- Từ khi gặp nhau tại Nghênh Xuân phường, tôi đã biết Bạch tướng công là con người văn chất phong nhã, thông hành anh tuấn, hết lòng ngưỡng mộ. Hôm nay nhân thi hành công vụ mà được đồng thuyền, kể cũng là cái may tạo dịp ôn lại kỷ niệm ngày nào. Riêng tôi, tôi mừng cho tướng công được phu nhân biệt đãi tặng cho thuốc giải mê, khôi phục thần trí để cùng ra sức tạo dựng cơ đồ Bách Hoa cốc.
Trong chuyến đồng hành này tôi hy vọng sẽ được thỉnh giáo nơi tướng công nhiều điều bổ ích.
Bạch Thiếu Huy cười nhẹ:
- Cô nương quá khen! Chính tại hạ cần phải học hỏi nơi cô nương rất nhiều!
Tường Vân nhìn thẳng vào đôi mắt chàng đột nhiên hỏi:
- Bạch tướng công có biết việc gì đã xảy ra trong cốc đêm rồi chăng?
Bạch Thiếu Huy vờ kinh ngạc:
- Việc gì hở cô nương?
Tường Vân thong thả đáp:
- Có kẻ giả mạo Thu Vân, cầm Bách Hoa lệnh đến gặp Sài Cô Bà, gạt lấy thuốc mê rồi sau đó lại giả mạo tôi đến gặp Kim Ưng đàn chủ dùng Mê Hồn hương chế ngự Đàn chủ và bốn tỳ nữ, cứu thoát năm tên dũng sĩ.
Bạch Thiếu Huy a lên một tiếng:
- Lại có việc như thế à? Tại sao tại hạ không hay biết gì hết?
- Người đó làm cách nào đưa một lượt năm người ra khỏi cốc?
Tường Vân liếc xéo chàng một thoáng, nhếch nửa nụ cười tươi:
- Người đó có Bách Hoa lệnh phù trong tay tự nhiên là phải đi lọt hệ thống kiểm soát. Cốc Cô Bà khám nghiệm Bách Hoa lệnh phù là thật tự nhiên phải cho đi, và cũng vì thế mà đêm qua có cuộc khám xét Bách Hoa lệnh phù như tướng công đã hiểu.
Bạch Thiếu Huy lại hỏi:
- Không có ai đuổi theo bắt họ lại sao?
Tường Vân lắc đầu:
- Họ đã đi vào đầu canh một đến canh tư mình mới phát giác ra, thì còn đuổi theo làm chi nữa? Vả lại lúc đó phu nhân đang lúc hành công điều tức nên không ai dám báo cáo làm kinh động người!
Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ:
- “Ghê gớm thật cho chị em họ Hoa biết rõ Bách Hoa cốc như bàn tay, biết luôn cả những lúc phu nhân hành công!”
Tường Vân cười nhẹ tiếp nối:
- Bạch tướng công có biết những dũng sĩ được giải cứu là ai không?
Bạch Thiếu Huy lắc đầu:
- Tại hạ không biết nổi! Họ là những ai thế hở cô nương?
Tường Vân cười nhẹ:
- Tướng công thử đoán xem!
Bạch Thiếu Huy lắc đầu:
- Tại hạ đoán thế nào được bởi tại hạ có biết gì về nhân vật trong cốc cũng như những kẻ bị quản thúc tại đây? Cô nương nên nhớ tại hạ chỉ là một thuộc viên mới gia nhập, mọi việc còn lờ mờ lắm.
Tường Vân gật đầu:
- Tướng công nói phải. Nhưng năm người trốn thoát chính là bọn Vương Lập Văn, họ không xa lạ gì với tướng công.
Bạch Thiếu Huy dè dặt:
- Tại hạ với họ bất quá trong một dịp bình thủy tương phùng mà thành nhớ mặt, biết tên chứ cho rằng có giao tình với nhau e rằng quá đáng.
Tường Vân lại nhìn chàng một lúc rồi hỏi:
- Tướng công có biết tôi xuất cốc lần này là để thi hành công tác gì không?
Bạch Thiếu Huy lắc đầu:
- Xin cô nương nếu thấy tiện thì cho nghe!
Tường Vân chú ý đến chàng hơn:
- Theo dò tung tích năm người đó, bắt họ trở lại Bách Hoa cốc. Phu nhân hết sức phẫn nộ việc họ đào tẩu khỏi cốc, nên sai phái cả Tử Vi đàn chủ và Bạch Linh đàn chủ cùng xuất ngoại như tôi, hai vị Đàn chủ đã lên đường khi trời chưa sáng.
Thuyền đột nhiên dừng lại.
Lục Châu cho biết là Cốc Cô Bà đòi khám xét.
Tường Vân mỉm cười dặn dò Lục Châu và Lục Ngọc cứ để cho bọn tuần tra thi hành phận sự, còn nàng thì bảo Bạch Thiếu Huy thủ sẵn Bách Hoa lệnh phù rồi đưa chàng lên bờ, trình diện với Cốc Cô Bà.
Cuộc khám xét diễn ra kỹ càng hơn những lần khác, nhưng rồi Cốc Cô Bà cũng phải để họ ra đi.
Bạch Thiếu Huy để ý thay vì bỏ cửa, thì hai tỳ nữ lại đóng kín khi thuyền tách bến.
Chàng chưa kịp hỏi gì thì Tường Vân giải thích:
- Từ đây mà đi là mình đã ra khỏi lãnh vực Bách Hoa cốc rồi, bất cứ thuyền ra hay thuyền vào, đều phải đóng các cửa lại trong suốt đoạn đường từ trạm kiểm soát địa đầu này đến mấy dặm xa, phòng ngừa có gian tế quanh quẩn trong vùng dọ dẫm động tịnh trong cốc.
Bạch Thiếu Huy không tỏ lộ một cảm nghĩ nào khác lạ, sợ ánh mắt soi mói của Tường Vân đang nhìn chàng.
Không rõ vô tình hay cố ý Tường Vân tiếp:
- Bọn chúng tôi quá quen với quy củ nơi đây chẳng nói làm gì, riêng phần tướng công, dù sao thì cũng chưa được rành lắm, tôi cần phải cho tướng công biết để tướng công được an lòng. Khi nào công tác hoàn thành, tướng công trở về đây phục lệnh, tự nhiên sẽ có người đón tiếp mà đưa tướng công vào cốc.
Đón tiếp? Họ làm sao biết chàng ra về lúc nào mà chực sẵn? Hay là họ có người theo dõi chàng mà biết được thời gian?
Tường Vân mỉm cười rồi tiếp:
- Lại còn một việc này nữa, phàm người trong cốc lúc xuất ngoại hành sự có gặp nhau, nếu không cần thiết lắm, thì chẳng nên nhận nhau, và tuyệt đối không ai được hỏi đến công tác của người khác, chẳng qua biện pháp đó chỉ có hiệu dụng đề phòng mọi sự tiết lộ tai hại.
Nàng nhìn thẳng vào mặt chàng:
- Vừa rồi tôi đã tiết lộ phần việc của tôi sắp thi hành là tôi đã vi phạm quy luật rồi đó. Song tôi không thể giấu tướng công, bởi lẽ tôi thực sự ngưỡng mộ tướng công, muốn lấy sự chân thành đối đãi nhau.
Nàng có ý tứ gì khi nêu lên điểm đó?
Nhưng chàng lờ đi như không lưu tâm đến những ẩn ý của nàng nếu có, chàng cung kính thốt:
- Đa tạ cô nương đã chỉ giáo cho tại hạ nhiều điều hữu ích.
Có lẽ thuyền đã ra khỏi vùng cấm địa rồi, nên Lục Châu mở tất cả các cửa.
Bạch Thiếu Huy nhận thấy thuyền đã đến sông lớn rồi, hai bên bờ sông có rất nhiều vàm chứng tỏ nơi đây rạch ròi chi chít.
Thuyền cặp bờ dừng lại.
Tường Vân thốt:
- Chúng ta chia tay tại đây. Tướng công hãy lên bờ. Tôi cầu chúc tướng công hoàn thành công tác sớm trở về cốc phục lệnh phu nhân!
Bạch Thiếu Huy đứng lên vòng tay cáo từ:
- Xin tạm biệt cô nương hẹn ngày tái ngộ.
Chàng lên bờ, Tường Vân đưa tay qua song cửa, vẫy vẫy chào biệt, rồi thuyền tách bến xuôi dòng, lướt nhẹ như bay.
Bạch Thiếu Huy nhìn ra chung quanh, nhân thấy nơi này là một khu rừng nói hoang vu nằm dựa mé sông, không rõ bên bờ đối diện ra sao chứ bên này thì vắng vẻ lạ lùng, trông tận mắt cũng không thấy một mái nhà dân cư nào.
Chàng theo con lộ duy nhất đi tới, độ nửa dặm đường bỗng thấy một người cỡi ngựa từ trong ven rừng vọt ra lộ chạy ngược chiều về chàng.
Người đó vận y phục đen, tác độ trung niên, chờ đến gần chàng xuống ngựa, nép một bên đường vòng tay cung kính:
- Xin mời Bạch hộ pháp lên ngựa!
Bạch Thiếu Huy nhìn sững hắn. Hắn vẫn cung cung kính kính tiếp nối:
- Thuộc hạ vâng lệnh chuẩn bị cước lực, ở đây chờ đón Bạch hộ pháp!
Chợt nhớ lại những lời Tường Vân đã nói vừa rồi, Bạch Thiếu Huy không còn nghi ngờ gì nữa, chàng điểm một nụ cười:
- Đa tạ huynh đài!
Đại hán áo đen trao cương ngựa cho chàng xong, cúi đầu chào rồi lẩn vào rừng.
Bạch Thiếu Huy không chậm trễ, lập tức lên ngựa ra roi hướng về phía trước mặt.
Qua hơn hai mươi dặm đường, chàng không gặp một thôn xóm nào, chàng thầm hỏi:
- “Đây là địa phương nào? Suốt cả một vùng rộng lớn thế mà không có dân cư kể cũng lạ!”
Chàng lại giục ngựa đi mãi không ngừng.
Không bao lâu phía trước mặt một cánh rừng hiện ra, đến ven rừng chàng chưa kịp nhận định địa hình, bỗng một giọng nói êm dịu vang lên:
- Có phải Bạch thiếu hiệp đó không?
Bạch Thiếu Huy giật mình, giật cương kìm ngựa đứng lại trầm giọng hỏi:
- Ai?
Từ trong mấy hàng cây có một lão tiều phu đội nón lông chim ưng còng bước ra quan sát chàng từ đầu đến chân đoạn hỏi:
- Các hạ là Bạch Thiếu Huy à?
Bạch Thiếu Huy gật đầu:
- Tại hạ là Bạch Thiếu Huy còn lão trượng?
Lão tiều phu nghiêng mình:
- Lão phu chờ đây đã lâu. Xin mời thiếu hiệp vào trong rừng, chúng mình sẽ đàm đạo sau!
Bạch Thiếu Huy sanh nghi nhưng cũng xuống ngựa, hỏi lại:
- Lão trượng có điều chi dạy bảo?
Lão tiều phu không đáp câu hỏi mà chỉ buông gọn:
- Thiếu hiệp hãy dắt ngựa theo lão phu!
Rồi lão quay mình đi liền.
Nhìn lão Bạch Thiếu Huy biết ngay đối tượng không phải là một cụ già thực sự, chàng nghĩ thầm:
- “Ai lại giả dạng tiều phu ra đón ta thế này? Hay là người của chị em Hoa Tiểu Ngọc? Họ có bảo là sẽ gặp ta trong ngày nay kia mà”.
Không do dự được nữa chàng dắt ngực đi theo sau liền.
Đi một lúc vào sâu trong rừng, Bạch Thiếu Huy thấy có một con ngựa cột tại một cội cây, ngựa trông đẹp đẽ hùng vĩ lắm.
Lão tiều phu đột nhiên quay mình lại, cởi chiếc nón, để lộ mớ tóc huyền đen óng mượt dịu dàng thốt:
- Tiểu tỳ vâng lệnh đại cô nương mang ngựa đến đây chờ đón Bạch thiếu hiệp, xin thiếu hiệp thay áo rồi lên ngựa đi ngay.
Bạch Thiếu Huy lấy làm lạ:
- Đại cô nương nào? Tại sao phai thay áo đổi ngựa?
Đối tượng lại phủ chiếc nón lên đầu như cũ, trở lại cái lốt tiều phu thấp giọng đáp:
- Quanh đây trong vòng một trăm dặm nơi nào cũng có tai mắt của Bách Hoa cốc, nếu thiếu hiệp không thay áo, đổi ngựa thì chúng sẽ dễ dàng nhận ra.
Bạch Thiếu Huy lấy làm lạ:
- Đại cô nương là ai? Hiện tại ở đâu?
- Đến đấy rồi thiếu hiệp sẽ rõ! Thiếu hiệp hãy để con ngựa kia cho tỳ nữ đi, còn thiếu hiệp thì dùng con ngựa này, nhanh lên cho khỏi mất thời gian.
Bạch Thiếu Huy đã đoán đại cô nương này chắc là chị của Hoa Tiểu Ngọc chứ không còn ai khác hơn nữa, do đó chàng không ngần ngại thay áo, lên ngựa theo lão liền.
Bất giác chàng phát giác ra nơi hông áo có đeo lủng lẳng một chiếc đồng bài mặt có bốn chữ: Thiên long thập nhất.
Chàng kinh dị thầm hỏi:
- “Thiên long thấp nhất? Chiếc áo này là của một thủ hạ trong Thiên Long đường chăng?”
Chàng cười thầm tưởng đổi áo thì đổi luôn người không ngờ vẫn y nhiên là thuộc hạ của Bách Hoa cốc!
Đúng như lời lão tiều phu đã thốt dọc đường, chốc chốc chàng lại gặp người của Bách Hoa cốc dưới những hình thức khác nhau, song chỉ nhìn qua là chàng nhận ra ngay.
May mà chàng có tánh phòng xa, mang một chiếc mặt nạ trước khi khởi hành nếu không thì bại lộ mất.
Nhìn ra trước mắt bất giác chàng giật mình, không rõ từ lúc nào lão tiều phu đã mất dạng.
Thế này thì chàng còn phải đi đâu?
Chàng hoang mang vô cùng, chợt trông thấy nơi yên ngựa có một mảnh giấy nhỏ gấp làm tư, do một mũi châm cài dính, chàng vội lấy mảnh giấy ra, thấy có mấy dòng chữ:
“Theo hướng Nam đi đúng hai mươi chín dặm đến một cái gò rẽ hướng Đông, đi tám dặm nữa đến thành dừng ngựa lại”.
Bạch Thiếu Huy điểm một nụ cười cứ theo sự chỉ dẫn trong mảnh giấy mà tiến tới.