HÀ NỘI - TÌNH NHÂN

PHẦN III - Chương 5

Căn nhà chủ tịch Hai Ngạn vẫn nằm trên đất cũ. Tất cả hình như không mấy thay đổi. Vẫn căn bếp lụp xụp kề bên đống rơm đã vạt một phần lớn trơ cả chiếc cọc xoan róc vỏ chưa kĩ. Trên đầu cọc úp cái bu gà rách. Con bò già mắt lèm nhèm gầy giơ xương uể oải nhai rơm, thờ ơ nhìn hai ngừơi đang tiến vào ngõ. Sân nhà hình như rộng ra vì bờ ao được cơi nới bởi mấy cây hồng xiêm đang ở độ. Bụi tre ngày trước trông có vẻ thưa hơn. Một cái hầm trú máy bay làm bằng tre có lớp bùn hình như mới trát thêm dầy ụ lên nom như một người to béo đang nằm phủ phục. Mặt bùn hơi xe đang rạn chân chim. Một cái bể xi măng có mái vòm trên đó có kẻ khẩu hiệu bằng vôi "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước". Chiếc bể này nối cây cau thẳng đuỗn, mốc trắng đang trổ hoa bằng cái bẹ cau già nhăn nheo mầu nâu cùng cái hầm tránh máy bay có lẽ là thứ thay đổi ở nhà của Hai Ngạn. Vừa nhìn thấy Hai Ngạn dắt xe về cùng người khách lạ ăn mặc rõ ra lối thị thành thì một đám trẻ từ sau mấy gốc cây hồng xiêm ùa ra. Đứa nào đứa nấy mặt mũi nhem nhuốc, áo rách xơ để hở ra những mảng bụng dính đất lem nhem. Một thằng bé có cái mũi bị sứt chóp còn rớm máu có lẽ do vừa bị ngã hay bị một vật cứng nào đấy đập vào, tay cầm cành xoan cong queo vừa chạy trên tốp đầu đám trẻ vừa hô to "a bố đã về. Bố có cả khách. Thích quá thích quá. Hôm nay được ăn cơm cá rồi"

- Con trai tớ đấy. Nom được không? Trông thế mà nghịch lắm. May tớ làm chủ tịch chứ không thì năm nay cô giáo lại cho đúp tiếp. Học chán bỏ mẹ ra. Ngăn, Ngăn. Bố bảo này.

- Gì ạ.

- Sang gọi cô Hiên cho bố bảo cô tiện tay hái cho bố nắm rau cải để tao nấu canh cá rô. May quá hôm qua tớ vợt được mớ rô chưa ăn còn giộng trong vại. Rô rán ròn mà uống với cuốc lủi thì chỉ có nhất. Ông uống tốt đấy chứ. Dân ngoài phố Hà nội chứ bỡn đâu

Thằng bé mặt hơi phụng phịu vì đang đứng với đám bạn ngó ngiêng ông khách và chiếc xe đạp vì lạ, nhưng sau giây lát tần ngần một lúc nó vẫn ào đi. ấm nước vừa sôi mang lên chưa kịp rót vào ấm pha chè thì đã thấy một người nhìn thoáng bề ngoài dường đã có dáng lệ phệ cuả người đàn bà nhưng nhìn kĩ vào khuôn mặt sắc nét như thoáng được trang điểm theo lối của mấy cô hát cải lương làng thì thấy đó là một người dường như vừa qua độ thiếu nữ Nhất là đôi mắt lóng lánh có hàng long mi dầy, cong vắt cùng đôi môi chúm chím luôn sẵn sàng để giận hờn. Vừa bước chân vào sân người ấy đã oang oang:

- Anh đúng là nghiện rau cải nhà em thật rồi. Thế mà hôm nọ bảo lấy nắm hạt mà reo thì lại…

Người đàn bà nói nửa chừng chợt ngừng lại khi nhận ra Long đang nhìn mình. Dốc gói chè Hà giang phân loại đã bóc dở vào ấm nước. Hai Ngạn choang choác:

- Hiên. Nhìn  kỹ xem có nhận ra đây là ai không?

- Chịu khách sang của anh thì em biết làm sao được

- Ơ cái cô này đoảng thật. Có thế mà cũng không nhớ à. Anh Long đã từng lên nhà này hồi trốn lính. Đâu như năm ba hay năm tư gì ấy nhỉ?

- Khiếp. Thế tức là cách đây đã mười lăm, mười sáu năm. Lâu thế thì bố ai nhớ được. Mà dạo ấy em bé tí, đâu như bằng thằng Ngan nhà anh chứ mấy.

- Đúng rồi. Tôi nhớ cô ấy đứng ngoài cửa hàng rào kia nhìn sang chứ có vào tận ơi đâu. Long nói cho có chuyện. Đôi mắt nhìn chăm chắm vào Hiên, thầm nghĩ"cô này mà ăn mặc vào thì khối cô ở Hà nội còn kém xa. Nom vừa có duyên vừa có sức hút vô hình đến kì lạ"

- Thôi cứ để rau đấy vào uống nước đã. Cô hôm nay rỗi chứ gì.

- Ôi giời. Phận em bây giờ thì biết làm gì nữa. Cấy hái xong rồi. Trâu bò thì quá tuổi rồi. Kiếm mãi mới được tấm chồng thì nó lỉnh đi cầm súng đánh nhau rồi. Ngõi mãi tí con thì nó lại đi trước. Rõ chán mớ đời. Nào hôm nay anh có việc gì thì cứ việc sai, cần gì mà phải giữ ý giữ tứ cho mệt ra.

Hiên nói nhưng chốc chốc lại liếc nhìn thật nhanh Long. Không hiểu sao Long thấy má mình nóng bừng. Anh cầm chén nước nhấc lên, nhấp qua một chút rồi nói bâng quơ:

- Nước mưa pha chè có khác.

- Chứ còn gì nữa. Thôi ông cứ ngồi đây uống nước, tôi ra đổ mớ cá rô để cái Hiên mổ, xong nó rán lên hai thằng mình uống rươụ. Dạo này bận quá không đi lùng rắn được chứ vẫn khối ông ở Hà nội về đặt tôi tìm cho mấy bộ ngâm rượu đấy. Bố khỉ. Toàn bọn nhà giầu nó mới chơi sang thế chứ. Cái giống rượu rắn ngũ xà, tức xà, tam xà chả hiểu thế nào mà bổ phải biết.

- Thế có nấu canh cải không?

- Thì tuỳ em. Mà dứt khoát phải có món canh ấy rồi.. Nhớ gần xong ra vườn đào củ gừng giã cho vào để canh dậy muì. Khách Hà nội đỡ chê nhà quê anh em mình.

Hai Ngạn vừa co chân lên ngồi trên bàn thì lập tức bỏ xuống, anh ta vừa đứng dậy thì từ ngoài ngõ có tiếng gọi vọng vào"chủ tịch Ngạn có nhà không đấy". Liền lập tức một người đàn ông người đậm chắc, tay cầm đòn càn tre đi vào. Có lẽ nhìn thấy Hai Ngạn nên khuôn mặt nhọn hoắt của ông ta hơi rạn ra, đôi môi mỏng liên tục kêu "may quá may quá". Hai người thì thầm một lúc thì thấy Hai Ngạn nói to:

- Anh giộng cá rô ở chỗ vại kia. Cô ra bắt mổ cho anh rồi cứ thế mà rán cá, thổi cơm. Anh phải chạy ra giải quyết gấp công việc ở xóm Chùa một lúc. Mẹ bố tiên nhân chúng nó. Lúc này mà quân chó chết còn định… Ông gì nhỉ. à ông Long đúng rồi. Thật không phải với ông nhưng ông cứ ở nhà, tôi ra ù một cái rồi về ngay. Đấy, làm cái thằng chủ tịch xã khốn khổ khốn nạn thế đấy. Thông cảm nhé.

Không kịp nghe Long nói gì Hai Ngạn đã ngoắc tay gã đàn ông cầm đòn xóc đi ra ngõ. Thằng Ngăn định theo bố thì bị Hai Ngạn bẻ nhanh cái roi tầm sọng bên hàng rào, tay vùng miệng quát thật to "ở nhà, ở nhà. Đi theo chết đòn giờ".

Khi thấy Hai Ngạn ra khỏi nhà thoạt đầu tiên thì Long lúng túng vì tự nhiên lại rơi vào tình trạng ở cũng dở mà về ngay vẫn cũng không ổn. Rất may Hiên là người đàn bà hay chuyện và cũng thật tự nhiên. Chẳng mấy chốc, Hiên đã làm như rất cần đến sự giúp đỡ của Long. Cô đưa cho anh nắm rau cải còn cả rễ nhờ nhặt hộ, rồi đổ mớ cá rô ra. Trong khi lần lượt mổ những con cá đang rẫy đành đạch thì Hiên nói liên tục chỉ có điều giọng cô hạ thấp xuống chỉ đủ để Long nghe được. Không hiểu vì nguyên cớ gì hay chỉ đơn thuần vì là người ưa nói, thích trò chuyện kể cả những câu chuyện thuộc về những gì thầm kín của đời người con gái. Thế mới hay đoạn đời của cô gái này chưa phải là dài lắm mà cũng lắm bước chuân chuyên lạ kì. Hôì nhỏ Hiên cứ tưởng mọi sự trong đời đều do chính người ta quyết định. Càng lớn cô càng hiểu rằng. Con người có lẽ chỉ có độc một quyết định đó là sự ăn sự uống còn thì đều do ngưòi ta hoặc cao hơn là ông trời xếp đặt. Cái năm năm chín ấy khi Hiên vào độ tuổi 17. Cái tuổi mà ở làng này thời trước ngưòi ta đã rạm ngõ, ăn hỏi và cũng không ít người đã tay bồng tay mang. Còn bước vào thời dân chủ này thì người ta lại bảo là đã là thanh niên thì phải học hành vui chơi sinh hoạt theo đoàn thể. Chuyện riêng tư phải xếp sau mọi công việc chung. Người ta nói là một chuyện còn việc nghĩ ngợi ra sao lại là việc khác. Một anh công nhân về xây dựng nhà máy bê tông ở xã trên chả hiểu thế nào mà Hiên quen được. Anh chàng tên là Linh, trông cũng hiền lành chân chỉ hạt bột thế mà riêng cái ngón thổi cái kèn ác mô ni ca thì thật là tài. Bình thường nghe anh chàng nói thì còn đỡ nhưng khi chiếc kèn được rút từ túi sau chiếc quần bảo hộ dầy cộp, bạc phếch đưa lên môi thì Hiên như bị mất hết mọi suy nghĩ. Quen nhau được hơn một năm thì một chiều Linh bảo ngày mai trên nhà máy có đoàn cải lương Chuông Vàng về biểu diễn hay lắm. Đầu tiên thì Hiên cũng thấy ngài ngại, vì muốn lên nhà máy bê tông thì phải qua một đoạn đường ruộng mùa này đang vụ trồng ngô. Những cây ngô cao lú đầu người, xanh mướt, dập dìu theo gió, trên đó những bông hoa ngô nâu bạc cong ngọn đà đưa. Đi liền còn không trông thấy nhau nữa là… đàn bà, con gái đêm hôm lại đi sóng đôi với đàn ông, con trai những nơi ấy sao tiện. Sự ái ngại đó ngay lập tức bị ngăn lại vì Linh bảo tối nay Chuông vang diễn "Lý Công "hay lắm. Không đi thì biết đến khi nào anh em mình biết các cô đào cải lương ra sao. Mà quần áo của họ đẹp lắm nhé. Đóng công chúa với vua mà lại. Cứ gọi là lóng la lóng lánh toàn như đinh kim cương cả thôi. Nghe đã thích rồi. Thế là cơm chiều xong, Hiên rủ thêm ba cô bạn gái đợi Linh dẫn đi Rồi cũng chẳng hiểu thế nào khi lên đến bãi thì cả ba cô tách dần Linh và Hiên lúc nào không biết. Hai người đi xem về trong khi Hiên còn chưa hết xúc động, bồi hồi vì mối tình của nàng công chúa với chàng Lý Công thì đã đến quãng đồng trồng ngô. Trăng mười tám lên muộn, sau khi đỏ rực như mặt người say rượu thì chuyển sang màu vàng sáng rực. Anh chàng Linh kêu mỏi chân rồi dừng lại. Hai người ngồi bên bờ ruộng, hứng chí Linh rút kèn ắc mô ni ca ra thổi bài "tình ca Tây bắc". Chao ôi tiếng kèn mới lạ làm sao. Đất trời như nhẹ hẳn bồng bềnh cho đến khi Linh nắm vào tay Hiên khiến mặt cô nóng bừng lên, rồi người cô lảo đảo như bị say rượu. Đôi môi vừa lướt trên kèn ắc mô ni ca bịt chặt miệng cô. Cảm giác như có một lưỡi dao thật sắc xẻ dọc thân người Hiên, tiếp liền là cơn đau dữ dội khiến trời đất như phủ đầy đom đóm. Cô gái khóc, nước mắt dàn dụa. Vầng trăng bắt đầu khuyết méo xệch nghiêng ngả. Linh ôm lấy vai cô dỗ dành.

- Nhưng cũng phải nói là anh ấy cũng tốt. Hơn năm sau chúng em làm lễ cưới. Đang yên lành thì vào năm 66 anh ấy trúng tuyển nghiã vụ.

- Lấy nhau như thế cũng đến năm sáu năm còn gì.

Có thể bị những lời kể lể như nói với chính mình một cách tâm sự mà tự nhiên Long buột ra câu hỏi như với một người bạn đã rất thân nhau và luôn luôn nói cho nhau những điều thầm kín nhất.

- Chứ còn gì nữa. Nhưng cũng lạ lắm anh ạ. Hồi chưa cưới thì em có mang đến hai, ba bận. Không hiểu tại sao đều bỏ cả. Buồn cười thật đấy. Tự nhiên Hiên cất tiếng cười thật to khiến mấy đứa trẻ đang chơi đấu gà bằng lõi những sợi hoa dâm bụt gần đấy cũng trố mắt nhìn lại. Hiên không hề để ý gì cô lại thủ thỉ như để trút hết những gì còn sót trong mình. Cô nói như ngày mai sẽ không bao giờ được nói nữa

- Thế mà ở hẳn với nhau rồi. Anh ấy vì nhà ở tận Ninh bình nên ở rể luôn nhà em. Vậy mà loay hoay mãi, thậm chí hết thầy lang này đến thày lang khác mà bụng dạ em chẳng thấy nhô lên gì. Vợ chồng em nóng ruột lắm. Thấy người ta bảo vì chửa con so mà bị xẩy thì dễ quen dạ và khó đậu lắm. Sau lần đầu em lại mắc đến hai ba lần. May quá, mãi sau này… Hiên ngập ngừng để nhớ lại. Có lẽ phải đến hơn ba tháng chứ không ít đâu, em mới sực nhớ rồi lên bà lang trên Xù, Gạ chữa bằng cách buộc thuốc thì mới hiệu nghiệm đấy. Chỉ tiếc một nỗi là em có mang được ba tháng thì anh ấy nhập ngũ. Buồn nữa là khi nghe tin anh ấy bị hi sinh thì em lại bị xẩy. Khổ đang cấy thì nghe uỷ ban xã báo tin, thành ra em không chuẩn bị, nên khóc lóc vật mình vật mảy mãi thành ra…

Buồn quá nhỉ? Long an ủi. Điếu thuốc Lao động cháy trên tay.

- Khổ thế. Có thể do em khóc nhiều quá lại nghĩ ngợi thương anh ấy thành ra… nhưng mà thôi. Bây giờ mọi sự quên rồi. Hai cái tết qua chứ có phải ngắn ngủi gì. Con người ta thoạt trông tưởng chẳng có gì quên được. Mà nó thật như thế thì sống thế qué nào được nhỉ. Này… Đôi mắt Hiên lúng liếng liếc Long khiến anh chàng thoáng chút bâng khuâng. Long cố hỏi

Sao. Cô định nói gì?

- Có gì đâu. Anh biết anh Hai Ngạn, cả em nữa ở đây. Thỉnh thỏang anh về đây chơi cho vui. Hôm nào rỗi anh về cho em ra Hà nội. Em nghe nói bánh tôm Hồ Tây ngon lắm phải không?

- Cũng bình thường thôi. Ăn lúc nào chả được. Chỉ ngại lúc xếp hàng Gớm. Không có máy bay thì thôi. Cứ phải hàng giờ mới ăn được. Long nhận ra sự tinh nghịch mà anh có vẻ thinh thích của Hiên.

- Tưởng gì. Chả sao hết. Trông em thế này thôi nhưng gan lì ra phết đấy. Nói rồi thì nhớ đấy nhé. à, còn chuyện này nữa. Anh về sơn lại cái xe đi không có dân quân, du kích dễ bắt lại lắm đấy. Thời nay mà đi xe trắng xoá ra thế kia thì quá làm mồi cho máy bay còn gì.