Những giọt cà phê đen lười biếng nhỏ từng giọt đặc quánh rơi xuống cái ly thủy tinh trong vắt, thường tình anh chẳng bao giờ uống cà phê kiểu này. Nó vẫn được dân chơi sành điệu cho rằng uống như vậy mới là biết thưởng thức cà phê, với anh xem ra không cần thiết, uống cà phê là uống chứ không nhất thiết phải chờ đợi nhâm nhi, rất mất thời gian mà anh thì có rất ít thời gian rảnh rỗi. Thế nhưng hôm nay anh lại kiên nhẫn nhìn những giọt cà phê rơi bởi nó có nhiều điều suy nghĩ.
- Bây giờ mày đã nhận diện ra hắn chưa?
- Rồi.
- Có sợ không?
- Sợ à – Anh nhếch mép cười – Tao cầm súng lên rừng theo các anh các chú từ nằm mười ba tuổi, cũng dăm lần chạy càn xịt khói vì bị biệt kích địch đánh úp, rượt chạy, chưa thấy sợ nữa là hôm nay…
- Ừm… thì ai chẳng biết vậy – Bạn anh nhún vai - Thế nhưng nay chuyện sống chết nó lại được nhìn dưới góc độ khác. Sống chết khác, danh dự và phản bội khác, ngày hôm nay mày có nhiều thứ như vợ con nè, công việc nè, chức quyền nè…
- Thôi… thôi… đừng nói nữa – Anh xua tay – Hay là mày sợ.
- Sợ? – Bạn anh cười hề hề - Ừ, thì cứ cho là sợ đi có sao đâu.
- Sợ là một thuộc tính và là phản ứng tâm lý tự nhiên của con người trước những điều kiện hoàn cảnh mà bản thân không làm chủ được, xem ra chẳng có gì lạ.
Bạn anh cười ha hả, hiểu nhau quá mà, nói làm gì nhiều cho mệt. Nhưng đúng là có một sự thật, trong chiến tranh tất cả lao về phía trước chỉ với một mục đích cháy bỏng là đánh đuổi quân thù bảo vệ quê hương. Lúc đó ai ai cũng coi sự sống chết nhẹ tựa như lông hồng, nhưng bây giờ vào thời bình lại khác. Con người ta có quá nhiều thứ để chọn lựa, có quá nhiều của ngon vật đẹp cám dỗ đời thường, té ra thử thách khó khăn nhiều lúc không kém gì chiến tranh. Điều này lý giải phần nào những con người rất anh dũng trong chiến tranh, lại dễ dàng ngã gục trước cám dỗ vật chất tầm thường, nhiều lúc không lý giải nổi. Một thời gian dài chúng ta cứ thích lý tưởng hóa những mục đích cao đẹp, bằng những lời thuyết sao rỗng suông mà quên rằng anh hùng cũng là con người. Chúng ta buộc người hùng quá nhiều bổn phận trách nhiệm nặng nề một cách hồn nhiên vui vẻ rằn vì là anh hùng phải vậy, một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Trong khi người hùng cũng là một con người cụ thể xác thịt với đầy những yếu đuối tầm thường trong tâm hồn như biết bao con người khác và họ, cũng dễ dàng bị sa ngã như bất kỳ ai. Cái áo không làm nên thầy tu có nghĩ bộ quân phục công an cũng không đảm bảo cho công an ấy là sắt thép miễn nhiễm với mọi thứ bệnh tật trong cuộc đời này. Cho nên cũng cần nhìn nhận đánh giá công an như mọi con người bình thường khác trừ tính chất công việc của anh ta đang làm, để có thái độ cư xử, hiểu biết đúng về con người công an.
Mãi về sau anh mới nhận được điều này và để hiểu được điều đó, anh phải trả giá khá nhiều, trước hết là nếp nhăn trên trán nhiều hơn xưa.
- Từ rất lâu, ngành chúng ta vẫn có phân lằn ranh giữa công tác đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đó là hai mảng công việc khác nhau… thế nhưng – Anh cau mày – Anh ninh quốc gia là sự bền vững của thể chế và trật tự an toàn xã hội là trật tự pháp luật bảo vệ đời sống người dân lương thiện, đâu có khác nhau về bản chất.
- Đúng vậy, khi đời sống nguời dân lương thiện bị đe dọa, trật tự xã hội có chiều hướng bị đảo lộn, kỷ cương luật pháp bị thách thức thì làm sao có thể khẳng định nền an ninh quốc gia bền vững? Bạn anh tiếp lời.
- Chính vì vậy, việc phân ranh chẳng qua phục vụ cho công tác nghiệp vụ, không có nghĩa an ninh không làm công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội và ngược lại.
- Lý luận nhỉ - Bạn anh cười – Đáng lẽ mày phải đi làm thầy giáo mới phải.
- Được đứng trên bục giảng là ước mơ của đời tao. Tao ước mơ, sau tuổi bốn mươi sẽ được đứng trên bục giảng để truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ sau. Nay sắp năm mươi mà ước mơ chỉ là ước mơ.
- Tại mày không thích đó thôi – Bạn anh chọc – Nếu muốn mày vẫn có thể chuyển về làm giảng viên của trường Đại học An ninh được mà. Tao nghĩ, với trình độ của mày thì dư sức…
- Đời là vậy – Anh triết lý – Ước mơ vẫn là ước mơ, không đơn giản như mình mong muốn – Đúng vậy! Bạn anh gật đầu. Trường An ninh đã từng xin tao về làm trưởng một khoa của trường nhưng thành phố không đồng ý. Nên thỉnh thoảng tao vẫn giúp trường tham gia phản biện đề tài của mấy ông bạn làm giảng viên. Có một thực tế trong giảng dạy của chúng ta là lý thuyết nhiều quá, thực tế rất ít, sinh viên đại học an ninh hoặc cảnh sát trước khi tốt nghiệp ra trường, đi thực tế từ ba đến sáu tháng với hàng loạt chỉ tiêu đề ra phải hoàn thành trong đợt thực tập. Sinh viên ra trường công tác tại đơn vị đa phần ngu ngơ, lý thuyết học vẹt giỏi, nhưng thức tế không quá trẻ lên ba, đơn vị phải mất nhiều thời gian đào tạo lại. Cô cậu nào thông minh nhanh nhạy cũng mất vài năm mới nắm bắt được công việc.
- Thôi, không bàn nữa – Bạn anh phẩy tay – Chuyện này nói mãi vẫn vậy, nó là thực trạng chung của toàn ngành giáo dục chứ không riêng gì ngành mình. Vào công việc đi.
- Ừ - Anh trải rộng tờ sơ đồ lên mặt bàn và báo cáo – Hắn ta được tao chú ý bắt đầu từ nằm 1997.
- Tại sao không sớm hơn hay muộn hơn mà bắt đầu từ nằm 1997?
- Tao vốn làm công tác tham mưu nên công tác hồ sơ giấy tờ tài liệu rất kỹ. Chắc mày còn nhớ chuyện hắn được tha trước thời hạn mấy tháng vào năm 1997 chứ?
- Nhớ - Bạn anh gật đầu đáp gọn.
- Thật ra từ năm 1995 sau khi hắn bị ban chuyên án của Bộ, cụ thể là Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Cục Cảnh sát Hình sự bắt rồi đưa đi tập trung cải tạo ba năm theo quyết định của UBND (Ủy Ban Nhân Dân) thành phố vào ngày 20.5.1995, tao đã quan tâm đến hắn rồi. Chính xác hơn tao quan tâm đến con người này từ trước đó nhiều năm. Lấy mốc năm 1995, sau khi hắn bị bắt đưa đi tập trung cải tạo, báo chí mới bắt đầu ồn ào về hắn, một bức màn bí mật bao phủ quanh hắn rơi xuống, hé lộ mảnh đời bí mật về tên tội phạm này. Cùng lúc đó, những băng nhóm giang hồ xã hội đen khác như Tài lùn, Tấn Tăng, Lý đôi, Thành đôla… cũng bị bắt, nhưng không hiểu sao báo chí chỉ tập trung nói về hắn, có báo còn lên tiếng bênh vực hắn, phê phán cách làm của cơ quan công an. Rất đáng ngạc nhiên, từ những thông tin công khai trên báo chí và một số nguồn tin riêng thì rõ ràng hắn ta là tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm, trùm tội phạm. Tao giật mình và có cảm nhận hình như có điều gì đó không ổn về phía ngành công an chúng ta, lực lượng được pháp luật giao cho trách nhiệm điều tra, ngăn chặn, xử lý tội phạm. Đã có một lỗ hổng lớn nào đó trong chính công an thành phố chúng ta. Thú thật là tao không dám nghĩ đến, bởi thấy đau lòng khi phải nghi ngờ đồng chí của mình.
Bạn anh gật đầu thông cảm.
- Mày thấy đấy, ngay cả việc chúng ta buộc phải đưa hắn đi tập trung cải tạo cũng là vận động theo tinh thần Nghị quyết 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại sao vậy? Tại sao một tên tội phạm nguy hiểm như hắn mà không thể bắt xử lý về những hành vi phạm tội mà phải áp dụng một giải pháp mang tính tạm thời, bởi vì trong việc thu nhập chứng cứ về hắn để xử lý theo luật pháp rất yếu và không cụ thể. Trong khi hắn là một tên trùm tội phạm ai cũng có thể điểm tên chỉ mặt được mà các đơn vị nghiệp vụ công an thành phố chúng ta lại không thu nhập được một chút chứng cứ nào thì lạ quá. Thứ đến, các lực lượng xử lý vụ bắt hắn đưa đi cải tạo lai do Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Cục Cảnh sát Hình sự làm thông qua UBND (Ủy Ban Nhân Dân) thành phố để ra tập trung đi cải tạo, còn công an thành phố chúng ta đều đứng “chầu rìa” bên ngoài cứ như là vô can trong vụ này trong khi đây là một tên tội phạm đang đứng chân hoạt động trên địa bàn do chúng ta quản lý. Như vậy, phải chăng ngay từ ngày ấy, năm 1995, công an thành phố đã có những người “bắt tay và bao che” cho tên tội phạm này, dẫn đến việc Bộ không tin tưởng chúng ta và phải cử lực lượng về bắt hắn khi đáng lẽ đây là nhiệm vụ của chúng ta.
Khuôn mặt của bạn anh như già hẳn đi, rất lâu bạn anh mới nói khe khẽ:
- Hôm rồi tao có gặp đồng chí chỉ đạo vụ bắt đó và mấy anh, mấy chú cho biết, tình hình hồi đó cực kỳ căng thẳng. Các cấp lãnh đạo ngoài Trung ương đã có thông tin, tài liệu báo động về hoạt động tội ác của tên trùm tội phạm này, còn công an thành phố - đơn vị phụ trách nhiệm vụ chính trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn của thành phố, nơi tên tội phạm mà đang sống và phạm tội lại không có một báo cáo nào về hắn ta cả, hoặc giả như có thì chỉ đề cập phớt qua. Vì thế, đích thân Thủ tướng chính phủ phải vào cuộc, giao cho Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo. Tại sao phải như vậy, bởi vì cấp trên đã không tin chúng ta nữa va việc Cục Cảnh sát Hình sự bắt hắn đưa đi tập trung cải tạo theo Nghị quyết 49 là vì vậy, rõ ràng đấy chỉ là giải pháp mang tính tạm thời thôi.
- Như vậy nghĩa là trong lực lượng thành phố chúng ta có vấn đề ngay từ ngày đó…
- Không, không hẳn như vậy – Bạn anh gằng giọng – Cả ngoài kia… Ngón tay của bạn anh chỉ ra ngoài cửa vô định – Cũng có vấn đề.
Anh im lặng.
- Năm 1997 hắn ta được thả khỏi trại tập trung cải tạo sớm đến bảy tháng với lý do “cải tạo tốt”, nếu tao nhớ không nhầm đó là ngày 24.7.1997, thú thật lúc đó tao toát mồ hồi hột bị sốc khi biết tin này. “Cải tạo tốt” – một cụm từ làm tao mất ăn mất ngủ đến mấy tháng liền. Con bạch tuộc ngày nguy hiểm quá, khi cái vòi của nó bám vào mọi hang cùng ngõ hẻm trong bộ máy hành pháp của nhà nước để mua chuộc, khống chế một số cá nhân thoái hóa nhằm phục vụ cho những mưu đồ đen tối của hắn. Tao còn biết ngay trong lãnh đạo công an thành phố chúng ta lúc đó có người đã ký đơn chấp nhận tha hắn về sớm sau khi được Cục Trại giam hỏi ý kiến hứa sẽ “quản lý tốt hắn ta”.
Bạn anh thở dài.
- Lúc đó tao được điều ra Hà Nội công tác, tao được biết, Bộ mình đã rất chật vật mới đưa được hắn đi tập trung cải tạo, thậm chí còn phải “tín chấp” bằng uy tín chính trị của mấy đồng chí lãnh đạo Bộ bởi lực cản từ những cơ quan pháp luật khác mạnh không kém. Cụ thể là Viện kiểm sát tối cao, họ dựa vào nguyên tắc của luật pháp cản trở chúng ta. Cũng đúng thôi, luật pháp là luật pháp, phải tôn trọng và chấp nhận chứ biết làm sao. Nếu những người nắm cán cân pháp luật kia mà công tâm thì chẳng có gì đáng nói, còn họ cố tình lươn lẹo vận dụng pháp luật để bảo vệ hắn ta thì sao? Trong trường hợp này, rõ ràng là như vậy. Sau khi hắn được đi tập trung cải tạo, báo chí lên tiếng phê phán chúng ta làm không đúng luật, liên tiếp mấy bài liền gây sức ép công luận rất lớn đối với ngành và làm cho dư luận nghi ngờ công an làm bậy, làm ẩu, ỷ thế muốn bắt ai thì bắt, muốn xử ai thì xử, điên đầu luôn. Rồi đơn khiếu nại của vợ hắn gửi khắp nơi, đúng những địa chỉ cần đến với những lời lẽ thật thảm thiết, đã xuất hiện dăm ba ý kiến nhắc nhở, yêu cầu ngành chúng ta phải xem lại sự việc.
- Cho nên – Bạn anh uể oải nói tiếp – Việc hắn ta được ra trại cải tạo trước mấy tháng là điều hiển nhiên. Hồi đó tao cứ tưởng hắn được thả ngay sau khi bị bắt đưa đi cải tọa nữa kìa.
Anh rùng mình, đưa khăn chặn mũi trước khi hắt xì hơi lần nữa. Sao thấy lạnh quá.
- Sợ à? Bạn hỏi.
- Ừ… sợ - Anh bỗng nhiên muốn trả lời thật lòng điều đó. Anh sợ điều gì nhỉ, sao đao búa đâm chém của tên trùm, hay sợ thế lực lờ mờ to lớn không rõ hình dạng đang bao trùm lên tên trùm xã hội đen này? Khó trả lời quá.
Sau khi ra trại cải tạo, hắn xây một khách sạn lấy tên là khách sạn Cam và cho mời vài nhà báo tới giúi tay những phòng bì nặng quà cáp rồi tâm tình, kể lể, từ nay tôi đã “thoái ẩn giang hồ”, chỉ còn chí thú làm ăn, chủ yếu là kinh doanh khách sạn để sống qua ngày thôi. Tôi già rồi, nay đã “gác kiếm” xin các anh thông cảm, thương tình mà nói với mọi người như vậy. Cũng có dăm ba tờ báo lên bài với lời lẽ thương cảm rất cảm động. Sống ẩn dật, ít giao tiếp với mọi người, tránh xuất hiện nơi công cộng quá nhiều, đối xử với người xung quanh rất ân cần và chu đáo, nhà ai có tang ma thì hắn tự tay đến tận nơi cúng giỗ phúng điếu đàng hoàng. Ai khó khăn gì nói một tiếng hắn giúp ngay, hiển hiện cứ như một “ông bụt”, đáng gọi là gương sáng phố phường điển hình. Với các cấp chính quyền địa phương cũng vậy, lúc nào cũng cực kỳ nhũn nhặn đến nhiều lúc còn ra vẻ nhát gan, hắn làm cho nhiều người ban đầu nghi kỵ nay phải ngạc nhiên và tự hỏi, đấy có phải là tên trùm xã hội đen từng khuấy đảo đất Sài Gòn từ trước sau 1975 không? Hay họ lầm và bắt đầu cũng như tiếng khen “tốt” về hắn, vậy đấy.
Anh kết luận một phần vấn đề khi nói về tên trùm xã hội đen.