Hạnh phúc không khó tìm

Phần I - Hạnh phúc là gì?

Một buổi sáng thứ Bảy, thời tiết lạnh lẽo, không gian ảm đạm. Hai vợ chồng tôi lên kế hoạch tối hôm ấy sẽ đi dự buổi tiệc sinh nhật của một người bạn thân. Nhưng Ana, con gái năm tuổi của chúng tôi,

 Bệnh viêm phổi của cháu lại có dấu hiệu tái phát. Lúc mới nhận Ana làm con nuôi - khi con bé mới một tuổi - chúng tôi đã được cảnh báo trước về căn bệnh này của cháu.

Vợ chồng tôi chẳng còn tâm trí nào để nghĩ đến bữa tiệc sinh nhật hứa hẹn nhiều điều thú vị nữa. Tất cả những gì chúng tôi cần làm lúc ấy là tìm cách chạy chữa cho cháu.

Mỗi lần bị ốm, Ana tỏ ra rất khó chịu. Con bé cứ bấu chặt lấy tôi, miệng la thất thanh giống như đang bị ai đe dọa, nhất là mỗi khi Don hoặc ai đó đến gần cháu.

Tâm trạng căng thẳng của chúng tôi rồi cũng nhẹ đi theo cơn sốt dịu dần của Ana. Khi màn đêm buông xuống, tôi ngồi trên ghế xích đu, bế Ana trong tay, dịu dàng hỏi con: “Hôm nay là một ngày thật mệt mỏi và căng thẳng, nhưng chúng ta đã vượt qua rồi, phải không con? Bây giờ con muốn mẹ cho con cái gì nào?”

 Ana ngước nhìn tôi, thút thít: “Mẹ ơi! Con chỉ muốn được sống khỏe mạnh và vui vẻ thôi!”.

Tôi ôm chặt con và bất ngờ.

 Sống khỏe mạnh và vui vẻ - đó chính là sống hạnh phúc, là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn sao? Vấn đề ở đây không phải chúng ta là ai, đang sống trong hoàn cảnh nào, cũng không phải  chúng ta sống được bao lâu, mà điều cần quan tâm nhất là: chúng ta sống và cảm nhận hạnh phúc trong từng phút giây của cuộc đời mình như thế nào!

 

 Quả thực, hạnh phúc là một giá trị sống quan trọng đến nỗi nó được ghi nhận là một trong ba quyền cơ bản của con người: quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc là một giá trị vô hình mà mỗi người chúng ta đều ước mong vươn tới trong cuộc đời mình.

 Thế nhưng, chúng ta vẫn thường hay nghĩ rằng hạnh phúc ở mãi tận đâu đâu mà không nhìn thấy được bản chất giản dị của nó. Chúng ta chỉ thấy hạnh phúc sau khi làm xong một việc nào đó hay đạt được một thứ gì đó, và cứ lao vào cuộc rượt đuổi không có điểm dừng này. Chẳng hạn, người này nghĩ rằng mình chỉ hạnh phúc khi tìm được một việc làm tốt; người khác cho rằng hạnh phúc là khi không có bất kỳ điều phiền phức gì xảy đến; có người lại nhìn hạnh phúc theo những khía cạnh thực tế hơn: mua được chiếc xe đời mới, lấy được tấm bằng tốt nghiệp đại học hay… có được một người thương yêu như mơ ước. Trong khi đó, chúng ta lại quên mất một điều rằng, hạnh phúc không đến từ hoàn cảnh khách quan mà khởi phát từ chính những cảm nhận cuộc sống từ bên trong tâm hồn mình. Nói cách khác, chúng ta quá chú ý đến những thứ bên ngoài mà quên mất cái gốc hạnh phúc ngay trong bản thân mỗi người.

Chính vì chúng ta luôn bị ám ảnh bởi nếp nghĩ: “Tôi chỉ hạnh phúc khi…”, nên chúng ta đã vô tình đánh mất biết bao cơ hội để cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống. Cô vợ ở nhà “chỉ hạnh phúc” sau khi thấy “chồng mình đi làm về đúng giờ”. Nhân viên làm công ăn lương “chỉ hạnh phúc” nếu đến cuối năm, anh ta được thưởng nhiều và dành dụm được một khoản tiền kha khá. Ông chồng “chỉ hạnh phúc” khi được nhìn thấy “vợ mình biết mặc chiếc áo theo ý thích của mình”… Thế là hết ngày này qua ngày khác, chúng ta phí phạm biết bao thời gian để chờ đợi. Chờ đợi chuyện này chuyện kia xảy ra theo ý muốn hoàn toàn chủ quan của mình, rồi mới cảm thấy hạnh phúc, mới thấy hài lòng, mãn nguyện. Còn nếu không, chúng ta sẽ cảm thấy rất khó chịu hay khổ sở. Ấy vậy mà khi đạt được rồi, chúng ta cũng vẫn chưa chịu yên; vì rằng, tiếp sau đó là cả một loạt cái gọi là “mục tiêu của hạnh phúc” tiếp theo khác xuất hiện, khiến chúng ta vất vả cứ phải tiếp tục theo đuổi. Cứ thế, không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể cảm thấy hạnh phúc thực sự được!

Những điều vừa phân tích trên đây cũng thật đúng với bản thân tôi. Trong suốt bốn mươi năm qua, tôi là một người phụ nữ bình thường, luôn nhìn đời một cách tiêu cực. Tôi luôn ghi nhớ những khó khăn tôi đã gặp, những sai lầm mà tôi đã vấp trong đời mình, và tôi cố gắng tạo dựng cho mình một cuộc sống mà tôi nghĩ là sẽ hạnh phúc hơn ở ngày mai. Nhưng khi tôi đã có tất cả những thứ mà tôi từng nghĩ chúng sẽ làm cho mình cảm thấy hạnh phúc - cuộc sống độc lập, tiền bạc, thành công - thì hóa ra hạnh phúc lại không phải là như vậy. Tôi nhận ra, thật là sai lầm lớn khi lâu nay mình mải mê theo đuổi những điều đó. Và thế là, tôi đã quyết tâm thay đổi, làm làm cho mình trở thành một người hạnh phúc thực sự.

Tôi đã thay đổi như thế nào? Hơn mười hai năm qua, tôi viết một loạt sách nói về giá trị và ý nghĩa của lòng tốt, lòng biết ơn, sự tha thứ, tính độ lượng, sự kiên nhẫn, lòng tin vào chính mình… Những đức tính đó mới thật sự là con đường đưa chúng ta thẳng tiến đến những niềm hạnh phúc đích thực của cuộc sống. Tôi đã học hỏi từ rất nhiều người hạnh phúc trong cuộc sống, nghiên cứu nhiều loại sách báo nói về hạnh phúc, học cách lắng nghe nội tâm mình, làm việc hăng say hơn, cố gắng phục vụ và đem lại niềm vui cho người khác nhiều hơn, cụ thể là đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu tinh thần những người thân xung quanh và khách hàng của mình.

  Tuần vừa rồi, tôi có chút việc cần phải thuê người sửa lại mái lợp sân phía sau nhà. Công việc xong xuôi, tôi mời người thợ cùng vợ ông ta đến dùng bữa tối với gia đình chúng tôi, cũng là để cảm ơn về những gì ông đã làm. Chúng tôi đã có bữa tối thân mật với bầu không khí ấm cúng như trong một gia đình. Sau bữa ăn, vợ chồng người thợ ngồi uống trà và trò chuyện với vợ chồng tôi rất vui vẻ. Họ còn khiêu vũ vòng tròn với bé Ana trong phòng khách, làm cho con bé cứ cười nắc nẻ suốt cả buổi. Ngày hôm sau, người chồng lại đến thăm gia đình chúng tôi. “Buổi tối hôm qua tuyệt quá!” - Ông ta vừa nói vừa nở một nụ cười thật thân thiện - “Bà thật sự là một người hạnh phúc, phải không bà? Tôi đến đây cảm ơn bà vì bà đã tặng cho vợ chồng chúng tôi một buổi tối hết sức vui vẻ. Đã lâu lắm rồi, bà nhà tôi không có dịp nào cảm thấy vui như vậy!”.

Tôi nghĩ rằng, mình đã bỏ lỡ mất năm mươi năm hạnh phúc của cuộc đời vì trước đây, mình đã không biết sống với những niềm hạnh phúc giản dị như thế. Đó cũng là lý do vì sao tôi viết cuốn sách này.

Chúng ta không nên quá căng thẳng vì phải liên tục tranh đua với đủ thứ chuyện phức tạp khác nhau trong cuộc đời. Có rất nhiều điều giản dị trong cuộc sống mà chúng ta có thể làm. Hạnh phúc có thể nở hoa trong lòng chúng ta, nếu mỗi ngày chúng ta biết sống, làm những việc hữu ích và luôn yêu thương người khác.

  Hạnh phúc là một phần thưởng mà mỗi người có thể tự trao tặng cho mình. Những người hạnh phúc biết chấp nhận chính mình. Họ không mất thời gian quý giá của cuộc đời vào những chuyện buồn khổ hay tiếc nuối. Họ chấp nhận những bất trắc, khó khăn như một phần tất yếu của cuộc sống. Họ chấp nhận cả những khiếm khuyết của người khác. Họ không phải đau khổ chỉ vì cứ mong muốn người khác phải trở thành mẫu người như mình mong muốn. Họ chỉ cố gắng đối xử với mọi người một cách chân thành, rộng lượng để khơi gợi những tình cảm cao thượng trong tâm hồn người khác. Họ tận tụy làm việc để cảm nhận hạnh phúc ở ngay hiện tại dù lòng vẫn hướng đến tương lai, nhưng họ không bao giờ mơ ước quá viển vông hay lo sợ những điều vẩn vơ. Họ sống dấn thân với đời và coi cuộc đời mình như một hành trình đầy thú vị. Sắp tới, họ sẽ gặp những gì? Chưa biết! Nhưng có một điều họ biết chắc chắn rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ cũng luôn cố gắng sống và cảm nhận hạnh phúc. Đằng sau mỗi vất vả, khó khăn bao giờ cũng là những niềm hạnh phúc để con người trải nghiệm, cùng những kinh nghiệm sống đầy ý nghĩa để con người khám phá!

Những niềm thú vị trong cuộc sống luôn có tính chất lây lan, tác động qua lại. Sự hứng khởi sau khi đã chinh phục được một thử thách tạo nên sức hấp dẫn mãnh liệt đối với bản thân, cuốn hút ta tiếp tục chinh phục những thử thách  mới. Với một tinh thần đầy phấn khởi, lạc quan, luôn cảm nhận được những điều thú vị trong cuộc sống thì cơ thể cũng theo đó mà trở nên khỏe khoắn hơn. Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Tinh thần cho thấy, những người già biết tạo cho mình cuộc sống hạnh phúc thì nguy cơ mắc bệnh Alzheimer là rất thấp. Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định những người sống hạnh phúc ít có nguy cơ đột tử hơn so với những người luôn phải sống trong trạng thái căng thẳng, buồn khổ.

Tôi đã nghiên cứu và thực hành nhiều về nghệ thuật sống. Tôi thường trăn trở với câu hỏi: Phải sống như thế nào để luôn hạnh phúc? Theo thời gian, tôi đã rút ra được một vài điều: Thứ nhất, kiếm tìm hạnh phúc là một khát vọng mang tính “bản năng” của con người, bất kể ở lứa tuổi nào; thứ hai, hạnh phúc phải được trải nghiệm trong từng khoảnh khắc quý giá của cuộc sống.

Bất cứ lúc nào chúng ta còn luyến tiếc quá khứ hay dốc hết hy vọng vào tương lai có nghĩa là chúng ta đang đánh mất những niềm hạnh phúc của hiện tại. Ngay lúc này đây, chúng ta phải tạo dựng và cảm nhận được hạnh phúc của chính mình.

Mọi người đều có thể cảm nhận hạnh phúc, bất kể họ là ai, ở địa vị nào. Không hề có giới hạn nào cho sự cảm nhận hạnh phúc trong mỗi người, bởi vì hạnh phúc là bất tận.

 Xét trong một ý nghĩa thực tế hơn, điều cần thiết nhất để cảm nhận hạnh phúc cũng là do chính chúng ta tạo dựng, xây đắp. Tại sao chúng ta sử dụng tiền bạc để mua nhà, chăm lo sức khỏe, đáp ứng vô số nhu cầu vật chất và tinh thần khác trong đời sống, thậm chí, dùng tiền để thiết lập, củng cố các mối quan hệ với người khác, trong khi chúng ta  lại không biết làm cách nào để mình cảm nhận được hạnh phúc? Thay vì suốt ngày làm việc và làm việc để có tiền trang bị những tiện nghi trong nhà, thay vì muốn dùng tiền để chinh phục người khác, tại sao chúng ta không đến với hạnh phúc bằng một con đường ngắn hơn? Tập trung vào học tập, nâng cao kiến thức, phát triển sự nghiệp, trau dồi đức hạnh, để ý đến tâm hồn sẽ khiến chúng ta cảm thấy mãn nguyện và cảm nhận cuộc sống của mình tuyệt vời hơn. Tiện nghi vật chất chẳng bao giờ làm cho chúng ta thoả mãn. Tiền bạc cũng không bao giờ thực sự mua được lòng người. Nó chỉ là mầm mống để nảy sinh những tiêu cực nối tiếp tiêu cực! Trong công việc, chỉ có những con người chân thành giúp đỡ nhau, góp sức với nhau, thì mới cùng nhau làm nên những thành quả tốt đẹp cho cuộc sống.

Càng tìm hiểu về đề tài sống hạnh phúc và cố gắng thực hành những gì mình đã tìm hiểu được, tôi càng nghiệm ra một điều: Hạnh phúc là điều chúng ta cảm nhận được sau khi chúng ta đã suy nghĩ, chúng ta đã chọn lựa để hành động. Hành động sẽ củng cố và làm chúng ta vững tin hơn vào những điều trước đây mình đã nghĩ. Những suy nghĩ tốt đẹp phải đi đôi với những hành động cao cả. Hai điều này khiến chúng ta luôn cảm nhận được hạnh phúc trên đường đời của mình.

Ở phần giữa của cuốn sách này, chúng ta sẽ thấy được sức mạnh của suy nghĩ, của tư tưởng. Việc sử dụng sức mạnh đó như thế nào? Nó sẽ đem lại cho chúng ta hạnh phúc hay khổ đau? Tất cả hoàn toàn tùy thuộc vào chính chúng ta. Chúng ta sẽ tập trung suy nghĩ về những sai lầm mình thường mắc phải trong cuộc sống, và tìm cách sửa đổi để làm cho mình hạnh phúc hơn lên. Chúng ta cũng có thể tự nhận biết mình đang gặp phải rắc rối gì và làm cách nào để có thể tự giải thoát. Chúng ta cũng có thể nắm lấy cơ hội để khám phá những điều bí ẩn giản dị của cuộc sống quanh mình; tìm thấy những con đường đến với niềm vui thật sự, thậm chí cả sự mãn nguyện trong từng khoảnh khắc của cuộc đời mình.

 Những yếu tố tích cực trong suy nghĩ mỗi người là khởi nguồn của hạnh phúc. Và đến lượt mình, hạnh phúc tác động ngược trở lại khiến cho suy nghĩ, tư tưởng của chúng ta trở nên ngày càng tích cực hơn. Gần đây, trong bài phát biểu của giáo sư Barry Schwartz với sinh viên trường Swarthmore, có một câu rất đáng chú ý: “Những người có thói quen suy nghĩ một cách có hiệu quả và có tấm lòng rộng mở thì họ luôn cảm thấy hạnh phúc hơn so với những người không có thói quen như vậy. Trong khi điều trị cho các bệnh nhân, các bác sỹ cũng nhận thấy điều này: những người có thói quen suy nghĩ tích cực thì việc điều trị tiến triển nhanh hơn, mau lành bệnh hơn”. Theo ông, những bó hoa, gói quà nho nhỏ mà các bác sĩ mang theo khi đến điều trị cho người bệnh có tác dụng trị bệnh hiệu quả hơn rất nhiều so với những chiếc túi cồng kềnh đựng dụng cụ y khoa hay kim chích.

 Trước khi ngành Tâm lý học chú ý nghiên cứu nhiều về hạnh phúc như hiện nay, thì hạnh phúc vốn chỉ là đề tài quan tâm của các nhà triết học. Kể từ thời Aristote, các nhà triết học phân biệt thành hai kiểu hạnh phúc. Một là hạnh phúc theo chủ nghĩa duy khoái của nhà triết học Epicure. Theo chủ nghĩa này, hạnh phúc được hiểu như là sự cảm nhận niềm vui thích hoặc sự mãn nguyện tinh thần ngay trong chính hoạt động học tập, nghiên cứu hoặc thực thi đạo đức. Hai là kiểu hạnh phúc của chủ nghĩa hạnh phúc. Chủ nghĩa này quan niệm hạnh phúc là cái được nảy sinh bên ngoài sự thoả mãn về hành động hay tính cách đạo đức của chủ thể. Như vậy, hai chủ nghĩa này quan niệm về hạnh phúc là khác nhau.

 Gần đây, ngành tâm lý học lại khẳng định một điều rất mới rằng, có một sự khác biệt độc đáo giữa niềm vui thích với sự mãn nguyện. Niềm vui thich thì chỉ có tính chất nhất thời và mau chóng qua đi, còn sự mãn nguyện lại có sức sống bền lâu hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta nên đi tìm “sự mãn nguyện” để có thể luôn cảm nhận được hạnh phúc đích thực trong từng phút giây của cuộc sống. Chúng ta không chỉ hạnh phúc ngay trong lúc chúng ta hành động vì những điều tốt đẹp, mà niềm hạnh phúc còn ngân vang mãi trong lòng sau khi chúng ta đã hành động.

 Với tôi, hạnh phúc là được sống và tận tụy làm việc để hướng tới những giá trị đạo đức cao cả mà mình luôn tin tưởng một cách mãnh liệt, vững chắc. Càng ngày, tôi càng thấy rõ và thực sự cảm nhận được những khoảnh khắc hiện tại quý giá hơn bao giờ hết. Xuyên suốt đường đời tôi đi là một sự mãn nguyện tuyệt vời, còn từng khoảnh khắc hiện tại thì luôn đầy ắp những niềm vui thích.

Tóm lại, qua cuốn sách này, tôi muốn khuyến khích bạn hãy sống hạnh phúc. Nhưng phải làm sao để có được điều đó? Tất cả những gì bạn cần làm là nhận ra con đường đưa mình đến hạnh phúc, rồi nỗ lực vun trồng hạnh phúc trên đường đời của mình.