Hắc Thánh Thần Tiêu

Hồi 7

Tiết phu nhân cau mày:

- Luyện võ công phải có giờ có khắc, ai lại luyện võ công trong lúc đêm tàn canh lụn như con vậy?

Thiếu Hoa nhận cho mẹ quở xong, vội hỏi:

- Mẹ! Con nghe Ngọc Mai nói là cha bị bắt, mẹ lại xác nhận chính bọn nha dịch phủ đài đến đây, thế chúng có nói gì không?

Tiết phu nhân chan hòa lệ thảm:

- Mẹ có nghe gì đâu! Cha con đang ngon giấc, bỗng có hai tên nha dịch vượt tường vào nhà đánh thức cha con dậy bắt đi, chẳng nói tiếng gì cả!

Tiết Thiếu Hoa bỗng nhớ đến năm tên nha dịch đã bắt bọn Long Môn ngũ quái. Chàng độ chừng chúng bắt phụ thân chàng để làm một cuộc đối chất, bất giác chàng nhíu mày gằn giọng:

- Mẹ để con đến phủ đường xem sao! Thế này có lẽ bọn chúng...

Ý chàng muốn nói là chúng làm một cuộc đối chất, song nói như vậy là phải tiết lộ việc Long Môn ngũ quái xuất hiện tại miếu Thổ Địa nơi gò Tả gia, đồng thời chứng tỏ việc chàng nói dối với mẹ về việc luyện võ nên bỏ lửng câu nói đó, chuyển qua ý khác:

- Cáo mượn oai hùm, bọn nha dịch này lộng hành quá lắm. Chúng có quyền gì mà muốn bắt ai thì bắt một cách ngang ngược như vậy chứ?

Tiết phu nhân vội ngăn:

- Không được đâu con ạ! Đừng đến đó sanh sự mà thêm khốn! Dù sao cha con cũng đã bị chúng bắt đi rồi, mình hãy từ từ nghe ngóng tin tức xem cha con phạm pháp làm sao? Nhưng, hãy để sáng ra rồi hãy tính, hiện tại con không nên đi đâu cả.

Tiết Thiếu Hoa hậm hực:

- Thì con chỉ đi thám thính thôi, không gây sự đâu mẹ đừng lo.

Tiết phu nhân thở dài:

- Con có đi cũng vô ích. Chốn công môn muốn vào cũng phải rải bạc mới xong cho. Ngoài ra, mình còn phải nhờ đến mấy vị tấn thân nhân sĩ làm trung gian...

Vừa lúc đó, từ bên ngoài một bóng người lướt qua vọng cửa tiến vào.

Bóng đó, chính là lão bộc của Tiết thần y, mà cũng là sư phụ của Tiết Thiếu Hoa.

Trong Tiết gia trang, lão có phận sự trồng hoa, tưới hoa, dư dùng thì bán.

Người trong nhà quen gọi lão là Vưu sư phó.

Lão xưng với Long Môn ngũ quái là Diêm lão ngũ nên lão dặn riêng với Tiết Thiếu Hoa là Diêm sư phó với bọn Long Môn ngũ quái, đó là do ý muốn của lão cho bọn Long Môn ngũ quái không nghi ngờ.

Vưu sư phó xuất hạn ướt cả mặt mày, lão bước nhanh vào, vừa đưa tay áo lau mồ hôi, vừa điểm nụ cười thốt:

- Phu nhân, không có việc gì đâu, phu nhân cứ yên trí. Lão nô có tin tức về lão gia rồi.

Tiết phu nhân hấp tấp hỏi:

- Thật vậy à? Vưu sư phó có chắc là lão gia không việc gì chứ?

Vưu sư phó gật đầu:

- Phải đấy phu nhân ạ! Khi lão nô nghe nói có người trong nha môn đến bắt lão gia đem đi, lão nô nóng nảy quá không kịp thỉnh báo với phu nhân hay theo đến phủ đường. Rất may, lão nô gặp một võ sư trong phủ vốn chỗ quen thân, hỏi ra mới hay lão gia được đưa về kinh.

Tiết phu nhân kinh hãi:

- Lão gia bị đưa về kinh trong đêm à? Tội án gì mà nặng thế?

Vưu sư phó khoát tay:

- Không có tội án gì đâu, phu nhân đừng lo. Chừng như trong cung có vị Vương phi nào đó lâm bệnh hiểm nghèo, các ngự y đều vô phương cứu chữa nên triều đình ra lệnh gấp cho phủ đường thỉnh lão gia. Hai tên nha dịch hồ đồ không hiểu sự việc ra sao, nghe quan phủ truyền lệnh thỉnh giáo lão gia lại tưởng đâu sai bắt tội phạm nên hùng hùng hổ hổ như vậy. Khi lão nô đến phủ, đúng lúc phủ đài đang trị tội hồ đồ của chúng, đánh mỗi tên hai mươi roi lớn. Lão nô sợ phu nhân lo lắng, vội chạy về đây báo tin.

Tiết phu nhân thở phào nghe nhẹ nhỏm cả người, điểm một nụ cười nhưng mắt chưa ráo lệ:

- A Di Đà Phật! Lão gia một đời thủ phận phụng pháp, làm gì sanh tội mà quan phủ phải sai nha dịch bắt giữa đêm khuya? Thì ra có việc khẩn cấp như vậy.

Làm cho tôi lo sợ vô cùng.

Vưu sư phó điểm một nụ cười:

- Vị võ sư đó bảo với lão nô, lão gia được triệu thỉnh về kinh chữa trị cho vương phi là một điều may mắn lắm, nếu...

Tiết phu nhân vội hỏi thêm:

- Vị võ sư đó còn nói gì thêm?

Vưu sư phó do dự một chút:

- Nếu sáng mai công tử lên đường theo đến kinh thì càng hay hơn nữa bởi lão gia đi cách vội vàng thế này có ai săn sóc cho người nơi quê xa xứ lạ?

Tiết phu nhân gật đầu, tán đồng ý kiến đó. Bà nhìn sang Tiết Thiếu Hoa, không biết bà nghĩ sao lại tỏ vẻ lo ngại, bà cau mày thốt:

- Thiếu Hoa từ nhỏ đến lớn không hề rời xa nhà, mà đường từ đây đến kinh thành thì quá xa, một mình nó...

Lão nô đã biết được ý bà, vội chận lại nói:

- Phu nhân ngại công tử đơn độc trong lộ trình? Nếu vậy, lão nô xin phép phu nhân cho lão nô theo hầu hạ công tử.

Tiết phu nhân mừng rỡ:

- Nếu được Vưu sư phó theo kèm nó một bên, thì tôi còn sợ gì nữa. Chỉ sợ cực khổ cho sư phó thôi.

Lão nô vòng tay:

- Ân đức của lão gia và phu nhân đối với lão trên mười năm nay sâu hơn biển nặng hơn non, lão nô có nát thân cũng không đền đáp được trong muôn một, sá gì việc tùy tùng công tử đến kinh thành.

Đoạn lão điểm một nụ cười:

- Đêm đã sắp tàn, phu nhân yên trí an nghỉ đi. Ngày mai lão nô và công tử lên đường.

Tiết phu nhân nhìn Thiếu Hoa:

- Con cũng nên đi nghỉ cho khỏe, sáng mai lên đường cho sớm.

*

Sáng hôm sau, khi thái dương ló dạng phương Đông, Vưu sư phó và Tiết Thiếu Hoa đã rong ngựa lên kinh.

Vì nóng lòng theo phụ thân, Tiết Thiếu Hoa muốn giục ngựa chạy cho nhanh, song Vưu sư phó cứ từ từ cho ngựa bước đều như kẻ nhàn du dạo cảnh, thành thử chàng không dám vượt lên, cứ lẽo đẽo theo sau.

Ra khỏi thành Lạc Dương, Tiết Thiếu Hoa cứ để ý xem chừng sư phó mãi, thấy lão không có vẻ gì vội vàng gấp rút cả, chàng không dằn được nóng nảy khẽ gọi:

- Sư phó!

Vưu sư phó điềm nhiên:

- Việc gì thế?

Tiết Thiếu Hoa thốt:

- Mình nên đi nhanh chứ, cứ lững thững thế này thì biết chừng nào mới tới nơi.

Vưu sư phó thoáng nhìn chàng một cái:

- Con tưởng là chúng ta thật sự đến kinh thành à?

Tiết Thiếu Hoa kinh ngạc:

- Không đến kinh thành thì đi đâu? Chính sư phó đã bảo kia mà!

Vưu sư phó gật đầu:

- Phải! Chính ta đã bảo là về kinh.

Tiết Thiếu Hoa càng kinh ngạc:

- Rồi bây giờ sư phó định đi đâu?

Vưu sư phó mỉm cười nói:

- Việc đến kinh thành là do ta bịa đặt để trấn an phu nhân tạm thời đấy thôi.

Tiết Thiếu Hoa run rẩy cả người:

- Vậy ra việc phụ thân đệ tử không được triều đình triệu thỉnh về kinh chữa trị cho vương phi.

Vưu sư phó gật đầu:

- Đương nhiên là không phải rồi!

Tiết Thiếu Hoa hấp tấp:

- Vậy là phụ thân không phải do quan phủ sai nha dịch bắt đi?

Vưu sư phó lại gật đầu:

- Đương nhiên là không phải!

Tiết Thiếu Hoa nóng nảy:

- Sư phó có biết là bọn nào lộng hành như vậy không?

Vưu sư phó lắc đầu:

- Nếu biết được thì còn nói gì. Ta đang suy nghĩ về việc đó. Việc này hết sức mơ hồ, ta không dám định ra làm sao.

Tiết Thiếu Hoa lo lắng:

- Sư phó cho rằng hai tên nha dịch là người của võ lâm cải dạng?

Vưu sư phó mơ màng:

- Rất có thể như vậy!

Tiết Thiếu Hoa trầm ngâm một chút:

- Đêm rồi năm tên nha dịch bắt bọn Long Môn ngũ quái tại miếu thổ địa, hai tên khác lại bắt phụ thân, chúng là ai? Cùng một tổ chức hay riêng biệt?

Vưu sư phó thở dài:

- Cùng một tổ chức là phải hơn.

Tiết Thiếu Hoa kêu lên:

- Sư phó! Làm thế nào bây giờ? Sư phó có cách gì chăng?

Vưu sư phó do dự một chút:

- Có thể có mà cũng có thể chưa có!

Tiết Thiếu Hoa trố mắt:

- Đệ tử không hiểu gì cả.

Vưu sư phó chỉ tay về phía trước mặt:

- Tả Gia Ba ở trước kia, mình đến miếu thổ địa sẽ nói chuyện tiện hơn. Ta có việc trọng yếu nói với con.

Về hướng Tây Tả Gia Ba, là nơi trọng yếu giao thông đến Mạnh Tân, miếu thổ địa nằm giữa lăng Minh Đế và Hớn Chương Đế, cách quan lộ khá xa, dù ban ngày ban mặt cũng không có người lai vãng nên nơi đó yên tĩnh vô cùng.

Hai sư đồ đến miếu, xuống ngựa cột cương vào thân cây, chưa kịp tiến vào bỗng bên trong có tiếng cười vọng ra, tiếng cười từ do một lão nhân phát xuất. Dứt tiếng cười, một giọng nói tiếp theo:

- Địa phương này kể ra cũng khá lắm đó. Mỗi ngày cứ vào giờ này là có người đến đây.

Tiết Thiếu Hoa giật mình quát to:

- Ai trong đó?

Giọng lão đáp vọng ra:

- Ta! Ta là một lão đạo bần cùng đây.

Tiết Thiếu Hoa do dự dừng chân lại, đưa mắt qua sư phụ thấp giọng hỏi:

- Sư phụ! Bên trong có người, mình còn vào trong đó hay không?

Vưu sư phó chưa kịp trả lời, tiếng lão lại nói vọng ra:

- Đã đến cửa thì phải vào, nếu không vào thì lão đạo lấy gì mà sống.

Vưu sư phó chớp ngời ánh mắt, nhưng chỉ một thoáng tia nhìn lại dịu lại ngay, lão gật gật đầu:

- Con ạ! Theo ta vào đi!

Lão đạo lại oang oang nói vọng ra:

- Phải đó vào đi! Vào có lợi hơn không vào! Kẻ nào có duyên mới vào đây, lão đạo sẽ hóa duyên cho mà nhờ.

Thì ra, lão già là một du phương đạo sĩ!

Vưu sư phó đi trước, Tiết Thiếu Hoa theo sau.

Thời gian lúc đó vừa quá bình minh, vầng thái dương đã lên khỏi đầu cành, chiếu nghiêng ánh sáng rọi đến nền đại điện.

Nơi góc bên tả, một lão đạo vận áo màu tro, đầu tóc bạc trắng đang ngồi tròn chân, đầu rút xuống thấp như kẻ ngủ ngồi.

Đúng là một lão đạo bần cùng, mặt mày khô đét, tác độ trên bảy mươi, chiếc đạo bào rách tươm trông thê thảm vô cùng. Lão có vẻ là một hành khất hơn là đạo sĩ.

Lão nghe tiếng chân vội mở bừng mắt. Đôi mắt lem nhem quá, lão nhìn hai sư đồ thoáng lộ vẻ hân hoan. Lão chắp hai tay trước ngực buông lời ve vuốt:

- Đúng là một vị công tử thích làm điều lành, ham việc bố thí! Vận khí của lão đỏ làm sao! Vận khí công tử đỏ làm sao!

Vưu sư phó trước đó nghe thanh âm của lão đã sanh nghi ngờ rồi, giờ đây lại nghe lão nói, trông thấy lão, nhận ra lão không có vẻ gì ngụy dị cả, nghi ngờ tan biến mất.

Lão đạo không khác nào một đạo sĩ du phương thông thường, nhan nhản trên giang hồ nơi nào cũng có, chuyên nói khéo kiếm ăn chứ còn cái mặc thì họ chẳng cần, bởi nghề của họ bắt buộc không cho mặc tươm tất.

Sư phó cất tiếng hỏi:

- Lão đạo trú ngụ ở đây?

Lão đạo ạ một tiếng, cười lớn:

- Thì ra đây là một lão quản gia! Lão đạo cam lỗi thất kính! Lão đạo đến Lạc Dương, trú ngụ tại miếu này đã ba hôm rồi.

Lão đạo có nói ngoa chăng? Thì mới đêm vừa rồi, hai thầy trò ở tại đây, trò chiến đấu với Long Môn ngũ quái, thầy ẩn nấp đâu đấy trợ lực. Mãi đến canh tư hai thầy trò mới rời miếu, họ có bắt gặp ma nào đâu? Thế mà lại bảo đã trú ngụ tại nơi này đã ba hôm rồi!

Tuy nhiên, Vưu sư phó không hề moi móc sự kiện đó, chỉ thản nhiên hỏi:

- Đạo trưởng pháp hiệu là chi? Tu dưỡng tại quán nào?

Lão đạo mở to mắt bật cười hắc hắc:

- Đạo, là đạo nên tu, tu cái đạo phi thường mới đáng tu. Danh là cái gì để đời, nói đến danh là phải có cái danh phi thường, mà danh phi thường không phải mỗi người mỗi biết nên cầm như vô danh. Do đó, lão cần gì phải nói đến cái danh của lão? Vô danh cũng thế, danh phi thường cũng thế. Còn như am, quán thì kẻ tu đạo vân du khắp thiên hạ, đâu cũng là am, đâu chẳng lại là quán? Tại sao lại phải hạn chế trong bốn bức tường?

- Tại sao lại phải có nhất định một địa phương?

Vưu sư phó thấy lão cố mượn huyền vi để tạo cho mình một xuất xứ kỳ bí, cố tạo cho mình một phong thái đạo sĩ thoát trần không tránh khỏi cười thầm, cho rằng bất quá lão chỉ là một kẻ khoác đạo y, lê gót chân khắp giang hồ, lấy việc lừa dối thiên hạ làm phương tiện sinh nhai, chỉ có hạng ngu dân mới tin nổi lão.

Trái lại, Tiết Thiếu Hoa chưa có kinh nghiệm chút nào tự nhiên thán phục lão, xem lão là một vị thần tiên xuống trần để dạy đạo độ đời.

Đôi mắt lão lem hem như quáng manh, song lão lại có sự nhận xét vô cùng xác đáng. Lão nhìn Tiết Thiếu Hoa một lúc, gật gật đầu nói:

- Vị công tử này cốt cách thanh kỳ, tiền trình phải rộng lớn. Gặp lão đây, đúng là cái duyên may cho công tử. Ha ha! Duyên là hương hỏa duyên, dù cái duyên đó cũng không phải dễ gặp. Lão muốn công tử đừng phụ cái duyên hương hỏa này.

Lão đạo nói đến hương hỏa duyên là muốn dò cái túi tiền của Tiết Thiếu Hoa. Chàng có biết là lão lừa mình chăng?

Chàng hỏi nhanh:

- Đạo trưởng muốn bao nhiêu?

Vưu sư phó cau mày, dùng phép “Truyền âm nhập mật” ngăn chàng:

- Con đừng mắc lừa lão!

Lão đạo nghe Tiết Thiếu Hoa nói thế, sáng mắt lên, cười ve vuốt:

- Không cần nhiều cũng không thể ít! Lão đạo vân du khắp chốn, gặp không biết bao nhiêu người, song đều là những kẻ vô duyên, thế mới biết người hữu duyên rất hiếm. Tuy nhiên hôm qua, có một vị tiểu cô nương, đúng là người hữu duyên, vừa gặp lão đã tặng ngay năm mươi lạng vàng, hoàn thành cái duyên hương hỏa...

Tiền! Lão mở miệng ra là nhắc đến tiền! Lão dàn cảnh để gài đối thoại vấn đề tiền.

Lão nói bô bô, nước bọt văng tung tóe, nhiễu lòng thòng hai bên mép. Lão đưa tay áo quẹt khô, vẫn tiếp nói oang oang:

- Có kẻ cho rằng vị cô nương đó bị lão lừa. Ha, ha! Kẻ đó có biết đâu đó là một duyên pháp. Hữu duyên với vô duyên chỉ sai biệt một ly, nhưng hậu quả cách xa ngàn dặm.

Lão cười hắc hắc, cười dứt lại tiếp:

- Có gì đâu! Vị tiểu cô nương đó có việc nhờ lão, nên sẵn sàng trao cho lão năm mươi lạng vàng. Cái duyên ở chỗ có thể gặp được người mình nhờ được. Nếu không duyên dù tải bạc đi khắp trần gian, vị tất sẽ gặp người hữu ích cho mình?

Thì, số vàng năm mươi lạng tưởng không đến nỗi nhiều vậy. Công tử muốn hoàn thành duyên hương hỏa thiết tưởng nên lấy số đó làm đinh lệ.

Tiết Thiếu Hoa đang hồi niên thiếu, giàu tự ái một cách ngông cuồng, nghe nói có thiếu nữ tặng số vàng to, mặt chàng thoáng đỏ bừng vì thẹn, không chịu kém buột miệng thốt:

- Tại hạ xin biếu một trăm lượng bạc, tiền bối nghĩ sao?

Một trăm lượng bạc sánh sao nổi với năm mươi lạng vàng? Tự nhiên, Tiết Thiếu Hoa phải hổ thẹn. Chàng vì tự ái mà biếu bạc, dù số bạc kém xa số vàng song không phải nhỏ, chỉ một phút ngông cuồng vất một số bạc bên đường nghĩ cũng đáng thương hại cho chỗ non dại của kẻ mới tập tễnh bước vào giang hồ.

Vưu sư phó có ngờ đâu tên đệ tử lại cao hứng như thế? Sự thể đã rồi, lão làm sao ngăn chận được nữa? Lão cau mày, nghiêng ánh mắt nhìn Tiết Thiếu Hoa trách thầm.

Lão đạo nhân khoái quá, chắp tay chữ thập luôn miệng tán:

- Lành thay! Lành thay! Quả nhiên công tử là người tuệ căn, tuệ căn tạo duyên pháp. Số bạc tặng càng nhiều, duyên pháp càng sâu dày, một trăm lượng bạc là một số đáng kể lắm.

Tiết Thiếu Hoa lấy chiếc bọc đeo bên mình mở ra, cầm một phong bạc trao cho lão đạo nhân, cung kính thốt:

- Xin đạo trưởng thu nhận!

Lão đạo vội chụp số bạc, ý chừng sợ chàng hồi tâm đổi ý chăng?

Vưu sư phó cười lạnh:

- Có lẽ đạo trưởng tiêu dụng số bạc không mấy hôm thì hết sạch?

Lão đạo nhân chớp mắt:

- Dưới gầm trời này, không phải mỗi cái có thể mang trăm lạng bạc mua cái duyên pháp với lão được. Ha! Ha! Như vậy số bạc đó có giúp gì cho lão được bao ngày đâu? Ha! Ha! Lão quản gia ơi! Ngươi cho là công tử bị ta lừa phải không?

Lão cười một hơi dài rồi tiếp nói:

- Vị tiểu cô nương đó trao cho lão đạo số vàng năm mươi lạng không có vẻ tiếc rẻ chút nào. Trái lại, còn hân hoan vô cùng. Đây, lão quản gia xem, sau khi nhận số vàng, lão đạo đi thẳng đến Vinh Hoa Phú Quý Lầu chén một bữa no say, chỉ còn lại bao nhiêu đó thôi.

Lão đạo nhân với tay lấy chiếc bọc của lão, đổ ra nền miếu, vừa vàng vừa bạc, chớp chớp ngời. Đoạn lão hấp tấp hốt bỏ vào bọc trở lại, luôn cả số bạc của Tiết Thiếu Hoa.

Vinh Hoa Phú Quý Lầu là một tửu lầu dành riêng cho bậc hào phú quyền môn, danh gia vọng tộc, lão đạo không khác nào một hành khất già làm gì dám đến đấy đánh chén? Lão có nói ngoa chăng? Lão kiếm tiền bằng cách nào lại thừa thãi đến độ dám chường mặt ở một nơi thiên hạ vung vẩy bạc vàng như cỏ rác?

Lão cười hăng hắc:

- Công tử và lão quản gia thấy đó, lão đạo có vàng, có bạc dám ăn dám xài có nói ngoa đâu?

Vưu sư phó không tin lắm, nhưng lão đạo nhân làm gì thì làm liên quan gì mình mà tìm hiểu? Lão hỏi đạo nhân qua việc khác:

- Đạo trưởng bảo, vị tiểu cô nương nào đó có việc yêu cầu đạo trưởng?

Lão đạo nhân gật gật đầu, rồi rùn vai, rồi cười nhẹ:

- Cũng là một duyên pháp nữa đấy! Hôm qua, cũng vào giờ này, vị tiểu cô nương đó cưỡi ngựa đến đây, trước hết nhờ ta tìm hộ cho một người...

Tiết Thiếu Hoa chận lời:

- Cô nương đó muốn tìm ai?

Lão đạo nhân cho tay vào mình lấy ra một chiếc tiêu bằng trúc màu đỏ bóng ngời, cười tiếp:

- Chuyện hết sức tấu xảo! Đúng lúc lão túng tiền, rầu rĩ ngồi ủ rũ một xó thổi mấy khúc tiêu, bỗng cô nương đó đến. Mà người cô nương muốn tìm lại là một người thổi tiêu...

Vưu sư phó chớp mắt:

- Ai? Cô nương đó tìm ai?