Khi đi ngang qua chợ Đồng Xuân, Long đã thoáng nom thấy ông đồ Uẩn ngồi vắt vẻo trên chiếc xe nhà mà Tú Anh đã tậu cho Mịch. Trông mặt ông bố vợ hụt lúc ấy có vẻ dương dương tự đắc quá, có vẻ ngạo mạn quá, đến nỗi mới cảm tưởng thứ nhất của Long đối với ông đồ chỉ là lòng khinh.
Long đã cười thầm.
Chàng chợt nhớ lời Tú Anh trong một buổi chuyện về các nhà nho, về ảnh hưởng của nho học. Cái nền học thuật ấy vẫn chế tạo ra những hạng người cực đoan hoặc hay thì hay vô cùng, hoặc dở thì cũng dở vô cùng. Cho nên cái tiết tháo của nhà nho, hoặc cái đê tiện của nhà nho đều cùng đứng về hai thái cực cả. Ông đồ Uẩn chính là hạng thuộc về cái thái cực thứ hai, bị hoàn cảnh lôi cuốn đến không giữ được nhân cách. Do thế mới có hạng nhà nho không chịu đem tài học ra phụng sự chế độ mới, cam tâm và vui lòng sống suốt đời thành bần, không phàn nàn, không hối hận, với một hạng nho thứ hai lần, đã thành thực đi theo đạo quân cần vương, cũng như đã thành thực quay về kinh thờ một ông công sứ, đến nỗi sì sụp bốn lễ, bốn vái, mà không thấy ngượng, có thể cho xích tay cả gia đình bạn đồng chí cũ đã cứu mình thoát chết, để tâng công mà không chút hối hận mảy may... Người cao khiết quá, giữ tiết tháo một cách nghiệt ngã quá, thì thành ra gàn dở, vô dụng cho đời, mà người trung dung quá thiên về chủ nghĩa gia đình quá, thì thường vì bốn chữ vinh thân phì gia mà mất hết lương tâm.
Càng nghĩ đến những lời nhận xét của Tú Anh, Long càng thấy đúng, mà đã càng thấy đúng, Long càng ngán ngẩm cho sự đời. Chao ôi! Ông đồ Uẩn! Một người xưa kia như thế mà bây giờ như thế! Hay là tại ông đồ chưa phải hẳn người đã thấm nhuần đạo nho? Hay tại đạo nho chỉ kết quả nên hạng người như thế? Hay bởi lẽ mặc lòng được tiếng nhà nho, ông đồ Uẩn cũng vẫn vô học như thường? Phải đâu, ừ phải đâu mới là một thày đồ có một dúm chữ ê a dạy lũ trẻ ranh mà đã là có học! Vả chăng cái số thầy đồ vô học mà tự phụ vẫn nhan nhản trong xã hội... Nếu đúng thế Long đã nhầm, đã nhầm một cách khốn khổ, đã sung sướng một cách vô nghĩa lý, khi chàng hỏi được Mịch mà chàng tự đắc là sẽ được làm rể một bậc thượng lưu học thức, một người thanh bần nhưng có một tầm hồn vững chãi, có một căn bản tinh thần - một nơi dòng dõi thế gia.
Những ý nghĩ ấy dắt Long đến việc muốn giải phẫu cái tâm hồn khó hiểu của Mịch. Sự thay đổi tâm tình của Mịch khiến Long phải ngạc nhiên một cách kinh khủng mãi cho đến bây giờ, Mịch đã đi từ một cô thôn nữ ngây thơ, hiền lành, chất phác, đến một thiếu phụ gian dâm, lãng mạn, xảo quyệt, đáng sợ. Mỗi khi đem cái cảnh Mịch còn là cô gái quê lúi húi vớt bèo, mà so với cảnh Mịch đã là vợ lẽ một anh trọc phú, quần là áo lượt bệ vệ ngồi trên cái sập gụ khảm, mà cất cao giọng đài các xỉ vả đầy tớ, thì Long không biết rằng cuộc đời có còn là cuộc đời không, hay là Long đã ngủ mê... Mỗi khi nhớ lại cái cảnh Mịch vừa tự tử hụt xong mà khóc sướt mướt với Long trong nhà thương, rồi đem cảnh ấy ra so với trận cuồng dâm mà Long đã bị Mịch lôi kéo vào, thì Long lại phải lẩm bẩm một cách kinh hoàng: Thật là không thể tưởng tượng được! Trong cái thời gian chưa đầy nửa năm! Những nguyên nhân nào đã thay đổi lòng người đến thế?
Sau cùng, Long tìm ra được cái bả vật chất. Thật vậy, sự phù hoa giả dối của một xã hội chỉ trọng những cái bề ngoài, một nền luân lý ích kỷ, sự tín ngưỡng thế lực hoàng kim, cuộc cạnh tranh dữ dội đến hình thức đã làm hại tâm thuật người đời. Do thế, lúc người ta bần thì người ta còn thanh, và đã nên phú rồi, nhiều khi người ta hóa ra trọc.
Thế rồi ngẫu nhiên Long nghĩ ngay đến mình. Nào phải tìm ai để mà kinh ngạc nữa, Long cứ việc đem ngay Long ra đã thừa đủ! Thì Long cũng thay đổi một cách đáng sợ, cũng chỉ trong vòng nửa năm nay mà thôi. Từ một anh hàn sĩ đầy lòng thương đời, ghét cay ghét độc những cái xa hoa vật chất, và căm hờn sự vô tình của bọn trưởng giả đối với nòi giống, Long đã trở nên một kẻ hư hỏng, có tư cách con nhà phá của, đem tuổi thanh xuân ra miệt mài những nơi ca lâu tửu quán, và, quá nữa, lại đi thông dâm với vợ người! Cái tâm hồn trong sạch, cái chí khí cao cả, những tư tưởng hy sinh cho nòi giống đã đâu mất cả! Ngày nay, Long cũng đã hóa ra người ích kỷ, khốn nạn, người thuộc vào cái hạng mà chính Long đã rất khinh bỉ xưa kia! Mà vì lẽ gì, nào Long có hiểu... Long thấy mình không có điều gì trái đạo cả. Đời đã làm cho chàng đến nỗi thế. Danh từ của việc nghe đáng sợ lắm, tuy những việc của Long hình như là cố nhiên sẽ phải xảy. Long hình như không phải chịu trách nhiệm những cử chỉ mình Long đã bị hoàn toàn sai khiến.
Những phút nghĩ ngợi như thế là những phút mà cái linh trí bất thần đến với Long để giúp chàng suy mình ra mọi người, để định lấy một phương châm xử thế. Long thấy ông đồ, Mịch và Long, chỉ là bọn người đáng thương hại mà thôi. Hầu như trong đời vẫn có một sức mạnh huyền bí gì đó, vẫn cầm quyền cuộc đời đến nỗi không còn ai lại tự nhủ nữa. Có một tâm hồn vững chãi... mấy ai mà có được? Mấy ai là chòng chọi nổi với hoàn cảnh?
Long lại nhớ đến lời khuyên của Tú Anh... “Người đời không ai đáng yêu, không ai đáng trọng, không ai đáng khinh, vì ai cũng có điều thiện và điều ác, trong lòng người nào cũng có một thần thiện và một thần ác”.
Quan niệm của Tú Anh là coi thường sự đời, là sự thản nhiên với những việc có hại cho mình, là sự thận trọng những điều lợi hại cho người ta. Lối xử thế của Tú Anh chỉ có chịu thiệt mà không hề cầu lợi. Có lẽ vì chỉ muốn cứu vớt cả một đời Mịch, chỉ muốn gây dựng lại cái gia đình ông đồ, và chỉ muốn Long sẽ vui duyên mới mà quên hận cũ, chỉ muốn nhân sự đầy đủ vật chất, Long có thể luyện tập cái tinh thần cho vững chãi thêm lên, cho nên Tú Anh đã phải ép lòng nói dối cả Long lẫn Mịch, để cho cả hai bên hiểu nhầm nhau mà đoạn tuyệt nhau... Trong hành vi ấy, có kiến thiết mà không có phá hoại. Phải, phải, Tú Anh gả em gái cho mình thì nào có lợi lộc gì đâu? Mịch về làm vợ bé nghị Hách thì có lợi lộc gì cho Tú Anh đâu?
Nghĩ đi nghĩ lại cho cùng, Long chỉ thấy Tú Anh là một người ngồi trên đống vàng đống bạc mà không hề bị ánh sáng hoàng kim chiếu lóa mắt, đương đuổi thanh xuân mà thản nhiên được trước ái tình, một người học thức cao, nhân phẩm cao, một người hữu ích rất hiếm có vậy, Long bất giác hối hận vì đã phản chắc Tú Anh, Long nguyện sẽ không bao giờ dám ngờ vực lòng tử tế của ân nhân mình nữa. Long quyết sẽ không cùng Mịch lừa dối nghị Hách và phụ lòng tin cậy của Tú Anh nữa. Và, muốn thế được, Long phải cấm mình không được thậm thọt nhà Mịch nữa.
Còn đương nghĩ ngợi liên miên như thế thì Long đã đến Quán Thánh từ lúc nào không biết. Chỉ còn độ mươi bước nữa là đến nhà Mịch. Long tự hỏi: “Ta đã biết nghĩ như thế thì ta còn đến đây làm gì?” Tuy nghĩ thế chàng vẫn bước chân đi... Long đi qua nhà Mịch mà cứ đi mãi, Long không biết nên quyết thế nào... Rồi nhân cái sự trù trừ của mình, Long càng thấy Tú Anh là người hiểu đời một cách âu xa, sau khi đã nói đến những câu: “Loài người không ai ác không ai tồi, không ai đê tiện, không ai phụ bạc cả. Loài người chỉ là một lũ ngu dốt không biết phân biệt điều hay, điều dở, không biết ăn ở sao cho phải, luôn luôn bất cập, luôn luôn thái quá; loài người chỉ là một lũ nhầm lẫn đáng thương! Do thế mới có câu: than ôi, không ai bản thân vốn ác, vậy mà người ta đã gây ra cho nhau biết bao nhiêu thảm kịch ở đời!”
Long quay bước trở lại. Chàng tự giao hẹn: “Ta vào lần này là lần cuối cùng”. Rồi bấm chuông.
Đứa đầy tớ chạy ra mở cửa thì Long chững chạc đường hoàng vào ngồi đợi ở phòng khách. Một lát Mịch ngó đầu nhìn ra... Thấy khách là Long, Mịch cứ áo ngắn quần trong, ra ngồi tiếp chuyện. Tuy vậy, Mịch cũng che mắt thế gian bằng cách dõng dạc sai đứa con đỏ:
- Pha nước và lấy gói thuốc lá ra đây, mày!
Rồi Mịch hỏi vờ Long trước mặt con sen:
- Này, anh Tú sao mà lại không đến thế?
- Thưa dì, anh tôi còn bận dạy học, có lẽ chốc nữa mới đến được.
- Tôi nóng gặp anh ấy để hỏi xem muốn chữa cái xe thì mất độ bao nhiêu tiền...
- Thưa dì, xe mới tậu mà đã phải chữa?
- Ừ, vì ngồi xóc lắm, cái đệm phải thay, díp xe cũng phải thay.
- Bẩm hình như cụ nhà có ra chơi?
Đứa ở, sau khi pha nước và để gói thuốc ở bàn lui vào nhà trong, chẳng ngờ vực gì cả. Nó thấy Long đến lần này đã là lần thứ ba... Nghe những câu như thế nó cho Long là họ hàng gì đó. Sau khi nó vào rồi, chủ nói mới lả lơi cười cợt với Long mà rằng:
- Gớm, mất mặt! Độ này có gì lạ không?
Long lắc đầu, khẽ đáp:
- Còn có cái gì lạ được nữa.
- Tôi thấy anh như độ này chơi bời lắm, không nên thế, anh ạ.
- Nói bậy!
- À, thế câu chuyện ông già bí mật bây giờ ra sao?
- Từ độ ấy không gặp đâu nữa!
- Anh có đi tìm ông già ấy không?
- Biết người ta ở đâu mà tìm?
- Lạ lắm nhỉ?
- Thật thế, lạ lắm.
- Anh có tin được lời của ông già kỳ quái ấy không?
- Bảo tin thì tin sao được một người lạ mặt, kỳ quái, khó hiểu như thế? Mà không tin hẳn, cũng không xong, ấy thế mới khổ chứ!
Mịch thần mặt ra hồi lâu rồi tiếp:
- Sao cái ông lão ấy lại biết cô Tuyết? Sao lại biết rõ cậu Tú Anh có nhờ cậy anh giúp hộ một điều gì?
Long nhăn mặt nghĩ ngợi mãi mới nói:
- Chính tôi, tôi cũng đương sự hỏi sao ở đời này, lại có một người thứ hai nữa biết rõ cả những việc bí mật của tôi như thế? Nhất là chỗ tôi bồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ là điều mà đến Mịch cũng không biết được. Đã thế, làm thế nào để không tin hẳn ông già ấy? Cho nên hiện giờ tôi đương phân vân lắm. Lúc tôi phải nghĩ đến ông già thì tôi lại khổ sở vô cùng. Tôi lại còn có ý nghĩ này nữa là dễ thường ông già ấy chẳng qua chỉ là một người nào đó, không muốn cho tôi lấy được Tuyết, muốn cho tôi từ hôn, từ hôn đi! Nghĩa là ông già chỉ là tay sai của một gia đình nào muốn làm thông gia với nghị Hách, hoặc của một anh chàng nào say mê con Tuyết, đến bịa đặt ra câu chuyện tôi còn có bố mẹ giàu có, có thể làm cho tôi gặp bố mẹ tôi được, có thể cho tôi phải theo cái điều kiện trái ước với Tú Anh đi thì là người ta thành công trong sự rẽ duyên chúng tôi. Thế cũng nên.
Mịch hấp tấp:
- Ừ, có lẽ mà thế đấy, điều ấy có lý lắm.
- Nếu không thế, thì ắt là tôi còn bố mẹ giàu thật.
- Hay là...
- Làm sao?
- Hay là chính ông già ấy là...
- Mịch muốn nói là bố tôi, có phải không?
- Vâng.
- Ấy, cũng có khi tôi đoán như vậy!
- Đoán thế không phải là không có lý đâu.
Long thở dài một cách nhọc mệt:
- Thôi thôi thôi! Nghĩ thế nào cũng là có lý cả! Càng nghĩ lắm chỉ càng nát óc, âu là chẳng việc cóc gì mà nghĩ ngợi cả lại xong. Mặc quách sự đời muốn ra sao thì ra, nghĩ cũng vô ích!
Nói xong, Long chạy đến chỗ Mịch, hôn Mịch một cái vào trán, Mịch hỏi:
- Mình có nói cho Tú Anh biết rõ câu chuyện quái lại ấy không?
Long đáp:
- Anh ấy chỉ bảo tôi đừng để ý đến việc ấy, vì ông già ấy, có lẽ chẳng qua là một người nào đó biết gièm pha một cách quỉ quyệt đó mà thôi. Giời ơi! Sao mà tôi khổ thế này! Một năm nay, bao nhiêu là sự xảy ra, bao nhiêu là điều phải nghĩ ngợi!
Long quay về ngồi chỗ cũ, hồi lâu lại cười nhạt mà rằng:
- Chỉ có Mịch là sung sướng!
Mịch cau mày, giận giỗi nói:
- Anh đừng nên nói thế mà mất cả lòng tử tế của đôi ta với nhau. Nếu anh cho là tôi sướng, thì tôi cũng có thể buộc anh là sướng được.
- Chúng mình đã ăn ở với nhau đến thế này thì đừng nên nói đến sự tử tế với nhau nữa.
- Sao?
- Chúng ta đã trót hiểu nhầm nhau...
- Không những chỉ có thế mà thôi, anh ạ.
- Phải, hơn nữa, ta phụ nhau một cách rõ rệt, cả hai bên cùng phụ lẫn nhau...
- Anh muốn nói gì thế?
- Tôi muốn nói thẳng ngay rằng đã xử với nhau đến như chúng ta rồi, thì thế là hết phương cứu chữa, thì thà rằng cắt đứt những mối tơ vương đi, vì tử tế đãi hậu là vô bổ.
Mịch hỏi như mỉa mai:
- Thế à?
Long tiếp theo một cách hằn học:
- Thật đấy, Mịch ạ, thật thế đấy! Tôi đã bắt đầu thấy rằng cái cuộc ái ân vụng trộm này đã hạ tôi vào hạng những kẻ thất phu, vô học, những kẻ mất nhân cách, những kẻ vô lương tâm!
Mịch cúi đầu hổ thẹn một lúc lâu. Thói thường vào trường hợp như thế, bao giờ người ta cũng phải hãy hổ thẹn đã. Về sau cái tính tình ấy mới bị lòng tự ái đổi ra là sự căm tức. Trong năm phút, Mịch đã tìm thấy đủ mọi nghĩa lý để mà căm Long. Mịch thấy rằng Long xưa kia đã cố chí phụ mình, thì ngày nay mới không muốn theo đuổi cuộc trả thù nghị Hách nữa, mới sợ hãi, muốn giữ gìn... Hai nữa, nói thế, có can đảm nói thế, nghĩa là hết yêu.
Mịch cười gằn:
- Tôi nghĩ thì lại trái hẳn. Tôi chỉ thấy trả thù được thì là sướng.
Long phân trần:
- Mịch ơi! Mịch! Em nên nghĩ lại một chút, Mịch phải biết nghĩ mới được. Còn danh giáo gia đình, còn công cha nghĩa mẹ, những sự ấy không nên mỗi chốc mà hy sinh hết đi. Vả lại, dẫu trả thù được đi nữa, thì nào có ích gì? Chúng ta kỳ chung vẫn khổ như trước. Nếu cứ thế này mãi, sợ rồi chỉ hại một đời Mịch mà thôi.
Không hiểu rõ bụng Long lúc ấy là thực thà, Mịch cho đó là sự giả dối, là sự xảo quyệt. Mịch cho là Long đã đem dùng sự đạo đức và sự cần thủ hiếu của Mịch để lôi cái lòng yêu về cho dễ. Ngẫu nhiên Mịch nhớ lại tất cả mọi chuyện cũ và ngờ vực ngay rằng chính Long đã phụ Mịch một cách hoàn toàn đầy đủ, và đã phải giả vờ hờn giận để buộc tội Mịch, thì là Long đã gỡ được những tội phụ bạc của Long! Mịch giận ứa nước mắt, khóc mà nói:
- Dù sao đi nữa thì cái đời tôi cũng đã bị hại rồi!
- Ừ, và đó không phải là một lẽ để làm hại nó thêm nữa.
- Tôi đã bị hại một đời, ngay từ khi anh về mà anh gắt mắng xỉ vả tôi rồi!
Rồi Mịch nức nở khóc to hơn trước, không lo rằng đứa ở có thể biết được. Long thấy Mịch đáng thương hại quá, bèn đứng lên... Chàng muốn hôn Mịch để an ủi Mịch mà không dám... Ngay lúc ấy thì còi ô tô rúc lên ở ngoài cổng.
Đứa ở chưa kịp chạy ra, Tú Anh đã thoăn thoắt bước vào. Trong lúc bối rối, Mịch chỉ biết đứng ngây mặt ra. Nhanh trí khôn hơn, Long lại ngồi xuống ghế ôm đầu ủ rũ, để chờ cho Tú Anh đã bước vào phòng khách rồi, mới ngước mắt thẫn thờ nhìn lên, làm như không hề có một chút cảm động.
Tú Anh, thấy quang cảnh như thế, cũng đứng ngây ra. Chàng phải dùng đến cặp mắt của một viên chánh mật thám để nhìn thẳng vào hai mắt Mịch, để bắt nọn, cái tinh thần khó hiểu ấy, Mịch tức thì mất hết cả can đảm, để lộ sự sợ hãi, chân tay run lên, mặt tái đi. Cái tinh thần của Mịch lúc ấy đã đủ tố cáo Mịch và đủ khiến Tú Anh xo vai một cái, quay lại nhìn Long, thì Long đánh bài lảng bằng cách cứ nhìn xuống đất. Sau cùng, Tú Anh hỏi gắt Long bằng tiếng Pháp.
- Ông? Ồ, ông Long ở đây?
Long không buồn đáp, cũng không buồn nhìn lên. Tú Anh đã cáu lắm.
- Ông Long mà lại còn đến đây được à? Ô hay nói đi chứ?
Long thản nhiên cũng đáp bằng tiếng Pháp:
- Cái đó không có gì là khó hiểu.
Đến đây thì Tú Anh không thể chịu nổi nữa. Vẫn dùng tiếng Pháp, Anh nói luôn một hồi:
- Ông thử trông lại cái sự ngạo mạn, cái giọng sống sượng, cái thái độ vô lễ của ông xem? Thế ông đã hứa với tôi thế nào? Thế ông đã nói với tôi những gì? Ông nhớ lại xem! Tôi ăn ở với ông thế nào, để bây giờ ông ăn ở với tôi như thế! Ông nên hổ thẹn với lương tâm, nếu ông còn có chút điểm lương tâm!
- Tôi làm gì mà phải hổ thẹn với lương tâm?
- Thế thì ông đến đây làm gì, nếu không để nhớ lại những chuyện cũ? Ông có biết như thế là ông làm hại một người đàn bà có chồng hay không? Ông có biết như thế là lừa dối tôi, và lừa dối vợ chưa cưới của ông không? Ông không phải là người đứng đắn.
Long xua tay một cách chán nản:
- Ông im đi! Ông im đi!
Tức vì bị khinh bỉ, Tú Anh không nhịn nữa:
- Thật đấy! Ông không đứng đắn! Nếu ông không nghe theo tôi thì việc gì ông còn phải chịu trách nhiệm về sự đau khổ của ông! Tôi xin nói thẳng cho ông biết rằng cái nhân cách của ông ít lâu nay đã suy đốn lắm rồi. Tôi tin cậy ông, coi ông như chân tay, giao tủ bạc cho ông, thì ông chơi bời như một kẻ đãng tử. Bây giờ ông không còn một tí gì là người đáng kính trọng như ngày trước nữa! Ông thử tự vấn lương tâm xem! Tôi đã không muốn nói, bây giờ ông lại đến đây nữa à? Tôi đã nhầm ông, mà tôi lấy thế làm đau đớn lắm. Ông nên biết ông là người thế nào, mà tôi đây, tôi là người thế nào?
Long cầm mũ đứng lên, nói qua một cái xo vai:
- Chỉ sự im lặng là đáng kể...
Rồi ra thẳng, bỏ mặc Mịch với Tú Anh.
Mịch vẫn ngây mặt ra, vì không hiểu hai bên nói với nhau những gì. Sau khi phải nhìn theo Long một cách căm tức, Tú Anh quay lại nhìn Mịch chòng chọc...