Gửi Thời Đơn Thuần Đẹp Đẽ Của Chúng Ta

Chương 14

"Trần Tiểu Hi, cậu không thấy để khách đứng mãi ngoài cửa thế này là rất bất lịch sự hả?" Ngô Bách Tùng gõ cộc cộc vào cửa, đồng thời mở rộng cửa sắt ra.

Tôi nghiêng người để cậu ta vào nhà, cậu ta đi thẳng tới sô pha rồi đặt mông ngồi xuống, sau đó nhìn tôi cười. Tôi vẫn còn đang đắm chìm trong cái quá khứ xa lắc xa lơ ấy, cho nên đầu óc vẫn chưa kịp thích ứng với hiện tại, chớp chớp mắt mấy cái, vẫn thấy cậu ta ngồi ở đó.

Tôi lẳng lặng nhìn chiếc áo Polo xanh nước biển của cậu ta rồi đôi giày Nike, sau đó tầm nhìn lại quay lại khuôn mặt tuổi mười bảy mười tám như tuổi trẻ còn mãi năm nào. Cái tên Tô Duệ kia nên cố gắng học cách dưỡng nhan của tên này thì hơn.

Đột nhiên Ngô Bách Tùng lấy một vật gì đó từ trong túi ra rồi chắp tay đưa tới trước mặt tôi: "Đồ ăn vặt của New Zealand tớ nợ cậu đây."

Tôi nửa tin nửa ngờ mở lòng bàn tay đón lấy, cậu ta thả nắm đấm kia xuống tay tôi, mở ra, một phong kẹo cao su màu xanh lục, giấy gói đó, phong cách đó, là đồ tầm cỡ quốc tế đó - kẹo cao su Wrigley"s Doublemint.

Cậu ta vẫn nhìn tôi cười, tôi quay mặt đi, bao nhiêu cảm xúc cứ cuồn cuộn trong lòng. Thực sự tôi không muốn mình "yếu đuối" thế này đâu. Bạn thử nghĩ xem, người bạn thân nhất thời học sinh của bạn bỗng dưng mất tăm mất tích sau đó lại đột ngột xuất hiện làm ra vẻ như luôn đồng hành cùng bạn, bạn sẽ phản ứng thế nào?

Hơn nữa cậu ấy vẫn còn trẻ như thế, dường như thời gian luyến tiếc vẻ trẻ đẹp của cậu ấy nhưng lại quá "nhẫn tâm" với nhan sắc của tôi, bạn nói xem tôi có thể không buồn, không khóc được ư?

Ngô Bách Tùng sửng sốt một lúc mới luống cuống dỗ tôi: "Sao cậu lại khóc?"

Tôi gào lên: "Sao cậu đi đâu lâu thế hả? Lúc tớ và bạn trai cãi nhau thì cậu ở đâu hả? Lúc tớ thất tình cậu đang trốn ở xó xỉnh nào? Tớ thất nghiệp cũng không thấy cậu đâu, lúc đói cũng không tìm thấy cậu..."

Cậu ta chỉ cười mặc tôi gào khóc, sau đó kéo tôi cùng ngồi xuống sô pha: "Cậu bình tĩnh chút đê, tớ đâu phải Trần Thế Mĩ của cậu, khóc thế này thì làm được gì."

Ta rưng rưng lườm cậu ta cháy mặt. Tôi khóc "hoa lê đái vũ" như thế, tôi xinh xắn đáng yêu như vậy, tôi đang tưởng nhớ những năm tháng tuổi học trò tươi đẹp của mình, khóc cho tình bạn tốt đẹp của chúng tôi, cậu đừng có tưởng bở....

(BT: Lê hoa đái vũ: miêu tả vẻ đẹp của hoa lê dưới cơn mưa, chỉ vẻ đẹp của mĩ nhân thời xưa khi khóc)

Sau đó, hai chúng tôi ngồi khoanh chân trước sô pha trên sàn nhà, uống nước lọc nói chuyện phiếm.

Ngô Bách Tùng kể: "Sau khi sang New Zealands nửa tháng, tớ mới tạm coi là ổn. Đúng lúc ấy bố tớ lại gọi điện báo công ty tuyên bố phá sản."

Nhà tôi vẫn chưa phá sản bao giờ, mà đúng hơn thì khả năng kinh tế nhà tôi cũng không có tư cách để tuyên bố phá sản, nhiều lắm cũng chỉ dám kêu hết tiền, cho nên tôi không thể hiểu hết tính nghiêm trọng của việc này song cũng không thể tỏ ra không biết đành phải ra vẻ đồng tình, buồn bã nói: "Hả! Sao lại như thế..."

Có trời đất chứng giám, lời này của tôi tuyệt đối chỉ có ý an ủi, là câu cảm thán trách trời không thương người từ tận đáy lòng nhưng Ngô Bách Tùng lại hiểu nhầm, nổi hứng kể lại cặn kẽ cho tôi nghe việc bố cậu ta tin nhầm người dẫn tới việc kinh doanh trục trặc, dẫn tới vốn quay vòng không đủ.... Cho đến khi tôi ngồi nghệt mặt ra, vẻ mặt mờ mịt cậu ta mới dừng lại, cuối cùng nói một câu: "Nói nhiều với cậu cậu cũng chẳng hiểu."

Sau khi nói xong câu đó, cậu ta lại cố gắng dùng những từ ngữ đơn giản dễ hiểu nhất để giải thích cho tôi một đống điều khoản trong luật phá sản. Cơ mà khổ nỗi tôi cũng chẳng hiểu gì, nhưng vẫn phải giả bộ đau buồn. Cuối cùng tôi chịu nổi nữa, ngăn cậu ta lại: "Đừng nói nữa, tớ hiểu rồi, cậu mà nói thêm nữa chắc tớ phải quyên tiền cho cậu mất."


Ngô Bách Tùng nghiêm túc nhìn thẳng vào hai mắt tôi: "Cậu nghe không hiểu đúng không?"

Tôi nhún nhún vai: "Hình như là thế thật. Chi bằng cậu nói luôn vì sao cậu lại mất tích luôn đi."

Cậu ta cười khổ một tiếng: "Bà cô của tôi ơi, anh đây từ cậu chủ nhà giàu biến thành kể phải làm công kiếm sống qua ngày ở nơi đất khách quê người, cậu nói xem tớ còn thời gian mà hỏi thăm cậu nữa không?"

Tôi gật đầu ra vẻ đã hiểu: "Thế cậu bây giờ là sự nghiệp thành công về nước hả?"

Cậu ta lườm tôi: "Cậu không cảm thấy trước tiên nên quan tâm đến cuộc sống cơ cực của tớ trong mấy năm qua à?"

Tôi đáp: "Quan tâm mà, quan tâm mà! Nhưng tớ muốn biết có phải giờ cậu thành người có tiền rồi không cơ."

Ngô Bách Tùng bày ra dáng vẻ giả vờ hắt cốc nước lên người tôi, nói: "Mấy năm không gặp, cậu trở nên nhiều chuyện thế này rồi à!"

Tôi dương dương tự đắc: "Do Tổ quốc giáo dục tốt mà!"

Ngô Bách Tùng lại tiếp tục nói về quãng thời gian phấn đấu ở xứ người, nào là đi làm thuê, săn học bổng, sau đó xin được vào một tập đoàn lớn,... Nghe vậy nhiệt huyết tôi sôi trào, thực sự muốn nỗ lực phấn đấu để được như cậu ấy.

Vì thế tôi liền hỏi cậu ta: "Thế lần này cậu về nước là do công ty cử về à?"

Ngô Bách Tùng gật đầu: "Ừ, lúc mới về chưa quen thời tiết đồ ăn nên bị tiêu chảy ba ngày liền, đến bệnh viện thì gặp Giang Thần."

"Giang Thần nói cho cậu biết chỗ của tớ đấy hả?" Lúc này tôi mới nhớ đến khúc mắc giữa tôi và Giang Thần, bèn thêm mắm dặm muối kể lại chuyện giữa tôi và anh.

Ngô Bách Tùng thở dài: "Phải nói rằng, Giang Thần đụng phải cậu đúng là đen đủi."

Tôi vừa nghe đã nổi trận lôi đình, nhảy dựng lên định cầm cán chổi đuổi cậu ta ra khỏi nhà.

Cậu ta vững như Định Hải Thần Châm dựng trên mặt đất, bình tĩnh nói: "Cậu đã từng nghĩ đến hay không, trước đây cậu sống chết theo đuổi người ta, sau đó lại nằng nặc đòi chia tay, chia tay xong lại mong người ta xuống nước xin lỗi, xin cậu quay lại. Cậu nghĩ xem chuyện này có chấp nhận được không?"

(BT: Định Hải Thần Châm: hay còn gọi là gậy Như Ý, một vũ khí của Tôn Ngộ Không trong tác phẩm "Tây Du Kí" nổi tiếng của Ngô Thừa Ân)


Tớ nói cậu làm người không nên như vậy. Chúng ta nói chuyện với nhau, dẫu sao cậu cũng là là bạn thân của tớ, nếu có chuyện thì cậu cũng nên đứng về bên tớ mới phải chứ. Tớ làm chuyện xấu, cậu phải bao che, giấu giếm giúp tớ, thế mới là bạn bè.

Ngô Bách Tùng uống một hớp nước: "Tớ đi lâu như thế mà vẫn chưa liên lạc với cậu là vì tớ tin, dù tớ không quan tâm tới cậu thì cậu vẫn có thể sống rất tốt. Bởi Giang Thần nhất định sẽ chăm sóc cậu cẩn thận."

Tôi nói cậu đúng là người quá đáng mà, cậu vứt bỏ tình nghĩa bạn bè bao năm, nói bao chuyện cũng chỉ bênh vực tên kia, cậu nghĩ mình là bố mẹ tớ đấy à?

Ngô Bách Tùng tiếp lời: "Cậu có biết những khi bọn mình ở cùng nhau tớ luôn cảm nhận được ánh mắt của Giang Thần dõi theo không? Chỉ sợ tình cảm của cậu ta dành cho cậu cũng không kém tình cảm cậu dành cho cậu ta đâu."

Tôi nói Ngô Bách Tùng cậu đúng là không biết xấu hổ, cậu có thể dựa ánh mắt sâu thăm thẳm của Giang Thần mà đoán được tình cảm của Giang Thần dành cho tớ, ấy thế mà cậu lại không biết tớ đang tức điên vì cậu qua ánh mắt tớ hả. Tốt nhất cậu nên quay về New Zealand ngủ trên cây với Kaola đi.

Ngô Bách Tùng vẫn tiếp tục: "Cậu cảm thấy cậu với cậu ta không có khả năng, mẹ cậu ta sẽ không đồng ý. Chẳng phải cậu vẫn thích xem phim thần tượng đọc tiểu thuyết ngôn tình à, chẳng phải tình yêu đích thực luôn vượt qua tất cả sao? Tình yêu đích thực ma không vượt qua được thử thách thì sao gọi là tình yêu hả? Còn nữa, Kaola ở Australia, không phải ở New Zealand."

Tôi thấy chúng tôi có nói thêm nữa cũng không ai chịu nhường ai nên quyết định đổi chủ đề: "Thôi bỏ đi, đừng nói chuyện này nữa, chúng ta nói chuyện gì khác nghiêm túc đi."

Ngô Bách Tùng hỏi: "Chuyện nghiêm túc gì?"

Tôi đáp: "Cậu vừa mới từ nước ngoài về kiểu gì chẳng mang về một ít đồ gì đấy, cho tớ một ít đi, cho dù là túi nhựa cũng được. Tớ vô cùng sính ngoại đó."

Ngô Bách Tùng lại thở dài: "Tớ vẫn hi vọng cậu nghiêm túc tí, đừng có cáo già giả bộ nai tơ nữa. Cậu nghĩ mình vẫn là thiếu nữ mười lăm xinh đẹp chắc?"

Tôi nói cậu nói thế là sai rồi, đang nói chuyện tử tế, công kích tuổi tác của người khác sao có thể coi là anh hùng hảo hán, mười năm trước tớ cũng mới mười lăm thôi.

Cuối cùng cậu ta chốt hạ một câu: "Giang Thần nhờ tớ nói với cậu, buổi chiều cậu ấy còn có một ca phẫu thuật, buổi tối còn phải trực nên không có thời gian ăn tối, bảo cậu đến đón cậu ta."

Tôi đáp, tớ không phải là người hầu của hắn, không đón, nhất định không đón.

Quả nhiên Ngô Bách Tùng ở lì lại nhà tôi không chịu đi, thản nhiên ngồi lì ở sô pha, thoải mái chiếm cái ti vi mười năm tuổi của chủ nhà là tôi. Nói tới chất lượng sản phẩm đúng là càng ngày càng kém. Cái ti vi lỗi thời này của tôi một năm chỉ phải thay pin điều khiển hai lần, còn cái LCD bố mẹ tôi mới mua thì một tháng đã phải đổi pin điều khiển một lần. Mỗi lần gọi điện về nhà lại nghe mẹ tôi cằn nhằn cái điều khiển ti vi tinh thể lỏng kia lại hết pin rồi. Nói một hồi bà lại đổ lỗi cho bố tôi, cái ti vi đang yên đang lành tự nhiên bày đặt đổi sang màn hình tinh thể lỏng làm quái gì.

Tới giờ ăn tối, tôi thật sự không nhịn nổi nữa bèn "tươi cười" nói với Ngô Bách Tùng: "Ngô Bách Tùng, hay là cậu mời tớ ăn cơm đi, coi như tớ đón gió tẩy trần cho cậu."

Cậu ta sững người giây lát, chau mày nói: "Người đâu mà da mặt ngày càng dày."

Tôi khiêm tốn nhận lời khích lệ của cậu ta, nằng nặc, kiên trì kéo cậu ta đến nhà hàng cao cấp nhất vùng mà bình thường tôi cũng chỉ dám đứng nhìn từ xa mà thôi. Cậu ta nắm chặt cửa xe taxi, có nói gì cũng không chịu xuống xe; cậu ta nói vừa nhìn đã biết thực phẩm của nhà hàng này đều là nhập từ nước ngoài về, cậu muốn cho Giang Thần nhà cậu tẩm bổ cũng không thể dùng tiền của tớ tẩm bổ được, tiền của tớ đều là tiền mồ hôi nước mắt, khó khăn lắm mới kiếm được, hơn nữa bố tớ cũng phá sản rồi.

Bác tài xế nhìn thấy hai bọn tôi giằng co như thế, nở nụ cười như thể cả làn da ngăm đen hòa cùng sô-cô-la ấm áp lòng người, vừa cười vừa khuyên: "Thôi thôi, vợ chồng son đừng cãi nhau thế, có gì từ từ nói chuyện. Tôi cũng không vội. Đúng là vợ chồng son nào cũng như thế."

Với những ông chú lái xe tự cho mình có thể ghép cặp trai gái là đúng kiểu này, tôi không còn gì để nói. Mà nói ra cũng không đúng, chẳng phải chỉ ông chú lái xe, mà mấy cô bán hàng ngoài chợ, hay chị lao công ngoài đường, cứ thấy trai gái giằng co kiểu này lại ghép đôi ghép cặp lung tung, bất chấp quan hệ hay tuổi tác mà logic ghép đôi này tương đương bại hoại đạo đức. Tôi nhớ năm đó hai bố con tôi đi mua giày ở một cửa hàng, cô nhân viên bán hàng khen đôi giày da tôi chọn cho bố tôi thế này: "Chị đúng là có mắt nhìn, đôi giày này quá hợp với bạn trai chị...."

Chúng tôi tranh cãi mãi cuối cùng quyết định tới một nhà hàng giá cả phải chăng... Không hiểu sao đột nhiên tôi rất muốn ăn ở nhà hàng ngay sát bệnh viện. Tôi đoán biết đâu đấy sẽ có bất ngờ xảy ra...

_________________