây cầu kể trên. Theo kế hoạch này, chúng tôi tổ chức ba đơn vị chiến đấu mang các danh hiệu nên thơ là X, Y và Z.

Trên nguyên tắc chúng tôi được xem là Lữ đoàn Thiết kỵ. Tuy nhiên sự chỉ danh đại ngôn này chỉ là một trò bịp. Chúng tôi đã sớm biết điều này. Ngay lúc thiết lập danh sách dụng cụ đầu tiên, chúng tôi được trả lời là không thể nào cung cấp các chiến xa bắt được của địch cho nguyên cả một Trung đoàn. Có lẽ người ta chỉ cung cấp cho chúng tôi một số chiến xa Anh, Mỹ đủ cho một Tiểu đoàn, và còn… Thật là một khởi điểm xấu!

Tuy nhiên, yêu cầu của chúng tôi rất khiêm nhường. Để tiết kiệm nhân lực, chúng tôi không tổ chức các cơ quan phụ, theo đó, Lữ đoàn của chúng tôi gồm có, theo đề nghị của tôi:

2 Đại đội thiết kỵ, mỗi đại đội 10 chiến xa.

3 Đại đội thám sát, mội đại đội có 10 thiết vận xa.

3 tiểu đoàn bộ binh cơ giới.

1 liên đội phòng không D.C.A. nhẹ.

2 liên đội “săn chiến xa”.

1 trung đội phóng lựu.

1 liên đội truyền tin.

1 bộ tham mưu, rất hạn chế, cho Lữ đoàn.

3 ban tham mưu, cũng rất hạn chế, cho 3 Tiểu đoàn.

1 đại đội chỉ huy.

Tổng quát, vào khoản 3.300 người.

Nhưng thêm vào đó, còn có các bảng liệt kê vô tận, liên quan đến vũ khí, đạn dược, xe cộ, quân phục, vật dụng trang bị. Chính chúng tôi cũng bắt đầu sợ hãi khi nghĩ đến việc phải có từng ấy thứ trong vòng có vài tuần. Bởi vì, từ chiến xa hạng nặng cho đến đồng phục, mọi thứ đều phát xuất từ chiến lợi phẩm bắt được của địch. Thế mà, kho dự trữ dụng cụ bắt được của Đồng minh hiện nay của chúng tôi, không quan trọng lắm. Trong những tháng gần đây, quân Đức chỉ có thối lưi, không tổ chức được cuộc tấn công quan trọng nào; cho nên chúng tôi không thể chiếm đoạt thêm một món nào cả.

Ngày 26 tháng 10 năm 1944, khi tôi trình lên Đại Tướng Jodl kế hoạch thành lập “Lữ đoàn thiết kỵ” của tôi cũng như bảng liệt kê nhu cầu vật liệu, một lần nữa được lưu ý là vì thiếu thì giờ, chúng tôi phải tự ứng biến. Ngoài ra, tôi nói với ông rằng theo ý tôi chiến dịch – mang tên chiến dịch Con Rồng – chỉ có thể thành công với điều kiện được phát động trong đêm kế sau khi cuộc Tổng phản công bắt đầu, nhờ đó chúng tôi có thể lợi dụng yếu tố bất ngờ và sự hỗn loạn trong hàng ngũ đối phương. Để được như vậy, các Sư đoàn của tuyến đầu phải đạt các mục tiêu ngay trong đêm đầu tiên, nghĩa là trong khu vực liên hệ đến chúng tôi, các sư đoàn ấy phải vượt qua đỉnh một ngọn núi có tên là Haut Venn. Nếu tình hình xảy ra khác đi, tôi bắt buộc phải từ chối sứ mạng giao phó. Hơn nữa tôi yêu cầu cung cấp các không ảnh về ba cây cầu mà các đơn vị tôi phải chiếm giữ.

Tôi nhận được sự chấp thuận thành lập Lữ đoàn một cách dễ dàng, cũng như Bộ Tổng Tư lệnh đã hứa hậu thuẫn hết mình cho tôi trong việc xin cung cấp vật liệu. Tôi liền lợi dụng ngay sự dễ dãi để yêu cầu bổ nhiệm ba Tiểu đoàn trưởng dày kinh nghiệm và sự biệt phái, ngoài số quân tình nguyện, các đơn vị thuần nhứt của Lục quân, các đơn vị này sẽ là khung sườn của Lữ đoàn được thành lập vội vã. Quả nhiên, người ta bổ nhiệm ba Trung Tá giàu khả năng, và ít lâu sau, hai Tiểu đoàn dù của Không quân, hai Đại đội thiết kỵ của Lục quân và một Đại đội truyền tin. Các toán quân này sẽ tăng cường cho hai Đại đội thuộc “đơn vị đặc biệt” và Tiểu đoàn dù của tôi.

Chỉ còn lại vấn đề các quân nhân tình nguyện “biết nói tiếng Anh”. Tám ngày sau khi phổ biến – danh từ còn nhẹ quá – “mệnh lệnh mật” trứ danh, khi 100 quân nhân tình nguyện đầu tiên đến Friedenthal, tôi bị một cơn phiền muộn thật sự hành hạ. Tôi muốn đem bắn bỏ luôn cả đám. Nhiều giáo sư cố gắng phân họ ra làm ba loại. Loại thứ nhất gồm các quân nhân nói lưu loát, dùng giọng Anh hay giọng đặc biệt Mỹ, số quân nhân này tuyệt đối không tăng thêm chút nào. Trong khi tôi cần hàng trăm, chúng tôi chỉ thấy có một hai người xứng đáng được liệt vào loại này.

Vả chăng, phải thú nhận rằng chính tôi cũng đang còn yếu Anh văn. Tội nghiệp thay, tôi cứ lợi dụng các giờ học Anh ngữ để “quấy rầy” vị giáo sư đáng thương của chúng tôi! Nhưng tôi đang cố gắng bắt kịp thời gian bị mất và đôi khi đặt được một câu thật khá. Một hôm, tôi làm quen với một sĩ quan phi công tự cho là thuộc loại thứ nhất. Tôi bèn hỏi anh ta một cách tự nhiên:

- Give me your story about last your duty, please (2).

Cậu ta bối rối, ngập ngừng, và rồi nói đại:

- Yes, Herr Oberstleutnant, I “became” my last order “before” five month… (3) - lại do dự nữa, và rồi hấp tấp nói thêm bằng tiếng Đức: - Nếu Trung Tá cho phép, tôi sẽ trình bày chuyện đó bằng tiếng mẹ đẻ…

Thế đó! Và tôi phải bằng lòng chấp nhận vậy. Người ta không thể làm nhục một quân nhân tình nguyện có vẻ rất hăng say. Nhưng với thành tích như vậy, anh ta chắc chắn sẽ không lừa được một người Mỹ nào. Có hoạ là anh Mỹ này điếc!

Sau hai tuần, khi sự lựa chọn những người tình nguyện chấm dứt, chúng tôi đứng trước một kết quả đáng sợ: loại thứ nhất gồm tất cả là 12 người đa số là các cựu thuỷ thủ; loại hai, gồm những người nói khá trôi chảy, tổng cộng chừng 30, 40 người, phần lớn cũng là cựu thủy thủ. Loại thứ ba, chừng 150 người biết cách ứng phó bằng Anh ngữ. Loại thứ tư, các binh sĩ không hẳn đã quên hết các bài học ở trường - gồm chừng 200. Phần còn lại, chỉ biết nói độc có “Yes” và “No”. Thế cho nên tôi bắt buộc phải lập một Lữ đoàn câm điếc, vì sau khi bổ nhiệm 120 quân nhân trong số các “nhà ngôn ngữ” xuất sắc nhứt cho Đại đội chỉ huy, tôi chẳng còn ai nữa cả. Vậy thì chúng tôi sẽ tìm nhập vào các cánh quân Mỹ đang chém vè, cùng chạy trốn với họ, răng nghiến chặt, làm như tai hoạ rộng lớn đã khiến chúng tôi bị á khẩu. Để làm cho tình trạng thê thảm ấy khá hơn, chúng tôi gởi các quân nhân loại hai vào một trường thông dịch viên và đến một trại tù binh Mỹ. Tuy nhiên vì các khoá huấn luyện này chỉ kéo dài có tám ngày nên kết quả không đáng kể.

Đối với đa số quân nhân của đơn vị - những người không biết một tiếng Anh nào – chúng tôi chỉ nhét vào họ một vài tiếng chửi thề thông dụng của các chú G.I (lính Mỹ), cũng như ý nghĩa của vài tiếng “yes, no, O.K”. Ngoài ra chúng tôi lập đi lập lại với họ suốt ngày các ước hiệu chỉ huy chính yếu đang được sử dụng trong quân đội Mỹ. Và đấy là tất cả những gì chúng tôi làm được về phương diện ngôn ngữ để ngụy trang cả Lữ đoàn.

Nhưng tất cả các sự tệ hại đó cũng còn chưa thấm gì. Tình trạng trang bị cho đơn vị mới thật là tai hại vô cùng tận. Chúng tôi phải nhìn nhận ngay là chẳng bao giờ chúng tôi có đủ chiến xa kiểu Mỹ. Sau cùng, đến ngày dự liệu khởi sự tổng phản công, chúng tôi sung sướng nhận được hai chiến xa Sherman. Tôi xin nói lại: hai chiến xa mà một chiếc tuyên bố bỏ cuộc ngay sau khi chạy được vài cây số. Để thay vào chỗ chiến xa Mỹ bị thiếu, đơn vị thanh tra thiết kỵ cấp cho chúng tôi 12 chiếc Panther của Đức. Chúng tôi ra sức nguỵ trang chúng bằng cách lấy tôle bọc các khẩu súng và pháo tháp để ít ra là tạo được hình thù giống như chiếc Sherman. Kết quả không mấy khả quan, chiến xa của chúng tôi không lừa được ai ngoại trừ mấy chú tân binh - vả lại còn phải thêm điều kiện là cho xuất hiện từ xa, lúc hoàng hôn mới được.

Mặt khác chúng tôi nhận được mười xe bọc sắt của Anh và Mỹ. Chúng tôi moi óc tìm cách sử dụng kiểu xe của Anh, điều này thật nan giải, vì chúng tôi phải chiến đấu trong khu vực thuộc trách nhiệm của các đơn vị Mỹ. Sau cùng các chiến xa này không còn làm chúng tôi lo âu nữa, bởi vì, ngay trong các lần thực tập đầu tiên, chúng đã bị hư hỏng hoàn toàn không sửa chữa được. Chỉ còn lại bốn chiếc kiểu Mỹ và như vậy là chúng tôi phải bổ túc bằng cách sử dụng các xe bọc sắt của Đức.

Cơ quan tiếp liệu còn gởi cho chúng tôi chừng ba mươi chiếc Jeep. Nhưng mà tôi vẫn hy vọng các đơn vị bạn ở mặt trận Miền Tây có được một số đáng kể loại xe này. Khốn thay các sở hữu chủ loại xe thích hợp cho mọi thế đất đó lại tỏ ra khó khăn không muốn chia xẻ chúng cho chúng tôi. Do đó họ quyết định làm như không biết lệnh cung cấp các xe này cho đơn vị của tôi. Sau cùng, chúng tôi tự an ủi bằng cách hy vọng sẽ tự kiếm được vài chiếc ngoài mặt trận khi cuộc tổng phản công khởi sự. Chính niềm hy vọng mơ hồ và lừa phỉnh này đã ảnh hưởng đến Bộ Tổng Tư lệnh tối cao khi hoạch định cuộc Tổng phản công: Trên đó người ta tin rằng địch quân sẽ bị bắt buộc bỏ lại rất nhiều xăng. Lại một ảo tưởng nguy hiểm và thảm hại nữa!

Riêng phần xe chuyển vận, họ cấp cho chúng tôi mười lăm chiếc kiểu Mỹ và các xe Ford sản xuất tại Đức được sơn lại màu xanh. Còn vũ khí thì quá tệ hại. Chúng tôi có đúng 50% súng Mỹ cần thiết và vài khẩu súng chống chiến xa, tuy nhiên lại không có một viên đạn nào! Một hôm, chúng tôi nhận được nhiều toa xe chở đạn Mỹ, nhưng hôm sau đó, chúng lại bị nổ tung. Ngoại trừ Đại đội chỉ huy, tất cả các đơn vị khác của chúng tôi phải sử dụng vũ khí Đức.

Nhưng điều cốt yếu là quân phục. Đó là điều kiện không có không được, vì nếu quân phục không đúng qui tắc sẽ lôi kéo lập tức sự chú ý của M.P. (quân cảnh) Mỹ. Một hôm, họ gửi cho chúng tôi một khối lượng quân phục khổng lồ để hàng đống lộn xộn - Khốn thay, đó lại là quân phục Anh. Tiếp theo đó, người ta lại chở đến cả một toa xe lửa toàn là loại áo mưa có nón trùm đầu – nhưng chúng lại mang hình tam giác, dấu hiệu của tù binh chiến tranh! Phần tôi, Tư Lệnh Lữ đoàn, người ta kiếm đâu ra được một chiếc áo pull-over Mỹ. Một chiếc pull-over thôi, ngoài ra không còn gì nữa. Sau cùng nhờ mưu mẹo, chúng tôi cũng lo cho binh sĩ ăn mặc thích hợp, nhất là Đại đội chỉ huy. Cái gì còn thiếu sẽ bổ túc sau, trong khi tiến quân, nhờ các kho quần áo mà lúc trốn chạy, địch quân phải để lại cho chúng tôi.

Trong khi phải vật lộn với các khó khăn kể trên, Trung Tá Hardieck đã bắt đầu lo huấn luyện binh sĩ. Để giữ bí mật, khu vực huấn luyện bị cấm lai vãng, chúng tôi còn cấm cả thư từ đi lại. Lẽ tất nhiên, những tin đồn khó tin nhất về mục tiêu của công cuộc chuẩn bị bí mật được loan truyền trong đơn vị. Các binh sĩ biết rằng tôi sẽ chỉ huy Lữ đoàn, nên họ chờ đợi một hoạt động đồng loại với việc giải cứu Mussolini. Tóm tắt, Trung Tá Hardieck không ngăn chặn được sự tò mò của mọi người, mặc dù ông đã cho áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để cắt ngang các luồng dư luận điên rồ đó. Lập tức người ta bàn luận thật nhiều trong các doanh trại rằng ông ta lo sợ vì sự bí mật của chiến dịch. Ông ta đành phải báo cáo tình hình với tôi.

Trong văn phòng tại Friedenthal, tôi dựng tóc gáy khi biết các câu chuyện tưởng tượng mà binh sĩ của đơn vị đồn đãi. Dầu sao họ cũng không thiếu trí tưởng tượng! Một số cho rằng, do nguồn tin chắc chắn, Lữ đoàn sẽ đi ngang qua nước Pháp để giải phóng một đồn binh còn bị kẹt tại Brest. Các tác giả cho rằng sẽ có việc giải thoát những quân nhân Đức đang trấn giữ thị trấn Lorient. Họ đã thấy tận mắt kế hoạch giúp chúng tôi tiến vào pháo đài. Và còn có cả tá giả thuyết nữa. Điều này không làm trở ngại gì cho chúng tôi, nếu chúng tôi không sợ các tin đồn ấy thì phản gián địch cũng sẽ không thèm chú ý mấy đến công cuộc chuẩn bị của chúng tôi. Làm sao có thể dập tắt được cơn bịnh truyền nhiễm đấu láo được? Theo ý tôi, phương pháp đơn giản nhất lại hữu hiệu nhất: từ nay chúng tôi sẽ không cải chính bất cứ tin đồn nào nữa và thêm vào đó vừa giả vờ ngạc nhiên khi thấy binh sĩ thạo tin quá! Làm như vậy, chúng tôi hy vọng gieo được sự rối trí cho các cơ quan tình báo Đồng minh.

Cùng với thời gian trôi qua - thời gian trôi nhanh quá – chúng tôi đẩy mạnh công cuộc huấn luyện. Chúng tôi lập đi lập lại dưới nhiều hình thức chủ đề huấn luyện chính: Vùng đầu cầu. Trong một lãnh vực khác, chúng tôi cố làm cho binh sĩ từ bỏ tác phong quá cứng nhắc, kết quả của việc đào tạo quân nhân của Đức với các biện pháp kỷ luật quá đáng và vô ích. Cuối cùng, họ được tập quen cả việc nhai kẹo cao su và cách mở bao thuốc lá đặc biệt kiểu Mỹ.

Thật ra, đơn vị duy nhất của Lữ đoàn được nguỵ trang hoàn hảo nhất là đại đội chỉ huy. Do đó chúng tôi quyết định sẽ rất hà tiện người thuộc đại đội này. Vả lại chúng tôi cũng không thể chỉ thị trước cho họ các mục tiêu chính xác. Công cuộc huấn luyện được hướng theo chiều để cho binh sĩ quyền tự do rộng rãi trong khi hành động. Vì họ là các tiền sát viên  mặt trận, họ sẽ cung cấp các dịch vụ vô giá cho toàn thể Binh đoàn. Họ cũng phải góp phần tạo thêm sự hỗn loạn trong hàng ngũ địch bằng cách loan truyền các tin tức giả, phóng đại kết quả đầu tiên của các Sư đoàn Đức, thay đổi các bảng chỉ đường, ra các mệnh lệnh tưởng tượng, cắt đường dây điện thoại, và phá huỷ các kho dự trữ đạn dược.

Một hôm, tôi đến thanh tra đơn vị, một sĩ quan của đại đội chỉ huy xin gặp riêng tôi. Hết sức long trọng, anh ta nói với tôi:

- Thưa Đại Tá, bây giờ em biết mục tiêu của chiến dịch mà chúng ta đang chuẩn bị rồi.

Trong thoáng chốc, tôi lộ vẻ bối rối. Phải chăng Foelkersam hay Hardieck - những người duy nhất hiểu nhiệm vụ bí mật – đã vô tình tiết lộ bí mật của chiến dịch rồi? Nhưng rõ ràng là rất bằng lòng về những lời nói giáo đầu của mình, viên sĩ quan thì thầm tiếp:

- Lữ đoàn sẽ đến thẳng Ba-lê để bắt Bộ Tham Mưu Đồng minh.

Thật quá sá! Tôi phải kiềm chế để khỏi cười phá lên. Tôi chỉ phát biểu mấy tiếng: hừm… hừm… không có gì biểu đồng tình lắm.

Nhưng như thế cũng đủ để kéo dài thêm niềm phấn khởi của anh ta:

- Vì biết rõ Ba-lê như túi áo, xin Đại tá cho phép em được hợp tác.

Tất nhiên là tôi im lặng.

Khi tôi hỏi anh ta đề nghị gì, anh ta trình bày với tôi cả một kế hoạch chi tiết. Một toán tù binh giả được bao bọc bởi các quân nhân nói tiếng Anh giỏi sẽ đi thẳng đến Ba-lê. Ngay cả các chiến xa Đức cũng có thể tham dự cuộc hành trình như là chiến lợi phẩm đem về trình Tổng Hành Dinh Đồng Minh.

Tôi ngăn dòng suối chữ do anh ta tuôn ra, một cách khó nhọc. Sau cùng, tôi cho anh ta lui và bảo ráng nghiên cứu kế hoạch thật chi tiết rồi đến gặp tôi sau… và nhất là phải im lặng. Sau đó tôi biết là anh ta không để tâm đến điểm lưu ý sau cùng. Trong nhiều tuần lễ liền, phản gián địch đã canh chừng quán café de la Paix, mà tôi có đề cập đến trong câu chuyện với anh ta.

°

Vào khoảng giữa tháng 11, Bộ Tổng Tư Lệnh dời ngày khởi sự Tổng phản công, thay vì ngày 1 tháng 12, nay được định là ngày 10, rồi ngày 16 tháng 12. Công việc sắp xếp các đơn vị chưa hoàn tất, trang cụ còn thiếu sót. Việc dời ngày liên tiếp đó cho thấy rằng chính lực lượng nhân sự và phương tiện trừ bị sau cùng được tung ra trong đợt Tổng phản công này.

Điều này cũng đã gây tranh luận hàng ngày tại Tổng Hành Dinh của Fuhrer, tôi được gọi tham dự ba lần vào các cuộc bàn cãi đó. Mỗi lần, tôi đều nghe Sư đoàn này thiếu chiến xa, Sư đoàn kia thiếu súng, thiếu xe vận tải. Tôi được biết rằng Tướng Guderian Tư lệnh mặt trận Miền Đông (4) từ chối từng chiếc chiến xa, từng Tiểu đoàn mà người ta muốn rút để tăng cường cho mặt trận Miền Tây. Tổng quát khả năng hiện tại của chúng tôi cũng tương tự như một tấm “ra” quá nhỏ đối với chiếc giường quá lớn. Khi muốn che đằng chân, nghĩa là Miền Tây, bắt buộc phải để hở đằng đầu, nghĩa là Miền Đông.

Một hôm, phúc trình của Không quân cho thấy rằng ngay cả sự can đảm vô bờ của phi công Đức cũng không thể nào bù trừ được với ưu thế về số lượng của Đồng minh. Đột nhiên, tôi nghe kể một con số: “250 phản lực cơ sẽ tham dự cuộc Tổng phản công tại Ardennes”. Tôi không tin ở tai mình nữa. Đấy có phải là tất cả những gì còn lại của số 2.000 phản lực cơ mà Fuhrer đã nói với tôi hôm 22 tháng 10 không? Nhưng Hitler hình như cũng chẳng thèm nghe nữa. Rõ ràng là ông đã từ khước sự thất bại của Không lực.

Cuối cuộc bàn cãi, Fuhrer nhắc tôi một lần nữa lệnh cấm tôi đi qua phòng tuyến địch. Tôi phải chấp nhận điều binh bằng radio vậy. Lệnh cấm này, được ban hành bằng giọng nghiêm khắc, làm cho tôi hết sức khổ tâm vì tôi hy vọng rằng Fuhrer không còn nghĩ tới nó nữa. Liệu tôi có bị lên án là đã ở lại phía sau, trong khi các bằng hữu xông pha trong trận chiến tuyệt vọng không? Đó là lần đầu tiên có chuyện như vậy! Tôi quyết định sẽ cho các Tiểu đoàn trưởng biết lệnh này - một công việc không lấy gì làm thoải mái cho tôi – và thêm rằng tôi sẽ đến với họ khi tình hình nguy cấp. Dầu sao, tôi cũng không chịu ngồi bó chân trong văn phòng Bộ Tham mưu, tôi sẽ tìm đến một chỗ nào đó gần tiền tuyến.

Hình như cho đến nay, công cuộc chuẩn bị của chúng tôi thoát khỏi sự rình rập của Đồng Minh. Phòng tuyến địch vẫn êm lặng và không có thêm lực lượng tăng cường nào. Quân Mỹ dường như chờ đợi một thời gian nghỉ ngơi dài. Tôi tin rằng họ sẽ không được hưởng thụ lâu nữa.

°

Trong các đêm 13, 14 tháng 12, chúng tôi sẵn sàng vào vị trí khởi hành. Ngày 14, tôi chính thức nắm quyền chỉ huy Lữ đoàn thiết kỵ. Trong một căn nhà gỗ của người giữ rừng, tôi ra các chỉ thị cuối cùng cho các Tiểu đoàn trưởng. Trước hết phải giữ liên lạc thường xuyên. Sau đó, tôi nhấn mạnh phải tránh nổ súng bằng mọi giá. Một tiếng súng nổ có thể làm hỏng cả chiến dịch, các đơn vị phải tiến, tiến mãi và đừng để bất cứ chuyện gì ảnh hưởng đến. Phải xem tận chỗ để biết phải chiếm các cây cầu bằng cách nào. Trong tất cả mọi trường hợp, không được tham dự vào một trận đánh thật sự vì lực lượng yếu quá. Vả chăng kế hoạch chỉ có thể thành công với hai điều kiện: phòng tuyến địch phải tan vỡ, và đơn vị phải đi sâu vào phòng tuyến địch ngay trong ngày đầu tiền.

Trong đêm 15 rạng ngày 16 tháng 12, không ai chợp mắt được. Chúng tôi chờ lên đường vài giờ sau khi cuộc Tổng phản công bắt đầu. Ba bộ phận truyền tin của tôi được đặt ở ven rừng. Chúng tôi chuyển các mệnh lệnh đầu tiên của tôi cho ba Tiểu đoàn chiến đấu: các Tiểu đoàn phải bố trí sau đơn vị thiết kỵ. Họ phải chờ lệnh tôi để mặc quân phục, ngụy trang vào và tiến theo các chỗ hở của phòng tuyến địch. Hiện tại, tất cả chúng tôi đều chờ đợi trong một trạng thái tinh thần căng thẳng tột độ. Rất chậm, thật chậm, bình minh ngày 16 tháng 12 năm 1944 ló dạng.

Đồng loạt, hàng ngàn đại bác nổ vang, phóng một màn lưới đạn vào vị trí địch. Lập tức dàn đại pháo tiến lên, tầm bắn nới rộng dần, pháo binh của Đức đã khởi sự tấn công. Không thể ngồi tại chỗ, tôi tìm đến Bộ Tham mưu Quân đoàn.

Đến 7 giờ sáng, các báo cáo đầu tiên được gởi về. Không có gì sáng sủa lắm, nhưng ngày còn dài. Hỏa lực pháo binh cực mạnh của Đức, hình như không làm các đơn vị Mỹ gần Loosheim nao núng. Địch quân chống trả với sự táo bạo không ngờ, cuộc tấn công của chúng tôi dậm chân tại chỗ. Chúng tôi chờ đợi, răng nghiến chặt. Đến trưa, báo cáo cho biết đã đụng độ ác liệt, chiếm được vài phần đất – nhưng chắc chắn đó không phải là chọc thủng phòng tuyến như dự trù.

Tôi tự hỏi tại sao Bộ Tư lệnh chưa tung chiến xa ra. Chúng đã tiến được vài cây số - đúng phần đất vừa chiếm được – và hiện tại chúng tạo thành tuyến hỏa lực của pháo binh. Các đơn vị chiến đấu của tôi vẫn ở sau các đơn vị chiến xa.

Một lát sau, radio báo cáo cho tôi cái chết của Trung tá Hardieck. Đại úy Foelkersam lên nắm quyền chỉ huy Tiểu đoàn.

Ngày 16 trôi qua và Quân đoàn 6 thiết kỵ chưa thu đạt được kết quả quyết định. Ngay từ đầu buổi chiều, ai cũng biết là phải gọi chiến xa, nếu vẫn còn muốn chọc thủng phòng tuyến địch. Để có thể có một cái nhìn tổng quát, tôi thử lái xe đến tận Loosheim. Trên đường đủ mọi loại xe tạo thành cảnh kẹt cứng. Để tới được thành phố nhỏ bé kia, tôi phải xuống xe không ngừng la hét, chửi thề, ra lệnh cho tài xế các xe vận tải làm kẹt đường và như vậy là tôi đã đi bộ 10 cây số. Tại Loosheim, người ta có thể nghe rất rõ tiếng súng. Trong các cánh rừng bao quanh thành phố, quân dù ra mặt trận từ sáng đang khó nhọc tiến lên, xế về phía Nam, tình hình có vẻ khá hơn.

Tại Loosheim tôi gặp một bộ phận thuộc Đại đội chỉ huy của tôi, nghĩa là đơn vị mà tôi giữ lại để đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp. Tức khắc tôi phải lấy một quyết định cực kỳ quan trọng: rõ ràng là các đơn vị của tôi hôm nay không đến được các mục tiêu phải chiếm nội trong ngày đầu. Theo lý mà nói, tôi phải hủy bỏ “chiến dịch con Rồng” – chiến dịch do tôi trách nhiệm thực hiện, và được soạn thảo công phu biết bao! Tuy nhiên tôi không phải là người bỏ cuộc dễ dàng. Vả chăng tôi vẫn còn một hy vọng nếu các chiến xa tấn công đêm nay, cuộc Tổng phản công vẫn còn có thể thành công. Vậy tôi sẽ đợi 24 giờ nữa. Nếu ngày mai chúng tôi vượt qua được đỉnh núi Haut Venn, quân lực chúng tôi có hy vọng đến được sông Meuse, lúc đó việc chiếm giữ trước các cây cầu bởi các đơn vị thuộc Lữ đoàn của tôi, sẽ quyết định số phận của trận chiến.

Với những quân nhân hăng say nhất của Đại đội chỉ huy, tôi tổ chức ba toán phụ trách gây rối loạn sau hậu tuyến địch. Tôi ra lệnh cho họ tìm cách xâm nhập vào sau phòng tuyến địch xa về phía Nam, để cố sức thi hành các nhiệm vụ phức tạp được giao phó. Tôi yêu cầu họ đặc biệt nhắm khai thác ba con đường mà ba Tiểu đoàn chiến đấu bạn sẽ đi qua nếu tình hình diễn tiến tốt đẹp.

Sau đó tôi trở lại Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Vào nửa đêm, chiến xa khởi sự tấn công. Những tin tức đầu tiên về cuộc tiến quân của chiến xa đến với chúng tôi có lẽ vào lúc hừng đông. Sau 36 giờ không nghỉ ngơi, tôi hoàn toàn mệt mỏi, tôi nằm dài trên một tấm đệm và đắm chìm tức khắc vào một giấc ngủ mê mệt.

Ít lâu sau tôi được đánh thức và được báo cho biết toán quân thứ nhất đã trở lại. Các tin tức được mang về chắc sẽ làm Bộ Tổng Tư lệnh hài lòng. Đến 5 giờ sáng, Bộ Tham mưu nhận được điện văn đầu tiên của Đơn vị chiến xa: “vừa chiếm được làng Honsfeld, địch quân chống trả mạnh mẽ”. Có thể là cuộc Tổng phản công tiến triển được, chúng tôi nghĩ thầm. Ngay sau đó, đơn vị chiến xa xung trận ở phía Nam cũng loan báo tiến chiếm được đất đai đáng kể.

Sáng sớm, Bộ Tham mưu phải di chuyển dần về phía Tây, trong vùng Manderfeld. Tôi quyết định đến đó trước để dò đường. Đường xá bị kẹt còn hơn cả hôm qua. Một dọc xe nối đuôi nhau nhích từng bước một – từng 50 thước – 100 thước – và 50 thước nữa. Tôi mất bình tĩnh, quay trở lại và tìm các lối đi mới mở, xe chạy được. Nhưng khi vừa đến một làng khác tôi lại rơi vào tình trạng kẹt xe. Tôi phải bỏ xe để đi bộ. Đôi khi, nhờ kiên nhẫn, tôi giải tỏa được cả một đống xe dồn cục. Mỗi khi thấy một sĩ quan ngồi nghỉ mệt thong thả nơi ghế đệm trên xe, tôi yêu cầu ông ta xuống xe và thử điều khiển tình trạng lưu thông quá sức tưởng tượng này.

Trên một con đường gần Stadtkyll, một xe rờ mọc khổng lồ của Không quân đã đụng nhiều xe khác và bít luôn con lộ. Chừng 30 người cố gắng đẩy chiếc xe khổng lồ này nhưng vô ích. Khi tôi hỏi xe chở gì, tôi hết sức ngạc nhiên được biết đó là các bộ phận rời của hỏa tiễn V1 (5). Có lẽ người ta đưa thứ này thật xa về phía tiền tuyến với hy vọng rằng trong ngày đầu tiên, phòng tuyến sẽ được đẩy lui thật sâu về phía Tây, hiện tại mệnh lệnh này không còn giá trị nữa tuy nhiên tên ngu ngốc nào đó đã quên hủy lệnh cũ đi.

Thấy chiếc rờ mọc khốn nạn không muốn trở lại vị trí bình thường, tôi cho gọi tất cả những người có xe bị kẹt. Lập tức hàng trăm cánh tay làm công việc dỡ hàng, sau đó chiếc rờ mọc bị lật xuống một hồ nước bên lề đường. Trong 15 phút con đường được giải tỏa.

Buổi tối, tại Manderfeld, tôi được tham dự một thứ hội đồng chiến tranh thật sự. Đơn vị chiến xa mạn Bắc của chúng tôi chỉ có thể tiến với giá thật đắt của các trận đụng độ gay go. Hiện tại, chúng đang chiến đấu trước Stavelot, nơi đây được quân Mỹ giữ vững. Tin tức ở các khu vực khác khả quan hơn nhưng chưa phải là được như ý. Rõ rệt là địch quân bị ngạc nhiên về đợt phản công bất ngờ, nhưng họ bám chặt lấy vị trí, trong khi chúng tôi hy vọng họ bỏ chạy, và cũng không bao giờ có chuyện địch quân rút lui hấp tấp để có thể thi hành chiến dịch con Rồng một cách thành công nữa. Chúng tôi cũng không còn nghĩ đến việc quân đội Đức có thể tiến đến sông Meuse vào ngày mai hay ngày mốt. Các lực lượng trừ bị của địch đã can thiệp mạnh mẽ vào trận chiến rồi.

Trơng những điều kiện đó, tôi phải từ bỏ chiến dịch, tất cả mọi ý định làm thử đều là điên rồ. Chắc chắn là tôi không vui gì khi quyết định như vậy, nhưng sau khi suy nghĩ chín chắn, tôi thấy không thể nào làm khác hơn. Tôi báo cho Bộ Tham mưu Quân đoàn 6-Thiết kỵ biết quyết định và được chấp thuận. Mặt khác, tôi báo cho các đơn vị chiến đấu của tôi và cho lệnh phân tán mỏng tại chỗ để chờ chỉ thị khác. Sau cùng, tôi đặt Lữ đoàn thuộc quyền sử dụng của đệ nhất Thiết đoàn SS – trong đơn vị này, may ra chúng tôi còn làm được một cái gì – và yêu cầu người ta giao cho một nhiệm vụ bộ binh phù hợp với khả năng của chúng tôi.

Tuy nhiên đến ngày 18 tháng 12, cuộc tiến quân của đơn vị mà chúng tôi gia nhập đã thình lình bị dừng lại. Tại Troisponts nơi đơn vị vừa mới chiếm lúc 11 giờ sáng, các cây cầu bị giựt sập, buổi chiều, đơn vị này, may ra chúng tôi còn làm được một cái gì – và yêu cầu người ta giao cho một nhiệm vụ bộ binh phù hợp với khả năng của chúng tôi.

Tuy nhiên đến ngày 18 tháng 12, cuộc tiến quân của đơn vị mà chúng tôi gia nhập đã thình lình bị đứng lại. Tại Troisponts nơi đơn vị vừa mới chiếm lúc 11 giờ sáng, các cây cầu bị giựt sập, buổi chiều, đơn vị còn chiếm được Gleize và Staumont. Tuy nhiên tất cả điện văn từ tuyến đầu gởi về đều yêu cầu tiếp tế xăng và đạn. Vì cả hai nhu cầu đều không được thỏa mãn, đơn vị dậm chân tại chỗ. Và mặc dù cố gắng hết sức, các xe chuyên chở tiếp liệu không làm sao đến được với chúng tôi. Hiện tại không ai còn nghĩ đến tiến quân nữa.

Sáng hôm sau lại một mối lo âu mới xuất hiện. Gần như cả mạn sườn phía Bắc của hướng Tổng phản công bị bỏ ngỏ. Nhất là từ Malmédy, một giao điểm lưu thông quan trọng, địch quân cứ đổ quân trừ bị về phía Nam để cắt đứt căn cứ xuất quân của chúng tôi. Ngươi ta hỏi tôi có thể đảm trách tấn công thành phố ấy để trám chỗ hở của phòng tuyến không, nếu Malmedy lọt vào tay chúng tôi, các đợt phản công của địch sẽ không còn đáng sợ nữa.

Tất nhiên tôi nhận lời và ra lệnh cho 3 tiểu đoàn chiến đấu tập trung chung quanh làng Engelsdorf ngày 20 tháng 12. Tại đó tôi trình diện Bộ Tham mưu Sư đoàn 1 Thiết kỵ SS để hỏi tin tức và ước tính một cuộc tấn công ngay lập tức.

Vì không có trọng pháo, tôi quyết định đánh Malmédy cả hai mặt cùng một lúc vào sáng ngày 21 tháng 12. Mục tiêu là một dãy đồi phía Bắc thành phố, tại đó chúng tôi sẽ lại tập trung và đánh thẳng vào thành phố. Lúc đó hai con đường từ hướng Bắc gặp nhau ở Engelsdorf chỉ được bảo vệ bởi hai toán mỗi toán chín người – theo ý tôi hỏa lực che chở như vậy không đủ.

Ngày 20 tháng 12 một đơn vị tiền thám được phái đến Malmédy trở về báo cáo là thành phố được một lực lượng địch tương đối yếu gìn giữ. Trưởng toán tiền thám này là một Đại úy hải quân, ông ta báo cáo với tôi là đã thực hiện một cuộc vượt qua khu vực địch vừa đáng khen vừa đáng ngạc nhiên. Thật ra ông ta không có ý định đó nhưng vì đã đi lạc. Thình lình, trong khi không hề chờ đợi như thế, ông ta thấy mình đứng gần các ngôi nhà đầu tiên của thành phố. Vài người qua đường còn hỏi là quân Đức có đến không. Hiểu rằng đã lọt vào thành phố Malmédy hãy còn do quân Mỹ chiếm đóng, ông ta vội trở lui và quay về Engelsdorf.

Tóm lại chúng tôi gặp may kinh khủng, ông ta kết luận và nhăn răng cười.

Tôi suy luận từ cuộc phiêu lưu này là thành phố không được canh phòng. Có thể chúng tôi chiếm được nó mà không cần sửa soạn bằng pháo binh trước. Dầu sao tôi cũng còn mười chiến xa – những chiếc khác đã bị hư hỏng.

Trong khi chờ đợi tôi nhận được các tin tức do các toán được gửi ra hậu tuyến địch để phá rối. Trong số chín toán nhận lệnh, có sáu hay nhiều nhất là tám toán đã vượt qua được tuyến lửa. Cho đến hôm nay, tôi cũng không thể kể một con số chính xác. Tôi được biết là một vài quân nhân trẻ đã từ chối không chịu xâm nhập vào hàng ngũ Đồng minh vì thiếu can đảm. Ngược lại, hai toán đã bị bắt làm tù binh. Bốn toán khác báo cáo về rất rõ và chính xác là không thể nào làm cho quân Mỹ ngờ được. Do tính cách ly kỳ của sự kiện, tôi muốn kể vắn tắt vài mẩu chuyện lý thú:

“Ngay hôm đầu tiên, một nhóm đã thành công vượt qua kẽ hở của phòng tuyến địch và tiến cho đến Huy, gần bờ sông Meuse. Tại đó, họ lặng lẽ dừng lại trên một giao điểm lưu thông để quan sát việc chuyển quân của địch. Trưởng nhóm – team leader, nói thạo Anh ngữ, táo bạo đến nỗi dám đi dạo quanh vùng, “để nắm vững tình hình”.

Sau vài giờ, một Trung đoàn thiết giáp địch chạy ngang và viên chỉ huy đến hỏi thăm đường. Với tài ứng biến mau lẹ, trưởng toán liền trả lời hết sức bay bướm. Anh ta nói rằng “bầy heo Đức” vừa cắt đứt nhiều con đường. Chính anh ta cũng vừa mới nhận lệnh đưa binh sĩ đi vòng trở lại. Sung sướng vì được báo trước kịp thời, các chiến xa Mỹ quả nhiên đã chạy theo hướng mà viên sĩ quan của tôi chỉ cho.

Khi trở về, toán này lại cắt nhiều đường dây điện thoại và vứt bỏ nhiều bảng chỉ đường do quân Mỹ dựng lên. Hai mươi bốn giờ sau, họ trở lại phòng tuyến bạn, báo cáo nhiều điểm lý thú về tình trạng rối loạn sau lưng phòng tuyến địch.

Một toán cảm tử khác lại tiến được đến sông Meuse. Họ quan sát thấy rằng dường như Đồng minh không làm gì cả để giữ mấy cây cầu trong vùng. Lúc trở về, họ chặn ngang ba con đường dẫn tới tiền tuyến bằng cách treo những dây vải mầu vẫn được quân Mỹ dùng để chỉ bãi mìn. Sau đó quả nhiên chúng tôi thấy lực lượng trừ bị của địch đến tăng cường phải đi vòng qua ngõ khác.

Một toán thứ ba đã khám phá ra một kho đạn. Họ ẩn nấp cho đến tối và phá hủy kho đạn này. Sau đó họ tìm thấy một đường dây điện thoại tập trung, và họ đã cắt đường dây này ở ba nơi khác nhau.

Nhưng ly kỳ nhất phải là câu chuyện của một toán vào ngày 16 tháng 12, tự dưng bỗng thấy đối diện với một vị trí chiến đấu Mỹ. Chừng hai Đại đội G.I hình như đang bảo vệ một khu vực thật dài, đang dựng các rào chắn và đặt các đại liên. Người của tôi phải một phen quá sợ, nhất là khi một sĩ quan Mỹ đến hỏi thăm tin sau cùng về tình hình mặt trận.

Sau khi hơi tỉnh trí lại đôi chút, Trưởng toán cảm tử - mặc một bộ quân phục mới và mang lon Trung sĩ Mỹ - đã kể lại cho viên Đại úy Yankee cả một câu chuyện dựng đứng hay ho. Chắc chắn là quân Mỹ đã bắt đầu sợ vì họ đọc thấy trên nét mặt các cảm tử quân của tôi nét sợ hãi mà họ cho rằng là hậu quả của việc gặp gỡ tụi “Damned Germans”. Bởi vì, theo lời viên Trưởng toán, anh ta tin rằng tụi Đức đã vượt qua vị trí này rồi, cả bên phải lẫn bên trái, khiến cho vị trí này gần như đã bị bao vây. Rất ngạc nhiên, viên Đại úy lập tức cho lệnh rút lui.

Tổng quát, trong các trường hợp, sự thành công của cảm tử quân vượt xa điều mong ước. Vả chăng, vài ngày sau, đài phát thanh Mỹ ở Calais (6) loan tin khám phá một hệ thống gián điệp và nhân viên phá hoại đằng sau phòng tuyến Đồng minh – các hoạt động đó đặt dưới quyền Đại tá Skorzeny, người “chiếm đoạt” được Mussolini. Quân Mỹ còn tuyên bố bắt được hơn 250 người của đơn vị tôi – con số phóng đại quá. Về sau, tôi được biết rằng phản gián Đồng minh, bị khích động bởi lòng hăng say quá mức, đã bắt luôn một số binh sĩ hay sĩ quan Mỹ chính cống.

Các câu chuyện tức cười mà tôi được nghe các sĩ quan Mỹ kể lại khi chiến tranh chấm dứt, nếu đem in cũng phải cả một cuốn sách. Đại úy X. chẳng hạn, lúc đến một thành phố ở Pháp và đi vào một câu lạc bộ của Đức cũ, trông thấy một đôi giày cao cổ. Tình cờ cỡ giầy vừa với chân ông, ông ta bèn lấy mang suốt ngày. Nhưng các M.P. được tung ra để bắt gián điệp, trông thấy và suy đoán rằng Đại úy X. là một gián điệp Đức. Do đó, ông ta bị bắt và bị giải đi một cách không mấy êm ái. Ông ta bảo đảm với tôi rằng không bao giờ quên được tám ngày bị giam trong một nhà lao quân sự kém tiện nghi.

Hai Thiếu uý trẻ mới đến Pháp tháng 12 năm 1944, một hôm được viên chỉ huy một đơn vị đã từng quen với đời sống khổ nhọc tại mặt trận mời ăn. Lễ phép và dễ thương, hai sĩ quan trẻ tuổi tin rằng cần phải kín đáo ca tụng bữa ăn vốn chỉ gồm toàn đồ hộp. Lời ca ngợi và thêm vào đó là quân phục tinh khiết mới toanh làm họ bị nghi ngờ đến nỗi các M.P. được gọi đến đã lôi họ từ chiếc ghế nơi bàn ăn và đem nhốt lập tức. Nguyên nhân là vì binh sĩ Mỹ, vốn chán loại đồ hộp ăn hoài ăn mãi, không thể chấp nhận một người Mỹ chính cống lại có thể đi ca tụng một thứ thức ăn đáng buồn nôn như vậy.

Chưa hết. Tin rằng tôi có thể làm mọi chuyện kinh hồn và táo bạo nhất, phản gián Đồng minh cho là phải bắt buộc áp dụng các biện pháp đặc biệt để bảo vệ Bộ Tư Lệnh Tối cao Đồng minh. Do đó, Đại tướng Eisenhower bị cầm giữ nhiều ngày trong Bản doanh của ông. Ông phải ở trong một ngôi nhà được bảo vệ bằng nhiều vòng đai M.P. Đại Tướng thấy chán ngay và tìm mọi cách thoát khỏi vòng canh giữ đó. Phản gián Đồng minh bèn tìm được một người giống Đại Tướng như đúc. Đó là một sĩ quan tham mưu, và ông ta giống tướng Eisenhower quá sức tưởng tượng. Mỗi ngày ông Tư lệnh giả, mặc quân phục Đại tướng, leo lên xe của thượng cấp mình đi về Ba-lê, để lôi cuốn sự chú ý của “gián điệp Đức”.

Ngay cả Thống chế Montgomery cũng suýt bị M.P. bắt giữ và tra hỏi nhiều lần trong suốt thời gian có cuộc Tổng phản công tại Ardennes. Một người đùa cợt dễ thương tung tin đồn rằng một tên trong nhóm Skozeny đã giả dạng viên Thống chế Anh để làm gián điệp. Do đó quân M.P. quan sát thật kỹ tất cả các tướng lãnh Anh đi lại ở Bỉ.

°

Sau một lúc thoải mái, chúng ta hãy trở lại Malmédy. Chiều ngày 20 tháng 12, hai trong số ba Tiểu đoàn của tôi đã đến Engelsdorf. Tiểu đoàn thứ ba vì ở quá xa, không đến kịp được. Vì quân số quá ít, nên chúng tôi không gây trở ngại cho nhau làm chi.

Tôi quyết định khởi sự tấn công vào rạng đông ngày 21 tháng 12. Tiểu đoàn thứ nhất tấn công mặt Đông Nam, đơn vị kia do Foelkersam chỉ huy, tấn công mặt Tây Nam. Họ phải tấn công sâu vào phòng tuyến địch và tiến vào trung tâm thành phố. Trong trường hợp gặp sức kháng cự quá mạnh, chỉ cần để một ít quân số trước các vị trí quân Mỹ, lực lượng chính phải được điều động để chiếm các ngọn đồi phía Bắc Malmédy.

Đúng 5 giờ sáng, các toán quân khởi sự tấn công. Vài phút sau, một loạt đại bác nổ kinh hồn chận hằn cánh thứ nhất ngay tức khắc và toán này mất liên lạc, phải rút lui về vị trí xuất phát. Về phần cánh thứ nhì, tôi tự hỏi không biết số phận ra sao. Từ một giờ qua, tôi chẳng có tin tức gì. Ngay khi trời vừa sáng, tôi đi bộ lên tuyến lửa. Từ trên đỉnh một ngọn đồi, tôi nhìn thấy thật rõ con đường hình vòng cung phía Tây Malmédy; ngay chính cả thành phố cũng được ẩn dưới một thế đất trũng sâu. Và trên ngọn đường này, tôi dùng ống dòm và thấy sáu chiến xa Panther của tôi đang chiến đấu trong tuyệt vọng với một lực lượng Thiết giáp địch mạnh hơn gấp bội. Trời đất! – Chính các chiến xa này phải bảo vệ mạn sườn phía trái hướng tấn công của chúng tôi.

Rõ ràng là Foelkersam, hăng say và táo bạo, chưa muốn bỏ thành phố. Nhưng đã có vài binh sĩ thối lui về phía tôi. Họ cho biết là đã đụng với các pháo đài quá chắc và được bảo vệ mạnh mẽ, khó thể chiếm được nếu không có đại bác yểm trợ. Chiến xa của chúng tôi cố đánh trong tuyệt vọng để ít ra là cũng che chở được cho quân bạn rút lui. Tôi tập họp các đơn vị đằng sau đồi để hy vọng tung ra đợt tấn công khác. Tuy nhiên, hiện tại – tôi vẫn chưa thấy bóng dáng Foelkersam đâu cả.

Các xe bọc sắt của chúng tôi đã mang các thương binh cuối cùng trở về. Mối lo lắng của tôi càng tăng, liệu trong vụ ngu si này tôi có bị mất người bạn thân, người cộng sự trung thành không? Sau cùng, hắn xuất hiện kia kìa và bắt đầu vạch cỏ tiến lên đồi. Tôi chú ý thấy hắn dựa một cách nặng nề vào viên bác sĩ. Đến gần tôi, hắn ngồi xuống thật thận trọng, trên mặt đất ẩm ướt. Với một nụ cười yếu ớt, hắn giải thích là đã bị lãnh một mảnh đạn vào đúng ngay chỗ nhiều thịt nhất trong thân thể.

Dưới sự che chở của vài khẩu Bazooka chúng tôi mở một buổi họp ngắn. Viên Đại đội trưởng thiết giáp một lúc sau cũng tìm lại được chúng tôi – ai nấy tin rằng ông ta đã chết – và cho biết ông đã tiến được đến các vị trí pháo binh Mỹ và nghiền nát một khẩu, và đến khi bị phản công bởi lực lượng đông gấp hai, ông ta mới bị đẩy đến đoạn đường vòng cung. Tuy nhiên vì cố thủ ở một vị trí trống trải như thế để giúp quân bạn rút lui, ông mất tất cả các chiến xa.

Chúng tôi bị bắt buộc phải giữ bình tĩnh ít ra cũng trong lúc này. Vào buổi chiều tôi rải các đơn vị trên đỉnh các ngọn đồi đang chiếm giữ, bằng một tuyến mỏng manh kinh khủng thành một phòng tuyến dài 10 cây số. Trong lúc đó pháo binh địch gia tăng mãi cường độ hoạt động gần như là cả một sự tận diệt, làm đổ nát toàn bộ làng Engelsdorf và các con đường chung quanh.

Đến tối, tôi đến Bộ Tư Lệnh Sư đoàn để báo cáo. Sau khi trình bày tình hình của chúng tôi với Tham Mưu Trưởng, tôi đi về phía khách sạn độc nhất trong thị trấn. Còn cách lối vào chừng 30 thước, một tiếng rít mà tôi rất quen thuộc làm tôi nhảy một bước đến ngay vòm cửa chính. Một lát sau một đầu đạn khổng lồ rơi đúng vào chiếc rờ mọt dùng làm văn phòng của viên Tham mưu trưởng. Ông này gặp may mắn nhiều, khi kéo ông ra khỏi đống đổ nát chúng tôi nhận thấy ngoài một mảnh đạn ở lưng, ông ta không bị một vết trầy nào. Vì lẽ vùng này càng ngày càng bất ổn, tôi nhẩy lên xe – may thay xe tôi tránh khỏi cuộc pháo kích nhờ đậu sau khách sạn – tài xế mở máy và vọt chạy hết tốc lực. Đêm thật tối, và đèn xe của chúng tôi được che dấu cẩn thận. Chúng tôi mò mẫm tìm đường, chầm chậm. Ngay khi xe vừa qua khỏi một chiếc cầu nhỏ, ba quả đạn rơi nổ thật gần. Tôi cảm thấy trán bị chạm mạnh, do linh tính, tôi nhảy ra khỏi xe và nhào xuống một hố bên đường. Một lát sau, một chiếc xe vận tải chạy ngược chiều đụng mạnh vào xe tôi, (lúc đó đèn xe đã được tắt hết). Có cái gì nong nóng chảy trên mặt. Tôi thận trọng sờ tay lên má, mũi, bên trên mắt phải, ngón tay tôi chạm phải một mảnh thịt bầy nhầy. Tôi sợ hãi, giật nảy mình. Mắt tôi bị hỏng rồi chăng? Đó là điều tệ hại nhất có thể xảy đến cho tôi. Suốt đời, tôi thường ái ngại cho những người mù mà số phận cực kỳ ghê rợn đối với tôi. Không cần quan tâm đến cả cuộc pháo kích mà lúc này đạn rơi như mưa chung quanh, tôi khám xét nhẹ nhàng vùng nằm trên mảnh thịt bị rách. Lạy Trời! Tôi cảm thấy tròng mắt còn nguyên và nằm yên ổn trong hốc xương mắt.

Tôi tỉnh trí lại ngay, tài xế của tôi không bị thương tích gì cả, chiếc xe đã chịu được sự đụng chạm và có thể chạy lại được. Chúng tôi quay xe lui - mặc kệ nắp xe – và vài phút sau chúng tôi đã trở lại Bộ Tư lệnh Sư đoàn.

Nếu suy diễn dựa theo nét hốt hoảng của các sĩ quan, thì tôi phải được kể là gặp nhiều may mắn. Nhờ một chiếc gương soi tôi xem xét bộ mặt bằng con mắt trái. Chắc chắn là mặt tôi không đẹp đẽ gì. Khi tài xế khám phá nơi ống quần bên chân phải của tôi có bốn lỗ và tôi thấy trên da dấu vết của hai mảnh đạn xuyên qua, tính hài hước của tôi chợt ùa đến. Rõ rệt tôi là một tên gặp thời vận hên. Thời gian chờ bác sĩ rất dễ chịu nhờ một ly cô nhắc và một đĩa “goulash” (thịt bò nấu theo kiểu Hung-gia-lợi) do một xe rượu lăn đến. Đáng tiếc, tôi không thể hút thuốc được, máu làm ướt ngay điếu thuốc và tạo nên một mùi kỳ dị.

Sau cùng viên bác sĩ đến, ông ta nhiếc mắng tôi không tiếc lời – thay vì tỏ ra mừng rỡ vì tôi không việc gì, và quyết định đưa tôi đến bệnh xá lập tức. Thật thà mà nói, tôi rất bằng lòng được rời khỏi thung lũng địa ngục này - rất có thể tôi sẽ bỏ thây tại đó.

Mặc dù các bác sĩ muốn đưa tôi về hậu tuyến, tôi phát biểu ý định trở lại chỉ huy đơn vị càng sớm càng tốt. Tình hình nghiêm trọng quá không cho phép tôi nghĩ đến việc trở về Đức. Vả lại, tôi rất vững tâm, viên bác sĩ nhún vai, làm tê khu vực bị thương, gắp vài mảnh đạn và may miệng vết thương. Cuộn băng được xiết mạnh để giữ cho da nằm yên chỗ. Hôm sau, tôi trở lại vị trí chiến đấu.

Tại đó, tôi thấy vị trí của chúng tôi có nguy cơ thất thủ. Pháo binh địch hình như tỏ vẻ ưu ái thật sự đến toán quân yếu ớt của tôi. Trong ngày, một trái phá đã làm cháy tiêu một chỗ rất thích hợp cho những người suy tưởng một mình, một trái khác ngang qua cửa chuồng bò và giết con bò cái già nua đáng thương của chúng tôi. Tái ông thất mã – chúng tôi lại có thịt tươi để ăn.

Đêm kế, chúng tôi bị đánh thức bởi những tiếng động lạ tai. Trên đầu chúng tôi những hoả tiễn V.1 (7) vạch từng đạn đạo cháy sáng hướng về phía Liège. Điều ấy an ủi chúng tôi phần nào trước sự biệt tăm biệt tích của Không quân. Tuy nhiên một hai đêm sau, khi một chiếc bom bay ấy rơi xuống một ngọn đồi cách ngôi nhà chúng tôi đang chiếm đóng chừng 100 thước – may mà không nổ - chúng tôi lại tiếp tục có những cảm nghĩ không tốt đẹp đối với Không quân. Ai bảo đảm rằng chiếc V.1 kế tiếp sẽ không làm tai hại hơn? Không chừng dư luận đồn đại bấy lâu nay lại đúng sự thật: người ta nói rằng các công nhân phụ trách ngoại quốc ráp các bộ phận điều chỉnh phương hướng của bom bay V.1, càng ngày càng gia tăng phá hoại các khí cụ tinh vi ấy.

Ngày 23 tháng 12, tôi đi Meyrode để thúc đẩy Bộ Tham mưu Quân đoàn 6 thiết kỵ. Thật vậy, trang bị và tiếp liệu của chúng tôi rất thê thảm, nhất là vì không chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu lâu dài. Vì không có được một hoả đầu vụ lưu động, việc sửa soạn một bữa ăn nóng là một vấn đề đáng lo ngại. Chúng tôi thiếu quần áo mùa đông và nhất là thiếu trọng pháo.

Cuộc hành trình rất sôi động. Thời tiết quang đãng trở lại và đã trả bầu trời lại cho không quân địch - chắc chắn không phải cho phi cơ Đức vì chẳng thấy chúng đâu cả. Chúng tôi luôn luôn bị bắt buộc phải dừng xe lại và nhảy xuống hồ. Đôi khi vì muốn tránh các giao lộ nguy hiểm, chúng tôi băng đồng và không tìm thấy chiếc hố nào sử dụng được, lúc đó chỉ còn cách nằm sát mặt đất, mũi cắm trong bùn. Trong một lần “thao diễn” ấy, đột nhiên tôi cảm thấy ớn lạnh, răng đánh bò cạp, mình mẩy ướt đẫm mồ hôi…. Chắc chắn là vì vết thương hành nên bị sốt, mặc dù được băng bó, vết thương đã phần nào bị nhiễm độc.

Trong một nông trại bỏ hoang, tôi nằm trên giường của một nông dân, uống ngấu nghiến vài viên aspirine với một ly rượu “grog” gồm có rhum và nước chanh. Tài xế và sĩ quan tuỳ viên của tôi tiếp tục đi Meyrode. Vài giờ sau, khi họ trở lại, tôi thấy đỡ hơn và cố gắng “đi về nhà”, nghĩa là về vị trí chỉ huy.

Ngày 24 tháng 12, sau cùng pháo binh bạn lâm trận, điều mà chúng tôi chờ đợi từ lâu. Lập tức, tôi chỉ cho viên sĩ quan chỉ huy pháo binh các địa điểm mà tôi đã chọn trước để đặt súng và các toạ độ phải rót đạn vào mà tôi đã chấm sẵn. Ông ta ngẩng đầu, nghe tôi mà không nói một lời. Nhưng khi tôi yêu cầu ông ta cho đặt các khẩu đại pháo ngay và thật nhanh, ông ta bảo:

- Thưa Đại Tá, tôi phải trình bày rằng tôi chỉ còn vỏn vẹn có 16 quả đạn cho mỗi khẩu đại pháo và hiện tại tôi không thể trông chờ vào một sự tiếp tế đạn dược nào cả.

Thoạt tiên, tôi lặng câm, quá sửng sốt đến nỗi không thốt ra được lời nào. Tôi tự hỏi không biết nên cười hay nên khóc. Đấy, lực lượng pháo binh được nóng lòng trông chờ bấy lâu nay – và nó đến ngay vào ngày Giáng sinh, gần như là món quà tặng - thế nhưng chúng tôi lại không có đạn. Rõ rệt là viên sĩ quan chỉ huy pháo binh không thể làm gì hơn – ông ta tỏ ra rất đau khổ - nhưng cuộc điện đàm của tôi với Bộ Tham Mưu Quân đoàn 6 lại rất sôi nổi. Tất nhiên cơn thịnh nộ của tôi không mang lại kết quả gì. Không bao giờ chúng tôi còn nhận được thêm đạn dược nữa.

Một lần nữa, tôi nghĩ đến một cuộc tiếp xúc sau cùng với Fuhrer. Theo các lời tuyên bố của Ngài, tổ chức Todt đã cho áp dụng các biện pháp thích nghi để đảm bảo việc chuyển vận nhanh chóng xăng và đạn dược cho đến tuyến đầu, đặc biệt là với các xe bồn xăng. Để đạt được kết quả, dọc hai bên đường, tổ chức Todt sẽ đặt vô số bồn đậu to lớn bằng gỗ để tiếp tế cho các xe chở xăng. Thế mà, mặc dù tôi đã di chuyển không biết bao nhiêu lần trên các con đường trong toàn vùng hỏa tuyến, chẳng bao giờ tôi thấy được một bồn dự trữ trứ danh ấy cả. Có thánh mới hiểu được...

Ngày 28 tháng 12 năm 1944, chúng tôi được một sư đoàn bộ binh thay thế. Ngày hôm sau chúng tôi tạm đóng quân trong những lều tạm trú phía Đông thành phố Saint-Vith. Chằng bao lâu sau cuộc rút lui toàn diện đã đưa chúng tôi trở về Đức.

Đối với tôi cũng như đối với toàn thể Quân lực Đức, cuộc Tổng phản công tại Ardennes đã kết thúc bằng cuộc bại tẩu.


(1) Đọc "Những trận đánh lịch sử của Hitler".

Kể tôi nghe câu chuyện bổ nhiệm lần sau cùng của anh.

Vâng, thưa Trung Tá tôi “đã trở thành” lần bổ nhiệm sau cùng “trước” năm tháng.

Đọc “Hitler và Các Danh Tướng Quốc Xã”, bản dịch Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên, sách đang in – Sông Kiên xb.

(5) Đọc "Hitler và Vũ Khí Bí Mật", Sông Kiên xb.

(6) Pas de Calais: vùng duyên hải biển Manche, cực Bắc nước Pháp.

(7) Đọc "Hitler và Vũ Khí Bí Mật", bản dịch Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên - Sông Kiên xb.