Trong nhiều tuần lễ liền, chúng tôi phải làm việc tại Friedenthal như tù khổ sai: tổ chức lại, huấn luyện, chuẩn bị các chiến dịch mới. Bị bao vây tứ phía, Đức quốc càng ngày càng giống như một pháo đài vĩ đại: không những chúng tôi phải bảo vệ phòng tuyến, nhưng còn phải chặn đường tiến quân của địch bằng cách dự trù các cuộc phá hoại nội bộ địch. Vậy tôi phải tìm cách sử dụng các đơn vị đặc biệt của tôi để đóng góp vào nỗ lực khó khăn đó. Và cho đến hôm nay, khi nhìn lại quá khứ, có thể nói là chúng tôi đã tham dự các trận đánh thật đẹp.
Thật vậy, cuối mùa hè năm 1944, đội người nhái của chúng tôi cộng thêm với một phân đội thuộc lực lượng đặc biệt đã hoàn toàn thành công trong một công tác có thể làm cho họ hãnh diện. Các quân đoàn Anh-cát-lợi, dưới quyền chỉ huy của Thống chế Montgomery, vừa mới vượt qua Waal - một trong những nhánh sông chính thuộc lưu vực sông Rhin - và thiết lập chung quanh Nimègue một đầu cầu đe dọa cả phòng tuyến chúng tôi. Khốn thay, họ chiếm được cây cầu bắc ngang sông, nhờ đó các đoàn xe của họ dễ dàng chạy cho đến tuyến lửa. Vì lẽ người Anh đã cho bố trí chung quanh cây cầu một dàn D.C.A cực mạnh, các cuộc đánh phá bằng phi cơ chiến đấu oanh tạc của chúng tôi không có kết quả.
Được báo cho biết tình hình đó, tôi thảo luận với một số chuyên viên để sử dụng người nhái vào việc phá hủy cây cầu. Dầu cho là một sự phá hoại nhỏ cũng được coi như thành công, ít ra cũng giảm thiểu đáng kể áp lực địch trong vùng, tôi được biết rằng các chuyên viên hải quân đã sáng chế được một loại mìn thủy lôi để sử dụng trong trường hợp này. Loại khí giới này có hình dáng bằng một nửa quả thủy lôi có chỗ chứa không khí, có thể nổi trên mặt nước, nhờ đó rất dễ điều khiển. Theo kết quả của các lần thử đầu tiên, sức nổ cùng một lúc của hai trái mìn được đặt gần một cột cầu, đã làm di chuyển một khối nước vĩ đại mà không một thứ kiến trúc nào chịu đựng nổi.
Đầu cầu quân Anh dàn rộng cả về phía thượng lưu lẫn về phía hạ lưu sông Nimègue, mỗi bên chừng 7 cây số. Riêng vùng tả ngạn con sông thì đã hoàn toàn do địch chiếm đóng. Một đêm, đại úy Hellmer, người sẽ chỉ huy chiến dịch, một mình bơi một vòng thám sát. Nhờ các chân vịt bằng cao su, anh ta bơi thật nhanh mà không gây tiếng động nhiều. Một tấm lưới dày được trùm lên đầu để che bớt các mảng da trắng trên mặt, nhưng không làm cản trở sự quan sát. Được trang bị như thế xong, Hellmer cẩn thận bơi về phía chiếc cầu, chọn lựa trụ cầu sẽ bị giật sập và nghiên cứu thật kỹ. Làm thế nào mà khi đến giờ ấn định, mỗi người phải biết các động tác thi hành. Bên trên, các chiến xa Churchill chạy không ngừng ra tiền tuyến. Tiếng động ầm ĩ của động cơ và xích sắt sẽ tạo một yếu tố quan trọng cho sự thi hành công tác, chúng tôi có thể hy vọng các tiếng động đáng nghi từ dưới sông sẽ bị át đi. Và lại lính gác sẽ không nghĩ đến chuyện canh chừng mặt sông. Làm sao mà sự nguy hiểm có thể đến từ phía ấy khi quân Anh chiếm đóng toàn thể khu vực mấy cây số trên thượng lưu cũng như hạ lưu con sông? Im lặng, Hellmer tự để cho dòng nước đưa đi, qua mặt các vị trí canh gác của địch hai bên bờ và trở lại phòng tuyến bạn.
Vài ngày sau, cơ quan khí tượng hứa với chúng tôi một đêm tối trời đặc biệt, có thể có mưa nữa. Thời tiết lý tưởng cho một hoạt động như thế này. Đưa các quả mìn thủy lôi xuống nước là cả một công việc nặng nhọc, nhất là khi súng cối của quân Anh rót vài quả khá chính xác. Vài người tham dự chiến dịch của chúng tôi đã bị thương. Sau cùng mọi chuyện đều xong - Các khối mìn to lớn trôi gần bờ sông. Mười hai quân tình nguyện đã sẵn sàng, ôm các thủy lôi bên hông - cứ ba người một bên - biến dần trong đêm tối, do dòng nước đưa đi. Đột nhiên bóng của chiếc cầu vĩ đại hiện ra trong bóng tối. Toán cảm tử đã nghe tiếng xe, tiếng xích sắt của thiết giáp đi từ bên này qua bên kia. Và rồi thì họ đến dưới bụng cầu. Thật nhanh, họ đưa 2 quả mìn đến một cột chân cầu đã được chọn lựa, đặt bên phải một quả, bên trái một quả và mở nắp ngăn chứa không khí, trong khi một chuyên viên phát động ngòi nổ chậm. Hiện tại, hai quả mìn vô hại cho đến giờ ấn định mới trở thành nguy hiểm. Từ từ những điếu xì gà khổng lồ chìm sâu xuống sóng nước dọc theo chân móng, trong khi đó các cảm tử dùng hết sức mình bơi ra xa. Năm phút sau một tiếng nổ kinh hồn xé toang bầu không khí. Các quả mìn tác động đúng mức, cột cầu gẫy sụm, kéo theo phần chính giữa của bụng cầu. Lập tức hai bên bờ sông trở nên náo nhiệt. Quân Anh bắt đầu bắn, thoạt tiên là bắn hú họa, dần dần với độ chính xác ghê rợn, bởi vì hiện tại, các tia sáng bình minh đầu tiên có thể giúp quân Anh nhìn thấy được đầu của quân cảm tử. Một loạt tiểu liên đã bắn trúng một người của chúng tôi. Các người khác bao quanh, che chở. Nhiều lần đạn đi ngay vào giữa đám người đang bơi, nhưng nhờ phép lạ, chỉ có hai người trúng đạn và lại rất nhẹ. Sau cùng tất cả nhóm đã trở về được phòng tuyến bạn cách chừng 10 cây số phía hạ lưu. Mệt nhoài nhưng những con người rắn rỏi đó cất bước trở về trại, mang theo ba đồng bạn bị thương.
Như vậy chiến dịch đã hoàn toàn thành công, nhưng từ đó, chắc chắn quân Anh sẽ canh gác kỹ và sự lập lại một vố táo bạo như thế nếu không phải là không thể làm được thì ít ra cũng rất khó khăn.
°
Vào đầu mùa thu 1944, tôi cùng với một trong các tiểu đoàn dưới quyền thực hiện một cuộc thực tập đặc biệt. Chúng tôi thỏa hiệp với viên Giám đốc một xưởng chế tạo vũ khí, nằm gần Friedenthal, rằng một ngày nào đó nhiều nhóm người sẽ xâm nhập vào và làm cho nhà máy tê liệt - Tóm lại đây là một trận giặc giả, bắt chước một cuộc tấn công của quân phá hoại địch.
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, cuộc thực tập đã hoàn toàn thành công - tôi có thể nói là quá thành công. Vào khoảng 20 người xử dụng các thẻ căn cước giả lọt được vào các xưởng máy, và chỉ trong vòng 20 phút mà không bị ai chú ý, họ đặt được các khối chất nổ - lẽ dĩ nhiên là vật tượng trưng - vào những nơi quan trọng nhất, nhưng tầm thường nhất của cơ xưởng. Lẽ tất nhiên, cũng giống như tại các cơ xưởng làm việc cho hệ thống quốc phòng, một "phân đội bảo vệ" đã có mặt tại cơ xưởng từ lâu - tôi có cảm giác là phân đội này chẳng bảo vệ được gì cả. Ngày hôm sau, ban giám đốc làm một phúc trình thật dài gởi lên Bộ, và tôi nghĩ rằng các bộ phận bảo vệ cơ xưởng sản xuất vũ khí sẽ phải nhận các chỉ thị mới, nghiêm khắc hơn. Về phần tôi, kết quả của cuộc thực tập này đã cho tôi thấy một điều chắc chắn: đối thủ trực tiếp của chúng tôi, nghĩa là cơ sở tình báo Anh, đặc biệt là các cơ sở có nhiệm vụ phá hoại tại Đức, không phải là mạnh hơn chúng tôi, nếu không các cuộc phá hoại xưởng máy của chúng tôi sẽ xảy ra luôn luôn. Các phân đội bào vệ không phải là các đơn vị có thể đập tan âm mưu phá hoại do một nhóm nhỏ những người cương quyết chủ trương.
°
Cũng trong thời kỳ đó, mặt trận miền Đông yêu cầu các đơn vị đặc biệt của tôi can thiệp. Cuối tháng tám, một điện văn khẩn cho gọi tôi về trình diện Tổng hành dinh của Fuhrer. Ngay khi vừa đến, Đại tướng Jodl giới thiệu tôi với hai sĩ quan Tham mưu của ông để hai ông này cho tôi biết lý do của lệnh triệu dụng.
Một thời gian ngắn, sau khi một đoạn trung tâm của phòng tuyến phía Đông sụp đổ vào tháng 6 năm 1944, một cảm tử quân thám sát - nghĩa là một trong các bộ phận mà sở phản gián biệt phái cho mỗi đơn vị - đã được một người Nga, vốn làm việc với chúng tôi ngay từ khi chiến tranh bắt đầu, sau lưng hậu tuyến địch, gởi cho một điện văn có nội dung như sau:
"Trong một khu rừng rộng lớn phía Bắc Minsk, có nhiều đơn vị của Đức ẩn nấp và cho đến nay họ chưa đầu hàng"
Nhiều quân nhân, sau khi đi lạc hàng tuần trong khu vực bị quân Nga chiếm đóng, lần mò trở về được phòng tuyến bạn, cũng đã xác nhận có nghe nói đến các đơn vị bị bao vây này. Sau khi gủi bức điện văn trên, điệp viên của chúng tôi đã vượt phòng tuyến tìm người lính cảm tử thám sát của chúng tôi để báo cáo bổ túc. Cứ như lời anh ta tuyên bố thì hiện có vào khoảng 2.000 người dưới quyền chỉ huy của một trung tá tên Scherhorn, đang ở trong một khu vực mà anh ta chỉ có thể chỉ ranh giới một cách mơ hồ. Ngay lập tức, người tiền sát viên cảm tử của chúng tôi cố gắng dùng máy liên lạc vô tuyến để liên lạc với toán quân thất lạc này, nhưng cho đến nay, mọi cố gắng đều vô hiệu. Vậy mà Bộ tư lệnh tối cao quyết định tính chuyện mò trăng đáy nước, bằng cách tìm và đưa toán quân của trung tá Scherhorn về phòng tuyến bạn. Lẽ tự nhiên, người ta đã nghĩ đến các đơn vị đặc biệt của tôi.
- Ông có sẵn sàng nhận lãnh nhiệm vụ không? - Hai sĩ quan tham mưu hỏi tôi.
Tôi trả lời thuận. Tôi biết các sĩ quan và quân nhân giỏi, thích hợp cho một sứ mạng tương tự - nghĩa là phần đông gồm người Baltes - sẽ rất sung sướng vì có cơ hội đi cứu đồng bạn hiện đang bị thất lạc giữa vùng Cộng sản chiếm đóng. Ngay đêm đó, tôi lại lên máy bay và ngay khi về đến Friedenthal, chúng tôi bắt tay ngay vào việc. Vài ngày sau, một kế hoạch hoàn thành lấy tên kế hoạch Braconnier. Rôi chúng tôi lo cho hằng hà sa số các chi tiết mà kế hoạch đã đặt ra. Kế hoạch dự trù thành lập bốn toán, mỗi toán có hai lính Đức và ba Nga sô. Họ được vũ trang bằng súng lục Nga, mang theo lương thực cho bốn tuần, mỗi toán có một lều và đặc biệt, được trang bị một máy truyền tin xách tay. Điều rõ rệt hơn cả là người của chúng tôi phải giả trang thành lính Nga. Như vậy chúng tôi phải cung cấp cả giấy tờ, bằng lái xe v.v.. cần thiết. Ngay từ bây giờ, họ đã phải làm quen với thuốc lá Nga, và mỗi người phải có trong xách vài mẩu bánh mì đen phơi khô và loại đồ hộp của quân đội Nga, vừa đủ để khi cần chứng minh. Mọi người đều bị hớt tóc gần như trọc, theo kiểu quân đội Nga, và trong những ngày cuối trước khi khởi hành, họ sẽ phải từ bỏ việc tắm rửa, ngay cả việc cạo râu nữa.
Hai trong số các toán sẽ nhẩy dù xuống một nơi nào đó phía Đông Minsk, gần giữa thành phố Borisow và Cervenj và sẽ đi về phía Tây để khám phá khu rừng mênh mông thuộc khu vực này. Trong trường hợp thất bại, không tìm được toán quân của Scherhorn, họ phải tìm cách trở lại phòng tuyến. Toán số 3 và số 4 sẽ được thả xuống giữa Dzesinsk và Witeja, họ sẽ đi về phía Minsk, tìm tòi trong khu vực bán nguyệt mà tâm điểm chính là thành phố Minsk. Họ cũng vậy, trong trường hợp các cuộc tìm kiếm không có kết quả, phải tìm cách trở về phòng tuyến của Đức.
Chúng tôi hoàn toàn có ý thức rằng kế hoạch này chỉ có thể được dùng làm nền tảng lý thuyết. Trong thực tế chúng tôi bắt buộc phải để cho mỗi toán tự do hành động tới một mức độ nào đó, vì lẽ chúng tôi không chỉ dẫn cho họ được điều gì chính xác cả, họ bị bắt buộc phải tin tưởng vào linh tính và hành động tùy theo tình hình. Chúng tôi hy vọng là nhờ máy truyền tin, chúng tôi có thể chuyển chỉ thị cho họ khi cần. Hiện tại, chúng tôi có ý định, ngay khi một toán của chúng tôi tìm được đoàn quân của Scherhorn, làm ngay một phi đạo có thể giúp cho phi cơ vận tải lên xuống mang dần dần các binh sĩ trở về.
Vào cuối tháng 8, toán thứ nhất do thượng sĩ P. chỉ huy, lên đường bằng một chiếc Henkel 111, của phi đoàn thứ 200. Chúng tôi bồn chồn nóng nẩy chờ đợi phi cơ trở về, bởi vì vào thời kỳ đó, phi cơ phải bay sâu hơn 500 cây số vào vùng bị địch chiếm đóng trước khi đến địa điểm nhẩy dù (lúc đó chiến tuyến chạy dọc theo con sông Vistule). Vì một chuyến bay như vậy chỉ có thể thực hiện vào lúc ban đêm, không có một phi cơ săn giặc nào theo hộ tống chiếc máy bay vận tải khổng lồ, chậm chạp đó, may thay trước lúc rạng đông, chúng tôi đã thấy phi cơ quay về. Ngay đêm đó, người lính tiền sát cảm tử của chúng tôi đã liên lạc vô tuyến được với bộ phận của thượng sĩ P.
- Đáp rất tồi tệ, - họ báo cáo. - Chúng tôi đang thử tập hợp lại. Chúng tôi ở ngay dưới hỏa lực của nhiều súng liên thanh....
Bức điện văn ngừng ngay lại ở đó, có lẽ họ phải chạy trốn, bỏ lại chiếc máy truyền tin. Đêm này qua đêm khác, hiệu thính viên của chúng tôi rình nghe từng ám hiệu nhỏ nhoi trông nón nghe. Không có gì cả - không còn tin tức gì của phân đội do P. chỉ huy cả. Một sự khởi đầu không mấy tốt đẹp!
Đầu tháng 9, phân đội thứ hai, do thượng sĩ S. chỉ huy, cất cánh, bắt đầu chuyến phiêu lưu vĩ đại. Lúc trở về, viên phi công tuyên bố là họ đã nhảy đúng địa điểm và tất cả đều xuống đất an toàn. Tuy nhiên bốn ngày bốn đêm liền trôi qua mà chúng tôi không nhận được một điện văn nào. Chúng tôi đã nghĩ đến tình trạng bi đát nhất. Sự im lặng này chỉ có thể được giải thích bởi một tai nạn thê thảm. Sau cùng, vào đêm thứ 5, chiếc máy của chúng tôi trong khi không ngừng phát đi tín hiệu định trước, đã bắt được tín hiệu trả lời. Thoạt tiên là mật khẩu, sau đó là mật hiệu chứng tỏ người của chúng tôi nói một cách tự do (một sự cẩn thận cần biết: nếu không có mật hiệu này, người đối thoại đang bị đối phương bắt nói dưới họng súng). Và rồi tin tức trọng đại đã đến. Đoàn quân của Scherhorn có thật, thượng sĩ S. đã thành công trong nhiệm vụ tìm kiếm nó! Đêm sau, chính trung tá Scherhorn diễn đạt lòng tri ân của ông đối với chúng tôi bằng vài chữ đơn giản nhưng đầy cảm động. Những nỗ lực, các âu lo của chúng tôi đã được tưởng thưởng đẹp đẽ làm sao!
Hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau đó, phân đội thứ 3 lên đường do hạ sĩ quan M. chỉ huy. Không bao giờ chúng tôi còn có thể biết số phận của 5 người này nữa. Đêm lại đêm, chúng tôi điều chỉnh tần số theo máy của họ, gọi danh hiệu của phân đội... rồi hàng tuần trôi qua, rồi hàng tháng trôi qua..... vô ích, chúng tôi không nhận được câu trả lời nào hết. Phân đội M. đã biến mất trong nước Nga mênh mông.
Vẫn cách 24 giờ sau, chúng tôi đưa phân đội thứ 4 lên dường, do thượng sĩ R. chỉ huy. Trong bốn ngày đầu, R. gọi chúng tôi rất đều. Sau khi xuống đất, họ đi về phía Minsk. Họ không thể giữ mãi một hướng đi bởi vì họ phải tránh các đội quân cảnh Nga tuần tiễu. Thỉnh thoảng họ gặp các tên đào ngũ và bị coi là những người bạn đồng hành bất hạnh. Nói chung, thái độ của dân chúng trong phần đất Bạch Nga này có vẻ thân thiện. Đột nhiên, đến ngày thứ 5, liên lạc với phân đội R. bị gián đoạn. Chúng tôi chưa có thì giờ kịp chỉ dẫn địa điểm chính xác của đoàn quân do Scherhorn chỉ huy. Sự chờ đợi âu lo lại bắt đầu - rồi kéo dài, không chịu đựng nổi. Mỗi buổi sáng Foelkersam buồn bã báo cáo với tôi "không có tin tức gì về ba phân đội R., M. và P.". Cuối cùng, chừng ba tuần lễ sau, một đơn vị đồn trú đâu đó trong vùng biên giới Lithuanie gửi cho chúng tôi qua điện thoại, một điện văn như sau: "Phân đội R. đã tìm đến tuyến phòng thủ của chúng tôi không thiếu một ai".
Lẽ dĩ nhiên, báo cáo của thượng sĩ R. làm cho mọi cơ sở tình báo của chúng tôi lưu tâm cao độ. Thật vậy, hiếm khi có trường hợp các quân nhân Đức gặp cơ hội đi ngang qua một vùng nằm sau phòng tuyến của Nga. R. rất đỗi kinh ngạc khi thấy giới lãnh đạo Nga sô áp dụng nguyên tắc chiến tranh toàn diện, bằng các phương thức tàn bạo như thế nào. Mọi lực lượng, sức mạnh đều được động viên, khi cần, gọi cả đàn bà và con nít nữa. Nếu thiếu phương tiện chuyên chở, thì chính dân chúng phải lăn các thùng xăng ra tiền tuyến qua hàng trăm cây số, rồi đứng thành hàng chuyền tay nhau các quả đạn súng cối cho đến các vị trí đặt súng. Rõ ràng không còn chối cãi gì được nữa, chúng tôi còn phải học hỏi người Nga nhiều điều.
Ngụy trang thành một Trung úy Hồng quân, Thượng sĩ R. đã táo bạo đến mức dám đi vào một câu lạc bộ sĩ quan để được mời ăn tối. Nhờ giỏi tiếng Nga, quan khách không ai nghi ngờ lý lịch của anh ta cả. Vài ngày sau anh ta trở lại phòng tuyến bạn mang theo toàn thể phân đội.
Hiện tại vấn đề đặt ra là thỏa mãn các nhu cầu cấp bách của đoàn quân Scherhorn, đơn vị đang bị thiếu hụt đủ thứ sau ba tháng trời bị cô lập. Trước hết Scherhorn yêu cầu gởi cho một bác sĩ, thuốc men, dụng cụ vệ sinh y tế. Viên bác sĩ đầu tiên nhảy dù xuống một cánh đồng tăm tối bị gãy luôn hai chân và vài hôm sau thì chết. Người y sĩ thay thế gặp nhiều may mắn hơn, ông nhảy xuống an toàn. Sau đó, chúng tôi gởi tiếp liệu gồm lương thực và đạn dược cho vũ khí nhẹ. Vì bị thiếu thốn từ lâu, tình trạng sức khỏe của binh sĩ tồi tệ đến nỗi, tạm thời, chưa thể ra lệnh cho Scherhorn lên đường được.
Cứ cách hai hay ba đêm, phi đoàn 200 lại phái nhiều máy bay mang tiếp liệu đến cho đoàn quân bị vây hãm. Khốn thay, việc thả dù không được chính xác lắm, thường các kiện hàng quý báu rơi vào nơi không đến được, hoặc lạc mất tiêu trong rừng già, và mỗi lần như vậy phải thả dù kiện hàng khác thay thế. Trong khi chờ đợi, tôi lập một kế hoạch cứu đoàn quân, cùng với các chuyên gia của phi đoàn. Chúng tôi dự trù làm một phi đạo gần nơi Scherhorn ẩn núp. Sau đó, lợi dụng các đêm tối trời vào tháng mười để dùng phi cơ đưa các người bị bệnh, bị thương di tản trước, rồi mới đến các người khỏe mạnh.
Do đó chúng tôi gởi cho Scherhorn một chuyên viên để giúp ông ta xây dựng nhanh chóng một phi đạo tạm thời. Tuy nhiên công việc vừa mới khởi sự thì quân Nga đã biết, và rồi các cuộc tấn công không ngừng của địch đã làm cho việc thiết lập phi đạo không còn có thể thực hiện được nữa. Vậy chúng tôi phải tìm cách khác. Sau khi bàn với Scherhorn qua máy truyền tin, chúng tôi quyết định rằng đoàn quân của ông ta phải rời chỗ ẩn náu, đi về phía Bắc để đến một vùng rải rác có nhiều hồ cách đấy chừng 250 cây số, gần biên giới cũ giữa Nga sô và Lithuanie thuộc khu vực Dunaburg. Các hồ nói trên sẽ đông cứng vào đầu tháng 12. Ngay khi lớp băng vừa đủ dầy, chúng tôi sẽ sử dụng như các phi đạo để phi cơ lên xuống.
Để giúp làm dễ dàng cho sự di chuyển cả một đoàn quân quan trọng như thế qua một vùng do địch chiếm đóng, Scherhorn chia thành hai toán, đi bộ theo hai hàng dọc. Hàng thứ nhất đi thẳng lên hướng Bắc do một đơn vị tiền sát hướng dẫn được Thượng Sĩ S. của chúng tôi chỉ huy. Hàng thứ hai, do chính Scherhorn chỉ huy, sẽ theo một con đường song song nhưng giữ hướng nam nhiều hơn. Hiện tại, phải đưa đến cho họ áo quần ấm và hàng trăm danh sách dụng cụ cần thiết. Nhân cho 2000, nhu cầu trở thành một số khổng lồ cần thả dù nhiều lần. Chúng tôi cũng gởi cho họ chín máy truyền tin mới và binh sĩ gốc Nga, để đề phòng trường hợp bị lạc đường, họ có thể giữ liên lạc với nhau và với chúng tôi.
Ngày 15 tháng 11 năm 1944, tất cả đều sẵn sàng và hai hàng người bắt đầu khởi hành, đi bộ, vì một vài chiếc xe đẩy kiểu Nga hiếm hoi phải được dùng để chở thương bệnh binh. Họ tiến tới quá chậm, khác xa với điều chúng tôi dự trù. Mỗi ngày trung bình đi được từ 8 đến 12 cây số. Nhiều lần Scherhorn phải cho xen kẽ vài ngày nghỉ ngơi, như thế mỗi tuần trung bình chỉ đi tới được chừng 40 cây số. Mặt khác, các điện văn phúc trình tới tấp các cuộc đụng độ đẫm máu với các đội tuần tiễu của quân cảnh Nga, số thương vong càng ngày càng tăng. Dần dần, tất cả những người biết về nước Nga, trong số chúng tôi đều ngã lòng. Cơ may trở lại quê nhà của nhóm Scherhorn trở nên quá mong manh.
Nếu đường bay của các phi vụ tiếp tế có ngắn hơn thật, thì việc xác định địa điểm thả dù trở nên khó khăn hơn. Qua máy truyền tin, chúng tôi thỏa thuận một địa điểm trên bản đồ và đến ngày giờ định trước, sẽ được đánh dấu. Mặc dù cẩn thận đến như vậy, nhưng càng ngày số kiện hàng rơi vào tay quân cảnh Nga càng nhiều không đếm xuể. Nhưng đó không phải là mối lo âu lớn nhất của chúng tôi. Từ tuần này đến tuần khác, số lượng xăng cấp cho phi đoàn 200 giảm dần trong khi nhu cầu vẫn giữ nguyên. Thỉnh thoảng chúng tôi gỡ gạc được của cơ quan cấp xăng một cấp khoản đặc biệt bốn hoặc năm tấn và nhấn mạnh đến tính cách khẩn cấp của đồ cứu trợ cần phải gởi đi, nhưng mỗi lần có yêu cầu mới, các khó khăn gặp phải càng gia tăng. Mặc dù Scherhorn kêu gọi thảm thiết, chúng tôi phải bắt buộc giảm số phi vụ tiếp tế vốn đã rất hạn chế rồi. Tôi tin rằng Scherhorn và binh sĩ của ông ta đang chiến đấu trong những điều kiện hãi hùng, chắc không thông cảm được các khó khăn của chúng tôi. Do đó tôi thử giữ vững tinh thần của họ, niềm tin của họ đối với ý chí của chúng tôi, ý chí giúp đỡ trong phạm vi phương tiện cơ hữu, bằng cách hàng ngày gởi cho họ các điện văn trong đó tôi cố tỏ vẻ lạc quan.
Đến tháng 2 năm 1945. Tôi chỉ huy một Sư đoàn ở mặt trận Miền Đông. Vừa đẩy lui các mặt tấn công điên cuồng của địch, tôi vừa cố gắng theo đuổi các “sứ mạng đặc biệt” của chúng tôi.
Những điện văn do Scherhorn gởi về đều đều cho chúng tôi biết tình thế ngày càng tuyệt vọng. “Xin gởi thêm tiếp liệu… xin giúp đỡ chúng tôi… Đừng bỏ quên chúng tôi…” Chỉ có một tin vui duy nhất: Scherhorn vừa gặp được phân đội P., phân đội đầu tiên trong số bốn phân đội được gửi đi và bị coi như mất tính từ tháng 8. Nhưng ngoài sự kiện đó ra, đọc các điện văn ghi các cuộc đối thoại ban đêm, làm cho tôi đau đớn như bị tra tấn. Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể gởi mỗi tuần một chuyến phi cơ mà thôi. Một chuyến bay khứ hồi dài 800 cây số. Khối lượng tiếp liệu có thể gởi đi cũng giảm dần. Ngày đêm, tôi moi óc nghĩ cách giúp đỡ những người không muốn ngưng chiến đấu đó. Nhưng làm sao đây?
Vào cuối tháng 2, cấp khoản xăng không còn nữa. Tôi không ngăn được cơn giận khi nghĩ đến khối lượng nhiên liệu khổng lồ mà địch quân xài phung phí trong khi tiến quân. Tại mỗi phi trường của khu vực Warthegau[1] mà quân Nga vừa mới chiếm, hàng trăm tấn xăng được dự trữ cho phi cơ.
Ngày 27 tháng 2, chuẩn úy S. gởi cho tôi điện văn sau:
- Đã đến, với bộ phận tiền sát, khu vực có nhiều hồ. Sẽ bị chết đói nếu không nhận được lương thực gấp. Các ông có thể đến kiếm chúng tôi không?
Rồi, vì làn sóng phát yếu dần đi, các lời kêu cứu càng cấp bách. Và chúng tôi bất lực. Sau cùng: S. năn nỉ cấp cho anh một chút xăng để có thể “sạc” lại bình điện cho máy truyền tin.
- Tôi chỉ còn xin có một điều… có thể giữ liên lạc với các anh… có thể được nghe các anh…
Sự suy sụp và nhiều khi là sự hỗn độn trong các công sở lại tỏ ra mạnh hơn chúng tôi. Hiện tại đừng nghĩ đến việc tiếp tế cho những người khốn khổ đó nữa và nhất là việc tìm kiếm đưa họ trở về.
Tuy nhiên, các hiệu thính viên của tôi hàng đêm vẫn ngồi trước máy, ống nghe úp chặt vào tai, cứ như thế, mặc dù quân đội rút lui dần và nhiều khi rút lui hấp tấp. Đôi khi, họ lập được liên lạc với các đoàn quân của Scherhorn. Thỉnh thoảng chúng tôi còn nhận được lời kêu cứu tuyệt vọng – thế rồi từ ngày 8 tháng 5, không còn gì nữa, im lặng hoàn toàn. Scherhorn không trả lời nữa, chiến dịch Braconnier thất bại.
°
Vào cuối tháng tám, mặt trận Miền Đông lại sắp ghi nhận một tai họa khác. Liên quân Đức tại miền Nam – tại Bessarabie và Lỗ - ma - ni – hình như bị đợt tiến quân dũng mãnh như thủy triều của Nga sô nhận chìm. Theo các tin tức còn mơ hồ qua các thông cáo, chúng tôi lo âu theo dõi trên bản đồ, đà tiến quân liên tục của các Sư đoàn Nga sô qua lãnh thổ Lỗ - ma - ni. Trong sự tan rã đó, các thuộc địa lâu đời của Đức sẽ ra sao?
Vào đầu tháng 9, tôi được Tổng Hành Dinh của Fuhrer ra lệnh như sau:
- Thành lập ngay hai tiểu đội hoạt động vô giới hạn. Phi cơ cần để chuyên chở đã sẵn sàng. Nhiệm vụ của cảm tử quân là: nếu có thể, chắn ngang đèo Carpathes phía Nam, đẩy mạnh các điểm thám sát vào sâu trong vùng bị địch chiếm. Cản trở lưu thông của quân Nga, giúp đỡ tổ chức và đẩy mạnh công tác cứu thoát dân chúng gốc Đức.
Một lần nữa, chúng tôi lại được giao cho một nhiệm vụ, sau một quyết định vội vàng, vào phút chót, trong khi thông thường, sự thành công của hoạt động cảm tử lệ thuộc cốt yếu vào công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu dài. Mặc kệ - chúng tôi sẽ cố hết sức. Tôi nhận thấy Thiếu úy G. là sĩ quan thích hợp nhất để chỉ huy phân đội gồm có vài bộ phận xung kích, nhiều hạ sĩ quan công binh, và chừng mười quân nhân rành tiếng Lỗ-ma-ni. Chúng tôi vội vã kiếm dụng cụ cần thiết như điên, và rồi đơn bị lên đường đến nơi vô định. Danh từ này đúng nhất, phải dùng, vì lẽ tình hình quân sự biến chuyển hàng ngày. May thay, chúng tôi có ý tưởng là phái một chiếc phi cơ thám sát đến vùng do Tổng Hành Dinh chỉ định, nhờ đó đến phút chót chúng tôi biết rằng phi trường Temezvar, nơi mà toán quân tôi sẽ đổ bộ, đã bị quân địch chiếm mất. Các phi cơ vận tải phải đáp ở một bãi đất phụ do quân đoàn Phleps xây dựng.
Ngay khi vừa đặt chân xuống đất, phân đội chia ra làm bốn toán chiến đấu và tiến đến đèo Carpathes thành công. Lúc đó, không thể nói đến phòng tuyến của Đức trong vùng này nữa: quân sĩ của chúng tôi đang chạy dài, phần chủ động ở nơi quân Nga với các đợt tiến quân vũ bão. Nhưng trong nhiều ngày, quân đội chúng tôi cũng làm chậm đà tiến của địch nhờ vài ngọn đèo của núi Carpathes, và giúp được nhiều nhóm dân chúng Đức – gồm đàn ông, đàn bà tuyệt vọng chạy trốn không ngừng. Chẳng mấy chốc, quân cảm tử của chúng tôi cũng phải vừa đánh vừa lui. Thiếu úy G. và binh sĩ trong toán đã ngụy trang thành lính Lỗ-ma-ni, và cùng với quân Nga vào Kronstadt. Họ còn lấy hoa cài cả lên nòng súng gọi là “để mừng cuộc tiến quân thằng lợi của Hồng quân”. Tuy nhiên, cơ may đã đến với họ nay bỏ rơi họ, khi cố len lỏi cho đến phòng tuyến chót của quân Nga, họ bị phát giác. Quân Nga, sau khi dùng báng súng đánh ngất, lột hết quần áo và không cần xét xử gì cả, đem họ lên đỉnh đồi bắn bỏ. Đến phút chót, Thiếu úy G. nhẩy dựng lên và chạy trốn. Sau khi chạy hết sức qua nhiều cây số, chân mặt anh ta bị một viên đạn, khiến anh ta phải ẩn náu trong một đầm lầy. Đêm sau, anh trở về được phòng tuyến bạn mới được tái lập. Nhờ các điều anh quan sát được về sự chuyển quân của địch, quân Đức thành công vài ngày sau, trong việc cứu cả một Sư đoàn đang chiến đấu trong vùng Gyergyoti, khỏi bị vây hãm.
Về phần ba phân đội kia, họ đã trở về sau khi bị tổn thất nhẹ, và cung cấp các tin tức quí báu liên quan đến quân số và ý đồ của quân Nga.
°
Chính các loại công tác kể trên đã làm tôi thích thú nhất. Thường thường, một nhóm người không quá đông, nhưng gồm toàn người cương quyết, có thể đạt được các kết quả không ngờ. Khốn nỗi, sự thành công của các đơn vị cảm tử chỉ như là một tia sáng mặt trời yếu ớt trong một bức tranh tối tăm ảm đạm. Một chi tiết do viên Hạ sĩ quan thuộc toán của Thiếu úy G. phúc trình đã cho tôi thấy một tia sáng buồn thảm trong một tình hình vốn đã khẩn trương rồi: Tại Lỗ-ma-ni, bên kia dãy Carpathes, phân đội của anh gặp một đơn vị phòng không đông đến 2.000 người. Họ được trang bị đầy đủ và còn giữ nguyên vũ khí – loại tối tân – bắn nhanh – nhưng họ dừng lại trong một thung lũng nhỏ bên cạnh một con đường lớn và không biết làm gì, họ chờ đợi – nói tóm tắt, họ đầu hàng trước cả khi quân Nga đến nữa. Trong số 2.000 người chỉ có 300 là chịu theo phân đội của G. tìm về phòng tuyến. Những người khác ưa ở lại đó hơn – ngu ngốc, thụ động, tiêu cực, đến nỗi không có ý chí vạch một con đường đến khu vực còn ở trong tay quân bạn. Họ phải đầu hàng ngay với đội quân tiền sát của Nga – 1.700 người có trong tay một hỏa lực ghê gớm, nhưng lại không còn tinh thần chiến đấu nữa. Và câu chuyện thương tâm này xảy ra hàng chục hàng trăm lần tại mặt trận miền Đông. Liệu đã có thể kết luận rằng tinh thần quân Đức bị suy sụp, rằng quân Đức không còn tin vào chiến thắng cuối cùng, hay chưa? Hay đây chỉ là sự thể hiện “bệnh tinh thần phát cuồng của quân Nga” mà đôi khi người ta quan sát thấy trong các khu vực thuộc phòng tuyến miền Đông – nghĩa là một hiện tượng đặc biệt, do sự mệt nhọc quá sức, do tinh thần bị căng thẳng quá sức, gây ra? Lúc đó, tôi còn nồng nhiệt hy vọng rằng chỉ có vậy thôi.
[1] Khu vực giữa sông Oder và một trong các phụ lưu chính của nó, sông Warthe tại Tây Phổ - ghi chú của người dịch.