Hàn Phi Tử

THIÊN XLIX

Đời thượng cổ nhân dân ít mà cầm thú nhiều, nhân dân không thắng được cầm thú, trùng, rắn. Sau có các thánh nhân ra đời, kết cành làm ổ (trên cây) để các loài đó khỏi xâm hại, nhân dân mừng, tôn làm vua thiên hạ, gọi là họ “Hữu Sào” (có ổ). Nhân dân ăn trái cây, rau cỏ, trai hến, tanh tao hôi hám mà hại ruột, bao tử, nhiều người đau ốm. Sau có thánh nhân ra đời, dùng cái “toại” dùi cây khô để lấy lửa, nướng các thức ăn cho hết tanh tao, nhân dân mừng, tôn làm vua thiên hạ, gọi là họ “Toại Nhân”. Thời trung cổ, thiên hạ bị lụt lớn, ông Cổn và ông Vũ[1] khơi ngòi (cho nước rút). Đời cận cổ, Kiệt, Trụ bạo loạn, ông Thang (nhà Thương), ông Võ (nhà Chu) đánh dẹp họ. Nếu có người ở đời Hạ dạy nhân dân kết cành làm ổ, hoặc dùng cái “toại” để lấy lửa, tất bị ông Cổn, ông Vũ chê cười; có người ở đời Ân (Thương), Chu khơi ngòi tất bị ông Thang, ông Võ chê cười. Hiện nay nếu có người ca tụng đạo đức các ông Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Võ, tất bị các ông thánh đời nay chê cười. Vậy thì thánh nhân không nhất định phải theo cổ, giữ lệ cũ, mà phải xét việc đương thời rồi tuỳ nghi tìm biện pháp. Nước Tống có người đi cày, trong ruộng có mấy gốc cây khô, một con thỏ đâm bổ vào, gãy cổ, chết. Anh ta thấy vậy bỏ cày mà ôm gốc cây khô, hi vọng lại bắt được con thỏ nữa. Thỏ không được thêm, mà bị cả nước Tống chê cười. Nay muốn dùng chính sách của tiên vương để trị dân thì cũng không khác gì anh chàng ôm gốc cây đợi thỏ đó vậy. 

°

Thời cổ đàn ông không phải cày ruộng, trái cây và hột cỏ đủ ăn rồi; đàn bà không phải dệt vải, da cầm thú đủ che thân rồi. Họ không phải gắng sức mà dư ăn đủ mặc, nhân dân ít mà vật dụng thừa cho nên không tranh giành nhau. Vì vậy khỏi phải thưởng hậu, phạt nặng mà dân tự nhiên không loạn. Ngày nay một người có năm người con, không phải là nhiều, mỗi người con lại có năm người con nữa, thành thử ông chưa chết mà đã có hai mươi lăm đứa cháu, vì vậy nhân dân đông mà tài sản ít, phải lao lực nhiều mà thức ăn đồ mặc lại ít, cho nên họ phải tranh giành nhau, dù có thưởng hậu gấp hai, phạt nặng gấp mấy thì cũng không tránh khỏi loạn.

°

Ông Nghiêu làm vua thiên hạ mà nhà lợp bằng cỏ tranh không xén, cột rui bằng gỗ không đẽo, ăn cơm gạo xấu với canh rau lê rau hoắc, mùa đông không mặc áo da hươu da nai, mùa hè mặc áo vải thô, dầu kẻ canh cổng cũng không sống đạm bạc hơn. Ông Vũ làm vua thiên hạ, tự cầm bừa và xách sọt đi trước nhân dân, đùi và ống chân trụi hết lông, đến kẻ nô lệ cũng không cực khổ hơn. Do đó mà xét, các vua thời thượng cổ nhường ngôi thiên tử thì cũng chỉ là từ bỏ cuộc sống của người giữ cổng và đời lao khổ của tên nô lệ, có gì đáng khen đâu. Một viên huyện lệnh ngày nay khi chết rồi, thì con cháu mấy đời còn được (ung dung) ngựa xe, vì vậy mà người ta quí chức huyện lệnh. Cho nên về cái việc từ nhượng, thời xưa nhường ngôi thiên tử thật dễ mà ngày nay từ chức huyện lệnh thật khó, chỉ do cái lợi hậu hay bạc khác nhau xa. Người ở trong núi, lại hang múc nước, tới ngày lễ “lâu”, lễ “lạp”[2] đem nước tặng nhau,[3] còn người ở chằm thì khổ vì úng nước, phải thuê người đào rãnh cho nước thoát. Mùa xuân những năm đói kém, dù là em ruột còn nhỏ, người ta cũng không nhường cho thức ăn, mà mùa thu những năm được mùa, dù là khách lạ tới, cũng mời ăn, đâu phải sơ với tình ruột thịt mà thân với khách qua đường, chỉ là vì thực phẩm còn nhiều hay ít đấy thôi. Cho nên cổ nhân khinh tài vật, không phải là có lòng nhân, mà vì tài vật có nhiều; ngày nay người ta tranh đoạt của nhau không phải là ti tiện mà vì tài vật có ít; ngày xưa người ta coi thường và từ bỏ ngôi thiên tử, không phải cao thượng mà vì quyền thế ít; ngày nay người ta coi trọng và tranh nhau quan chức, không phải đê tiện mà vì quyền thế nhiều. Vì vậy thánh nhân xét xem tài vật nhiều hay ít, quyền thế nặng hay nhẹ mà tuỳ theo đó lập ra chính sách: phạt nhẹ không phải là nhân từ, mà chém giết không phải là tàn bạo, chỉ là tuỳ thế tục mà thi hành pháp luật. Tóm lại việc phải theo thời, mà biện pháp phải thích ứng. 

°

Thời xưa vua Văn vương ở đất Phong, đất Cảo[4], đất vuông trăm dặm, thi hành nhân nghĩa, vỗ về rợ Tây Nhung mà thống nhất được thiên hạ. Vua Yển Vương nước Từ ở phía đông sông Hán[5] đất vuông năm trăm dặm, thi hành nhân nghĩa, mà ba mươi sáu nước chư hầu cắt đất triều phục. Vua Văn vương nước Kinh (Sở) sợ (nước Từ mạnh lên) nguy hại cho mình, bèn đem quân diệt nước Từ[6]. Vậy ra Văn vương thi hành nhân nghĩa mà thống nhất thiên hạ còn Yển vương thi hành nhân nghĩa mà mất nước. Thế thì nhân nghĩa dùng được ở thời xưa mà không dùng được ở thời nay. Cho nên bảo: “Đời khác thì việc cũng khác”. Đời vua Thuấn, rợ Miêu không qui phục, ông Vũ muốn đem quân đi đánh, vua Thuấn can: “Không nên. Người trên đức không dày mà dùng vũ lực là trái đạo”. Rồi vua Thuấn sửa sang việc giáo hoá trong ba năm, sau đó tổ chức lễ múa khiên múa búa, rợ Miêu coi rồi thuần phục. Tới khi lâm chiến với Cung Công[7], binh khí bằng sắt[8] ngắn quá, không đâm tới địch, áo giáp không chắc, bị địch đâm phạm thân thể, vậy việc múa khiên và búa dùng được thời xưa mà không dùng được thời nay. Cho nên bảo: “Việc khác thì biện pháp phải đổi”. Đời thượng cổ người ta đua nhau trọng đạo đức, đời trung cổ người ta tranh nhau về mưu trí, đời nay người ta tranh nhau về sức mạnh. Nước Tề muốn đánh nước Lỗ, vua Lỗ sai Tử Cống (một môn đệ của Khổng tử) qua Tề thuyết phục. Người nước Tề bảo: “Lời thầy nói không phải là không khéo. Nhưng cái chúng tôi muốn là đất đai kia chứ không phải cái mà thầy nói”. Rồi họ đem quân chiếm Lỗ, cách kinh đô Lỗ mười dặm mới ngừng lại, lấy chỗ đó làm ranh giới. Vậy Yển vương thi hành nhân nghĩa mà nước Từ mất, Tử Cống dùng trí mưu, khéo nói mà nước Lỗ bị chiếm đất: theo đó mà xét, nhân nghĩa, trí mưu, khéo nói không giữ được nước. Bỏ cái nhân nghĩa của Yển vương, cái trí mưu của Tử Cống đi, mà dùng binh lực nước Từ, nước Lỗ, cự với nước địch vạn cỗ xe, thì tham vọng của Tề, Kinh làm sao thi hành với hai nước đó được. 

°

Phong tục xưa và nay khác nhau, biện pháp cũ và mới phải khác nhau. Muốn dùng chính sách khoan hòa để trị dân thời loạn thì không khác gì không dùng dây cương và roi mà muốn chế ngự một con ngựa bất kham. Đó là cái hại của sự bất trí. Nho và Mặc đều khen tiên vương kiêm ái thiên hạ, coi dân như con[9]. Để chứng minh điều đó, họ bảo: “Khi quan tư khấu (coi việc hình) hành hình thì vua không tấu nhạc; khi báo kẻ bị tử hình đã chết thì vua rơi lệ”. Họ đem điều đó để khen tiên vương, rồi bảo vua tôi coi nhau như cha con thì nước trị. Cứ như họ nói thì cha nhân từ, con nhất định không loạn sao? Theo tình người, không ai yêu con bằng cha mẹ, nhưng như vậy vị tất con đã không loạn: vậy thì dù vua rất yêu dân đi nữa, làm sao giữ cho dân không loạn được? Tiên vương yêu dân không hơn cha mẹ yêu con, mà cha mẹ yêu con vị tất con đã không loạn, thì tiên vương làm sao cho dân trị được? Vả lại theo pháp luật hành hình, mà vua rơi lệ, như vậy chứng tỏ rằng vua có lòng nhân từ chứ không phải làm cho nước được trị (vì nếu nước được trị thì sao còn phải hành hình?) Rơi lệ, không muốn hành hình, là nhân; nhưng vẫn không thể không hành hình được, đó là pháp luật. Tiên vương đã cho pháp luật thắng lòng nhân, không theo lòng thương của mình[10] vậy thì rõ ràng là nhân ái không dùng để trị nước được. Lại thêm, dân chúng đa số phục tùng quyền lực, đạo nghĩa chỉ cảm hoá được một số ít thôi. Trọng Ni là bậc thánh trong thiên hạ, ông sửa đức, làm sáng đạo, chu du khắp thiên hạ, nhưng quí lòng nhân, khen lòng nghĩa mà phục dịch ông thì chỉ có bảy mươi người[11], vì số người quí đức nhân ái vốn ít mà thi hành đạo nghĩa là việc khó. Cho nên thiên hạ mênh mông như vậy mà kẻ phục dịch ông chỉ có bảy mươi người, thi hành được nhân nghĩa thì chỉ có một người (tức Khổng tử). Lỗ Ai Công là hạng vua tồi, quay mặt về phương nam mà trị dân, thì dân trong nước không ai dám không thuần phục, vậy dân vốn phục tòng quyền thế mà quyền thế quả là dễ khiến cho người ta phải phục. Cho nên Trọng Ni mới phải làm bề tôi, Ai Công ngược lại, được làm vua. Trọng Ni (thờ Ai Công) đâu phải là khen đạo nghĩa của Ai Công mà chỉ là phục tòng cái thế của ông ta thôi. Xét về đạo nghĩa thì Trọng Ni không phục Ai Công, mà nhờ cái thế, Ai Công bắt Trọng Ni phải làm bề tôi mình. Nay bọn học giả đi du thuyết các vua chúa không khuyên họ dùng cái thế tất thắng, mà lại bảo: “Trọng nhân nghĩa thì lập được nghiệp vương”, như vậy là đòi bậc vua chúa phải (có đức) như Trọng Ni hết, mà phàm nhân trong đời đều phải như (bảy chục) môn sinh của ông hết. Đó là điều nhất định không thể được. 

°

Nay có đứa con hư, cha mẹ giận, la nó, nó không sửa tính, người trong làng trách nó, nó cứ trơ trơ, thầy dạy nó, nó cũng không chừa.

Lòng yêu của cha mẹ, hành động của người trong làng và lời giáo huấn sáng suốt của thầy dạy, có đủ ba cái đẹp đẽ đó mà chung qui không động đến được một sợi lông ở ống chân của nó. Khi quan lại ở châu bộ đem binh tới thi hành phép nước, lùng bắt kẻ gian, lúc đó nó mới hoảng sợ, thay đổi tính khí hạnh kiểm. Vậy lòng yêu của cha mẹ không đủ để dạy con, phải đợi có nghiêm hình của châu bộ mới được, vì dân vốn được yêu thì nhờn, phải dùng uy lực mới chịu nghe. Thành cao mười nhẫn (bảy hay tám chục thước), dẫu Lâu Quí[12] cũng không vượt qua được vì nó dựng đứng; ngọn núi cao ngàn nhẫn thì con cừu què cũng dắt lên đó chăn được vì dốc thoai thoải[13]. Cho nên bậc minh chủ mới đặt ra hình pháp nghiêm khắc. Tấm vải dài một tầm hay một thường[14]

Ngày nay không vậy: ban tước cho kẻ có (quân) công nhưng lại khinh thị quan (võ); thưởng kẻ gắng canh tác nhưng lại coi rẻ nghề nông; kẻ mình không thu dùng được (tức bọn ẩn sĩ) thì bỏ ra ngoài, nhưng lại đề cao là biết khinh thế tục; kẻ nào phạm cấm thì bị tội, nhưng lại khen là dũng cảm (trỏ bọn hiệp sĩ). Khen chê, thưởng phạt trái ngược nhau như vậy cho nên pháp luật, cấm lệnh bị huỷ hoại mà dân càng loạn. Ngày nay ai đánh kẻ xâm phạm đến anh em mình thì được khen là người có góc cạnh (có khí tiết): ai thấy bạn bị nhục mà trả thù cho bạn thì được khen là trung trinh. Cái phẩm hạnh có góc cạnh, trung trinh mà thành thì pháp độ của vua bị vi phạm. Bậc vua chúa tôn trọng cái hạnh góc cạnh, trung trinh mà quên cái tội phạm cấm, cho nên dân ganh nhau xem ai mạnh mà quan lại không kiềm chế họ được. Không phải làm lụng khó nhọc mà có ăn có mặc thì khen là có tài năng; không có chiến công mà có chức vị tôn quí thì khen là hiền đức. Tài năng và hiền đức như vậy mà thành thì binh lực trong nước phải yếu mà đất bị bỏ hoang. Bậc vua chúa ưa thích cái hạnh tài năng hiền đức đó mà quên cái hoạ binh nhược đất hoang, như vậy là cái hạnh riêng được thành lập mà cái ích công bị tiêu diệt.

°

Bọn nho sĩ dùng văn làm loạn pháp luật, bọn hiệp sĩ dùng võ phạm cấm, mà bậc vua chúa đều tôn trọng, do đó mới sinh loạn. Hễ trái phép thì bị tội, nhưng các “tiên sinh”[15] lại nhờ văn học mà được dùng; phạm cấm thì bị giết, nhưng các hiệp sĩ chuyên ám sát lại được nuôi. Vậy người mà pháp luật cho là trái thì vua lại dùng, kẻ mà quan lại giết thì bề trên lại nuôi. Pháp luật, thu dụng, trên, dưới bốn cái đó trái nhau, không có gì nhất định, như vậy dù có mười ông Hoàng Đế cũng không làm cho nước trị được. Vậy kẻ thi hành nhân nghĩa là không nên khen, khen thì hại cho sự nghiệp; kẻ chuyên về văn học là không nên dùng, dùng thì loạn pháp. Nước Sở có người được tiếng là “ngay thẳng”, cha ăn trộm cừu, anh ta đi báo quan. Quan lệnh doãn ra lệnh: “giết nó đi”, vì anh ta ngay thẳng đối với vua mà có lỗi với cha, cho nên tuy báo quan mà bị giết. Do đó mà xét, người bề tôi chính trực đối với vua là đứa con hung bạo đối với cha. Nước Lỗ có kẻ theo vua ra trận, ba lần đánh ba lần chạy. Trọng Ni hỏi nguyên do, người đó đáp: “Tôi có cha già, tôi chết thì không ai nuôi”. Trọng Ni khen là hiếu, tiến cử người đó với vua Lỗ. Do đó mà xét, người con hiếu với cha là kẻ bề tôi phản vua. Cho nên quan lệnh doãn nước Sở giết kẻ tố cáo cha, mà không ai tố cáo kẻ gian với bề trên nữa; Trọng Ni thương kẻ bỏ chạy khi ra trận mà dân nước Lỗ dễ thua trận, hàng giặc; cái lợi của người trên kẻ dưới khác nhau như vậy đó. Bậc vua chúa muốn vừa khen hạnh tốt của nhân dân vừa mưu cái phúc cho xã tắc thì tất không thể được. Đời xưa, ông Thương Hiệt đặt ra chữ viết, dùng cái hình như cái vòng khép, gọi là chữ “tư” (nghĩa là riêng), trái với “tư” thì gọi là “công” (chung)[16], vậy ông Thương Hiệt đã biết rằng công và tư trái với nhau rồi. Ngày nay coi công và tư, lợi hại như nhau, là do cái hoạ của sự không biết thẩm sát. Như vậy thì đối với người dân thường, lợi hơn hết là làm điều nhân nghĩa và luyện tập văn học. Làm điều nhân nghĩa thì được tin cậy và sẽ được giao cho chức vụ; luyện tập văn học thì thành ông thầy giỏi và sẽ được vinh hiển, đó là điều tốt đẹp đối với người dân thường. Nhưng không có quân công mà được giao cho chức vụ, không có tước mà được vinh hiển, theo chính sách đó, nước tất loạn, vua tất nguy. Hai cái đó không thể dung nhau được, không thể lưỡng lập được. Thưởng người chém được đầu quân địch mà đồng thời lại đề cao hành vi nhân từ; ban tước lộc cho người phá được thành địch mà đồng thời lại tin thuyết kiêm ái; chế tạo áo giáp cho chắc và luyện binh cho nghiêm để phòng hoạn nạn mà đồng thời lại thích y phục của nhà Nho; trông cậy vào nông dân để cho nước giàu, trông cậy vào quân lính để cự địch mà đồng thời lại trọng kẻ sĩ chuyên về văn học; ruồng bỏ hạng dân biết kính bề trên, biết sợ pháp luật mà nuôi bọn hiệp khách ám sát kẻ thù riêng, hành động như vậy mà mong cho nước được trị và mạnh là điều không thể được. Thời bình nuôi nho sĩ và hiệp khách, thời loạn lại dùng binh sĩ như vậy là kẻ được ân huệ(?). Vì vậy mà kẻ nhiệm sự bỏ bê công việc mà kẻ du học mỗi ngày mỗi đông, do đó mà đời hoá loạn. 

°

Người đời mà gọi là hiền thì giữ khí tiết và có tín nghĩa; người đời mà gọi là trí thì lời nói tinh vi tế nhị. Lời nói tinh vi tế nhị thì ngay bậc rất thông minh cũng khó hiểu được. Nay, làm pháp luật cho quần chúng mà dùng những lời ngay bậc rất thông minh cũng khó hiểu được thì quần chúng biết đâu mà rờ. Tấm cám mà còn không có đủ ăn cho no thì đâu có nghĩ tới gạo thơm, thịt bổ; quần áo cụt mà không được lành lặn thì đâu có nghĩ tới gấm thêu. Chính sách trị nước, việc gấp kia mà chưa làm xong thì việc hoãn, tính tới làm gì. Làm chính trị lo việc trong dân gian, mà điều dân thường hiểu rõ được thì lại không dùng, đi hâm mộ ngôn luận của bọn thượng trí, như vậy là trái ngược với việc trị dân. Cho nên những lời tinh vi tế nhị, không phải là cái cần thiết cho dân chúng. Nếu khen hành vi giữ khí tiết có tín nghĩa là hiền thì tất quí kẻ sĩ không dối trá, mà quí kẻ sĩ không dối trá thì tất cũng không có cái thuật làm cho người không lừa gạt mình được[17]. Người áo vải giao du với nhau, không vì ham của cải hoặc sợ uy thế của nhau, cho nên mới cầu kẻ sĩ không dối trá. Còn bậc vua chúa đã ở vào cái thế chế ngự được người, mà lại giàu có làm chủ cả một nước, thưởng hậu, phạt nặng, nắm hai quyền (thưởng, phạt) đó để làm sáng tỏ cái mà thuật của mình soi đến được (tức để biết rõ được kẻ gian tà), thì tuy có bề tôi như Điền Thường, Tử Hãn[18] cũng không dám dối mình, vậy thì còn cần gì tới kẻ sĩ không dối trá? Kẻ sĩ giữ khí tiết có tín nghĩa (cả nước) không được tới mười người mà số quan lại trong cõi thì có tới trên trăm, nếu cứ phải hạng sĩ giữ khí tiết có tín nghĩa mới được bổ dụng thì kiếm đâu cho đủ người làm quan? Không có đủ người làm quan thì kẻ cai trị ít mà kẻ làm loạn nhiều. Cho nên cái đạo của bậc minh chủ là cứ nhất thiết theo pháp luật mà không cần có người trí, cứ nắm vững lấy thuật mà không hâm mộ kẻ trung tín, như vậy pháp luật không bị huỷ hoại mà quan lại không sinh ra gian trá. 

°

Ngày nay bậc vua chúa, đối với ngôn luận (của bọn du sĩ) chỉ thích lời nói khéo mà không xét xem có thích đáng hay không; đối với hành vi (của bọn du sĩ) thì chỉ trọng hư danh của họ chứ không xem họ có công (cày ruộng hay đánh giặc) không, vì vậy mà dân trong thiên hạ hễ đàm luận thì chỉ vụ ăn nói cho khéo chứ không nghĩ đến thực dụng. Cho nên bọn dẫn chứng tiên vương, nói chuyện nhân nghĩa đầy cả triều đình mà quốc chính không khỏi loạn; kẻ lập thân chỉ tranh nhau cái tiếng thanh cao[19], không cầu cái công dụng thực tế, do đó bọn trí sĩ lui về ở ẩn trong hang núi, từ bỏ tước lộc không nhận mà binh lực không khỏi suy nhược. Binh lực không khỏi suy nhược, quốc chính không khỏi loạn, nguyên do ở đâu? Ở chỗ cái mà dân chúng khen, nhà vua trọng đều là những học thuyết làm loạn nước. Nay nhân dân trong nước đều bàn về chính trị, chứa cất những sách về pháp luật của Thương Ưởng, Quản Trọng, mà nước càng nghèo, là vì kẻ bàn về nông nghiệp thì đông mà kẻ cầm cày lại ít. Trong nước ai cũng bàn về việc binh, chứa cất những sách về binh pháp của Tôn Tử, Ngô Tử[20], mà binh lực càng yếu là vì kẻ nói chuyện đánh giặc thì đông mà kẻ bận áo giáp lại ít. Cho nên bậc minh chủ chỉ dùng thực lực chớ không nghe lời nói suông, thưởng công lao mà nhất định cấm cái vô dụng, như vậy dân mới tận lực đến chết để theo bề trên. Cày ruộng là việc rất lao khổ mà dân làm vì biết rằng có vậy mới giàu được, đánh giặc là việc rất nguy hiểm mà dân làm vì biết có vậy mới sang được. Nếu trau dồi văn học, tập tành ngôn luận, không cày cấy khó nhọc mà được giàu có, không nguy hiểm đánh giặc mà được tôn quí thì ai chả muốn làm như vậy? Kết quả là một trăm người dùng trí chỉ có một người dùng sức, người dùng trí mà đông thì pháp luật bại hoại, kẻ dùng sức mà ít thì nước nghèo, do đó mà đời hoá loạn. Cho nên một nước có minh chủ thì không dùng văn học trong sách[21] chỉ lấy pháp luật mà dạy dân, không dùng lời của các “tiên sinh”[22], chỉ dùng quan lại làm thầy (dạy pháp luật), không có bọn hiệp khách hung hãn, cho chém được đầu giặc mới là dũng cảm. Nhờ vậy dân trong nước hễ đàm luận là căn cứ vào pháp luật, hễ hành động là hướng về sự lập công, sự dũng cảm đem dùng hết vào việc quân, mà thời bình thì nước giàu, lúc có giặc thì binh mạnh. Đó là cái vốn[23] để  lập vương nghiệp. Súc tích cái vốn đó, thừa lúc địch sơ suất thì sự nghiệp sẽ vượt ngũ đế, bằng tam vương[24]. Theo phép đó nhất định phải thành công.

°

Ngày nay khác hẳn. Bên trong thì sĩ dân làm theo ý mình, bên ngoài thì bọn biện sĩ mượn quyền gây thế lực, trong ngoài đều làm điều gian ác để đợi cường địch, như vậy chẳng nguy ư? Cho nên quần thần bàn về đối ngoại, nếu không chia ra hai phe hợp tung và liên hoành thì cũng nhân có mối thù với nước khác mà mượn sức nước mình để trả thù[25]. Hợp tung là liên hợp các nước yếu  (tức lục quốc Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề) để đánh một nước lớn (tức nước Tần); liên hoành là thờ một nước mạnh để đánh các nước yếu, hai phe đó đều không duy trì được quốc gia. Bọn bề tôi nói chuyện liên hoành đều bảo: “Không thờ nước lớn thì tất bị địch xâm lược”. Thờ nước lớn đâu phải là nói suông, tất phải đem bản đồ nước mình và ấn của các quan giao cho nước lớn xin họ phân phát. Dâng bản đồ thì nước bị cắt xén, giao ấn thì danh phận bị hạ thấp; đất đai bị cắt xén thì nước yếu đí, danh phận bị hạ thấp thì chính trị hỗn loạn. Vậy là theo chủ trương liên hoành để nhờ nước lớn, lợi chưa thấy mà đã mất đất và loạn chính. Bọn bề tôi nói chuyện hợp tung đều bảo: “Không cứu nước nhỏ mà đánh nước lớn thì thiên hạ sẽ bị thôn tính, mà thiên hạ mất thì nước mình nguy, nước nguy thì vua hoá thấp hèn”. Cứu nước nhỏ đâu phải là nói suông, phải đem binh đánh nước lớn. Cứu nước nhỏ chưa chắc đã bảo tồn được nước đó mà đánh nước lớn vị tất đã không có sự sơ hở (?), có sự sơ hở thì sẽ bị nước mạnh chế ngự. Xuất quân thì quân thua, lui về cố thủ thì thành bị phá. Vậy là theo chủ trương hợp tung để cứu nước nhỏ, lợi chưa thấy mà đã mất đất, thua quân. Kẻ chủ trương thờ nước mạnh chỉ mong nhờ thế lực nước ngoài để có quan chức lớn ở trong nước[26]; kẻ chủ trương cứu nước nhỏ chỉ mong mượn thế lực của nước mình mà cầu lợi ở nước ngoài[27]. Quốc gia chưa được lợi gì mà họ đã được đất phong, lộc hậu; địa vị của vua bị hạ thấp mà quyền thế của bề tôi lại thêm cao, đất đai của quốc gia bị cắt xén mà nhà riêng (của bề tôi) thì giàu thêm. Việc thành thì họ nắm quyền mà được trọng dụng hoài; việc hỏng thì họ cũng giàu có rồi, lui về mà hưởng. Còn bậc vua chúa nghe lời họ, việc chưa thành, tước lộc của họ đã thêm cao, việc hỏng thì lại không giết họ, thành thử kẻ sĩ du thuyết không người nào không dùng những lời hão huyền để cầu may, được tước lộc. Tại sao lại nghe những thuyết hão huyền đó để cho nước tan, vua chết? Tại vua chúa không hiểu rõ cái lợi công và tư, không xét kĩ xem lời nói của bọn biện sĩ có thích đáng hay không, mà sau khi thất bại rồi, lại không giết, trị tội bọn họ. Những kẻ chủ trương liên hoành và hợp tung đó đều nói: “Việc đối ngoại (nghĩa là theo liên hoành hay hợp tung) thành công lớn thì có thể thành bá vương, nhỏ thì nước cũng được yên”. Làm bá vương thì có thể tấn công người, mà nước yên thì không bị người tấn công. Nhưng cái sự mạnh và trị thì không thể trông vào việc ngoại giao, nó tùy nội chính (tốt hay không). Không thi hành pháp luật ở trong nước mà cứ trông vào mưu trí đối ngoại, thì không thể trị và mạnh được. Tục ngữ có câu: “Tay áo dài thì khéo múa, tiền của nhiều thì khéo buôn”, nghĩa là có nhiều vốn thì dễ thành công. Nước trị và mạnh thì dễ mưu sự, nước yếu và loạn thì khó thiết kế. Cho nên dùng ở nước Tần (nước mạnh), mưu có thay đổi mười lần cũng ít thất bại; dùng ở nước Yên (nước yếu), mưu chỉ một lần thay đổi mà cũng ít thành công; không phải vì mưu dùng ở Tần đều khôn cả, mưu dùng ở Yên đều ngu cả, chỉ vì cái “vốn” trị hay loạn khác nhau đấy thôi. Cho  nên Chu li khai Tần mà theo hợp tung, mới một năm đã bị diệt, Vệ li khai Ngụy mà theo liên hoành, mới nửa năm đã mất. Chu vì hợp tung mà bị diệt, Vệ vì liên hoành mà mất nước. Giá Chu và Vệ khoan tính cái kế hợp tung hay liên hoành, mà gấp lo việc trị nước, làm cho phép lệnh nghiêm minh, thưởng phạt xác định, khai phá hết đất đai để súc tích cho nhiều khiến cho dân xuất tự lực ra giữ thành trì, thì thiên hạ dù có chiếm đất mình, lợi cũng không được bao, công phá được đất mình thì tổn thất cũng nặng, như vậy một nước vạn cỗ xe không dám đóng binh ở dưới thành kiên cố của mình, mà chế ngự chỗ yếu kém của mình (?) đó là cái thuật chắc chắn giữ được nước cho khỏi mất. Bỏ cái thuật chắc chắn giữ được nước cho khỏi mất mà làm cái việc nhất định cho nước tới diệt vong, đó là lỗi của kẻ trị nước. Kết quả là mưu trí lúc ngoại giao bị khốn ở ngoài mà chính trị thì loạn ở trong như vậy tất mất nước, không sao cứu được.

°

Nhân dân bao giờ cũng tìm sự an toàn, lợi ích mà tránh sự nguy nan, khốn cùng. Nay ta bắt họ ra trận, tiến lên thì chết vì địch mà lui về thì bị giết, đằng nào cũng nguy. Bỏ việc nhà cửa làm ăn mà tìm cái công lao hãn mã[28], nhà lâm cảnh khổ mà bề trên không xét cho thì tất phải khốn cùng. Chỗ nào khốn cùng và nguy nan thì làm sao dân không tìm cách tránh? Cho nên họ thờ các tư gia có thế lực để được miễn quân dịch mà xa trận mạc, xa trận mạc thì được yên. Họ dùng hối lộ nhờ nhà cầm quyền để được cái họ muốn, được cái họ muốn thì có lợi. Chỗ nào yên ổn và có lợi thì sao dân không ùa tới? Do đó mà dân lo việc công thì ít mà dân lo việc tư thì nhiều. Chính sách trị nước của bậc minh chủ là khiến cho bọn thương nhân, công nhân và du thủ du thực ít và bị khinh để cho dân đổ xô vào các nghề gốc (trồng trọt, cày cấy) mà bỏ các nghề ngọn (công và thương). Nay lời xin của bọn thân cận với vua chúa được chấp nhận, thì quan tước có thể mua được, quan tước có thể mua được thì công nhân và thương nhân không còn thấp hèn nữa. Của gian và đồ gian được dùng ở chợ, thì thương nhân tất nhiều. Tiền của họ tích tụ được nhiều gấp bội nhà nông, mà địa vị của họ lại cao hơn nông gia và chiến sĩ, như vậy thì chiến sĩ[29] tất ít, mà bọn con buôn phải nhiều. Cho nên nước loạn có cái thói: bọn học giả thì khen đạo tiên vương, tạ khẩu là trọng nhân nghĩa, trau chuốt dung mạo và y phục, lời ăn tiếng nói để làm loạn pháp độ đương thời, làm mê hoặc lòng vua chúa; bọn du sĩ thì dùng thuyết gian trá mượn thế lực của nước ngoài để đạt được tư lợi, làm thiệt hại cho quốc gia, bọn đeo gươm thì tập hợp đàn em, lập tiết tháo để nổi danh mà phạm cấm lệnh của năm chức quan[30] (tức của triều đình) bọn thị thần nịnh bợ, tích tụ tài sản, ăn hối lộ, mượn cái thế của nhà cầm quyền mà xin miễn dịch (cho kẻ hối lộ cho họ), còn bọn thương gia và công nhân thì sửa lại[31] những đồ xấu xí, tích trữ những vật thường dùng[32] để đợi thời (bán đắt giá mà) bóc lột cái lợi của nông phu. Năm hạng người đó là mọt của nước, bậc vua chúa không trừ chúng, không nuôi chiến sĩ thì trong thiên hạ có quốc gia bị tàn phá suy vong, có triều đại bị tiêu diệt, cũng không có gì lạ! 

 

Chú thích:

[1] Ông Cổn là cha của ông Vũ, người sáng lập nhà Hạ. Vua Thuấn sai ông Cổn trị lụt không thành công, bị giết; sau ông Vũ trị lụt, vua Thuấn truyền ngôi cho. Đừng lộn ông Vũ này với ông Võ của nhà Chu đời sau.

[2] Tục nước Sở, tháng hai có lễ “lâu”, đông chí có lễ “lạp” để tế thần.

[3] Vì ở núi ít nước, nước hoá quí.

[4] Phong và Cảo đều ở Thiểm Tây, nhà Chu mới đầu đóng đô ở đất Cảo.

[5] Một con sông phát nguyên từ Thiểm Tây, chảy vào Hồ Bắc rồi đổ vào sông Dương Tử.

[6] Tương truyền vua Yển vương vì thương dân không kháng cự nên Sở chiếm được nước Từ.

[7] Cung Công là một bộ lạc thời thượng cổ, trước thời vua Vũ đã có lần xâm phạm Trung Nguyên, thời vua Vũ cũng có thể gây chiến với Trung Nguyên nữa, nhưng không thấy sử chép việc đó.

[8] Theo các nhà khảo cổ gần đây thì thời đó chưa có sắt, cuối đời Xuân Thu mới có.

[9] Nguyên văn: “thị dân như phụ mẫu”. Câu này theo Trần Khải Thiên tỉnh lược mấy chữ (… như phụ mẫu) chi phụ mẫu.

[10] Nguyên văn: bất thính kì khấp là không theo sự khóc lóc.

[11] Tức thất thập nhị hiền.

[12] Một người nổi tiếng chạy nhanh thời xưa.

[13] Nguyên văn là di, có sách giảng là phẳng, có sách giảng là phẳng lần lần.

[14] Một tầm là tám thước, một thường là hai tầm, thước hồi đó bằng khoảng một gang tay.

[15] Chữ “tiên sinh” mới đầu trỏ các danh sĩ khắp nơi tụ tập ở Lâm Tri (Tề) mà được vua Tề trọng đãi (coi phần I), ở đây trỏ hạng người mà ngày nay chúng ta gọi là học giả.

[16] Coi chú thích phần III chương IV

[17] Chúng ta nên nhớ Hàn Phi chủ trương vua phải dùng thuật để chế ngự bề tôi.

[18] Điền Thường hay Điền Thành, Điền Hằng, một đại phu nước Tề đời Xuân Thu, giết vua Tề là Giản Công để lập Bình Công. Sau con cháu ông ta cướp luôn ngôi vua nước Tề - Tử Hãn chưa rõ là ai, có lẽ là một Đại phu nước Tống.

[19] Ám chỉ bọn Đạo gia ở ẩn.

[20] Tôn Tử tức Tôn Võ, người nước Tề, giỏi binh pháp, tác giả một bộ binh thư nổi tiếng. Ngô Tử tức Ngô Khởi, một danh tướng đời Chiến Quốc, gốc nước Vệ, làm quan ở Lỗ, Ngụy, Sở, mấy lần thắng được Tần.

[21] Tức các Thi, Thư, điển tích của Nho gia.

[22] Tức các học giả (như các Tắc hạ tiên sinh). Có sách chép là tiên vương.

[23] Tức nước giàu binh mạnh.

[24] Ngũ đế là Hoàng đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Nghiêu, Thuấn.

Tam vương là vua đời Tam đại: Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn vương.

[25] Như trường hợp Ngũ Viên, người nước Sở, cha là Ngũ Xa bị vua Sở giết, ông qua nước Ngô, thuyết phục vua Ngô là Hạp Lư đánh nước Sở để báo thù cho cha.

[26] Khuyên vua thờ nước mạnh mà vua nghe thì họ được nước mạnh trọng dụng, thăng quan, phong đất cho.

[27] Khuyên vua cứu nước nhỏ mà vua nghe thì họ được nước nhỏ mang ơn, tặng cho tiền của, bảo vật.

[28] Công lao lập trên lưng con ngựa toát mồ hôi, tức chiến công.

[29] Nguyên văn là cảnh giới chi sĩ nghĩa là kẻ sĩ ngay thẳng, nhưng ý đồ không hợp với tiền hậu vận, cho nên một số học giả ngờ là chiến giới chi sĩ (chiến sĩ) hoặc canh chiến chi sĩ (nông gia và chiến sĩ).

[30] Năm chức đó là: tư đồ, tư mã, tư không, tư sĩ và tư khấu.

[31] Tức như ta nói: đánh bóng lại cho có vẻ mới, trông được.

[32] Nguyên văn: phất mị tài, có sách giảng là tiền của vô dụng hoặc vô hạn. Chúng tôi thấy không xuôi nên theo Trần Khải Thiên: phất mị tài - bất gia hoá - tiện nghi hoá.