Hiệp Sĩ Sainte Hermine

Chương 58

Cơn mê man của thuyền trưởng Mỹ không kéo dài lâu. Chưa bao giờ thuyền trưởng Surcouf có ý định tha thứ bản án tử hình cả. Nhận ra trong con người này cũng có phẩm chất cao thượng mà những quân nhân rất coi trọng, ông đã muốn để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí người da đen và ông ta đã hiển nhiên đã đạt được mục đích. Lập tức ông quyết định không chỉ cứu mạng sống của kẻ đó mà còn không muốn để ông ta khuynh gia bại sản hoàn toàn. Chính vì lẽ đó, thuyền trưởng Surcouf ra lệnh cập bến mũi gần Rio-Janeno góc tám mươi hay chín mươi dặm về hướng Tây Nam.

 

Rio-Janeiro vốn là một chợ nô lệ tiếng tăm nhất nền Nam Mỹ. Chắc chắn thuyền trưởng Harding phải biết vài thương lái buôn người da đen ở đó. Surcouf vừa cho hạ neo xuống vịnh đã cho mời ông ta đến.

- Thưa ông, trong lúc gần mất mạng, ông chỉ xin một ân huệ là chuyển cho người vợ goá năm nghìn phăng trong tủ của ông, hôm nay tôi muốn làm nhiều hơn thế nữa cho ông. Ông đang ở một cảng nơi có thể bán được giá hai tư nô lệ còn lại của mình.

- Tôi cho phép ông bán họ và giữ tiền lại.

Harding ngạc nhiên nhìn ông.

- Ông cứ bình tĩnh - Thuyền trưởng Surcouf nói tiếp - Đổi lại tôi còn yêu cầu ông một chuyện. Một người của tôi, cậu thư ký đúng ra là một người bạn, tôi không hiểu vì sao cậu ấy lại muốn mua lại chiếc tàu nhỏ của ông.

- Ngài có thể giao nó cho cậu ấy - Harding trả lời - vì nó thuộc về ngài giống như mọi thứ tôi từng có.

- Đúng thế, nhưng René là một chàng trai rất có lòng tự trọng, anh ta không muốn nhận không từ tôi cũng như từ ông bất cứ cái gì. Cậu ấy muốn mua lại con tàu của ông. Ông sẽ phải chú ý đến những gì ông vừa nói lúc nãy, đó là con tàu này không thuộc về ông nữa. Tuy nhiên, ông nên đưa giá hợp lý cho một người, lẽ ra được lấy nó, nhưng lại muốn mua nó.

- Thưa ngài - Harding đáp - ý của ngài sẽ là mệnh lệnh với tôi: Ngài cứ định giá và tôi sẽ bán cho anh ấy một nửa giá ngài đưa ra.

- Tàu của ông đáng hai tám đến ba mươi nghìn phăng, René sẽ trả ông mười lăm nghìn phăng ông phải chuyển tất cả giấy tờ chứng nhận quốc tịch con tàu của ông ở Mỹ và giấy thông hành dưới màu cờ Mỹ cho anh ấy.

- Nhưng việc nhận ra chủ tàu là người Pháp đâu có phải là chuyện khó khăn, thưa ông.

- Nhưng ai sẽ nhận ra điều đó? - René hỏi, anh vẫn đang là thông ngôn cho Surcouf.

- Thật khó có thể nói tiếng Anh thông thạo để người ta không nhận ra nhất là khi một người Pháp nói tiếng nước ngoài. Tôi chỉ gặp người này - ông Harding chỉ vào René - là có thể làm được điều đó mà thôi.

- Thưa ngài, - bấy giờ René mới nói thật - chính tôi là người muốn mua con tàu. Ngài cũng thấy là không còn gì cản trở mong muốn của tôi nữa nên ngài hãy cho viên thẩm vấn chuẩn bị khế ước bán tàu, sau đó ngài cho mang tiền và đồ đạc của mình lên bờ.

Đây là ngân phiếu trị giá mười lăm nghìn phăng rút được từ nhà ông David và con trai trong thành phố mới. Hãy mang hoá đơn về cho tôi.

- Nhưng ngài đưa nó cho tôi khi ký giấy bán cũng được mà - ông Harding nói.

- Ngài cần thời gian để yên tâm rằng hợp đồng được trả khi xuất trình giấy rút tiền. Ngài Surcouf và tôi muốn khởi hành đi ngay tối nay, chậm nhất là sáng mai.

- Vậy tên người chủ sở hữu tàu sẽ là gì? - Harding hỏi.

- Ngài muốn ghi là gì cũng được - René cười đáp - Fielding du Kentucky nếu điều đó làm ngài thoải mái.

Harding đứng dậy hỏi René rỗi lúc mấy giờ.

- Ngài cứ nói giờ nào ngài cho là tôi thích hợp có mặt tại chỗ chưởng khế của ngài, tôi sẽ đến đó.

Surcouf thông báo họ sẽ rời vịnh vào sớm hôm sau do đó cuộc hẹn ấn định vào lúc bốn giờ chiều. Vào lúc năm giờ, con tàu Tay đua New York đã được bán cho chủ sở hữu mang cái tên John Fielding du Kentucky. Sáu giờ chiều thuyền trưởng Harding đã lấy đủ mười lăm nghìn phăng và đến bảy giờ chiều, hai trăm thủy thủ và binh lính hải quân Anh thích ở lại Rio-Janeiro đã được trao cho lãnh sự Anh để cùng lời hứa sẽ đổi lấy số tù binh Pháp tương tự.

Ngày hôm sau, ngay từ sớm ba con tàu mang quốc kỳ riêng lại cởi sóng thắng tiến về mũi Hảo Vọng.

 

Nhưng thuyền trưởng Surcouf đã quyết định, để hai cô gái có một người bảo vệ, các cô đã chuyển từ tàu Revenant sang tàu Standard hai cô đều vui vẻ lên đó. Trong tình trạng bị bỏ rơi, các cô chưa biết làm sao đến được Rangoon nơi các cô có một ngôi nhà bên dòng sông Pégou. Không ai trong hai cô biết về Ấn Độ nhưng cô chị Hélène đã từng gặp ở London một sĩ quan quân đội đóng ở Calcutta. Trước lúc họ khởi hành sang Ấn Độ, họ đã thoả thuận đám cưới giữa Hélène de Sainte-Hermine và ngài James Asplay sẽ diễn ra tại đó. Jane và cha mình sẽ tiếp tục sống trong nhà của họ cho đến khi Jane kết hôn. Đến đó, tuỳ tình hình các chàng rể trẻ muốn sống cùng cha vợ hay không, hoặc ông sẽ sống ở nhà mỗi cô sáu tháng hoặc họ vẫn giữ lại ngôi nhà Rangoon.

 

Toàn bộ kế hoạch của gia đình đã tan vỡ sau cái chết của tử tước Sainte-Hermine. Họ đành phải chấp nhận một kế hoạch khác.

 

Cả hai đang vô cùng đau khổ trước biến cố bất ngờ vừa xảy đến nên họ không thể quyết định phải thực hiện dự định nào. Chính vì lẽ đó họ thấy hạnh phúc khi gặp được một chàng trai trẻ mang đến cho họ thứ tình cảm anh em đúng lúc họ thiếu tình cảm của người cha.

 

Nhờ thời tiết thuận lợi, nên tàu của thuyền trưởng Surcouf đi từ Rio -Janeiro đến Mũi Hảo Vọng, một chặng đường vượt đại dương từ châu lục này sang châu lục khác có lẽ chỉ như một chuyến đi dạo. Dần dần, một tình cảm thân thiết đã hình thành giữa ba con người trẻ tuổi trong sự mãn nguyện của Hélène. Cô thấy René thật duyên dáng, cô hy vọng sau khi hội ngộ cùng vị hôn phu của mình, Jane sẽ nhanh chóng tìm được ý trung nhân của cô.

 

Cả hai chị em đều giỏi âm nhạc nhưng từ lúc cha họ qua đời, không ai dám động đến phần dương cầm. Các cô thường nghe những khúc hát của các thủy thủ cất lên lan toả trên tàu và dường như nhờ cánh gió để đưa đến một cái đích nào đó.

 

Một đêm, không phải là một đêm như Chateaubriand đã tả về bóng tối mịt mùng mà chỉ là một đêm thiếu vắng ánh sáng, một giọng hát tươi rói cất lên từ khoang đuôi hát một bài hát miền Bretagne rất bi ai. Ngay khi thanh âm đầu tiên cất lên, Hélène đã đặt tay mình lên cánh tay René ra hiệu cho anh im lặng đó là câu chuyện về một thiếu nữ, dưới thời kỳ kinh hoàng, đã cứu một đức ông trong làng bằng cách dẫn anh ta lên tàu Anh, nhưng cô chưa kịp nói "hãy trốn đi…” thì quân lính đã đuổi kịp. Cô bị trúng một phát đạn rồi chết ngay trên tay người yêu khi bản tình ca buồn bã ấy kết thúc, hai cô gái nước mắt lưng tròng xin René đi hỏi xem người nào vừa hát. Nhưng chàng trai đáp không cần. Anh cho là đã biết lời, và phần nhạc anh chỉ cần một cây dương cầm, một tờ giấy có dòng kẻ và một cây bút là có thể chép lại Thế là họ đi vào phòng Hélène. René ôm đầu trong hai bàn tay nhớ lại những kỷ niệm của mình giây lát và bắt đầu viết. Rất nhanh, anh ghi lại bài hát từ đầu đến cuối rồi đặt nó lên bục đàn dương cầm và bắt đầu cất giọng biểu cảm hơn người thủy thủ nọ và ca từ còn có hiệu quả hay hơn nữa.

 

Trong phần điệp khúc đoạn đầu tiên, René đã rất tâm trạng thể hiện câu:

 Tôi yêu nàng!

 Tôi yêu nàng!

Dẫu sao tôi vẫn yêu nàng

khiến người ta có cảm giác như anh đang nói về câu chuyện của chính mình và vẻ đượm buồn quen thuộc lại xuất hiện như thế chính người tình của anh đã rất hay không bao giờ gặp lại nữa.

 

Giọng anh đau đớn vang lên làm rung động con tim hai thiếu nữ, đánh thức những sợi dây tình cảm dịu dàng nhất, sâu sắc nhất nối họ với cảm xúc của anh.

 

Đồng hồ trên tàu chỉ hai giờ đêm, René mới trở về phòng.