- Thế mà có người - Anh chàng sĩ quan kỵ binh nói một cách lơ đãng và gần như là cao ngạo - Thế mà có người nghĩ rằng có những kẻ biết tên và chuyện về những tảng đá này đấy.
- Đúng thế có những người như vậy - Người đồng hành mỉm cười nói.
Tôi hình dung hôm qua tôi ăn tối tại nhà ngài đại sứ của chúng ta, ngài Alquier, để trình một lá thư của đại công tước
Lúc ấy có một nhà bác học, một kiến trúc sư cũng đến, ông ta có một bà vợ quả thật vô cùng xinh đẹp.
- Ông Visconti đúng không?
- Ngài biết ông ta?
- Thì với miêu tả của ngài, ai mà chẳng nhận ra ông ấy chứ?
- Ngài sống ở Rome à?
- Tôi mới chỉ đến đó hôm qua là lần đầu tiên và sáng nay lại chia tay nó cùng ngài, nhưng điều đó không ngăn tôi hiểu Rome như nơi tôi sinh ra.
- Nói như vậy là ngài rất để tâm nghiên cứu Thành phố vĩnh hằng, như cách người ta vẫn gọi?
- Tôi quan tâm như thể khoả lấp niềm đam mê, tôi vô cùng yêu những chuỗi ngày xa xưa, con người thời ấy là những gã khổng lồ và Virgile quả nói đúng khi một câu thơ tuyệt vời có nói rằng một hôm, khi lưỡi cày xới qua mộ phần của họ, ta phải kinh ngạc về kích cỡ bộ xương của họ.
- À đúng! Quả có vậy, tôi nhớ rồi - Anh chàng kỵ binh vừa ngáp vừa nhớ lại kiến thức hồi học trong trường: mirabitur ossa sepulcris(1) - nhưng anh ta cười nói tiếp - Nhưng không biết có thật chúng to hơn xương của chúng ta không nhỉ?
- Chúng ta đang đi qua đúng nơi có bằng chứng ấy đấy.
- Chúng ta qua đâu vậy?
- Chúng ta đi qua trước đấu trường Maxence, rướn người lên và ngài sẽ thấy một thứ dạng như nấm mồ.
- Thế nó không phải một lăng mộ à?
- Phải, nhưng vào thế kỷ XV nó bị lộ ra: đó là mộ của một người bị mất đầu, không có đầu mà ông ta còn cao gần sáu bộ. Cha ông ấy là con cháu người Goths, mẹ người Alains; ban đầu ông ta làm mục đồng trên núi, sau đầu quân dưới trương Septime Sévère, tiếp đến chỉ huy đội một trăm quân dưới Caracalla, làm tộc trưởng dưới quyền Hélingabale và cùng làm hoàng đế sau Alexandre. Ông ta đeo nhẫn bằng chiếc vòng cổ tay của vợ, chỉ dùng một tay cũng kéo được xe bò chở nặng, bóp đá nát vụn thành bụi, vật 30 đô vật xuống đất không cần nghỉ, chạy nhanh như ngựa phi nước đại, chạy quanh đấu trường ba vòng chỉ mất mười lăm phút và mỗi một vòng, mồ hôi chảy đầy một chiếc cốc.
Cuối cùng, ông ấy ăn
- Đúng thế, - Viên sĩ quan kỵ binh nói - Tôi còn nhớ như in bức hoạ của Le Brun tái hiện cảnh Maxence đang cố ngoi khỏi nước. Cái tháp trôn trên đó có mọc cây lựu như trong vườn treo Sémiramis đấy, có phải là mộ của ông ta không?
- Không, đó là lăng mộ của một phụ nữ duyên dáng mà ngài có thể đọc tên trên bia đá cẩm thạch. Vào thế kỷ XIII lăng này dùng làm pháo đài cho cháu của giáo hoàng Boniface VIII, giờ nó là lăng của Caccilia Metella, vợ Crassus, con gái Metellus.
- À! - Viên sĩ quan kỵ binh nhận ra - đó là vợ của một gã hà tiện đến nỗi khi đi theo một tên triết gia Hy Lạp mà ông ta mua, lúc về sợ nắng đã đội cho hắn cái mũ rơm cũ mèm chứ gì.
Điều ấy không ngăn ông ta cho César vay 30 triệu khi đám chủ nợ ngăn không cho César đến Tây Ban Nha nơi mà khi trở về sau khi trả hết nợ, César còn có 40 triệu nữa. Ba mươi triệu trả nợ thay cho hoàng đế César và lăng mộ dựng cho vợ là hai dấu vết duy nhất trong đời Crassus.
- Thế bà ta có đáng được xây lăng mộ như vậy không? - Viên sĩ quan hỏi.
- Có chứ, đó là một phụ nữ cao quý, thông tuệ, nghệ sĩ và thi sĩ Tập trung ở nhà bà có Catilia, César, Pompeé, Cicéron, Lucullus, Terentius Vanon, tất cả những gì thông thái, lịch thiệp giàu sang của thành Rome, ngài có hình dung ra sự quần tụ như vậy không?
Chắc chắn phải vui hơn nhà ông đại sứ Alpquier của chúng ta rồi. Những hình như lăng tẩm của bà ta đã bị đào hay sao ấy.
- Đúng thế, theo lệnh của giáo hoàng Paul Đệ tam, người ta tìm thấy một bình thi hài của bà ta đã cho mang vào góc sảnh điện Famèse nơi chắc bây giờ bà vẫn ở đó.
Trong khi ấy, cỗ xe vẫn tiếp tục con đường của mình. Họ vừa đi qua lăng mộ của Caccilia Metella và lại gần một đống hoang tàn đổ nát vì không được bảo quản.
Viên sĩ quan kỵ binh ban đầu tỏ ra thờ ơ trước những lời giải thích của người bạn đồng hành, nhưng càng nghe anh ta càng chăm chú từng lời:
- Thú thật có một điều tôi không hiểu nổi - Anh ta nói - Đó là lịch sử viết thường tẻ ngắt bao nhiêu thì chuyện kể lại hấp dẫn bấy nhiêu. Tôi ấy à, tôi luôn tránh xa những đống đổ nát như tránh tổ rắn vậy, tôi sẵn sàng bỏ đi khi những bia đá kia muốn kể chuyện của chúng cho tôi nghe.
- Ngược lại, câu chuyện về chúng rất hấp dẫn đấy.
- Thôi nào, tôi đâu tò mò như vị hoàng đế trong chuyện Nghìn lẻ một đêm nghe nàng Shéhérazade xinh đẹp kể mỗi tối một chuyện.
- Đó là dinh của hai anh em Quintilien muốn ám sát hoàng đế Commode.
- À! à! Đó có phải là cháu nội của Frajan không?
- Và là con trai của Marc Aurèle. Nhưng những hoàng đế về sau cha truyền mà con không nối. Khi 12 tuổi, thấy bồn tắm nước nóng quá, hắn đã cho tên nô lệ chuẩn bị nước ấy vào lò thiêu và dù nước tắm đã nguội hắn vẫn chỉ muốn tắm khi tên nô lệ đã chín thui. Tính khí ngông cuồng của tên hoàng đế trẻ này càng ngày càng hung bạo, kết quả là đã có bao người nguyền rủa hắn trong đó có hai anh em chủ nhân toà đổ nát mà chúng ta đi qua đây. Chỉ cần hành thích Commonde là xong, nhưng để hành thích một người có sức vóc như vậy đâu có dễ. Tên hoàng đế lẽ ra không được gọi là Commode con trai của Marc Aurèle mà phải gọi là Hercule, con trai thần Jupiter(2) mới đúng. Hắn rất thích xem võ sĩ đấu hắn khéo léo hơn bất cứ đấu sĩ nào quần nhau trong đấu trường, hắn học bắn cung từ một người Parthe và phóng lao từ một người Maure. Một hôm, trong đấu trường, ở phía đối diện hoàng đế có một con báo cắp một người chực xé xác ông ta. Commode, người lúc nào cũng mang theo cung tên, đã bắn một mũi chính xác vào con báo mà không chạm vào người kia. Một hôm khác, khi thấy lòng cuồng nhiệt của dân chúng bắt đầu nguội đi, hắn cho loan báo khắp thành Rome rằng mình hạ 100 con sư tử với 100 mũi lao. Thế là đấu trường đầy ắp khán giả, ngài cũng đoán được đấy. Người ta mang vào lô của hoàng đế một trăm mũi lao bằng sắt mạ vàng rồi lùa vào đấu trường 100 con sư tử. Hắn đã phóng 100 mũi lao và giết chết một trăm con sư tử thật.
- Ồ! Ồ! Chàng sĩ quan kỵ binh thốt lên.
- Không phải tôi dựng chuyện đâu - Người đồng hành của anh ta nói - Chính Hérodien(3) đã viết lại, ông ấy nhìn tận mắt mà.
- Thế thì lại là chuyện khác - Anh chàng sĩ quan kỵ binh vừa nói vừa ngả cái mũ côn-bắc - Tôi không còn gì để nói.
- Ngoài ra - Người kể chuyện tiếp tục - hoàng đế cao sáu bộ và như tôi nói đấy, hắn rất khỏe. Hắn quật một cây gậy đủ gẫy chân một con ngựa, đấm một phát cũng hạ con bò chết tươi. Một lần thấy một tráng sĩ có thân hình vạm vỡ vô cùng, hắn gọi lại, rút gươm ra và chỉ một nhát đã chém đứt người đó làm hai. Ngài thấy đấy thật mạo hiểm và khó khăn khi tạo phản chống lại một kẻ như vậy.
Tuy thế hai anh em Quintilien vẫn quyết định hành sự chỉ có điều họ rất thận trọng: họ đem chôn tất cả số vàng bạc đá quý tiền mặt và chuẩn bị ngựa sẵn sàng bỏ trốn nếu sự không thành. Sau đó họ rình dưới mái vòm, lối hẹp dẫn từ cung điện đến đài vòng.
Ban đầu vận may có vẻ mỉm cười với những tên mưu phản: Commode xuất hiện hầu như không có ai đi kèm. Anh em Quintilien xông vào và những kẻ đồng mưu vây quanh hắn.
- Nhận lấy này - Một trong hai anh em vừa đâm dao gắn vừa nói - Nhận lấy này César, đây là thứ ta mang cho mi phần của Sénat.
Thế là một cuộc chiến nảy lửa diễn ra dưới một vòm tối om trong lối đi hẹp đó. Commode chỉ bị thương nhẹ: những đòn tấn công chẳng làm hắn nao núng, ngược lại mỗi lần hắn ra đòn lại một người ngã xuống. Cuối cùng hắn cũng tóm được người đã đâm hắn đầu tiên dùng cánh tay thép siết cổ ông ta. Trong lúc gần chết, người anh cả hét lên với em:
- Chạy đi Quadratus, thất bại rồi!
Quintilien tháo chạy, nhảy lên lưng ngựa lao đi.
Quân lính nhanh chóng bủa vây: đó là cuộc đua giữa mạng sống của kẻ bị truy đuổi với khoản tiền thưởng hậu hĩnh cho kẻ nào bắt được.
Tuy bị quân lính đuổi kịp song may thay con người này lường trước mọi việc đã chuẩn bị một mẹo, mẹo này hết sức kỳ lạ nhưng ta phải tin vì nó được Dion Cassius kể lại. Kẻ chạy trốn đã chuẩn bị một chai tiết thỏ rừng, đây là con vật duy nhất có máu không đông, không bị hỏng như máu các loài vật khác. Ông ta giả vờ bị ngã ngựa y như một vụ tai nạn. Quân lính thấy ông ta nằm sõng soài ra đất; máu trào ra như suối. Thế là chúng chắc kẻ này đã chết, lột quần áo, quẳng cái xác tại chỗ rồi về bẩm báo lại với Commode rằng kẻ thù của hắn đã chết và chết ra sao. Trong khi ấy Quintilien đã nhỏm dậy, về nhà mặc quần áo, mang theo tất cả vàng bạc châu báu rồi bỏ trốn.
- Thế Commode về sau chết thế nào? - Viên sĩ quan kỵ binh hỏi - Tôi thấy quan tâm đến gã đồ tể giết cả trăm con sư tử một ngày ấy quá.
- Commode bị đầu độc chết bởi Marçia, nhân tình được sủng ái nhất của hắn rồi bị Narcisse, lực sĩ tâm đắc nhất của hắn treo cổ Peltinax chiếm ngôi hoàng đế rồi sáu tháng sau để tuột mất ngai vàng cùng mạng sống của mình. Thế là Ordius Julianus mua Rome. Nhưng Rome vẫn chưa quen với việc bị đem ra bán ấy.
- Giờ thì nó quen rồi đấy thôi - Viên sĩ quan bẻ lại.
- Đúng thế, nhưng lần ấy nó đã nổi dậy. Quả thật là kẻ mua nó đã quên trả tiền. Septime Sérère nhân cuộc bạo động cho giết Didius Julianus rồi trèo lên ngai vàng. Mọi người thở phào.
Vì trước khi đến Velletri sẽ không có trạm ngựa nào mà từ Rome đến Velletri phải mất năm dặn nên người đánh ngựa xin phép cho ngựa nghỉ một lát.
Hai hành khách vui lòng chấp thuận vì họ đã đến một trong những nơi thú vị nhất của miền thôn dã thành Rome.
Chú thích:
(1) Thơ của Virgine "Georgique" tập 1, trang 497.
(2) Trong thần thoại Hy Lạp gọi là thần Dớt (Zeus).
(3) Trong cuốn "Lịch sử đế chế sau cái chết của Marc Aurèle" - tập 1