Gương hy sinh

8. JOHN LOGIE BAIRD

Docsach24.com

Có lẽ chuyện John Logie Baird phát minh ra máy điện thị là chuyện lạ lùng nhất trong lịch sử khoa học. Ai ngờ đâu con người nghèo nàn lại bệnh tật, trôi nổi khắp nơi, có hồi bán mứt, bán vớ, kem đánh răng, xà bông, lần nào cũng thất bại, mà sau cùng lại thành công trong việc giải một bài toán cực kỳ rắc rối, làm nát óc những nhà bác học, những nhà kỹ thuật học rộng gấp năm ông, đủ phương tiện gấp mười lần ông. Bài toán đó như sau: “Làm sao truyền được hình ảnh đi xa hàng trăm, hàng ngàn cây số bằng vô tuyến điện? Nói cách khác là làm sao chế tạo được máy điện thị để chúng ta có được những cặp thiên lý nhãn như các vị tiên thánh trong truyện Phong thần?”

Cặp thiên lý nhãn đó, người Âu và Mỹ đã có, nhờ máy điện thị. Máy đó, giá từ 150.000 tới 200.000 quan, bề ngoài tựa như máy thu thanh, nhưng có một tấm gương thần, nhìn vào đó bạn sẽ thấy những việc đương xảy ra.

Người Mỹ thích máy điện thị lắm và nhiều cặp vợ chồng trẻ ở sở, ở hãng về, là vặn ngay máy lên nhìn, vừa thay quần áo vừa nhìn, rồi cứ nằm dài trên giường mà nhìn cho tới khi đi ngủ mới thôi, khách khứa nhất định không tiếp, sách báo nhất định không đọc, đến nỗi các nhà sản xuất phim hát bóng ở Hollywood phải rung động cả và các nhà giáo dục đạo mạo phải la lên rằng “tình hình văn hóa thế này thì nguy mất”.

Quả thực, từ xưa tới nay, chưa có nhà phát minh nào làm thay đổi đời sống con người bằng John Logie Baird.

 

°

°

Ông sanh năm 1888 ở tại Dumbartonshire (Anh) ở trên cửa con sông thơ mộng Garloch, trong một làng chài lưới. Thân phụ ông là một giáo sĩ đạo mạo, cưng ông lắm vì ông là con út, và thông minh.

Cậu John Logie yếu ớt, hay đau vặt, cho nên buổi học buổi nghỉ, rất sợ thể thao, mà rất thích máy móc.

Năm mười hai tuổi, cậu và bốn người bạn đã tự đặt một đường điện thoại nối các gác xếp của nhau để chơi. Một đêm đông, dây điện đứt, lòng thòng xuống đường, quấn vào cổ một người đánh xe, làm người này té. Sáng hôm sau, nạn nhân lại sở Bưu Điện đòi bồi thường. Viên thanh tra Bưu Điện lại tận chỗ xem xét mới biết trò tinh nghịch của các cậu. Giáo sĩ Baird rầy con dữ và bắt gỡ đường điện thoại.

Nhưng cậu không thất vọng, bày trò chơi khác. Cậu chế tạo một máy phát điện nhỏ chạy bằng sức nước ở dưới sông. Nhờ vậy nhà cậu là nhà đầu tiên có đèn điện ở trong miền. Ông Baird lần này không rầy cậu mà còn lấy làm vinh dự.

Ít năm sau, cậu ham mê chụp hình, chế tạo lấy được một máy phóng đại và tài tình ơhn nữa, khéo tính toán, sắp đặt ra sao mà tự chụp lấy cho mình được trong khi ngủ say.

Năm mười bảy tuổi, cậu vô trường kỹ thuật ở Glasgow để học ngành kỹ sự điện. Cậu thi ra đậu cao, lên trường Đại học Glasgow, vừa học vừa tìm hiểu mọi phát minh mới. Nhưng trường không cho phép sinh viên thí nghiệm, cậu phải thí nghiệm ở nhà bằng những dụng cụ thô sơ. Cậu dùng chất sélénium, chế được một kiểu chuông cứ có ánh sáng mặt trời chiếu vào là reo. Do đó, cậu nảy ra ý dùng phương pháp biến hóa ánh sáng thành dấu hiệu điện để truyền hình ảnh đi xa.

Đại chiến thứ nhất làm John phải ngưng học hành và tìm tòi. Chàng nhập ngũ, nhưng vì ốm yếu, khỏi phải ra mặt trận mà được làm kỹ sư giám đốc một nhà máy điện lớn chuyên phát điện cho những xưởng chế tạo tàu chiến và binh khí.

Trong thời gian đó, chàng vẫn có chứng chân lúc nào cũng lạnh buốt, phải lấy một loại giấy như giấy bàn để bao cho ấm. Chiến tranh kết liễu, chàng tự thấy không đủ sức khỏe theo nghề kỹ sư điện, muốn xoay qua thương mãi và nảy ra ý chế tạo những chiếc vớ bằng giấy đem bán ở các tiệm bào chế. Kiểu vớ Baird, mùa hè thì mát mà mùa đông thì ấm, bán khá chạy. Chàng bèn hăng hái tung ra thị trường một món hàng nữa, thứ kem đánh giầy hiệu Osmo. Vừa ho, vừa xổ mũi, hắt hơi, chân lúc nào cũng đi vớ và giầy cao ống, John suốt ngày phải chỉ huy thợ thuyền, giao thiệp với khách hàng, sau không chịu nổi, hóa đau. Lúc đó chàng mới thấy buôn bán còn mệt gấp mười làm công chức, đành nhường cửa hàng cho người khác rồi tìm một nơi ấm áp, quanh năm có ánh nắng để nghỉ ngơi. Biết tìm nơi nào bây giờ? Ở trên đất Anh thì có chỗ nào mà không lạnh lẽo và đầy sương mù trong tám chín tháng mỗi năm?

 

°

°

 

Thì may một người bạn học tên là Harris, qua Trinidad ở quần đảo Antilles mưu sinh, gởi về cho chàng một cuốn sách nhỏ ca tụng phong cảnh và khí hậu thần tiên ở đảo. Đọc xong, chàng mua giấy tàu đi Trinidad liền và không quên mang theo một cái rương chứa đầy những hàng lặt vặt, rẻ tiền để bán cho thổ dân, không ngờ rằng những hóa vật đó đầy rẫy trên đảo và đã có cả trăm nhà buôn khác đi trước mình, kinh nghiệm gấp mấy mình rồi.

Thành thử tới Trinidad, Baird phải bán tháo cho hết chỗ hàng đó rồi bỏ nghề buôn, hùn vốn với bạn mở một công ty chế tạo mứt ở thung lũng Santa Cruz.

Hai anh em ở đó như bị đày. Chung quanh toàn là thổ dân, không có một người da trắng nào khác. Xưởng chỉ là một cái chòi bằng tre, dụng cụ chỉ có mấy cái thùng. Trời nắng như thiêu, họ xoay trần để nấu mứt. Muỗi bu tới từng đàn, táp cả vào nồi mứt. Rồi vì thiếu kinh nghiệm, họ nấu ra sao mà mứt cho vô hộp được ít lâu, lên mốc hết, chua như dấm. Tới cái nước đó thì chỉ còn cách đổ hết cả xuống sông rồi cuốn gói về Trinidad thôi.

Về tới nơi thì Baird mắc chứng sốt rét. Bác sĩ coi mạch xong, bảo chàng phải rời ngay cái xứ “khí hậu thần tiên” đó mà đi về Anh trị bệnh. Và chàng xuống tàu, mang theo vài lọ mứt làm kỷ niệm của đảo.

 

°

°

 

Thế là năm ba mươi bốn tuổi, nhà kỹ sư điện Baird lang thang ở Luân Đôn, vô nghề nghiệp, mà sức thì muốn kiệt vì bệnh tật.

Chán nản quá, không biết làm gì, ông đăng bậy ít hàng trên tờ nhật báo Times: “Đàn ông, có óc kinh doanh, có vốn, muốn kiếm người hùn làm ăn…”. Nhiều người tới xin hợp tác, nhưng hầu hết là những kẻ muốn lừa bịp hoặc nửa điên nửa khùng. Nực cười nhất là một anh chàng nọ tự xưng là “Vua xe bù ệt”, tới đề nghị với Baird bỏ ra một ngàn Anh kim để cùng với y đóng thùng cây.

Nhưng nhờ lời rao đó mà Baird bắt đầu có việc làm. Ông bán được hai tấn mật ong ở Úc chở tới, rồi bán vỏ dừa dùng làm phân, sau xoay qua bán xà bông nhập cảng từ Pháp. Hồi đó nhằm lúc kinh tế khủng hoảng sau chiến tranh, làm ăn không khá, mà ông lại đau nặng, phải nghe lời bác sĩ, ngưng buôn bán, rời Luân Đôn, đi dưỡng bệnh ở miền biển.

Ông lựa Hastings, một nơi phong cảnh đẹp mà đời sống rẻ, ngày ngày ăn xong rồi bách bộ ở bờ biển, tình toán cả chục chuyện: chế tạo dao cạo bằng thủy tinh, nhưng dao không cạo đứt râu mà lại cắt một vết lớn trên mặt ông; rồi chế tạo vớ cao su bơm hơi, nhưng mới xỏ chân vô đi thử vài bước thì bể, ông phải vội vàng vô một cầu tiêu công cộng để thay rồi liệng đi. Ông còn muốn chế tạo một máy điện thị nữa. Thời ấy máy phát thanh mới xuất hiện. Ông tự nghĩ: “Truyền được thanh âm thì tại sao lại không truyền được hình ảnh? Cứ thử tìm tòi xem sao”.

Ông do dự, viết thư hỏi ý kiến một bà chị xem nên làm dao cạo bằng thủy tinh hay nên kiếm cách truyền hình bằng vô tuyến điện.

Bà chị đáp: “Nên làm dao cạo hơn, tất nhiên rồi”.

Và tất nhiên là Baird lựa điện thị.

 

°

°

 

Đã trên mười năm lo buôn bán lặt vặt để mưu sinh, ông còn nhớ gì sách vở về điện đâu. Trong lúc đó, các nhà bác học, các nhà phát minh mọi nước, có đủ phòng thí nghiệm, ganh đua nhau tìm cách truyền hình mà đều thất bại. Vậy mà Baird dám xông vào khu vực đó thì cũng hùng tâm thật. Chẳng những vậy, ông còn tin chắc là mình thành công nữa. Và ông thành công thật, có lạ lùng không chứ?

Hiện nay, căn nhà số 8 ở đường Queen’s Arcade tại Hastings còn mang một tấm biển có những hàng chữ: Sau những thí nghiệm, ở trong căn nhà này, John Logie Baird đã phát minh ra máy điện thị

Sở dĩ ông thành công dễ dàng là nhờ ông may mắn đã lựa đúng đường lối phải đi, đã tìm ngay được nguyên tắc là phải chia hình ra thành hàng ức hàng triệu chấm nhỏ sáng nhiều hoặc ít, rồi truyền đi thành những xung động điện.

Dụng cụ thí nghiệm của ông toàn là đồ lạc xoong: một động cơ chạy bằng điện lượm được trong đám sắt vụn ở một tiệm bán đồ điện, một cái chậu rửa mặt, một thùng gỗ thông, một miếng giấy bồi cắt thành hình tròn và đục vô số lỗ nhỏ để chia hình muốn truyền đi xa thành nhiều chấm sáng, một cây đèn giọi cổ lỗ đặt trong một hộp bích quy có  gắn những tấm kiếng ba xu nhặt đâu được trong một tiệm xe máy. Lại thêm những bộ phận lặt vặt của một máy vô tuyến điện mà quân đội đã thải ra, vài cây kim để may, vài cái pin đèn bỏ túi, và những khúc cây lụn vụn. Rồi ông lấy hồ, lấy khằn, dây gai, dây điện dán vào nhau, cột vào nhau, chằng chịt, lung tung, thật là rối như mớ bòng bong.

Ông thí nghiệm liên tiếp mấy tháng, kiên nhẫn thay cái này, sửa cái kia; rút cục tới mùa xuân năm 1924 ông truyền được hình một thập ác cách xa ba thước. Hình còn mờ mờ, chập chờn, nhưng cũng nhận rõ ra là một thập ác chứ không phải là một con mèo hay một quả bóng. Nguyên tắc đã đúng, ông càng tin chắc là thành công, càng hăm hở tiến tới.

Ít lâu sau, tên tuổi ông được đăng ở trang đầu các báo chí Luân Đôn. Nhưng xin bạn hãy khoan, đừng quá vội mừng giùm ông. Đó mới chỉ là tin một tai nạn, với cái tít lớn: Một nhà phát minh bị điện giật, nằm bất tỉnh trên sàn. Muốn có một luồng điện mạnh 2.000 volt, ông phải nối với nhau hàng trăm cái pin đèn và trong lúc vô ý, đụng nhằm dây điện, ông lăn đùng trên sàn, chân tay co quắp lại, suýt chết.

Nhưng rủi mà hóa may. Sau khi tờ Daily Ketch loan tin đó ra đầu tiên, các ký giả ùn ùn tới nhà ông phỏng vấn. Ông đương túng tiền, không biết làm sao tiếp tục thí nghiệm được, bèn lợi dụng ngay cơ hội đó, nhờ họ quảng cáo không công cho mình. Quả nhiên sau vụ ấy, chủ một hãng bán máy vô tuyến điện ở Luân Đôn đọc bài tường thuật xong, chạy lại kiếm ông, xin tặng ông một số tiền lớn để được hùn một nửa cổ phần với ông trong sự khai thác điện thị. Thế là con diều đương đảo đảo muốn cắm xuống đất, lại cất cánh bay vút lên trên không. Ông chấp thuận liền, nghĩ đã tới lúc cần cho thiên hạ biết mặt biết tên, bèn dọn hết cả “hòng thí nghiệm” ở Hastings về Luân Đôn.

 

°

°

 

Và cơ hội để cho thiên hạ biết mặt biết tên đã tới, y như sở nguyện của ông. Năm 1925, một hôm, một nhà buôn lớn ở Luân Đôn, lại đề nghị với ông: bằng lòng trả ông 25 Anh kim mỗi tuần và chịu hết các phí tổn để ông bày kiểu máy của ông trong gian hàng đồ điện, miễn là ông chịu ra mắt quần chúng mỗi ngày ba lần.

Baird lúc đó đã cạn túi, nhận lời, mặc dầu biết rằng máy của mình chưa hoàn hảo, không nên bày ra cho công chúng coi vội. Thương gia nọ bèn cho in ngay quảng cáo, đại ý như vầy:

“Máy chúng tôi triển lãm ở đây là máy đầu tiên trong loại của nó; nó dùng để truyền hình nhưng khác hẳn các máy chụp hình, cũng như máy điện thoại khác hẳn máy điện tín.

…Máy đó còn thô sơ lắm, vì nhà phát mình còn thiếu vốn, mà vốn giữ một địa vị quan trọng nhất trong việc thực hành. Hình ảnh được truyền tức thì, nhưng nó còn chập chờn, mờ mờ;  và tới ngày nay, người ta chỉ truyền được những hình rất đơn sơ thôi. Nhưng xin chư vị nhớ chuyện phát minh máy hát của Edison: hồi mới đầu, câu hát: “Mary có một con cừu nhỏ”(1) cũng có rõ ràng gì đâu, chỉ những người đã nghe quen rồi mới hiểu được, nhưng chính nhờ kết quả đó ta mới có máy hát ngày nay. Vậy kiểu máy chúng tôi triển lãm hôm nay sẽ cải thiện được, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Từ trước tới nay, máy đó chưa đem bày cho công chúng coi. Ông John Logie Baird, người độc nhất đã phát minh ra nó và giữ bằng sáng chế, mỗi ngày sẽ tới gian hàng bán đồ điện của chúng tôi, buổi sáng hồi 11 giờ rưỡi, buổi chiều vào lúc 2 giờ rưỡi và 3 giờ 15. Ai muốn hỏi han điều gì, ông sẽ vui lòng giảng giải.

Chúng tôi xin nói thêm rằng phát minh lạ lùng đó không đem cho chúng tôi một chút lợi vật chất nào cả; chúng tôi sở dĩ đem triển lãm chỉ vì biết rằng các vị khách hàng thân mến của chúng tôi muốn hiểu một phát minh quan trọng nhất của thế kỷ”.

Nhà buôn đó quả có tài quảng cáo. Công chúng xô nhau vào coi gian hàng. Baird ngài ngại vì máy chưa hoàn thành. Ông tốn công giảng giải mà chẳng ai hiểu gì cả. Người ta nhìn vào máy chỉ thấy những bóng lu mờ; có kẻ chế giễu ông nữa, cho đó chỉ là một mánh khóe bịp đời. Nhưng cũng có người lo sợ sau này mày đó mà hoàn hảo, bán khắp chợ, thì người có máy sẽ nhìn qua được những bức tường, biết rõ đời tư của hàng xóm mất. Một bà già sau khi nhìn máy xong, kéo áo Baird lại một góc phòng, hỏi nhỏ: “Này em, nếu qua kéo bức màn trong phòng tắm của qua, thì máy của em còn nhìn thấy được không?”

Vừa mắc cỡ, vừa chán ngán, Baird xin xé giao kèo, cuốn gói về nhà, không chịu đóng vai con khỉ trong rạp xiếc nữa. Nhưng lần này cũng như lần trước, rủi mà hóa may. Chính trong đám người tứ xứ xô nhau vào coi, có một thiếu nữ tên là Margaret Albu, theo mẹ ở Nam Phi tới Luân Đôn để học dương cầm, chú ý tới con người kỳ dị đứng sau những cái máy và những dây điện chằng chịt đó.

Nhờ số tiền kiếm trong mấy tuần ấy, Baird sống được ít lâu, rồi lại túng quẫn, đến nỗi nhiều bữa phải nhịn ăn để có tiền mua đồ thí nghiệm. Áo rách như xơ mướp, giầy thì thủng đế; đau ốm liên miên mà thiếu thuốc. Chủ phố dọa tống cổ ra đường nếu không trả đủ tiền mướn.

Khổ nỗi, công việc vẫn không tiến hành. Bạn bè cứ hỏi: “Tại sao không truyền hình một mặt người mà cứ truyền hình những thập ác, cái hộp, cái ve làm chi vậy?” Họ hiểu đâu nỗi khổ tâm của ông. Chỉ cầu truyền hình được mặt người mà không được đấy chứ! Chỉ thấy mờ mờ nét chung quanh, còn mắt mũi, chỗ sáng chỗ tối thì chưa được, mà thiếu những chi tiết đó thì làm sao nhận ra được là mặt người?

Đói quá, ông phải đi kiếm người chịu bỏ vốn ra hùn với ông, và nhờ các ký giả quảng cáo giùm cho mình. Nhưng thấy kết quả tai hại trong cuộc triển lãm trước, ai nấy đều lắc đầu: “Ông cứ truyền cho tôi coi hình một mặt người, rồi tôi sẽ giúp ông.” Có kẻ còn ra lệnh cho tên gác cửa, “hễ thấy thằng điên đó tới thì đuổi nó đi”.

Người chủ hãng vô tuyến điện, trước đã bỏ vốn ra giúp ông, nay nhất định không chịu cho ông vay mượn gì nữa mà còn đòi lại số vốn cũ. Không biết xoay xở cách nào nữa, Baird đăng báo gọi cổ phần lập công ty.

Thật là khờ khạo. Đã tốn tiền cho nhà báo, lại tốn công phải tiếp một bọn làm “áp phe”, đầu chải mướt, giầy đánh bóng, áo cổ cồn, quần nỉ xọc, miệng ngậm xì gà, tay cắp cặp da cồm cộm. Họ ùa vào nhà ông, như kiến bu ruồi, hứa trời hứa đất để rút cục đòi ông đưa trước ít tiền nước. Ông còn tiền đâu mà đưa? Họ bẽn lẽn, rút lui hết.

Vạn bất đắc dĩ, ông phải dùng đến phương pháp cuối cùng mà ông vẫn ngại nhất là hỏi mượn tiền anh em trong nhà. Ít hy vọng lắm vì ông biết rằng họ cũng như phần đông các người Ê-cốt, có tánh tiêu tiền rất kỹ, không ai chịu đem những số tiền chắt bóp hàng chục năm trời tung vào những cuộc kinh doanh bấp bênh như vậy. Nhưng ông đã tới lúc bí rồi, còn biết tính cách nào khác nữa?

Trong khi đợi họ hồi âm, Baird phải đi cầm ít nhiều dụng cụ thí nghiệm với một giá rẻ mạt để có tiền ăn trong vài ngày. Và cứ ăn xong, là ngồi bó gối đợi tin mà nghĩ về tương lai mù mịt của mình.

 

°

°

 

Không ngờ, trời lại giúp ông lần nữa. Hai người anh họ gửi cho ông mượn năm trăm Anh kim, gọi là “để giúp chú em” mà nếu thành công thì “hưởng chung”. Được tiền, ông đi chuộc ngay dụng cụ rồi lập một công ty nhỏ, lấy tên là công ty “Điện thị”. Ông lại hăng hái tiếp tục, thí nghiệm thui thủi suốt ngày, suốt tháng trong phòng, thử cách này, cách khác, tuyệt nhiên không có một người nào giúp sức, và chỉ làm bạn với con búp bê Bill cũ kỹ, lem luốc mà ông cố truyền hình cho được. Ông chỉ mới truyền được mờ mờ: một vết trắng lớn, hình cái mặt, và ba vết đen nhỏ, hình cặp mắt và cái miệng. Cũng đã là tấn tới rồi đấy, nhưng chưa đủ.

Sau cùng, ngày mùng 2 tháng 10 năm 1925, ông thành công một cách bất ngờ. Ông thí nghiệm một máy mới, vừa mới cắm điện thì tưởng như mình chiêm bao: mặt con búp bê Bill hiện rõ ràng, chỗ sáng chỗ tối, đủ chi tiết: mắt, miệng, mũi, tóc, lại cả lông mày nữa chứ!

Ông nhảy tưng tưng lên, chạy ngay đi kiếm một Bill bằng da bằng thịt. Và buổi chiều đó, nhân viên trong một hãng cho mướn phim ở từng lầu dưới, hoảng hồn, tưởng ông hóa điên: bỗng nhiên, “cái ông phát minh ở từng lầu trên” chạy rầm rầm, đẩy cửa vào, đầu tóc bù xù, mắt long lên xòng xọc, túm lấy cổ một em mười lăm tuổi, tên là William Taynton, làm tên sai vặt cho hãng.

Em nhỏ vùng vẫy, run lên cầm cập, mà Baird chẳng nói năng gì cả, cứ lôi xềnh xệch lên lầu, bắt ngồi vào chỗ con búp bê, dưới ánh sáng rực rỡ, chóa mắt của những ngọn đèn giọi, ra lệnh: “Ngồi đó, không được nhúc nhích, nghe không?” rồi chạy biến qua phòng bên.

Ông ngó vào một hộp nhỏ, đen đặt sau một tấm kiếng, thì lạ quá, không thấy hình gì cả. Ông bứt tóc, suy nghĩ: “Sao kỳ cục vậy? Hay là lúc nãy mình chiêm bao? Có lý nào?”. Ông lại chạy qua phòng giọi. Phải rồi: William Taynton trông thấy cái máy kỳ cục và những sợi dây điện chằng chịt, sợ quá, nghiêng đầu qua một bên cho mặt ở xa cái máy “nguy hiểm”, vì vậy mà hình không hiện. Baird giúi năm cắc vào tay nó, năn nỉ nó ngồi yên và ngay ngắn cho. Lần này, quả nhiên tấm gương thần đã thâu được hình một mặt người.

Taynton đòi nhìn trong máy. Ông bằng lòng, ngồi dưới đèn giọi và Taynton thấy mặt ông hiện lên trên tấm gương.

Ít bữa sau, Baird mời các ông trong viện Hàn lâm  khoa học Luân Đôn tới coi. Mọi việc đều như ý, nếu không có một sự vô ý nho nhỏ này: một cụ hàn tò mò lại gần máy quá, nên chòm râu vướng vào một cái đĩa đương quay, gỡ mấy phút mới ra, làm cụ vừa sợ vừa ngượng.

Ông tặng máy đó cho Viện Khoa học South Kensington và chế tạo một máy khác hoàn hảo hơn. Tức thì danh tiếng ông vang lừng và cái bọn làm áp phe cặp da cộm, xì gà gộc lại nườm nượp ra vào nhà ông, và ông suýt bị chúng bóc lột.

 

°

°

 

Baird xin bằng sáng chế, hy vọng lập một cơ quan điện thị ở nước Anh. Nhưng đài phát thanh B.B.C. của Anh bảo rằng muốn lập cơ quan đó thì phải được đài cho phép, và phải để cho đài điều khiển, mà lúc đó đài chưa có ý dùng điện thị để truyền tin. Như vậy thì còn trông mong gì được nữa, chỉ còn cách đập máy hoặc bỏ nước mà đi thôi.

Nhưng quần chúng thích được coi điện thị, đả đảo chính sách độc đoán của B.B.C. và các ông nghị sĩ làm dữ, buộc chính phủ phải can thiệp. Bạn lạ gì tính cách chậm chạp trong những cuộc can thiệp miễn cưỡng như vậy. Một bên là đài B.B.C quyền thế nhất trong nước, một bên là một nhà phát minh nghèo. Người ta điều tra ba bốn lần, hội hợp nhau thảo luận cả chục lần, kéo dài tới bốn năm. Trong thời gian đó Baird tiếp tục cải thiện máy, năm 1928, truyền hình được từ Luân Đôn tới Nữu Ước, làm cả thế giới ngạc nhiên.

Trước thành công rực rỡ làm vẻ vang cho tổ quốc đó, chính phủ không dám làm ngơ nữa, đành bắt đài B.B.C. phải tổ chức những buổi truyền hình thử. Công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Công ty “Điện thị” của Baird bắt đầu phát đạt. Nhưng ông chỉ giữ độc quyền được có vài năm. Hàng ngàn các nhà tìm tòi góp sức nhau trong hàng trăm phòng thí nghiệm đầy đủ dụng cụ tối tân, ganh đua nhau giải quyết vấn đề điện thị, hy vọng đạt được những kết quả tốt hơn của ông. Công ty có thế lực nhất, cạnh tranh với ông ráo riết nhất là hãng Marconi ở Mỹ. Đài B.B.C. đã không ủng hộ ông mà còn loại ông ra nữa, dùng máy điện thị và nhân viên của hãng Marconi. Thực đau xót cho ông. Mỉa mai nhất là dân chúng Mỹ hoan nghênh ông, tin cậy ông và gửi mua những máy điện thị của ông.

Nhờ vậy, công việc kinh doanh  phát đạt, ông tậu được một biệt thự lớn ở gần Luân Đôn, mời bạn bè tới chơi. Trong số này, có nhiều nghệ sĩ quen cô Margaret Albu lúc đó đánh dương cầm cho đài B.B.C. nhắc chuyện cũ, hồi ông triển lãm lần đầu trong một tiệm bán đồ điện ở Luân Đôn, và hai người thương nhau, ba tháng sau cưới nhau.

Năm 1936, ông lại cặm cụi nghiên cứu để tìm cách truyền hình màu và nổi. Tới cuối năm 1941, giữa cái thời Luân Đôn bị phi cơ Đức giội bom tàn nhẫn, ông chế tạo một máy truyền được hình màu. Một trái bom thả trúng phòng thí nghiệm của ông, phá tan nát hết. Ông thoát chết, phải ngưng công việc trong một thời gian, nhưng vẫn lạc quan, vẫn đợi thời cơ thuận tiện mà giải quyết nốt vấn đề truyền hình nổi. Tháng sáu năm 1946, đài B.B.C. mở cửa phòng điện thị trở lại, định dùng máy của ông để truyền hình cuộc Diễn Binh Khải Hoàn. Thế là đài và ông đã làm lành với nhau. Ông rất vui vẻ, mời các bạn thân tới dự. Khách khứa đã đủ mặt. Một người thư ký ra cho hay ông xin lỗi không tiếp khách được vì ngọa bệnh. Không có gì nặng. Chỉ là bệnh đau cuống phổi tái phát thôi. Ai cũng biết ông vốn có bệnh đó, nên không lo ngại gì cả, ngồi coi cuộc Diễn Binh Khải Hoàn trên máy điện thị.

Sáu hôm sau, ông mất, thọ năm mươi tám tuổi. Bẩm chất yếu ớt như vậy, đời sống lao đao như vậy, làm việc cực nhọc như vậy mà sống được bấy nhiêu cũng là nhờ ông khéo giữ gìn lắm. Suốt đời ông chỉ uống nước lạnh và trước khi cưới cô Margaret, không hề gần đàn bà.

Chú thích:

(1) Xin xem tiểu sử Edison