Trong các văn khố này, tôi còn tìm thấy nhiều tài liệu phong phú về tiềm năng kỹ nghệ của địch. Khi mới đảm nhận chức vụ mới, tôi đã tìm thấy một số chỉ dẫn liên quan đến kỹ nghệ chiến tranh của Xô Viết, tập trung được nhân chiến dịch Ulm. Nhưng chính từ sau khi đọc được các tài liệu của không quân, tôi mới bắt đầu thấy chúng tôi còn thiếu sót bao nhiêu, và sứ mạng mà thượng cấp giao phó cho tôi vĩ đại đến mức nào.
Chúng tôi được biết rằng Nga Sô đã di chuyển và tái thiết các cơ sở kỹ nghệ quan trọng nhất của họ trong một vùng phía đông dãy Oural - một vùng rộng lớn hơn cả lãnh thổ “Đại Đức Quốc”. Vì lẽ không quân Đức chỉ có thể thực hiện một số ít các chuyến bay thám thính trên vùng đất này, chúng tôi bắt buộc phải sưu tầm thêm bằng những nguồn tin khác. Chúng tôi tập trung và đối chiếu có hệ thống hàng ngàn cung từ của tù binh Nga, rồi chúng tôi bổ túc bằng kết quả do một số cơ sở của chúng tôi điều tra các công ty Đức, Pháp, trước đó có thực hiện các công tác trong vùng. Nhờ phương pháp đó chúng tôi có thể phác họa mau lẹ một mô thức khá chi tiết về cơ cấu kiến trúc của khu vực kĩ nghệ tập trung vĩ đại này. Tôi thấy ngay là còn bao nhiêu công việc chuẩn bị phải làm nữa trước khi nghĩ đến việc thiết lập một kế hoạch tấn công có thể mang lại cho chúng tôi phần nào thành công.
Rõ rệt là không thể nào hủy diệt hoặc bằng không quân hoặc bằng cách phá hoại toàn bộ cơ sở tập trung trong khu vực quá rộng lớn như thế. Chúng tôi phải khám phá ra các trung tâm đầu não. Mỗi một loại kĩ nghệ, nhất là khi được xây dựng một vài năm, sau một kế hoạch chình thức được áp dụng chặt chẽ, đều có điểm yếu của nó. Trong trường hợp đặc biệt hiện nay, “những gót chân Achille” là các trung tâm điện năng được dự trù xây dựng cùng với các nhà máy trong một họa đồ chung, và được các kĩ sư Xô Viết cứ thế xúc tiến việc xây cất. Cũng giống như các nơi khác, người ta có khuynh hướng thỏa mãn lập tức nhu cầu điện năng, và vì đà phát triển khu vực quá nhanh, người ta không cần có một trung tâm nào đóng vai trò cung cấp điện năng trừ bị. Vậy thì một sự giảm sút đáng kể trong việc sản xuất điện năng, theo lý là phải kéo theo sự giảm sút tương ứng sản xuất kĩ nghệ. Mặt khác, hệ thống liên lạc giữa các trung tâm khác nhau cũng là các điểm yếu nếu sự phá hoại thường xuyên xảy đến làm cản trở sự điều hành các hệ thống này.
Chúng tôi đã chuẩn bị theo chiều hướng ấy. Được các chuyên viên của không quân yểm trợ, bởi vì các đề án của chúng tôi cũng tỏ ra rất hữu ích cho không quân, chúng tôi tập trung nỗ lực vào hai mục tiêu, và lập tức, công trình của chúng tôi tiến hành rất mau lẹ. Khốn thay, công cuộc chuẩn bị của chúng tôi đột nhiên bị đình chỉ - trong nhiều tháng - bởi mệnh lệnh, tất nhiên là có dụng ý, nhưng không được suy nghĩ đúng mức phát xuất từ “các cấp trên” của chúng tôi. Chuyện xảy ra như sau: một công chức của Bộ Trang Bị đã trình Himmler một báo cáo về các lò luyện kim ở Magnitogorsk, trong vùng Oural. Với bản tính nóng nảy cố hữu, Himmler liền ra lệnh “Đơn vị đặc biệt Friedenthal chuẩn bị lập tức một chiến dịch phá hoại các lò luyện kim ở Magnitogorsk, nhằm mục đích tiêu hủy chúng hoàn toàn”. Chỉ Huy Trưởng đơn vị hàng tháng phải báo cáo tiến triển của công tác chuẩn bị và ngay lúc nào có thể, trình ngày giờ khởi hành của đơn vị cảm tử. Đó là mệnh lệnh mà tôi tìm thấy trong một buổi sáng đẹp trời, dưới hình thức điện văn, trên bàn giấy của tôi.
Sau khi hội họp với mọi loại chuyên viên, chúng tôi đi đến nhận định: thứ nhất, chúng tôi không có một tài liệu nào về vùng Magnitogorsk và các cơ sở kĩ nghệ tại đó. Vậy trước hết chúng tôi phải thử tìm kiếm tài liệu, tin tức, công việc này đòi hỏi chắc chắn phải làm việc trong nhiều tháng. Thứ hai, dầu cho có suy nghĩ nát óc cũng vô ích, chúng tôi tuyệt đối không thấy làm cách nào mà những quân sĩ cảm tử đáng thương của chúng tôi lại có thể mang theo một số lượng chất nổ thật lớn, cần cho công tác, đến gần các lò luyện kim vốn được canh giữ liên tục.
Vậy thì không thể nào thi hành ngay mệnh lệnh đó được. Nhưng làm thế nào để trình bày cái không thể này lên các đấng thượng cấp đây? Khi tôi ngây thơ muốn gởi một tờ trình khách quan và chi tiết về các khó khăn không thể vượt qua mà chúng tôi phải đương đầu, người ta đã cười vào mũi tôi. Họ giải thích rằng tôi còn phải học hỏi nhiều về ngoại giao và cần chứng tỏ điều đó trong khi giao thiệp với sếp lớn. Chính Schellenberg cũng đã dạy tôi một bài học thật sự về đường lối phải theo đuổi: theo ông, trước hết cần phải biểu lộ sự hân hoan tràn trề đối với bất cứ đề án nào - ngay cả các đề án rồ dại nhất - và tuyên bố liên tục rằng công cuộc chuẩn bị tiến triển rất khả quan. Dần dần về sau, người ta có thể bắt đầu vén màn bao phủ sự thật, và vẫn phải từ từ, nhỏ giọt. Để đạt tới trình độ bậc thầy trong chiến lược đơn giản này, phải học cách chôn vùi khéo léo tất cả các kế hoạch loại này bằng cách nào để rốt cuộc ngay đến tác giả của chúng cũng không còn nghĩ gì đến nữa. Lúc đó các ông lớn sẽ coi anh là một cộng sự viên lí tưởng, xứng đáng được tin cẩn và được bao bọc.
Thật vậy, chúng tôi phải mất đúng một năm rưỡi mới “chôn vùi” vĩnh viễn được cái ý tưởng rất vĩ đại nhưng tuyệt đối bất khả thực hiện kia.