(Chúng tôi cắt bỏ đoạn giữa Hàn Phi dẫn chứng hơn một chục cổ nhân – như Ngũ Tử Tư, Khổng Tử, Quản Trọng, Y Doãn, Văn Vương, Tỉ Can, Tôn Tử, Ngô Khởi, Thương Ưởng….đều là “bậc hiền tài, trung lương, có đạo thuật, vì chẳng may gặp một ông vua hung bạo, hôn ám mà phải chết” Cuối cùng Hàn Phi kết luận:)
Vậy tuy là hiền thánh cũng không thoát chết, không tránh khỏi bị lăng nhục. Tại sao vậy? Tại khó thuyết phục được kẻ ngu.[2] Lời nói phải thì trái tai, phật ý, không phải là hiền nhân, thánh nhân thì không chấp nhận được. Xin đại vương xét kỹ cho.
Nhận định: Vì đoạn cuối có câu “Tại khó thuyết phục được kẻ ngu” nên nhiều học giả ngờ rằng thiên này không phải là một bài biểu do Hàn Phi viết, mà do người sau ngụy tạo. Nhưng có nhà như Léon Vandermeersch (trong sách đã dẫn, trang 183) lại bảo chính giọng phạm thượng đó chứng tỏ rằng thiên đó của Hàn Phi, chứ nếu người sau viết thì tất không dám cho Hàn Phi mạt sát vua là “kẻ ngu” như vậy. Và ông đoán rằng bài biểu đó không phải để dâng lên vua Hàn, mà để gởi Tần Thủy Hoàng khi Hàn Phi biết chắc rằng mình không thoát chết, chẳng cần giữ ý nữa. Chúng tôi ghi lại cả hai ý kiến. Thực hư ra sao, chưa dám quyết đoán.
[1] Nguyên văn: Đại vương nhược dĩ thử bất tín, tắc tiểu giả dĩ vi hủy, tỉ phỉ báng, đại giả hoạn họa tai hại tử vong cập kì thân. Có sách giảng là: nếu đại vương không tin lời người nói thì người nói ít ra cũng bị cho là có ý hủy báng, nhiều hơn thì bị tai họa chết chóc đến mình.
[2] Ở đây có bản thêm 6 chữ: cố quân tử bát thiểu dã; ngờ rằng sai.