Không có con đường nào đưa tới sự thảnh thơi mà bản thân nó không phải là thảnh thơi.
Người Việt Nam nào cũng đều quen thuộc với câu ca dao: "Rủ nhau đi cấy đi cày/ Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu". Chữ "phong lưu" nghĩa là sung sướng, thoải mái, không phải lo toan gì nữa. Do ta thấy mình còn thiếu thốn nhiều thứ, với bấy nhiêu tiện nghi đang sở hữu vẫn chưa đủ để hạnh phúc, vì vậy mà ta luôn cố gắng và nhắc nhở nhau ráng "cày bừa" để tích góp thêm. Bây giờ ráng chịu cực chịu khổ rồi ngày mai sẽ hưởng. Nhưng ngày mai ta sẽ hưởng cái gì? Có kho thóc vàng thì ta sẽ ăn sung mặc sướng thật, nhưng liệu nó có đủ trang trải hết những nhu cầu về hạnh phúc của con người không? Nó có giải quyết được những nỗi cô đơn, buồn tủi, phản bội hay tuyệt vọng không? Đó là chưa nói khi no ấm rồi ta thường dễ sanh tật, đua đòi, hay mơ mộng đến những thứ hạnh phúc xa xôi hơn nữa. Cho nên, "kho thóc vàng" không hẳn sẽ giúp ta được "phong lưu".
Có biết bao kẻ đang đầy ắp tài sản mà chẳng biết "phong lưu" là gì cả. Lúc nào họ cũng bận rộn, căng thẳng và đầy sợ hãi. Đôi khi ta thấy những đứa bé đang thả diều trên đồng, cô thôn nữ hái sen dưới đêm trăng, hay bác nông phu chài lưới trên sông lại có thể tận hưởng từng khoảnh khắc đang trôi qua. Họ mới đích thực là những kẻ "phong lưu". Có lẽ là vì họ luôn chấp nhận những gì mình đang có. Dù vẫn phấn đấu để có cái ăn cái mặc, nhưng họ không bao giờ để cho công việc lấn át sự sống quý giá hiện tại của họ. Thời gian và năng lực của họ chủ yếu là để sống thật sâu sắc, sống hài hòa và yêu thương nhau.
Vì vậy, chỉ khi nào ta có nhu cầu quá lớn về tiện nghi vật chất thì ta mới cho rằng "kho thóc vàng" là mục đích chính của cuộc đời mình. Còn khi ta đã thấm thía nỗi đau của sự mất mát chia lìa thì ta sẽ thấy rằng giây phút đầm ấm bên nhau mới thật sự là lẽ sống. Như hai câu ca dao sau đã khắc họa: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa". Có chồng, có vợ, và cả con trâu như người bạn thân thiết luôn kề vai sát cánh bên nhau trong từng ngày gian khó, như thế đã là điều kiện của hạnh phúc rồi. Với họ, mỗi ngày trôi qua hay mỗi việc làm đều là hạnh phúc, đều là lý do để sống. Họ không coi thường bất cứ điều gì mà họ đang có để đuổi theo những thứ khác, nhất là những thứ mà họ chưa biết chắc. Có thể họ đã tin rằng phương tiện sống cũng là mục đích sống.
Còn ta luôn luôn có nhiều mục đích để đeo đuổi. Khi xem cái kia là mục đích ta lại quay lưng ngay với cái này, hoặc xem nó chỉ đóng vai trò phương tiện tạm thời để phục vụ cho mục đích lớn lao kia. Cũng như khi ta cần đi về một điểm B để làm một việc gì đó thì điểm B trở thành đích tới của ta. Bấy giờ chỉ có B mới là quan trọng. Nhưng nếu ta đang cần được thư giãn, cần tập đi sau một tai nạn giao thông, hoặc chỉ đơn giản muốn được đi như một thực tại sinh động, thì động tác bước đi chính là mục đích của tiến trình di chuyển ấy. Đi để mà đi chứ không phải đi để mà tới. Không cần tới vì ta đang thưởng thức từng bước chân mầu nhiệm của mình. Ngày mai, có thể ta sẽ không đi được nữa.
Được đi chẳng phải là hạnh phúc lắm sao? Dường như ta chưa bao giờ thấy mình đang đi cả. Ta chưa từng cảm nhận giá trị sâu sắc của một người còn có thể sử dụng được đôi chân khỏe mạnh của mình. Ta vẫn luôn đi trong thái độ hấp tấp vội vàng như bị ma đuổi, như để nắm bắt thứ gì đó cực kỳ quan trọng mà nếu không có nó thì ta không thể sống được. Những gì có thể thực hiện ở điểm B tuy quan trọng, nhưng không vì thế mà ta phải bỏ lỡ quãng đường đi tới B. Quãng đường tới B cũng quan trọng không kém gì B. Vì cả hai đều có thể mang tới giá trị hạnh phúc. Cả hai đều vừa là phương tiện vừa là mục đích.
Người ta vẫn thường nói với nhau: "An cư lạc nghiệp". Tức là cần phải có cơ ngơi ổn định, tiện nghi vật chất kha khá thì mới có thể tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc. Quan niệm này đã gạt gẫm không biết bao nhiêu lớp người rồi mà ta vẫn còn rất mực tin tưởng. Nhìn lại mà xem. Ai ai cũng tranh thủ tích góp với hy vọng đời sống sẽ sung túc hơn, nhưng thật kỳ lạ là càng có đầy đủ vật chất hơn thì người ta lại càng thấy thiếu thốn hơn. Vất vả lắm mới mua được căn nhà như ý nhưng ta lại phải ở ngoài đường hay trong công sở suốt ngày. Thức ăn chất đầy tủ lạnh nhưng ngày nào ta cũng ăn cơm tiệm. Áo quần không nhớ hết bao nhiêu bộ nhưng ta vẫn hối hả tìm kiếm thêm khắp các cửa hiệu. Đó là chưa kể khi có vài biến cố xảy ra như bệnh tật, con cái hư hỏng, gia đình xào xáo, kẻ xấu quấy phá thì tất cả những gì gọi là "lạc nghiệp" kia bỗng chốc biến thành vô nghĩa.
Không tìm thấy thảnh thơi trong hiện tại, ta lại gửi niềm tin về tương lai. Nhiều người lại cho rằng phải đợi đến khi về hưu, dù không muốn thảnh thơi cũng phải thảnh thơi. Với họ, thảnh thơi tức là không có việc để làm. Nhưng sự thật, người nào đã bỏ lỡ cơ hội sống sâu sắc ở hiện tại thì tương lai cũng chỉ là chuỗi ngày ngồi luyến tiếc quá khứ mà thôi. Không có những việc lớn để làm, họ lại cố gắng làm những việc vặt vãnh để thấy mình vẫn đang còn đó. Họ rất sợ phải ngồi không. Cho nên, chỉ có người nào chấp nhận thực tại một cách tuyệt đối, không còn mong cầu thì mới có thể sống thảnh thơi ở mọi nơi.
Cách đây chỉ vài thập niên thôi, người ta còn cho rằng biết sống thảnh thơi là cả một nghệ thuật sống. Bây giờ nếu ta nói mình đang tận hưởng từng giây phút của hiện tại, không có gì quan trọng phải làm thì chắc chắn mọi người sẽ nhìn ta bằng ánh mắt rất kinh ngạc. Phải luôn nói rằng ta rất bận rộn thì ta mới là kẻ biết sống, mới có giá trị. Ở Mỹ, người ta không nói công ty đắt khách hàng mà họ nói công ty rất bận rộn (busy). Người trẻ còn muốn tăng thêm mức bận rộn, họ tự hào là mình đang rất điên cuồng (crazy) với công việc ở công ty. Theo họ, nếu không điên cuồng tức là đang ế ẩm. Thà điên cuồng mà có tiền xài thì cũng không sao. Chính vì nhận thức sai lầm giữa sự thỏa mãn cảm xúc với giá trị hạnh phúc chân thật nên họ đã làm đảo lộn giữa phương tiện và mục đích sống. Họ biến tất cả những giá trị mầu nhiệm của sự sống thành thứ phương tiện tầm thường để phục vụ cho những tham vọng to tát. Mà tham vọng thì có bao giờ đủ. Cho nên, có thể nói thảnh thơi bây giờ hoặc không bao giờ. Bởi nó không phải là vấn đề của thời gian, của không gian hay của những yếu tố bên ngoài. Nó thuộc về chính ta, và chỉ có ta mà thôi.
Trong một số truyền thống tâm linh, người ta luôn hướng tới sự "tự do" hoặc "giải thoát". Nghĩa là, ta phải tìm mọi cách để vượt khỏi sự khống chế ràng buộc của một đối tượng hay hoàn cảnh nào đó. Có khi phải lìa xa hẳn thế giới này mới được tự do hay giải thoát. Cho nên, dù đã chọn đời sống tinh thần nhưng họ cũng không thể sống thoải mái, nhẹ nhàng và an ổn hơn bao nhiêu so với những người còn tranh đấu với cuộc sống. Trong tâm họ vẫn còn đầy rẫy những khắc khoải mong cầu, vẫn còn những bận rộn lo toan, vẫn còn những bức xúc trước nghịch cảnh. Họ nhân danh lý tưởng cao cả mà vẫn chưa thật sự dừng lại để chấp nhận hiện tại một cách tuyệt đối thì làm sao có thể dẫn dắt kẻ khác đạt được bình yên ngay trong đời sống. Không thành công trong hiện tại, họ vẽ đặt ra tương lai bằng những viễn cảnh cực kỳ hấp dẫn để dẫn dụ những kẻ non dạ yếu lòng. Vì lẽ đó mà chủ trương đi tìm thế giới tự do hay giải thoát đã trở thành xu hướng mạnh mẽ của những kẻ không định vị được mình trong cuộc sống.
Khi nghe tin chứng khoán rớt thê thảm, ta không hề sợ hãi hay lo lắng là tại vì ta không có đầu tư cổ phiếu. Khi kinh tế đột nhiên suy thoái trầm trọng mà ta vẫn có thể ăn no ngủ yên, đó là vì ta không phải là những doanh nghiệp lớn. Khi đọc báo thấy người ta thắt cổ tự tử vì bị phá sản, ta thấy mình thật ung dung với đồng lương vừa đủ sống. Khi chứng kiến cảnh vợ chồng người khác ấu đả nhau rồi ra tòa kiện tụng, ta thấy mình may mắn và tự do vì đang sống độc thân. Khi thấy những người nổi tiếng khổ sở khi bị báo chí phanh phui đời tư, ta lại mỉm cười sung sướng vì mình đã không bén duyên với hào quang danh vọng. Rõ ràng, khi ta không chạy theo những điều kiện hấp dẫn bên ngoài mà vẫn sống an ổn được thì ta sẽ không bị khống chế và ràng buộc. Không bị ràng buộc tức là thảnh thơi.
Thảnh thơi chỉ vì đứng ngoài những nghịch duyên như thế thì sự thảnh thơi đó vẫn còn bị điều kiện hóa. Ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra khi những điều kiện thuận lợi mà ta đang có bỗng tan biến đi? Dù ta không bon chen với lối hưởng thụ cao cấp như những kẻ khác, nhưng ít nhiều ta vẫn còn liên hệ với mọi người, với xã hội thì làm sao tránh khỏi những phản ứng cảm xúc qua lại. Dù ta có chạy trốn vào chốn thâm sơn cùng cốc để không bị ngoại cảnh ràng buộc thì liệu ta có bình thản an nhiên trước những bóng tối thèm khát trỗi dậy trong lòng, hay những chuỗi kỷ niệm ngọt ngào của quá khứ? Thảnh thơi vì không bị nghịch cảnh vây khốn thì chưa ổn lắm đâu. Người nào có bản lĩnh đứng trước thành bại, được mất, khen chê mà vẫn ung dung tự tại thì người đó mới đúng là đạt được sự thảnh thơi chân thật.
Thiền sư Trần Nhân Tông, ở thế kỷ 13 của Việt Nam, đã từng cảnh tỉnh mọi người: "Nhà đầy của báu thôi tìm kiếm/ Trước cảnh không vương ấy lẽ thiền" ("Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền" - Cư trần lạc đạo). Đỉnh cao của công phu thiền tập chính là luyện cho mình có được bản lĩnh bất động trước mọi hoàn cảnh. Thuận cũng được mà nghịch cũng được. Khi ta thấy được những chất liệu bình an, hạnh phúc, thảnh thơi đều nằm trong chính mình thì ta không còn đòi hỏi gì nơi hoàn cảnh nữa. Ta không cần ở mãi chốn thâm u vì ta có liên hệ mật thiết với người, với đời. Ta phải có mặt để chia sớt nỗi khổ và hiến tặng niềm vui cho mọi người. Ta phải giúp mọi người tìm thấy giá trị thảnh thơi ngay trong thực tại. Đó mới đích thực là mục đích cao cả của đời người.
Dĩ nhiên nếu ta chưa đủ giỏi, chưa gạn lọc sạch hết những cáu bẩn phiền não thì sự thảnh thơi cũng có giới hạn. Sẽ có khi đầy khi vơi. Nhưng bắt buộc ta phải đang đứng trên con đường thảnh thơi, chứ không thể đứng trên con đường nào khác. Nghĩa là, thảnh thơi phải luôn có mặt trong từng bước đi của ta chứ không phải nằm ở cuối con đường. Sự thật, không có con đường nào đưa tới sự thảnh thơi mà bản thân nó không phải là thảnh thơi.
Ngồi yên trong thảnh thơi
Tiếp xúc với mây trời
Buông cái tôi bé nhỏ
Thấy mình hiện muôn nơi.