Hàn Phi Tử

THIÊN XV

1. Hễ nước của vua nhỏ mà thái ấp của đại phu lớn, quyền vua nhẹ mà thế của bề tôi nặng thì có thể mất nước.

2. Bỏ pháp luật, cấm lệnh mà chuyên dùng mưu trí, trễ nải việc nội chính mà trông vào ngoại viện thì có thể mất nước.

3. Quần thần chăm giảng học, con em các đại phu thích diễn thuyết, con buôn lo tích trữ ở ngoài, dân nghèo khốn đốn ở trong thì có thể mất nước.

4. Vua thích cung thất, đài tạ,[1] đồi ao, ham xe ngựa, y phục, ngoại vật,[2] khiến trăm họ lao khổ, tài sản cháy rụi (khô kiệt) thì có thể mất nước.

5. Coi ngày giờ (tốt xấu), thờ quỉ thần, tin bói toán, thích cúng tế thì có thể mất nước.

6. Nghe lời kẻ có chức tước, không tham khảo lời nói của nhiều người, lệnh ban xuống và lời tâu lên đều phải qua một người thì có thể mất nước.

7. Quan chức có thể nhờ người có thế lực mà có, tước lộc có thể nhờ hối lộ mà được thì có thể mất nước.

8. Trì hoãn khiến việc không thành, nhu nhược mà không quyết đoán, lúc yêu lúc ghét, lập trường không nhất định thì có thể mất nước.

9. Tham lam không biết chán, chỉ ham lợi mà muốn được thì có thể mất nước.

10. Ham lạm dụng hình phạt mà không theo pháp luật, thích biện thuyết mà không cầu thực dụng, say mê hư văn, không xét xem có công hiệu hay không thì có thể mất nước.

11. Nông nổi, để người ta thấy lòng dạ mình, tiết lộ điều bí mật mà không giấu được, đem lời nói của quần thần kể lại cho người khác nghe thì có thể mất nước.

12. Hung hãn, không hoà nhã, ương ngạnh không nghe lời can gián mà hiếu thắng, không nghĩ tới quốc gia, khinh suất tự tín thì có thể mất nước.

13. Ỷ vào sự kết giao, viện trợ (của nước xa) mà khinh thường các nước láng giềng gần, trông vào sự cứu giúp của nước lớn mà khiêu khích nước sát nách với mình thì có thể mất nước.

14. Để bọn cư sĩ kiều cư nước mình nhận nhiều tiền hối lộ của nước ngoài, trên thì bàn mưu kế với vua, dưới thì tiếp xúc với dân, như vậy có thể mất nước.

15. Dân không tín nhiệm tướng quốc, kẻ dưới không yêu quí bề trên, mà vua vẫn tin yêu không phế bỏ ông ta thì có thể mất nước.

16. Không dùng hào kiệt trong nước mà tìm và phong kẻ sĩ nước ngoài, không trắc nghiệm bằng công lao mà thích căn cứ vào danh vọng để cử dụng hay truất bỏ, bọn du sĩ kiều cư đột nhiên được tôn quí, lấn các bề tôi cố cựu, như vậy có thể mất nước.

17. Khinh đích tử (con trưởng, tức thái tử), coi ngang hàng với con thứ, (hoặc) ngôi thái tử chưa định mà vua đã qua đời thì có thể mất nước.

18. Không thận trọng[3] mà không biết hối hận, nước loạn mà tự cho mình là hiền tài, không lượng thực lực trong nước mà khinh thị kẻ địch ở bên cạnh, thì có thế mất nước.

19. Nước nhỏ mà không xử nhũn, sức yếu mà không kiêng nước mạnh, vô lễ mà khinh lờn nước láng giềng mạnh, tham lam, ương ngạnh, vụng giao thiệp, thì có thể mất nước.

20. Đã lập thái tử rồi mà còn cưới vợ từ nước địch mạnh, lập làm hoàng hậu thì thái tử nguy, quần thần sinh ra nghi ngờ, suy nghĩ, thì có thể mất nước.

21. Khiếp nhược, cam phận, tuy sớm thấy mối hoạ mà vì nhu nhược, không ngăn cấm được, tuy biết rằng việc có thể làm được mà không dám làm, thì có thể mất nước.

22.  Vua còn lưu vong tại nước ngoài, trong nước lập vua khác; thái tử làm con tin ở nước ngoài chưa về mà vua lập thái tử khác thì trong nước chia rẽ, như vậy có thể mất nước.

23. Làm nhục đại thần, sau lại thân cận với họ, trừng phạt nặng dân nhỏ, tàn ngược với họ[4], họ bị nhục, bị ngược đãi, sẽ nuôi lòng oán hận mà lại được gần vua thì tất âm mưu ám hại vua, như vậy có thể mất nước.

24. Có hai đại thần quyền cao ngang nhau, bậc cha anh có nhiều người mạnh thì ở trong họ sẽ kết bè đảng, ở ngoài sẽ cầu ngoài viện để tranh việc, giành thế lực, như vậy có thể mất nước.

25. Nghe lời tì thiếp, dùng mưu trí của bọn sủng thần, khiến trong ngoài đều buồn hận, mà lại thường làm những điều trái pháp luật, thì có thể mất nước.

26. Khinh rẻ, làm nhục đại thần, vô lễ với bậc cha anh, làm cho dân chúng lao khổ, giết hại kẻ vô tội, thì có thể mất nước.

27. Thích dùng trí thông minh của mình để sửa đổi pháp luật, lại hay xen lẫn việc riêng vào việc công, thay đổi pháp luật hoài, lệnh bất nhất thì có thể mất nước.

28. Không có địa thế hiểm yếu, thành quách lại không kiên cố, không tích trữ, tài vật ít không chuẩn bị việc phòng vệ mà lại khinh suất tấn công nước khác, thì có thể mất nước.

29. Dòng giống (nhà vua) không thọ, vua thường chết yểu, trẻ con lên nối ngôi, đại thần chuyên chế, nuôi ngoại kiều để gây đảng, thường cắt đất để kết giao cầu viện, thì có thể mất nước.

30. Thái tử được tôn hiển, có bộ hạ nhiều và mạnh, hay kết giao với nước lớn, sớm có đủ uy thế, thì có thể mất nước.

31. Lòng dạ hẹp hòi, nóng nảy, nông nổi dễ xúc động, lúc giận dữ thì không nghĩ trước nghĩ sau, như vậy có thể mất nước.

32. Vua hay nổi giận mà thích dùng binh, lơ là nghề gốc (nghề nông) và việc luyện binh mà khinh suất tấn công thì có thể mất nước.

33. Các quí nhân (bậc cha anh nhà vua) ganh ghét nhau, bọn đại thần có thế lực lớn, bên ngoài dựa vào nước địch, bên trong làm khốn khó trăm họ, để đả kẻ thù riêng, mà vua không trừng phạt, thì có thể mất nước.

34. Vua bất tiểu mà em thuộc dòng trắc thất (vợ lẽ của cha) lại hiền, thái tử bị khinh mà thứ tử bình đẳng với thái tử, quan lại nhu nhược mà nhân dân khó chế ngự thì nước hỗn loạn có thể mất nước.

35. Giấu nỗi giận không cho phát ra, treo tội đó không phạt ngay, khiến cho bề tôi vừa thầm oán vừa thêm sợ, (hồi hộp) lâu mà không biết thân phận sẽ ra sao, như vậy có thể mất nước.

36. Tướng cầm quân có quyền lớn quá, quan giữ biên cương được tôn quá, họ chuyên chế, tự ý hành động, không xin lệnh của vua, thì có thể mất nước.

37. Hoàng hậu dâm loạn, thái hậu ô uế (không trinh tiết), người ngoài hỗn loạn ra vào cung cấm, trai gái không phân biệt, như vậy gọi là “có hai vua”, có thể mất nước.

38. Hoàng hậu bị khinh mà tì thiếp được quí, thái tử bị biếm, mà thứ tử được tôn, tướng quốc bị khinh mà quan điển yết[5] được trọng, như vậy thì trong ngoài khác nhau, có thể mất nước.

39. Đại thần quyền thế lớn quá, bè đảng đông và mạnh, ngăn cản quyết đoán của vua mà chuyên quyền trị nước, thì có thể mất nước.

40. Dùng tư nhân của đại thần làm quan, truất bỏ con cháu các chiến sĩ, cất nhắc người được làng xóm khen mà phế bỏ các quan chức có công lao với nước, trọng tứ đức mà coi nhẹ công với nước, thì có thể mất nước.

41. Nhà công trống rỗng mà nhà đại thần đầy (của cải), dân trong nước nghèo khổ mà kiều dân giàu có, kẻ làm ruộng và đánh giặc khốn cùng còn kẻ làm nghề ngọn (công và thương) thì có lợi, như vậy có thể mất nước.

42. Thấy lợi lớn mà không sấn tới, biết có mầm hoạ mà không đề phòng, trễ nải việc tranh thủ, mà dùng nhân nghĩa để tự trau dồi thì có thể mất nước.

43. Không theo cái hiếu của bậc vua chúa mà hâm mộ cái hiếu của dân thường,[6] không nghĩ tới cái lợi của quốc gia mà tuân theo mệnh lệnh của mẫu hậu, để cho đàn bà nắm chính quyền, bọn hoạn quan điều khiển việc nước, như vậy có thể mất nước.

44. Lời nói thì hay mà không theo pháp độ, lòng có trí mưu mà không có thuật, vua đa tài mà không dùng pháp độ để làm việc thì có thể mất nước.

45.  Bề tôi mới thì được tiến dụng, bề tôi cũ phải lui về, kẻ bất tiếu được dùng, người hiền lương phải ở ẩn, kẻ không có công lao được quí hiển mà kẻ lao khổ chịu cảnh thấp hèn, như vậy thì kẻ dưới sẽ oán hận, mà có thể mất nước.

46. Các bậc cha anh và đại thần, lộc và trật lớn hơn công lao, y phục vượt đẳng cấp của họ, cung thất và sự cung dưỡng quá xa xỉ mà vua không cấm, như vậy bề tôi tất tham lam không biết đâu là cùng, mà có thể mất nước.

47.

 

°

“Điềm mất nước” không có nghĩa là nhất định sẽ mất nước mà có nghĩa là có thể mất nước. Hai ông Nghiêu không thể làm cho nhau cùng dựng được nghiệp vương, hai ông Kiệt không thể làm cho nhau cùng mất nước. Cái cơ mất nước và dựng nghiệp vương tất phải do (cùng một lúc có) một nước trị một nước loạn, một nước mạnh một nước yếu, khác nhau xa. Cây mà gẫy là do sâu mọt, tường mà đổ là do kẽ nứt. Nhưng cây tuy bị sâu mọt mà không có gió mạnh thì cũng không gãy; tường tuy có kẽ nứt mà không có mưa to thì cũng không đổ. Ông vua một nước vạn cỗ xe mà biết thi hành pháp thuật, làm gió mưa đối với các ông vua có điềm mất nước thì việc thôn tính thiên hạ không có gì là khó.

 

Chú thích:

[1] Nền cao gọi là đài, trên nền đó dựng một ngôi nhà gọi là tạ.

[2] Đồ chơi quí, đẹp.

[3] Nguyên văn: đại tâm, trái với tiểu tâm. Tiểu tâm là cẩn thận.

[4] Nguyên văn: nghịch kì sử, có sách cho rằng chữ nghịch đó chính là chữ cận (gần) và dịch là: cho giữ chức ở bên mình. Chúng tôi theo Trần Khải Thiên, cho chữ nghịch đó là ngược.

[5] Coi về việc các tân khách xin yết kiến vua.

[6] Hiếu kinh có câu: phân biệt cái hiếu của chư hầu (bảo tồn được xã tắc, hoài với nhân dân) với cái hiếu của dân thường (giữ gìn thân mình, tiết kiệm để nuôi được cha mẹ). Vì vậy có người ngờ rằng thiên này hoặc ít nhất điều 43 này không phải của Hàn Phi viết.