Ở thành thị hay ở thôn quê mỗi chỗ có một thứ vui riêng. Trong chốn thôn quê, hễ mùa mưa vừa dứt, mùa nắng tới rồi, thì cảnh vật trông ra vui vẻ lạ lùng, vui mà khỏi lo xẹp túi hao tiền, vui mà khỏi sợ xa hoa trụy lạc.
Thú vui là thú vui được tiếp xúc với cảnh đời thiệt thà, thơ thới, giản dị, ôn hòa của đám nông phu, vui được cảm thấy cách buồn lo, cách bực tức, cách hối hận, cách thẹn thùa, cách yêu gia đình, cách quí danh dự của hạng bình dân gái trai già trẻ. Phải gần gũi đặng thấy rõ bề cư xử của người sống giữa đồng bái, mới thấu hiểu cá tánh và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Vậy ai muốn tìm hiểu thế thái nhân tình thì nên nới ra khỏi chốn thị thành, mới biết thú vui đáng mến, mới thấy sự thật đáng hiểu.
Nếu các bạn không tin lời của chúng tôi, thì chúng tôi mời các bạn đi chơi với chúng tôi vài bữa. Chẳng cần phải lội lặn đi đâu cho xa. Chúng ta đi xuống vùng Cần Giuộc cách Saigon vài chục cây số ngàn mà thôi. Chúng ta chung sống với nông gia một thời gian, thì cũng đủ cho chúng ta hài lòng và sáng trí.
Đây chúng tôi dỡ hé thử một góc bức màn đen tối che đậy cuộc sanh sống thôn quê, dỡ hé cho các bạn liếc mắt sơ qua mà nhìn xem ít gia đình nông dân, xem vài nhà có cơm tiền với vài nhà thường thiếu hụt, xem người thiệt thà chơn chất chớ không phải dại khờ, còn tham lam thiệt cũng dám hung hăng ngang ngược vậy.
Năm nầy cũng như các năm khác. Bước qua đầu tháng 11 thì buổi chiều gió chướng thổi lai rai, còn đêm khuya gió bấc phất man mác.
Trong vườn quýt, cam đều đơm trái, bầu, mướp đua trổ bông, dưới bầu trời xanh xanh với vài cụm mây trong trắng trắng.
Còn ngoài đồng thì rải rác có người đứng theo mấy bờ ruộng mà câu cá, đầu đội nón lá, mình mặc quần áo sơ sài, đứng châm bẩm, dầu rê cá lóc hay là nhử cá rô, cũng bền chí đứng cả buổi, không sợ nắng, không biết mỏi.
Giữa cánh đồng minh mông, gần hay xa đâu đâu cũng là lúa, mấy chú câu nầy giúp tạo ra một bức tranh đẹp đẽ, hữu cảnh, hữu nhơn, lại có mấy xóm dạng dạng[1] phía trong xa, với rặng cây trâm bầu áng trước mấy cái nhà sùm sụp.
Đồng im lìm, bằng phẳng, mấy đám lúa sớm đã chín rồi nên phơi màu vàng, hứa hẹn áo quần Tết cho con, vợ. Mấy đám lúa lỡ, bông trổ đã gần đều nên khoe màu xám xám, sắp giúp tiền để sắm lễ vật mà cúng quải trong ba ngày xuân. Còn những đám lúa xanh dờn, chỗ thì bụi đương nở, chỗ thì đã ngậm đòng đòng, cả thảy đều chung giúp cho nông gia thanh toán chi phí hoặc nợ nần nuôi sống gia đình quanh năm, mà còn dư để giúp cho tô điểm cửa nhà, hoặc để dự phòng tốn hao bất trắc.
Trong vùng Cần Giuộc cũng như các vùng xa xôi khác, đến lúc nầy nhơn dân giàu hay nghèo, thảy đều hân hoan thơ thới, quên hết các cực nhọc đã qua để vui rước sung sướng sắp tới, bởi vậy già trẻ đều lăng xăng rộn rực, người đi thăm lúa, kẻ lo trồng rau, mong ước lúa bán được giá cao, hàng mua được giá thấp, đặng ngày Tết vui say chơi ít bữa mà chào năm mới bình an mạnh giỏi.
Từ trong vườn trong rẫy ra ngoài ruộng ngoài sông, chỗ nào cũng thấy cuộc sanh hoạt mạnh mẽ của con nhà nông. Ấy là triệu chứng tâm hồn vững vàng cứng cõi của dân tộc Việt Nam cương quyết sanh tồn, không kể cuộc đời đổi xây không sợ tai họa hăm dọa.
Ở trên Chợ Lớn đi xuống Cần Giuộc, khi gần tới dốc cầu đúc bắt để qua chợ, nếu các bạn lưu ý thì tự nhiên các bạn sẽ thấy bên phía tay mặt có một thớt vườn xum xê, nằm cách công lộ chừng một trăm thước. Từ mé lộ vô tới vườn có một bờ đắp rộng lớn cao ráo, xe ngựa xe hơi vô ra dễ dàng. Bờ phóng ngang qua đám ruộng, hai bên không có trồng cây cối chi hết, đầu trong đi ngay vô giữa vườn, không có cửa ngõ, nhưng phía nầy mỗi bên có trồng một hàng cây bông bụp để làm hàng rào. Dài theo rào đó thì trồng cây sua đũa, đến mùa nầy nó trổ bông trắng nõn xem cũng vui vui.
Qua khỏi rào rồi thì tới một cái sân rộng lớn, bỏ trống để mùa gặt chất lúa bó mà đập, còn một bên thì có một cái chuồng lợp lá dừa để nhốt trâu.
Sau cái sân nầy thì có một tòa nhà nhỏ, ngói ba căn hai chái, nền đúc, cửa cuốn, cất theo kiểu xưa. Phía sau nữa mới có nhà bếp, vựa lúa, chuồng heo, chuồng gà, chuồng vịt, rồi thì tới vườn có cau, trầu, dừa, chuối trồng chen nhau lộn xộn.
Hỏi ra mới biết cuộc nhà nầy là cuộc của bà Xã Cầm ở. Xóm nầy gồm hơn một chục nóc gia, chớ không phải bà Xã Cầm ở riêng một mình. Vì bà ở đầu ngoài, lại có vườn áng khuất, các nhà khác ở dọc theo mé rạch Cần Giuộc, nhằm phía sau vườn của bà, bởi vậy đi ngoài công lộ ngó vô không thấy được. Cả xóm ai cũng là tá điền và bà con xa xa với chồng bà hết.
Tưởng nên nói phứt cho các bạn hiểu bà Xã Cầm nầy là ai.
Bà Xã Cầm là một bà sương phụ năm nay đã 60 tuổi, đầu tóc bạc hoa râm, răng rụng hết vài cái, nhưng sức khỏe bà vẫn còn đầy đủ. Thuở nay bà ở với tá điền, tá thổ có, nhơn ở với bà con bên chồng có nghĩa, bởi vậy trong làng trong xóm, từ già chí trẻ, ai cũng kính mến bà. Mà cả vùng nầy từ cầu Ông Thình xuống Cần Giuộc, Mồng Gà, Chợ Trạm, Cần Đước, qua tới Rạch Đào, Rạch Kiến, ai nghe tên bà cũng đều kính nể.
Người ta nói quả quyết rằng không phải tại bà giàu có, nên bà được thiên hạ kính nể -- Bà là một sương phụ, chồng bà hồi sanh tiền chỉ mới làm chức Xã trưởng mà thôi, chớ không có oai quyền gì. Hiện thời bà có nhà cửa ruộng đất, nhưng bình thường mỗi năm bà thâu góp huê lợi lối hai ngàn rưỡi thùng lúa; bà phải mua trâu mướn bạn làm dây ruộng trước nhà nên số lúa của bà mới lên được ba ngàn thùng. Ấy vậy bà là người có cơm tiền, chớ không phải là người giàu lớn, nên thiên hạ kiêng sợ. Sở dĩ người ta kính nể, ngợi khen bà chỉ vì bà là người ham nhơn nghĩa, biết lễ giáo, bà biết thương nhà nghèo, bà ở phải với bà con làng xóm, bà sẵn lòng cứu giúp những người bị tai nạn, nhứt là bà biết thủ tiết với chồng, chồng chết hồi bà 26 tuổi mà bà ở góa nuôi con, ở góa trót 40 năm trường, không có tiếng tăm chi hết, cái hạnh đó mới thiệt là qúy.
Tại như vậy nên ở vùng Cần Giuộc, ai nghe nói đến tên bà Xã Cầm thì cũng cho là bà là “người hiền đức”. Bà được thiên hạ tặng cho cái danh tốt như vậy thiệt là qúy. Có nhiều bà, chồng làm đến chức Hương Cả, có huê lợi hàng năm bằng mười số lúa của bà, mà nào có được ai khen ngợi qúy trọng như bà vậy đâu.
Bà Xã Cầm được như vậy là vì bà sanh trưởng trong nhà nho học ở bên Rạch Đào. Ông thân sanh của bà hồi trước học thức rộng, làm thuốc hay, ông dạy dỗ bà trong khuôn khổ nho giáo.
Nhũ danh của bà Lê Thị Nữ. Khi bà được 20 tuổi, cha mẹ gả bà cho Nguyễn Văn Cầm, con trai của một ông Hương sư có cơm tiền ở bên Cần Giuộc.
Về nhà chồng, nhờ có nho phong của cha ung đúc, nên bà giữ trọn phận làm dâu thảo làm vợ hiền. Chẳng may làm dâu mới được một năm thì cha mẹ chồng lần lượt chết hết. Vì chồng bà là con một trong gia đình, bởi vậy bà tận tâm giúp chồng cư tang trúng đạo, cúng tế đủ lễ.
Đến năm bà 23 tuổi, bà mới sanh được đứa con trai. Vợ chồng vui mừng lựa tên Nguyễn Văn Đường mà đặt cho con.
Cha mẹ để lại một cuộc nhà với vài chục mẫu ruộng. Cầm tính lo làm ruộng đặng nối nghiệp của mẹ cha.
Cầm cày cấy 4 mẫu đất chung quanh nhà, còn 16 mẫu xa thì chia cho tá điền mướn. Trong nhà nhờ có vợ lo bề nội trợ, Cầm làm trong ít năm thì số lúa đã được thêm nhiều.
Làng thấy Cầm có cơm tiền, lại tánh tình thuần hậu, mới ép cử làm Xã trưởng. Không thể từ chối được. Cầm phải ép lòng lãnh chức mà giúp việc làng. Nào dè làm xã trưởng chưa được một năm, Cầm nhuốm bịnh rồi chết, bỏ lại người vợ góa 26 tuổi với đứa con côi cút mới 3 tuổi.
Thím Xã Cầm chồng chết mà thím còn trẻ quá, sắc đẹp mới nở nên hình dáng yêu kiều, nho phong dồi mài nên tánh tình thuần hậu; đã vậy mà thím còn làm chủ một sự nghiệp khả ái, một năm có sẵn lúa ngàn. Ấy là một miếng mồi ngon, mà treo nhem nhẻm cho bợm tham tài với khách háo sắc gần xa, bởi vậy thiếu chi kẻ lân la hoặc dòm ngó.
Thím xã ta lại không quan niệm cảnh đời sống tương lai của thím như ý thiên hạ tưởng tượng. Thím nhận thấy trời đất từ đây phú cho thím ba nhiệm vụ, ấy đều cao thượng cả ba.
Thứ nhứt: thủ tiết với chồng mà thờ chồng và thay thế cho chồng mà phụng sự mẹ cha ông bà bên chồng
Thứ nhì: nuôi dạy đứa con thơ ngây đặng chừng khôn lớn nó đủ trí mà nối nghiệp cho tông môn
Thứ ba: giữ gìn tài sản của ông cha lưu hạ, đặng ngày sau giao lại cho con, nếu bành trướng thêm được thì càng tốt; còn như không được thì cũng phải giữ cho y nguyên, không phép làm hao mòn mẻ sứt.
Đã biết gánh thì nặng, đường thì xa, nhưng thím xã ta cương quyết vừa xách, vừa bưng, thím để cả ba gánh lên vai rồi mạnh mẽ bước vào đường đời, ngó ngay trước mặt mà đi tới, không kể yến anh nhảy nhót trên rào hoặc hát ca ngoài ngõ.
Hễ nói sao thì làm vậy, dầu mệt cũng không thối chí, dầu buồn cũng không thở than. Trót mấy năm thím Xã tiếp tục cày cấy ruộng gần và cho mướn ruộng xa, cũng như hồi chồng còn sống. Thím chăm nom thờ phụng cúng quẩy chồng và ông bà cha mẹ bên chồng hẳn hoi. Thím cậy người trong xóm dạy con tập đọc tập viết, hễ rãnh thì thím dạy con điều nên lẽ hư cho con nghe, chỉ tánh tốt tật xấu cho con thấy, cố tâm ung đúc cho con trở nên người đứng đắn, mà cũng mong gây đời hạnh phúc sẵn cho con an hưởng.
Khi bé Đường được 8 tuổi, thím cho qua trường Cần Giuộc học. Thím kiểm điểm công lao của thím lại, thì thím nhận thấy cả ba nhiệm vụ thím đều làm được vuông tròn. Số huê lợi cho mướn ruộng với số lúa làm ra thím dành dụm được một số tiền khá lớn. Thím tu bổ nhà cửa cho chắc chắn, dọn dẹp vườn sân cho sạch sẽ, mà thím còn mua thêm được một sở ruộng 10 mẫu trong mé Rạch Mồng Gà. Công phu được kết quả tốt đẹp như vậy càng nung chí cho thím đi tới hoài. Bành trướng thêm sự nghiệp cho con và xây dựng nền hạnh phúc để con hưởng, đó là hai mục tiêu của thím, không bao giờ thím quên cho được.
Vốn con nhà có giáo dục, bé Đường biết kính mến cha mẹ, biết qúy trọng tông môn. Lớn lên chàng thấy trong gia đình có một mình bà mẹ còn mà săn sóc dạy dỗ chàng mà thôi, chớ ông cha đã quá vãng hết, bởi vậy chàng đặt tất cả tình thân yêu vào bà mẹ, phải mẹ vui thì chàng mới vui, chớ mẹ buồn thì chàng không vui được. Nghe mẹ dặn phải ân cần học tập để lập thân thì chàng đi học chàng chăm chú, học siêng năng đặng làm cho vui lòng mẹ. Với ý trí ấy tự nhiên chàng học mau tinh tấn, được mẹ với thầy rất vui lòng, mà cũng được chúng bạn đều yêu mến.
Năm lên 13 tuổi, Đường thi đậu bằng tiểu học. Thím Xã Cầm thầm nghĩ chàng còn nhỏ quá, để ở nhà không ích gì. Hơn nữa muốn làm người thông thạo cần phải mở rộng vòng nghe thấy, nhứt là cần phải tiếp xúc với đời cho biết hay dở dại khôn, bởi vậy thím đem Đường lên Saigon, gởi ở nhà một người quen đặng chàng học tiếp trong một trường tư thục cho ngày sau khỏi quê mùa nhút nhát.
Đường học được 4 năm. Mà năm sau chàng cứ bịnh hoài, học không tấn phát. Thím Xã lên đem con đến bác sĩ khám sức khỏe. Bác sĩ nói Đường phổi với tim đều không tốt. Ông khuyên kiếm chỗ có cảnh thanh tịnh, có gió mát mẻ cho Đường ở tốt hơn là ở Saigon.
Thím Xã nghĩ vì trong họ Nguyễn của Đường không trường thọ, lại ít con ít cháu, bây giờ chỉ còn có một mình Đường xơ rơ đó mà thôi. Vậy điều cần thiết là phải duy trì sức khỏe cho con, chớ học cho nhiều rồi mang bịnh mà phải chết sớm thì càng thêm hại. Huống chi giá trị của con người do nơi tâm chí của đức hạnh, chớ không phải nhờ học thức rộng, với địa vị cao. Nhà đã có sẵn cơm tiền, Đường chẳng cần phải làm thầy hay làm ông đặng lãnh lương mà nuôi sống.
Ở nhà lo tiếp dưỡng sức khỏe, chừng lớn khôn thì cưới vợ mà lập gia đình, rồi cư xử cho đúng đắn, trong nhà lo phụng tự ông bà, giữ sự nghiệp của tổ tiên, kính bà mẹ, yêu vợ con, ra đường biết hòa nhã với mọi người, biết tuân hành pháp luật, làm được bao nhiêu đó, tuy không cao sang, song cũng khỏi ai chê cười mà hổ thẹn.
Nghĩ như vậy thím Xã mới xin con thôi học, rồi rước con trở về nhà mà hoạn dưỡng, tổ chức bề ăn ở cho con thong thả thảnh thơi, khuyên con mua sách mua báo đặng đọc để giải khuây, sớm mơi với chiều mát xúi con ra ruộng mà hứng thanh khí.
Sống giữa cảnh im lìm mát mẻ trong chốn thôn quê. Đường phục sức khỏe lần lần. Bây giờ đã được 17 tuổi rồi, lại có lìa nhà xa mẹ lên Sai gon ở học mấy năm, chàng đã được thấy thói đời với tình người chút đỉnh. Về nhà hễ trời mát thì chàng hoặc vác cần câu đi câu cá, hoặc thả bước qua chợ dạo chơi.
Trưa nắng và đêm tối thì chàng nằm đọc sách. Mọi việc trong nhà cho tới việc ruộng nương và vườn tược thì mẹ đều dành lo lắng hết, lại còn chăm nom từng miếng ăn giấc ngủ cho chàng nữa.
Không có cha, từ nhỏ Đường chỉ được bà mẹ tưng tiu nựng nịu mà thôi. Thuở nay Đường yêu mẹ thiệt, nhưng yêu vì mẹ dỗ ngủ, mẹ đút cơm, mẹ ẳm bồng, mẹ tắm rửa, yêu vì gần gũi mẹ đêm ngày, nên thành thói quen mà yêu, tình yêu ấy chưa có ý nghĩa sâu xa cao cả.
Hôm nay đã có trí suy xét, đã biết công ơn bà mẹ mang nặng đẻ đau, dạy đủ điều, nuôi dạy không biết mỏi. Đường mới cảm thấy công ơn nghĩa của mẹ chất ngất như non cao, minh mông như biển rộng. Tình mẹ thương con không có ranh giới, tận tụy với con không kể ngày đêm. Trước cảnh tình của bà mẹ như vậy, phận làm con phải lo đền đáp, dầu hiểm nguy hay cực nhọc cho mấy đi nữa cũng không được phép thối thoát hay lãng lơ.
Từ đây Đường mới lập tâm quyết chí thảo thuận với mẹ, chăm nom làm cho mẹ vui luôn luôn, không để cho mẹ lo, không nên trái ý mẹ. Trên mẹ vui tận tụy, dưới con quyết phục tùng; mẹ con chung sống với mỗi người một tinh thần như vậy, thì làm sao mà không êm ấm khắn khít được.
Gia đình của thím Xã Cầm trải qua chuỗi ngày thân yêu lai láng, ân nghĩa tràn trề, không cần ham giàu mà tự nhiên cũng có ruộng thêm nữa.
Ông thân của thím ở bên Rạch Đào qua đời, có để lại vài chục mẫu ruộng. Anh em chia phần cho thím được 4 mẫu.
Ở bên nầy số lúa thím thâu góp hơn mười năm nay, thâu nhiều mà xài ít, bởi vậy bạc tiền dành dụm hóa thành một số to. Nhơn dịp người ta bán một sở ruộng 25 mẫu gần Chợ Trạm, biết ruộng rẻ, thím xuất tiền mà mua thêm, thành ra ngày chồng chết để lại cho thím 20 mẫu ruộng mà trong 14 năm thím gầy ra tới 60 mẫu để cho con.
Bây giờ có ruộng nhiều, lại có ruộng xa nữa. Đường phải phụ giúp với mẹ trong công việc cho mướn ruộng. Đường lãnh phần coi lập tờ tá, và đi thăm chừng mấy sở ruộng xa. Chàng mua một chiếc xe máy để đi cho tiện, sợ sắm xe ngựa còn phải tốn tiền mướn một đứa bạn ở giữ ngựa.
Thím Xã thấy con biết tính lợi hại từng chút như vậy thì thím cười. Từ khi con thôi học về ở nhà thì cái mộng làm sui đã bắt đầu phưởng phất trong trí thím. Tuy chưa nói ra, song thím đã lóng nghe coi nhà nào có con gái xứng đôi vừa lứa với Đường đặng thím dọ dẫm tánh nết, nếu được thì thím bàn với con mà đi xem tướng mạo rồi cậy mai mối xin cầu thân. Vì phận góa bụa đơn chiếc, thiệt thím muốn làm sui trong làng dễ hơn là làm sui xa xuôi.
Thím cũng không có ý muốn kén chỗ giàu sang, nghĩ vì mẹ con thím lo an phận thủ thường, không háo danh trục lợi mà cần phải kiếm chỗ cao sang cho con nương dựa. Thím chỉ muốn sui gia thuộc nhà hiền đức, nàng dâu có nết na, biết trọng lễ nghĩa, biết qúy tiết hạnh mà thôi. Giàu hay nghèo đều do mạng ở trời, mà con thím đã có cơm tiền đủ sống thong thả mãn đời, không cần phải mong mỏi cậy nhờ gia tài của vợ làm chi nữa.
Trong cuộc làm sui, thím Xã Cầm nêu ra mấy điều kiện dễ lắm, mà xét lại thì khó vô cùng, những người ở gần nếu phải chỗ làm sui thì họ không có con gái, hoặc có con mà con họ không gặp tuổi hay là kém đức hạnh. Đời nào chỗ nào cũng vậy, dễ gì mà kiếm được một nhà gồm vừa cha mẹ ăn ở hiền lương vừa con gái biết trọng tiết hạnh.
Tại cái khó đó mà trót hai năm nay thím Xã không đành bụng chỗ nào hết. Cùng thế rồi thím mới muốn dóng ý con, coi nó có cảm tình với gái nào không rồi thím sẽ liệu định.
Một hôm, mẹ con ngồi nói chuyện thím Xã bèn nói với con:
- Năm nay, con đã 19 tuổi rồi, còn vài tháng bước qua hai mươi tuổi. Đến tuổi nầy lo vợ cho con cũng vừa. Xưa rày, má có ý hỏi coi có ai xứng với con hay không. Người ta có chỉ vài chỗ mà má không ưng bụng.
- Má tính cưới vợ cho con làm chi gấp vậy má?
- Ba con không còn. Má chỉ có một mình con, chớ không phải nhiều đứa. Má lo cưới dâu để may nó sanh con mà nối nghiệp tông môn. Đó là một nhiệm vụ cần thiết của má, bởi vậy con lớn rồi má phải tính chớ sao con.
- Ạ, má lo cho con có người nối nghiệp tông môn theo ý đó thì con không dám cãi lại má. Nhưng riêng về phần con thì con ở trong nhà hủ hỉ với má cũng đủ vui chẳng cần phải cưới vợ. Con có vợ, biết nó có hiệp ý với mẹ con mình hay không. Nếu nó nghịch thì trong nhà hết đầm ấm nữa.
- Thì má kiếm chỗ hiền đức mà cưới cho con, chớ cưới gái thất giáo làm chi mà sợ nó nghịch. Má hỏi thiệt con, thuở nay con cảm tình với một cô gái nào hay không?
- Thưa, không có. Con chưa hề để ý đến việc vợ chồng.
- Lớn rồi, con phải để ý chớ, “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ”. Vợ chồng là mối đạo đầu tiên của người quân tử. Phải có vợ chồng mới tạo ra cha con, anh em, tôi chúa được.
- Con thưa thiệt với má, công ơn má nuôi dạy con nặng nề quá. Con chưa đền đáp được chút nào, con muốn để tất cả lòng kính yêu của con cho má. Nếu con có vợ thì con phải chia sớt sự kính yêu đó cho vợ với cha mẹ vợ, là người chưa có ơn nghĩa gì với con hết. Tại như vậy nên con không tính tới việc cưới vợ.
- Con nghĩ như vậy sao phải. Trong sự kính yêu, ai có phần nấy, chớ đâu phải có vợ rồi con mắc yêu vợ, con hết yêu má, hay là con chắc kính cha mẹ vợ, con hết kính má. Đã biết vợ chồng là người dưng, thuở nay không quen biết nhau, nên chưa có cảm tình cảm nghĩa chi hết. Nhưng ai cũng vậy, hễ cưới vợ rồi, vợ chồng chung sống với nhau trong một nhà, lần lần gây cảm tình, rồi có cực chung lo với nhau, còn gây thêm cảm nghĩa nữa.
Lâu ngày chầy tháng, tình nghĩa nặng dầy, vợ chồng mới ở đời với nhau, tạo ra gia đình, sanh con đẻ cháu mà nối nghiệp cho tổ tiên. Để má nói lại cho con hiểu. Ngày cha con mất con mới được có 3 tuổi, còn má 26 tuổi. Cha con để lại cho má ba nhiệm vụ hết sức nặng nề -- một là thay thế cho cha con mà phụng tự cha mẹ ông bà, hai là nuôi dạy con và tạo hạnh phúc cho con an vui trong đời sống của con, ba là giữ sự nghiệp để truyền lại cho con hưởng.
Về nhiệm vụ thứ ba má làm vuông tròn, má còn làm lớn thêm gấp ba lần hồi trước. Về nhiệm vụ thứ nhứt còn tam nham chưa dứt khoát, con phải cưới vợ sanh con đặng tiếp theo mà phụng sự ông bà, nối nghiệp cho cha, má có sống hoài được đâu mà làm việc đó. Còn nhiệm vụ thứ nhì nữa, phải cưới vợ đặng gây hạnh phúc cho con trước khi má chết chớ.
- Nếu con phải cưới vợ cho má trọn nghĩa với cha, thì dầu muốn dầu không, con phải chịu, con không dám thất thoát. Má biết người, biết đời hơn con, vậy má coi chỗ nào nên, hễ má chịu thì con chịu, con không kén chọn chi hết.
- Con nói như vậy thì để thủng thẳng má liệu. Dầu thế nào má cũng phải lựa nhà hiền đức mới chịu làm sui.
Cách ít ngày có một người bà con với thím Xã Cầm qua chợ Cần Giuộc có việc riêng. Người ấy ở bên Rạch Đào, là chỗ tổ phụ của thím, nhơn dịp mới ghé thăm thím. Thím tỏ ý muốn kiếm chỗ làm sui. Người ấy mới chỉ ông Hội Đồng Mai ở trên Rạch Kiến, mà nói hai vợ chồng ông hội đồng lối năm mươi tuổi, vẫn là người hiền đức, có nhà cửa tử tế với mười mấy mẫu ruộng, chớ không phải giàu lớn, song có ba người con, một trai hai gái. Người gái lớn có chồng làm việc trên Saigon. Người trai kế đó có vợ rồi cũng làm việc trên Saigon. Bây giờ còn người con gái út, tên Trần Thị Oanh, lối 18 - 19 tuổi, theo chị ở học mấy năm. Từ hồi năm ngoái mới đem về nhà học nữ công và hủ hỉ với cha mẹ.
Thím Xã nghe như vậy có ý mừng, mới cậy người bà con đó dò hỏi, đặng làm mai cưới cô Oanh cho Đường, nghĩ vì hai trẻ tuổi xê xích với nhau, lại sui gia coi cũng xứng. Người bà con về nhà rồi bữa sau lên Rạch Kiến nói chuyện làm mai. Hai vợ chồng hội đồng Mai bằng lòng cho thím Xã Cầm đến coi cô Oanh.
Thím Xã Cầm thấy bề ăn ở của ông hội đồng Mai thì thím vừa ý; hỏi thăm người ta thì người ta nói nhà đó không giàu nhưng hiền đức. Lại cô Oanh nhỏ hơn Đường một tuổi và tướng mạo không có chỗ nào chê được. Thím Xã Cầm về nhà hỏi ý con, thì Đường nói mẹ liệu định thể nào tự ý mẹ, chớ chàng không chê khen chi hết. Thím Xã Cầm mới cậy người bà con làm mai mối dùm, và nhắn vợ chồng ông hội đồng qua nhà chơi cho biết. Không hiểu đàng gái bàn tính với con lẽ nào mà hơn một tháng mới trả lời với ông mai chịu qua coi nhà đàng trai. Ông mai mướn xe rước vợ chồng ông hội đồng quan nhà Thím Xã Cầm ở ăn một bữa cơm, rồi về chịu gả con.
Tháng 11 năm đó cho đi lễ hỏi, rồi qua tháng 2 năm sau, Đường được 20 tuổi rồi thì cho làm lễ cưới. Nhà sẵn cơm tiền dư dả, lại có một đứa con mà thôi, thím Xã Cầm làm đám cưới hẳn hòi, nhóm họ đãi đằng linh đình, sắm lễ vật với nữ trang đủ hết, lại mướn xe hơi đi rước dâu rần rần.
Đám cưới xong rồi, khách về hết, đã dọn dẹp lại yên nơi, thím Xã Cầm lộ sắc mặc vui mừng, bà con chòm xóm cũng đều ngó thấy.
Đường thấy mẹ vui chàng cũng vui. Nhưng vợ chồng ăn ở với nhau được một tháng, chàng nhận thấy tánh ý của vợ chàng không giống tánh ý của chàng chút nào hết. Chàng thì giản dị, ôn hòa không se sua, ưa an tịnh; còn cô Oanh thì câu mâu, nóng nảy, ưa lòe lẹt, thích ở Saigon đặng vui chơi.
Trong mấy tháng sau, cô lại than ở chốn thôn quê buồn bực cô chịu không được. Cô xúi chàng lên Saigon, kiếm việc xin đi làm. Chàng nói nhà có hai mẹ con, không thể nào chàng bỏ mẹ mà đi ở chỗ khác được. Ở đâu cũng vậy hễ mẹ vui thì chàng vui, chớ chàng không được phép tìm vui riêng mà bỏ mẹ hiu quạnh. Ngôn ngữ của chàng thiệt thà mà rõ ràng dễ hiểu, thế mà cô không quen nghe, nên cô không thấu ý nghĩa rồi cô buồn, cứ lửng lơ như người thất vọng.
Lâu lâu, Đường cảm thấy tánh tình của vợ chồng chàng khác nhau như trắng với đen, thà lìa nhau ai đi đường nấy, họa may mới gặp hạnh phúc được mà hưởng, chớ chung chạ hoài thì cả hai đều thảm sầu đau khổ, không vui sướng gì.
Nhiều khi vợ đi về Rạch Kiến thăm cha mẹ ít bữa, Đường muốn bày tỏ nỗi lòng của chàng cho mẹ nghe. Ngặt vì chàng cứ thấy mẹ vui mừng cưới được vợ tử tế cho con, mẹ cưng dâu, khoe dâu, nói chuyện với bà con chòm xóm mẹ không ngớt hãnh diện ngợi khen dâu là con nhà hiền đức, chàng sợ nói ra, rồi mẹ buồn, mẹ lo chớ không ích gì, bởi vậy chàng phải ngậm miệng cắn răng mà chịu.
Cô Oanh dòm thấy mẹ chồng tưng tiu qúy trọng, còn chồng thì nhịn nhục chìu lòn, cô lên nước lấn tới hiếp chồng; cô đi Saigon thường hoài, hễ muốn đi thì thưa cho mẹ chồng hay nói đi thăm chị, thăm anh rồi cô đi, không kể tới chồng, có khi cô đi vắng tới năm bảy bữa.
Có chồng được năm sáu năm cô Oanh đã quen thói khinh rẻ chồng, rồi cô lại còn sanh tánh ghen tuông hỗn ẩu với chồng nữa. Đường buồn quá chịu hết nổi, nên một đêm vợ đi Saigon, chàng ở nhà thở than với mẹ, sợ gia đạo không yên.
Thím Xã Cầm bây giờ đã gần 50 tuổi rồi, lại làm sui với ông hội đồng, bởi vậy làng xóm gọi là bà Xã chớ không kêu bằng thím như hồi nhỏ vậy nữa.
Bà Xã Cầm nghe con than phiền bà mới an ủi, khuyên con đừng buồn. Bà nói Oanh còn nhỏ tự nhiên hay nhớ anh nhớ chị, nhớ mẹ nhớ cha, ham ăn mặc lòa loẹt, ưa xem hát và dự cuộc vui, đợi trong ít năm nó sanh con, nó ham con nó thuần nết rồi nó ôn hòa cũng như người khác.
Đường nghe mẹ nói như vậy, chàng nhớ mẹ dạy con trai, cưới vợ chủ ý sanh con để nối nghiệp cho tổ tiên, chớ không có mục đích nào khác. Chàng không dám cãi với mẹ sợ mẹ lo buồn nên không dám nói nhiều nữa. Từ đây chàng quyết cầm lòng chịu khổ để cho mẹ khỏi buồn. Mà chàng cũng xem vợ ở trong nhà như cái cối xay lúa, hay là cái cối giã gạo, nên vợ muốn đi chỗ nào, muốn làm việc chi thì chàng cũng không thèm để ý đến. Chàng cố tâm làm cho mẹ vui lòng mà thôi. Chàng kể vợ như cái máy để đúc con, vì mẹ, vì tông môn, nên chàng phải lau chùi săn sóc cái máy vậy thôi, dầu máy có trục trặc làm cho chàng phải nhọc lòng, chàng cũng phải ráng mà chịu, không cần than thở nữa.
Té ra Đường ăn ở với vợ trót 19 năm, chàng phải chịu đau lòng, bực trí không biết bao nhiêu mà kể; mấy năm sau chàng đau khổ quá đến sanh bịnh, rồi mới 39 tuổi mà chàng chết, không để lại cho mẹ già một đứa cháu nội nào hết, mà trong khoảng đời sống đó, chàng cũng không được nếm tình sâu nghĩa nặng của đạo vợ chồng chút nào hết!
Thảm thay!... Tội nghiệp quá...
Tội nghiệp cho một góa phụ còn trẻ tuổi mà biết noi theo phong hóa cổ truyền, chồng chết lo thủ tiết dạy con và kế nghiệp cho tông môn, nhưng vì thiếu sáng suốt và thiếu kinh nghiệm về đường đời nên nhiệm vụ không được vuông tròn.
Cũng tội nghiệp cho một nam nhi biết nâng cao nghĩa hiếu đạo, đáo đáo thờ cha kính mẹ, ăn ở thủ phận hiền lành, nhưng vì không biết tự trọng, không dám cương quyết, nên đời sống vợ chồng không có đủ điều kiện mà xây nên hạnh phúc lại để cho hư hỏng.
Mà thật nhiều khi họa là ngòi của phước. Vậy để xem coi bà Xã Cầm có biết đi sai đường mà hối ngộ hay không, rồi bà liệu lẽ nào mà chuyển họa với phước.
Buổi chiều đó, ăn cơm sớm rồi, bà Xã Cầm biểu ông ba Tào, là người ở làm vườn cho bà, bưng một chục ngọn bầu bí ương đã lên cao rồi đem ra mà đặt vào cái dồng ông đã cuốc, và vô phân dọc theo hàng rào phía trước sân. Bà đứng mà chỉ cho ông ba Tào đặt bầu cho ngay hàng, có con Cát 15 tuổi, là cháu ngoại của người tá điền ở dưới Mồng Gà, bà đem cả mẹ con nó về bà nuôi cả ba năm nay, nó xẩn bẩn theo một bên bà mà chơi. Thấy ông ba Tào đã đặt lên dồng được hai ngọn bầu rồi, bà biểu con Cát vô lấy cái lon lớn múc nước đem ra, đặng bà tưới gốc bầu cho im đất. Bà dặn ông Ba hễ để bầu đặt rồi, ngày mai ông phải lo đốn cây trâm bầu cho sẵn, đặng chừng bầu bắt đầu bò, thì làm dàn cho nó leo, cặm cây dác dàn vô trong sân thì xuôi theo ngọn gió chướng bầu bò mới mạnh.
Bà đương đứng nói láp dáp, thì ông Lê Đại Thắng, làm hiệu trưởng trường Cần Giuộc hơn 20 năm. Ông mới hưu trí chừng một năm nay, thấy trời mát ông đi chơi, nhơn tiện bước ông ghé thăm bà Xã.
Bà thấy ông bước vô sân bà lật đật chào hỏi:
- Tôi kính chào cậu Đốc. Hôm nọ tôi có một chút chuyện tôi muốn hỏi cậu. Tôi sai trẻ qua coi có cậu ở nhà hay không thì mợ Đốc nói cậu đi Saigon ở chơi với con cả tháng nay mà chưa về. Cậu về hồi nào vậy?
- Tôi mới về hồi sớm mơi. Lóng nầy chị mạnh giỏi hay không chị Xã?
- Mạnh. Cám ơn. Cậu có hai người con mà hai người đều dạy học, lại có chồng có vợ hết rồi. Bây giờ cậu hưu trí, cậu thả đi chơi, khỏi lo chi hết, khỏe quá hả?
- Dạy học mấy chục năm, tuổi gần sáu mươi rồi, tôi được phép nghỉ mà chơi, chớ phải làm hoài hay sao chị. Ruộng của chị mùa nầy trúng hay không?
- Khá. Nghe nói sở nào lúa cũng tốt đều hết. Còn đất của mợ Đốc ở bển thế nào?
- Ối! Bả có năm sáu mẫu có nghĩa gì đâu. Bả cho mướn, lại mua lúa xa mãi mỗi năm kiếm ít thiên[2] đủ ăn vậy thôi. Mà nghe nói năm nay cũng dễ chịu.
- Cậu lên Saigon ở chơi với hai cháu, vậy mà hai cháu ở chung hay là ở riêng?
- Hồi thằng Khoa mới được cấp bằng dạy trường Sư phạm Đất Hộ. Từ ngày nó cưới vợ rồi thì nó mướn một căn phố mà ở riêng, song cũng thuộc một đường với con Đào nên chị em nó cũng ở gần nhau.
- Chắc cậu lên cậu ở nhà cô giáo Đào.
- Không. Tôi ở với thằng Khoa.
- Con gái thường hay lo cơm nước áo quần cho cha mẹ. Sao cậu không ở với con gái, lại ở với con trai?
- Vợ chồng con Đào mắc đi dạy học. Nó lại có con nhỏ, nó mướn vú nuôi cho bú sữa bò. Hễ về nhà con Đào mắc lo cho con nó. Vợ thằng Khoa ở nhà chớ không có đi làm. Nó mời tôi ở dưới nó đặng nó rảnh nó lo cho tôi.
- Cậu có phước quá. Có con rồi có dâu có rể tử tế hết.
Ông Đốc học Thắng thấy con Cát bưng lon nước đem ra cho ông Ba Tào tưới nước cho bầu, thì ông ngó nó trân trân rồi ông hỏi bà Xã Cầm:
- Tôi nghe nói cách mấy năm trước chị có đem một đứa con nhỏ của tá điền về chị nuôi, phải cháu nầy hay không chị?
- Phải. Tôi đem mẹ con nó về ở với tôi ba năm nay.
- Tôi coi nó giống thiệt chị à.
- Ai cũng nói giống, bởi vậy tôi mới đem về tôi nuôi đó. Mời cậu vô nhà, vô uống nước nói chuyện chơi.
Bà Xã đi vô nhà. Ông Đốc thủng thẳng theo sau, mắt ngó mấy nọc trầu trồng bên chái nhà, lá vàng khè, rồi ngó đám rau thơm trồng kế đó tốt tươi dầy bịt.
Bà kéo ghế mời ông Đốc ngồi tại bàn giữa, bà kêu người trong nhà biểu chế một bình trà mới mà đãi khách, rồi bà ngồi trên bộ ván gõ lớn ngang đó têm trầu mà ăn.
Ông Đốc hỏi bà Xã:
- Cô hai về bên Rạch Kiến mấy năm nay cô có hay qua thăm chị hay không vậy chị Xã?
- Đã lấy chồng khác rồi còn tình nghĩa gì mà thăm viếng.
- Có chồng khác thì có chớ. Làm dâu chị đã gần 20 năm, dầu chồng chết, không có con, cũng phải nghĩ chút tình xưa nghĩa cũ coi mới được chớ.
- Người ta có phải như mình vậy đâu cậu Đốc. Thiệt tôi lầm. Hồi trước ai cũng khen nhà anh hội đồng là nhà hiền đức nên tôi mới nong nả làm sui. Té ra con dâu không biết điều, mà sui gia cũng chẳng ra gì hết. Mấy năm nay hễ nhớ tới thì tôi hối hận hết sức. Có vậy mới biết lời khen chê của thiên hạ không nên tin, vì không đúng với sự thật.
- Sắp nhỏ tôi nó gặp cô hai hoài. Nó nói cô có một đứa con nhỏ.
- Có con hay sao?
- Nó nói gặp cô đi chơi, có bồng đứa nhỏ chừng quá đôi nôi.
- Tôi không hay có con. Tôi chỉ nghe nó trở về bên Rạch Kiến ở chừng vài tháng, rồi có chồng làm việc theo ở với chồng trên Saigon. Lấy chồng khác không thèm nói với tôi, mà vợ chồng anh Hội Đồng cũng không cho tôi hay. Ăn ở như vậy thì tôi hiểu người ta đã dứt tình nghĩa rồi, nên tôi không muốn biết việc của người ta làm chi nữa.
- Tại cậu Đường vô phước quá mới gặp vợ như vậy, hơi nào mà phiền chị.
- Tôi cũng nghĩ như cậu vậy. Cậu nhắc tới Đường làm tôi mới nhớ...
Bà Xã nói chưa dứt câu thì cô Thâm, là mẹ của con Cát, đứa gái bưng lon nước để tưới bầu ngoài trước đó, tay cô xách bình trà, tay cô bưng cái tách, ở trong đi ra cúi đầu chào Ông Đốc, rồi để bình với tách trà trước mặt ông. Bà Xã biểu: “Rót trà ra đi con, rót một tách cho ông Đốc giải khát”.
Ông Đốc liếc mắt nhìn cô thì thấy một thiếu phụ thôn quê, tuổi ngoài ba mươi, mặc quần lãnh, áo bà ba lụa đen, tướng mạo yểu điệu, gương mặc sáng rỡ nhưng hiền lành. Cô rót một tách trà rồi xách bình đi vô để trong giỏ, cô mới bưng giỏ bình với một cái tách nữa đem ra để dựa ô trầu chỗ Bà Xã ngồi.
Bà Xã mời ông Đốc uống trà và nói: “Tôi không biết chữ Việt. Từ ngày Đường thôi học về ở nhà thì tôi giao hết bằng khoáng ruộng đất cho nó giữ. Các tờ tá cho mướn ruộng nó cũng coi làm. Nó có cái tủ cây riêng nên nó cất hết giấy tờ trong tủ của nó rồi nó giữ chìa khóa. Năm nó bịnh, lối năm bảy tháng trước ngày nó chết, thừa bữa vợ nó không có ở nhà, nó ôm giao cho tôi một cái gói, ngoài bao giấy và buộc dây kỹ lưỡng chắc chắn, mà xin tôi cất dùm trong tủ sắt. Nó nói gói đó là gói giấy tờ quan trọng với bằng khoán ruộng đất, phải cất trong tủ sắt mới khỏi sợ mất. Nó lại dặn tôi đừng cho ai lấy gói đó, nếu rủi nó chết mà trong nhà có việc chi bối rối, thì tôi mở gói ấy ra mà coi, trong đó nó có biên đủ mọi việc để lại cho tôi hiểu.
Vì tôi biết tánh con tôi nó kỹ lưỡng, bởi vậy tôi mới mở tủ sắt ra tôi cất cái gói cho nó thấy. Tôi không nghi ngờ điều chi hết, nên tôi không cần gạn hỏi. Cách mấy tháng sau nó chết, thì tôi buồn, chớ không có điều chi rối rắm. Chôn cất nó rồi thì vợ nó cũng còn ở bên nầy gần một năm, có buồn thì nó đi về bên Rạch Kiến, hoặc lên Saigon mà chơi, rồi cũng trở về với tôi như thường. Chừng tôi nghe mấy người trong xóm thỏ thẻ nói với tôi rằng con gái của ông Hương nghị Thiệt, làm ruộng của tôi ở dưới Mồng Gà, nó không có chồng, mà nó có một đứa con gái chừng 12 tuổi, con nhỏ sao mà nó giống thằng Đường như đúc. Tôi nhớ hồi trước con tôi hay cỡi xe máy đi ruộng dưới Mồng Gà. Sau đó tôi mua ruộng ở dưới chợ Trạm cùng một phía đó, nó càng đi thường hơn nữa. Tôi phát nghi. Nó chết rồi không có con, nếu con nhỏ đó thiệt là con của nó, thì may cho tôi lắm. Nhưng tôi không dám nói cho ai biết. Tôi mướn xe tôi đi thăm ruộng, xuống nhà vợ chồng Hương nghị Thiệt, tôi gặp đủ hai ông bà ở nhà với đứa con gái ra rót trà cho cậu Đốc uống hồi nãy đó..”
Ông Đốc Thăng ngạc nhiên hỏi:
- Té ra cô hồi nãy là mẹ con nhỏ xách nước ra tưới bầu ngoài sân đó sao?
- Phải. Hai mẹ con nó đó. Tôi thấy con Cát thiệt giống thằng con tôi quá, giống từ bàn tay bàn chưn, giống mắt mũi, giống tiếng nói, giống tướng đi, cái gì cũng giống hết thảy. Tôi kiếm chuyện nói với mẹ nó, tên Thậm có ý dọ coi tánh tình thế nào. Tôi hỏi chồng nó làm nghề gì, nó có được mấy đứa con. Nó nói chồng nó chết, để lại cho nó có một đứa con gái đó.
- Nó thấy chị xuống chắc nó mừng lắm hả?
- Không. Nó bình tĩnh như thường, không chộn rộn chi hết. Vợ chồng Hương nghị cũng vậy.
- Không nghi chị xuống nhìn cháu nội hay sao?
- Không có. Tánh tôi dè dặt, có ý đợi coi con Thậm hoặc cha mẹ nó có mở hơi, nói xa nói gần gì hay không. Té ra không ngờ, không ai chịu ló mòi gì hết.
- Chắc là vợ chồng Hương nghị chơn chất thiệt thà, sợ bà chủ điền nên không dám nói chớ gì.
- Cả nhà từ cha mẹ xuống đến con đều thiệt thà lắm. Mà cử chỉ như vậy cũng làm cho tôi sợ tôi nhìn lầm, nên tôi cũng không dám hở môi. Tôi muốn đem mẹ con con nhỏ về ở với tôi ít ngày, đặng tôi dọ tình ý cho chắc rồi sẽ hay. Nếu phải thì chừng nào nhìn cũng được, không có chi gấp mà phải vội. Tôi mới than với vợ chồng Hương nghị rằng, Đường tôi chết bỏ tôi hiu quạnh, đêm hôm không có người hủ hỉ mà giải buồn. Tôi muốn cậy con Thậm đem con nó lên ở dùm tôi ít ngày, mẹ thì giúp coi sóc việc trong nhà, còn con thì theo tôi lo lấy trầu chế nước. Bà Hương nghị kêu con ra mà hỏi thì nó chịu đi. Tôi mừng; tôi biểu gói áo quần rồi sẵn có xe đi luôn với tôi cho tiện.
Về tới nhà tôi nói tôi kiếm người ở phụ giúp trong nhà, chớ không nói chuyện nhìn dâu, nhìn cháu chi hết. Mấy đứa trong nhà ác nghiệt, thấy con Cát cứ theo nhìn ngó rồi xầm xì với nhau. Chòm xóm hay họ cũng chạy lại họ coi làm cho con Oanh là dâu tôi nó chừ bự. Nó hỏi tôi rước quân ăn mày đó về làm gì?
- Cha chả! Vô lễ đến thế lận sao?
- Cậu Đốc nghĩ mà coi. Tôi hiền lành hết sức. Tôi cũng thương nó nhiều. Chồng nó chết đã gần làm tuần giáp năm.
Nó cứ ở đây với tôi. Tôi có ý mừng, tưởng nó bắt chước gương của tôi, thủ tiết thờ chồng. Tôi tính chừng tôi qua đời thì sự nghiệp của tôi nó thừa hưởng chớ ai vô đây mà dành với nó được. Nó không cải giá, cứ thủ tiết mà phụng tự ông bà bên chồng, hưởng huê lợi mãn đời. Tôi cũng có tính nếu mãn tang, mà nó muốn lấy chồng thì tôi cũng sẽ biết phải với nó, tôi giúp cho nó lập gia đình khác, mà sống với cảnh đời thong thả, sung sướng với người ta.
Ví dầu nó biết con Cát là con của chồng nó, thì nó thưa với tôi rồi rước con nhỏ đem về nó nuôi mới phải. Nó không biết làm như vậy. Mà tôi đem về chớ tôi chớ cũng không nhìn nhận con cháu gì hết, sao nó lại dám mắng tôi. Thiệt rõ ràng là con nhà thiếu dạy. Tôi hiền như Phật, mà nghe cái giọng nó nói tôi phải nổi giận. Tôi tái sắc mà nói với nó như vầy: “Con giàu mấy mươi mà con gọi người ta là quân ăn mày? Dầu người ta ở làm mướn mà lấy tiền công, con cũng không phép khinh rẻ người ta như thế. Huống chi người ta là con cháu của một tá điền, có chức vị chút đỉnh trong làng, má cậy lên giúp mà coi sóc việc nhà chớ không phải ở mướn. Sao con dám nhục mạ người ta. Con đừng có dại như vậy, thiên hạ họ ghét chớ không phải họ khen hay họ sợ đâu. Trong nhà nầy má làm chủ, má muốn sắp đặt thế nào thì tự ý má. Con lấy quyền gì mà ngăn cản má được... Má cấm biệt từ rày sắp lên con không được nói động tới mẹ con của nó nữa, mà cũng không được vô lễ với mọi người trong nhà của má”.
- Chị cho cô bài học như vậy thì hay lắm.
Thấy trời sẩm tối, Bà Xã kêu người trong nhà lên đèn rồi bà nói tiếp:
- Để tôi nói hết cho cậu Đốc nghe. Con Oanh nghe tôi quở nặng, nó mắc cỡ, hay là phiền giận không biết mà nó ngoe ngoẩy bỏ đi vô buồng khép cửa lại. Chiều nó không thèm ra ăn cơm.
Sáng bữa sau có chiếc xe ngựa qua đậu trước sân. Nó sai đi kêu hồi nào tôi không hay. Nó ra thưa với tôi cho nó về thăm ba mẹ ít bữa. Tôi ừ và mở tủ lấy một trăm đồng bạc cho nó đi. Nó nói nó có tiền, nó không thèm lấy, nó cho ông Ba Tào vác dùm cái gương của nó đem để lên xe rồi nó đi. Tôi vô trong buồng nó tôi coi, thì đồ đạc áo quần của nó không còn thứ gì hết. Tôi chắc nó giận tôi nó đi luôn. Thiệt quả làm tuần giáp năm cho thằng Đường, nó không về mà sui gia cũng không có ai qua. Cách ít tháng, tôi nghe nó có chồng khác, tôi cười, cười cái dại của nó, mà thiệt tôi cũng phiền, tôi không còn kể nó là dâu của tôi nữa. Mẹ con con Thậm ở với tôi cũng xong. Mẹ con thiệt thà, nhỏ nhoi, hiền lành, mẹ thì lo coi sóc việc trong nhà, con thì theo hầu trầu nước cho tôi, không ham muốn, không đòi hỏi thứ chi hết. Vì vậy tôi mới may đồ hàng lụa cho bận. Tôi biểu ăn cơm chung với tôi cho vui. Mỗi tháng tôi cho mẹ con nó về thăm ông Hương nghị, có đi chợ cũng ghé thăm, ba năm nay mẹ con nó ở với tôi đầm ấm lắm. Chúng nó không nói, mà tôi cũng không hỏi điều chi hết. Không có rắc rối về ruộng đất hay gia đạo nên tôi quên lời của thằng Đường nói, khi nó giao gói bằng khoán cho tôi cất. Mãi đến hôm trước đây, người làm dây ruộng của tôi ở xớm trong bị người ta lấn ranh sao đó mới qua làng mà thưa.
Cậu Hương Hào qua nói với tôi, xin cho tôi bằng khoán sở ruộng đó, đặng biết ranh rấp mà phân xử. Tôi mở tủ sắt đem gói bằng khoán ra đưa cho cậu mà lựa, vì tôi không biết chữ ,nên không biết bổn nào thuộc về sở đất nào. Cậu Hương Hào mở ra thì thấy một phong thơ, còn niêm kín, nằm trên chồng bằng khoán. Cậu cầm coi mà đưa cho tôi mà hỏi: “Có lời trối của anh Đường để lại cho bà đây. Anh chết đã mấy năm rồi, sao bà chưa xé bao thơ ra mà đọc?”. Tôi chưng hửng. Cậu Hương Hào mới đọc mấy hàng chữ biên ngoài cho tôi nghe như vầy: “Lời trối của tôi để lại cho mẹ tôi. Khi tôi chết rồi thì một mình mẹ tôi được phép xé thơ nầy mà coi, chớ vợ tôi không được phép xé”.Tôi cảm động quá. Tôi lấy phong thơ cầm trong tay mà suy nghĩ.
Hương Hào ngồi soạn bằng khoán mà coi. Tôi muốn xé bao thơ mà mượm cậu đọc dùm. Mà tôi sợ con tôi nói chuyện mẹ con, con Cát đây chớ không có gì lạ. Chuyện đó không cho người ngoài biết. Tôi tính bữa sau tôi đem qua cậy cậu đọc tôi nghe. Hương Hào coi bằng khoán xong rồi cậu trả lại cho tôi mà đi về. Tôi sắp mà rồi gói lại tử tế, rồi đi để lại trong tủ. Tôi để bao thơ của con tôi lên trên mà cất luôn. Sáng bữa sau, tôi sai một đứa qua hỏi coi có cậu Đốc ở nhà hay không. Mợ Đốc nói cậu đi chơi trên Saigon chưa về. Tôi cất cái thơ hổm nay, không muốn mượn người trong xóm đọc, sợ họ biết gia đạo của tôi rồi họ dị nghị. Bây giờ tôi mới mở tủ sắt. Vậy sáng mai tôi mở tôi lấy đem qua mượn cậu Đốc đọc dùm cho tôi nghe coi con tôi nó nói làm sao.
Ông Đốc Thắng nói ông không đem cặp mắt kiếng theo. Dầu có thơ bây giờ ông đọc cũng không được. Huống chi Đường chết đã bốn năm rồi mới hay có chúc ngôn. Để trễ thêm một bữa cũng không hại gì. Lại chắc Đường chối việc mẹ con con Cát. Mà mẹ con nó đã ở trong nhà nầy rồi thì có chi đâu mà lo gấp.
Ông Đốc nói rồi ông đứng dậy cáo từ mà về. Bà Xã kêu ông Ba Tào biểu đưa dùm ông Đốc tới cầu.
Bà hẹn ngày mai ăn cơm sớm mơi rồi đem thơ qua.
Bà đưa ông Đốc ra tới sân rồi để ông đi với Ba Tào. Bà đứng suy nghĩ, đến ông Ba Tào trở về, bà mới vô nhà.