Hiệp Cốt Đan Tâm

Hồi Thứ Hai Mươi Tư

Huyền cơ diệu ngữ khôn thấu hiểu

Mộng cũ khó quên lầm mắc mưu.

Kim Trục Lưu nghĩ bụng: “Lệ Thắng Nam hy sinh bản thân để cho cha mẹ mình đến với nhau, mình có nên hy sinh bản thân để giúp đại ca hay không?

Nhưng Lệ cô nương từ lâu đã biết cha và mẹ mình yêu thương nhau, nhưng mình lại không biết Hồng Anh có thật sự yêu thương đại ca hay không. Mình hy sinh bản thân thì không sao, nếu sau này đại ca biết, chẳng phải sẽ u uất suốt đời hay sao?” Kim Trục Lưu lại nghĩ: “Nhưng nếu đại ca cũng đóng vai trò của Lệ tiền bối, suốt đời mình cũng chẳng vui. Hỡi ơi, chả lẽ bi lịch đời trước lại sắp diễn ra?”

Nghĩ đến đây, Kim Trục Lưu chợt cảm thấy Lệ Thắng Nam si tình như thế thì tựa như không đúng lắm. Nhưng chàng không thể nói được chỗ nào không ổn.

Giang Hải Thiên kể xong chuyện này, Trần Quang Chiếu cũng ngẩn người ra, mặt lộ vẻ thẫn thờ.

Kim Trục Lưu chợt nghĩ: “Ồ, hình như Trần đại ca cũng có tâm sự gì?”

Không Chiếu đại sư chợt chắp tay: “Lành thay, lành thay! Rơi vào lưới tình, muộn phiền suốt đời. Một người có tuệ căn như Kim đại hiệp mà cũng không khỏi khổ não hai mươi năm”.

Trần Quang Chiếu hỏi: “Vậy có cách nào giải trừ phiền não? Giả sử nói, lòng lặng như nước, biển tình không sóng thì thế nào?”

Không Chiếu đại sư nói: “Từ xưa đến nay có mấy ai có thể quên tình? Huống chi tình nghiệt là một trong vô số các nghiệt chướng mà người ta phải chịu, như tham, sân, si đều là tâm ma, tâm ma không trừ thì suốt đời rơi vào nghiệt chướng!”

Giang Hải Thiên cười bảo: “Hiếm có dịp đại sư rảnh rỗi giảng giải Phật pháp cho chúng ta nghe”.

Trần Quang Chiếu đáp: “Nói thế thì người ta không thể nào giải trừ được phiền não?”

Không Chiếu đại sư hỏi: “Không phải, muốn trừ phiền não thì phải có một cây chổi bằng sắt”.

Trần Quang Chiếu nói: “Biết tìm cây chổi bằng sắt ở đâu?” Không Chiếu đại sư nói: “Sách kinh dạy rằng, nếu con người muốn đạt đến cảnh giới thức vật cần phải giữ cho lòng trong sáng trống rỗng. Con người từ khi sinh ra bị bụi phiền não che mờ, cần phải có một cây chổi sắt quét phiền não từ tâm của mình. Quét sạch hết phiền não thì gọi là tự tịnh kỳ ý. Vậy cây chổi sắt ấy là gì? Đó tức là chỉ quán”. (Chú thích: Đoạn kinh văn này dẫn theo “Tu tập chỉ quán tọa thiền pháp chiếu” của Ngọc Tịnh pháp sư).

Mẹ của Kim Trục Lưu là truyền nhân của Lã Tứ Nương, tinh thông Phật pháp cho nên Kim Trục Lưu cũng đọc qua sách kinh, biết “chỉ” và “quan” là hai danh từ trong kinh Phật, nhưng không biết ý nghĩa của nó vì thế hỏi: “Chỉ quán là gì?Không Chiếu đại sư nói: “Tôi sẽ nói từ gốc. Không làm điều ác, chỉ làm điều thiện thì sẽ giữ lòng sạch sẽ, đó là lời Phật dạy. Mà không làm điều ác chính là “chỉ”. Làm điều thiện chính là “quán”. Mà làm mười điều thiện như không sát sinh không trộm cắp là “chỉ”. Không những không sát sinh mà còn làm nhiều điều thiện như phóng sinh gọi là “quán”. Cho nên “chỉ” là bước đầu, “quan” là chính yếu”.

Trần Quang Chiếu ngơ ngẩn gật đầu. Kim Trục Lưu nói: “Xin hỏi đại sư, ‘chỉ’ có phải là phòng ngừa tiêu cực, còn ‘quán’ là hành động tích cực, kết là phiền não kết thành, ‘chỉ’ không thể ngăn chặn phiền não, giống như lấy đá đè cỏ. Sách kinh dạy, ‘chỉ’ chỉ là bước đầu, ‘quan’ chính là chính quán tuệ chiếu. Vung tuệ kiếm chém tâm ma, tựa như lấy dao cắt đứt cả gốc rễ của cỏ, mãi mãi không mọc nữa. Kinh xưa viết, ‘quán’ là công cụ chặt đứt mê hoặc”.

Không Chiếu đại sư chắp tay khen rằng: “Lành thay, lành thay, cư sĩ có tuệ căn lắm. Bản thân con người vốn không có phiền não, cũng không có sống chết. Mê ngộ vốn là không, tu chính như ảo mộng. Như hạt ma ni vốn là tròn trịa. Nếu bị rơi xuống bùn hoặc bị bụi che phủ sẽ mờ đi. Nay muốn hạt châu sáng láng, cần phải tẩy rửa, cho nên Lục Tổ có nói rằng, tâm người vốn tự thanh tịnh. Tâm người vốn tự sáng láng. Đó chính là ý nghĩa này!”

Giang Hải Thiên nói: “Xin hỏi đại sư lúc nãy đại sư nói không những không được sát sinh mà phải phóng sinh tức là hành thiện, còn gọi là ‘quán’. Nhưng trong thiên hạ có những người không thể không giết, cả đời tôi đã giết không ít người, Phật pháp có thể dung người như tôi không?”

Không Chiếu đại sư cười bảo: “Trừ ác tức là hành thiện, Giang đại hiệp giết là giết người xấu, chính hợp ý trảm ma trừ yêu của Phật tổ ta”. Giang Hải Thiên cười ha hả: “Vậy thì tôi đã yên tâm!”

Giang Hải Thiên không nghiên cứu kinh Phật, nghe thấy cũng hơi chán. Kim Trục Lưu nghe Không Chiếu đại sư giảng vài đoạn kinh, lòng mới ngộ ra: “Không Chiếu đại sư nói phải lắm, mình phải có một cây chổi sắt quét tất cả mọi phiền não trong lòng, tự mình làm sạch cõi lòng mình tự nhiên sẽ sáng, phiền não làm sao sinh ra? Phiền não của mình chẳng qua là vì không thể quên Sử Hồng Anh mà ra, nếu mình không hề coi Sử Hồng Anh là nữ tử, lúc đó nàng cũng giống như Lý đại ca.

Chúng ta đều là bằng hữu chí đồng đạo hợp, không có tạp niệm lòng riêng, không có nam và nữ, sau này dù Hồng Anh có kết hôn với ai cũng là điều bình thường, thậm chí nếu nàng lấy một người thứ ba nào khác, chúng ta chẳng phải vẫn có thể vui vẻ hay sao? Kim Trục Lưu nghĩ thông thì chẳng còn phiền não, cho nên đã vượt qua tình cảm nam nữ hơn hẳn Lệ Thắng Nam năm xưa.

Lúc này đằng đông trời đã sáng. Giang Hải Thiên nói: “Lần này tôi từ Tây Xương đến, tôi cũng đã gặp Trúc Thượng Phụ. Thương thế của ông ta đã đỡ, đang liên hợp hành động cùng với nghĩa quân ở Tiểu Kim Xuyên để lấy lại Tây Xương. Nay ở phía Tiểu Kim Xuyên đã có Mộ Hoa giúp đỡ. Còn ở phía Tây Xương thì thiếu người. Tôi định ba ngày sau đến Tây Xương giúp cho Trúc Thượng Phụ, sư đệ, đệ có còn chuyện gì ở Bắc Kinh?”

Kim Trục Lưu thưa: “Không còn gì nữa, nhưng có thể đệ sẽ đến Dương Châu”.

Giang Hải Thiên bật kêu: “Ồ, đệ đến Dương Châu, hình như Dương Châu là tổng đà của tục Hợp bang?” Kim Trục Lưu đáp: “Đúng thế, đệ định đến tổng đà của Lục Hợp bang”.

Giang Hải Thiên hỏi: “Đệ có xích mích với Sử Bạch Đô?”

Kim Trục Lưu đáp: “Đúng thế, nhưng lần này đến Dương Châu không phải quyết đấu với y”.

Giang Hải Thiên thở phào: “Bản lĩnh của Sử Bạch Đô tuy chưa đến mức đăng phong tạo cực, nhưng ngoại trừ vài bậc tiền bối trong võ lâm, nhưng trên giang hồ y cũng thuộc hạng số một số hai. Bốn đại hương chủ dưới trướng của y cũng chẳng phải là hạng tầm thường, nếu một mình đệ đến gặp Sử Bạch Đô, ta quả thực không yên tâm. Đệ có xích mích gì với y thế?”

Kim Trục Lưu nói: “Đệ đã đánh cắp lễ vật của y tặng cho Tát Phúc Đỉnh, lại còn giao thủ với y hai lần, may mà vẫn không sao”. Mối hiềm khích giữa Sử Bạch Đô và Kim Trục Lưu thực ra cũng do Sử Hồng Anh mà ra, Kim Trục Lưu không muốn gộp chung mình với Sử Hồng Anh cho nên không kể rõ đầu đuôi.

Giang Hải Thiên cười rằng: “Sư đệ, đệ cũng quá nghịch ngợm, lần này đệ bỡn cợt Sử Bạch Đô, y làm sao có thể bỏ qua cho đệ, chỉ e đệ không đến tìm y thì y cũng tìm đệ tính sổ. Đệ đến Dương Châu nhưng đó là địa bàn của y!”

Kim Trục Lưu nói: “Đệ cũng không sợ, nếu không đánh lại bọn chúng đệ sẽ chạy!”

Giang Hải Thiên hỏi: “Vậy đệ đến Dương Châu là vì chuyện gì?”

Kim Trục Lưu đáp: “Sử Bạch Đô hẹn Lệ đại ca đến tổng đà của y, ý đồ không rõ ràng, đệ không yên tâm cho nên cũng muốn đi xem thử”.

Giang Hải Thiên: “Ồ, té ra đệ muốn âm thầm làm bảo tiêu cho Lệ Nam Tinh”.

Kim Trục Lưu: “Đệ định giấu mặt để tùy cơ hành sự. Nếu Sử Bạch Đô gây bất lợi cho Lệ đại ca, nói không chừng đệ cũng chỉ đành ra tay”.

Giang Hải Thiên: “Một gã như Sử Bạch Đô thì làm sao có lòng tốt được? Nhưng người bằng hữu mà hông bị cắm hai đao cũng là chuyện nên làm. Huống chi đệ và Lý Nam Tinh là huynh đệ kết bái. Ta không cẩn đệ, nhưng đệ phải nhớ: Đừng kiêu ngạovà nóng vội, chuyện gì cũng phải cẩn thận. Đánh được thì đánh, không đánh được thì chạy”.

Kim Trục Lưu thưa: “Đa tạ sư huynh dạy bảo. Đệ đi đây”

Trần Quang Chiếu trợn mắt: “Kim huynh, tôi đi cùng huynh”.

Kim Trục Lưu khựng người lại: “Huynh cũng đi?” Chàng và Trần Quang Chiếu tuy có mối liên quan từ trước với nhau, nhưng cũng chỉ là bằng hữu mới quen, lần này chàng đi là vì chuyện của Lệ Nam Tinh với Sử Hồng Anh, cho nên không muốn Trần Quang Chiếu dự vào chuyện này.

Trần Quang Chiếu vội nói: “Tôi cũng có xích mích với Lục Hợp bang, Viên Hải đã bị tôi đâm một kiếm, tôi cũng bị trúng ám khí của y”.

Kim Trục Lưu gật đầu: “Tôi cũng nghe Trần thúc thúc nói chuyện này. Huynh muốn tìm Viên Hải trả thù? Viên Hải cũng không khó đối phó, nhưng y hiện ở tổng đà của Lục Hợp bang, chúng ta không thể đánh cỏ động rắn. Ngoại trừ bất đắc dĩ, nếu có thể tránh được thì chúng ta cứ tránh. Trần huynh, chi bằng huynh cứ đợi thời cơ cũng không muộn”.

Trần Quang Chiếu trả lời: “Tôi không phải nhất định trả thù. Lệ đại ca và huynh là huynh đệ kết nghĩa, cũng là bằng hữu của tôi. Giang đại hiệp nói phải, người bằng hữu mà hông bị cắm hai đao là chuyện chúng ta nên làm. Nếu Lệ đại ca gặp chuyện gì ở Dương Châu, tôi tuy không giỏi nhưng cũng muốn ra giúp sức!”

Giang Hải Thiên trầm ngâm một lúc, rồi nói: “Thiếu hiệp đi cũng được. Dương Châu cách quê nhà của thiếu hiệp khoảng ba ngày đường, thiếu hiệp có thể quay về nhà. Lệnh tôn là lãnh tụ võ lâm miền Giang Nam, lần này các người đến Dương Châu nếu được lệnh tôn âm thầm giúp đỡ thì dù có khó khăn cũng có thể giải quyết được”.

Trần Quang Chiếu đáp: “Tôi chuẩn bị đến Dương Châu trước, khi quay lại thì vòng qua nhà một chuyến. Nếu xảy ra chuyện ở Dương Châu sẽ nhờ Cái Bang báo tin cho cha mẹ tôi cũng rất dễ!”

Giang Hải Thiên cười: “Các người nhiệt tình vì chuyện của bạn bè. Được, cứ sắp xếp như thế sẽ chu đáo hơn. Các người hãy đi thôi”.

Lúc đầu Kim Trục Lưu không muốn để Trần Quang Chiếu đi cùng, sau mới thấy chàng nhiệt tình, sư huynh cũng đồng ý cho nên Kim Trục Lưu không thể phản đối được nữa.

Hai người Kim, Trần tuổi tác ngang nhau, người trẻ tuổi rất dễ thân thiện với nhau, huống chi đời trước của họ đã kết giao với nhau, nên sau khi biết nhau thì mau chóng thân thiết.

Hai người đi trên đường nói chuyện rất hợp. Nhắc tới việc Lệ Nam Tinh đến gặp Sử Bạch Đô, Trần Quang Chiếu chợt cười: “Sử Bạch Đô và các người có xích mích với nhau, Lệ đại ca chấp nhận đến gặp y, theo tôi thấy e rằng không e là vì Sử Bạch Đô mà là vì em gái của y?”

Kim Trục Lưu ngẩn người ra: “Lệ đại ca cũng nói với huynh à?”

Trần Quang Chiếu nói: “Y không nói gì với tôi cả nhưng tôi đã đoán được. Hôm đó sau khi y bị thương bất tỉnh, suốt đêm cứ lăn qua trở lại, cứ gọi tên của huynh và Sử cô nương”.

Kim Trục Lưu nghe xong nhủ thầm: “Té ra đại ca coi mình và Hồng Anh như nhau. Trong lúc thần trí mơ hồ mà cũng không quên mình!” Chàng càng cảm kích hơn tấm lòng của Lệ Nam Tinh.

Trần Quang Chiếu nói: “Lệ đại ca cứ luôn miệng khen Sử cô nương, cho nên y tuy chưa nói nhưng tôi có thể đoán ra giữa họ có tình cảm với nhau. Lần này Lệ đại ca đến Dương Châu cũng là vì nàng ta, không biết tôi đoán có đúng không? Sử cô nương có tốt như Lệ đại ca nói không?”

Kim Trục Lưu đáp: “Sử cô nương quả thực là nữ trung hào kiệt, huynh đoán rất đúng, lần này e rằng Lệ đại ca đến là vì hôn sự”.

Trần Quang Chiếu nói: “Ồ, té ra là thế. Nhưng tôi lại không yên tâm lắm. Sử Bạch Đô đang muốn đi theo triều đình, có lẽ nào y gả em gái của mình cho một kẻ đối địch với triều đình? Ồ, tôi lo Lệ đại ca sẽ mắc lừa!”

Kim Trục Lưu đáp: “Lệ đại ca cũng nghĩ như thế”.

Trần Quang Chiếu hỏi: “Vậy tại sao y còn đi?”

Kim Trục Lưu đáp: “Vì tình cảm thì dù trước mặt có núi đao biển lửa cũng phải đi”.

Trần Quang Chiếu thở dài: “Không Chiếu đại sư nói phải, từ xưa đến nay có mấy người có thể quên được tình cảm? Không Chiếu đại sư là bậc cao tăng đắc đạo còn nói như thế, hạng phạm phu tục tử chúng ta muốn phá cửa ải tình thì đâu có dễ? Nói ra cũng không thể trách được Lệ dại ca!”

Kim Trục Lưu thầm nhủ: “Chả lẽ y cũng phiền não vì tình cảm?” Vì thế hỏi: “Trần đại ca, huynh cũng có ý trung nhân ư?”

Trần Quang Chiếu nói: “Thật không dám giấu, tôi cũng quen biết một cô nương, chúng tôi đã có một mối giao tình không tầm thường, nhưng chuyện này đã sớm trở thành quá khứ, thôi đừng nhắc nữa”. Rồi vẻ mặt rất buồn bã, chàng cao giọng ngâm rằng: “Lá vàng không gió mà tự rơi, trời thu không mưa mà ảm đạm. Nếu trời có tình trời cũng già, lòng ta không khỏi mãi ưu phiền. Buồn vui rầu rĩ như giấc mộng, tỉnh lại chẳng biết đi về đâu?”

Kim Trục Lưu thầm xót xa trong lòng, miễn cưỡng thì thầm: “Vậy chúng ta nên tìm một cây chổi sắt”. Trần Quang Chiếu cười khổ sở: “Tuy Không Chiếu đại sư giảng cho chúng ta nghe Phật pháp đại thừa, nhưng đáng tiết tôi ngu ngốc, khó tìm tuệ kiếm” Kim Trục Lưu nói: “Mộng cũ bụi trần khó quét sạch, lòng này như nước chảy về đông. Nếu đã thành quá khứ thì thôi vậy. Đừng nhắc chuyện phiền não nữa, chúng ta hãy nói chuyện thú vị”. Trần Quang Chiếu buồn bã chép miệng: “Chỉ có thể nghĩ như thế”.

Trần Quang Chiếu rầu rĩ, Kim Trục Lưu cũng có tâm sự. Kim Trục Lưu không hỏi nữa, Trần Quang Chiếu cũng chẳng nhắc. Hai người đổi sang chuyện khác.

Hai người ngày đêm lên đường, từ Bắc Kinh xuống miền nam, hôm nay đã đến Tế Nam, mặt trời văn chưa xuống núi, vốn vẫn có thể đi được một đoạn nữa, Kim Trục Lưu bảo: “Xin ở nhờ nhà dân không tiện, chi bằng chúng ta đêm nay cứ ở trong thành. Trên khắp quãng đường chúng ta không gặp tông tích của Lệ đại ca, không biết y đi theo đường nào? Nhưng nếu chúng ta cứ mãi lên đường, không chừng đã vượt qua y”.

Trần Quang Chiếu nói: “Tế Nam có phân đà của Cái Bang, huynh có quen đà chủ Vương Thái không?”

Kim Trục Lưu đáp: “Trong ngày Giang sư huynh gả con, Vương Thái cũng đến uống rượu mừng. Tôi và y tuy chưa nói chuyện, nhưng gặp mặt thì sẽ nhận ra. Ý của huynh là muốn đến phân đà Cái Bang tá túc?”

Trần Quang Chiếu cười nói: “Tôi sợ đến phân đà của Cái Bang thì họ coi chúng ta là quý khách, lúc đó sẽ mất tự do. Tôi muốn thông báo tin tức cho Cái Bang, ở Dương Châu Cái Bang cũng có phân đà, họ có bồ câu đưa thư, tôi muốn nhờ họ thông báo cho phân đà Dương Châu để ý tin tức của Lệ đại ca. Như thế nếu chúng ta đến Dương Châu thì sẽ biết Lệ đại ca đã tới hay chưa”.

Kim Trục Lưu nói: “Được, cứ để chuyện này cho tôi. Chúng ta tìm khách sạn trước, tôi sẽ đến phân đà Cái Bang rồi trở về. Đêm nay chúng ta có thể đi chơi hồ”.

Trần Quang Chiếu cười: “Huynh có lắm nhã hứng thế!” Kim Trục Lưu: “Lần trước tôi chơi Hồ Đại Minh, đến nay vẫn chưa hết hứng. Đêm nay hiếm có dịp quay lại nơi cũ”.

Trần Quang Chiếu kêu: “Ồ, chuyện này tôi chưa nghe huynh kể”.

Kim Trục Lưu hỏi lại: “Ở Tế Nam có nhà họ Tào làm tể tướng, huynh có biết không?”

Trần Quang Chiếu đáp: “Có phải là đại học sĩ Tào Chấn Dung hay không?”

Kim Trục Lưu: “Đúng thế”. Trần Quang Chiếu nói: “Tào Chấn Dung này là một gian thần, y và người Mãn Mục Chương A chia nhau nắm quyền bính, chuyên nịnh bợ hoàng đế Thát Tử, tìm cách áp bức người Hán. Nhưng Tào Chấn Dung làm tể tướng có liên quan gì đến chuyện huynh du ngoạn Hồ Đại Minh?”

Kim Trục Lưu: “Y có một đứa con là tiểu ác bá ở nơi này, lần đó đến Hồ Đại Minh tôi đã gặp hắn”.

Trần Quang Chiếu hỏi: “Chuyện như thế nào?”

Kim Trục Lưu liền kể lại mọi chuyện hôm ấy cho Trần Quang Chiếu biết. Rồi chàng bảo: “Nếu lần đó không nhờ Cung Bỉnh Phan giúp đỡ, có lẽ một mình tôi không đối phó được bọn chúng”.

Trần Quang Chiếu ngạc nhiên: “Chả lẽ trong số thủ hạ của gã công tử họ Tào ấy có người giỏi?”

Kim Trục Lưu nói: “Hai tên bảo tiêu của y là nhân vật có tiếng tăm. Một người là phản đồ Bành Cự Vinh của chùa Thiếu Lâm, một người là Liên Thành Hổ”.

Trần Quang Chiếu lắc đầu chép miệng: “Đáng tiết đáng tiếc. Hai người này không biết tự trọng cam chịu làm ưng khuyển cho hào môn”. Kim Trục Lưu nói: “Còncha con người nói sách cũng là nhân vật có tiếng tăm”. Trần Quang Chiếu hỏi: “Họ là ai?” Kim Trục Lưu nói: “Đó là Hà Kiện Hùng và con gái của ông ta Hà Thái Phượng. Huynh có nghe danh cha con họ không?” Trần Quang Chiếu ngạc nhiên: “Hà Thái Phượng? Ồ! Nàng ta là vị hôn thê của một vị bằng hữu!” Kim Trục Lưu vui mừng: “Té ra huynh cũng là bằng hữu của Lý Đôn. Huynh có biết tin tức của y không?”

Trần Quang Chiếu đáp: “Ba tháng trước tôi đã từng gặp y, y đã đến Tây Xương theo nghĩa quân”.

Hai người vào thành Tế Nam, Kim Trục Lưu tìm đến căn khách sạn mà trước kia chàng đã ở, vừa đến trước cửa chỉ thấy chủ khách sạn bước ra nghênh đón. Kim Trục Lưu cười cười: “Ông nhớ thật dai, vẫn còn nhận ra tôi. Hình như ông biết hôm nay tôi đến, chuyện gì thế?” Ông chủ khách sạn đáp: “Khách quý quay trở lại, tiểu điểm rất hân hạnh. Đây có phải Trần công tử không?”

Kim Trục Lưu ngạc nhiên: “Sao ông biết?” Ông chủ khách sạn đáp: “Đã có người đặt phòng cho hai vị, Kim Trục Lưu ngạc nhiên, hỏi: “Là ai đã đặt phòng cho bọn ta?” Ông chủ khách sạn bảo: “Là một tên tiểu tử. Y vâng lệnh chủ nhân của y đến đặt phòng, y bảo chủ nhân của y là bằng hữu của hai người. Tôi tưởng hai người đã biết từ trước”.

Vì khách sạn này nổi tiếng nhất ở Tế Nam. Kim Trực Lưu đã từng tới cho nên lần này chàng mới trở lại không ngờ có người đoán được cho nên đã đặt trước phòng cho chàng khiến cho chàng ngạc nhiên. Kim Trục Lưu thầm nhủ: “Chả lẽ người nhà họ Tào biết hành tung của mình?” Thế rồi vẫn bình tĩnh hỏi: “Tên tiểu tử ấy có nói gì không?”

Ông chủ khách sạn đáp: “Y để lại một cái tráp, hiện vẫn đang ở trong phòng. Mời hai vị vào trước”.

Kim Trục Lưu và Trần Quang Chiếu vào trong phòng, quả nhiên thấy trên bàn có một cái tráp Kim Trục Lưu không mở ra xem, kêu lên: “Ồ, té ra là người bằng hữu nhiệt tình này. Được, hãy làm cho chúng tôi vài món”.

Chủ khách sạn nói: “Tiền phòng và tiền cơm quý hữu đã trả xong. Tôi đã chuẩn bị một bàn tiệc rượu cho hai vị công tử. Hai vị hãy rửa mặt nghỉ ngơi một lát, tôi sẽ bảo người bưng vào”.

Sau khi ông ta ra ngoài, Trần Quang Chiếu đóng cửa lại, nói nhỏ: “Kim huynh, có biết người này là ai không?” Kim Trục Lưu cười đáp: “Chính vì tôi không muốn ông chủ khách sạn nghi ngờ cho nên mới giả vờ là biết. Được, bây giờ chúng ta hãy giải câu đố”. Trần Quang Chiếu dặn: “Hãy khoan, e rằng trong tráp có điều gì khác lạ, chúng ta hãy cẩn thận”. Kim Trục Lưu cười rằng: “Đúng là huynh có kinh nghiệm hơn tôi. Được, tôi sẽ không đụng vào, mở trước rồi tính tiếp”. Chàng liền rút kiếm khỏi vỏ, đứng cách đó mười bước, phóng thanh kiếm ra, chém đứt cái tráp. Trong tráp không có ám khí bay ra, Trần Quang Chiếu mới yên bụng, cười rằng: “Kim huynh, công phu phóng kiếm của huynh rất tuyệt diệu”.

Kim Trục Lưu lấy cái thiệp màu đỏ trong tráp ra, chỉ thấy trong thiệp có tám chữ: “Giờ dậu đêm nay, mời gặp ở hồ”. Chữ viết trông rất mềm mại, Kim Trục Lưu cười rằng: “Bằng hữu này quả thật có nhã hứng, hình như biết đêm nay tôi sẽ đến chơi hồ”. Trần Quang Chiếu tỏ vẻ lo lắng ngắm nghía cái thiệp một hồi rồi nói: “Nhưng không biết tại sao y lại giấu đầu lòi đuôi như thế? Kim huynh, đêm nay chúng ta có đi không?”

Kim Trục Lưu cười đáp: “Đi, sao lại không đi? Người ta đã tiếp đãi chúng ta, chúng ta cũng nên đến gặp chủ nhân chứ”. Trần Quang Chiếu hỏi: “Huynh không đề phòng con trai của Tào Chấn Dung ư?”

“Lần trước y đã làm tôi mất hứng, nếu lần này là y, tôi sẽ tìm y tính sổ. Nhưng tôi nghĩ y không có nhã hứng này”. Chàng ngừng một lát rồi nói: “Canh ba đêm nay sẽ giải được câu đố, bây giờ chúng ta không cần đoán mò nữa”.

Tiểu nhị đã bê rượu thịt vào, có món gà ăn mày nổi tiếng Dương Châu, lại còn có món cá chưng tổ yến. Kim Trục Lưu bảo: “Người bằng hữu này rất khách sáo, coi chúng ta như khách quý. Đến khi gặp y tôi sẽ cảm tạ mới được”.

Ăn cơm xong thì trời đã về chiều. Kim Trục Lưu đến phân đà Cái Bang gặp Vương Thái.

Vương Thái biết Kim Trục Lưu là sư đệ của Giang Hải Thiên, nay chàng đến bất ngờ thì vui mừng ra mặt, vội vàng mời Kim Trục Lưu vào nội đường hỏi chuyện. Kim Trục Lưu nói ngay: “Xưa nay Cái Bang của các người đưa tin rất nhanh nhạy, nay tôi đến đây nhờ huynh dò hỏi tin tức của một người”. Vương Thái nói: “Kim thiếu hiệp không cần khách sáo, không biết thiểu hiệp muốn dò hỏi tin gì, nếu tôi biết chắc chắn sẽ báo. Kim Trục Lưu: “Thiếu gia nhà họ Tào hiện giờ như thế nào? Hai tên bảo tiêu có còn đi theo y không?”

Vương Thái đã biết chuyện Kim Trục Lưu với con trai của Tào Chấn Dung, cười rằng: “Tào thiếu gia ấy bị huynh đánh một trận, gần cả tháng sau không ra đường được, nay y đã bớt ngang ngược hơn. Liên Thành Hổ bại trong tay của huynh, hổ thẹn rời khỏi nhà họ Tào. Bành Cự Vinh thì vẫn còn ở nhà họ Tào, nhưng cũng ít thấy y xuất hiện trong thành”. Kim Trục Lưu hỏi thêm: “Gần đây trong thành Tế Nam có xuất hiện nhân vật giang hồ hành tung bí hiểm nào không?”

Vương Thái ngạc nhiên: “Chín phần mười bằng hữu giang hồ ở nơi khác đếnchúng tôi đều biết. Nhưng không nghe trong thành Tế Nam có người lạ nào cả. Kim thiếu hiệp, người ấy như thế nào?”

Kim Trục Lưu nghĩ bụng: “Người đã tiếp đãi mình chắc không muốn người ngoài biết”. Rồi mới nói: “Sư huynh muốn tôi để ý những bậc dị nhân để kết giao bằng hữu. Tế Nam là nơi sầm uất nhất Sơn Đông, bằng hữu giang hồ qua lại đương nhiên không ít, cho nên tôi muốn đò hỏi cho biết”.

Vương Thái là người già dặn, biết Kim Trục Lưu có nguyên cớ khác nhưng không muốn nói ra, y cũng không tiện hỏi dấn tới. Vì thế nói: “Mấy ngày nay không có bằng hữu giang hồ nào đến, nhưng cao nhân dị sĩ thì đa số hành tung của họ bí mật, có lẽ chúng tôi cũng không biết. Tôi sẽ bảo người trong bang để ý. Kim thiếu hiệp, lần này huynh đến đây làm gì?”

Kim Trục Lưu nói luôn: “Tôi đến Dương Châu nên mới đi ngang qua đây, có một chuyện muốn nhờ huynh giúp đỡ”. Rồi cho Vương Thái biết chuyện Lệ Nam Tinh đến gặp Sử Bạch Đô, nhờ Vương Thái thông báo cho phân đà ở Dương Châu để ý hộ mình. Vương Thái chấp nhận ngay.

Kim Trục Lưu thấy trời đã tối, bèn đứng dậy cáo từ Vương Thái ngỡ ngàng: “Sao Kim thiếu hiệp đi nhanh đến thế? Tôi đã bảo bọn chúng bày tiệc tiếp đãi Kim thiếu hiệp kia mà”. Kim Trục Lưu dứt khoát: “Tôi còn có chút chuyện, xin lãnh nhận tấm thịnh tình của đà chủ, ngày sau mới có thể quấy rầy được”. Vương Thái không tiện giữ khách, đành nói: “Kim thiếu hiệp đang ở đâu, ngày mai tôi sẽ đến chào hỏi”.

Kim Trục Lưu đáp: “Đà chủ không cần khách sáo, sáng sớm ngày mai tôi đã ra đi, khi quay về tôi sẽ đến”. Vương Thái thầm nghi ngờ, nhủ rằng: “Y vừa tới là dò hỏi trong thành có dị nhân nào không, nay ngồi chưa ấm chỗ thì đã vội vàng bỏ đi. Xem ra đêm nay có chuyện. Nhưng không biết là chuyện gì, sao lại không chịu cho mình biết?” Vì đó sau khi tiễn khách thì bảo đệ tử trong bang ngầm theo dõi. Đó không phải là y nhiều chuyện mà lo lỡ Kim Trục Lưu xảy ra chuyện gì ở đây thì y không biết ăn nói thế nào với Giang Hải Thiên.

Kim Trục Lưu về đến khách sạn, chỉ thấy Trần Quang Chiếu vẫn đang cầm tấm thiệp, đi qua đi lại trong phòng, vẻ mặt trông rất lo lắng. Kim Trục Lưu bước vào nhòng, chàng mới biết. Kim Trục Lưu cười lớn: “Đừng nhọc lòng suy nghĩ nữa, đêm nay chúng ta sẽ đi giải câu đố”. Trần Quang Chiếu chợt nói: “Kim huynh, huynh đi đi. Tiểu đệ...” Kim Trục Lưu ngạc nhiên hỏi: “Sao, huynh không muốn đi?” Trần Quang Chiếu ấp úng: “Y bảo sẽ đợi ở hồ, không có nghĩa là chúng ta cùng đi. Chỉ e người này là bằng hữu của huynh, không hẳn muốn gặp tôi”. Kim Trục Lưu: “Vẫn chưa giải câu đố, làm sao biết bằng hữu của huynh hay bằng hữu của tôi? Chúng ta đều được người ta tiếp đãi, chi bằng cứ đi cùng nhau”. Trần Quang Chiếu không từ chối được, chỉ đành cùng đi với Kim Trục Lưu. Hồ Đại Minh nằm ở phía nam thành Tế Nam, dưới núi Thiên Phật. Núi non hùng vĩ hồ nước long lanh trông rất nên thơ. Nếu là mùa hè, trên hồ có rất nhiều thuyền hoa. Đây là thời tháng hai mùa xuân, trong đêm gió lạnh se se không có ai đến chơi hồ. Hai người Kim, Trần đến bờ hồ thuê một con thuyền nhỏ chèo về phía chân núi Thiên Phật ở đối diện. Thuyền ra đến giữa hồ, hai người đưa mắt nhìn ra xa, trong hồ vắng lặng chỉ có con thuyền nhỏ của họ.

Kim Trục Lưu ngạc nhiên: “Sao người này hẹn chúng ta mà vẫn không thấy y ra tiếp đón? Chả lẽ y muốn đùa?” Trần Quang Chiếu nói: “Chắc là thế, chúng ta hãy quay về thôi”. Kim Trục Lưu cười nhẹ: “Chúng ta vốn đến đây chơi hồ, bằng hữu ấy không đến cũng không làm mất nhã hứng chúng ta”. Ngẩng đầu lên nhìn, mặt trăng lên chưa cao lắm, Kim Trục Lưu cười tiếp: “Y hẹn chúng ta giờ dậu, đến giờ vẫn chưa tới”. Trong lòng hơi ngạc nhiên: “Trần huynh hình như không muốn đến gặp người này. Chả lẽ y biết người này là ai cho nên không muốn gặp?”

Lần trước Kim Trục Lưu chơi hồ ban ngày, nay quay trở lại vào ban đêm lại thấy phong cảnh khác hẳn. Chỉ thấy mặt hồ lặng như gương, ánh trăng mờ ảo tựa như phủ một lớp vải mỏng lên mặt hồ. Chùa chiền trên núi Thiên Phật in bóng xuống mặt hồ, thuyền lướt nhẹ qua sóng gợn lăn tăn, chốc chốc có cá nhảy vọt lên khỏi mặt nước. Kim Trục Lưu đang say sưa ngắm cảnh, chợt nghe tiếng dầm khua nước, chỉ thấy một con thuyền hoa từ xa lướt ra. Kim Trục Lưu lấy làm lạ: “Có thuyền đến, không biết có phải người ấy hay không?” Rồi đứng trên đầu thuyền, bảo ông lái chèo về phía ấy. Trăng đêm nay rất đẹp, Kim Trục Lưu ngẩng đầu lên nhìn chỉ thấy rèm thuyền vén lên một nửa, trong thuyền thấp thoáng bóng hai thiếu nữ. Kim Trục Lưu ngạc nhiên, lòng thầm nhủ: “Chả lẽ hai thiếu nữ này đã hẹn mình?” Đến khi chàng nhìn kỹ lại thì thấy một người mặc bộ đồ đỏ, một người mặc đồ hồng, đầu bới tóc như nhau, tuổi khoảng mười bảy mười tám. Xem ra tựa như hai ả nha hoàn. Kim Trục Lưu chưa từng gặp họ, lòng thầm ngạc nhiên, nhủ thầm: “Phụ nữ giang hồ tuy không nói lễ tục, nhưng người nữ hẹn người nam là chuyện hiếm có. Chả lẽ đây chỉ là nữ khách chơi hồ!” Nhưng chợt nghĩ lại: “Không đúng, không đúng! Đêm xuân vẫn còn lạnh lẽo, phụ nữ bình thường làm sao chịu nổi cái lạnh ở đây?” Nghĩ chưa dứt chỉ thấy một ả nha hoàn bắt đầu gảy đàn, còn một người kia thì hát theo tiếng đàn: “Hỏi rằng sắc xuân bên hồ, quay lại đã là ba năm. Gió đông thổi ta đến hồ, dương liễu mơn man làn da. Đường đời đến nay đã quen, lòng này vẫn còn mê mải, gió lạnh nước trời liền một dải, chim nước bay rợp trời”. Kim Trục Lưu khen rằng: “Hát rất hay, đàn cũng rất hay?” Rồi thầm nhủ: “Đáng tiếc mình không đem theo cây đàn, nếu không mình sẽ hòa cùng nàng một khúc”. Phía sau lưng vang lên tiếng thở dài nhỏ, Kim Trục Lưu quay đầu nhìn lại, chỉ thấy Trần Quang Chiếu đứng ngẩn người ra, vẻ mặt rất kỳ quặc, tựa như lo tựa như mừng, lại có mất phần hốt hoảng. Kim Trục Lưu vỗ vai Trần Quang Chiếu, cười rằng: “Trần đại ca, hình như huynh quen họ, có đúng không, họ là ai?”

Trần Quang Chiếu chợt giật mình, thì thầm: “Họ là nha hoàn của Hà Cô”. Kim Trục Lưu hỏi: “Hà Cô là ai?” Trần Quang Chiếu đỏ mặt, lúng túng: “Chính là người tôi đã nói với huynh...”

Kim Trục Lưu nói: “Té ra ý trung nhân của huynh hẹn huynh, huynh lại không muốn đến. Ha ha, Trần huynh, huynh đã giấu tôi đến khổ”.

Trần Quang Chiếu rất lúng túng: “Lúc đầu tôi cũng không biết. Nét chữ trên thiệp mời rất giống bút tích của nàng, nhưng tôi vẫn không dám đoán chắc. Nàng nói không gặp lại tôi nữa, chúng tôi chia tay nhau đã ba năm”. Chàng ta cứ ấp a ấp úng tựa như có lời mà khó nói.

Lúc này hai chiếc thuyền đã tiến gần tới nhau, hương thơm trong chiếc thuyền hoa tỏa ra ngào ngạt bay theo gió, Kim Trục Lưu hít một hơi thì mới biết đó là hương gỗ đàn thượng hạng, cười rằng: “Hà Cô đúng là người tao nhã. Huynh có nghe ả nha hoàn của cô ta mới hất hay không? Hỏi xuân sắc bên hồ, lại là ba năm nữa. Hì hì, lần này tới lượt huynh lên hỏi”.

Hai ả nha hoàn đã đứng trước đầu thuyền, không đợi Trần Quang Chiếu hỏi đã nói trước: “Trần công tử, công tử đã tới! Mời công tử cùng quý hữu lên thuyền”.

Trần Quang Chiếu ngẩn người, cắn môi không biết là mộng hay thực, thế rồi định thần phóng lên thuyền. Ông lái thuyền sợ Kim Trục Lưu cũng nhảy lên, vội vàng nắm lấy chàng lại hỏi: “Công tử, hai người có cần thuyền này nữa không?”

Kim Trục Lưu giận dữ: “Ngươi sợ bọn ta không trả tiền hay sao? Ngươi buông tay, cho ngươi cái này”.

Nói chưa xong thì ả nha hoàn mặc áo đỏ đã vung tay, keng một tiếng, một đỉnh bạc rơi xuống thuyền, nói: “Ngươi hãy quay vào bờ, không cần ngươi đến đón. Nén bạc này đã đủ chưa?” Lúc này Trần Quang Chiếu mới sực nhớ chưa trả tiễn, bất giác đỏ cả mặt.

Ông lái đò cười hớn hở: “Đủ rồi! Đủ rồi!” Rồi buông liền tay, Kim Trục Lưu nhảy vọt qua.

Kim Trục Lưu cười nhẹ: “Một khách không phiền hai chủ, đa tạ tiểu thư nhà cô đã tiếp đãi, tôi được hưởng phước lây với Trần đại ca”. Miệng thì cười nói, nhưng trong lòng cũng thầm cười bộ dạng thẫn thờ của Trần Quang Chiếu.

Chiếc thuyền hoa này lớn hơn chiếc thuyền con của họ, hai ả nha đầu vén rèm, gọi bọn họ vào trong khoang ngồi xuống, lúc này Trần Quang Chiếu mới phát hiện có hai tấm bình phong che lại, ngăn khoang ra thành hai phòng. Trần Quang Chiếu biết người chàng ngày nhớ đêm mong ở trong khoang này, toan lên tiếng hỏi nhưng lưỡi cứ cứng đờ. Hai ả nha hoàn rót hai chén trà nóng, người mặc áo đỏ đặt chén trà trước mặt Kim Trục Lưu, mời: “Kim công tử, mời dùng trà. Hiếm có dịp công tử và Trần công tử đến, chúng tôi nghe tiếng đã lâu”.

Kim Trục Lưu nói: “Nếu biết ta chỉ là người đi cùng, ta cũng không nên đến.

Nhưng sao các người biết tên của ta?” Ả nha hoàn ấy đáp: “Kim đại hiệp danh chấn giang hồ, chúng tôi tuy không đi lại trên giang hồ nhưng cũng đã sớm nghe tiểu thư nhắc đến tên của ngài. Kim đại hiệp, ngài đừng hiểu nhầm, tiểu thư chúng tôi muốn mời cả hai vị”.

Kim Trục Lưu uống chén trà, cười ha hả: “Hay cho ả nha đầu khéo miệng, lần đầu tiên nghe người ta gọi mình là đại hiệp. Hì hì, không giấu gì cô, ta đâu phải là đại hiệp gì, chỉ là một tên trộm”. A hoàn mặc áo đỏ xen vào: “Kim đại hiệp đừng nói đùa”. Kim Trục Lưu nói: “Trần đại ca thì ngại, nhưng ta phải nói. Tiểu thư nhà cô mời bọn ta đến đây, giờ bọn ta đã đến, trà cũng đã uống nhưng sao vẫn chưa thấy chủ nhân?”

Lúc này sau bức bình phong vọng lại hai tiếng ho, Trần Quang Chiếu cố bưng chén trà, nén không được hỏi: “Tiểu thư không khỏe ư?”

A hoàn mặc áo xanh đáp: “Tiểu thư đang bị nhiễm lạnh, vừa mới ngủ một giấc. Nhưng đã thức dậy. Công tử hãy đợi một lát, tôi sẽ vào mời tiểu thư ra”. Trần Quang Chiếu chợt cảm thấy ruột đau như cắt, cả kinh kêu lên: “Hà Cô, cô lấy mạng ta không sao, nhưng sao có thể hại bằng hữu của ta!”

Đó chính là: Tình sâu hẹn kín ngày tương hội. Nào ngờ lời ngọt độc tựa đao.

Muốn biết chuyện tiếp theo thế nào, mời xem hồi 25 sẽ rõ.