Năm 57, năm Đinh Dậu ấy, cái năm khi hoà bình đã lập lại trên mảnh đất này đã được hai cái tết. ở nông thôn xa hẳn hay ở những vùng lân cận Hà nội trẻ già trai gái ào ào tham gia vào những cuộc đấu tố giữa những người nông dân và những kẻ bị qui kết là địa chủ. Những người thuộc tầng lớp bần, cố, trung nông, thành phần cốt cán của lực lượng nông dân mặt mũi xanh xao, vàng vọt do thiếu ăn, do đẻ nhiều vốn dĩ hiền lành, cam chịu như những con dán lép bụng luôn cam chịu thân phận. Mọi sự uất ức từ ngoài đường, ngoài đình về chỉ biết cúi gằm để trút nỗi bực dọc, uất ức vào lũ con còm nhom, mũi giãi quệt ngang quệt dọc, và người vợ gầy rộc lùng thùng chiếc váy khai mù, bạc phếch quanh năm khạc nhổ để rồi ngoảnh đi ngoảnh lại vác cái bụng to kềnh như con nhện cái ôm trứng. Thế rồi thứ người quen tính nô lệ ấy chỉ vì nghe vài anh cán bộ xa lạ từ đâu đến làng thổi vào tai chả biết lời lẽ gì khiến đám nông dân bỗng như phát cuồng, luôn luôn sẵn sàng tham gia các cuộc tụ tập ở chỗ đông người. Dỏng tai nghe ngóng đủ thứ điều kích động, để rồi như những kẻ tự dưng dẫm vào tổ kiến lửa, nhẩy lên choi choi, vung tay đá chân chỉ vào những kẻ gọi là địa chủ, đa phần cũng là những con người mặt mũi quắt queo, trời đầy xuống trần gian để hứng chịu sự xỉa xói của những kẻ trước kia là láng giềng, bỗng một sáng thức dậy trở thành kẻ thù không đội trời chung. ở ngoài thành phố cũng đột ngột diễn ra hiện tượng giống như một trò chơi dành cho người lớn, hay đúng hơn là một thứ bệnh dễ lây chỉ có điều hình như nó thâm hiểm và văn minh hơn. Người ta không táo tác, tục tĩu chửi bới nhau như ở các làng xóm mà trong mồm người ta bỗng phun ra những từ lạ lẫm kiểu như giai cấp, tư bản, bóc lột, vô sản, cải tạo tư bản tư doanh. Phong vốn là người hiền lành. Sau hàng loạt những biến động ghê gớm khiến cả cái xứ Việt rồi gần hơn là cả Hà nội này rung động đến tận từng gia đình, từng cá nhân thì anh càng như rút sâu vào cái vỏ lặng lẽ của mình. Phong càng không hiểu tại sao phố phường Hà nội đang thâm trầm với những hàng cây rợp màu xanh của những túm lá và những biển hiệu tróc sơn cùng những tấm pa nô loang lổ vì những vệt nước mưa và nắng làm bạc phếch những gam mầu nguyên khai vẽ những tay lính viễn chinh đầu đội mũ sắt, chân khuỳnh đang lăm lăm lao về phía trước, tay nâng những khẩu súng tiểu liên sẵn sàng nhả đạn. Những rạp Kim Chung, Kim Phụng, Lạc Việt với hàng loạt tấm biển cũ rích quảng cáo các vở kịch đã quá quen thuộc cũ mèm như "hận tương giao ", "Chử đồng Tử"… bỗng nhiên tất cả như tụt xuống, biến đi để thay vào đó là những cổng chào tết lá dừa và trên đó là những quả địa cầu đan bằng nan nứa hay tre vót mỏng như những bu gà trên đó rán những cụm bông và con chim bồ câu bây giờ người ta gọi là chim hoa bình. Chỉ có điều lạ là hầu hết những con chim mang biểu tượng hoà bình này bụng lại quá to, quá tròn theo kiểu những con bồ câu đang chửa. Cùng với những cổng chào bằng lá dừa này thì đường phố ngàn ngạt những tấm băng rôn biểu ngữ, cờ rực một mầu đỏ như tiết canh chăng ngang phố, thỉnh thoảng lại điểm xuýêt vài lá cờ hoà bình mầu xanh lam bay phơ phất. Rồi những thứ đó cũng cũ dần với thời gian hiển hiện ra bằng sự phai dần của những mầu sắc. Theo linh cảm của người tinh tế quen sống với sự lặng lẽ của tính hiền lành và khiêm nhường chợt thấy những biến động xảy ra trên đường phố và được hiển hiện bằng lời nói qua chiếc Rađiô nhãn"têlêphôngken"khung gỗ mầu nâu, màng vải vàng nhạt mỗi khi có tiếng phát ra lại rung lên nhịp nhàng, khe khẽ. Một buổi tối khi đèn đường vừa bật lên theo lệ thường thì bữa cơm nhà đã dọn lên. Có lẽ từ sau khi ba Phong đột ngột mất đi từ cuối năm 45 thì mọi sự xử xự trong nhà me Phong-bà Hai Tuy đều theo ý của người con cả là Phong. Ngay từ việc chọn món các món ăn thường ngày. Vì thế mỗi khi con sen cắp rổ chuẩn bị đi chợ bà hai lại hỏi xem Phong thích ăn gì. Và khi nghe Phong nhẹ nhàng bảo "tuỳ me"là y như rằng trên mâm bữa cơm hôm đó lại có món đậu rán, giá xào thịt ba chỉ và cuối cùng là món rau muống luộc có bát canh thắng xấu hoặc me rầm. Bà Hai là một người đàn bà cổ điển được giáo dục theo lễ giáo tam tòng, tứ đức. Nhất nhất mọi sự đều nghe theo chồng. Sinh ra trong một gia đình làm nghề giáo học ở làng Tương mai nên khi an phận về làm dâu nhà cai Tiến thì đang là cô Lĩnh nhu mì thỉnh thoảng cúi đầu cười mỉm chỉ sau một ngày về nhà chồng đã biến thành bà hai Tuy lặng thinh như cái bóng mà mọi cử động, đối xử đều răm rắp theo ý của chồng là ông hai Tuy. Điều này thì lại gần như lại rất hợp với nề nếp của nhà cụ cai Tiến nhất là của người chồng của cô Lĩnh. Khi cụ Cai Tiến qui tiên vào giữa những năm 30 thì cụ đã phân rõ tài sản cho hai người con trai. Cả Biển là con cả quản lý trang trại ở Ngọc hà, đất đai được tổ tiên chia ở vùng Phùng khoang thêm vài ba dãy nhà ở đường Lam bét ta còn Hai Tuy thì được sở hữu toà nhà và xưởng in mới mở ở đoạn giữa phố Lý quốc Sư và Ngõ Huyện. Tuy là hai anh em ruột cùng bố mẹ đẻ ra nhưng hai anh em lại khác nhau như quả ấu gai và quả chanh bưởi. Hai Tuy hiền lành, cơ chỉ, cả đời chỉ quen dùng vang Boóc đô và thuốc lá Mê li a, nhất nhất vâng theo lời của ba me bao nhiêu thì Cả Biên lại hoang toang, tung hoành bấy nhiêu, anh chàng này không mấy buổi vắng mặt trong các cuộc nhẩy đầm ở khách sạn Majét tích hay tom chát ở Khâm thiên. Rượu thì ít nhất từ Mác ten, Cô nhắc trở lên. Thuốc lá thì bét cũng phải là Lạc đà. Khi đã ngồi vào chiếu bạc thì vợ con, nhà cửa cũng không bằng con bích, con Jô. Chính vì thế vào đầu năm ngay sau ngày tết ất dậu, trong một đêm đánh bài ông đã phải lần lượt kí giấy gán nợ trang trại Ngọc hà, mấy dẫy nhà ở phố Lam bét ta để cuối cùng chạy vào trong thành Vinh gây dựng trang trại hòng gỡ lại các gia tài đã mất. Nhưng than ôi, ông có đi mà không có về. Nhưng điều tệ hại hơn là khi đi ông lại thì thào rủ rê thêm chú hai Tuy hiền lành đang sống yên ổn. Vốn thương anh và cả nể trước những lời rút gan rút ruột của người anh nên hai Tuy cũng khăn gói tạm biệt vợ con đi tháp tùng ông anh với lời hẹn như đinh đóng cột chỉ độ chưa đầy nửa năm thì về. Buồn thay, trời chẳng chiều người. Chốn đất lạ, lại giữa chốn người thiên hạ. Bãi bể nương dâu biết đâu mà lường, vì thế chỉ ba tháng sau khi khoanh được mảnh đất định làm đồng điền trồng cà phê giáp phía tây Vinh thì cả Biên ngã bệnh. Mấy ông lang ta cho chí mấy ông Đốc tờ tây đều khăng khăng chẩn đoán đó là căn bệnh ấy phát ra do ngã nước cộng với lao lực. Người anh mất, Hai Tuy buồn bã hẳn và sau hơn hai tháng về đến Hà nội thì thể trạng không khoẻ lại thêm sự buồn phiền thương nhớ người anh nên hai Tuy vào nằm nhà thương Phủ doãn được đâu hơn nửa tháng cũng theo anh cả qui tiên. Thế là mặc dù mới chớm hai mươi lại chỉ là anh học trò chân trắng vậy mà Phong đã phải đưa cả bờ vai mềm yếu của cậu ấm quen nương vào người trên ra gánh vác, cai quản mọi chuyện kinh doanh nhà máy in cùng sự yên ấm, qui củ trong gia đình. Suốt từ cuối năm ất dậu đến năm Đinh dậu này biết bao sự kiện long trời lở đất từ việc Việt Minh cướp chính quyền. Ông cụ người Nghệ an râu dài đọc sang sảng lời tuyên ngôn ở vườn hoa Ba đình để khai sinh ra nước Việt nam của người Việt nam rồi chính phủ Pháp quay lại, rồi chiến tranh, những vụ bắt lính. Chính quyền Việt Minh lại trở về thành. Tất cả mọi sự cố ly kì đó vỗ mạnh vào thân phận nhỏ bé của mỗi con người những chưa bao giờ chạm đến sự làm ăn của xưởng in giờ đứng tên Nguyễn Văn Phong. Vậy mà khi hoà bình lập lại. Mọi tiếng súng và tưởng như mọi sự tranh giành giữa các thế lực đã hết, người ta chỉ còn việc làm ăn, sinh sống. Con gái con trai đến tuổi lớn khôn thì dựng vợ gả chồng. Ai ngờ sau hai năm yên ổn bình bề ngòai đó lại có những điều làm sự làm ăn của xưởng in của Phong ngày càng khó khăn. Thoạt đầu tiên là sự thay đổi của những người thợ. Rõ ràng họ đi làm thuê cho mình vậy mà bây giờ họ lại tự ý họp nhau lại thì thào bàn bạc. Sau những cụôc họp thì thào đó mặt mũi những người thợ vốn hiền lành bỗng trở nên căng cứng với những lời nói úp mở nghe khó lọt tai như công nhân, thợ thuyền bây giờ làm chủ nhà máy, công xưởng bởi vì chính quyền tức là chính phủ này là của giai cấp công nhân và do giai cấp này lãnh đạo. Trời ạ. Những người thợ quần áo bạc phếch, rách hở cả vai, lưng chữ nghĩa câu được câu chăng, chen chúc nhau trong những gian nhà đầy rán và chuột dám bô bô là người lãnh đạo, tức là xếp chính phủ, của hàng triệu người dân tức là xếp của các ông đốc học, đốc tờ nói tiếng Pháp lầu lầu, những ông cai thầu, chủ xưởng đi xe Pho hoặc bét ra cũng đi xe đạp, ở nhà tây, ngày ngày đọc nhật trình sao. ấy là chưa kể chính những người thợ ấy lại còn bắn tin rằng giai cấp nông dân trông thế thôi lại là thành phần đồng minh của giai cấp công nhân cơ đấy. Chẳng thế mà bọn địa chủ cường hào ở nông thôn oai phong, giầu có, quyền hành lệch trời có trong tay hàng chục thằng tuần đinh trợn trạo, ra đến đình mở miệng là quát lác váng trời như vậy mà bây giờ lần lượt bị mang ra đấu tố. Đứa tội nhẹ hay vừa thì đi tù Hoả lò. Đứa tội nặng có nợ máu- khiếp Phong chỉ nghe hai tiếng đấy thôi đã thấy ghê gớm rồi- thì bị mang ra đồng, buộc vào cột xử bắn. Cánh nông dân mù chữ còn thế huống hồ mấy anh công nhân, thợ thuyền chúng mình nắm được cách mở máy, chạy máy, biết câu được câu chăng. Những người thợ, công nhân cứ thao thao luận thuyết rằng. Cũng nhờ có sự biến đổi cách mạng này bây giờ họ mới nhận ra thực tế khốn khổ là trước đây mình toàn làm giầu cho giai cấp tư sản còn mình thì bị bóc lột đến xương đến tuỷ. Bọn tư sản và con cái chúng nó có làm ăn gì đâu, suốt ngày chỉ dong chơi nay píc níc mai giã ngoại. Chủ nhật này thì Tam đảo, thứ bảy kia thì Ba vì. Chẳng những thế chúng còn ăn sung mặc sướng hết xe đạp nọ đến xe đạp kia. Của ngon vật lạ gì chúng cũng được hưởng. Bất công như thế thì phải trả lại cho công bằng thôi. Có Đảng lãnh đạo, chính quyền đã là của thợ thuyền rồi thì lẽ gì mà mình lại chịu lép thờn bờn một bề như thế. Đến như chủ nhà máy Cự Doanh lừng lẫy hay chủ nhà máy Aria nổi tiếng toàn cõi Đông dương còn phải xin thua để công nhân lên làm chủ nữa là… Nhìn những khuôn mặt tốp thợ ngày ngày ra vào căng cứng, rồi đọc trên các trang tờ nhật trình Thời mới và cả tờ báo mới có từ hồi tiếp quản Thủ đô mang tên Nhân dân Phong ngày càng linh cảm đến một sự thay đổi ghê gớm nào đấy. Rồi một hôm nghe người ta đồn ở ngoài chợ Hàng Da có bầy triển lãm về cải cách ruộng đất hay lắm. Tuy đã là ông chủ nhà in được xấp xỉ một con giáp nhưng Phong trước đây vốn không thích va chạm đến thời thế, thiên hạ mới này anh càng rụt rè. Vì thế anh dự tính mời vợ chồng Long, Diễm cùng đi. Hoặc nếu Phong bận thì mình Diễm đi cũng được. Mặc dù vốn là người tôn trọng tình bạn và chuộng mọi điều xử xự có tính nghĩa cử nhưng không hiểu sao Phong rất muốn thích đến chơi nhà vợ chồng Long và mong những lúc đó chỉ có Diễm ở nhà. Mỗi lần chạm đến ý nghĩ thầm kín này bên cạnh sự thích thú ngầm là sự ân hận khôn nguôi. Phong đã nhiều lần kìm nén ý nghĩ này nhưng dường như càng kìm nén thì sự bùng cháy âm ỉ lại càng tăng lên. Cuối cùng Phong quyết định lững thững đi bộ ra chợ Hàng Da với ý định xem xong sẽ đến nhà Long Diễm kể lại và nếu cần anh lại cùng đi với họ đến khu triển lãm ấy một lần nữa. Thật không ngờ. Ngay sau buổi đi xem khu triển lãm về đêm hôm đó Phong có giấc mơ thật khủng khiếp, khiến anh thảng thốt bật mình tỉnh dậy. Anh bàng hoàng thấy mồ hôi rịn trên trán và lưng. Cổ đau rát và liền sau đó là chuỗi ho khan đột ngột ập đến. Anh quờ tay lấy hộp kẹo bạc hà lấy ra một viên cho vào mồm ngậm, sau đó ngả người ngồi xuống, nhắm mắt lại chờ giấc ngủ đến nhưng ngay lập tức anh bật người ngồi dậy. Hình ảnh người nông dân trần truồng bị địa chủ là mụ đàn bà quái ác tên là Năm ở Phú Thọ bắt trèo lên tuột xuống bó nứa đập rập. Tuy chỉ là mô hình nhưng những vệt máu hình như bôi bằng phẩm đỏ hay quang dầu óng ánh trông như những vệt máu cứ hiển hiện trước mắt Phong. Rồi những chiếc cối to đùng mà người thuyết minh là một gã trung niên thấp lùn, to bề ngang oang oang bảo rằng đấy là thứ để giành cho bọn địa chủ tra tấn nông dân. Những ngọn roi, không, đúng hơn là những chiếc gậy to tướng phang vào thân thể người nông dân. Một chuỗi ho nữa lại ập đến. Phong thở hi hóp nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngọn đèn đường vàng xuộm hình như bị gió thổi nhẹ khiến ánh đèn chao đi, bập bềnh đu đưa. Trời ạ, cũng là kiếp người, cùng là giống máu đỏ da vàng sống trên mặt đất mà sao ngưòi ta có thể đối xử độc ác với nhau như vậy nhỉ. Vậy thì chúa Giê su vời vợi trên trời cao có nhìn thấy không? Người ta bảo cuộc đấu tranh giai cấp không bao giờ khoan nhượng. Đài oang oang trên ngọn cột điện và cả trong Ra đi ô cũng cùng một giọng. Xã hội này đã khác vậy thì phải cải tạo mọi thứ theo đúng kỉ cương trật tự và tính chất của xã hội này. Trời ạ. Thằng Tây, thằng Nhật thấy người ta bảo là kẻ thù không đội trời chung với dân Việt nam này đã về nước của chúng, vậy thì còn ai mà đấu tranh. Chả nhẽ người ta lại cầm súng, cầm gươm, giáo mác để chia bè chia phái lao vào đánh lại nhau. Hoặc nếu không lại lặp lại y hệt những gì người ta đã bầy trong triển lãm ở chợ Hàng da. Những người bao năm ki cóp để mua được xưởng, nhà máy, cửa hàng hay là do ông bà cha mẹ hai xương một nắng, đầu tắt mặt tối chạy hết Nam vang qua Ai Lao, thậm chí sang cả bên đại Pháp để thu ha hà vén có được chút ít truyền lại cho con cháu lại bị xếp vào cánh địa chủ, và những người thợ lại giữ chân là những người đấu tố. Và không biết ai trong số những người chủ của Hà nội này bị xử bắn bị tù tội, bị đầy ải. Và rồi sau những cuộc đấu tố ấy, bố mẹ, anh em và kể cả con cái của những ông chủ xưởng sẽ lấy gì mà sống khi nhà cửa, xưởng máy, cửa hàng bị tịch thu hết cả. Nhà mình rồi nhà của Long chồng Diễm. Mấy lần Phong cố nhắm mắt để mong giấc ngủ về. Người ta chỉ ngủ thì mới quên đi được tất cả vì ngủ có khác gì chết đâu. Nhưng kìa ngọn đèn đường. Anh rướn người lên kéo tấm ri đô che kín cửa sổ ngả mình xuống nhưng những ý nghĩ lộn xộn, không đầu không đuôi vẫn ám ảnh anh. Thế mới biết con người có lúc khốn khổ hơn con vật chính bởi vì con người biết nghĩ ngợi. Gía phải như con chó, con mèo… Chuỗi ho từ đâu lại thình lình kéo đến. Giọng me từ dưới nhà vọng lên:
- Đêm qua con ho nhiều đấy. Cuối hè rồi nên đêm xuống hay lạnh. Mỗi khi đi ngủ nhớ hạ cái chăn xuống đắp. Sáng nay con chịu khó sang nhà thương Phủ Doãn. Có mấy bước chân thôi nhờ đốc tờ Viễn khám cho để biết sức khoẻ của mình ra sao. Có gì thì bảo Đốc tờ Viễn cho thuốc mạnh mạnh một tí chứ me tính bổ phế với bạc hà con mua chữa không dứt đâu.
- Không sao đâu me ạ. Thời tiết thay đổi thôi mà. Con vẫn khoẻ bình thường mà me
Phong cố nén cơn ho hình như sắp ào đến để lấy giọng bình thường cho mẹ anh yên tâm. Nhưng càng nén thì cơn ho càng như sắp bật khỏi cổ. Anh biết mẹ anh đang chăm chú để ý từng hơi thở của anh. Phong nhổm dậy đi ra mở máy quay đĩa. Hình như chiều qua chú Quỳnh lại dùng máy thì phải. Tất cả mọi vỏ đĩa hát đều bị mở ra, những chiếc đĩa hát vứt bừa bãi và ngay cả hộp kim hát mới mua cũng xộc xệch, hai ba chiếc kim nằm lổn nhổn. Anh chàng này quả là bừa bãi. Nghĩ vậy song Phong lơ đãng nâng chiếc cần kim máy hát lên nhẹ nhàng đặt xuống vàng ngoài đĩa hát đặt sãn trong máy. Tiếng lẹt xẹt đều đều vang lên và ngay lập tức giọng cô ca sĩ thánh thót, lạn xạn cất lên"một ngìn năm trước, trong đời Chiến quốc, có công công chúa loà. Ngày mong đêm sáng ra". Phong cúi xuống khi cảm thấy cơn ho khàn đang làm cổ anh chạt lại. Anh hít mạnh hơi cố ghìm thì vừa lúc đó có tiếng chân bước và con sen hiện ra thở hổn hển. Mắt nó mở to có vẻ hơi ngạc nhiên khi trông thấy hình dạng của Phong. Con bé cúi đầu như bị lỗi nói khẽ:
Bà cho gọi cậu xuống nhà tiếp khách.
Khách sớm thế kia à?
- Vâng ạ. bà nói cậu nhanh lên. Khách, khách… Bà bảo cậu xuống ngay ạ