Hàn Phi Tử

THIÊN XIII

Người nước Sở là ( Biện) Hòa tìm được trong núi Sở một khối ngọc sống, đem dâng vua Lệ vương[1]. Lệ vương sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc bảo chỉ là một cục đá. Lệ vương cho (Biện) Hòa là nói láo, ra lệnh chặt chân trái ông ta. Khi Lê vương mất, Võ vương[2] nối ngôi, (Biện) Hòa lại dâng ngọc lên. Võ vương lại sai thợ ngọc xem, thợ ngọc lại bảo chỉ là đá. Võ vương lại cho là Biện Hòa nói láo, ra lệnh chặt chân phải ông ta, Võ vương chết, Văn vương[3] lên nối ngôi, (Biện) Hòa ôm khối ngọc mà khóc ở chân núi Sở ba ngày đêm, hết nước mắt thì khóc ra máu. Văn vương hay tin, sai người hỏi nguyên do:

- Trong thiên hạ có nhiều người bị chặt chân, sao mà riêng ông khóc lóc bi thảm đến vậy?

(Biện) Hòa đáp:

- Tôi không đau xót vì bị chặt chân mà vì nỗi: thiệt là ngọc mà lại bảo là đá, kẻ sĩ ngay thẳng mà lại bảo là nói láo, tôi đau xót vì lẽ đó.

Nhà vua bèn sai thợ mài khối ngọc đó, được một hòn ngọc quí, và đặt tên là: “ngọc bích Biện Hòa”. 

°

Châu ngọc là thứ mà nhà vua muốn có gấp, dù Biện Hòa dâng một khối ngọc không tốt thì cũng không hại gì cho nhà vua, thế mà phải bị chặt hai chân rồi khối ngọc mới được nhận là quí; nhận ra được của báu, khó như vậy đó. Ngày nay bậc vua chúa cần có pháp thuật để ngăn cấm quần thần, sĩ dân, gian tà chưa chắc đã gấp như cầu có ngọc bích Biện Hòa[4]; sở dĩ kẻ sĩ có đạo ( tức có pháp thuật) chưa bị giết là vì họ chưa dâng thứ ngọc lập nên nghiệp đế vương (tức pháp thuật) cho vua vậy. Vua chúa dùng thuật thì đại thần không thể tự chuyên, kẻ thân cận không dám bán quyền chức; quân thi hành pháp luật thì bọn du thủ du thực vội quay về nghề nông, bọn sĩ du thuyết phải chịu cảnh nguy hiểm ngoài mặt trận[5]. Vậy thì pháp thuật là cái quần thần, sĩ dân cho là tai họa; bậc vua chúa nếu không phản đối lời bàn bạc của đại thần, không bất chấp lời chê bai của nhân dân, cứ làm đúng theo đạo thì kẻ sĩ có pháp thuật dù chết, đạo[6] vẫn không được chấp nhận. 

°

Xưa Ngô Khởi dạy[7] Sở Điệu vương về tục (tình hình) nước Sở: “Quyền thế của đại thần lớn quá, các vị hầu được phong đất nhiều quá, như vậy họ áp bức chúa ở trên, ngược đãi dân ở dưới, nước tất nghèo mà binh tất yếu. Chi bằng đối với con cháu các vị hầu được phong đất, cứ ba đời thì thu tước lộc lại, tài giảm lương bổng của thư lại, bỏ các chức quan không cần thiết đi để có tiền nuôi các chiến sĩ được chọn và huấn luyện kĩ”. Điệu vương mới thi hành kế hoạch đó được một năm thì chết và Ngô Khởi bị chặt tay chân ở Sở. Thương quân (tức Thương Ưởng) dạy Tần Hiếu công thi hành phép ngũ gia và thập gia liên bảo, nhà nào có tội, nhà khác phải tố cáo, nếu không thì bị liên lụy; đốt thi thư[8] mà làm rõ pháp luật; chặn những lời thỉnh cầu của tư gia mà thưởng những người có công lao với đất nước; cấm bọn đi nơi này đi nơi khác xin xỏ làm quan, hiển dương nông dân và chiến sĩ. Hiếu Công thi hành kế hoạch đó mà vua được tôn sùng, yên ổn, nước được phú cường, tám năm[9] sau chết, Thương quân bị xe xé thây ở nước Tần. Sở không dùng Ngô Khởi mà bị mất đất và loạn. Tần thi hành phép của Thương quân mà phú cường. Lời hai ông ấy đều đúng mà Ngô Khởi bị chặt chân tay. Thương quân bị xe xé thây là tại sao? Tại bọn đại thần oán[10] pháp thuật mà dân chúng ghét sự cai trị. Đời nay, đại thần tham quyền, dân chúng quen cảnh loạn còn hơn Tần và Sở thời xưa nữa, mà bậc vua chúa không có ai nghe lời phải như Điệu vương, Hiếu Công, như vậy kẻ sĩ giỏi pháp thuật làm sao được mạo hiểm cái nguy của hai ông ấy mà làm sáng tỏ pháp thuật của mình được? Do đó mà đời nay mới loạn mà không ai thực hiện nghiệp bá vương được.


[1], [2], [3] Có sách chép là Văn vương, Vũ vương và Thành vương.

[4] Chỗ này ngờ mất một câu.

[5] Nghĩa là phải đánh giặc, không nói nhảm nữa. Có sách giảng là bọn sĩ du thuyết không dám nói bậy về chiến tranh nữa.

[6] Đạo đây là pháp thuật.

[7] Nguyên văn là "giáo": có lẽ Hàn Phi muốn tỏ lòng kính trọng Ngô Khởi và Thương Ưởng.

[8] Sử không chép việc này, chỉ chép việc Tần Thuỷ Hoàng nghe lời Lý Tư mà đốt sách thôi. Thi thư là sách của Nho gia.

[9] Mười tám năm thì đúng hơn; chắc thiếu chữ thập.

[10] Nguyên văn là khổ pháp, có sách giảng là khổ vì pháp thuật.