Giông tố

Chương 29

Bốn nghìn người!

Phải, dễ đến tất cả bốn nghìn người, già và trẻ lớn và bé, nam và phụ. Những người quanh vùng thì từ nhà ra đi từ lúc mờ mờ sáng còn những kẻ ở xa nữa, phải đi từ đêm hôm qua. Cái tin cụ Nghị phát chẩn một lần nữa cho dân, từ miệng người này sang người kia, chỉ trong ba hôm đã lan ra khắp tỉnh.

Sáng sớm hôm ấy, trông vào cái đê dốc trước ấp Tiểu Vạn trường thành, ai cũng phải tưởng là một ngày đại hội, hoặc đó là dân đi hộ đê. Trên một quãng dài một cây số, đen kịt những người là người. Cách hai trăm thước một lại có một cột cờ, vì ngày hôm ấy còn có một buổi lễ gắn huy chương rất trọng thể.

Giờ phát chẩn đã nhất định là 8 giờ sáng, nhưng theo lệnh của quan sở tại, một toán lính khố xanh đã phải đến giữ trật tự từ lúc mặt trời mới lên. Dân lĩnh chẩn phải đợi tại một chỗ, để sẽ lần lượt đến trước cửa ấy lĩnh gạo và tiền, rồi giải tán bằng nẻo dốc bên kia. Trong khi chờ đợi, họ nằm ngồi hỗn độn, cãi nhau chửi nhau, đánh đanh, ỉa đái tung tóe cả ra quanh đấy, và để cho lính đánh đập. Bọn có máu mặt mà đi lĩnh chẩn thì cũng đem những bộ quần áo rách ra mặc y như đám cùng dân vô sản, còn bọn vô sản mà bẩn thỉu rách rưới, cái đó đã cố nhiên đi rồi.

Trông vào đám người vô nghĩa lý ấy, người ngu nhất đời cũng hiểu rõ cái trình độ sinh hoạt của dân quê. Thốt nhiên người ta muốn kêu một tiếng cho dài hoặc muốn cả miệng chửi rủa những cái danh từ điêu trá như: văn minh, thái bình, tiến bộ..., cảnh tượng ấy đủ tiêu biểu cho hết thảy mọi sự thống khổ của loài người.

Nào là những ông già, bà già đầu đã trắng xóa như tuyết lụ khụ vừa còng lưng chống gậy vừa lần từng bước để mà lo khạc, quần áo thì bươm như xơ nhộng, nón thì nở hoa như nón bù nhìn, hoặc chột, hoặc què, hoặc tong manh dở, hoặc mù tịt cả hai mắt, có vẻ lừ khừ như nhọc mệt cuộc đời lắm rồi, mà đi 20 cây số để lấy rá gạo và một cái hào chỉ, thì dẻo dai gân cốt lắm. Nó là những đàn bà gầy còm, bẩn thỉu, vì khoai, củ chuối, mưa nắng, những cảnh bùn lầy nước đọng, vì đẻ như lợn sề, lưng cõng tay dắt những đứa trẻ xanh xao, toét mắt, bụng ỏng vì giun sán, đi cạnh những ông chồng ngực lép đét lại vi trùng ho lao, mặt mũi hốc hác vì sưu thuế, nạ tổng lý, nạn hối lộ, nạn trộm cướp, nạn bã rượu lậu... Cái đám hàng nghìn người mà ai cũng là bất thành nhân dụng ấy, lôi thôi lốc thốc kéo nhau đến đấy đã từ bao giờ không biết, để tranh giành cướp bóc của nhau những cái thúng mủng, rổ rá, tay nải rồi chửi bới nhau vì thế. Bọn lính giữ trật tự được một dịp roi vọt sướng tay.

Ngay trước cổng chính Tiểu Vạn trường thành người ta đã kê bục với bàn cao như để cho ai sắp đăng đàn diễn thuyết. Một đống lù lù những bao gạo chất thành một cái núi nhỏ. Ba cái hòm lớn những tiền trinh và xu đồng, buộc lại thành từng hào một - một nghìn rưởi bạc bằng tiền lẻ vậy. Người ta đồn rằng những kẻ được ông Nghị giao phó cho việc buộc tiền, cứ bớt xén mỗi hào độ nửa xu hay một vài trinh Bảo Đại, cũng đủ phát tài to. Trên một chục gia nhân của ông Nghị đã họp nhau trên bục, sửa soạn việc phát chẩn.

Đúng 8 giờ, cuộc phát chẩn mở đầu bằng những cái roi vọt của lính, những tiếng kêu khóc của dân. Là vì ai cũng muốn chen chân lĩnh trước, thành ra xô đẩy nhau, hỗn độn lạ thường. Viên quan đồn trước đã quát mắng không cho lính đánh đập mà sau lại phải ra lệnh cứ đánh, nếu không e sẽ loạn mất.

Đến hai giờ chiều, số người lĩnh chẩn còn độ vài ba trăm, thì phường nhạc binh với những bộ kèn đồng choáng lộn bước đến tề tựu trong sân ấp, lúc này, đã có thể môn bằng lá dừa, có treo đèn kết hoa, có hai bàn hương án mà những đồ vàng son trông thật uy nghi rực rỡ. Những lá cờ tam tài và cờ hai bên vàng giữa đỏ, hớn hở bay lượn trước gió như biểu lộ sự mừng vui.

Đám dân nghèo đã ra về gần hết, song cũng vẫn để lại tại dốc đê độ vài vạn con ruồi và nhặng xanh bay vo vo trong uế khí... Rồi mấy chục chiếc xe hơi hòm trong có đủ mặt các quan chức hàng tỉnh và các vị thân hào, cứ xuyên qua cái đám sương mù ruồi nhặng ấy lên đỗ trước cửa “thành” để dự lễ gắn huy chương.

Thoạt đầu, lúc mới xuống xe, quan công sứ, vận lễ phục và đeo gươm trông như quan binh, còn đứng lại chỗ bục cao xem dân lĩnh chẩn. Ngài có vẻ rất hài lòng...

Ba bốn cái máy ảnh của phái viên các báo xông đến trước mặt ngài rồi mới trõ ống kính xuống đám cùng dân, thành thử bọn người lĩnh chẩn sau cùng lại được may, vì có mặt quan trên, lính không dám đánh, và vì tiền thừa, gạo cũng thừa, họ được lĩnh gấp đôi, gấp ba những kẻ lĩnh trước.

Khi quan công sứ tiến vào sân Tiểu Vạn trường thành thì, một tiếng hô, một dẫy lính bồng súng đánh hích một cái để cho dẫy lính Kèn đứng đối diện cử bài Lamarseillaise 1. Các quan chức đi theo quan đầu tỉnh cũng đừng chân ngả mũ chào bài quốc ca như ngài. Ông nghị Tạ Đình Hách, bảnh bao trong áo gấm, ngực cũng đã lơ thơ điểm huy chương rồi, khúm núm vái một cái dài, bắt tay quan sứ và các quan... Bài quốc ca cử xong các quan chức khác đứng lui về sau quan đầu tỉnh để ngài đọc chúc từ. Cách năm bước, trước mặt. Nghị Hách lúc đó đứng chắp tay cúi đầu nghe, kính cẩn và ngoan ngoãn.

Quan công sứ nói đại khái rằng ngài rất vui lòng được đại diện chính phủ Bảo hộ, chính phủ Nam triều gắn huy chương cho một người công dân rất xứng đáng ở tỉnh ngài trọng nhận. Vì ông Nghị, Tạ Đình Hách là một bậc doanh nghiệp hiển hách ít có, mà lòng nhân từ bác ái thì lại đáng treo gương cho dân bảo hộ soi chung... Rồi ngài cài một chiếc long bội tinh vào ngực nhà triệu phú, lại hôn hai chiếc vào hai bên má nhà triệu phú theo như nghi lễ. Tạ Đình Hách, cảm động hết sức, lắp bắp mấy câu cảm tạ, rồi thì một chàng pháo dài nổ ran lên... Về sau, quan sứ chạy lại nói mấy câu với các quan chức cùng các vị thân hào, vì một bài kèn tiễn nổi lên, quan sứ ra lên xe hơi, về phủ. Các quan chức xúm nhau lại chúc mừng ông Nghị rồi cùng dần dần kéo nhau ra về. Lệ gắn huy chương thế là cử hành xong.

Buổi tối hôm ấy, gian phòng rộng rãi thênh thang, ở tòa nhà chính trong Tiểu Vạn trường thành, đã biến ra một nơi như thị sảnh bên Âu châu để đón tiếp các sứ thần vậy. Tiệc bày trên những bàn phủ vải thêu xếp thành hình một, cái móng lừa. Những chậu hoa khổng lồ ở các góc phòng, những lọ hoa đồ sộ trên bàn tiệc, bốn cây đèn nến mỗi cây có 100 ngọn bạch lạp, làm cho quan khách phải tưởng mình đến dự một bữa tiệc của một bậc vương giả, vào thời trung cổ, bên tây phương. Đồ dùng thì toàn bằng bạc, vàng, ngà, pha lê bồi hầu bàn thì mượn của các khách sạn lớn ở Hà Nội.

Potage aux Pâles d Italie

Poisson à la Mussolini

Pain Printanier sauce Béchamel

Oise rôties

Pommes soufflees

Bombes glacées

Fruits

Café

Cái thực đơn in vào giấy Nhật Bản nổi hình rồng ấy, các quan khách xem qua cũng đã đủ thấy ngon. Các quan chức Pháp thì có quan phó sứ cùng phu nhân, ông kỹ sư công trình, ông thanh tra kiểm lâm cùng phu nhân, ông xếp đạc điền, một ông đại tá cùng phu nhân, ông thanh tra học chính, ông chánh đoan cùng phu nhân, vân vân... Các quan chức Nam thì có quan tổng đốc cùng phu nhân, quan bố chánh cùng lệnh ái, quan án sát, quan kiểm học cùng phu nhân và lệnh ái quan huyện sở tại cùng phu nhân và lệnh ái... Ngoài ra, có ba tay phái viên các báo, trong số đó có ông chủ báo “Lưỡng kỳ”, và cả ông phóng viên ở huyện Cúc Lâm của báo ấy, vài ba ông đại phú cũng Bắc Kỳ nhân dân đại biểu và hai bà sơ coi hội Bảo anh ở Hà Nội. Nói tóm lại thì đó là cả cái xã hội thượng lưu, trí thức, trưởng giả, quí phái vân vân... Người ta xì xào những là quan chánh sứ cáo bệnh thì đã có quan phó sứ thay mặt, với lại hai bà sơ thì không hiểu có liên lạc với chủ nhân ra làm sao...

Ở bên cạnh gian phòng ăn lúc ấy có đủ cả bà Nghị, Tú Anh, Long, Tuyết, Loan, ông già Hải Vân, cũng lên ăn khao nhưng lúc ấy thì trông nom sai bảo người nhà về bàn tiệc, xem các quý khách chè chén. Theo lời phán của nghị Hách, Long phải bỏ bộ âu phục đắt tiền chàng vẫn thường dùng và mặc cái áo vải thâm dài, cái quần ta, đôi giầy da lộn đanh tre, cái khăn lượt ta, Long ngồi ủ rũ và Tuyết cũng ủ rũ như Long vì ít lâu nay không hiểu bởi lẽ gì, Tuyết thấy vị hôn phu ra chiều lãnh đạm.

Đến chín giờ đêm, tiệc mới tàn tàn. Các quan khách đã bắt đầu cười to. Nhiều ông quên rằng ngực mình đã điểm huy chương quên cả rằng dự tiệc có cả phụ nữ Nam và Pháp.

Đến lúc đem đồ nước và hoa quả ra thì quan phó sứ đứng lên. Những người khác cũng đứng lên. Quan phó sứ ôn tồn nói đại khái rằng ngài rất hân hạnh được thay mặt quan chánh sứ để khen ngợi ông nghị Hách, để cảm tạ bữa tiệc, và chúc mừng ông nghị Hách cùng gia quyến được khang ninh. Ngài nâng cốc sâm banh lên thì cả bàn tiệc cũng nâng cốc họa theo lời chúc tụng. Nghị Hách dỏ mặt vì cảm động, cũng đáp lại mấy câu rất văn chương. Quan phó sứ lại nói thêm rằng xin lấy tư cách cá nhân mà nói trước cho ông nghị biết rằng quan chánh sứ đã có nói với ngài là quan chánh sứ, trong một buổi hầu với quan thủ hiến Bắc Kỳ, thầy quan thủ hiến nhắc nhỏm đến ông dân biểu Tạ Đình Hách luôn, và kêu đã có thảo giấy gửi sang Pháp đình xin quan tổng trưởng thuộc địa ban huy chương loại Bắc đẩu cho ông Hách nữa.

Giữa lúc ấy, một tiếng nổ bùng, một làn ánh sáng dữ dội lóe ra như một luồng chớp nhoáng, rồi lại một góc phòng, khói bốc um lên. Trong đám các quan khách ai không quen đều phải bàng hoàng nhìn... ấy là một phái viên, đốt magnêsium chụp ảnh để đăng lên một tờ nhật báo ở Hà Nội.

Rồi đến quan tổng đốc thay mặt quan lại hàng tỉnh chúc mừng chủ nhân. Sau cùng đến lượt nghị Hách có lời cảm tạ quan khách. Đối với quý quan người Pháp, nhà triệu phú nhìn vào một mảnh giấy như đọc diễn văn... Đến lúc nói với quý quan người đồng bào thì nghị Hách nói một cách hùng hồn không ngờ.

“Thưa các bà.

“Thưa các cô.

“Thư các ngài.

“Sự cảm động của tôi, làm cho tôi không biết tìm lời lẽ gì cho văn hoa để cảm tạ tấm thịch tình của các bà, các cô, các ngài, đã để thời giờ lại tệ xá chúc mừng cho tôi. Sự khen ngợi của hai chính phủ, và của các quý khách đây là rất cần cho tôi, cho đường tiến thủ của tôi, không phải tiến thủ về mặt doanh nghiệp mà thôi, nhưng mà là về mặt luân lý, đạo đức, nghĩa là về những điều cần phải làm cho những người nào có học cái đạo làm người hữu ích, làm người quân tử vậy.

“Tôi vốn xuất thân hàn vi, vâng chính thế, và tôi lại là dòng dõi bình dân, mà cái điều ấy làm cho tôi tự kiêu lắm. Tôi xuất thân làm thuyền thợ may mới được thế này. Cái thành kiến hủ bại của xã hội mình buộc rằng ai cũng phải là con dòng cháu dõi thì mới đáng hưởng thụ phú quý, chứ không bao giờ lại công nhận những công lao của những người tay trắng làm nên. Do thế, có một số người trong xã hội vẫn phao ngôn vu cho tôi đủ mọi sự gian ác dâm tà... Họ rêu rao khi tôi mộ phu buôn ngô, rằng tôi đã lường gạt thiên hạ. Sự thật đâu có thế! Tôi giàu có từ trước khi Tân Đảo gọi nhân công và nước Hoa Lan cần đong ngô. Âu cũng là cái lòng đố kỵ thường tình của thiên hạ. Tôi là người thiện ác thế nào, riêng có lương tâm tôi biết. Những việc tôi đã làm, và sẽ làm mai kia đây, sẽ cải chính những lời vu cáo kia! Chao ôi! Dư luận! Ác hại thay là dư luận của một xã hội bán khai, của một dân tộc còn ấu trĩ...

“Tôi muốn đem tài trí ra làm việc công ích nên tôi tranh cử nghị viện. Họ cho tôi là hiếu danh! Tôi muốn tranh cử ghế nghị trưởng để làm việc ích lợi hơn cho đồng bào, họ công kích tôi là tham lam, và vô lương tâm, và còn gì nữa? Tôi thấy đồng bào lầm than đau khổ tôi phát chẩn, cũng lại có một tờ báo tiếng Pháp kia kêu tôi là nịnh dân, là hoặc dân là buôn dân.

“Dư luận áp chế người ta đến như thế nữa thì ai biết làm thế nào?

“Thực ra, lòng tôi rất chân thành mà phát chẩn. Tôi đã đi thăm khắp các vùng quê, tôi đã thấy nạn khủng khoảng, những tai trời ách đất, hạn hán, hạn sâu cắn hại mùa màng... Tôi đã thấy dân quê đào củ chuối mà ăn, giết nhau vì một vài đồng xu, một người cha bán một đứa con lên ba tuổi lấy tám hào để đóng thuế và để con không đến nỗi chết đói... Tôi đã thấy những cảnh lầm than, những cảnh ai oán, những cảnh não lòng! Tôi... tôi cũng là người, tôi không thể... không thể... không sao...”.

Đến đây, nghị Hách nghẹn ngào, hậm hực, tay đưa lên giữ cổ, không nói được nữa. Mấy tay phóng viên vội lấy sổ tay và bút máy ra bàn, dùng chữ tốc ký mà ghi những câu thương nòi xót thương ấy! Cử tọa, Nam cũng như Pháp, đều một cách kính cẩn, nhịn thở mà giữ sự lặng im...

Nghị Hách để hai tay chống bàn, cúi mặt xuống. Trong óc lão hiện ra cái cảnh tượng vợ lão lõa lồ thân thể nằm ôm thằng cung văn. Lão nghĩ đến Long là con lão, đến Tú Anh là con riêng của vợ lão, đến những câu nói ghê gớm của khóa Hiền... Bất giác nước mắt lão ở đâu ứa ra lã chã...

Nghị Hách lắc đầu một cái, không lau nước mắt, ngẩng cao mặt lên. Các quan khách sụt sùi cảm động, đánh trống ngực mà nghe lão nói tiếp:

“Thật vậy, tôi thương sót đồng bào tôi quá, tôi thấy tôi không hy sinh một ít tài sản thì là có tội to! Do thế có hai buổi phát chẩn vừa rồi. Do thế mà tờ báo xưa nay vẫn hô đòi kiểm soát nước mắm để định chiếm độc quyền, cứ công kích tôi là buôn dân, là làm cộng sản, là ăn tiền của nước Nga! Ha ha ha!...

Nghị Hách thở dài, cười nhạt rất to, lại nói:

“Nhưng tôi bỏ mặc ngoài tai dư luận. Tôi đã có lương tâm tôi xét xử tôi. Đẻ ra là bình dân, tôi xin gửi lòng trung thành với bình dân cho đến chết!”

Rồi ngừng hẳn. Các quan khách vỗ tay kêu ran, Nghị Hách quay lại, ra hiệu cho tên người nhà sau lưng mình.

Long sợ sệt bước vào, đến đứng gần Nghị Hách.

Hai bà sơ chạy đến vuốt ve Long. Nghị Hách lại nói:

“Thiếu niên này là một kẻ mà hội Bảo anh gây dựng nên. Hạng thiếu niên vô thừa nhận như thế này thường là con của hạng cùng dân nghèo khổ, cái kết quả của nạn hoang thai, của nạn mãi dâm, nghĩa là của những vết thương của một xã hội tổ chức chưa được hoàn hảo! Hạng này là máu mủ những nhà cùng đinh, những kẻ bần dân! những kẻ... cái giai cấp trong đó có tôi, phải, trong đó có tôi!... Đối với hạng dân nghèo, tôi muốn có một cử chỉ đặc biệt.

“Cử chỉ của tôi sẽ có giá trị của một cái biểu tượng! Muốn tỏ lòng căm hờn cái xã hội trưởng giả ích kỷ, cái chế độ cũ, thưa các bà, thưa các cô, tôi đã nhất định gả con gái lớn nhất của tôi cho thiếu niên này!...”

Cử tọa kinh hoàng lên vì ngạc nhiên, vì sợ sệt. Hai bà sờ cảm tạ nghị Hách mãi không thôi. Nghị Hách lại nói:

“Vâng chính thế. Tôi chỉ muốn kết liên, chỉ muốn làm thông gia với các giai cấp hạ lưu, nghĩa là bọn người khổ sở xấu số. Và, muốn tỏ rõ chứng cớ hơn nữa, tôi xin quyên cho hội Bảo anh một số tiền mọn là một nghìn đồng!”.

Nói xong, nghị Hách lấy ngân phiếu ra biên luôn rồi đưa ngay cho hai bà sờ. Hai bà này láu táu cảm tạ nghị Hách trước công chúng, sướng đến rơi lệ.

Nghị Hách lại quay lại ra hiệu cho một tên người nhà thì Tuyết, trong một bộ y phục cực kỳ choáng lộn e lệ ra mắt khách quan. Nghị Hách lôi con gái cho đến đứng gần Long quay lại đám khách khứa:

“Thưa các bà, các cô, các ngài, đây là con gái tôi. Nó không lấy chồng quan, nó không lấy trạng sư, bác sĩ. Nó lấy một người chồng nhũn nhặn, một hột máu rơi của giai cấp lao khổ, một đại biểu của bình dân, là đứa trẻ vô thừa nhận này!”

Một hồi vỗ tay nữa kêu ran lên.

Quan phó sứ lại bắt tay chúc mừng Long và Tuyết. Những người khác rầm rộ đẩy ghế đứng dậy bắt chước quan phó sứ.

--------------------------------

1 La Mácxâyedơ, quốc ca Pháp.