Hiểu Về Trái Tim

Lười Biếng

Những kẻ lười biếng không bao giờ có đời sống ổn định hay một tương lai tốt đẹp. Nói cách khác, vương quốc của sự thành công không bao giờ có bóng dáng của kẻ lười biếng.

 

Cuộc đời bỏ lại

Bản năng tự nhiên của con người luôn thích hưởng thụ. Nhưng bản chất của sự hưởng thụ chỉ là sự thỏa mãn cảm xúc trong nhất thời, chứ không thể mang lại giá trị hạnh phúc chân thật. Tất nhiên, không phải ai cũng nhận ra được sự thật này để cố gắng thuần phục bản năng hưởng thụ, và không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để chiến thắng được chính mình. Nếu ta cũng là nạn nhân của cảm xúc, luôn bị cuốn theo cảm xúc tốt không cần thiết và phản ứng gay gắt với những cảm xúc xấu cần thiết, thì chắc chắn trong ta sẽ hình thành nên tính cách yếu đuối và một số thói quen khác có cấu trúc tương tự như dựa dẫm, nhàm chán, do dự, sợ hãi, lo lắng. Ngoài ra, còn một thói quen nữa cũng có cùng bản chất và cũng gây trở ngại không nhỏ cho công trình xây dựng hạnh phúc: đó là lười biếng.

Lười biếng là thói quen không muốn tách mình ra khỏi cảm xúc tốt cạn cợt để vươn tới những cảm xúc tốt khác sâu sắc hơn. Cũng như con mèo thích cuộn tròn mãi trong bếp tro hay chiếc khăn ấm, dù rất đói nhưng nó lại thấy tiếc khi phải rời xa cảm giác dễ chịu ấy để đón nhận cảm giác khó chịu là phải đứng dậy kiếm ăn. Những người mang tật lười biếng làm ít nhưng lại muốn hưởng nhiều, thích dựa vào sự giúp đỡ của kẻ khác hay cầu vận may mà không chịu nỗ lực. Họ luôn lánh nặng tìm nhẹ, hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho kẻ khác. Họ thích ăn, thích ngủ, thích những trò tiêu khiển giải trí. Họ chỉ hứng thú với những việc họ yêu thích. Tức là họ thích làm những việc thuộc về năng khiếu có sẵn hơn là do rèn luyện, hoặc nó không đòi hỏi phải vận động tay chân hay đào sâu suy nghĩ. Ta đã từng thấy nhiều người làm việc rất hăng say, nhưng chẳng qua những việc đó mang tới cảm xúc tốt cho họ thôi. Những việc khác dù rất quan trọng, có khi ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp mà hơi khó khăn thì họ cứ ngâm mãi. Nước đến chân họ mới chịu nhảy.

Nếu lỡ mang "cục" lười biếng quá lớn như thế thì ta sẽ gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Ta sẽ rất sợ dầm mưa dãi nắng hay thức khuya dậy sớm để làm việc. Gặp những đối tác không vừa ý, ta sẽ không chịu cố gắng cải thiện mối quan hệ để hợp tác. Ta sẽ vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm của sự trì trệ công việc và thâm hụt tài khoản. Khi chọn người bạn đời, chắc chắn ta sẽ có khuynh hướng tìm kiếm một đối tượng hết mực thương yêu và lo lắng chu đáo mọi thứ cho mình. Có thể nói lấy phải một người lười biếng thì cũng tệ như là mua nhầm chiếc xe hơi đời cũ. Tuy ngốn nhiều xăng, nhưng chạy được một quãng đường thì nó lại nằm ỳ ra đó. Phải tu bổ liên tục thì nó mới chịu chạy tiếp, nhưng rồi cũng chẳng hơn lần trước được bao xa. Dù người kia có nhiều thiện chí xây dựng mối quan hệ lâu bền với ta, nhưng nhìn vào thái độ sống thiếu cố gắng và uể oải của ta thì họ cũng nghi ngờ rằng đây là kẻ ích kỷ và đang lợi dụng họ. Nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ cũng vì sự thiếu cố gắng của một bên. Nếu bên kia gây ra lầm lỗi hay xuống cấp mà bên này ra sức nâng đỡ thì họ vẫn có thể đồng hành cùng nhau. Còn nếu bên này đã hết lòng nâng đỡ mà bên kia không chịu cố gắng sửa đổi thì cũng đành chịu thất bại mà thôi.

Những kẻ lười biếng không bao giờ có đời sống ổn định hay một tương lai tốt đẹp. Nói cách khác, vương quốc của sự thành công không bao giờ có bóng dáng của kẻ lười biếng. Dù họ có thông minh hay tài năng cỡ nào mà với sự phấn đấu kiểu ngập ngừng, nửa vời, một bước tiến ba bước lùi, thì suốt đời họ cũng không thể nào đạt được mục đích.

Chắc ai cũng biết câu chuyện con rùa thi chạy với con thỏ. Không ai có thể nghĩ rằng con rùa chậm chạp kia lại dám chạy đua với con thỏ vốn rất nhanh nhẹn.

Thế nhưng, con rùa rất tin tưởng vào sự cần mẫn của nó có thể cạnh tranh và chiến thắng sự ỷ lại và lười biếng của những kẻ lanh lẹ như con thỏ. Và con rùa đã làm nên kỳ tích, khiến muôn loài phải học hỏi tấm gương của nó. Ta thường hay nói: "Cần cù bù thông minh". Sự thật, đức tính chuyên cần quan trọng hơn cả sự thông minh. Nó được hình thành từ sự đào luyện, vượt qua chính bản thân mình, nên nó là thứ bảo bối giúp ta san bằng mọi trở lực và gầy dựng nên sự nghiệp vững vàng. Trong khi sự thông minh thuộc về bẩm sinh, không cần khổ luyện mà vẫn thành công và hơn người, nên kẻ thông minh thường ỷ lại chứ không chịu học hỏi hay mài giũa thêm. Chính sự chủ quan và lười biếng ấy là mồ chôn của biết bao tài năng. Họ tuy có "ngọc" bên trong nhưng lại không sử dụng được.

Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã nhắc nhở: "Thân ta ta phải lo âu". Ta đừng quên ta mới chính là kẻ chịu trách nhiệm chính cho cuộc đời mình. Khi ta đau hay khi ta khổ thì người thương yêu nhất của ta cũng không thể chịu thay cho ta được. Nhưng ta đã làm gì cho cuộc đời mình rồi? Ta đang sống vui vẻ và hạnh phúc bằng thực lực của chính mình hay là từ sự may mắn hoặc nâng đỡ của kẻ khác? Sự nâng đỡ cũng cần thiết. Nhưng nếu ta cứ dựa mãi vào đó thì vô tình ta đã dập tắt năng lực phấn đấu, làm chai cứng sức học hỏi và sáng tạo của mình. Thói quen lười biếng ấy đang mở ra cho ta những đoạn đường đầy gian nan phía trước. Ngay cả việc đơn giản như rèn luyện sức khỏe mà ta vẫn cứ hẹn lần hẹn lữa, lên kế hoạch không biết bao lần rồi bỏ đó thì làm sao ta có đủ nghị lực để liên tục chuyển hóa những năng lực tiêu cực trong tâm? Làm sao ta đủ bản lĩnh để góp phần thay đổi những khó khăn của những người thân sống bên cạnh? Sống mà không thể vươn tới, không thể phát huy, không có gì mới mẻ thì đó là kiếp sống mòn, vô nghĩa.

 

Nửa bước chưa rời

Nhà thiền hay nhắc đến câu: "Tích niên hành xứ, thốn bộ bất di". Nghĩa là nhìn lại chỗ khởi hành năm xưa, ta thấy mình chưa rời được nửa bước. Thật đáng hổ thẹn biết bao! Ta "hổ" với mọi người vì ta đã từng tuyên bố rất hùng hồn về lý tưởng cao siêu của mình, nhưng tới giờ ta vẫn còn tay trắng; ta "thẹn" với bản thân vì ta đã thấy rõ năng lực tiềm ẩn của mình nhưng vẫn không phát huy được. Thời gian qua ta đi đâu và đã làm những gì? Có phải là ta đã bị những lực hấp dẫn xung quanh kéo ta ra khỏi con đường lý tưởng không? Những gì ta đã và đang làm dường như chỉ để phát triển thêm sự hưởng thụ cho bản ngã, chứ nó không phản ánh được những giá trị chân thật như ta đã từng mong ước.

Mười năm, hai mươi năm nhìn lại mà thấy mình vẫn chưa bước thêm được bước nào thì đúng là thất bại lớn rồi. Ta có biết lý do tại sao không? Hay ta vẫn tiếp tục đổ thừa cho kẻ khác và hoàn cảnh? Có khi ta còn không biết mình đang dậm chân tại chỗ, vì ta đang lầm tưởng những thứ tiện nghi hấp dẫn mà mình đang nắm bắt chính là cứu cánh của cuộc hành trình. Nguyên nhân cốt lõi của sự rẽ hướng bất chợt ấy chính là sự bão hòa của cảm xúc. Ta không còn thấy hứng thú trên con đường lý tưởng, nhất là khi gặp phải những chướng ngại mang lại những cảm xúc xấu quá lớn mà ta không đủ sức đón nhận. Cho nên một người muốn có sự nghiệp lớn thì phải nỗ lực không ngừng để kìm hãm sự phát triển của bản năng, biết huy động những năng lượng tích cực để đương đầu với mọi nghịch cảnh.

Một hạt giống khi gieo xuống đất, tuy có đủ những điều kiện thuận lợi như ánh nắng, độ ẩm, phân bón hay khoáng chất, nhưng nếu thiếu đi yếu tố không-gián-đoạn (tức sự liên tục) thì hạt giống ấy cũng không thể nào nẩy mầm và phát triển được. Cũng như khi ta lấy hai thanh tre hoặc hai hòn đá đánh vào nhau để lấy lửa, nhưng sức đánh quá yếu ớt hoặc cứ ngưng lại hoài thì làm sao có lửa được. Việc gì cũng cần đến tính chất không-gián-đoạn thì mới thành công. Nếu ta để cho thói lười biếng và sự tùy hứng chen vào thì nó sẽ phá vỡ hết mọi công trình, nhất là công trình chuyển hóa tâm tính. Dù ta có bao nhiêu phương pháp tuyệt vời, được sự hướng dẫn cặn kẽ của những bậc thầy tài giỏi, có nhiều điều kiện thuận lợi để luyện tập, nhưng nếu ta chưa vượt qua được thói lười biếng thì ta sẽ không thể nào tham dự vào hàng ngũ của những người tỉnh thức. Ta sẽ mãi là chính ta - con người cũ kỹ không bắt kịp sự tinh khôi mầu nhiệm trong từng giây phút của cuộc sống.

 

Thêm một chút nữa

Muốn sửa tính lười biếng, ta cần phải có một quyết tâm cao độ tách mình ra khỏi những cảm xúc tốt không cần thiết và tập đối diện với những cảm xúc xấu cần thiết. Để không bị thất bại mãi với chính mình, ta nên cố gắng sống chung với gia đình hay những người vững chãi và năng động. Nhờ vào kỷ luật nghiêm khắc, không khí sinh động, sự động viên nhắc nhở thường xuyên hay nhìn vào tấm gương vượt khó của họ, ta sẽ không có điều kiện để dung dưỡng thói lười biếng. Bước đầu, ta đừng để cho mình rảnh rỗi. Phải sắp xếp thời gian làm việc sao cho khít khao để ta quên dần đi ý muốn tìm tới sự hưởng thụ, hay chìm đắm trong sự nghỉ ngơi bất tận. Thỉnh thoảng, hãy can đảm nhận lãnh vài công việc quan trọng và làm việc chung với một nhóm người siêng năng. Nhờ có trách nhiệm phải hoàn thành và tinh thần làm việc tích cực của tập thể mà ta giảm bớt sự hưởng thụ. Hay nhất là nên tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng, các chương trình có tính chất sôi động phải vận dụng tay chân và trí não. Nói chung, ta cần làm mới nếp sinh hoạt trong môi trường mới để kéo ta ra khỏi "mê cung" hấp dẫn của sự lười biếng. Phải hòa mình vào sinh hoạt tươi tắn và lành mạnh của tập thể thì ta mới chiến thắng được nó.

Đừng hy vọng rằng mỗi lần lên kế hoạch mới là ta có thể buông bỏ được ngay thói quen lười biếng lâu năm của mình. Bí quyết có thể sớm thay đổi được cố tật lười biếng đó là "ráng thêm một chút nữa". Thí dụ, ta nên bắt đầu thức dậy sớm hơn mọi khi chỉ mười phút, hoặc hãy làm công việc khó khăn ấy thêm năm phút trước khi ta muốn kết thúc, hoặc cố gắng ngồi lại lắng nghe người kia chia sẻ thêm một chút nữa dù ta rất muốn đứng dậy làm việc khác. Nhờ những khoảng thời gian kiên trì nho nhỏ mà khối lười biếng kia dù cứng cỏi tới đâu cũng phải bị bào mòn. Thật ra, ta đang dùng cái tật cũ để biến thành liệu pháp mới đó thôi, vì thói quen lười biếng vốn được hình thành từ những cái "thêm một chút nữa" như thế. Một chút siêng năng được thay thế cho một chút lười biếng là một giải pháp rất thông minh và cũng rất dễ thành công. Chỉ cần ráng thêm vài phút thì cơn lười biếng sẽ đi qua. Còn nếu ta nghe theo nó mà buông xuôi công việc, thì vô tình ta làm cho khối năng lượng ấy càng lớn mạnh và cánh cửa thoát ra khỏi nó sẽ càng khép kín.

Lười biếng hay khiến ta thích nằm hoặc thích ngủ. Nên khi nào ta thấy ý chí không đủ sức kiềm chế thì hãy cố gắng bước ra ngoài trời, hoặc ít nhất làm một việc gì đó mà mình yêu thích chứ đừng dễ dãi đầu hàng. Tính lười biếng (giãi đãi) có liên quan mật thiết đến tính u ám (hôn trầm). Vì vậy, ta cần phải bắt đầu từ việc luyện tập cơ thể và điều chỉnh lại chế độ ăn uống sao cho thân thể luôn được nhẹ nhàng và tráng kiện. Nhờ đó ta mới giữ được sự cân bằng cảm xúc, bình tĩnh và sáng suốt để thấu hiểu và tìm ra giải pháp hữu hiệu.

Ngoài ra, ta cũng nên làm mới lại phòng ngủ hay phòng làm việc của mình. Không chỉ sắp xếp lại mọi thứ cho ngăn nắp sạch sẽ mà ta còn tự nhắc mình mỗi khi dịch chuyển bất cứ món đồ nào thì phải nhớ trả về đúng vị trí ấy. Quan sát kỹ ta sẽ thấy thái độ lười biếng của mình thể hiện rất rõ trong những hành động nhỏ nhặt như thế. Cách thức này tuy khá nhỏ nhặt nhưng rất hiệu nghiệm. Nó giúp ta có ý thức trách nhiệm về mỗi hành vi của mình. Đây cũng chính là chất liệu quan trọng để thiết lập mọi quan hệ, nhất là khi ta đã quyết định mời một người rất đặc biệt đồng hành với cuộc đời mình.

Lười biếng không phải là phiền não lớn có thể trói buộc ta vào khổ đau, nhưng nó lại là trở lực rất đáng sợ, khiến ta không thể vươn tới những ước mơ xa hay thậm chí không thể sống sâu sắc với thực tại. Lười biếng còn là năng lực châm ngòi cho nguồn cảm xúc bùng vỡ và dìm ta vào những cơn mê bất ngờ. Do đó, nỗ lực vượt qua được cố tật lười biếng để lúc nào cũng hăng hái đi tới là ta đã chính thức bước vào vương quốc của sự thành công.

Giật mình nhìn lối cũ
Chưa ra khỏi rừng mê
Ôi nghìn trùng xa cách
Vì bước chân nặng nề.
Bận lòng chi nắm bắt
Trăm năm nữa còn không
Xin về làm mây trắng
Nhẹ nhàng trôi thong dong.