Hàn Phi Tử

THIÊN XXXV

Kinh 1. - Việc thưởng phạt giao cho bề tôi thì cấm lệnh không được thi hành (…).

 

 Truyện 1.

 b/ Quan tư thành (một chức lớn) Tử Hãn tâu với vua Tống: "Khen thưởng và ban ơn là làm cho dân thích, việc đó xin vua đảm nhiệm lấy; chém giết, trừng phạt là làm cho dân ghét, việc này thần xin đảm đương". Vua Tống bảo: "Được". Từ đó hễ có việc ban lệnh ra oai, trừng trị đại thần thì ông bảo: "Hãy hỏi Tử Hãn". Do đó đại thần sợ Tử Hãn, dân chúng theo ông ta. Được một năm, Tử Hãn giết vua Tống cướp ngôi. Vậy là Tử Hãn dùng cách thả con heo nái (làm cho ngựa sợ)[1] để cướp nước của vua.

 

 Kinh 2. Nước trị và mạnh là nhờ pháp luật ; nước loạn và yếu là do bề tôi lập bè đảng mưu tư lợi[2].Vua chúa hiểu rõ lẽ đó thì dùng hình phạt cho đúng mà bỏ lòng nhân đối với kẻ dưới. Có công lao thì mới được tước lộc, có tội thì bị hình phạt. Bề tôi biết rõ như vậy thì tận lực tới chết mà bỏ lòng trung với vua[3]. Vua hiểu cái lẽ bất nhân (không ban ơn riêng), bề tôi hiểu rõ cái lẽ bất trung thì có thể lập được nghiệp vương (...).

 

 Truyện 2. a/ Tần Chiêu vương đau, dân chúng mỗi lí (hai mươi lăm nhà là một lí) chung nhau mua bò và nhà nào cũng cầu cho vua hết bệnh. Công tôn Thuật ra ngoài thấy vậy, bèn vào mừng vua: "Trăm họ đều chung nhau mỗi lí mua bò để cầu nguyện cho nhà vua hết bệnh". Chiêu vương sai người đi dò hỏi, quả có như vậy, ra lệnh: "Phạt mỗi lí phải nộp hai áo giáp (bằng da tê ngưu). Không ra lệnh mà tự ý cầu nguyện là thương quả nhân. Họ thương quả nhân thì quả nhân cũng phải đổi pháp luật mà làm vừa lòng họ, như vậy pháp luật không đứng được, pháp luật không đứng được sẽ đưa tới nước loạn và mất nước. Không bằng phạt mỗi lí hai áo giáp mà cho nước loạn được trị trở lại".

 

 (Còn một thuyết nữa cũng đại ý như vậy, bỏ)

 

 b/ Nước Tần rất đói kém. Ứng hầu[4] xin với vua:”Rau cỏ hột quả trong năm vườn của nhà vua đủ để cứu đói cho dân, xin nhà vua phát cho họ”. Chiêu Tương vương bảo:”Theo pháp luật nước Tần ta thì dân có công mới được thưởng, có tội mới bị phạt. Nay phát cho dân rau quả trong năm vườn, tức là dân có công hay không đều được thưởng cả. Khiến cho dân có công hay không đều được thưởng là gây loạn cho nước. Phát rau quả trong năm vườn mà nước loạn sao bằng đừng phát mà nước được trị”.

 

 d/ Công Nghi Hưu làm tướng quốc nước Lỗ thích ăn cá. Cả nước tranh nhau mua cá tặng ông, ông không nhận. Em trai ông hỏi: "Anh thích ăn cá mà sao người ta tặng lại không nhận!". Đáp: "Chỉ vì thích ăn cá mà không nhận đấy, vì nhận phải chịu ơn của người, chịu ơn của người thì phải uốn cong pháp luật, uốn cong pháp luật thì mất chức tướng quốc, mất chức tướng quốc thì người trong nước không tặng ta cá nữa mà ta cũng không tự cung cấp cá được (vì hết bổng lộc). Còn như không nhận cá thì vẫn còn làm tướng quốc, có thích ăn cá thì tự cung cấp cá hoài được”. Truyện đó cho ta thấy rõ ràng trông cậy ở người không bằng trông cậy ở mình, nhờ người ta làm cho mình không bằng tự mình làm lấy.

Kinh 3. Bậc vua chúa[5] lấy việc nước ngoài làm gương, thì việc bên ngoài không thể không thành, bởi vậy mà Tô Đại chê vua Tề. Bậc vua chúa lấy việc thời cổ làm gương thì bọn xử sĩ (không ra làm quan) mà tư tưởng không hợp với nhà cầm quyền sẽ không được vinh hiển, bởi vậy mà Phan Thọ nói về tình của vua (Hạ) Vũ, (…). Phương Ngô không ngồi cùng xe với kẻ mặc áo như mình, không ở cùng nhà với người trong họ, huống hồ là cho người khác mượn quyền mình, Ngô Chương nói chuyện thì không vờ thương ghét, huống hồ là thương ghét thật (…).

 

 Truyện 3.

 

 a/ Tử Chi làm tướng quốc nước Yên, chức cao mà chuyên quyền. Tô Đại được vua Tề sai đi sứ qua Yên. Vua Yên hỏi: "Vua Tề là ông vua ra sao?" Đáp: "Không thể làm bá chủ được" – “Sao vậy?” – “Xưa Tề Hoàn công làm bá chủ, nội chính giao cho Bão Thúc, ngoại giao giao cho Quản Trọng. Ông bỏ xõa tóc mà vui với đàn bà, suốt ngày dạo phố phường. Còn vua Tề ngày nay thì không tin đại thần.” Nghe lời Tô Đại, vua Yên càng tin Tử Chi hơn. Tử Chi biết chuyện đó, sai người tặng Tô Đại trăm dật vàng (mỗi dật khoảng 20 – 30 lượng) để ông ta tiêu.

 

 (Còn một thuyết nữa, bỏ).

 

 b/ Phan Thọ nói với vua Yên:”Nhà vua nên đem nước nhường cho Tử Chi. Người ta sở dĩ khen vua Nghiêu hiền đức là vì ông nhường thiên hạ cho Hứa Do, Hứa Do tất không nhận, như vậy vua Nghiêu được tiếng là nhường thiên hạ cho Hứa Do mà thực ra vẫn không mất thiên hạ. Nay nhà vua nhường nước cho Tử Chi, Tử Chi tất không nhận ; nhà vua sẽ được tiếng là nhường nước cho Tử Chi mà đức hạnh sẽ ngang với vua Nghiêu”. Vua Yên bèn đem việc nước giao hết cho Tử Chi, quyền của Tử Chi cực lớn.

 

 (Còn hai thuyết nữa, và chỉ hai thuyết này mới nhắc đến vua Hạ Vũ trong phần kinh đã nói, nhưng chúng tôi cũng bỏ vì ý nghĩa không khác. – xin ghi thêm: Chiến Quốc Sách – Yên 9 – cũng chép truyện đó gần giống hết thuyết thứ nhất chúng tôi đã dịch).

 

 c/ Phương Ngô Tử (không rõ là ai) bảo:”Ta nghe nói theo lỗ (lối?) cổ, vua đi đường không ngồi cùng xe với người y phục đẹp đẽ như mình, tại nhà thì không ở chung với người trong họ mình (để người ngoài khỏi lầm những người trong họ đó là vua); huống hồ là cho bề tôi mượn quyền của mình mà làm mất cái (uy) thế của mình đi.

 

 d/ Ngô Chương (bề tôi nước Hàn) nói với Hàn Tuyên vương: ”Bậc vua chúa không nên giả vờ thương người vì như vậy một ngày kia không thể lại ghét họ trở lại được; không nên giả vờ ghét người vì như vậy một ngày kia không thể lại thương họ trở lại được. Sự giả vờ thương hay ghét mà để lộ ra một chút thì kẻ nịnh bợ nhân đó mà khen chê (người mình giả vờ thương hay giả vờ ghét), (lúc đó) dù là bậc minh chủ cũng không bỏ được thái độ vờ thương, vờ ghét của mình, huống hồ lại thành thực thương hay ghét (thì làm sao còn có thể bỏ thương bỏ ghét được nữa).

 

 Một thuyết khác bảo: Ngô Chương nói: “Bậc vua chúa không nên giả thương giả ghét bề tôi; giả thương rồi thì không trở lại ghét được nữa, giả ghét rồi thì không thể trở lại thương được nữa”.

 

 Kinh 4. - Bậc vua chúa là người giữ pháp luật, xét bề tôi có thể làm được việc hay không để định công. Nghe nói quan lại dù loạn thì vẫn có hạng dân riêng giữ được đức hạnh, tiết tháo (độc thiện kì thân) ; chứ không nghe nói dân loạn mà có quan lại riêng tốt (nghĩa là dân loạn luôn luôn do quan lại xấu), cho nên bậc minh chủ trị quan lại chứ không (trực tiếp) trị dân (hễ quan lại tốt thì dân không loạn) (…)

 Truyện 4. Muốn lay cây thì không kéo từng cái lá một, như vậy tốn công mà không xuể ; nắm thân nó mà lắc qua phải qua trái thì lá đều rung rinh hết (…) Người khéo bủa lưới thì kéo dây lưới; chứ nếu kéo từng mắt lưới một cho tới hết cả vạn cái mắt thì mệt và khó. Kéo dây lưới lên là bắt được cá rồi. Quan lại là dây lưới của dân, cho nên thánh nhân trị quan lại chứ không (trực tiếp) trị dân.

 

 c/ Tháo Phủ (một người giỏi đánh xe thời cổ) đương cào cỏ, thấy hai cha con nhà nọ đi ngang. Con ngựa sợ, chùn lại, không chịu đi nữa. Người con xuống xe lôi nó, người cha xuống đẩy xe, và nhờ Tháo Phủ tiếp tay đẩy giùm. Tháo Phủ xếp đồ cào cỏ, buộc lại, đặt trên xe, giúp (cha) con nhà đó đánh xe, mới bắt đầu so cương cầm roi, chưa kéo cương, quất roi mà ngựa đã lồng lên. Nếu Tháo Phủ không biết đánh xe thì dù hết sức cực nhọc đẩy xe, ngựa cũng không đi. Đằng này ông khỏe ru, được ngồi xe mà người lại mang ơn, chỉ nhờ ông có thuật đánh xe. Nước là xe của vua, (quyền thế) là ngựa của vua. Không có thuật để điều khiển (việc nước) thì đã mệt sức mà không tránh khỏi loạn; có thuật để điều khiển thì đã an lạc mà lại lập được nghiệp đế vương.

 

 Kinh 5. – Tùy theo cái “lí” (tại sao, thế nào), của việc mà hành động thì không mệt mà thành công. Vì vậy mà Tư Trịnh ngồi trên càng xe mà hát để qua cây cầu cao (…).

 

 Truyện 5. a/ Tư Trịnh tử đánh xe lên một cây cầu cao mà không được, bèn ngồi trên càng xe mà hát, (tức thì) người đi trước ông ngừng lại, người đi sau đẩy xe cho ông và ông lên được dốc cầu. Nếu ông không có thuật lôi kéo người (để giúp ông) thì dù ông có gắng sức đến chết, xe cũng không lên cầu được. Đằng này ông khỏi phải mệt thân mà xe lên được, là nhờ ông có thuật lôi kéo người để giúp ông.

 d/ Diên Lăng Trác tử ngồi trên xe thắng con ngựa lớn màu xanh có vằn như lông chim trĩ, phía trước có dây cương mang móc, phía sau có cây roi đầu nhọn, vì vậy mà ngựa muốn tiến thì bị cái móc cản, muốn lui thì bị đầu roi đâm, nó đành phải quay ngang. Tháo Phủ đi ngang qua, (thấy vậy) rơi lệ, bảo: "Đời xưa trị dân cũng vậy. Thưởng là để khuyến khích, vậy mà thưởng rồi mà còn chê trách; phạt là để ngăn cấm, vậy mà phạt rồi lại còn khen thêm. Dân đứng giữa mà không biết theo đường nào, thánh nhân khóc cho họ là vì vậy".

 


[1] Theo chú thích của bản đời Tống. Ý nói dùng hình phạt để cho quần thần và dân chúng sợ mình.

[2] Nguyên văn là: 阿, có sách giảng là: quanh co, không theo đúng pháp luật

[3] Nghĩa là có được thưởng thì mới hết lòng, chứ không vì tình riêng mà trung với vua.

[4] Tức Phạm Tuy (cũng có sách là Phạm Thư), có tài biện bác, được Tần trọng dụng, phong chức là Ứng hầu.

[5] Có bản chép là minh chủ.