Hành trình của sói

Chương 2- 1

1

Sau Tết Nguyên tiêu 15 tháng giêng âm lịch, đến vía Lục tánh 16 tháng 2 âm lịch, đối với Hội quán Phúc Kiến thì ngày vía bà Thiên Hậu 23 tháng 3 âm lịch là lớn nhất. Vì nhiều lý do lịch sử khác nhau mà người Hoa rời khỏi tổ quốc của mình để tha hương cầu thực kiếm sống khá đông. Họ ra đi nhiều nhất vào cuối triều đại nhà Minh bị sụp đổ và nhà Thanh lên nắm quyền, khi mà phong trào phản Thanh phục Minh bị người Mãn Châu đàn áp dã man. Những con thuyền dong buồm ra khơi chạy trốn sự đàn áp, trước biển cả mênh mông sóng dữ gào thét đe dọa sẵn sàng nhấn chìm bất kỳ sinh linh nhỏ bé nào, những người Hoa chỉ biết chắp tay cầu nguyện với Thiên Hậu Thánh Mẫu phù hộ được bình an. Năm 1697, người Hoa thuộc bang Phúc Kiến đã rước tượng Thiên Hậu vào đô hội sầm uất Hội An, lập Hội quán và miếu thờ bà. Đến nay thì Hội quán nằm rải rác nhiều nơi trên thế giới và đi đâu, người Hoa Phúc Kiến cũng rước Bà theo để thờ như một vị thần bảo hộ.

Khác với miếu thờ bà Thiên Hậu, ông Quan Công, ông Bổn rực rỡ của người Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu… ở những con đường lớn tại quận 5, nằm trong một con hẻm nhỏ chạy ngoằn ngoèo từ đường Trần Hưng Đạo sang đường Nguyễn Huỳnh Đức có một ngôi miếu nhỏ, nhìn cũ kỹ, tối tắm. Mà cũng khó gọi là miếu bởi cách thờ tự khá hổ lốn nên có thể gọi chính xác là chùa Minh Hương thì đúng hơn, dù tấm bảng treo trên cổng lại ghi là Miếu Bà. Cánh cửa sắt loang lổ lúc nào cũng đóng kín im ỉm và chỉ mở rộng mỗi khi vào dịp lễ. Bước vào trong khuôn viên là cái sân gạch tàu đầy rêu trơn trợt vào mùa mưa nằm dưới cây si lớn trùm phủ lên cả môi miếu, thả những rể si dài lòng thòng phất phơ trong gió, vào những đêm trăng sáng cứ như một người đàn bà ngồi xõa tóc, rất ghê. Chẳng thế mà trẻ con chẳng bao giờ dám bén mảng đến nơi này chơi đùa, người yếu bóng vía cũng vậy. Tuy cũ nhỏ nhưng miếu lại đầy đủ những nét đặc trưng của một ngôi chùa Minh Hương, như mái ngói trán men “thanh lưu ly” trên nóc, bên trong là bệ thờ sơn son thiếp vàng rực rõ với bà Thiên Hậu mặc triều phục lộng lẫy, hai bên có cũng nữ đứng hầu với lọng, quạt, phướn, đèn, hạc chầu… Nhìn Bà ngồi oai vệ có cảm tưởng như đó là vị thánh mẫu hoặc một Hoàng hậu nương nương nào đó trên sân khấu Hồ Quảng vẫn hay diễn hàng đêm. Ngoài ra, còn tượng sáu vị tiên hiền (Lục tánh), bà mụ, thần tài… đủ cả. Đặc biệt của miếu này là ngòai thờ bà chính diện còn thờ khá nhiều các vị khác ngồi chen lẫn nhau trên những bệ thờ dọc hai bên mà không hẳn của Hội quán Phúc Kiến. Cứ đến những ngày vía, ngôi miếu nhỏ đón rất nhiều người Hoa mang nhang, đèn, dầu… đến cũng lễ. Thi thoảng dù không phải vào ngày vía kỵ nhưng cũng có những người Hoa ở tỉnh thành xa hoặc ở nước ngòai về, vì một lý do nào đó vẫn tìm đến miếu bà để tế lễ. Và họ thường lễ rất hậu hỹ, nhất là cho người trông coi miếu.

Giữ miếu là một ông già người Hoa, khó đoán tuổi bởi những nếp nhăn nhằng nhịt trên khuôn mặt. Có thể bảy mươi, tám mươi ở dáng đi lom khom, đôi bàn tay nhăn nheo run run yếu ớt, nhưng cũng có thể năm mươi, sáu mươi khi nghe giọng nói của ông ta rõ ràng mạch lạc. Và không chừng là bốn năm mươi tuổi bởi ánh mắt sắc lạnh mỗi khi nhìn người khác. Và có thể là bảo nhiêu tuổi khi mọi người biết được thân thế thật của ông già này. Cũng không ai biết ông ta giữ ngôi miếu này đã bao lâu, có lẽ cũng phải năm hay chục năm trở lên. Lão sống một mình, hầu như không quan hệ với ai, cũng chẳng có vợ, con cháu hay bạn bè đến thăm viếng bao giờ. Trước khi lão còn mở một quán trà đầu hẻm để buôn bán lăng nhăng gì đó, sau này sức khỏe kém nên dẹp luôn và suốt ngày chỉ thẫy lão ru rú trong miếu một mình. Chẳng ai biết lão làm gì trong đó, lâu lâu lão biến mất đâu đó dăm ngày mà theo lão giải thích với mọi người xung quanh là đi thăm bà con. Bà con nào, ở đâu, nhiều người tò mò hỏi, lão chỉ lắc lư cái đầu không trả lời. Một người con người sống khá cô độc và hơi lạ lùng, nhiều năm như vậy nên mọi người cũng dần quen và chẳng ai buồn quan tâm đến lão nữa.

Ngôi miếu nhỏ tàn tạ, đầy rêu phong trôi qua năm tháng như chính chủ nhân của nó vậy.

Trong cuộc đời ai cũng có bạn bè và nhiều loại bạn bè khác nhau. Có tình bạn thâm giao tri kỷ chia sẻ với nhau tất cả. Có tình bạn trong công việc nhưng cũng có trong chốn riêng tư. Tình bạn chỉ quan hệ trên những làm ăn sòng phẳng và trong chốn đâm chém giang hồ xã hội đen, nhưng nó tồn tại theo kiểu đôi bên cùng có lợi. Và nếu không lợi, rất có thể tình bạn ấy chuyển tông sang làm kẻ thù đối địch. Tranh giành quyền lợi và quyền lực dựa trên sức mạnh của đồng tiền lẫn băng nhóm thì khó tồn tại những tình bạn đúng nghĩa. Với ông trùm, trong lão không có khái niệm nào là tình bạn thân thiết cả. Tình bạn, theo lão lý luận, đấy là một sự xa xỉ trong cuộc đời, nhất là đối với dân xã hội đen giang hồ, nếu có tồn tại tình bạn thì là sự ngu xuẩn. Trong giang hồ chỉ có mạnh hiếp yếu, chỉ có lừa lọc đâm chém lẫn nhau. Nói là thế nhưng ông trùm vẫn thiết lập được một tình bạn mà cũng có thể nói là một sự quen biết lâu năm dựa trên tinh thần đôi bên cùng có lợi giữa lão với ông già giữ ngôi miếu Thiên Hậu. Thực tế, lão ta trước kia là một sát thủ máu lạnh khét tiếng có biệt danh là Thanh Long và sau này là Huyền Vũ, giữ vị trí số hai, một trong những trùm băng đảng maphia người Hoa rất nổi tiếng, có tên trong sổ bìa đen của cảnh sát hầu hết các nước vùng Đông Nam Á, trước khi được băng đảng rút về Việt Nam, cụ thể là khu vực quận 5, Chợ Lớn để làm việc khác. Đầu tiên chỉ là quen biết xã giao giữa hai trùm xã hội đen với nhau và giữ kẽ theo kiểu mèo chờ vờn chuột, cũng đụng độ dăm ba lần nhưng đôi bên đều biết thực lực của nhau và có thiện chí giải quyết hậu quả, để rồi đi đến thỏa thuận phân chia địa bàn, lĩnh vực và con mồi của mình. Đến nay, ông trùm kết thân với lão già người Hoa này cũng đã mấy chục năm rồi và phải có lợi nhiều hơn hại. Băng nhóm xã hội đen Việt Nam hay băng đảng maphia người Hoa đều có những quy luật riêng trong hoạt động băng nhóm của mình và cũng có những quy luật giang hồ chung, nếu biết nhường nhịn thỏa thuận thì cũng có thể liên kết cùng sống, cùng đối phó với chính quyền được. Với ông trùm, một kẻ từng sống trải qua hai chế độ cũ và mới, không biết bao lần nếm mùi cơm tù nên hiểu quá rõ việc chiến đấu để tồn tại. Còn với lão già trùm maphia từng một thời tung hòanh ngang dọc thì kinh nghiệm phải nói là có thừa. Chính vì vậy, hai ông trùm mới liên kết với nhau, chung sống trong hòa bình, đôi bên cùng có lời.

Hôm nay là ngày vía Bà.

Từ buổi sáng đến chiều tối, lão già giữ miếu mệt lử vì chuyện cúng bái, hát hò và tiếp khách. Mãi đến tối khuya lão mới rảnh rang một chút, pha cho mình bình trà, nghỉ ngơi thư giãn, tự thưởng cả ngày làm việc mệt nhọc và chờ người bạn quý đến chơi.

Tin và tin gì, ông trùm cũng chẳng biết và nhìn chung lão chẳng tin ai cả. Trong đời này, lão chỉ tin vào chính mình, là chắc ăn nhất. Còn mọi niềm tin khác, với con người thì là sự lừa đảo gian xảo, không tin được. Với thần thánh thì quá mơ ảo mà trong cuộc đời mình, trải qua bao nhiêu thăng trầm có thánh thần nào giúp cho ông trùm đâu nếu tự thân lão không chòi đạp vươn lên. Tuy thế, ông trùm không phản đối chuyện đi chùa thắp nhang cúng bái gì đó, thôi kệ, lão thường tự nhủ, cũng chẳng mất bao nhiêu thời gian và tốn kém gì. Coi như một hình thức “đầu tư” với thần thánh để sau này lỡ có gặp quý vị ấy mà còn kể công, ông trùm thường hay giễu mình như vậy mỗi khi gặp chính hình ảnh mình đang thắp nhang sì sụp khấn khứa đâu đó.

Bỏ mấy thằng đệ tử ngoài đầu hẻm, lệnh cho chúng nó tránh xa con hẻm để mọi người khỏi sinh nghi, ông trùm tự tay xách chiếc giỏ hoa quả trái cây và nhang đèn nặng trĩu, như một người khách đến lễ miếu Bà muộn. Khuya, nhưng cửa miếu không đóng bởi ông già giữ miếu đã biết trước. Lão thận trọng bước qua khoảng sân nhỏ trơn trợt, cũng may vào dịp vía Bà nên lão giữ miếu mới chịu thuê người cạo rửa cho sạch. Sân vương đầy giấy tiền vàng mã lẫn chân nhang cháy dở lập lòe. Ông trùm đi vào bên trong. Liếc nhìn lão bạn già đang nửa nằm nửa ngồi trên ghế, đang khề khà ly trà. Rất cẩn thận, ông trùm lấy trái cây và giấy tiền vàng ra, để lên bệ thờ và châm mấy nén nhang, đưa lên đầu khấn khứa. Chẳng biết mấy pho tượng đen thui ngồi tuốt trên cao có nghe lão khấn khứa cầu xin gì không, hay quý vị ấy đi ngủ rồi cũng nên. Trước kia không để ý nên không biết, sau này ông trùm mới phát hiện, ngôi miếu của lão bạn già này, không thuần thờ một mình Thiên Hậu Thánh Mẫu như các Hội quán Phúc Kiến khác. Ngoài bà Thiên Hậu, Lục Tánh, bà Mụ… lão phát hiện còn thờ cả Phục Ba tướng quân Mã Viện, Đức Khổng Tử, Quan Vân Trường hay còn gọi là Quan công, Thiên Hậu ngũ bang… Nghe hỏi, lão già giữ miếu giải thích. Mỗi một Hội quán người Hoa đều thuộc một bang hội nhất định. Ví dụ, bang Phúc Kiến là Hội quán Phúc Kiến thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, bang Quảng Đông có Hội quán Quảng Đông thờ Thiện Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau này chuyển sang thờ Quan Công và Tiên Hiền của bang. Bang Triều Châu có Hội quán Triều Châu thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện, Hội quán ngũ bang hay còn gọi là Hội quán Dương Thương cũng là Trung Hoa Hội quán, bao gồm Hoa kiều gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia Ứng… thờ Thiên Hậu ngũ bang. Và, lão già nhấn mạnh, ngôi miếu này của người Hoa nên có thể hiểu nó như một chùa Minh Hương thì đúng hơn bởi thờ tất cả những gì thuộc về văn hóa Trung Hoa, không riêng của bang hội nào. Lão ta giải thích thêm rằng cũng cần phân biệt bởi nó không giống như đình Minh Hương Gia Thạnh ở đường Nguyễn Trãi hoặc chùa Minh Hương ở đường Hùng Vương.

Một lời giải thích mang nhiều ý nghĩa, ông trùm gật gù, bởi băng đảng maphia của lão già này có nằm trong Hội quán, bang hội người Hoa nào đâu, mà nói cách khác là bao trùm tất cả, vì nó là maphia.

Thỉnh thoảng hai ông trùm gặp nhau trò chuyện khá rề rà tâm đắc dù cho ông trùm thua lão trùm người Hoa gần 20 tuổi, nhưng vẫn tìm được điểm tương đồng.

- Sau nhiều trăm năm người Hoa chúng tôi di cứ đến những vùng đất mới để kiếm sống, thì nay chúng tôi đang tìm trở về với đất mẹ tổ quốc đấy ông trùm à.

Ông trùm nhún vai không nói gì mà chỉ xoay chiếc tách trà Nghi Hưng màu đỏ tía trong tay mình. Thật khó tin vẻ bề ngoài của lão già giữ miếu nghèo nàn như thế mà lại sở hữu một bộ tách trà có giá trị mấy chục nàng USD, bởi nó vốn là món đồ cổ có từ thời nhà Minh. Nghe đâu bộ tách đã theo chân cụ tổ lão già này khi trốn chạy sự truy đuổi của Thanh triều sang Mã Lai rồi sau đó theo lão sang Việt Nam. Có lẽ đây là thú ăn chơi xa xỉ nhất của lão trùm maphia người Hoa mà lúc nào cũng giả nghèo giả khổ này, ông trùm thầm nghĩ và thận trọng đặt chiếc tách xuống bàn. Tiền đối với ông trùm là vô biên, nói thế thôi chứ lão không nghĩ đến chuyện chiếc tách rời khỏi tay mình rơi xuống đất vỡ tan giống như hàng ngàn USD ra châm thuốc hút chơi vậy. Rõ ràng ông trùm là người lão maphia già này quý mến lắm nên mới đem bộ tách trà gia truyền này ra đãi khách, nhưng lại hiệu ứng ngược, ông trùm vốn không phải là dân uống trà, nhất là những khi lão làm những thủ tục pha trà như sửa soạn dụng cụ, tráng nước, đun sôi… nhìn rất sốt ruột. Chưa kể cứ phải tâng tiu cái tách trà màu tử sa cổ quý giá thì lão chẳng thích chút nào.

Quen nhau khá lâu nên ông trùm biết rõ lão maphia già của mình tính tình nhiều lúc quái đản. Không như những người Hoa khác, sáng sáng ra công viên múa may quay cuồng với bài võ đặc trưng của họ là Thái Cực Quyền, lão ta lại tập Vịnh Xuân quyền với lý do mê Ngũ Mai thiền sư, người ngộ ra nguyên lý Vịnh Xuân khi quan sát trận chiến giữa con rắn và con hạc. Có lần nhìn lão xuống tấn, tách bộ rồi đoản đả và tung song thủ, ông trùm phì cười, giống như con khỉ già trong sở thú tại Thái Lan mà có lần ông trùm qua bên ấy du lịch tốn thêm mấy đồng bat vào xem khi nghe gã hướng dẫn viên du lịch dụ dẫm khách là ở đây có con khỉ biết múa võ. Từng là trùm băng đảng nay giữ vị trí Huyền Vũ chỉ sau Chu Tước trước Thanh Long, Bạch Hổ, quản lý tiền triệu triệu USD của băng đảng maphia nhưng sáng sáng lão vẫn ăn cháo Tiều, mà theo lão ăn như vậy cho nhẹ bụng. Có lần ông trùm được lão mời ăn thử cái thứ cháo trắng nấu nhuyễn như bột, lõng bõng nước với hột vịt bắc thảo xắt nhỏ thêm thịt muối giã nhuyễn và rắc chút tiêu hành vào. Lờ lợ khó ăn kinh người, tí nữa ông trùm ọe ra ngoài nhưng vì nể thịnh tịnh người mời mà cố nuốt mấy muỗng cháo. Quan sát vẻ mặt đau khổ của ông trùm, lão già cười khì, người Hoa không phải ai cũng thích cháo này đâu, chủ yếu là người Tiều thôi. Cái quái của lão ta ở chỗ là một chén cháo trắng nhỏ này giá chẳng bao nhiêu nhưng những thứ phụ kèm theo ấy thì giá ngất trời. Ví như củ cải muối, cá muối, thịt muối hay hột vịt bắc thảo đều là những thứ lão đặt riêng làm theo khẩu vị rất công phu và giá cả thì khỏi phải bàn. Chưa kể có những món lão đặt mua tận Hồng Kông, Đài Loan hay Trung Quốc chở qua nhằm ăn cho đúng khẩu vị, nói giá thì đến ông trùm nghe cũng phải lắc đầu.

- Mặc dù bây giờ người Hoa kiều chúng tôi còn mang nặng những lo lắng về quá khứ với lục địa, tuy thế với chính sách thu hút nhân tài, nhất là có lợi thế về ngôn ngữ, văn hóa… nên rất nhiều người Hoa kiều đã quay trở về cố quốc đầu tư làm ăn. Ông biết không, Hoa kiều chúng tôi đầu tư vào lục địa hàng năm lên đến hàng ngàn dự án lớn nhỏ khác nhau và đa dạng ngành nghề với số tiền trên trăm tỷ USD.

- Và các ông cũng trở về cố quốc để “đầu tư” đấy chứ? Ông trùm hỏi giễu mà không sợ ông bạn già giận vì hiểu nhau quá rõ rồi.

- Đương nhiên… đương nhiên – Lão già ngúc ngoắc đầu – Đương nhiên là phải vậy chứ.

Lão già trả lời thành thật mà nghe như đùa làm ông trùm phì cười, nhưng hiểu lão nói thật.

Ánh đèn điện lập lòe trong mấy cái cây đèn giả để trên bàn thờ lẫn trong mùi hương trầm thơm thoang thoảng khắp miếu. Hai lão già nằm ngả trên ghế niệm, duỗi chân duỗi tay, thanh thản trò chuyện.

Người Hoa ở rải rác trên khắp thế giới. Ở nơi nào họ cũng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cội nguồn cộng đồng. Họ xa rời tổ quốc nhưng không xa rời văn hóa Trung Hoa và thứ văn hóa này tạo nên những giá trị đạo đức, tinh thần, ảnh hưởng đến nếp sống, cung cách sinh hoạt của họ rất mạnh. Đấy chính là những tôn ty trật tự và là những giá trị cơ bản của cộng đồng người Hoa khi sống xa xứ. Lão già tâm sự. Nhìn về cố quốc chúng tôi luôn mang nặng nỗi nhớ thương hoài niệm, bởi nơi đấy là máu thịt nhiều đời tổ tiên chúng tôi đã sinh sống. Tuy có thể chúng tôi sống làm ăn thành đạt tại xứ người và dù là người Hoa thế hệ thứ ba, thứ tư rồi nhưng trong chúng tôi vẫn mang mặc cảm thân phận kẻ ăn nhờ ở đậu và luôn chịu sự kỳ thị, thậm chí thù ghét của người dân bản xứ, chính vì thế chúng tôi phải sống đoàn kết lại với nhau để tồn tại và vươn lên làm giàu bằng mọi giá.

Ông trùm gật gù, những điều lão già này nói chẳng sai chút nào. Chinatown – phố Tàu của người Hoa tại chợ An Đông qua chợ vải Soái Kình Lâm với các con đường Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông… một thời rộng lớn huy hoàng, tuy nay không còn được như xưa. Tại phố Tàu này hình thành những cộng đồng dân cư người Hoa rộng lớn và sống rất kỷ luật, có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau rất cao. Một đứa trẻ nguời Hoa được sinh ra tại bệnh viện của người Hoa, ăn học trong trường Hoa, lớn lên, dựng vợ gã chồng cùng người Hoa và làm ăn kinh doanh trong cộng đồng người Hoa, đi chùa Hoa, chữa bệnh bác sĩ Hoa, chết chôn trong những nhị tỳ của người Hoa, tất cả khá là khép kín. Ngay tại thành phố này thôi, có nhiều chuyện nghe như đùa, có những người phụ nữ Hoa sinh ra, lớn lên, lấy chồng sinh con rồi chết đi mà cả đời chưa từng một lần đi đâu ngoài khu vực quận 5. Người Hoa có mặt tại thành phố này rất sớm mà một số tên tuổi đã trở thành huyền thoại như chú Hỏa tức Hui Bon Hoa, Quách Đàm, chú Hỷ…

Thế nên Chinatown – phố Tàu vừa là biểu tượng của cộng đồng người Hoa chúng tôi sống xa quê hương nhưng luôn bị giằng xé giữa chuyện hội nhập với bản xứ và việc giữ gìn bản sắc văn hóa trong cộng đồng mình. Nghe lão trùm maphia già ngậm ngùi tâm sự, ông trùm ngạc nhiên nhìn lão. Lời lẽ của lão có vẻ là của một nhà nghiên cứu nhiều hơn là một tên maphia suốt đời chỉ biết đâm chém giết người, dường như hiểu điều đó, lão già cười khành khạch. Vì tôi là người Hoa đấy ông trùm à.

- Tôi biết các ông có những phố tàu nổi tiếng trên thế giới – Ông trùm góp chuyện – Chinatown tức phố Tàu tại Yokohama, Nhật Bản là một trong những phố Tàu lâu đời và lớn nhất thế giới. Quartie Chinois tức khu phố Tàu theo cách gọi của dân chủ Paris, Pháp với những người châu Á nhập cư tại quận 13. Rồi phố Tàu cạnh khu Soho ăn chơi nổi tiếng tại thủ đô London nước Anh và khu phố Tàu lớn nhất nước Mỹ chính là tại thành phố San Francisco mà ngày Chinese New Year’s Parade đã trở thành lễ hội mang tính truyền thống không thể thiếu được… Ngày nay phố Tàu của các ông trên thế giới được xem như là biểu tượng của quyền lực kinh tế với nước ở tại, chưa kể cả về chính trị nữa đấy.

May qua, hôm qua ông trùm có tiếp mấy gã bạn Việt về nước, trong đó có một người làm công tác nghiên cứu tình cờ ngồi cùng bàn với chuyện về nghe ông ta là dân nghiên cứu về văn hóa Hoa nên ông trùm mới nghe lõm được mấy thông tin này và quyết định đem ra “trộ” lão già người Hoa này chơi. Quả nhiên lão maphia già cứ gọi là há hốc mồm nhìn ông trùm, gật đầu lia lịa đầy vẻ thán phục.

- Thì ngày nay các ông cũng có những Little Sài Gòn đó thôi. Ngoài khu Little Sài Gòn tại quận Cam thuộc thành phố Westmister Nam California ra, nghe đâu cũng sắp có Little Sài Gòn tại quận Tender-loin thuộc San Francisco và hy vọng sẽ còn nhiều Little Sài Gòn nữa. Người Việt các ông cũng chịu khó lao động làm ăn cần cù đâu thua gì chúng tôi. Cứ thử nhìn lại thành phố Westmister trước 1975 thì biết, nó chỉ là một thành phố bỏ hoang. Ngày nay Little Sài Gòn đã trở thành một khu du lịch lớn với trung tâm mua bán khổng lồ tại đại lộ Bolsa và đang còn sắp lấn sang Sacramento nữa đấy.

Một kiểu khen lại lấy lòng chăng, ông trùm mỉm cười.

- Trên 50 triệu người Hoa chúng tôi xa xứ đa số đều có tinh thần cần cù say mê trong làm ăn. Chúng tôi hình thành những mạng lưới kinh doanh không tên riêng, hình dạng và đây là những loại công ty gia đình được quản lý bởi người sáng lập, tạo thành những cộng đồng người Hoa chặt chẽ gồm những người Hoa chặt chẽ gồm những người cùng chung ngôn ngữ, cùng nếp sống văn hóa tinh thần. Cần cù làm việc liên tục hỏi và có niềm tin không lay chuyển trong kinh doanh với những ràng buộc về huyết thống hoặc của cộng đồng… Trong quan hệ kinh doanh chúng tôi thường nhấn mạnh đến niềm tin, chữ tín chứ không hẳn là những hợp đồng kinh tế ký kết mà còn là các trật tự có từ hàng ngàn năm theo cách hành xử mang tính truyền thống. Điều này đã tạo cho chúng tôi nhiều lợi thế trong kinh doanh, cho việc độc quyền kiểm soát, tập trung và điều hòa vốn. Ông trùm cười, nhiều nước châu Á đã có bài học về sức mạnh huyền bí khó kiểm soát nổi đối với những tập đoàn người Hoa các ông một khi nó muốn lũng đoạn thị trường. Bởi chính những sức mạnh này tạo thành các mạng lưới vô hình trong đó luật pháp chỉ có ý nghĩa vô cùng mờ nhạt. Tôi nhớ không nhầm thì miền Nam Việt Nam trước 1975 là tên tuổi của những ông trùm Hoa kiều như Lý Long Thân, Lâm Lê Hồ, Mã Tuyên… một thời làm mưa làm gió trên thương trường Sài Gòn mà chính quyền cũ dù biết nhưng đành bó tay, là một bài học nhãn tiền ai cũng thấy. Lão già người Hoa gật đầu lia lịa khi nghe ông trùm nhận xét.

- Nhờ vậy các băng đảng người Hoa như Tam Hoàng, Thanh Y bang…

- Không… không… - Lão già người Hoa xua tay – Đừng ví chúng tôi với những Hắc bang maphia in Asia đó. Chúng tôi khác vì hoạt động theo tinh thần yêu nước của chủ nghĩa Tam Dân.

Lão già đứng dậy, sửa lại quần áo thẳng thớn, với nết mặt nghiêm trang có phần thành kính, trịnh trọng dẫn ông trùm vào nhà trong giới thiệu. Thái độ bất thường của lão làm ông trùm ngạc nhiên, quen biết nhiều năm rồi nhưng chưa bao giờ lão chịu giới thiệu cụ thể hơn cho ông trùm về băng đảng của lão. Thật ra ông trùm cũng không nhu cầu, cứ gọi là một băng maphia người Hoa là được rồi. Ông trùm quan niệm nó cũng như Hội Tam Hoàng, Tam Điểm, Thanh Y bang.. gì đó, và quan trọng là hợp tác đôi bên cùng có lợi là được, ngoài ra lão cũng chẳng thèm mất công tìm hiểu những hoạt động của nó làm gì cho phiền phức. Tôn trọng quy luật giang hồ không xía vào công việc nội bộ của nhau, đấy là nguyên tắc.