Sấn vào chỗ nguy hiểm, trung thành tới hi sinh, đó là hạng dân tuẫn tiết, mà người đời lại chê là "kẻ không biết mưu tính"; trí thức kém nhưng (răm rắp) theo lệnh, đó là hạng dân bảo toàn pháp luật, thế mà người đời lại chê là "chất phác, hủ lậu"; làm lụng khó nhọc để kiếm ăn, đó là hạng sinh lợi, thế mà người đời lại chê là “không có tài năng”; trung hậu trong sạch, đó là hạng dân ngay thẳng, tốt, thế mà người đời lại chê là “ngu dại”, trọng mệnh lệnh, lo lắng về công việc, đó là hạng dân trọng bề trên, thế mà người đời lại chê là “khiếp nhược”; đánh bại giặc, ngăn kẻ gian tà (cáo gian), đó là hạng dân làm sáng pháp lệnh, mà người đời lại chê là “sàm báng” (vạch lỗi của người). Đó là sáu hạng dân bị người đời chê.
Sáu hạng dân gian ngụy, vô ích mà đời khen như thế kia, sáu hạng dân đi cày đánh giặc mà đời chê như thế này, tôi gọi đó là sáu cái ngược đời. Bọn áo vải theo lợi riêng mà khen sáu hạng người trên rồi bậc vua chúa nghe cái tiếng hão mà kính trọng họ, họ được kính trọng thì tất được hưởng lợi; bách tính theo cái lợi riêng mà chê sáu hạng người dưới, rồi bọn vua chúa bị thế tục chê lấp mà khinh họ, họ bị khinh thì tất bị hại. Thành thử hạng dân mưu tư lợi, làm bậy, đáng tội thì được khen thưởng; còn hạng dân mưu lợi chung (lợi cho quốc gia), làm điều tốt đáng được thưởng thì bị chê, bị hại. Như vậy mà muốn cho nước giàu mạnh thì không thể được.
Đời xưa có câu tục ngữ này: “làm chính trị cũng như gội đầu, tuy tóc rụng đấy nhưng vẫn phải gội”. Sợ tóc rụng, uổng, mà quên cái lợi tóc sẽ dài ra, tức là không biết quyền nghi (không thông đạt). Mổ nhọt thì đau, uống thuốc thì đắng, nhưng không mổ, không uống thì thân không thể sống, bệnh không thể biết. Ngay trong sự giao tiếp giữa vua tôi, không có cái ân như cha đối với con mà mong lấy việc làm theo nghĩa để cấm bề tôi thì sự giao tiếp tất sinh hiềm khích. Vả cha mẹ đối với con, sanh con trai thì mừng, sanh con gái thì giết; trai gái đều từ trong lòng cha mẹ mà ra, mà con trai thì mừng, con gái thì giết, là do nghĩ đến sau này, đứa con nào có lợi cho mình hơn. Vậy cha mẹ đối với con mà còn mang lòng tính toán lợi hại huống hồ là những người không có tình cha con với nhau. Các học giả ngày nay thuyết bậc vua chúa đều bảo phải bỏ cái lòng cầu lợi đi, đưa ra cái đạo tương ái, như vậy là đòi vua chúa đối với dân phải thân hơn cha mẹ đối với con nữa, đó là suy nghĩ chưa chín về ân tình, lầm lẫn gạt người, bậc minh quân không chấp nhận được. Thánh nhân trị nước thì xét kĩ pháp luật, cấm lệnh, hai cái đó mà minh bạch thì quan lại có kỉ luật; qui định thưởng phạt cương quyết và giữ đúng, thưởng phạt mà không thay đổi vì tư tâm thì dân sẽ dễ sai khiến. Dân sai khiến được, quan có kỉ luật thì nước giàu, nước giàu thì binh mạnh mà nghiệp bá vương sẽ thành. Làm bá vương là cái lợi lớn của bậc vua chúa; bậc vua chúa nhắm cái lợi lớn mà trị nước, cho nên bổ nhiệm quan chức thì phải xứng với tài năng, thưởng phạt thì chí công vô tư, khiến cho sĩ dân đều thấy rõ điều đó mà (tin rằng) hễ tận lực liều chết lập công được, thì được ban tước lộc, do đó hóa giàu sang. Giàu sang là cái lợi lớn của bề tôi, bề tôi nhắm cái lợi lớn đó mà làm việc, nên mạo hiểm tới chết, kiệt sức mà không oán. Như vậy là vua không tư với dân, bề tôi không trung với vua (cứ theo pháp luật thôi) thì có thể lập được nghiệp bá vương.
°
Gian mà nhất định sẽ bị phát giác thì kẻ gian sẽ tự răn mình, nếu nhất định sẽ bị giết thì họ phải ngừng (không dám làm nữa): vì không bị phát giác nên họ mới phóng túng, không bị giết nên mới làm. Bày một thứ hàng rẻ tiền ở chỗ u ẩn thì dù Tăng Sâm, Sử Ngư[4] cũng bị nghi là lấy trộm; treo trăm lượng vàng[5] ở chợ thì dù một tên cướp lớn cũng không dám lấy. Không ai biết, nên Tăng Sâm, Sử Ngư có thể bị nghi ở chỗ u ẩn; ai cũng biết, nên kẻ cướp không dám lấy vàng treo ở chợ.
Cho nên bậc minh chủ dùng nhiều người giữ (pháp luật)[6] mà trị tội nặng, khiến cho dân vì sợ hình pháp chứ không vì tính liêm khiết mà không bậy. Mẹ yêu con gấp bội cha yêu con, mà cha ra lệnh thì con tuân lệnh gấp mười mẹ ra lệnh. Quan lại không yêu gì dân mà lệnh được dân tuân gấp vạn lệnh của cha. Mẹ tích lũy lòng yêu con mà không được con theo; quan lại dùng oai nghiêm mà dân tuân lệnh. Vậy dùng oai nghiêm hay dùng lòng yêu, cách nào nên theo, là điều dễ quyết định được rồi. Vả lại cha mẹ mong mỏi ở hành động của con cái là chúng được yên vui, có lợi, đừng mắc phải tội lỗi. Vua đối với dân (trái lại), khi có nạn thì muốn dân hi sinh tính mạng, khi bình an thì muốn dân tận lực với mình. Cha mẹ rất yêu con, muốn cho nó được yên vui và có lợi, mà nó không nghe; vua không yêu, không muốn dân có lợi, đòi dân phải hi sinh tính mạng, tận lực vì mình, mà dân lại tuân lệnh. Bậc minh chủ biết lẽ đó, nên không nuôi lòng nhân ái mà chỉ tăng cái thế oai nghiêm. Mẹ rất yêu con, mà con phần nhiều lại hư hỏng, chỉ vì mẹ dùng lòng yêu; cha ít yêu con, dạy bằng roi, mà sau phần nhiều lại tốt, chỉ vì cha dùng sự oai nghiêm.
°
Một gia đình làm ăn, nếu cùng nhịn đói chịu rét, cùng gắng sức lao khổ thì (trong miền) tuy gặp binh đao, hay mất mùa, riêng gia đình đó vẫn được ăn no mặc ấm. Còn gia đình nào vì thương nhau, vì nhân từ mà cho nhau ăn mặc sung sướng, ở không vui chơi, thì gặp nạn đói kém, gia đình đó tất phải bán vợ đợ con. Cho nên, dùng pháp luật thì trước chịu khổ, sau được lợi bền lâu; còn theo đạo nhân từ thì mới đầu tạm được vui mà sau sẽ khốn cùng. Bậc thánh nhân cân nhắc, lựa cái lợi lớn cho nên dùng pháp luật mà bắt nhau chịu cực, và bỏ sự nhân ái đối với nhau. Các học giả đều bảo: “phải giảm nhẹ hình phạt đi”, đó là thuật làm cho loạn vong. Thưởng phạt mà xác định là để khuyến thiện và cấm ác. Thưởng hậu thì mau được cái mình muốn; phạt nặng thì mau cấm được cái mình ghét. Người nào muốn cái lợi thì tất ghét cái hại, vì lợi và hại tương phản nhau. Trái với cái mình muốn thì làm sao mình không ghét cho được? Người nào muốn được trị thì tất ghét loạn, vì trị và loạn tương phản nhau. Cho nên rất ham bình trị thì phải thưởng cho hậu, rất ghét rối loạn thì phải phạt cho nặng. Nay chủ trương giảm nhẹ hình phạt, tức là không mấy ghét rối loạn mà cũng không mấy ham bình trị. Như vậy chẳng những không có thuật (trị nước) mà còn không biết hành động nữa. Bởi vậy phương pháp quyết định có tài năng hay không, ngu hay trí ở chỗ thưởng phạt nặng hay nhẹ. Vả lại hình phạt nặng không phải để trị tội nhân, nó còn để làm sáng pháp độ của vua. (Chẳng hạn) giết giặc, không phải chỉ để trị kẻ mình giết, vì nếu trị kẻ mình giết thì tức là trị kẻ chết; (hoặc như) phạt kẻ cướp, không phải chỉ để trị kẻ mình phạt, vì nếu trị kẻ mình phạt thì tức là trị kẻ bị đày[7]. Cho nên bảo: “phạt nặng tội một kẻ mà ngăn cấm được mọi sự gian tà trong nước. Đó là cái đạo trị nước. Kẻ bị phạt nặng là kẻ cướp mà kẻ sợ hãi là lương dân. Vậy muốn trị nước còn trì nghi gì nữa mà không dùng trọng hình? Còn việc thưởng hậu, không phải chỉ để thưởng công, còn để khuyến khích toàn dân trong nước nữa. Người được thưởng vui, vì được lợi, mà người chưa được thưởng sẽ ham được thưởng. Đó là báo đáp công lao của một người mà khuyến khích được toàn dân trong cõi. Vậy muốn trị nước, còn trì nghi gì nữa mà không hậu thưởng? Nay những kẻ không biết cách trị nước đều bảo: “hình phạt nặng làm thương tổn dân; hình phạt nhẹ có thể cấm được gian rồi, cần gì phải dùng hình phạt nặng?” Đó là không xét kĩ về sự trị nước. Một tội ác có thể ngăn cấm được bằng hình phạt nặng thì chưa chắc đã cấm được bằng hình phạt nhẹ; còn một tội ác ngăn cấm được bằng hình phạt nhẹ thì lại càng dễ ngăn cấm bằng hình phạt nặng. Cho nên, bề trên đặt ra hình phat nặng thì mọi sự gian tà sẽ chấm dứt; mọi sự gian tà chấm dứt thì thương tổn cho dân chỗ nào? Khi kẻ gian chỉ được một cái lợi nhỏ thì bề trên bắt chịu một cái tội lớn, như vậy gọi là hình phạt nặng; dân không muốn vì cái lợi nhỏ mà bị một cái hại lớn, cho nên mọi sự gian tà đều chấm dứt. Vì vậy tiên hiền có câu: “không vấp núi mà vấp đống kiến đùn”[8]. Núi lớn nên người ta phải cẩn thận, đống kiến đùn nhỏ nên người ta coi thường. Dùng hình phạt nhẹ thì tất người dân coi thường. Không trừng phạt kẻ phạm tội tức là phóng khí toàn dân; trừng phạt nhẹ kẻ phạm tội tức là làm bẫy cho dân sa vào[9].Cho nên hình phạt nhẹ tức là cái đống kiến đùn để cho dân vấp phải, mà cái đạo dùng hình phạt nhẹ nếu không làm cho nước loạn thì cũng làm cho dân sa vào bẫy. Cái đó mới làm thương tổn dân chúng đấy.
°
Các học giả ngày nay đều giảng những lời hay trong sách mà không xét sự thực đương thời. Họ bảo: “bề trên không thương dân, thuế má thường nặng, dân không đủ tiêu dùng nên oán bề trên, do đó mà thiên hạ đại loạn”. Như vậy là họ cho rằng cho dân có đủ tiêu dùng rồi lại yêu dân nữa, dù dùng hình phạt nhẹ, nước cũng trị được. Lời đó sai. Đa số kẻ bị hình phạt nặng là sau khi họ có đủ để tiêu dùng rồi. Họ đủ tiêu dùng rồi mà bề trên còn thương họ, giảm nhẹ hình phạt thì vẫn còn loạn. (Chứng cứ là: con cưng của nhà giàu, tài sản có đủ tiêu dùng; tài sản đủ tiêu dùng thì tiêu xài không tiếc, tiêu xài không tiếc thì hóa ra xa xỉ; cha mẹ thương yêu con thì không nỡ rầy mắng nó, không nỡ rầy mắng thì nó hóa kiêu căng, phóng túng. Xa xỉ thì nhà sẽ nghèo, kiêu căng phóng túng thì làm bậy, đó là cái hại có tài sản đủ dùng mà thương yêu nhiều, và trừng trị nhẹ. Con người bẩm sinh hễ có tài sản đủ dùng thì hóa ra lười biếng, không chịu gắng sức, bề trên không nghiêm trị thì kẻ dưới phóng túng làm bậy. Tài sản đủ dùng rồi mà vẫn gắng sức làm lụng thì chỉ có Thần Nông thôi ; bề trên không nghiêm trị mà kẻ dưới vẫn có đức hạnh thì chỉ có Tăng Sâm và Sử Ngư. Hạng dân thường không bằng được Thần Nông, Tăng Sâm và Sử Ngư, là điều hiển nhiên rồi. Lão Đam nói: “Biết đủ thì không nhục, biết ngừng thì không nguy”[10]. Vì sợ bị nhục và nguy, nên hễ có đủ rồi thì thôi, không cầu gì hơn nữa, chỉ có Lão Đam được như vậy. Nay bảo rằng cho dân có đủ rồi thì nước có thể bình trị, tức là coi dân ai cũng như Lão Đam cả. Như Kiệt kia, sang tới mức làm thiên tử mà vẫn chưa cho là đủ tôn quý ; giàu tới mức có cả thiên hạ, mà vẫn chưa cho là có đủ châu báu. Bậc vua chúa dù (hết sức) cho dân có đủ, cũng không thể làm cho họ tới cái mức như thiên tử, mà Kiệt kia vẫn chưa cho làm thiên tử là đủ, thì làm cho dân có đủ, chắc gì đã làm cho nước bình trị được? Cho nên bậc minh chủ trị nước phải thích nghi với thời mà sản xuất nhiều tài vật, định thuế má sao cho giàu nghèo bình quân (công bằng), ban nhiều tước lộc để dùng hết tài năng trong dân, dùng hình phạt nặng để ngăn cấm gian tà, khiến cho dân hễ gắng sức làm lụng thì sẽ giàu, hễ có công nghiệp thì sẽ sang, làm bậy thì bị tội, có công thì được thưởng chứ không mong được bề trên nhân từ ban ơn huệ cho. Đó là chính trị của bậc đế vương.
°
Mọi người đều ngủ cả thì không biết ai đui, mọi người đều làm thinh thì không biết ai câm. Đánh thức họ dậy bảo họ nhìn, hỏi họ, bắt họ đáp, thì những người đui và câm vô phương giấu được[11]. Không nghe một người trình bày thì không biết được rằng họ không có thuật (trị nước), không giao công việc cho họ thì không thể biết được rằng họ có tài cán. Nghe họ trình bày rồi xem xét lời họ có thích đáng không, giao công việc cho họ rồi xem xét có kết quả không, thì kẻ không có thuật, không có tài cán sẽ vô phương giấu được. Muốn lựa một lực sĩ mà chỉ căn cứ vào lời họ tự khoe thì không sao phân biệt được người tầm thường với Ô Hoạch[12], đưa cho họ một cái vạc[13] bảo họ nhấc lên thì ai yếu ai mạnh thấy rõ liền. Quan chức tức là “cái vạc" để thử kẻ sĩ có tài năng đấy; giao chức vụ cho họ thì ai ngu, ai trí, phân biệt được ngay. Cho nên thấy lời nói của ai vô dụng thì biết được kẻ đó không có thuật; thấy ai không làm được nhiệm vụ thì biết được kẻ đó không có tài cán. Có kẻ lời không được ai dùng mà tự trau chuốt, cho mình là hùng biện; không được giao cho trách nhiệm mà tự khoe rằng mình cao thượng. Các vua chúa đời nay bị mê hoặc vì lời nói của họ, bị gạt vì sự cao ngạo của họ mà tôn quý họ, như vậy là không đợi họ có nhìn thấy không mà đã tin chắc mắt họ sáng, không đợi họ đáp được không mà đã tin chắc họ có khẩu tài, tức như không biết rõ được ai đui ai câm vậy. Bậc minh chủ nghe ai nói thì xét xem lời nói của họ có dùng được không, thấy ai làm thì xét xem có kết quả không, như vậy thì các học thuyết trống rỗng đời xưa không còn được đem ra bàn, mà các hành vi kiêu căng, gạt người không còn được tô điểm nữa.
Chú thích:
[1] Hàn Phi ám chỉ các triết gia, học giả - như thầy trò Mạnh Tử - tới nước nào – như Tề, Lương chẳng hạn – cũng được vua trọng đãi.
[2] Nguyên văn mâu tri, bốn năm học giả, mỗi nhà giảng một khác, mà không nhà nào giảng xuôi cả; chúng tôi tạm theo Trần Khải Thiên mâu cùng nghĩa với mậu là lầm, bậy.
[3] Ám chỉ bọn "danh gia".
[4] Tăng Sâm, môn sinh của khổng tử, nổi tiếng là hiền. Sử Ngư, một đại phu nước Vệ, được Khổng tử khen là ngay thẳng. Tương truyền ông can vua, vua không nghe, khi chết bảo vợ con đem xác bỏ ngoài đồng để vua động lòng mà tỉnh ngộ.
[5] chữ Kim có thể trỏ một lạng vàng, một đồng tiền vàng, lại có thể trỏ một cân, một lượng, một đồng tiền bằng đồng.
[6] tức dùng nhiều kẻ cáo gian.
[7] Hàn Phi muốn nói: dùng hình phạt không cốt ở sự trừng trị kẻ gian mà cốt để ngăn ngừa sự gian, để người khác thấy mà sợ, không dám làm điều gian.
[8] Tựa như câu của ta: “đi sông đi biển không chết mà chết lỗ chân trâu”.
[9] Hàn Phi muốn nói: “không ngăn cấm gian tà (bằng hình phạt nặng), để dân phạm tội rồi mới trừng phạt, tức là đánh bẫy dân.
[10] Đạo Đức Kinh - Chương 44: Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi.
[11] Nguyên văn là cùng nghĩa là cùng đường.
[12] Một dũng sĩ nước Tần.
[13] Thời xưa, muốn thử dũng sĩ, người ta bảo họ cầm chân một cái vạc nhấc lên rồi đi (cử đỉnh).