Ông trạng sư Xương ra khỏi khám lớn thì thấy có bà phán chực sẵn ở ngoài mà chờ ông. Ông liền đi lại chào bà mà sắc mặt có vẻ lo.
Bà phán liền hỏi:
- Ông vô khám thăm con Cúc phải không?
- Thưa phải. Sao thím biết cháu đi thăm em Cúc nên thím lại đây chờ cháu? Cháu mới được giấy phép hồi sớm mai nầy nên không kịp cho thím hay.
- Tôi đi lại phòng làm việc của ông mà hỏi thăm coi bữa nay có công chuyện ra thế nào. Mấy thầy nói ông mắc vô khám thăm con Cúc nên tôi mới biết mà lại đây. Sao? Ông có cắt nghĩa cho nó hiểu hay không?
- Cháu viện đủ lý lẽ mà cắt nghĩa chỗ lợi hại cho em Cúc biết. Cháu khuyên giải hết lời, mà em không chịu nghe cứ sòng sòng quyết khai với tòa rằng tại ông Dương làm nhục thân danh của em, nên em phải đâm ổng mà chữa mình. Cháu nói hết sức, mà không đổi lòng quả quyết của em được.
- Dại quá! Coi bộ nó buồn hay không?
- Thưa, không. Em nghiêm nghị chớ không có buồn.
- Làm ra cớ đỗi như vậy mà không biết buồn chớ!
- Em Cúc không có sắc buồn là vì em đau đớn vì tình thái quá, em chán ngán nên hết biết buồn nữa.
- Nó nói với ông thế nào mà nó thú nhận tội sát nhơn?
- Thưa thím, xin thím đi theo cháu về phòng làm việc rồi cháu sẽ thuật rõ công chuyện cho thím nghe.
Hai người dắt thủng thẳng trở về phòng làm việc của ông trạng sư.
Ông Xương mời bà phán ngồi ngay trước mặt ông, rồi ông thuật đủ đầu đuôi câu chuyện của ông và cô Cúc nói với nhau hồi nãy lại cho bà phán nghe.
Bà phán chảy nước mắt mà than: “Lỗi tại nơi tôi hết thảy! Tại tôi cho nó học nhiều, rồi nó tập theo tâm tánh gái đời nay đọc nhiều tiểu thuyết, nuôi ái tình, ham tự do, mong giải thoát, làm lộn xộn lắm nên mới ra cớ sự như vậy đó. Nếu từ hồi nhỏ tôi bắt nó học nữ công nữ hạnh theo nề nếp xưa, thì ngày nay đâu có họa như vầy! Nếu nó tự nhận nón đâm người ta chết, thì tự nhiên tòa phải đày, ai làm sao mà cứu nó cho được... Chết! Con tôi phải chết! Yếu đuối quá, bị đày cực khổ, nó chịu sao cho nổi! Mà hễ tòa kêu án nó rồi thì chắc tôi cũng chết, chớ sống làm sao được... Làm con mà nó không biết thương mẹ nghĩ thiệt tức quá!”.
Bà phán khóc dầm dề.
Ông Xương thấy vậy động lòng, ông bèn nói cứng:
- Xin thím đừng buồn. Em Cúc muốn chết, cháu sẽ không cho em chết. Em không biết được đâu.
- Nó đã tự quyết lãnh cái tội sát nhơn, ông làm sao mà ngăn nó được!
- Cháu sẽ liệu. Chiếu theo hồ sơ và lấy lý mà luận, thì thấy rõ ràng ông Dương bị người ta giết mà lấy của. Khi em Cúc ra khỏi nhà ông Dương rồi chắc có kẻ gian vô đâm ông Dương mà cạy tủ lấy 11 ngàn đồng bạc. Kẻ gian nầy làm lẹ làng lắm, trong nửa giờ đồng hồ thì xong hết. Kẻ gian nầy là ai? Tại sao nó biết có số bạc lớn lao ấy để trong mấy hộc tủ bàn viết mà cạy? Ấy là những điều bí mật, cháu đương tìm cho ra manh mối. Hôm qua cháu đã nạp đơn tại phòng thẩm án mà xin giao cho sở Mật thám dọ dẫm vụ nầy. Cháu lại có yêu cầu riêng quan đốc lý sở nầy dạy chức việc tận tâm tìm cho ra môí, cháu hứa nếu bắt được người giết ông Dương, thì cháu sẽ thưởng một ngàn đồng bạc để bỏ vào kho tương tế của viên chức sở Mật thám. Nếu người ta bắt được kẻ giết ông Dương rồi, thì lời em Cúc thú tội hết ý nghĩa nữa. Nói cùng mà nghe, ví như người ta tìm hết sức mà không ra mối thì cháu sẽ liệu thế khác. Cháu nhứt định bề nào cháu cũng không để cho em Cúc tình nguyện nạp mình cho tòa làm tội đâu.
- Ông sẵn lòng lo cho em như vậy, thiệt tôi cảm ơn hết sức. Cha chả! Mà ông hứa nếu người ta tìm được kẻ giết ông Dương thì ông thưởng tới bạc ngàn, ông hứa như vậy tôi làm sao mà lo cho nổi.
- Xin thím đừng lo. Việc ấy là việc riêng của cháu.
- Ông thương con Cúc, ông làm tới như vậy đó, nó không biết nghĩ, thiệt tức hết sức.
- Thưa thím, vì thương em Cúc quá nên cháu phải làm đủ cách mà cứu em. Dầu em biết nghĩ hay là không biết nghĩ cũng vậy, không quan hệ gì hết.
- Mà hôm qua ông chưa giáp mặt với nó, ông chưa chắc nó không kể lời ông khuyên, sao ông lật đật cậy sở Mật thám dọ dẫm chi vậy?
- Hôm nọ em Cúc đã khai lỡ rồi. Dầu sau em có khai lại, và dầu khai khác đi nữa, tòa cũng còn có chỗ nghi. Vì vậy nên cháu phải lo trước. Hễ tìm được kẻ giết ông Dương rồi thì không ai còn nghi ngại gì nữa hết, tự nhiên em Cúc sẽ được thả ra liền.
- Con nhỏ kỳ quá! Người lo cho nó đủ điều mà nó không nể, để trí tưởng chi đến những kẻ gạt gẫm nó mà tính hủy mình không biết!
- Hôm trước cháu thấy em Cúc đưa cho cô giáo Kim mượn bộ tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” của em viết. Thím có biết bộ tiểu thuyết ấy bây giờ ở đâu hay không?
- Hôm nọ nó đưa cho cô giáo Kim, không biết cô giáo đã trả lại hay chưa. Để tôi về tôi kiếm xem. Ông hỏi tiểu thuyết làm chi?
- Cháu muốn xuất bản bộ tiểu thuyết ấy đặng hễ tìm không ra người giết ông Dương thì cháu sẽ vận động mà gỡ tội cho em Cúc. Xin thím kiếm rồi sai người đem ra cho cháu.
- Được. Nếu không có trong nhà thì chắc còn trong cô giáo Kim chớ không mất đâu. Để tôi kiếm rồi tôi đem ra cho ông.
Thầy Ba, là người phụ sự của ông trạng sư, gõ cửa rồi bước vô nói: “Thưa ông, hồi sớm mai ông bảo tôi kiếm thầy đội An mà mời lại cho ông nói chuyện. Thầy đội nãy giờ ngồi chờ ông. Nếu ông mắc việc thôi để thầy về rồi chiều thầy sẽ lại”.
Ông Dương khoát tay và nói: “Không, không nếu có thầy đội lại thì mời liền thầy vô đây chớ”.
Bà phán đứng dậy muốn từ giã mà về. Ông Xương cầm lại và nói: “Cháu mời thầy đội An lại đây là có ý muốn bàn tính việc nầy, chớ không phải việc nào khác. Vậy xin thím ngồi nán một chút đặng nghe xem thầy đội tính phải làm sao mà tìm kẻ giết ông Dương. Thầy đội này có tài lắm. Việc gì khó thầy cũng làm được hết thảy”.
Bà phán vừa ngồi lại thì thấy có một người bước vô phòng, mặc một bộ đồ tussor may thiệt khéo, chân mang giày da đen, đầu hớt tóc cụt, tuổi chừng trên ba mươi, vóc vặm cỡ mạnh mẽ, cặp mắt sáng ngời, tướng đi chẩm bẩm, ngó thoáng qua thì biết người có can đảm lại thông minh.
Ông xương liền đứng dậy bắt tay và chỉ bà phán mà nói: “bà đây là bà phán Lan, ở gần nhà thờ Chợ Đũi, mẹ của cô Cúc, là thân chủ của tôi, đang bị giam về vụ Trần Thái Dương”.
Thầy đội An cúi đầu chào bà phán và kéo ghế ngồi và nói:
- Cháu biết bà. Chắc bà quên cháu?
- Xin lỗi thầy, tôi khô ng nhớ.
- Bữa xét nhà bà, có cháu đi theo các quan đó.
- Vậy à! Hôm đó tôi chết điếng trong lòng, tôi có dám ngó ai đâu.
- Cháu ngó kỹ lắm. Vì chức nghiệp nên cháu phải ngó. Cháu ngó rồi thì cháu biết cô cúc vô tội. Nghe nói cô đã có thú nhận cô giết ông Dương, vì ông Dương toan cưỡng dâm, nên cô phải chữa mình cô. Dầu cô khai như vậy cháu cũng không tin. Vụ án mạng nầy phải tìm đường khác, chớ thấy đường của cô Cúc đã mở sẵn ra đó rồi nhắm mắt xông vào ắt sẽ lạc lối.
Ông xương gật đầu và nói:
- Thầy nói như vậy thì hạp ý tôi lắm. Cô Cúc thất chí nên cô cuồng trí rồi nói bậy nói bạ, không nên tin. Mà bây giờ phải tìm đường khác là đường nào?... Tôi biết trong sở Mật thám thầy là một tướng rường cột, thuở nay hễ có việc gì bí mật khó làm thì giao cho thầy hết. Nhờ thầy mà mấy năm nay những vụ sát nhơn mờ ám đều được khám phá để pháp luật trừng trị kẻ hung dữ. Tôi mong trong vụ Trần Thái Dương thầy cũng sẽ tận tâm mà tìm giùm cho ra phạm nhơn. Trong vụ nầy tòa nghi nên giam cô Cúc. Người ngay dầu bị tình nghi cũng chẳng hại gì, bởi vì sự ngay, sự thật, chẳng sớm thì muộn, bề nào rồi người ta cũng biết nó là sự ngay, sự thật. Có một điều rắc rối hết sức là cô Cúc, vì tâm sự riêng của cô, cô muốn tự vận, nên cô thừa vụ nầy mà tự cáo lấy cô, ra thú nhận chính tay cô đâm ông Dương chết, làm như vậy một là muốn trút sạch nợ đời, hai nữa muốn làm cho lem luốc vong hồn của ông Dương, là người toan làm nhục thân danh cô.
Tôi tỏ thiệt với thầy đội, cô Cúc là em của tôi. Tôi thương cô lắm, lại tôi biết chắc cô vô tội, bởi vậy tôi sẽ bào chữa cho cô đến cùng, tôi sẽ dùng đủ cách của pháp luật để cho tôi kéo cô ra khỏi vòng tù tội. Ngặt vì cô tình nguyện thú tội, dầu tôi làm cho cô khỏi bị án đi nữa; thì cô cũng phải mang tiếng. Có một cách hay nhứt, là tìm cho được người giết ông Dương, hễ tìm được rồi thì lời khai dối của cô Cúc không còn ý nghĩa nữa. Tôi biết tài của thầy, nên tôi mời thầy mà cậy ráng tìm giùm cho ra người giết ông Dương. Thầy tìm được rồi thì ơn ấy chẳng bao giờ tôi quên.
- Tìm kẻ giết ông Dương là phận sự của tôi, tôi chưa dám chắc sẽ tìm được; nhưng mà dầu tìm được, cũng không có ơn gì hết.
- Xin thầy ráng tìm giùm cho mau, được sớm chừng nào càng tốt chừng nấy.
- Chẳng đợi ông cậy mà tôi đã làm rồi. Tôi bắt đầu làm kể từ buổi chiều ông Dương bị giết kia chớ.
- A! Vậy mà thầy đã thấy có mối manh gì hay chưa?
- Việc đó là việc kín của tôi. Tôi không thể nói cho ông biết được.
- Như thầy không chịu nói rõ ra, thì xin thầy cho tôi biết coi tôi có nên nuôi chút hy vọng gì hay không?
- Hy vọng nhiều lắm, bởi vì vụ án mạng nầy rẻ rề, có mắc mỏ gì đâu mà sợ tìm không ra mối.
- Thầy nói dễ mà tôi coi khó lắm.
- Coi khó chỗ nào? Ông làm trạng sư, thuở nay ông cãi về việc hình có tài lắm; nay đã gặp chuyện dễ ợt như vậy mà không thấy rõ hay sao? Vụ sát nhơn này gốc ở nơi trộm cướp mà ra.
- Phải. Người ta đâm ông Dương chết là vì người ta muốn lấy 11 ngàn đồng bạc của chành lúa “Phượng Hoàng” trong Bình Đông mới giao cho ông buổi sớm mai.
- Nếu biết như vậy thì tự nhiên phải tìm mấy khoản nầy: 1- Những người nào biết ông Dương lấy số bạc 11 ngàn hồi sớm mai? 2- Trong nhà có rất nhiều tủ, sao kẻ gian biết bạc để tại hộc tủ bàn viết, nên cạy hộc tủ đó mà thôi? Ai biết chỗ ông Dương để bạc mà chỉ rõ cho kẻ gian như vậy? Nói sơ bao nhiêu đó thì đủ biết mối manh của vụ nầy rồi.
- Phải. Tôi cũng nghĩ như vậy. Mà thầy biết như vậy rồi sao thầy cứ để mấy người thầy nói đó được thong thả luôn luôn?
- Thong thả sao được. Mấy người ấy ở trước cặp mắt tôi luôn luôn hổm nay, không đi đâu một bước, không làm một việc gì nhỏ mọn; mà tôi không biết. Phải làm như vậy mới gom bằng cớ được chớ.
- Tôi hiểu rồi.
- Ông hiểu như vậy, mà ông có hiểu việc nầy hay không?
- Việc gì?
- Bà phán đây với ông có biết cô Cúc có tình với một thầy tên Hoàng hay không?
- Biết. Sao thầy biết chuyện đó?
- Tôi biết là vì phận sự. Nếu muốn tìm sự thật thì phải bắt gốc mà phăng chớ. Có biết buổi chiều ông Dương bị giết đó, tối lại cô Cúc với thầy Hoàng gặp nhau tại rạp hát thành phố, hai người ở ngoài tò mò nói chuyện với nhau gần một giờ đồng hồ hay không?
- Có nghe người ta thuật lại chuyện ấy.
- Có biết thầy Hoàng là ai hay không?
- Không biết.
- Thầy Hoàng là con của ông Phượng, chủ chành lúa Phượng Hoàng đó. Việc nầy có dính líu như vậy, nên có thể làm cho người ta nghi dầu cô Cúc không cầm dao mà đâm ông Dương, hoặc không cạy tủ mà lấy bạc, song có lẽ cô cũng hiểu biết vụ này nhiều ít.
Nghe mấy lời bà phán vụt đứng dậy mà cãi: “Không lẽ con tôi nó a ý với người ta đặng giết người cướp của, theo như lời thầy đội nói đó. Nếu nó có làm như vậy, thì tối về nhà nó có sắc lo sợ chút đỉnh. Tôi nhớ chắc bữa đó về nhà nó giận ông Dương mà thôi, giận tính đến cò bót mà thưa sự ổng làm nhục nó, chớ nó không sợ chút nào hết. Còn sự gặp thầy Hoàng tại rạp hát là sự tình cờ, vì có cô Kim ghé rủ nên nó mới đi, chớ nó không có tính trước đặng gặp thầy nọ”.
Thầy đội An cười lớn và đáp: “Xin lỗi bà, lời cháu nói đó là lời bàn luận nghe chơi chớ không phải cháu nói quả quyết cô Cúc a ý với thầy Hoàng mà giết ông Dương đặng lấy của. Đó là một cái lý thuyết cũng như lý thuyết khác nếu không kèm bằng cớ theo, thì không có giá trị gì hết”.
Ông Xương suy nghĩ rồi gục gặc đầu mà nói: “Phải. Đó cũng là một lý thuyết của người quyết tìm sự thật phải để ý”.
Thầy đội An hỏi:
- Ông còn có việc chi muốn nói với tôi nữa hay không?
- Tôi mời thầy lại đây có ý cậy thầy làm giùm việc đó cho ra mối thôi. Xin thầy sẵn lòng giúp tôi.
- Tôi đã nói việc đó là phận sự của tôi, dầu ông không cậy tôi cũng phải làm.
- Xin thầy dọ dẫm, rồi ít bữa ghé nói chuyện chơi được hay không?
- Được.
Thầy đội từ giã mà về.
- Thầy đội nầy giỏi lắm. Người có học thức, nên làm việc kỹ lưỡng. Cháu chắc thầy sẽ tìm ra mối.
- Thầy giỏi mà sao thầy nói nghe kỳ quá. Thầy nhè thầy nghi con Cúc a ý với thầy Hoàng rồi làm bộ đến nhà ông Dương nói chuyện đặng cho người ta theo đâm ông nọ mà cướp bạc chớ. Không có như vậy đâu.
- Thưa thím, người muốn tìm cho ra sự thật, tự nhiên họ để ý nghĩ đủ cách hết thảy. Xin thím đừng lo chỗ đó. Cháu cũng biết chắc không thể em Cúc có cái óc cướp giựt đến nỗi a ý với Hoàng mà làm việc như vậy.
Bà phán từ giã ông Xương mà về; chừng ra tới cửa phòng bà đứng lơ lửng rồi day lại nói:
- Tôi sợ thầy đội tìm không ra mối. Ví như tìm không được người giết ông Dương rồi làm sao?
- Cháu đã có nghĩ tới chỗ đó ròi. Nếu tìm không được kẻ sát nhơn, mà tòa Đại hình đem em Cúc ra xử, thì cháu sẽ nói em Cúc đau óc nên loạn trí và cháu xin tòa cho lương y khán nghiệm rồi sẽ xử.
- Xin ông liệu giùm, chớ để tòa kêu án nó thì tội nghiệp lắm.
- Xin thím an tâm về nghỉ. Thím nhớ kiếm bộ tiểu thuyết rồi gởi lại cho cháu.
- Tôi nhớ. Bà phán về rồi, ông Xương đứng suy nghĩ: “Nếu thầy đội An dọ dẫm thiệt quả Hoàng thấy ông Dương lấy bạc bán lúa nên mưu với cô Cúc vô nhà nói chuyện đặng nom theo giết ông nọ mà giựt bạc, thì làm sao mà cứu cô Cúc cho được? Khó!... Khó thiệt”.