HÀ NỘI - TÌNH NHÂN

PHẦN III - Chương 12

Mãi sau này có dễ đến hơn ba mươi năm khi Long đã trở thành ông già đã vào độ tuổi sáu mươi. Chứng bệnh áp huyết không biết sinh ra từ bao giờ hành hạ ông có lẽ đến lúc nhắm mắt, xuôi tay. Thứ bệnh này thật quái quỷ. Không hiểu sao đàn ông vào những năm tháng này lại hay mắc phải như vậy. Cứ năm người đàn ông ngồi với nhau là có ít nhất ba người lầu bầu hoặc thì thào với nhau về căn bệnh khỉ gió này. Liền sau đó là việc mách nhau những cách chữa đơn giản nhưng đòi hỏi một sự kiên tâm. Kiểu như sáng chiều nào dù mưa to, gió lớn, rét mướt, nắng nôi ra sao cũng vẫn phải duy trì việc đi bộ. Đừng nổi nóng trước bất kì sự việc gì, ngưòi nào. Mà cũng lạ ngày xưa ăn đói mặc rách, nhà ở chật chội và luôn chịu sự ngột ngạt nóng bức vì điện mất, vì quạt thì phải dành cho con cái. Đó là chưa kể hồi máy bay Mỹ nó đánh Hà nội, còng lưng khổ sở chui rúc hầm hố, vất vả thức khuya dậy sớm đưa con cái gia đình đi sơ tán. Được ngày chủ nhật thì loay hoay mất ngày mất buổi đạp xe tiếp tế cho mẹ con nó thì chẳng thấy bệnh nó tật kia. Rủi chẳng may bị nhức đầu xổ mũi, thậm chí ôm lăn quay ra giường thì cũng cố mà chịu, cùng lắm là vài viên xuyên tâm liên, mấy lọ pênixilin là mọi sự lại tan đi, ngóc đầu dậy gánh vác chuyện nhà, chuyện cơ quan.… Còn bây giờ ăn uống thừa mứa, hết quạt lại điều hoà. Động trục trặc cơ thể một chút thì thuốc nọ thuốc kia, hết dưỡng sinh lại khí công vậy mà áp huyết áp hót vẫn lẳng lặng sinh ra trong cơ thể người ta. Thế mới biết ông trời ăn ở công bằng lắm. Đã hành con ngưòi về sự khổ rồi thì tha cho con người về sự bệnh. Ngay cái bệnh áp huyết này cũng thế thôi. Người thạo đời vanh vách bảo ngày xưa cũng thế cả thôi nhưng không thường trực bác sĩ với báo chí, sách vở, truyền hình, phát thanh nên không gọi rõ ra tên bệnh như bây giờ. Thủa ấy chết vì cảm nhập tâm thì chính là xuất huyết não chứ còn là gì nữa. Nhưng nói gì thì nói ngày xưa quả là căn bệnh thế kỉ này ít có thật, ngưòi phải như thế nào mới mắc. Chứ còn bây giờ nhan nhản ra cũng có cái lý của nó. Người ta ngồi bàn nhau một lúc mới vỡ lẽ. Sách báo, truyền hình nói cấm có gì sai đâu. Một là cuộc sống bây giờ nó căng thẳng hơn ngày xưa nhiều, nên việc huy động trí óc từ đó cũng tăng lên gấp bội. Thủa xưa ấy, bom đạn giặc giã là thế nhưng qua được giờ căng thẳng ấy thì ai nấy lại vui vẻ, hoà thuận vui vẻ với nhau. Đứng, ngồi cạnh nhau không phải lo xa vì những âm mưu của kẻ luôn luôn nói là bạn thân nhất của mình, nhưng cứ thử hở một điểm yếu của mình ra xem. Đâu phải như cái ngày xưa ấy Củ khoai, bắp ngô cũng vô tư chia nhau, chả ai nghĩ ngợi hơn thiệt. Còn ngày nay. Trông mặt ai cũng hồng hào vượng phúc, miệng tươi cười hơn hớn ra tưởng như lúc nào cũng có thể san nhà, san của cho nhau cả nhưng đấy chỉ là cái vẻ bề ngoài thôi nhé. Còn lòng dạ thì ai biết đây là đâu. Bụng tâm ngẩm ớt ngâm hết. Thằng nào, con nào cũng lo mình bị thiệt bị đứa khác cho vào xiếc. Nó hưởng lợi còn mình thì ngồi trơ mắt ếch. Nó ăn ốc có khi chính mình lại đổ vỏ. Ôi cái thời buổi hơn nhau một cái ca vát đã ngấm ngầm tức tối rồi. Làm giống người khôn hơn đủ thứ loài vật nên phải khổ vì chính sự khôn ấy thôi. Lại còn cái đã là đàn ông, đàn ang ở cái xứ này trong thời buổi này nữa. Hở ra một cái là bập vào rượu vào bia. Ngày xưa xếp hàng ngửa ngực, mất ngày mất buổi ra mới có được cốc bia mà có phải nó bán cho bia không đâu. Bia kèm đủ thứ. Mà cửa quyền, vô văn hoá và thiếu hay giả vờ thiếu kiến thức ăn uống nhất là bia kèm canh rau cải. Hai thứ này hễ ăn vào, uống vào chỉ tổ nhanh chân chạy ra đằng sau. Nhìn mặt mấy con mẹ mậu dịch viên bán bia cứ vênh lên. Đứa thì mặt quắt đứa thì mặt phị cứ câng câng, khinh khỉnh nhìn khách hàng chỉ muốn tát nổ đom đóm mắt chúng ra nhưng khổ thay tát nó thì bia đâu mà uống. Thôi thì tránh voi chả xấu mặt nào. Đành phải giả lả, phải giả bộ quí trọng, thân tình chúng nó lắm. Đấy là bia, chứ rượu thì năm thì mười hoạ lắm mới trông thấy chén rượu ra hồn kiểu như Lúa mới. Còn thì rặt một màu quốc lủi kể cả quốc lủi đểu sau khi cho vào xăm ôtô vò cho xủi tăm rồi nhét vào bụng con bán rượu lậu giả bụng chửa. Bây giờ thấy bảo như thế là độc hại lắm nhưng cái ngày xưa khốn khổ ấy cứ bất chấp hết, cứ thế là nốc vào mà có sao đâu. Mà cũng phải thôi. Một là quá ít, đã ít rồi vào ruột thì dù có độc thì vẫn cứ tiêu. Xấu số lắm mới phát bệnh nọ bệnh kia, không thì đâu vào đâu cũng thành phân hết. Tết năm rằm bẩy đã đành, đằng này ngay ngày thường cũng có kém gì. Bây giờ bạ chỗ nào mà không có rượu. Tiếp khách, bầy mấy chai bia Hà nội chính hiệu rành rành, có lúc cả bia lon ngoại hẳn hoi mà vẫn bị chê ngầm là đồ nghèo, đồ ki bo, đồ không hiếu khách thế nên cứ phải tống rượu ra. Bét là rượu Hà nội bây giờ lại mang tên tây "Halico", sang sang một tí thì rượu tây. Một ngày có phải uống một lần đâu. Gặp ai chả"nhân dịp nọ nhân dịp kia". Cứ tì tì ra thế chả áp huyết mới là chuyện lạ. Ông Long lắm khi ngồi một mình cứ nghĩ lẩn thẩn như thế. Rồi đành an ủi chính mình. Thôi thì cả thiên hạ áp huyết chứ riêng mình đâu. Đành cố mà giữ, mà trông chờ vào số phận mình vậy. Các cụ cho ở thì mình còn, các cụ gọi về thì mình đi. Vân rồi cả Diễm. Đời mình kể như thế là cũng được lắm rồi. Có phải tài cán kinh bang tế thế, hay bác học chú học gì. Cũng nào phải ông nọ bà kia, ông giám đốc, vị chủ tịch nào đâu chỉ là tay đàn ông bình thường như nghìn, vạn đàn ông khác. Vậy mà… Nhưng hai người đàn bà lo xa, mà về già hai mụ này nhất là Diễm cùng trở thành lành hiền, biết điều hơn. Diễm dơ đi, lơ đi hay là già rồi không cần mình nữa, hoặc giả bà ấy coi mọi thứ là sự an bài của trời phật rồi. Cả hai bà đều loay hoay khi thì kim chi, khi thì cao nọ cao kia nhưng bà nào cũng bảo nên bớt bớt rượu, bia đi. Nhưng lúc nó lên trăm chín, hai trăm, mặt mũi phừng phừng thì thấy điều hai bà nói là có lý, rồi tự răn mình sẽ hạn chế dần, nhưng bình thì, vui anh vui em, giữa hội nghị, hay có người nọ ngưòi kia, thêm sự tự ái, tự tính toán ngầm rằng rượu dù sao cũng có cái hay cho thằng đàn ông. Nó như một thứ suýt vôn tơ kích yếu lên thành khoẻ… Chà chà cái anh rượu quả là bất trị nó cũng chả kém gì anh áp huyết tai quái kia đâu. Anh áp huyết này kể ra cũng chả ngán ngẩm gì cả nếu như anh ta không nhức đầu và nhất là thỉnh thoảng không gây ra sự chóang quái ác. Những lúc choáng đó, người ngoài thấy ta đần mặt ra như thất thần. Như ngớ ngẩn. Còn chính lúc thất thần, đần mặt ấy thì ta lại như kẻ đang đọc một cuốn sách đứt đoạn về đời ta. Toàn những hình ảnh đã bị chôn đi từ lâu, trong rất sâu, rất sâu dưới tâm can mình lại hiển hiện lên. Có lúc lại như sờ sờ ra những điều, những bóng dáng, ảnh hình mà người bình thường, lúc đầu óc tỉnh táo làm sao mà nhìn thấy được. Những điều về một sự mất mát, về sự chia ly vĩnh viễn của chính mình với gia đình, với những người thân, hay về một điều linh thiêng xa xôi chỉ có sinh từ hư ảnh trí óc ta bất chợt nhặt được…

Đang ngồi thao thao về một chuyện gì đấy mới xẩy ra hôm qua, hôm kia. Chuyện gì nhỉ. à đúng rồi chuyện con cái Lệ, đứa con gái lớn chứ còn ai nữa. Con bé rõ ràng được chọn ra từ những nét đẹp của mình và của bà Diễm chứ còn của ai nữa. Người cao dong dỏng, khuôn mặt thanh tú, nhất là cái mũi dọc dừa thanh mảnh và đôi mắt có hàng lông my dầy, rậm, cong vút. Nó bốn mươi tuổi, không bốn mươi hai, bốn ba rồi chứ ít đâu. Diễm đẻ nó đâu như vào quãng sáu hai, sáu ba thì phải. Khi đi sơ tán bên Ngọc Khám Bắc Ninh con bé đã lũn cũn chạy theo mẹ bế em đằng trước rồi kia mà. Ngày hôm kia con Lệ mang con về nhà bảo anh Sơn con bác Lâm ông anh trưởng họ của Vân nói sẽ đến thăm mình. ừ cái thằng bé thấy bảo cũng chuẩn bị cho con trai lấy vợ rồi thì phải. Thằng bé thực ra chẳng có quan hệ máu thịt, họ hàng gì với mình chỉ đơn giản nó là cháu của Vân, thế mà mình đã từng quí nó như đứa cháu ruột ấy. Hồi nó cưới năm 73 mình công phu mượn cả cái kèn hát của cha Linh kiệt, cậu bạn hồi còn học ở trưởng Bưởi. Cái ông này cũng lạ. Hồi còn đi học có tiếng là keo đến độ bạn bè phải đặt cho cái tên phụ, không ngờ nó gắn suốt đời. Đến phố ông ấy mà không nói tên phụ ấy ra thì cấm có ai biết. Con ngưòi kể cũng lạ, bố mẹ ông ấy đâu có truyền cái tính kì quặc ấy cho, vậy mà đến Linh. Thế mới biết cha mẹ sinh con, trời sinh tình là thế. Ai đời keo đâu đến keo lạ, từ việc bạn học ngồi cạnh hết mực xin chấm nhờ mực cũng không cho bây giờ cũng vậy. Nghe nói cái tính ấy của ông ấy càng già càng lạ kì đến độ vợ con đôi khi cũng xấu hổ lây với hàng phố. Vậy mà cái năm ấy khi nghe nói đây là đám cưới con ông công an đang phụ trách trật tự an ninh trên cầu Thăng long thế là anh chàng tông tốc, mang cho mượn và còn muốn nhân hôm đó lên mượn cớ là để trực tiếp cho chạy máy chứ máy này phức tạp lắm không biết xử dụng không xong. Nhiều người mượn về, chỉ dẫn tỉ mỉ hẳn hoi vẫn không biết dùng. Long nghe ông nói cười thầm vì sự bất biến trong tính tình của người bạn học ngày xưa. Cũng đành thế thôi. Mãi sau này ông mới vỡ lẽ ra ngoài việc giữ của tay Linh kiệt còn muốn làm quen với anh Lâm để thỉnh thoảng có cớ mời anh Lâm đến nhà để doạ ngưòi đường phố. Tính tình ông ta thế rồi thì hàng phố cũng đã tránh xa, nhưng vốn tính lo xa nhỡ có vật dụng nào đấy chỉ nhà mình có thì cứ bảo của ông Lâm công an thì cso ai dó ở khu phố có cần đến chết, muốn mượn lắm cũng chẳng dám động vào… Đấy đấy, đang nghĩ về cái Lệ, loay hoay thế nào lại ra ông Linh kiệt, vậy mà cơn choáng từ đâu tự nhiên ập đến. Người chết lặng đi vô hồn. Xung quanh là một khoảng trống rỗng. Chiếc xe ông Long đang ngồi cứ lao đi. Tất cả rập rờn, rập rờn. Một bóng người to tướng chao đảo đang uốn lượn trước mặt. Ông Long bậm môi lại cố lấy lại sự bình tĩnh, chủ động nhưng kìa người đàn ông hình như đang mỉm cười. Đôi môi to tướng nhưng mỏng dính, trong suốt của ông ta uốn éo. Một giọng nói the thé bật ra từ đôi môi:

Ông sắp đi vào chốn vĩnh hằng rồi đấy.

- Chốn vĩnh hằng là thế nào?

Ông Long trông rõ tín hiệu đèn đỏ bật lên nhưng ông cũng không cưỡng nổi câu hỏi và nhìn chăm chắm vào cặp môi kì dị của ngưòi đàn ông lạ.

- Đúng là đồ mất trí có khác. Đấy là cõi chết. Đã vào đến đấy thì thôi đừng có nói chuyện quay lại. Tất cả mọi liên hệ, mọi gắn bó đều mất hết. Cũng được cái như vậy là rũ hết được nợ nần ân oán. Mọi điều ghen ghét, tị hiềm sẽ chẳng còn gì nữa. Công danh, tiền bạc cũng vậy. Mất hết như thế mới gọn nhẹ mới thênh thang được.

- Tôi chỉ là một kẻ bình thường như mọi người bình thường khác trong xã hội. Danh không, chức không, ân oán lại càng không.

ấy ấy đừng nói thế. Đã là người thì dù ít dù nhiều, dù to dù nhỏ tất cả mọi thứ đó đều không thiếu. Ai ai cũng có. Thế mới là con người chứ đâu phải như con vật đang chạy nhon nhón trên đường ngưòi ta bất ngờ túm lấy, cắt tiết mổ xẻ ra cho vào nấu nướng. Tính toán kĩ lưỡng chưa? Trót làm người không thể thoát được đâu.

Kìa ông này đi đi chứ

Có tiếng ai đó bên cạnh dục, ông Long quay lại nhận ra ngưòi nói đó là một đàn ông xấp xỉ tuổi ông. Chính lúc đó ông Long thấy rất rõ đầu óc mình đã trở lại bình thường mằc dù còn hơi chếnh choáng. Trên tấm biển đang đếm chữ số màu xanh đã đến con số 21, rồi 20… Cuộc đời mà cũng được đếm như thế này thì kể cũng thấy ngắn thật nhưng đằng này rõ ràng không gì ngắn bằng đời người mà có lúc ta lại cảm thấy dài dằng dặc. Ông Long vặn ga cho xe lao đi. Khuôn măt ngưòi đàn ông vừa dục ông hao hao một ngưòi nào đó hôm qua ông mới gặp. Về đến nhà. Bà vợ ông nhìn nét mặt còn vướng vất cơn choáng vừa qua. Mái đầu nặng trĩu tóc vừa nhuộm của bà ngó nghiêng ông chồng, rồi cất tiếng hỏi thật nhẹ:

Ông lại vừa vào bệnh viện thăm con mẹ Vân về đấy à?

Không không. May mà tôi không ngã…

Sao lại ngã?

- Vẫn thế cơn choáng giữa đường. Mà bà thôi đi, già rồi. Cứ sống đủ phận của mình đi đã, không phải nghĩ ngợi, ngó nghiêng, ganh tị cái gì cả. Các con biết chúng nó cười cho đấy.

- Cái ông này hay thật. Nhưng mà thôi. Ông vào mà rửa mặt chân tay đi rồi ăn cơm. Các con đợi lâu rồi.

Thì bảo chúng nó cứ ăn trước đi. Mồm ai người ấy…

- Chớ chớ.

Bà Diễm đưa tay lên bịt miệng chồng. Tiếng nói của bà chập chờn bên tai ông Long

- Đừng nói kiểu như thế. Các con xem thường. Mình không thể giống thiên hạ. Người ta cứ bực lên là trút hết. Ông đang mệt đúng không? Thế thì cứ nghỉ đi cho đỡ, lúc nào đói thì ăn cũng được. Khi nào ăn thì bảo để tôi hâm lại thức ăn cho nóng

Ngay sau đó bà nói thật to:

Các con ăn trước đi. Bố đang mệt.

Ông Long quay sang nhìn vợ gật đầu cố nói khẽ:

- Tôi xin lỗi bà. Tự nhiên cứ buột miệng nói lại toàn những điều nghe được ngoài đường phố. Chán thế không biết.

Nói xong ông lẳng lặng đi vào buồng. Cơn choáng hình như vẫn dư sót Ông thấy mọi sự tự nhiên bâng khuâng, bâng khuâng lạ. Một ý nghĩ về sự sống và sự chết lộn xộn mà dường như sâu xa lắm hiện dần lên, rồi lại mờ đi. Ông Long từ từ ngả người xuống giường. Ông cảm thấy cơ thể ông mỏi dừ như vừa trải qua một cuộc vật lộn ghê gớm lắm. "Gìa rồi, làm thế nào mà cưỡng được. Mọi thứ trên đời đã bỏ lại sau lưng". Chẳng còn ham muốn, mong đợi gì cả. Cái ngày xưa ấy, Cái ngày mà nhìn đâu cũng thấy khát khao, nhìn đâu cũng thấy cần cho cuộc sống của mình đã qua lâu lắm rồi. Bây giờ chỉ mệt mỏi và sự chờ đợi sự yên tĩnh vĩnh viễn nó đang chầm chậm đến. Ngày mai, ngày kia, hay tháng nào, ngày nào nhỉ. Ôi đời người quen mà là thế. Nếu đựoc bắt đầu lại từ đầu thì cũng chẳng hiểu sẽ như thế nào. Ai mà học được sự khôn từ khi đang là gã thanh niên phừng phừng. Khua chân, múa tay cả ngày không thấy mệt. Một thoáng ân hận. Diễm là người đàn bà tốt. Mọi sự tốt của bà ấy vượt lên tất cả khiến có thể bà tha thứ mọi lầm lỗi của người đàn ông mà số mệnh bắt bà gắn bó trọn đời. Trong khi đó cả đời ông lại làm phiền phức đến bà, đến các con. Biết làm sao được? Ông Long lật mình. Làm thế nào mà đổi khác được khi còn Vân đấy. Vân xinh đẹp, cao quí như vậy mà suốt đời cô độc dính vào mình. Thật tội nghiệp. Nhưng mình là cái gì trong cuộc đời cô ấy nhỉ? Trên danh nghĩa. Vân hoàn toàn cô đơn. Giữa chốn Hà nội phù hoa mà nhốn nháo, nườm nượp ngưòi cùng với cả gia đình cậu em vậy mà Vân vẫn đơn lẻ với nỗi buồn đến rỉ máu và nước mắt. Trải qua gần nửa thế kỉ, không có lẽ quá nửa thế kỉ rồi Vân tự nguyện gắn chặt với đời mình. Một người đàn ông đã đầy đủ tất cả. Vợ và những đứa con. Trong khi đó Vân không chồng, không con còm cõi một mình. Một gia đình con con mà bất kì người đàn bà nào dù muốn dù không cũng phải có. Cho dù đó là gã đàn ông uống rượu như phá, hoặc một kẻ lãng tử chơi bời mút chỉ không tính toán đến ngày mai. Một kẻ lười nhác luôn luôn dựa dẫm vào người khác, rồi làm nhục gia đình bằng những hành động vô lý của hắn. Vậy mà người đàn bà nào đấy vẫn thấy gã ta là cần thiết, là quan trọng trong cuộc đời mình bởi đơn giản ngưòi đàn ông ấy đang giữ chức phận là một tấm chồng. Vậy mà Vân từ chối tất cả, xa lánh hết thẩy để có những giây phút cập rập, nơm nớp lo xa bên ông. Long đưa tay lên sờ vào trán mình. Không nóng lắm. Ông có là gì đâu. Một gã đàn ông như vạn, triệu đàn ông khác trên đời. Không tài năng, không chức vị, chẳng có tí tài lẻ, mánh vụn nào hoạ chăng có thể kiếm ra đồng tiền, nẩy ra chút lợi lộc đủ nuôi được người nọ người kia. Đúng như lúc nãy ông nói với con người ảo ảnh ông gặp được trên đường. Thế mà Vân… Người đàn bà nào cũng vậy thôi, nhất là khi về già đều cần những đứa con và những đứa cháu. Họ sẵn sàng chịu khổ cực, vất vả thậm chí thiếu thốn để chăm lo, bù trì chúng. Thế mà Vân. Phaỉ bùa phải bả nhau, hay số kiếp, hay ân oán từ ngìn năm xưa khi tất cả còn trong sự mông lung. Kì quặc chưa? Bình thì nhưng ý nghĩ lạ lẫm này có bao giờ hiện ra, đọc được. Vậy mà cơn choáng nào bất chợt đến cũng kéo theo nỗi nghĩ suy sâu xa và thần bí đến thế. Ông trằn trọc lăn trên gối. Con người nói cho đến cùng cũng là giống thích yên phận, né tránh mọi sự phiền toái trên đời. Bù lại giống người lại khác giống vật ở chỗ thích chiều theo những điều mình ưa chuộng, ham hố. Sự đời sinh ra từ những thứ đó. Mọi giàng buộc, mọi phức tạp cũng sinh ra từ chính sự đời ấy chứ đâu…