Mùng 4 tháng 10. Ngày đó cậu Hai sẽ cưới vợ, cưới cô Lê con gái ông Chánh-bái, mặt mày trắng tươi, tay chưn bóng lưởng, áo quần tốt đẹp, bộ tướng oai-nghiêm. Mình phải kêu người ấy bằng “mợ hai”. Hai đứa nhỏ phải kêu bằng... bằng “dì”. Mợ hai sẽ sai khiến mình, sẽ rầy mình mà có lẽ cũng rầy..., cũng đánh hai đứa nhỏ được nữa. Mình ở ăn tiền công thì bà chủ nhà sai mình, rầy mình tự-nhiên mình phải chịu.
Mà đánh hoặc rầy Chỉ với Ðồ, cha chả cái đó mình không thể chịu nổi. Mấy tháng nay mình tắm rửa cho Chỉ. mình giặt quần áo cho Chỉ ăn bận sạch-sẽ luôn luôn. Mấy tháng nay mình hoạn-dưỡng Ðồ, mỗi bữa lo cho nó ăn no, lo cho nó ngủ yên, trời lạnh mình đấp, trời nực mình quạt, mình hết lòng săn-sóc, nên Ðể không bịnh lại mau lớn.
Công của mình nhiều quá bây giờ mình để cho người khác đánh hay rầy hai đứa nhỏ, cái đó không thể nào được. Thà là mình trả hai đứa nhỏ lại cho bà với cậu, mình về rồi ai đánh khảo làm sao thì làm, khuất con mắt mình mới khỏi đau lòng, chớ ở đây mà coi người khác hân-hủi, húng-hiếp hai đứa nhỏ thì chắc mình tức mình phải chết.
Ðêm ấy Nên không ngủ, cứ nằm suy nghĩ như vậy hoài. Nên nhứt-định hễ cậu hai Thà cưới vợ thì Nên không ở nữa, xin thôi trước ngày rước dâu. Mà Nên nhớ lại ông Cai-thôn với bà Hưong-bảo nói chuyện cưới cô Lê, thì cậu Hai Thà không có nói gì hết, chắc là cậu không chịu, không chịu là tại sợ cô Lê không thương con cậu hoặc tại cậu thương nhớ người vợ trước nên không đành cưới vợ khác.
Tuy coi ngày mùng 4 tháng 10 thì cưới, song chưa đi nói, chưa bỏ trầu cau, thì có chắc gì đâu mà mình lo dữ vậy? Nghĩ tới đó thì Nên yên lòng. Mấy ngày sau mẹ con bà Hương-bảo không nói tới cô Lê; Nên càng thêm vững ý.
Lối. 25 tháng 8, bà Hương-bảo đi ra xóm ngoài ở một ngày. Chiều bà về bà nói với Thà: “Vợ chồng ông Chánh-bái thiệt là tử-tế. Má ra chơi, hai ông bà mừng lắm theo cầm ở ăn cơm, không cho về. Chú Cai-thôn nói chuyện thì ông bà chịu hết, dễ lắm. Nói mùng 4 tháng 10 cưới, làm gộp một lễ cũng chịu nữa”.
Thà nói:
- Tại sao mà dễ vậy?
- Tại người ta thương con, chớ tại sao, khéo hỏi dữ?
- Tại sao mà thương? Con nghi quá. Con muốn để thủng-thẳng mình dọ lại. Làm lụp chụp quá sợ sau ăn-năn.
- Má đã nói lỡ lời với người ta rồi, dục-dặc sao được.
- Cậy chú Cai-thôn nói lại, có khó gì đâu.
Nghe những lời của bà Huơng-bảo thì Nên não nề, trong lòng lạnh ngắt mà được nghe mấy lời của hai Thà thì lòng Nên ấm lại, song cũng còn lo-ngại ít nhiều.
Cách vài bữa sau, Thà nằm trên võng, Chỉ với Ðồ chạy lại đeo lai bên. Thà đưa hai tay ôm hai con. Chỉ xây mặt Thà mà hun. Thà biểu Ðồ cũng hun như Chỉ vậy. Ðồ hun Thà. Thà ôm nó mà nựng và nói: ”Ðừng có chúng-chứng nghe hôn con. Ít ngày nữa con có dì ghẻ, nếu con chúng-chứng, dì ghẻ đánh đau lắm”. Nên nghe nói mấy lời ấy thì biến sắc. Thôi rồi! Cậu Hai Thà đã nhứt định cưới vợ rồi! Cưới cô Lê! Mình phải xin thôi. Ở nữa làm chi.
Trót mấy ngày Nên buồn hiu, hễ ngó Chỉ hoặc ngó Ðồ thì ứa nước mắt. Mỗi bữa cơm, Nên ngồi lơ-lửng, không muốn và, không muốn nuốt. Ban đêm Nên nằm trăn-trở hoài, ngủ không được, khi ôm Ðồ mà hun, khi ngó Ðồ rồi khóc. Ban ngày hai đứa nhỏ hay giỡn chơi với Nên, mà lúc nầy thấy Nên buồn, chúng nó cũng bớt vui.
Bước qua tháng 9, một buổi trưa, bà Hương-bảo đương ngồi ăn trầu, còn Hai Thà nằm chơi trên bộ ván giữa. Nên bước lại đứng một bên bà Hương-bảo và thỏ-thẻ nói: ”Thưa bà, cháu lên ở với bà ngày mùng 9 tháng 11; đến mùng 9 tới đây là l0 tháng. Hồi mới ở, thì cháu hứa ở giúp bà với cậu hai trong 6 tháng mà thôi. Vì thấy nhà đơn-chiếc, lại cháu mến hai em nhỏ, nên mãn 6 tháng cháu không nỡ xin thôi, cháu rán ở tới ngày nay. Cháu nghe nói bà ngoại cháu lúc nầy trong mình không được giỏi. Vậy cháu xin bà cho phép cháu thôi đặng về nuôi bà ngoại cháu. Cháu xin thôi trước, song nếu bà muốn thì cháu ở tại làm tuần cho mợ Hai xong rồi cháu sẽ về cũng được”.
Hai Thà ngồi dậy ngó Nên mà hỏi:
- Tại sao xin thôi? Có phiền về chuyện gì hay sao?
- Thưa không. Bà với cậu tử-tế quá, có rầy-rà gì đâu mà tôi phiền.
- Không phiền sao lại xin thôi?
- Tôi thôi đặng về nuôi bà ngoại tôi.
- Bà Tư có dâu, có cháu nội, thiếu gì người nuôi bà. Thôi ở rồi sắp nhỏ làm sao?
Nên đứng cạy móng tay, không trả lời nữa.
Bà Hương-bảo tiếp lời:
- Bà mướn thì bà tính mướn năm. Hôm con mới lên, bà có nói. Có lẽ tại con chưa biết tánh bà khó hay dễ hoặc chưa hiểu công việc trong nhà nặng hay nhẹ, lên con không chịu ở năm, con hỏi để ở thử 6 tháng coi rồi sẽ hay. Con ở đủ 6 tháng hôm tháng 5. Bà không thấy con nói gì hết, bà chắc con chịu ở năm, nên bà cũng làm thinh. Nay con lại xin thôi, thiệt con làm bà bối-rối hết sức. Con thôi rồi hai đứa nhỏ làm sao?
- Thưa bà, em Chỉ lớn rồi, em chơi một mình được. Còn em Ðồ bây giờ đã biết đi, biết nói nên cũng không khó gì lắm. Hai em chơi với nhau được, không cần phải có người giữ.
- Sao được? Tuy thằng Ðồ nó trộng, song cũng phải có người coi chừng nó chớ.
- Thưa, ít ngày nữa sẽ có mợ Hai.
- Dầu có mợ Hai, sắp nhỏ chưa quen, nên sợ hai đứa nó buồn. Nhứt là thằng Ðồ nó ngủ với con mấy tháng nay, nó quen hơi rồi, con về sợ nó nhớ. Bà tính cho con ở giúp bà luôn luôn, không dè nửa chừng mà con xin thôi như vầy. Nếu con không muốn ở lâu, thôi thì cũng rán ở giùm cho tới mãn năm rồi sẽ về, chớ thôi nửa chừng như vầy tiền bạc khó tính quá.
- Thưa, bà cho bao nhiêu cũng được, không hệ gì.
- Hay là con chê tiền công ít nên con không chịu ở nữa. Con muốn một năm 36 đồng cũng được. Năm ngoái bà có nói hờ với chị Tư.
- Thưa, không. Bà với cậu Hai thương cháu thì đủ rời. Cháu có chê tiền công ít nhiều gì đâu.
- Vậy chớ con muốn cái gì bây giờ?
- Cháu xin về đặng nuôi bà ngoại cháu.
- Về liền bất tiện cho bà lắm.
- Cháu ở cho tới làm tuần xong rồi cháu mới về.
- Ðám tuần rồi bà còn phải lo dám cưới.
- Ðám cưới còn lâu quá. Chắc cháu không thể ở tới đó được.
- Thôi, con nói vầy, để bà nhắn chị Tư lên bà nói chuyện với chỉ coi.
Nên đi xuống nhà dưới, cặp mắt ướt-rượt.
Hai Thà nói với mẹ: ”Chắc có cái gì dây. Má dọ ý nó lại coi”. Bữa sau bà Tư Phải lên. Bà vẫn mạnh như thường. Bà Hương-bảo thuật chuyện Nên xin thôi. Bà Tư kêu Nên mà hỏi, thì Nên cũng quyết thôi, song hứa ở tới đám tuần rồi sẽ về. Cũng như hồi năm ngoái, bà Tư nói bà không nỡ ép cháu bà ở đợ, nó lớn rồi, nó muốn ở hay về tự ý nó. Bà Hương-bảo không còn pbương-thế nào cầm Nên được nữa, đành phải chịu, chớ không biết làm sao.
Tự mình xin về, chớ không phải tại chủ thôi mướn, thế mà hổm rày Nên xin thôi rồi, tuy cũng làm công việc trong thà, cũng săn-sóc sắp nhỏ như thường, song Nên buồn-bực lung làm, chớ không phải vui-vẻ, hễ nói thì cười như hồi trước nữa. Bà Hương-bảo cũng buồn, mặc dầu trí bà bận lo đám tuần và đàm cưới. Bà buồn vì bà nhớ trong ít ngày nữa trong thì không còn Nên. Tuy nó là đứa ở bà mướn bà trả tiền công, nhưng bà đã mến tánh nặng tình, bà đã coi Nên Như người trong thân, như mẹ nuôi của hai cháu nội bà. Còn Thà thì cứ làm thinh theo tánh quen thuở nay, dường như không để ý đến chuyện Nên xin về, nên cũng không để ý đến chuyện cưới vợ. Cai-Thôn Ðâu vô thôi thúc biểu phải ra thăm bên vợ một lần, cũng như đi làm rể thì Thà nói mắc lo cúng giáp năm cho vợ, để đám tuần xong rồi sẽ hay.
Ðám tuần xong rồi. Chiều lại Nên thưa với bà Hương-bảo đặng sáng bữa sau Nên về Cái-Nhồi. Bà Huơng-bảo tính tiền công, bà nói Nên ở có l0 tháng rưởi, chớ chưa đầy năm, vậy bà trả cho 33 đồng cũng như 11 tháng. Hôm Tết Nên có lãnh l0 đồng, bây giờ còn 23 đồng nữa. Bà biểu Thà lấy bạc trả cho Nên. Thà mở tủ lấy 23 đồng bạc đầu hình còn mới tinh đem xỉa trên ván, biểu Nên đếm lại. Nên bước lại hốt bạc nước mắt chảy ròng ròng; bà Hương-bảo không hiểu tại sao Nên xin thôi ở mà lại khóc. Thà bỏ đi ra sau vườn, dường như không muốn thấy mặt Nên nữa. Ðêm ấy Nên lọ-mọ thức hoài, soạn áo quần của hai đứa nhỏ mà để riêng, còn đồ của Nên thì Nên xếp rồi gói làm một gói, lấy cái khăn cũ gói 23 đồng bạc mà đút vô giữa. Hôm đi chợ đặng cúng tuần, Nên có mua một ve dầu măn mới, chưa khui. Nên lấy ve dầu mà để theo quần áo của sắp nhỏ, tính để lại đặng em có nhức đầu đau bụng thì có sẵn cho chủ thoa cho em. Nên cầm áo quần của sắp nhỏ mà hửi từ cái, không hiểu hửi coi có hôi hay không hay là hửi đặng lấy hơi .
Soạn áo quần thì Nên khóc, mà chừng vô mùng ngủ đêm chót với Ðồ, nước mắt Nên cũng cứ tuôn dầm-dề, chặm ướt cả hai tay áo. Nên nói sáng bữa sau Nên về. Nhưng mà sáng Nên cũng quét nhà, rồi cũng rửa mặt thay áo cho hai đứa nhỏ, rồi cũng xách nồi lấy gạo nấu cơm như mỗi bữa.
Ăn cơm rồi Nên cũng chưa về. Bà Hương-bảo biết Nên bịn-rịn hai dứa nhỏ, bà không dám nhắc tới lại thầm vái cho Nên động lòng mà ở lại đặng săn-sóc sắp nhỏ. Ðến trưa, bà Hương-bảo nằm chơi, nhờ gió phất mát bà ngủ quên. Thà đi ra đầu trần, không nói đi đâu.
Nên dắt Chỉ với Ðồ ra sau vườn. Nên ngồi dưới bụi chuối hột rậm-rạp, mát-mẻ, hai đứa nhỏ đứng hai bên. Nên gộp ôm hai đứa nhỏ vào lòng rồi khóc và nói: ”Thể nào lát nũa chị cung xa hai em. Chị thương hai em cũng như con của chị đẻ vậy. Nhưng chị không ở nuôi hai em nữa được. Chị phải về, có lẽ từ nầy về sau hai em không còn thấy mặt chị... Ít bữa nữa hai em sẽ có người khác săn-sóc hai em... Hai em kêu người đó là mẹ, hoặc dì chớ không phải kêu bằng chị như kêu chị đây vậy. Mà mẹ đó là mẹ ghẻ, dì đó là dì ghẻ, chị sợ họ không thương hai em như chị vậy đâu. Em Chỉ lớn rồi, em phải dễ ăn dễ dạy, đừng hỗn-hào ngang-ngạnh, người ta giận người ta đánh. Em cũng tập dỗ thằng Ðồ, đừng để nó chúng-chứng, người ta ghét người ta cú, người ta dọi nghe hôn”.
Nên nói tới đó rồi khóc mùi-mẫn, không nói được nữa, không biết con Chỉ có hiểu hết mấy lời Nên nói đó hay không, mà nó cũng khóc tấm-tức tấm-tửi. Còn Ðồ không khóc, nhưng nó ngó trân Nên, mặt nó buồn hiu.
Nên khóc rồi nói nữa: “Mẹ ghẻ đời nào mà thương con chồng. Lại hai đứa nhỏ còn khờ-dại quá có biết chiều-lòn đâu mà người ta thương được. Tội nghiệp lắm.”
Thà đứng núp hàng rào phía sau lưng Nên từ hồi nào không biết. Nên và hai đứa nhỏ mắc líu-nhiu với nhau nên không để ý, chừng Nên nói tới dây thì Thà bước tới, mắt ngó Nên, mặt nghiêm-nghị và hỏi lớn: “Làm gì đây? Nói giống gì vậy?“
Nên giựt mình, lật đật đứng dậy, nước mắt nước mũi chàm-ngoàm, cúi mặt không ngó Thà, mà cũng không trả lời, song hai tay níu hai đứa nhỏ chặt cứng.
Con Chỉ nói: "Chị Nên nói chỉ về, chỉ không còn ở nữa, để mẹ ghẻ nuôi con với thằng Ðồ. Con không chịu chị Nên về đâu cha. Chỉ về rồi ai ngủ với thằng Ðồ, ai tắm cho con. Con không thèm mẹ ghẻ đâu. Con chịu chị Nên hè, con không cho chỉ về. Cha biểu chỉ ở lại đi cha”.
Thấy cái cảnh Nên với hai đứa nhỏ bịn-rịn nhau, rồi lại nghe lời con thỏ thẻ yêu-cầu nữa, Thà rất cảm-động, cảm-động đến ứa nước mắt. Thà làm thinh, đứng ngó Nên với hai con một hồi, rồi mạnh dạn nói: “Ở lại, không có về”. Nên lấy vạt áo lau nước mắt và đáp:
- Ở lại sao được. Dầu có ở thì cũng ở thêm năm ba bữa mà thôi, chớ thiệt tôi không thế ở cho tới ngày cậu rước dâu được.
- Không có rước dâu gì hết.
- Sao vậy? Ðám cưới sao lại không rước dâu?
- Hổng cưới ai hết. Nếu tôi cưới vợ thì tôi cưới người nào biết thương con tôi kia.
Thà quày-quả trở vô nhà. Nên đứng ngó theo Thà trân-trân, rồi lau nước mắt, tay bồng Ðồ, tay dắt Chỉ, thủng-thẳng đi vô cửa nhà dưới.
Nên cởi áo hai đứa nhỏ đặng tắm cho chúng nó. Nên nghe ở nhà trên có tiếng bà Hương-bảo hỏi Thà: "Ai nói gì om-sòm ngoài sau vườn vậy?"
- Con không cho Nên về.
- Nó chịu ở nữa hôn?
- Thưa chịu. Con không cưới vợ thì nó ở.
- Hứ! Không cưới vợ sao được?
- Sao không được má? Ðể con nói với bà Tư con cưới Nên.
- Ý! Sao vậy?
- Vì con biết rõ duy có một mình Nên thương hai đứa nhỏ của con mà thôi. Mà hai đứa nó cũng thương Nên nữa. Tụi nó như mẹ con ruột.
Bà Hương-bảo ngồi lặng thinh, ngơ-ngẩn một hồi rồi bà than:
- Phải. Cưới con Nên thì chắc nó thương sắp nhỏ rồi. Ngặt đã nói lỡ với vợ chồng ông Chánh-bái bây giờ biết làm sao đây?
- Mình hồi. Ðể sáng mai con ra con cắt nghĩa cho chú Cai-thôn nghe, rồi con cậy chú trao lời lại với vợ chồng ông Chánh-bái. Má đừng lo.
- Con làm sao đó thì làm, chớ thiệt má khó mở miệng lắm.
Ngày mùng 4 tháng 10, Thà làm đám cưới mà cưới cô Nên, là cháu ngoại bà Tư Phải, chớ không phải cưới cô Lê là con ông Chánh-bái Nhiều.
Vì thương con lo cho phận con, nên Thà cưới cô Nên, thế mà lúc ấy từ trong Xóm Mới ra tới cả làng Bình Thành nhiều người dị-nghị cho Thà làm chuyện trái đời.
Việc Thà làm là trái đời, hay là lời dị-nghị trái đời? Tôi để cho bà con thong-thả do chánh-đạo và do công-tâm mà phán-đoán.