HIỆP KHÍ ĐẠO

Chương 12

 

CON ÐƯỜNG GIẢN DỊ

Thế giới chung quanh ta càng trở nên phức tạp bao nhiêu, thì sự mệt mỏi về thần kinh của ta lại càng trầm trọng bấy nhiêu. Rất nhiều người bị cái tình trạng phức tạp đó làm hao hư cả thể xác lẫn tinh thần cho dù họ có muốn kháng cự lại, hoặc họ có bỏ tay đầu hàng.

Nhưng thế giới muốn phức tạp đến đâu chăng nữa, vũ trụ điều khiển mọi thứ phù hợp với những qui luật của riêng nó. Nếu ta theo cái con đường rộng rãi đó của vũ trụ, thì ta có thể đạt được mục đích của ta mà không bị lạc vào những con đường hẻm nhỏ, những ngõ cụt trên đường. Ta không nên để cho những sự phức tạp trên đời này làm ta lo ngại, bởi lẽ ta có một con đường dễ dàng và giản dị nó sẽ dẫn ta đi thẳng đường.

Gần đây con số những người mắc bệnh tâm lý đã gia tăng. Như lời một vị bác sĩ: « Hết sức nhiều bệnh nhân ngày nay thường mắc bệnh tâm lý. Một nửa con số bệnh nhân bị ung thư dạ dầy là do ở những nguyên nhân tâm lý, nhưng bởi lẽ cũng rất nhiều vị bác sĩ chữa cho những bệnh nhân đó cũng mắc phải cùng một thứ bệnh, thì ta làm thế nào bây giờ đây? » Dù có rất nhiều yếu tố căn bản khiến cho tamắc phải bệnh tâm tý, ta có thể chia chúng đại khái thành hai loại:

1. Thiếu sự kiểm soát hệ thống thần kinh ta. 

2. Nghĩ ngợi quả nhiều về những phức tạp của thế giới và của chính ta.

Hệ thống thần kinh đi qua xương sống của ta lên đến óc thì điều khiển toàn thể cơ thể ta, cùng những bộ phận bên trong, da, thịt, vân vân. Nó truyền đi những điều kiện cùng những kích thích tới óc ; rồi óc ra lệnh cho thân thể phù hợp với những kích thích nó đã nhận được.

Nếu ta đem so sánh bộ óc với bộ tổng tư lệnh trong quân đội, thì những giây thần kinh có thể ví như một bộ phận truyền tin hoặc thông tin. Nếu bộ óc có thể kiểm soát chặt chẽ được những bộ phận thần kinh này, thì chúng sẽ hoạt động một cách lành mạnh và hữu hiệu. Nếu bộ óc bị xáo trộn, thì khả năng truyền lệnh cùng trí thông minh của nó cũng sẽ bị xáo trộn và sẽ hoạt động lung tung.

Thí dụ nếu da ta nhận được một kích thích (stimulus) có trị số là 1. Nếu những giây thần kinh thông báo cho óc biết là da đã nhận được một kích thích có trị số là 1, thì sự thông báo đó đúng. Trái lại nếu bản báo cáo nói đó là một kích thích có trị số 100 hay 1000, thì hiển nhiên bản báo cáo đó phải sai.

Nếu bạn bị sốt, thì nếu có ai mới đụng vào tóc bạn cũng đủ làm toàn thân bạn run rẩy, và chỉ một tiếng động nhỏ cũng đủ làm giật mình. Ðó là tại những giây thần kinh của bạn đã truyền đi những tin tức bất thường. Khi nào bạn ở trong một hoàn cảnh đầy những phức tạp, tiếng động, kích thích, thì những giây thần kinh của bạn thường làm tăng cái cường độ của những kích thích đến nỗi óc anh không thề chịu đựng chúng nữa. Khi mà óc bị yếu đi thì giây thần kinh trở nên quá ư nhậy cảm, và như thế óc lại càng bị yếu đi nữa, và rồi giây thần kinh lại càng nhậy cảm hơn nữa, và đến cuối cùng, có lẽ sẽ đi tới một tình trạng thần kinh sụp đổ hoàn toàn.

Trong một vài trường hợp, có người bỗng bị bệnh thiếu máu ở óc sau khi nhổ răng. Bởi vì bác sĩ đã tiêm thuốc tê cho bệnh nhân, cho nên bệnh nhân không cảm thấy đau mấy, nhưng cái tin tức bất thường do giây thần kinh loan báo cho óc đã gây nên một tình trạng bất thường. Có người hơi bị cắt vào ngón tay, hoặc hơi bị náo động một chút đã la hét ầm lên rồi. Một dòng sông nông cạn thì thường thường có sóng lớn, nhưng một dòng sông sâu thì lại khó mà gây nổi một đợt sóng. Người nào mà trọng tâm ở cao quá và máu hay dồn lên đầu thì thường hay nóng nảy, bức rứt, náo động. Nhưng đối với một kẻ mà trọng tâm ở thấp và có một bản tính trầm tĩnh, thì khó có gì có thể khuấy động nổi.

Bạn có thể điều khiển được những giây thần kinh của bạn một cách đúng đường nếu bạn duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, giữ cho khí của bạn lưu thông, đề cho cơ thể thoải mái, và luôn luôn tự nhiên. Hãy bình tĩnh và ra lệnh cho hệ thống thần kinh của bạn: « Hãy để cho ta thông hiểu được những việc lớn ; đừng quấy rầy ta với những điều nhỏ mọn! », thì hệ thống thần kinh bạn sẽ thôi không còn phiền hà bạn với những điều nhỏ mọn như chuyện ngón tay bị đứt nữa. Ta có thể ngủ trong một nơi thật là ồn ào mà óc ta vẫn bình tĩnh và có thể chọn lọc và phán xét được những bản báo cáo do ngũ quan ta mang tới, và ra lệnh được một cách hếtsức sáng suốt. Người nào có thể làm như vậy sẽ không bao giờ có thể lâm vào một tình trạng thần kinh suy sụp được nữa.

Bây giờ ta đã hiểu thế nào là điều khiền hệ thống thần kinh rồi, ta hãy xét xem bộ óc ta suy nghĩ ra làm sao. Chỉ tiêu hóa hết thảy mọi tin tức mà bộ óc nhận được, thì ta sẽ bị chôn vùi dưới cái phức tạp vô cùng của thế giới ngày nay. Ta phải có thể chọn lựa được cái tin tức cần thiết và gạt bỏ đi những gì không cần thiết. Nếu ta tự hỏi phải dùng tiêu chuẩn nào đặng phê phán, chọn lựa, thì ta thấy rằng vấn đề đích thực là chọn lựa cái tiêu chuẩn đó.

Tiêu chuẩn là những qui luật của vũ trụ. Nếu bạn theo chúng, thì bạn có thể đối phó với bất cứ tình trạng hỗn độn nào, chắc chắn như lưỡi gươm của Alexandre đã cắt được cái nút xích trói hoàng đế xứ Phrygia, hoàng đế Gordius. Ðó là con đường giản dị mà ta có thể đi qua cái thế giới phức tạp này. Cố nhiên, bởi lẽ ta có con đường nó dẫn dắt bất cứ ai đi thẳng thắn và giản dị tới đích, thì chẳng cần gì phải quẹo vô những con đường hẻm nhỏ chật làm gì nữa. Tiến được tới đích là một việctốt, nhưng cái đau đớn nhất là lầm lẫn ở chính cái đích đó, trở nên hao sút tinh thần và thể xác, và ngã gục trên đường.

Chúng ta biết được một qui luật của vũ trụ:tinh thần điều khiển thể xác. Trong Hiệp Khí Ðạo, khi ta sắp sửa quật ngã một đối thủ, trước hết ta dẫn tinh thần hắn đi trước rồi kéo thể xác hắn tới cùng một nơi đó. Vì lẽ đó, ta có thể quật ngã hắn một cách dễ dàng. Cho nên, qua những qui luật của vũ trụ, ta cũng phải có những phương cách để đối phó với mọi sự việc chúng tấn công ta hằng ngày.

Một khi bạn đã điều khiển được hệ thống thần kinh của bạn và có thể đối phó với mọi nỗi phức tạp mà không hề bị phiền hà, thì không có sự thay đổi nào trên thế giới này có thể làm bạn ngạc nhiên cả.

Ðời người như là một kẻ vác trên vai một gánh nặng và du hành xuống một con đường dài và dốc. Nếu ta còn gánh thêm bất cứ một vật gì nữa trên vai ta thì ta sẽ chỉ ngã quỵ mà thôi. Ta phải ném bỏ đi mọi hành lý thừa vô ích và ngẩng đần, can đảm, mạnh bước trong thế giới đầy khó khăn này.

Tỷ dụ ta có một ly nước. Ai cũng có thể nhấc ly đó lên bằng một tay, nhưng nếu ta lên gân ta hết sức và nhấc ly đó lên, thì ta sẽ thấy nặng nề vô cùng. Dù có người sẽ cười chúng tôi bảo rằng cố ý làm cho cái ly nước nhỏ đó trở nên nặng nề một cách vô ích, nhưng quả thật thường ngày lại có rất nhiều người mắc phải cái lỗi lầm đó. Những người bận tâm bận trí ở những chuyện chẳng có gì quan hệ, hoặc hay cáu hay giận về một việc đâu đâu, là những kẻ thường mắc phải lỗi lầm đó, và rồi kết cục đâm ra chẳng làm gì được ráo trọi. Nếu họ biết bình tĩnh lại và suy ngẫm lại một lần nữa việc nào đó, thì họ sẽ thấy rằng đó là một việc họ có thể giải quyết một cách hết sức nhanh chóng.

Ai cũng có thể nhấc nổi một ly nước, bởi lẽ mọi người đều biết rằng ly đó nhẹ. Nhưng có người muốn nhấc lên một vật gì nhưng lại thường nghĩ: « Vật này nặng đến một tấn không chừng », và rồi hết sức lấy gân để nhấc nó lên. Hãy ôn lại những điều ta đã học. Khi bạn lên gân cánh tay bạn như thế, nghĩa là bạn đã can thiệp vào chính sức mạnh của bạn và làm cho cái vật bạn sắp nhấc lên đó trở thành nặng hơn. Khi nào ta nhấc một vật gì khá nặng, ta phải luôn luôn duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, rồi hết sức thoải mái, nhấc vật đó lên nhẹ nhàng, bởi vì như vậy khiến cho vật đó cũng trở nên nhẹ nhàng. Ðối với mọi sự việc khác trên đời này cũng vậy. Khi bạn sắp phải đương đầu với một chuyện gì quan hệ, hãy giữ cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, bình tâm lại, và giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng, từ tốn. Nếu bạn lo lắng, rối rít lên, thì bạn sẽ chẳng nhìn thấy gì hết, nhưng nếu bạn bình tâm lại và quan sát hoàn cảnh hay vấn đề một cách sáng suốt, thì bạn bao giờ cũng sẽ tìm thấy một cách giải quyết nó thật là dễ dàng. Chẳng hạn, khi bạn lái xe hơi mà bạn nắm tay lái quá chặt, thì bạn sẽ cảm thấy tay lái nặng và khó lái. Trái lại, nếu bạn cầm tay lái nhẹ nhàng thì bạn có thể lái nó dễ dàng. Thí dụ nữa, nếu trước khi phải nói một bài diễn thuyết trước một cử tọa lớn mà bạn lo lắng quá nhiều, thì trí óc bạn sẽ ngưng làm việc cổ họng bạn đâm ra khô lại, miệng bạn chẳng thể cử động được, và rồi bạn sẽ đứng ngây người ra, trơ trơ như một khúc cây. Trong những hoàn cảnh khác, cùng một người đó có thể nói cùng một vấn đề bằng cùng cái miệng đó. Cũng như là đứng trước mặt một người bạn và nói tự nhiên, nhưng nếu hắn lo lắng và lính quýnh, thì hắn cũng chẳng thể nói được câu nào hết. Ðiều duy nhất là phải duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và nói trước cử tọa tự nhiên như là nói với một người bạn mà thôi.

Nếu bạn có điều gì bận tâm, và bạn cứ lo tới lo lui suốt đêm: « Nếu ta làm thế này, tin cáinày sẽ xảy ra ; nếu ta làm thế kia, thì cái kia sẽ xảy ra », thì bạn sẽ chẳng tới được một kết luận nào cả. Bạn sẽ chỉ quay vòng quanh hoài hoài trên cùng một vòng tròn, và rồi tất nhiên, bạn sẽ chẳng tới được một giải đáp nào ráo trọi. Nếu bạn chỉ suy ngẫm một lần mà thôi và thấy rằng vấn đề chỉ có thể không hơn không kém, thì đừng tốn thời giờ thêm nữa. Hãy để dành sức mạnh của bạn. Ngủ cho thật ngon đêm hôm đó và lấy đầy đủ khí vào thân thể, và sáng hôm sau khi tỉnh dậy, bạn sẽ thấy là bạn có được nhiều ý tưởng để giải quyết vấn đề.

Từ khi vũ trụ bắt đầu, mọi sự việc đều đã có một lời giải đáp, chẳng biết đó là tốt hay xấu. Ngay cả những vấn đề mà ta cho là nan giải, hoặc bất khả giải, cũng có giải đáp. Bởi lẽ mọi việc xảy ra vì không phải xảy ra như thế, nếu ta làm hết mọi khả năng của ta và bình tâm lại và bất cứ trường hợp nào ta cũng không để bị lay chuyển, thì ta chẳng có gì phải sợ hãi. Than van, bất mãn, lo phiền, chạy xuôi chạy ngược, vội vã hoài hủy, thì chỉ tốn công vô ích mà thôi.

Có nhiều người khi được hỏi là Karaté có hơn Hiệp Khí Ðạo không, hoặc Nhu Ðạo có hơn Hiệp Khí Ðạo không, thì chẳng biết trả lời ra sao cả. Môn phái Hiệp Khí Ðạo của chúng ta thường được dạy rằng Hiệp Khí Ðạo là con đường đưa tới hòa đồng, con đường đưa tới tình thương yêu và bảo vệ muôn loài. Nói xấu về bất cứ cái gì là đi ngược lại với bản chất của Hiệp Khí Ðạo. Nếu ta nói Hiệp Khí Ðạo hay hơn các võ phái khác, tức là ta đã nói xấu về cácvõ phái đó rồi, nhưng dù sao ta cũng không thể nói là ta nghĩ Hiệp Khí Ðạo tồi hơn các võ phái ấy. Tôi cảm thấy cần phải cắt nghĩa cái vị trí của chúng ta như sau: tôi không biết gì về Karaté hay là Nhu Ðạo cả. Nếu bạn muốn tìm hiểu các võ nghệ đó, thì bạn hãy cứ việc thăm viếng phòng tập của họ. Tôi theo Hiệp Khí Ðạo bởi lẽ tôi thích. Sau đó ta phải cắt nghĩa là mục đích của Hiệp Khí Ðạo là thế này, thế này. Tôi tin rằng phương pháp giản dị nhất là nói trắng bạn không biết nếu sự thực bạn không biết.

Mọi kỹ thuật đều có ưu điểm của chúng, và bạn phải học tập chúng theo cái sở thích của bạn. Không phải tôi mong rằng mọi người trên thế giới này phải học Hiệp Khí Ðạo đâu ; tuy nhiên, nếu ai cảm thấy mình hợp với Hiệp Khí Ðạo, con đường đưa tới sự toàn thiện của con người, thì ta đừng nên lo: bởi lẽ người đó sẽ quay về với ta.

Có lần một thanh niên vừa bị thất tình đến tôi và nói: « Tôi không thể nào quên được nàng. Cố gắng đến mấy, hình ảnh nàng cứ hiện ra trong trí óc tôi và tôi không làm sao được cả. Vậy ông khuyên tôi nên làm thế nào bây giờ đây? » Khi tôi hỏi anh chàng đó là có thực sự muốn quên cô nàng đó không, thì anh chàng trả lời rằng có thể quên được nếu muốn. Thật là buồn cười: nếu anh chàng quả thực muốn quên thì hắn chỉ việc quên đi. Chàng thanh niên đó đã uổng phí thời giờ cố gắng để quên, bởi vì điều đó chỉ làm cho hắn càng nhớ hơn mà thôi. Ta không thể quên được một điều gì nếu ta còn cứ nhớ đến nó. Chúng tôi đã tập bài đổi hướng ở Chương 5 nói về cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Khi đếm đến ba, lúc tôi đẩy hông anh chàng, mặc dù lúc đếm đến một hắn không chuyển động, nhưng lần này hắn lại ngã nhào ra đằng trước. Sau đó, tôi chỉ cho hắn phương pháp chuyển tinh thần, theo đó ta phải làm sao cho khí của ta phóng ra phía trước khi cánh tay ta duỗi ra đằng trước, và phóng ra phía sau khi cánh tay duỗi ra đằng sau. Tôi mới bảo hắn rằng thảo nào hắn không làm gì được, bởi vì mặc dù khi cánh tay hắn ở đằng sau, nhưng khí của hắn vẫn phóng về đằng trước. Tôi nói rằng hắn phải tập Hiệp Khí Ðạo trong một thời gian đã, tập cách hợp nhất tinh thần và tập cách phóng khí ra phía nào hắn muốn. Nếu hắn nhớ người con gái, thì tôi bảo hắn là cứ để trí nhớ đó đã, cứ tiếp tục tập cách phóng khí đi.

Chưa đầy một tháng, chàng thanh niên đó lại trở nên khỏe mạnh như xưa và cười nói rất là om sòm trở lại.

Nếu bạn muốn quên đi điều gì, thì bạn phải để hết tâm trí bạn vào một việc gì khác. Óc ta đã được tổ chức để có thể quên được bất cứ điều gì ta muốn. Khi cần phải nhớ một điều gì, thì ta phải hết sức cố gắng ta mới nhớ nổi nó, nhưng nếu ta muốn quên điều gì, thì ta chỉ việc để kệ nó, thì tức khắc nó sẽ rời khỏi óc ta. Nhưng nếu ta cứ nghĩ là « Ta phải quên, ta phải quên », thì ta sẽ chẳng bao giờ quên đặng.

Trong tất cả những thí dụ trong đời sống hằng ngày, bất cứ môi trường nào, hoàn cảnh nào, nếu ta bình tĩnh, thì con đường mở rộng của vũ trụ ở đó, con đường mà bạn du hành một cách dễ dàng. Ðừng để cho hoàn cảnh chung quanh xâm lấn bạn. Cái khác biệt giữa một người khôn ngoan và một kẻ tầm thường là sự khác biệt giữa một người biết cách lợi dụng và xử dụng hoàn cảnh và một người để cho hoàn cảnh xử dụng mình. Mục đích của ta là phải bình tĩnh và không thể lay chuyển được, phải trở nên những con người quả cảm, quyết định và bình tâm. Con đường dễ dàng nhất, giản dị nhất để theo là con đường vũ trụ rộng thênh thang.