HÀ NỘI - TÌNH NHÂN

PHẦN I - Chương 1

(Đã trót mang kiếp con người thì phải chịu đa đoan thôi. Trách đất gần, trời xa làm sao được)

Câu nói bất ưng trong dân gian

 

Lúc bấy giờ mới khoảng xấp xỉ bẩy giờ sáng vào một ngày cuối của những năm đầu thuộc thập kỉ năm mươi của thế kỉ hai mươi. Vào giờ ấy dù có mọi chuyện ly kì, kinh dị nhộn nhạo nhất xẩy ra thì người Hà nội vẫn đang ăn sáng. Gánh phở ở đầu ngõ Tạm Thương của ông mũ phớt dạ đen vẫn đông như mọi khi. Có lẽ gần đủ mọi loại người của đất Hà thành này ngồi, đứng vây quanh gánh phở. Lửa dưới đáy nồi đang vào độ đượm. Mùi phở bay ngào ngạt, quyến rũ. Một lão ăn mày khoác ra ngoài thân hình gầy guộc, cáu bẩn chiếc áo ka ki màu vàng đã quá rách giờ chỉ còn là một mảnh vải xác xơ ngồi co ro đầu ngõ len lén nuốt nước bọt, mắt nhìn chằm chằm vào đứa trẻ rúm ró mặt mùi ngơ ngác, bẩn lem luốc như vừa vục đầu vào thúng đất bột đang húp lấy húp để chút nước còn lại trong bát phở của một cô gái mặt ngoen ngoét, loang lổ lớp phấn chớm mốc. Lão ăn mày quả tình đói lắm rồi. Từ trưa hôm qua đến giờ lão đã kiếm được gì ngoài mấy quả xấu dầm đường của nhà hàng nào đó tráng lọ đổ ngoài bãi rác. Tuy là kiếp ăn mày nhưng lão không thể xàm xỡ như lũ trẻ kia được. Dù sao lão cũng đã có tuổi và bố lão từng là thông phán ở sở dây thép. Nếu phận nhà lão không mỏng. Ân oán giang hồ từ kiếp trước không nặng thì đâu đến nỗi nhà lão bị thằng khốn nạn ấy bỏ bã thuốc phiện vào góc bếp khiến gia đình lão tan tành mỗi người một nơi như thế này, và thân lão khốn khổ, khốn nạn như bây giờ. Thôi cũng là cái số cái má. Chỉ có điều số gì thì số đã là con người, không chả cứ con người mà ngay từ con vật, kể cả con chim bay trên trời, con cá lội dưới nước ông trơì đã buộc vào cái tội khốn khổ, giống như cái gông vĩnh cửu truyền kiếp là hết thẩy đều phải ăn. Chao ôi chỉ vì miếng ăn mà con người mới cơ cực và khổ sở làm sao Và cũng chỉ miếng ăn mà người ta lừa đảo thủ đoạn, lá mặt lá trái với nhau. Thằng tây, thằng Tầu đùng đúng súng ông, giáo mác từ tận đẩu tận đẩu cũng mò đến nước này. Đúng là đánh đông, dẹp bắc cũng vì miếng ăn. Chả thế các cụ mới bảo, miếng ăn là miếng nhục là thế. Mà có phải ăn một lúc mà xong đâu. Kẻ giầu thì ba bữa, phận hèn kém thì ít nhất cũng một, hai bữa, hay ít ra cũng phải có cái gì bỏ vào mồm để nhai. Ông giời đã sinh ra cái mồm để nói, để phách lác và cũng để cầu xin, nhưng cũng cái lỗ mồm ấy để tọng vào mọi thứ khả dĩ nuôi sống mà cũng để hành hạ, đầy đoạ người ta. Lão ăn mày đang bần thần vì cái đói hành hạ và cả vì sự nghĩ mông lung thì bất chợt lão giật mình khi nghe thấy tiếng còi rít lên thật to. Thoạt đầu là một tiếng réo vang rồi ngay lập tức lại thêm hai, ba tiếng giật cục nhưng vọt lên thật cao the thé như giọng của con mụ đàn bà gày đét vừa bị ai giật đổ bát cơm sắp đưa đến miệng. Những tiếng còi chưa dứt thì từ giữa phố hàng Gai thình lình có hai gã cảnh sát vàng kệch trong bộ quân phục mới được phát, tuy hai chân guồng rối rít như mắc kẻ mắc phải chứng trúng phong nhưng hai viên cảnh sát gần như là hai vật được nhân đôi từ một vật chủ khi một tay thì vung vẩy làm đà cho thân hình lao lên, một tay thì giơ lên giữ chặt vành mũ. Phía trước hai gã Phu lít cách chừng gần một trăm thước là một gã thanh niên cao dong dỏng. Hình như trên sống mũi của gã lấp lánh cặp kính trong suốt, thứ kính của người mắc chứng cận. Tay thanh niên này mặc áo sợi dệt cổ bẻ, quần soóc trắng-một thứ trang phục đang thịnh hành mà không ngày nào lão ăn mày không nhìn thấy ở những trang thanh niên hay dạo chơi quanh bờ hồ Tây, hồ Hoàn kiếm. Tiếng còi của hai Phú lít vẫn inh ỏi thét lên phá vỡ mọi tiếng động ì ầm nhưng êm ả của buổi sáng phố phường. Nhiều thực khách đang cúi đầu trên bát phở giật mình ngẩng lên, lão ăn mày nghe tiếng còi cũng hoảng hốt không kém. Ngay lúc nãy thôi lão thấy gân cốt lão như nhão ra vì khoang dạ dầy trống rỗng, thì nay tất cả như tan biến, nhanh như bị vật gì nhọn đâm vào mông, lão bật đứng dậy và co đôi giò khẳng khiu của lão vọt lên. Trời ạ, không hiểu sao cứ mỗi bận nghe tiếng còi của Phú lít là lão lại ghê sợ khi nghĩ đến cảnh bố lão bị bắt hồi lão còn nhỏ. Dạo đó lão đang độ tuổi học tam tự kinh chứ mấy. Từ đận đó đến giờ có lẽ phải đến hơn bốn mươi năm. Hai tên lính khố đỏ, tay cầm giáo mũi nhọn hoắt, xốc hai bên nách nhấc thân hình mềm oặt của bố lão lết trên mặt đất. Tiếng còi lanh lảnh này cũng y hệt tiếng còi lão đã nghe thấy trong phiên toà xử bố lão và lời tuyên từ miệng ông quan toà mặt béo phị giống như kẻ bị phù nặng khiến bố lão khuỵ gối, ngã vật ngay sau vành móng ngựa khi nhận rõ hình phạt phải đi đầy cấm cố hai mươi năm ngoài Côn lôn. Lão ăn mày nhấp nhểnh lao đi vun vút. Chẳng cứ lão chạy vì nỗi sợ truyền đời, dai dẳng sinh ra bởi tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của thân sinh mà cả vì nỗi sợ thứ hai từ dạo lão tham gia vào đội quân ăn mày. Đã là kiếp người sống bằng cơm nhặt cơm vãi thì đúng là tối kỵ với Phú lít. Đã ra nhập vào đội quân sống bằng sự rơi vãi hay lòng phúc đức của thiên hạ thì là đứa ăn mày hiền lành, ốm yếu nhất cũng là cái gai trước mắt A giăng. Phố phường là phải sạch sẽ gọn gàng, đến kẻ vứt rách bừa bãi còn bị phạt sặc gạch nữa là lũ ăn mày. Cho là không thiếu đứa què chân, gãy tay nhưng chúng mày còn lê lết hết đầu đường, xó chợ để kiếm ăn được, vậy hà cớ gì cứ nhằm những chỗ đẹp, chỗ sang để chúng mày chường cái thân ghẻ lở, cóc cáy ra để ngửa tay van vỉ nhặt nhạnh miếng ăn làm bẩn mắt thiên hạ, khiến ngưòi ta ăn mất ngon. ấy là chưa kể vừa ăn người ta còn lo ngay ngáy vì sợ có đứa nào trong lũ ăn mày ăn nhặt khốn khổ, khốn nạn tuy trông vào sự bố thí của thiên hạ nhưng vẫn nổi lòng tham thó ví, lấy cắp tiền của ngưòi ta. Thế thì… Chiếc dùi cui vung lên quật xuống. Chao ôi chiếc dùi cui nặng, cứng là thế mà bổ trúng đầu, trúng vào vai vào cánh tay khẳng khiu, vào ống đồng tong teo thì chịu sao được. Thôi cứ tốt nhất còn chút sức lực nào mà gặp Phu lít thì cứ nhanh chân mà biến khỏi tầm mắt của họ là tốt nhất. Còn cứ ngồi lỳ ở đó thì rủi nhất là bị hót lên xe bịt bùng, rồi đưa về bóp nhốt trong phòng kín bưng, hôi như hố xí để lăn lóc vài đêm giữa bầy chuột và đàn muỗi đói. Không phải đầu cũng phải tai. Lão ăn mày vừa chạy vừa nghĩ. Chạy một lúc lão thấy gã thanh niên đang chạy bỗng thoắt một cái thật nhanh rẽ sang phố Hàng Trống, lão cũng thuận đà lao theo. Tiếng còi đôi của hai gã phu lít vẫn lảnh lót réo vang. Người đang đạp xe đạp trên đường, kẻ đang đi bộ trên hè, và cả những người đang lúi húi kéo cửa nhà hàng chuẩn bị cho một ngày buôn bán mới cũng dừng tay nhìn ra. Thấy gã thanh niên rẽ ngoặt lão ăn mày cũng thuận đà đảo chân luôn, nhưng thật bất ngờ bàn chân phải của lão vấp mạnh một cái vào vật gì đó cứng và tù. Lão thấy mắt lão như hoa lên và ngay lập tức lão ngã quay lơ. Rồi như một phản xạ có từ hồi cha sinh mẹ đẻ lão giơ hai tay lên ôm đầu để tránh cây dùi cui dáng xuống. Ngay lúc đó gã cảnh sát chạy trước thấy lão ăn mày ngã quay lơ định nhảy qua nhưng bất ngờ vấp phải một chân của lão giơ lên, gã cảnh sát ngã sóng xoài làm mấy người đang dừng trên hè, giữa phố đang chăm chắm theo dõi cuộc rượt đuổi nhất loạt giơ tay lên bịt chặt miệng để cười. Gã cảnh sát hình như có vẻ đau, chống tay vào đầu gối mặt mũi nhăn nhó, miệng vừa lầm bầm câu chửi quen thuộc của làng cảnh sát "mẹc xà lù"vừa cố đứng dậy, khập khiễng chạy tiếp nhưng đôi chân không còn nghe theo cái đầu của y nữa. Y khom lưng ngoáy cổ lại. Gã cảnh sát thứ hai vừa chạy đến thấy thế giơ tay định xốc đồng đội lên thì cảnh sát thứ nhất chỉ tay về phía người thanh niên đã mất hút từ bao giờ sau chỗ ngoặt của khu nhà phố Nhà Chung. Hai gã cảnh sát bíu ríu vào nhau và chợt nhận ra lão ăn mày đang nằm chỏng chơ là nguyên nhân khiến hai gã mất mồi. Hai gã gần như đồng thanh gầm lên một tiếng thật to như để ra oai cũng là để làm đà, rồi cúi xuống xốc nách lão ăn mày đứng lên. Cả ba người khập khễnh đi ngược lại chiều vừa chạy đến. Trong lúc đó, gã thanh niên bị đuổi tên Phong từ góc giao nhau của hai toà nhà cũ kĩ tường loang lổ những vệt nước mưa đọng lại từ bao giờ vừa thở hổn hển vừa đưa mắt nhìn ra. Gã giật mình nhận ra một bà sơ trẻ có đôi mắt trong veo chớp chớp dưới hàng mi cong và dầy trên khuôn mặt có một vết giám nhạt ngay phía cánh mũi trái. Thân hình dong dỏng, gọn gàng của bà sơ được phủ trong chiếc áo dài đen càng tạo thêm vẻ óng ả của bà. Bà sơ đi lại gần và nhíu mắt lại khi nhìn thấy chàng thanh niên. Bà đưa tay vẫy vẫy khẽ cho Phong lại gần rồi nói nhỏ, giọng bà êm nhẹ du dương như hát "trốn cảnh sát hả, vào đây đã, đừng sợ. Chúa lòng lành vô hạn". Phong len lén nhìn trước nhìn sau rồi bước theo. Hai người đi vào một cái ngõ bé xíu, quanh co được khuôn lại bằng hai bức tường nhà cao vút. Thoang thoảng trong tiếng gió và tiếng phố phường náo nhiệt đã lùi xa chỉ còn lại điệp khúc ì ầm là tiếng đàn ắc mô ni um vọng lên cùng tiếng hát đồng thanh lanh lảnh của đám trẻ nhỏ trong lớp đồng ca ấu trĩ. Bà sơ hình như hơi tủm tỉm cười. Đôi mắt như đọng nước long lanh cố dấu dưới chiếc khăn mỏ quạ viền một đường trắng dường như để điểm xuyết cho làn da mịn màng, trắng xanh của người trùm nó. "Vào đi". Hình như bà sơ khẽ dục Phong. Gã thanh niên sau một thoáng ngần ngừ bèn theo chân bước vào. Vừa ngước mắt lên, Phong suýt kêu to khi nhận ra gian phòng gã tình cờ biết được, trông bề ngoài thì chỉ như một căn phòng nhỏ, và ngay trong lúc ngắm nhìn gian phòng thì cũng chỉ một thoáng sau nhờ có những tiếng động của đám trẻ đang nô đùa cùng tiếng cót két của bánh xe và tiếng rao của tay tầu lai đẩy chiếc xe hình như chữ nhật mà xung quanh thành xe vẽ đủ thứ hình thú vật và những người đang đấu võ Sơn Đông để hút đám khách trẻ con hiếu kì. Trên mặt bệ gỗ chiếc xe có khoét những chiếc lỗ để đặt những chiếc lọ thuỷ tinh đựng các loại quả ngâm như như chanh, khế, xấu dầm, táo… những món ăn luôn luôn hấp dẫn đám học sinh đã giúp Phong nhận ra căn phòng này dính với bức tường có con đường nhỏ kề liền khoảng sân nhà thờ rộng mênh mông có hàng rào sắt vây quanh bức tượng Đức mẹ bế chúa hài đồng. Thật khó có người nào biết rằng chỉ ngay sau bức tường ngăn nhà thờ với khu nhà chung lại có gian phòng rộng như thế. Phong đảo mắt khắp gian phòng và nhận ra những hàng ghế và bàn gỗ đã lên men đen bóng vì tháng năm, dường như hằn rõ dấu vết những cặp đầu gối quì lạy của nhiều thế hệ. Hỏm sâu trên cao của bức tường phía trước là bức tượng Đức mẹ đầu ngẹo hơi quá xuống đôi vai gầy của bà kề liền bên mái đầu nhỏ bé của chúa con khiến bà có vẻ buồn bã và sầu não của người mẹ nghèo chịu đựng quá nhiều sự sầu khổ trên đời. Đây chính là nơi dành làm phòng của nhà nguyện hai buổi trong ngày. Bà sơ bất ngờ tiến sát bên Phong nói khẽ nhưng giọng đầy tự tin"rồi mẹ sẽ cho gọi người nhà con đến". "Sao ạ?". Phong dường như không tin vào tai mình. Gã cũng thì thào hỏi lại. Nhưng ngay lập tức bà sơ trẻ đã biến đi lập tức sau hàng cửa gỗ nặng nề như có phép lạ. Phong uể oải ngồi xuống đầu hàng ghế thứ ba, trán nhíu lại nghĩ ngợi. Đúng là nhờ có lão ăn mày già nua tự nhiên ngã lăn quay như một vị cứu tinh của định mệnh để ngáng ngang đường chạy của tay cảnh sát sắp đuổi kịp, rồi đến cái vẫy của bàn tay mềm dịu của bà sơ hiện ra đúng lúc như thêm một sự xắp xếp của số phận chứ mọi sự cứ bình thì xẩy ea thì làm sao anh thoát được hai tên cảnh sát đang đuổi theo. Nếu hai người xa lạ đó không tình cờ hiện ra như hai vị cứu tinh thì chẳng chóng thì chầy Phong sẽ bị hai viên cảnh sát đuổi kịp. Bởi cho dù đang là ở độ tuổi thanh niên nhưng Phong lại chỉ ưa đọc sách, ngồi nhâm nhi cà phê, hay trà mỗi buổi sáng như một tay đàn ông từng trải đã quá mệt mỏi trong đời, chứ anh tịnh không một chút thích thú gì những trò chơi thể thao gắn với tuổi trẻ. Những thú chơi mà Long tay bạn thân nhất của anh luôn luôn mất không ít thời gian trong ngày để tham gia. Khi thì cầu lông, lúc thì te nít hoặc cả thân mình hiện ra rùng trục với tấm may ô và chiếc quần đùi cùng bạn bè chạy lăng xăng đuổi theo theo quả bóng da trong sân Măng danh. Vân - cô em ruột liền kề của Phong mỗi khi nhắc đến chuyện này đều băn khoăn không hiểu sao anh mình lại sống già nua như vậy và cô khuyên Phong nên xắp xếp thời gian để làm sao giảm bớt sự trầm tư sau ấm chè, tách cà phê, những cúôn sách hay tờ báo để theo anh Long tập tành. Con bé bảo. Trong cuộc đời tuổi thanh niên chỉ có một lần, làm sao đừng để phí nó vào những việc mà khi nào luống tuổi người ta mới nên làm. Vân, cô em của Phong cũng lấy làm lạ không hiểu có nguyên nhân nào mà hai người hoàn toàn khác biệt nhau lớn như tôn giáo đến các sở thích, thói quen trong thú ăn uống, vui chơi như vậy lại có thể là đôi ban thân gắn chặt với nhau đến độ ngày nào cũng phải tìm cách gặp nhau dăm ba phút như một cặp tình nhân. Chà thật bất hạnh khi hai gã phu lít đuổi kịp anh, vòng khoá số tám lạnh ngắt bập vào tay anh. Nếu nỗi bất hạnh đó xẩy ra thì chắc chắn chỉ trong vòng trên dưới một ngày, bất chấp sức khoẻ của Phong đảm bảo hay không. Chắc chắn những gã cảnh sát cần mẫn của nhà nứơcc cũng chẳng có thời gian lại càng không bao giờ để tâm vì sự ý nhị nào để tìm hiểu những tiếng ho khúc khắc bật ra từ cổ Phong. Một hiện tượng bất thường về sức khoẻ của anh mới xuất hiện từ đầu mùa thu vừa rồi đã chớm làm anh lo lắng. Họ sẽ dồn anh vào một trại lính cùng đám trai tráng bắt được. Ngay lập tức họ bắt anh trút bỏ bộ quần áo anh đang mặc để thay vào bộ quân phục nhà binh may bằng thứ vải ka ki vằn vện cứng cành cành mà anh từng trông thấy trên tấm hình trong bức tranh cổ động đợt tổng động viên treo ràn rạt trên những hàng cột điện dọc theo các dẫy phố vẽ tên lính cao lớn chân co chân duỗi thẳng, tay cầm súng gắn lưỡi lê, đầu đội mũ sắt, mặt hầm hầm như kẻ sát nhân như đang chuẩn bị lao vào kẻ thù vô hình trước mặt. Ngồi hình như chưa được dăm phút, Phong cảm bắt đầu cảm thấy bắp chân bắt đầu râm rẩm đau và kèm theo là cổ khô chạt lại. Giá bây giờ anh có được cốc nước mát kèm một chút đá. Hay là cốc nước gạo hay nước cam thì càng tốt. Điều này thật viển vông giống như trường hợp hai tên cảnh sát đuổi kịp mình nhưng rồi qua vài câu trò chuyện bằng tiếng Pháp hay tiếng Việt cũng được họ lại bắt tay rồi thả anh ra vì biết rõ tình trạng sức khoẻ của anh không đảm bảo cho sự tập tành vất vả khi ra nhập quân ngũ. Thật là đúng là thứ chuyện trời biển mà Phong tự nghĩ ra bởi vì mấy hôm nay đọc nhật trình nên anh biết rất rõ. Tại mặt trận Điên biên đâu như ở mạn Lai châu thì phải, người Pháp đang thua to. Việt Minh đang trên thế thắng. Hình như đây là trận đánh lớn cuối cùng để quyết định số phận của người Pháp ở lại chốn Đông Dương này. Pháp thắng thì chả nói làmgì. Tất cả sẽ y nguyên như hàng trăm năm này từ thời ông rồi đến ba của Phong. Người Việt hẳn hoi nhưng lại đi chào cờ ba sọc của người Pháp, và thỉnh thoảng người ta lại nói về ông Quốc trưởng ăn chơi đã từng là vị vua cuối cùng từng bị Việt manh truất ngôi, rồi để giữ chút sỹ diện cuối cùng ông ta cũng ra điều chân thành nói "làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ". Thế mới biết cái lưỡi của con người mềm mại thật. Người ta dùng nó để muốn nói thế nào cùng được, chỉ có điều đó là những lời chân thành hay giả dối. Nhưng nếu Việt minh thắng trên chiến trường Điện biên phủ thì chắc chắc mọi sự của cuộc sống, của xã hội này sẽ thay đổi tận gốc rễ. Người Pháp thua tức là hiệp định Giơne sẽ được kí. Các đoàn thương thảo đã tề tựu sẵn trên bàn hội nghị để chờ tiếng súng cuối cùng im lặng trên chiến trường. Mấy ngày hôm nay đọc tờ nhật trình nào ở Hà thành này đều thấy đăng tải rành rành nhận định cho rằng hiệp định này lại rất có lợi cho chính phủ trong rừng của ông Hồ Chí Minh. Người Pháp không bao giờ muốn thế. Hàng thế kỉ đến khai phá đất này, những đồng điền cao su, cà phê trên núi rừng Tây nguyên. Các tuyến xe lửa Hà nội đi Sài Gòn và từ Sài Gòn đi Nam vang. Còn ở ngay Hà nội này, những nhà dây thép, năm đường tầu điện nối năm cửa ô, nhà máy điện Yên phụ, cầu Long Biên uốn lượn trùng điệp qua sông Nhị hà, nhà hát lớn đã từng vang lên những tiếng đàn dương cầm và những khúc hát Frăngce, cả dẫy phố Tràng Tiền, vườn hoa Con cóc, vườn hoa chí Linh, rồi khu đấu xảo từng đón mọi kì nhân, dị thảo của đại Pháp và của thế giới. Ngay cả thú uống cà phê của không ít đàn ông thanh niên Việt nam bị mê hoặc giống như sự mê hoặc của cây kem đối với trẻ con của Hà nội. Rồi một thứ nữa chỉ từ khi người Pháp vào người Hà nội mới biết và dần dân thích đó là xem hát bóng tức là xi nê ma. Người lớn thì vào rạp còn trẻ con thì chúi mũi vào thùng để hồi hộp theo dõi anh chàng Tác Jăng sống trong rừng, bị cá sấu đuổi. Rồi bao trùm lên và xem ra có vẻ bổ xung thêm vì phù hợp với dân Thăng Long này đó là lối sống văn minh, hào hoa của người Pháp từ cách dùng mùi xoa, đến cái bắt tay, lời xin lỗi của mấy gã công tử thượng lưu cũng đều do người Pháp truyền sang. Con người ta thích biến động, đổi mới nhưng cũng ngại phải tiếp xúc với cái gì lạ lẫm bởi trí óc con người luôn luôn tạo ra những nếp nhăn trong bộ não. Những nếp nhăn ấy là dấu ấn lập đi lập lại của những thói quen. Có lẽ vì thế không ít người rất ngại sự xa lạ nếu không vì những o ép, bức bách. Nhưng cuộc đời muốn tồn tại, phát triển thì phải biến động, chuyển đổi. Nhưng người Pháp trong lĩnh vực này không muốn vậy, không chỉ vì họ vốn nổi tiếng là dân tộc baỏ thủ có lẽ chỉ kém người Anh mà cái chính là quyền lợi trên xứ sở này còn quá nhiều thứ gắn với họ hàng chục thế hệ nay. Trong đầu người Pháp đã quá quen với khái niệm Việt nam này là xứ An nam thuộc đất đô hộ của mẫu quốc Pháp. Vì vậy họ phải tìm cách hà hơi tiếp sức và động viên quân đội của họ để tạo ra chiến thắng có lợi cho người Pháp. Chẳng thế mà để kích thích đại tá Đờ cát cùng đoàn quân hùng mạnh nhưng đang bị xa lầy trên núi rừng Điện Biên, chính phủ Pháp đã vội vàng bất chấp mọi điều luật, sự khen thưởng và trừng phạt của quân đội Pháp từng nổi tiếng nghiêm minh từ thời tướng Nã phá Luân để gấp rút thì thụt phong tướng vượt thời hạn cho Đờ cát. Quân hàm thiếu tướng không thể trao thẳng cho Đờ cát giữa tiếng kèn đồng vang lừng với khung cảnh nghiêm trang, hùng tráng ở một quảng trường hay giữa gian phòng tráng lệ sáng bừng ánh điện toả ra từ những chùm đèn pha lê đầy ắp những ông tướng râu bôi sáp vểnh ngược, dây kim tuyến óng ánh trên ngù vai, và huân chương Bội tinh lấp lánh trên ngực áo cùng những bà đầm mệnh phụ phu nhân xinh đẹp xúng xính và kiêu kì trong những bộ áo váy lướt thướt và những bờ vai trắng muốt như vai những pho tượng thạch cao đặt ở bảo tàng Luvrơ. Họ đành phải áp dụng cách làm quá lúi xùi là cho cặp quân hàm thiếu tướng oai phong là vậy vào chiếc hộp để thả dù liều xuống cứ điểm Điện biên.

- Anh chờ lâu chưa?

Dòng suy nghĩ của Phong đứt đoạn vì tiếng nói thanh thanh cố ghìm cho nhỏ lại và sau đó là tiếng cười trong trẻo. Anh ngẩng đầu lên và nhận ra Vân, em gái anh đang lách từ cánh cửa mở hơi hé bước vào.

- Khi cô sơ Mariana đến nhà báo cho thì may quá em gặp cô ngay cửa sau. Nếu không về kịp mà cô sơ lại báo cho me biết thì me lại sợ chết khiếp lên. Rồi có khi chỉ vì quá sợ me làm lộ hết chuyện. Thôi thế được rồi. à còn chuyện này nữa, anh vừa đi thì anh Long cũng đến tìm anh. Anh cứ ngồi lì trong nhà ta từ lúc đó đến giờ.

Sao cô sơ lại biết nhà ta?

- Anh chóng quên thật đấy. Cô ấy chính là cái Liễu ở đầu Phố Tràng thi nhà nó đối diện với nhà Gô đa ngay bên đường tầu điện. Em lộ cho anh một chuyện cực kì bí mật nhé. Đã có thời gian nó thích anh lắm đấy

- Em đừng nói linh tinh nữa. Nếu đúng vậy thì anh nhận ra Liễu rồi, nhưng sao cô ấy lại đi tu thế nhỉ? Người đẹp như thế.

- Chuyện dài lắm. Nhưng chung qui lại tất cả chỉ vì bọn đàn ông các anh đấy. Nó lại tuổi sửu giống em. Tuổi ấy em nghe thấy bảo vất vả lắm. Em cùng tuổi nó sau này chả biết thế nào chứ bây giờ thì chưa thấy gì cả. Nhưng mà thôi để khi khác. Bây giờ em chỉ biết anh nhanh chóng đi ra cổng sau, sau đó có xe đưa anh lên Nhật Tân cùng anh Long.

Đúng thế chứ?

- Anh Long bảo em nhắn với anh thế. Anh Long cũng bắt đầu lên. Anh sẽ chờ anh trên đó. Em thấy bảo chiến tranh sắp hết rồi, người Pháp cũng sẽ rút. Tất cả sẽ trở lại yên ổn. Chỉ còn vài tháng nữa thôi. Thế mà nhỡ các anh bị tổng động viên kì này như mấy anh bên Phủ Doãn rồi phải đi lính, ra trận. Mà đã ra trận thì hòn tên, mũi đạn có mắt đâu. Lúc đó thì me, em rồi cả cậu Vũ nữa sống thế nào.

- Em toàn nghĩ những chuyện vớ vẩn. Cuộc đời người ta do chúa xếp đặt..

Long đang nói thì ngừng bặt khi thấy bà sơ trẻ đi vào, tay bà xách một bọc vải đựng khá nhiều đồ. Giọng bà sơ trẻ nhẹ như hơi thở:

- Vân này. Cầm luôn túi đồ này đưa đi cùng với anh ấy. Đi nhanh lên. Tôi đã xem xét kĩ rồi. Lúc này ngoài đường không có một bóng lính hay cảnh sát nào đâu