- Chào cô Vân. Người đàn ông để tay vào quai xà cột cất giọng rè và khàn có vẻ nhanh nhẹn cất tiếng trước.
- Cháu chào hai bác ạ. Chẳng hay…
Vân chưa nói hết câu thì người đàn ông thấp, đậm hình như không muốn kém lời với người đi cùng nhanh nhẩu nói luôn. Giọng ông ta lắp bắp nuốt cả lời.
- Ấy, ấy, không không. Tuổi chúng tôi cô gọi bằng anh là được rồi. Em cô cậu Vũ cũng đã gọi thế mà.
- Đúng thế đấy. Ngưòi đàn ông cao loay hoay như tìm chỗ ngồi. Hai chúng tôi là chánh phó giám đốc chỗ xưởng của cậu Vũ. Trước đã quen với nhà cô rồi. Hồi anh em tôi đến đây làm cải tạo chắc cô còn nhớ. Hôm nay được tin cậu Vũ cưới vợ. Hôm dự tiệc trà anh em đã đến nhưng đông ngưòi qua không nói hết chuyện, nay tiện có việc qua đây thăm gia đình…
Vừa nói ông ta vừa đảo mắt khắp nhà và nhìn cả vào nhà trong, rồi nói tiếp. Thế mẹ cô đâu cả vợ chồng cậu Vũ nữa.
- Me cháu chạy ra chợ thì phải. Còn hai em cháu chắc đi ăn sáng ở đầu phố.
- Đấy đã bảo cô rồi, cứ gọi là anh em cho thuận, mới lại như thế mới dễ nói chuyện. Ông thấp đậm lại oang oang.
- Vâng. Vâng. Vậy thì cháu xin phép đi pha nước.
Khi Vân bưng ấm nước lên thì chỉ thấy một mình ông cao dong dỏng đang đu đưa chân đảo mắt nhìn khắp nhà.
- Mời ông xơi nước. Dạ cháu tưởng còn ông kia nữa… Vân lúng túng
- Không sao, không sao. Ông ấy có việc chạy về xưởng một chút. Cô biết quá đi rồi. Xưởng ở ngay cuối phố. Cậu Vũ là sướng nhất đấy. Đi làm gần gựa. Chẳng phải xe cộ gì hết. Ba bước đã đến xưởng. Vâng cô cứ để đấy. Ơ tưởng ông đi về xưởng. Ông dong dỏng cao đột nhiên ngập ngừng khi thấy ông thấp đậm đột nhiên lại lù lù hiện ra, miệng liến thoắng
- Về thế nào được. ở trong này nhìn ra thấy có người đi qua trông quen quen tưởng là tay Ninh trung đội trưởng cũ quê ở Bắc Giang, nhưng chạy theo đến nơi mới thì hoá ra không phải. Kể cũng lạ, trên đời lại có nhiều người giống nhau thế không biết. Thế đã nói chuyện chính chưa?
- Từ từ đã. Ông cao khàn khàn vừa thổi phù phù vừa húp nước xoàn xoạt đáp lại.
- Vâng cô cứ để tôi xin. Gớm cái tang chè nhà cô mua ở đâu mà thơm thế không biết. Chè Thái đúng không?. Được nước, được vị lắm đấy. Dạo còn trên Đồng bẩm hồi kháng chiến, thỉnh thoảng xin được nắm chè búp nhất là vào tiết lộc xuân thì chà chà. Nhấp hớp nước mà tỉnh đến tận ngón chân.
Vân lúng túng nhìn ra, cô rất muốn me cô hay vợ chồng Vũ ngay lập tức về để cô đỡ phải chịu đựng sự tiếp khách trong khi đầu óc cô đang để tận đâu đâu. Bất chợt người đàn ông cao gật gật đầu, rồi áp đôi môi dầy sụ vào chén trà, hớp một miếng thành tiếng"xoạt"khá to rồi hạ giọng ;
- Chả dấu gì cô, tôi có một người em trai. Chú nó tên là Thành. Đặt theo vần của tôi ở nhà là chú Tía. Khi ở nhà cũng chậm chạp lắm. Được cái may chú ấy đi bộ đội nên nó sáng dạ ra nhiều nên tìm được tên mới. Cũng là hay, bây giờ là Doãn TiếnThành.
- Tôi mà như đồng chí thì tôi cứ nói thẳng ra việc gì phải vòng vèo thế.
- Đồng chí cứ để tôi diễn giải cho có đầu có cuối, chứ bập vào ngay cô ấy không hiểu đầu cua tai nheo gì thì lại càng quá tội.
- Ối dào. Đồng chí nhớ là mười giờ là họp rồi đấy. Tôi là bí thư chi bộ tôi có thể quyết.
- Được rồi. Cô Vân ạ, nó là thế này…
Thế là chẳng đợi Vân có nghe rõ những điều mà ông Tô nói không nhưng ông này vẫn thao thao. Chốc chốc như để đỡ khàn giọng ông giơ tay cầm ấm nước tự rót vào chén của mình rồi ngay lập tức dốc ngược chén vào miệng mình, những chấm rỗ trên mặt ông ta chốc chốc lại đỏ lên rồi lại tái đi. Vân cố giữ vẻ bình thản trên khuôn mặt của mình nhưng có lẽ vì gắng sức để hiểu những gì ông ta muốn nói sau những lời dài dòng và rối rắm nên trán cô xuất hiện những nếp nhăn do phải nhíu lại suy nghĩ. Nghe một lúc cô giật mình khi nhận ra điều ông Tô muốn cô hiểu. Nói gần nói xa, vòng vèo đến mấy hoá ra ông Tô muốn nói rằng. Ông có người em trai đi bộ đội đã lên đến chức đại uý tức là loại sĩ quan có đến bốn sao một gạch. Người em trai tên là Thành ở nhà tên là Tía ấy giờ đã là giám đốc của một nhà máy gạch ở mạn Bắc Ninh. Nhà máy ấy cũng thật thuận lợi vì một mặt thì gần quê. Hai anh em ông Tô ở đầu Hưng yên, mặt khác cũng gần Hà Nội. Em ông ta vừa qua tuổi ba mươi. Ông Tô bảo chú ấy vừa có chức tước lại vừa có sức khoẻ ở nhà bình thường thả sức thì chú ấy ăn được đến năm lần đơm. Chú Thành đang muốn lấy vợ. Nếu Vân đồng tình thì để chủ nhật này ông Tô sẽ đưa chú em đến xin phép mẹ của cô cho tìm hiểu. Tiếp theo lời của ông Tô ông Liễn nói ngay. Cái giọng khàn khàn của người nghiện thuốc nghe lúc xa lúc gần. Ông bảo:
- Chuyện hôn nhân trên quan điểm mới tức là căn cứ vào sự đồng tình của cả hai bên chứ không thể áp đặt. Đồng chí Tô nói là thế nhưng thực chất phải dựa trên sự đồng ý của cô Vân. Chứ thời này, dưới chế độ ưu việt này không thể ép buộc ai được. Thời này càng không thể áp dụng lối của thời phong kiến đế quốc tức là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, càng không thể dùng sự ép buộc để bắt người ta.
Ông Tô và ông Liễn vừa dứt lời thì Vân lao vội ra cửa để dấu đi sự hoảng hốt của mình. Từ khi hiểu được chút ít lẽ đời chưa bao giờ Vân nghe thấy những điều mà hai ông cán bộ nói. Cái đáng sợ hơn là những điều đó lại vận ngay vào số phận của mình. Vân múc vội gáo nước từ bể nước mưa dự trữ rồi ấp mặt mình vào đó. Nước mát lạnh khiến cô bình tĩnh trở lại. Cô len lén nhìn ra ngoài ra cửa mong ngóng có ai về, nhưng chỉ thấy hai ông khách đang ngồi. Hai sợi khói từ hai điếu thuốc lững lờ. Ông Tô tự nhiên lại đứng lên ngó ra ngoài sân như có ý tìm xem Vân đang ở đâu. Vừa lúc đó thì vợ chồng Vũ Đông vào. Rõ là đang tuần trăng mật nên nhìn mặt cô gái vừa có chồng mới hớn hở làm sao. Đông gần như không để ý gì đến hai người khách đàn ông đang ngồi trong nhà. Cô líu lo:
- Me ơi. Me.
Vũ đang cúi đầu nhìn bậc thang nhắc khẽ vợ:
- Me có nhà đâu em. Me ra chợ để… Ô
Nhưng cũng ngay lúc ấy cậu nhận ra hai vị khách ;
- Ơ hoá ra hai anh, thế mà em cứ tưởng là ai.
- Thôi được rồi. Chỉ vài phút nữa là đến cuộc họp quan trọng mà tôi lại chủ trì. Có lẽ anh Tô về sau một chút. Cũng không sao đâu
- Đây là vợ em chắc hai anh đã biết.
- Cháu chào hai bác ạ.
- Không không cứ gọi chúng tôi là anh như cậu Vũ thôi mà.
Ông Tô ngồi xuống kéo chiếc xà cột cũ lại gần phía mình như thói quen của người cẩn thận đang đi chợ. Cổ vẫn nghển lên nhìn ra ngoài sân. Ngay sau đó ông lại nói ngày với ông Liên.
- Thôi bước đầu tôi cũng nói thế thôi. Cứ để cô Vân suy nghĩ thêm. Chứ tôi cũng về cùng đồng chí bây giờ.
- Ấy, ấy. Thế hai anh có chuyện gì với chị em ạ?
Vũ có vẻ sốt ruột khi nghe ông Tô nhắc đến chị mình. Hai người khách nhìn nhau. Trong khi ông Tô ngập ngừng thì ông Liên nhanh nhẩu:
- Cũng chẳng có gì phải dấu diếm cả. Việc này anh Tô đã hỏi ý kiến qua thường vụ và tôi cũng nhất trí. Bởi vì mặc dù anh Tô làm giám đốc nhưng tôi lại là bí thứ đảng uỷ nhà máy. Trên cương vị ấy tôi hoàn toàn tán thành.
- Nhưng chuyện gì cơ ạ?.
Ngay lúc ấy thì Vân bước vào, trong khi Đông lại đi ra ngoài sân. Vân có vẻ tự tin hơn khi thấy em trai về. Cô đưa tay ra cầm ấm nước vừa rót vừa nói có vẻ muốn mọi chuyện qua đi không ai nhắc lại:
- Đúng là chẳng có chuyện gì quan trọng cả đâu.
- Nhưng dù thế nào em cũng muốn tường tận.
- Đúng là chuyện này không thuộc diện bí mật cần bảo lưu. Nó là thế này. Đồng chí Tô có chú em ở nhà tên là Tía, sau đi bộ đội đổi tên là Thành. Chú này giờ đã chuyển công tác làm giám đốc một nhà máy gạch ở bên Bắc ninh…
- Làm giám đốc? Bà Hai giật mình hỏi.
- Thôi thôi thế là được rồi.
Ông Tô nâng xà cột lên đeo vào vai rồi lấy tay ép sát xà cột vào cạnh sườn. Trong khi đó Vũ chừng nghe dở câu chuyện càng tò mò.
- Dù thế nào hai anh cũng cho em biết chị em làm sao lại dính vào…
- Không không. Chẳng qua vì tôi cũng quí… Ông Tô có vẻ lúng túng
- Vấn đề cũng đơn giản thôi. Cứ để tôi nói bởi vì chỉ có tôi bí thư Đảng uỷ mới đầy đủ thẩm quyền. Nó là thế này. Chú Thành giám đốc, em đồng chí Tô muốn đến tìm hiểu và từ đó làm bàn đạp tiến hành hôn nhân với chị cậu tức là cô Vân.
- Em hiểu rồi. Hoá ra là như vậy. Vũ nói gần như reo lên khi hiểu ra câu chuyện. Ngay sau đó có thể do nhận ra sự vui mừng thái quá của mình Vũ hạ giọng. Việc này là do chị Vân và me em quyết định.
- Kìa Vũ. Không nói nữa.
Vân bỏ giở câu nói của mình đi ra sân. Vừa lúc đó me Vân về đúng lúc hai người khách cùng đứng dậy. Ông Liên cố vươn cao hơn vóc người của mình mặt nghiêm lại:
- Thôi tất nhiên chuyện này là việc trọng đại của đời người phải để cho cô ấy suy nghĩ. Cái chính là tôi giao nhiệm vụ cho cậu Vũ là phải thường xuyên vận động chị chú để mọi sự thông đồng bén giọt. Nhiệm vụ này cũng là một trọng tâm, không thể xem thường được.
- Kìa kìa mời hai ông ngồi uống nước đã. Tôi thật không phải vì đi chợ lâu quá. Me Vân năn nỉ như cảm thấy mình có lỗi, trong khi đo hai ông cán bộ đứng lên và đi thẳng ra ngoài. Nhưng hai người chưa đến cửa thì Vân từ trong sân nói vọng ra. Giọng nhỏ những dứt khoát:
- Dù muốn thế nào tôi cũng không thể. Xin hai ông nên đi tìm chỗ khác
Mồm hai vị khách bất chợt há to ra mấp máy như định nói câu gì thì mẹ Vân xịt mũi làm như mình có lỗi khi thấy con gái mình hơi sẵng giọng mặc dù bà chưa hiểu chuyện gì xẩy ra:
- Thôi. Thì chín bỏ làm mười để tôi bảo cháu chứ quả thật… Mời hai ông dừng chân uống nước cho tôi thưa chuyện đã
Có lẽ đang đà đi ra ngoài, không thể dừng lại nên hai ông gần như vừa đi vừa đồng thanh:
- Không sao, không sao. Đã đến giờ chúng tôi phải về họp rồi. Việc nào đi việc ý, không hệ trọng, liên can gì đến bà cả.
Cả nhà Vân hôm ấy xem có vẻ áy náy lắm, nhất là bà Hai Tuy. Dù sao người ta cũng là những người thay mặt cả chính phủ này làm cho cả phân xưởng của nhà mình cùng không biết bao nhiêu xưởng ngày xưa có chủ riêng tư đều bị thay đổi và đưa vào cho nhà nước quản lý. Bây giờ chính họ lại là những giám đốc, phó giám đốc cầm đầu nhà máy.. Hôm nay không hiểu vì lẽ gì họ lại đến nghe phong thanh bảo có chuyện gì đấy với con Vân nhà bà:
- Hai ông ấy đến có chuyện gì đấy Vân?
Bà Hai định chọn lúc hai vợ chồng Vũ đang vui vẻ với nhau ở phía dưới bếp để hỏi khẽ Vân nhưng ngay lập tức bà nhận ra Vân đã rời khỏi nhà ra phố. Bà Hai khẽ khẽ thở dài rồi tự nhủ. Thôi thì khi nào Vân về bà sẽ tìm cách hỏi bằng được. Mọi chuyện dù sao cũng cần đến sự rõ ràng. Chúa đã dậy con người ta sống trên đời là phải rành mạch, thua thiệt hôm nay cũng là hậu quả của tiền duyên kiếp trước. Không ai có thể không nhờ vào Đức Chúa để thanh toán mọi sự ngang trái của cuộc đời này. Ngay như Chúa Giê su một thân một mình với tất cả sự đau đớn và bất hạnh trên đời mới cứu được chúng sinh thoát khỏi vòng tội lỗi. Nhưng cũng chỉ trong thời khắc nào đó chứ còn cuộc đời thì mênh mông với nhiều sự việc, nhiều số phận đan nhau y hệt nha mắt cáo, như định mệnh. Con người thì hàng vạn, hàng triệu số phận biết sao mà lần. Chỉ có điều mỗi người phải trông chờ vào phép lạ vô biên của Chúa trời và cả sự ăn ở của chẳng những đời mình mà cả đời cha ông, cụ kị. Thế mới hay cuộc đời bao giờ cũng hàm chứa đủ mọi điều mà đầu óc con người khó lường trước được nhưng lại là hậu quả nhỡn tiền của sự ăn ở của một hay hai ba đời người. Khổ thế.