Hiệp Cốt Đan Tâm

Hồi Thứ Mười Tám

Báu vật bày ra dụ đạo tặc

Hoa đường huyên náo gặp giai nhân

Kim Trục Lưu khựng người lại, chàng ngạc nhiên quay đầu, Lý Nam Tinh cười bảo: “Đệ quên mang theo cây đàn này”. Kim Trục Lưu áy náy: “Không phải tiểu đệ coi thường quà của đại ca, chính vì đây là báu vật hiếm có, cho nên tiểu đệ...” Lý Nam Tinh không vui: “Chả lẽ cây đàn này quý hơn giao tình của chúng ta hay sao? Thứ ta đã tặng quyết không lấy về lại, nếu đệ chê thì ta sẽ đập nát nó?”

Kim Trục Lưu vội vàng nhận lấy cây đàn: “Đại ca đừng giận, tiểu đệ xin nhận. Thực ra...” thực ra Kim Trục Lưu không có ý khách sáo, chỉ vì cây đàn quá quý giá, lúc đi lòng lại có chút tâm sự cho nên quên rằng Lý Nam Tinh đã tặng cây đàn cho chàng. Lý Nam Tinh: “Thật ra cái gì?” Kim Trục Lưu không muốn giải thích, nhưng đành nói: “Không có gì. Trong lòng tiểu đệ chỉ có chút tâm sự”. Lý Nam Tinh hỏi: “Tâm sự gì vậy?”.

Kim Trục Lưu vỗ vào vỏ kiếm: “Đáng tiếc thanh kiếm này của đệ không phải là kiếm quý, nhưng đệ nhất định sẽ tặng cho đại ca một thanh kiếm quý!” Lý Nam Tinh hỏi lại: “Cái gì? Đệ muốn trả ơn ta sao?” Kim Trục Lưu đáp: “Không phải như thế, đó chỉ là tâm nguyện của mỗi người mà thôi. Vì đệ hiểu tiếng đàn của huynh mà huynh đã tặng cho đệ cây dàn cổ, đệ cũng cho rằng huynh là người tri âm kiếm thuật của đệ, cho nên đệ phải tặng cho huynh một thanh kiếm? Đệ phải nói trước rằng, nếu huynh không chịu nhận bảo kiếm của đệ thì huynh đã coi nhẹ tấm giao tình của đệ”.

Lý Nam Tinh thầm cười: “Chưa thấy thanh bảo kiếm đâu mà đã trịnh trọng như thế”. Tuy như thế nhưng y cũng cảm kích thành ý của Kim Trục Lưu, nên cũng trịnh trọng: “Được, ta xin đáp tạ lão đệ trước”.

Kim Trục Lưu cả mừng, cầm cây đàn lập tức trở về kinh thành, may mà cửa thành vẫn chưa đóng, khi về đến nhà họ Đới thì trời đã đến hoàng hôn, cha con Đới Quân đang đợi chàng ăn cơm tối.

Đới Quân hỏi: “Đệ đi đâu cả ngày hôm nay?” Kim Trục Lưu đáp: “Tôi đến Vạn lý trường thành du ngoạn, kết giao cùng một người bằng hữu, quay về muộn. Người bằng hữu ấy đã tặng cây cổ cầm này cho tôi”.

Đới Quân không biết cổ cầm này là vật quý, nhưng lại lo lắng chàng gây ra chuyện, dặn: “Thiếu niên thích chơi bời ta không trách, huống chi lần đầu tiên đệ mới đến Bắc Kinh. Nhưng ngày mai là ngày lễ mừng thọ của Tát Phúc Đỉnh, nhân vật tam sơn ngũ nhạc đều tụ tập ở kinh đô, ta nghĩ đệ phải cẩn thận hơn. Chưa biết lai lịch của người ta thì tạm thời không nên kết giao”.

Kim Trục Lưu đáp: “Đa tạ lão tiền bối đã khuyên nhủ, nhưng có thể yên tâm về người bằng hữu này”. Đới Quân nói: “Ta tin con mắt của đệ, ta cũng là người rất thích kết giao bằng hữu, có điều ta mong đệ mấy ngày nay nên cẩn thận hơn”.

Kim Trục Lưu ăn xong cơm tối, ngập ngừng: “Đới lão tiền bối, xưa nay ông ở Bắc Kinh chắc là ông đều kết giao những nhân vật tam giới cửu lưu trong kinh?” Đới Quân vuốt râu đáp: “Đệ muốn hỏi thăm về ai? Trong kinh thành Bắc Kinh, chỉ cần có chút danh tiếng, ta đều biết cả”.

Kim Trục Lưu nói: “Đệ có một tảng huyền thiết, muốn nhờ một thợ đúc kiếm giỏi rèn thanh bảo kiếm. Không biết trong kinh thành có thợ đúc kiếm nào nổi tiếng nhất?” Đới Mạc lần đầu tiên nghe chữ “huyền thiết”, hỏi liền: “Huyền thiết là gì?”

Đới Quân thất kinh, kêu lên: “Nghe nói huyền thiết chỉ có ở Tinh Túc hải trên núi Côn Luân, nặng gấp mười lần thiết bình thường, không ngờ lão đệ lại có vật quý này. Thợ đúc kiếm nổi tiếng nhất trong kinh thành Bắc Kinh e rằng không xứng đúc thanh kiếm này”.

Kim Trục Lưu rất thất vọng: “Nếu không tìm được người đúc kiếm, có báu vật cũng vô dụng”. Đới Quân nói: “Để ta nghĩ xem sao”. Một lát sau nói: “Ta nghĩ có một người có thể đúc kiếm cho đệ, nhưng y không sống bằng nghề đúc kiếm. Nếu ta đến nhờ y thì có thể y sẽ chấp nhận. Đáng tiếc ta không thể ra khỏi nhà, chỉ đành đợi mọi chuyện êm thấm sẽ tìm cách cho lão đệ”.

Kim Trục Lưu như cất được tảng đá trong lòng, nghĩ bụng: “Đến khi mình đúc xong thanh kiếm sẽ tặng cho đại ca, báo đáp ơn tặng đàn của y”. Thế rồi, trịnh trọng nhờ Đới Quân rồi quay về phòng nghỉ ngơi.

Hôm sau Kim Trục Lưu thức dậy rất sớm, trước tiên dùng nhật dung đơn thay đổi dung mạo của mình, nhật dung đơn thật ra là một loại mỹ phẩm thời xưa, có thể thay đổi da mặt, nhưng không làm cho khuôn mặt biến hình. Nhưng nếu kỹ thuật hóa trang cao minh, dùng nhật dung đơn cũng có thể giấu mặt thật của mình. Kim Trục Lưu được Cơ Hiểu Phong tặng mười viên nhật dung đơn, Cơ Hiểu

Phong đương nhiên cũng dạy chàng cách hóa trang, Kim Trục Lưu trước tiên chọn một viên có thể cải trang thành người trung niên bôi lên mặt, sau đó gắn hai chòm râu, chàng nhìn vào gương thì quả nhiên thấy mình giống như một người trung niên bốn mươi tuổi, trông rất tầm thường. Cha con Đới Quân đang đợi Kim Trục Lưu ăn cơm ở ngoài, thấy một “người lạ” bước vào, Đới Mạc cả kinh, quát: “Ngươi là ai?” Kim Trục Lưu cười: “Là tôi!” Đới Quân nói: “Kim lão đệ, dung mạo của đệ thay đổi thật cao minh, nhưng rất tiếc giọng nói vẫn chưa thay đổi, phải già hơn một chút mới giống người có tuổi”.

Kim Trục Lưu cúi đầu: “Đa tạ chỉ giáo”, rồi chàng thu kình khí, nói ra quả nhiên nghe hơi già nua. Đới Quân hỏi: “Tại sao lão đệ phải thay đổi dung mạo?”

Kim Trục Lưu đáp: “Tôi muốn ra ngoài”. Đới Mạc nói: “Hôm nay là ngày mừng thọ của Tát Phúc Đỉnh!” Kim Trục Lưu nói: “Chính vì thế tôi mới cải trang, nếu gặp người quen thì họ sẽ không nhận ra tôi” Đới Quân hỏi: “Hôm nay tạm thời ở nhà một ngày được không?” Kim Trục Lưu nói: “Tôi đã có hẹn với bằng hữu, không tiện thay đổi”. Kim Trục Lưu vì sợ cha con họ lo lắng cho nên không dám nói ra sự thật.

Đới Quân nghe chàng nói như thế thì không tiện ngăn cản, bèn bảo: “Bản lĩnh của lão đệ cao cường, lại thay đổi dung mạo, chắc là không xảy ra chuyện gì, nhưng tốt hơn là nên cẩn thận”. Kim Trục Lưu nói vâng một tiếng rồi vội vàng ăn điểm tâm sau đó cáo từ Đới Quân.

Đới Quân nghỉ ngơi một lát rồi bảo: “Hôm nay có lẽ sẽ có một người khách tới, nếu Kim lão đệ không có chuyện gì khác, gặp bằng hữu xong hãy nên về sớm một tí”.

Kim Trục Lưu vâng dạ: “Lão bá đừng lo, tôi sẽ cố gắng quay về sớm”. Ra khỏi nhà Đới Quân, chàng thầm nhủ: “Hôm nay Sử Bạch Đô chắc chắn sẽ đến chúc thọ Tát Phúc Đỉnh, Đinh Bành là một đầu mục của y, không có tư cách đi cùng Sử Bạch Đô, y không có người chống lưng, một mình chắc chắn sẽ không đám đến nhà họ Đới tìm kẻ thù. Không biết người khách mà Đới Quân nói là ai? Nhưng chắc không phải Sử Bạch Đô và Đinh Bành”.

Đới Quân không hề nhờ Kim Trục Lưu nhưng Kim Trục Lưu lại muốn giúp đỡ ông ta. Chàng chỉ lo Sử Bạch Đô đến nhà họ Đới, nhưng đã đoán hôm nay không thể xảy ra chuyện đó cho nên yên tâm ra ngoài.

Đi được một hồi, Kim Trục Lưu chợt nghĩ “Tát Phúc Đỉnh là đại nội tổng quản, hôm nay khách khứa sẽ đến đầy nhà. Nhưng e rằng không phải ai cũng có thể đến được? Nếu có người tra vấn thì mình ứng phó thế nào đây?”

Nghĩ chưa xong, chợt thấy phía trước có hai người, vừa nhìn thì đã biết đó là nhân vật giang hồ. Kim Trục Lưu nảy ra một ý, chàng bước tới hỏi: “Có phải hai vị đến Tát phủ hay không?”

Hai người ấy quay đầu lại, hỏi ngược lại: “Lão ca là bằng hữu ở đâu?” Kim Trục Lưu nói: “Tiểu đệ quen biết một người bằng hữu họ Văn, bằng hữu này có giao tình với Tát tổng quản, được y mời cho nên hôm nay tôi cũng đến xem náo nhiệt”.

Người ấy lộ vẻ ngưỡng mộ, nói: “Có phải người họ Văn ấy tên gọi Văn Đạo

Trang không?” Kim Trục Lưu: “Chính thế. Hai người có quen biết với y?”

Hai người này nói: “Tôi nào dám trèo cao. Tôn tính đại danh của huynh đài là gì?” Kim Trục Lưu bịa ra một cái tên giả, rồi chàng hỏi tên của hai người này mới biết người cao tên gọi Trương Hoằng, kẻ lùn tên gọi Lý Tráng.

Trương Hoằng nói: “Tôi có quen một chấp sự họ Tiền trong Tát phủ, cho nên mới xin được hai thiệp mời”.

Kim Trục Lưu giật mình: “Quả nhiên là bọn chúng có thiệp mời”. Rồi hỏi:

“Không biết hai người ở bang phái nào?”

Hai người đáp: “Chúng tôi chỉ là đại đạo độc cước”.

Kim Trục Lưu nói: “Nghe nói có rất nhiều người có tiếng tăm trong giang hồ hôm nay cũng đến?”

Lý Tráng nói: “Đúng thế, nghe nói bang chủ của Lục Hợp bang Sử Bạch Đô, bang chủ Hải Sa bang Sa Thiện Phong, bang chủ của Thanh Long bang Cao Đại Thành, bang chủ của Bạch Hổ bang Đỗ Đại Nghiệp đều đến cả”.

Kim Trục Lưu nghi ngờ: “Hôm nay có đông khách khứa như thế, e rằng cũng có những kẻ tâm địa xấu xa lẻn vào!”

Lý Tráng cười nhẹ: “Yên tâm, chuyện đó không thể xảy ra. Người của các bang hội thì đi theo bang chủ của họ, còn những khách riêng lẻ như chúng ta đều có thiệp mời cả, những kẻ không có lai lịch không thể nào lẻn vào được!”

Kim Trục Lưu thầm nhủ: “Lấy thiệp mời rồi tính tiếp”. Thế rồi chàng đi sau Lý Tráng, ngầm vận nội lực, điểm nhẹ vào huyệt khiên phong ở be sườn trái của Lý Tráng. Kim Trục Lưu dùng lực rất khéo, Lý Tráng không hề hay biết. Huyệt khiên phong có liên quan đến đại trường, Lý Tráng đi một hồi thì chợt cảm thấy bụng đau như cắt, mồ hôi lạnh tuôn ra như mưa, không thể nào bước chân được nữa.

Trương Hoằng cả kinh: “Lý huynh, huynh sao thế?” Lý Tráng rên rỉ: “Ta, hình như ta đã bị bệnh, ta đau bụng quá!”

Kim Trục Lưu lo lắng: “Tiểu đệ cũng biết y thuật, để tiểu đệ xem cho Lý huynh”. Rồi giả vờ kêu lên: “Ôi chao, không xong?”

Trương Hoằng hốt hoảng: “Bệnh gì?”

Kim Trục Lưu dọa: “Là bệnh quặn ruột. Phải mau chưa trị đi thôi! Phía trước có một tiệm thuốc, tôi thấy Lý huynh chi bằng hãy tìm đại phu xem thử, rồi hốt thuốc uống ngay. Có lẽ hai canh giờ nữa sẽ khỏe”.

Lý Tráng đang bị đau bụng, nghe Kim Trục Lưu nói như thết hì hoảng hồn đến nỗi mặt vàng ệch, van nài Trương Hoằng: “Trương huynh, huynh hãy đỡ tôi đi hộ. Cứu, cứu mạng, chắc không thể đi không thể dự tiệc được rồi”.

Trương Hoằng là huynh đệ kết bái với Lý Tráng, tuy không muốn nhưng cũng đành phải chịu. Kim Trục Lưu bảo: “Không ngờ Lý huynh lại đột nhiên phát bệnh, tiểu đệ tưởng có thể đi cùng với hai vị. Bằng hữu có nạn, tôi cũng không đi dự yến nữa”.

Trương Hoằng lắc đầu: “Không, không. Cứ để Lý huynh cho tôi chăm sóc. Khi đến Tát phủ hãy nói hộ chúng tôi một tiếng để họ khỏi hiểu lầm, tưởng rằng chúng tôi làm phách, gửi lễ vật mà không chịu đến”.

Kim Trục Lưu gật đầu: “Đúng thế, phải có người bẩm cáo hộ cho các vị mới được. Hai người hãy yên tâm, tiểu đệ sẽ nói với Văn Đạo Trang. Chúc Lý huynh mau khỏi bệnh, tiểu đệ đi trước đây”. Hai người Trương, Lý, vội vàng đáp tạ, Kim Trục Lưu thì vừa đi vừa cười thầm.

Té ra trong lúc xem mạch cho Lý Tráng, Kia Trục Lưu đã đánh cắp thiệp mời của y. Khi đến phủ của Tát Phúc Đỉnh. khách khứa đã đến đông nghịt.

Kim Trục Lưu thầm quan sát, thấy hễ những khách đi riêng vừa vào cửa thì có tri khách quen mặt chào hỏi họ, sau đó mới có người nhà dắt vào. Kìm Trục Lưu thầm nhủ: “Trương Hoằng, Lý Tráng đều có người quen ở nhà họ Tát, không thể giả mạo bọn chúng được. Lẻn vào bằng cách nào đây?”

Người phía sau đã đẩy tới, Kim Trục Lưu không đi cũng không được, chỉ đành đánh liều bước tới. Chàng đang lo lắng trong lòng, vô tình dẫm phải một người bên cạnh, người ấy giận dữ nói: “Ngươi không có mắt ư?” Rồi trở tay chụp lấy Kim Trục Lưu.

Kim Trục Lưu và người ấy chạm mặt nhau, hàng không khỏi cả kinh, té ra đó là Trịnh Hùng Đồ, kẻ đã từng giao thủ với chàng ở Khoái Hoạt Lâm Tô Châu. Kim Trục Lưu sợ y nhận ra, không dám lên tiếng. Trịnh Hùng Đồ chụp tay Kim Trục Lưu, cũng không khỏi thất kinh. Số là y đã luyện công phu Thiết sa chưởng, y vốn có ý khống chế chàng, nhưng Kim Trục Lưu không hề hay biết, trái lại mạch môn của Trịnh Hùng Đồ đau nhói như bị kim đâm.

Người bên cạnh khuyên: “Chúng ta đều là khách chúc thọ Tát đại nhân có gì hãy bỏ quá cho nhau”. Trịnh Hùng Đồ đang chờ cơ hội xuống nước, thế là vội vàng rút tay, gằn: “Không có gì, chẳng qua ta chỉ muốn mời đại ca này đi trước mà thôi”. Lòng thầm nhủ: “Tên tiểu tử này thật quái dị, không biết là nhân vật ở đâu”.

Chợt có người kêu lên: “Trịnh đại ca, huynh đã đến rồi đấy ư!” Kim Trục Lưu nghe giọng nói này thì không khỏi cả mừng, té ra người đó chính là Cung Bỉnh Phan.

Kim Trục Lưu hạ giọng: “Trịnh đại ca, huynh đi trước”. Trịnh Hùng Đồ gặp người quen, mừng rồi bước tới, cũng chẳng thèm nhìn Kim Trục Lưu.

Trịnh Hùng Đồ mừng rỡ: “Cung hương chủ, té ra ông làm từ khách ở đây. Công Tôn đà chủ của các người cũng đến ư?” Đà chủ của Hồng Anh hội Công Tôn Hoằng là nhân vật có tiếng tăm trên giang hồ, tề danh cùng với Sử Bạch Đô, xưa nay rất kiêu ngạo. Trịnh Hùng Đồ tưởng rằng y không đến, cho nên thấy Cung Bỉnh Phan mới hỏi như thế.

Cung Bỉnh Phan đáp: “Đà chủ của chúng tôi vốn là không muốn đến, nhưng vì Sử đà chủ đã mời cho nên cũng tới. Tôi lại rảnh rỗi không có chuyện gì làm nên ra đây giúp đỡ”. Kim Trục Lưu bước vào, các tri khách ở cổng lớn đều không nhận ra chàng, có hai người bước tới cười đón: “Xin lỗi, cho xem thiệp mời. Lão huynh là...”

Kim Trục Lưu lấy thiệp mời dúi vào tay y, giả vờ phát hiện ra Cung Bỉnh Phan, không thèm để ý đến y mà bước tới trước mặt Cung Bỉnh Phan, cười ha hả: “Cung hương chủ, ông đến thật sớm!”

Cung Bỉnh Phan quen biết rất rộng rãi, người ta biết y, y không biết người ta là chuyện thường, Cung Bỉnh Phan đang suy nghĩ “Kẻ này là ai?” Kim Trục Lưu đã không đợi y lên tiếng hỏi mà đưa tay nắm lấy tay y rồi nói: “Hôm ấy ở hồ Đại Minh không giữ được huynh, nay chúng ta phải uống một trận cho thỏa thích”. Hai tay chạm vào nhau, Cung Bỉnh Phan đã đoán được vài phần, bởi vì Kim Trục Lưu đã từng giao thủ với y vài lần. Lại nghe Kim Trục Lưu nói như thế cho nên đương nhiên biết chàng là ai.

Cung Bỉnh Phan thầm thất kinh: “Tên tiểu tử này quả thật lớn gan!” Y vừa thất kinh vừa không khỏi không khâm phục Kim Trục Lưu, lòng thầm nhủ: “Y đã có gan xông vào, chả lẽ mình không chịu gánh vác cho y?! Quá lắm chẳng qua là trở mặt với Sử Bạch Đô, dù sao mình cũng không thể để y coi thường”. Vì thế liền cười ha hả: “Xin mời Kim huynh, hôm nay e rằng tôi không rảnh cùng huynh uống rượu, nhưng tửu lượng của đà chủ chúng tôi rất cao, huynh chỉ cần bảo là bằng hữu của Cung mỗ, ngài chắc chắn sẽ uống cùng huynh”. Ý của y muốn cho Kim Trục Lưu biết rằng, Công Tôn Hoằng không phải cùng một giuộc với Sử Bạch Đô, Kim Trục Lưu cứ đến làm quen với y, nếu có chuyện gì xảy ra thì đã có Công Tôn Hoằng.

Bọn tri khách thấy họ thân mật như thế, ai cũng tưởng rằng Kim Trục Lưu là bằng hữu của Cung Bỉnh Phan, đương nhiên cũng không tra hỏi nữa. Vì thế Kim Trục Lưu dễ dàng vượt qua ải này.

Tri khách dắt Kim Trục Lưu vào khách sảnh uống trà rồi vội vàng ra tiếp khách mới. Kim Trục Lưu đưa mắt nhìn quanh, chỉ thấy Cao Đại Thành, Đỗ Đại Nghiệp, Trịnh Hùng Đồ, Sa Thiên Phong đều trong phòng khách chứ không thấy Sử Bạch Đô. Chàng chợt vô tình nhìn thấy có một thiếu niên dung mạo thanh tú ngồi ở một góc, cúi đầu uống trà chứ không nói chuyện với người xung quanh. Kim Trục Lưu giật mình, thầm nhủ: “Ồ, hình như người này rất quen mặt, không biết mình đã gặp y ở đâu?” Chợt nghĩ lại nếu qua nói chuyện với y, chỉ sợ người ta nhận ra mình nên đành thôi. Chàng chợt nghe hai người khách bên cạnh nói chuyện, một người hỏi: “Chúng ta có nên vào thọ đường chúc thọ cho chủ nhân hay không?” Một người nói: “Nghe nói chủ nhân còn tiếp đãi khách quý ở nội đường, chắc là không ra thọ đường dự lễ sớm! Ngươi có biết không, Sử Bạch Đô của Lục Hợp bang và Công Tôn đà chủ của Hồng Anh hội đều đến! Công Tôn đà chủ xưa nay không qua lại với quan phủ, hiếm có dịp ông ta đến chúc thọ, Tát tổng quản chắc chắn sẽ tiếp đãi ông ta?” Người kia cười rằng: “Ta biết chứ. Nhưng chúng ta vào thọ đường trước để mở rộng tầm mắt cũng được!”

Người kia hỏi lại: “Mở rộng tầm mắt cái gì?”

Bằng hữu của y nói: “Ô, té ra ngươi vẫn chưa biết ư, quà mừng đều để trong thọ đường, nghe nói còn có báu vật của hoàng thượng ngự ban”.

Kim Trục Lưu nghe hai người nói, quay đầu lại nhìn, không thấy thiếu niên kia đâu nữa, chắc là đã vào thọ đường. Vì thế Kim Trục Lưu cũng đi sau hai người này, tiến vào trong thọ đường.

Thọ đường rộng hơn khách sảnh nhiều lần, bên trong có tám cái bàn bát tiên, bày đầy lễ vật của các nơi. Thứ gây chú ý nhất đương nhiên là lễ vật của hoàng đế ban cho, đó là một đôi dưa hấu bằng ngọc trong suốt. Thứ đến là một cây thiên niên hà thủ ô của Sử Bạch Đô tặng, nghe nói loại hà thủ ô này là loại thuốc bổ hiếm có, có thể cải tử hồi sinh. Số là sau khi mất chuỗi ngọc trai và tảng huyền thiết, Sử Bạch Đô mới tìm được cây hà thủ ô này.

Kim Trục Lưu thầm nhủ: “Ai nấy đều khen đôi dưa hấu bằng ngọc, thật ra chẳng qua chỉ vì đó là thứ của hoàng đế mà thôi, nhưng mình lại thích cây hà thủ ô hơn”.

Nghĩ đến đây thì không khỏi thầm cười: “Mình đã cướp tảng huyền thiết của y, mượn ngựa quý của y, nay lại muốn cướp cây hà thủ ô này, há chẳng phải khiến cho y tức đến nỗi thất khiếu bốc khói hay sao? Hà thủ ô đương nhiên là báu vật, nhưng chẳng bằng tảng huyền thiết, mình cũng không nên quá tham lam như thế. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, gã Sử Bạch Đô này quả thật thần thông quảng đại, sau khi mất hai món quà quý mà có thể tìm được món thứ ba cũng là vật hiếm có trên đời”.

Sau đôi dưa hấu bằng ngọc và cây hà thủ ô, mọi người đều công nhận món quà quý tiếp theo là nhánh thông thiên tê giác, thông thiên tê giác là loại tê giác hiếm có ở vùng núi tuyết Tây Tạng, nghe nói nếu rượu thịt bị bỏ thuốc độc, chỉ cần nhúng thông thiên tê giác vào thì nó sẽ đổi màu. Mài thông thiên tê giác để uống có thể giải được bách độc. Loại thuốc giải độc hay nhất trên đời là thiên sơn tuyết liên, thứ đến là loại thông thiên tê giác này. Nghe nói đó là do một Phật sống ở Tây Tạng tặng cho. Phật sống đương nhiên không đích thân đến chúc thọ, nhưng cũng đã phái thủ hạ đến tặng món quà này. Đối với Tát Phúc Đỉnh cũng là một vinh dự.

Ngoài ba món đồ quý này, những thứ trân trâu, ngọc thạch, san hô mã não thì vô số, Kim Trục Lưu thầm nhủ: “Nếu Cơ bá bá ở đây chắc chắn sẽ mang đầy túi về” Khách khứa ngắm nhìn lễ vật, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Nhưng cũng có người bàn tán: “Vốn là lễ vật không chỉ có bao nhiêu đây, nghe nói trên đường đã bị người ta cướp rất nhiều món”. “Lễ vật của Thanh Long bang và Bạch Hổ bang đều bị người ta cướp”. “Ngươi có biết ai cướp không?” “Nghe nói là một nữ tử che mặt, không ai biết ả là ai”.

Kim Trục Lưu nghe mọi người bàn tán, lòng cười thầm: “Các người không biết nhưng ta lại biết”. Song, chàng lại hơi thất vọng. Bởi vì lần này Kim Trục Lưu mạo hiểm đến đây, một trong những mục đích chính là mong có thể gặp được Sử Hồng Anh, nhưng cho đến lúc này vẫn chưa thấy nàng.

“Nàng không dám đến hay là mình vẫn chưa phát hiện?” Kim Trục Lưu thầm nhủ, chàng đang nôn nóng tìm Sử Hồng Anh, cho nên chẳng còn lòng dạ nào xem lễ vật nữa.

Nữ khách đến chúc thọ ở Tát phủ chia làm hai loại, một loại là thân quyến của nhà quan đi cùng chồng đến, những người này nấp trong nội đường, còn những người kia là nhân vật giang hồ, ví như Đổng Thập Tam nương của Lục Hợp bang chẳng hạn. Những nữ khách này thì ở trong thọ đường, nhưng rất hiếm.

“Chả lẽ Sử Hồng Anh đi cùng gia quyến của nhà quan?” Kim Trục Lưu thầm suy nghĩ, chợt chàng nghe có hai người đang nói chuyện: “Nghe nói mấy ngày trước bọn họ tưởng con gái của Phong Tử Siêu là nữ tặc cướp báu vật. Lão đệ, đệ có biết chuyện này không?” “Thế à! Đệ không biết!” “Ồ, nói ra thật lạ! Ta tưởng đệ biết chuyện này” “Sa bang chủ, sao huynh lại bảo tôi biết chuyện này?”

Giọng nói của người sau nghe rất trong trẻo, Kim Trục Lưu tựa cảm thấy tựa như đã từng nghe ở đâu, chàng vội vàng đưa mắt tìm kiếm, chỉ thấy hai người nói chuyện, một người là Sa Thiên Phong, người kia là thiếu niên lúc nãy. Sa Thiên Phong đang nhìn thiếu niên ấy với ánh mắt nghi ngờ.

Kim Trục Lưu lập tức cũng nghi ngờ, định chen qua, nhưng lúc này tiếng ồn ào trong thọ đường chợt im hẳn, có người thì thầm: “Thọ tinh công đã ra”.

Chỉ thấy có một người ăn mặc sang trọng bước vào thọ đường, người ấy chắc chắn là Tát Phúc Đỉnh. Hai bên Tát Phúc Đỉnh là Văn Đạo Trang và Sử Bạch Đô, bọn họ đứng phía sau, còn một người đi sánh vai cùng với Tát Phúc Đỉnh là một hán tử mặt đại quải, trông giống như một người nhà quê. Trong khung cảnh thế này, có một người nhà quê đi ra cùng Tát Phúc Đỉnh đương nhiên khiến cho nhiều người để ý.

Kim Trục Lưu hỏi người bên cạnh mới biết đó chính là Công Tôn Hoằng. Công Tôn Hoằng vừa vào thọ đường đã đi tìm bằng hữu của y. 

Kim Trục Lưu thầm nhủ: “Công Tôn Hoằng này quả nhiên không giống Sử Bạch Đô, xem ra y không phải là phường a đua nịnh bợ”.

Tát Phúc Đỉnh ra nhận lễ, mọi người đều tranh nhau chúc thọ. Sa Thiên Phong không hỏi thiếu niên ấy nữa mà chen chân lên. Kim Trục Lưu đã hơi sơ ý, thì đã không nhìn thấy thiếu niên ấy nữa.

Khách khứa tuy tranh nhau chúc thọ nhưng cũng rất có trật tự, đà chủ của các bang hội lên trước những kẻ có tư cách kém hơn thì dù chen ở trước mặt cũng không dám không nhường cho họ.

Sa Thiên Phong chúc thọ xong, đến lượt Cao Đại Thành và Đỗ Đại Nghiệp, chợt có một đại hán râu xồm vẹt mọi người bước ra, cao giọng: “Ta đến chúc thọ cho ngươi!” Khi mọi người đang ngạc nhiên, y đã vung tay tóm về phía Tát Phúc Đỉnh. Thủ pháp quả thật nhanh đến khó hình dung!

Tát Phúc Đỉnh là đại nội tổng quản, võ công đương nhiên phi phàm, nhưng không thoát khỏi cú chụp của hán tử râu xồm ấy, chỉ thấy đau nhói đến tận tim gan, hán tử râu xồm quát rằng: “Nếu ngươi nhúc nhích ta bóp nát xương”. Nói chưa dứt lời, y giật ngang một chỗ, khiến Cao Đại Thành bay vọt lên, Đỗ Đại Nghiệp đứng ở phía sau cũng bị va phải nên té lăn nhào. Té ra hai người bọn họ định đánh lén, nhưng không ngờ hán tử đã ra tay trước. Sự việc này quả thật bất ngờ, Văn Đạo Trang đứng bên cạnh Tát Phúc Đỉnh muốn giải cứu nhưng cũng không kịp! Trong khoảnh khắc này, khách khứa trong đường đều ngẩn người ra, chợt có người kêu: “Chính là Uất Trì Đồng!”

Hán tử râu xồm cười ha hả: “Đúng thế, Uất Trì Đồng đã khiến cho các vị giật mình! Huynh đệ dưới trướng của ta không có cơm ăn, các người lại tặng lễ vật cho tên cẩu quan này, chi bằng cứ tặng cho ta, ta sẽ nhớ ơn các người! Các người hãy đứng yên không được nhúc nhích, nếu không đừng trách ta đắc tội!”

Uất Trì Đồng là đại đạo nổi tiếng ở miền quan ngoại, năm năm trước đã từng gây náo loạn ở kinh đô. Giờ đây y là nghĩa quân ở miền Tiểu Kim Xuyên, lần này vào kinh là đến mượn lương hưởng của Tát Phúc Đỉnh.

Mọi người trong thọ đường đều biết Uất Trì Đồng là đại đạo giết người không chớp mắt, quả nhiên không ai dám động đậy. Bọn vệ sĩ vốn biết y đã đi theo nghĩa quân thì càng kinh hoảng hơn, lòng thầm nhủ: “Nếu Tát đại nhân rơi vào tay cường đạo thì còn dễ giải quyết. Nếu rơi vào tay phản tặc, chỉ e rằng không sống nổi!”

Nhưng ai cũng cảm thấy kỳ lạ, không biết sao một tên mã tặc nổi tiếng như thế này mà vẫn có thể lẻn vào bên trong được!

Uất Trì Đồng nói vài câu, chỉ thấy bảy tám hán tử ăn mặc theo kiểu gia bộc chen vào, mỗi người cầm một cái bao bố quơ hết lễ vật ở trên bàn.

Những người này chính là thủ hạ của Uất Trì Đồng đã mai phục sẵn ở trong Tát phủ. Vì Tát phủ đang có việc lớn cho nên phải thuê thêm nhiều người, Uất Trì Đồng nhờ người khác ra mặt mua chuộc quản sự trong Tát phủ, cài thuộc hạ của mình vào, nhưng bản thân Uất Trì Đồng thì lại dùng cách khác lẻn vào, sau này đọc giả sẽ biết. Khi thủ hạ của Uất Trì Đồng ra tay cướp của, có hai người khách không biết là muốn ra tay ngăn cản hay vô tình dời bước, khi họ vừa đang nhúc nhích thì chợt nghe hai tiếng “ối chao” vang lên, rồi bỗng nhiên ngã xuống.

Chỉ thấy một phụ nữ áo đen đứng ở trước cửa, lạnh lùng nói: “Đương gia của ta đã nói trước, ai không nghe lời Đương gia của ta thì cũng giống như hai người này!”

Mọi người nhìn thấy phụ nữ này thì càng lạnh mình. Té ra nàng ta chính là Kỳ Thánh Ân vợ Uất Trì Đồng, có ngoại hiệu Thiên Thủ Quan âm. Thủ pháp ném ám khí của Kỳ Thánh Ân có thể nói là hàng nhất tuyệt trong võ lâm, lấy tính mạng của người ta dễ như nhổ cỏ!

Kỳ Thánh Ân vừa xuất hiện đã giết hai người, không ai biết nàng ta đã dùng thủ pháp gì cho nên ai nấy đều kinh hãi.

Chợt cả người buột miệng: “Công phu hay lắm!” Người đó chính là Văn Đạo Trang, nói chưa dứt lời thì hai đồng tiền đã bay ra từ trong tay của y. Lúc này thủ hạ của Uất Trì Đồng đã dồn lễ vật trên bàn vào trong bao bố, chỉ còn lại đôi dưa hấu bằng ngọc và cây hà thủ ô.

Văn Đạo Trang phóng tiền tiêu khiến cho họ bất ngờ, một người thấy thế vội vàng giật đôi dưa hấu. Nhưng cũng đã trễ một bước, tuy lấy được đôi dưa hấu nhưng cây hà thủ ô thì không cánh mà bay.

Số là thủ pháp ném tiền tiêu của Văn Đạo Trang rất kỳ diệu, hai mũi tiền tiêu bay tới, một trái một phải kẹp lấy cây hà thủ ô kéo một vòng rồi trở về trong tay Văn Đạo Trang. Thủ hạ của Uất Trì Đồng coi trọng nhất là lễ vật của hoàng đế, nhưng không biết cây hà thủ ô càng quý hơn, trong lúc quan trọng thì họ chỉ cướp đôi dưa hấu cho nên để cho Văn Đạo Trang có cơ hội ra tay.

Kỳ Thánh Ân cười lạnh lẽo: “Hay lắm, tên họ Văn kia, ngươi có muốn tỉ thí ám khí với ta không?” rồi nàng ta vừa vung tay thì có ba đốm hàn tinh bay về phía Văn Đạo Trang. Các cao thủ ném ám khí đều nhận ra đó là ba mũi thấu cất đinh chuyên đánh huyệt đạo. 

Văn Đạo Trang gằn giọng: “Đúng thế, ta đang muốn lãnh giáo công phu ám khí của Thiên Thủ Quan âm nhà ngươi”. Rồi bắn ra ba mũi tiền tiêu nữa, chỉ nghe ba tiếng leng keng vang lên, hai mũi thấu cất đinh đã bị hai mũi tiền tiêu đánh trúng. Nhưng khi mũi thấu cất đinh thứ ba sắp bị mũi tiền tiêu bắn trúng thì đột nhiên bay theo hình vòng cung tới trước mặt Văn Đạo Trang. Văn Đạo Trang không ngờ thủ pháp của nàng ta lại kỳ diệu đến thế, muốn tiếp ám khí của nàng cũng đã không kịp nữa, chỉ đành rụt đầu xuống, keng một tiếng, mũi thấu cất đinh đã cắm vào lưng ghế phía sau y.

Cuộc tỉ thí này có thể nói kẻ tám lạng người nửa. cân. Tiền tiêu nhẹ hơn thấu cất đinh nhiều, Văn Đạo Trang có thể dùng tiền tiêu đánh rơi thấu cốt đinh của Kỳ Thánh Ân, rõ ràng nội lực của Văn Đạo Trang hơn một bậc, nhưng rốt cuộc thì y vẫn không thể đánh rơi được tất cả thấu cất đinh, nếu nói về thủ pháp ám khí thì đã thua Kỳ Thánh Ân.

Kỳ Thánh Ân bị người ta đánh rơi ám khí, đương nhiên cũng cảm thấy mất mặt, bà ta nổi giận, định ra tay nữa bỗng nghe Uất Trì Đồng nói: “Ân muội, cần gì phải gấp? Sau này chúng ta sẽ tìm y tính nợ. Y làm sao có thể nuốt trọn cây hà thủ ô kia được?” Kỳ Thánh ân đáp: “Cũng được, tên họ Văn kia, lát nữa chúng ta sẽ ra ngoài tranh hơn thua, ngươi cứ chọn địa điểm”. Văn Đạo Trang nói: “Nếu ngươi nhất định tỉ thí ta sẽ chiều theo, muốn đi chúng ta hãy đi ngay bây giờ”.

Uất Trì Đồng gạt: “Đừng trúng kế khích tướng của y”. Rồi đột nhiên quát lớn: “Tên họ Văn kia, chuyện lúc nãy ta tạm thời không tính toán với ngươi. Từ bây giờ trở đi, nếu ngươi dám nhúc nhích ta sẽ giết Tát Phúc Đỉnh!”

Đó chính là: Xông vào hoa đường cướp báu vật, hùng phong chẳng kém thuở thiếu niên.

Muốn biết chuyện tiếp theo thế nào, mời xem hồi 19 sẽ rõ.