Buổi chiều hôm ấy, Mịch ngồi ủ rũ vá lại cái áo cánh rách ở giữa sân. Lúc ấy, ông đồ đương họp việc làng ở đình. Bà đồ cũng bận rộn về việc hầu hạ các cụ ngoài ấy.
Cái áo cánh rách càng khiến cho Mịch thấm thía nghĩ đến cảnh nghèo. Mịch bồi hồi nghĩ lại bữa ấy, đêm rằm tháng giêng, giữa lúc đi bới khoai trộm mà gặp Long. Mịch rất hối hận giận mình sao đã quá thật thà đến nỗi thú thật với Long là đi ăn trộm để cho bị Long khinh. Mịch yên trí rằng từ đó trở đi, Long hết lòng khinh rẻ Mịch, và có lẽ cả gia đình nhà Mịch nữa.
Nếu không thế, sao Long lại hỏi: “Tại sao lại cầm của nó cái giấy bạc năm đồng? Một bó rạ mà lại bán những năm đồng à?”
Ngay lúc ấy, không hiểu sao Mịch lại ắng cổ ra, không nói gì được nữa. Giá có nói rõ những lời lẽ thương xót dân nghèo của nghị Hách bữa ấy, nó khiến cho Mịch tin và lập tức nhận tiền, thì Long ắt cũng chẳng chịu cho là lọt tai.
Mịch giật mình hoảng sợ khi thấy Long cũng vặn mình y như quan huyện. Mịch hối hận vô cùng, đau khổ vô cùng về cái tội dại dột, cái dại dột tưởng không can chi, mà thực ra, đã làm hại cả một đời Mịch, và hơn nữa, đã làm cho Mịch trong cảnh ngộ tình ngay lý gian, nói toàn những lời rất phạm đến lòng tự ái của Mịch. Thói thường, sau khi người ta chủ tâm phải tự mình giận mình nhiều quá, không còn biết sao nữa, thì người ta phải vô tâm mà giận đến kẻ khác, cho nó khuây khỏa sự hối hận đi. Do lẽ ấy, sức liên tưởng đưa Mịch lại cái thời gian mà Long đã có những hành vi, cử động khiếm nhã. Mịch thấy Long không hiểu cho mình, vô lý, tàn nhẫn, đáng giận! Vậy mà xưa kia, Mịch vẫn nhầm mãi Long! Thì ra chỉ vì Mịch nghèo nên mới tham tiền, nên mới mắc bẫy, nên mới bị hà hiếp nên mới bị thua kiện, nên mới chịu oan. Chỉ vì nghèo! Nỗi oan thống khổ, không nói được với ai cả, vậy mà người chồng là người tri kỷ độc nhất vô nhị trong đời mình, không những đã không hiểu cho mình, lại còn đi khinh rẻ mình nữa!
Nghĩ như vậy, Mịch thấy đối với Long chỉ còn có căm hờn.
Rồi Mịch nghĩ đến ông chủ của Long... Một người lịch sự, tử tế, đứng đắn, ăn ở đâu ra đấy, có vẻ thận trọng sự đời lắm, có vẻ hiền nhân quân tử lắm, mặc dầu là con giai một lão già đểu giả, dâm đãng. Vậy mà người ấy đã tự liệt vào hàng con cái của Mịch, sẽ gọi Mịch là dì! Cái thai trong bụng Mịch, sau này sẽ là em ruột người ấy, sẽ hưởng mọi điều sang trọng, lịch sự, sẽ hấp thụ sự giáo dục của người ấy, thì hẳn là hơn phải làm một đứa con của Long. Không phải cùng máu mủ... lại còn như cái gai trước mắt một người bố không phải là bố mình, lại luôn luôn khêu gợi cái cuộc hiếp dâm kinh tởm kia hẳn rồi đứa hài nhi sẽ suốt đời bị Long đày đọa trong những cơn ngứa ghẻ hờn ghen.
Sau khi thấy nói rằng Long đã cho người ta toàn quyền khu xử mọi việc, ông đồ đáp đại khái: “Vâng, nếu chính cậu Long cậu ấy đã chán con bé cháu thì hẳn là nó phải lấy người khác. Mà tất nhiên khi phải trong cảnh bó buộc lấy người khác, thì còn gì cho bằng con bé cháu nó về với cụ Nghị nhà! Nếu ông khu xử cho như thế, thì tôi cũng xin vâng. Con bé cháu như thế cũng là an phận, thôi thì tôi cũng cho rằng mọi việc trên đời này đều có tiền định cả, nhất là khi con bé cháu lại... lại... do thế mà có mang”. Mịch cho bố mình đáp như vậy là rất phải. Khi người ta đã chán mình, khinh mình, mà lại không phải lỗi ở mình, thì việc gì mình phải cần đến người ta nữa? Nghĩ thế xong, Mịch lại nhớ đến những lời cô thày bói toán cho Mịch về đường phu tử, những là lấy chồng giàu, những là tiền dâm hậu thú mới ra vợ chồng, vân vân... Từ đấy mà đi, tự trong thâm tâm của Mịch, Mịch tin rằng người ta có số mệnh, và cái số kiếp của Mịch đã như thế thì Mịch không thể cưỡng lại với trời được nữa.
Chỉ có bà đồ là hơi đáng trách. Sau khi nhận được tin ấy, không kịp suy nghĩ trước sau gì cả, bà đồ đã tấp tểnh mừng thầm. Sự vui mừng của bà hiện ra nét mặt, lời nói, dáng đi... Bà sung sướng vì tưởng Mịch đã bị hại một đời, mà hóa ra sung sướng một đời. Cái con người quyền thế và giàu có nhất tỉnh, mà ai cũng phải sợ, mà ai cũng không kiện nổi, nay mai sẽ đem vài chục cái xe tu-bin về giạm hỏi con bà hẳn hoi. Rồi thì cả làng sẽ ngậm miệng hến. Rồi thì sẽ vô phúc cho những đứa đã bảo bà là vô phúc, đến nỗi con gái bà bị hiếp dâm. Rồi thì khổ cho những đứa chê bai, khinh bỉ, cho những đứa đã làm nhục bà. Tuy bà không biết biên sổ nhưng bà cũng biên sổ ngay vào trong bụng: nào là con mẹ đám Nhen nói kháy bà ra sao, nào là con mẹ đĩ Tốp nói xấu bà ra sao, vân vân... Con gái bà lấy chồng giàu! Những đứa ấy rồi thì nhục nhã với bà, rồi thì điêu đứng với bà. Nếu chúng có khốn khổ khốn nạn, mà đến vay bà thì bà cho vay ngay, để mà khinh bỉ lại chúng, bắt chúng phải luồn lụy, lạy lục, cho bõ... Nên dù khi ông đồ Uẩn mới kịp nói: “này cái lão nghị ấy muốn cưới con Mịch làm lẽ đấy...” thì bà đồ hí hửng hỏi ngay: “Làm lẽ thứ mấy?” Rồi bà chỉ nói: “Thế thì may lắm rồi còn gì! Thế mới biết thày bói toán đúng quá nhỉ!”. Tuyệt nhiên bà không còn nhớ gì đến Long. Mịch rất lấy làm bất mãn về chỗ ấy, Mịch thấy mẹ mình như là hèn hạ quá, nhẫn tâm quá.
Nhưng đàn bà thường nhỏ nhen như vậy, phải đâu có học thức gì, mà đáng trách!
Chỉ có ông đồ là chín chắn. Ông đã nói: “Chỉ hơi phiền một nỗi là người ta giàu có mà thôi. Chứ giá nếu họ nghèo khó hơn anh Long, thì việc tao nhận lời thật là hoàn hảo, và không sợ gì miệng tiếng”. Mịch thấy rằng bố mình chỉ thận trọng nhất đến sự trinh tiết của mình. Vả lại chính Mịch, Mịch cũng thấy rằng đời người đàn bà chỉ cốt có ở sự nhỏ mọn ấy.
Trong một phút, Mịch thấy rằng... không nên vì một lẽ gì mà buồn bã vẩn vơ.
Khốn nỗi cái lương tâm của con người ta không để người ta triết lý một cách ích kỷ như thế. Người ta không phải hễ nghĩ ra được những lý luận an ủi mình là đã quả nhiên tìm được sự an ủi trong lòng người ta, đã nghĩ ngợi thì phải có nghĩ đi và nghĩ lại. Mịch vẫn thấy đối với Long như thế là không nên... Không phải cô gái quê thấy mình, hay gia đình nhà mình đã xử tệ với Long. Không phải là cô gái quê không biết Long đã khinh rẻ mình vô cùng. Nhưng mà cô gái quê còn nghĩ được ra rằng tất phải có nguyên cớ gì, người ta mới dám rẻ rúng mình, miệt thị mình đến như thế được. Nên dẫu thấy rằng việc nhận lời của bố là có lý lắm, là phải lắm, mà Mịch vẫn coi như là việc ấy hình như không tốt, nó thế nào ấy, nó làm sao ấy, khó nói lắm, trăm nghìn ý nghĩ rối loạn, phấn khởi và phẫn uất, dịu dàng và tê tái, an ủi và liều lĩnh, thay lượt nhau mà giày vò cô gái quê. Mịch thấy rờn rợn như đêm khuya bị lạc đường ở một nơi có ma, có yêu, hay là đứng trên một cành cây cao chót vót, nhìn xuống mà thấy chóng mặt vậy.
Mịch không dám nghĩ ngợi gì nữa.
Vá xong cái áo, Mịch ngồi thừ người ra. Tự nhiên Mịch nhìn xuống bụng. Sự trông thấy cái kết quả ấy, khiến Mịch nhớ lại nguyên nhân. Mịch thấy hiện ra rõ ràng trong óc cái hình ảnh một lão nghị Hách phũ phàng nhưng mà nay mai lấy Mịch chắc phải ăn ở khác hẳn. Mịch chợt nhớ đến lúc từ con gái mà trở nên đàn bà, trên chiếc xe hơi. Cái lúc ấy thật là gớm ghiếc, thật là bẩn thỉu thật là đau đớn, nhưng trong cơn đau đớn không phải là không có một thứ khoái lạc trong xác thịt nó làm cho đỡ thấy đau... Xưa kia, cũng đôi khi chợt Mịch hơi nhớ lúc ấy, song sự hổ thẹn xua đuổi ý nghĩ ấy đi ngay. Nhưng mà từ nay trở đi người kia sẽ là chồng của Mịch, thì Mịch hẳn là có quyền nhớ lại những phút có cái cảm giác mới lạ nhất đời mà không là phạm tội lỗi gì cả. Trong lúc này, con vật đã nổi dậy trong lòng cô gái quê mập mạp, trẻ trung, đương thì... Mịch nhớ lại lúc ấy một cách say sưa như người háu đói vậy.
Thốt nhiên sau lưng Mịch thấy có tiếng gót giầy. Mịch giật mình, nhìn lại thì đó là Long! Hai má của Mịch bỗng đâu đỏ bừng lên như những lúc thổi lửa, Mịch xấu hổ vô cùng. Long nhìn Mịch một cách đăm đăm, làm cho Mịch nghĩ rằng Long đoán nổi ý nghĩ bẩn thỉu của Mịch vậy. Thật là... quả tang! Mịch bưng mặt chạy tọt xuống bếp.
Long thấy cử chỉ ấy thật quái lạ. Chưa bao giờ trước mặt Long, Mịch có dáng điệu co quắp lúng túng như thế. Nhất là Long vốn là người đa nghi, nên càng thấy Mịch thật là quái lạ, thật là bất chính, thật là đốn mạt, thật là gở cho gia đình.
Long về là vì không tin hẳn lời cam đoan của Tú Anh. Long nhất quyết không thể chịu ngay rằng người ta lại thay lòng đổi dạ đến thế được. Muốn khỏi phải bán tin, bán nghi, thì chàng về, mong phán đoán cho đúng mọi sự, sau khi được tai nghe mắt thấy... Long hy vọng rằng Mịch sẽ khóc lóc với chàng thì chàng sẽ lại yêu thương Mịch như xưa...
Thì Long đã thấy như thế!
Mịch lui xuống bếp để Long đứng tưng hửng giữa sân. Thật là quái lạ! Trong óc Long, một nghìn mối nghi ngờ, căm hờn và ghen giận nổi sôi lên... Long thấy lộn ruột, lộn ruột lắm. Mà lúc ấy, nhà vắng vẻ chứ bảo Mịch phải sợ ai, nên thẹn thùng gì!
Điên ruột lên, Long lấy giọng quyền hành gọi:
- Mịch!
Không thấy đáp, Long chạy sộc xuống bếp, thì Mịch bước giật lùi, chạy vòng đằng sau chuồng lợn. Long muốn chạy rấn mấy bước nữa, để kéo Mịch lại, để tát cho Mịch mấy cái, nhưng chợt trông thấy một nồi nước tiểu nên Long lại thôi. Chàng đứng thừ ra, chóng mặt lắm, chỉ muốn ngã... Chàng thấy lời Tú Anh thuật lại là đáng tin cả trăm phần trăm rồi. Trước kia chàng vẫn không tin, song, bây giờ làm thế nào mà lại vẫn không tin lời nói của Tú Anh cho được?
- Con khốn nạn! Mày có lên ngay đây không?
Đứng sau một cây chuối, Mịch ngẩn người ra cũng ngạc nhiên về giọng sỗ sàng ấy hết sức.
Trong lúc tâm thần bất định, Mịch nói mà không nghĩ:
- Anh... anh muốn hỏi gì, thì thày còn ở ngoài đình.
Tức khắc Long quay ra, cắm đầu cắm cổ!... Long như người hóa điên. Chàng vấp phải một đứa bé. Đứa bé ngã, Long cũng không nâng nó dậy.
Một con chó xồ ra trước một cái cổng... tức thì phốc một cái, mũi giầy tây của Long trúng mồm con vật làm con vật lặng đi. Long vấp luôn phải một bà già, cũng không xin lỗi. Một vài cành tre khô chìa ra ngõ cho chàng vướng má phải. Long không lau chỗ máu ở má, vì cũng không thấy đau. Trông thấy đình, Long lượn đi lối cổng sau, vì trước cửa đình bọn trẻ con xem chèo và đánh thò lò đông quá. Đến bên một cái cột lớn ở gian nhà hậu, Long rón rén nhìn vào... Long có ý muốn xem ông đồ ngồi ở đâu, rồi sẽ nhờ người khẽ mời hộ ông đồ ra. Trong đình lúc ấy vang ầm lên những lời bàn tán và cãi nhau. Giọng người nào cũng lè nhè những hơi rượu.
- Anh nào còn nói nữa thì ông đánh dập cổ xuống đấy!
- Thằng nào cấm ông, thì ông chẻ xác ra!
- Chỗ này là chỗ việc làng, chúng mày không được đem chuyện riêng nhà người ta ra mà bới móc!
- Thế thằng nào đả động đến trước?
- Chó khơi mào ra trước đây thì có!
Long lắng tai nghe chỉ thấy ồn ào lên. Chợt có một người nói to hơn cả:
- Ừ! Người ta có con thì người ta gả cho ai thì người ta gả, miễn là có đủ tiền cheo thì thôi! Ừ! thì người ta gả cho ông nghị đấy, gả cho người mà cả làng này kiện không nổi đấy! Ừ, thì lão nghị Hách sẽ là rể làng này đấy thì làm sao? Các anh chõ mõm vào làm gì? Ông truyền đời cho chúng mày biết rằng nó chỉ làm rể làng độ ba hôm thì sẽ khối thằng lại không vác rá đến vay gạo nó, ông chớ kể! Đừng có kháy nhau mà mai sau hôi mồm!
Đến giọng ông đồ Uẩn, một thứ giọng sợ sệt, khổ não:
- Thôi ông chánh tôi van ông! Ấy tôi là trước sau tôi không có dám nói gì cả đấy! Xin ông cũng đừng bênh vực tôi, rồi lỡ ra lại thêm điều đẻ chuyện ra, thì phiền lắm.
- Ờ! ờ! thế ông đã nhận lời của nghị Hách chưa?
- Bẩm tôi đã nhận ngay rồi.
- Vậy thì đừng có ai nói gì vào việc ấy nữa!
- Vâng, xin đừng ai nói gì vào việc ấy nữa.
Long nghe ba câu nói của ông đồ xong, ngán ngẩm quay đi. Thật là chính mắt Long đã trông thấy, chính tai Long đã nghe thấy.
Chàng tự trách mình sao còn quá thật thà mà lại bò về Quỳnh Thôn. Nhưng chàng lại tự an ủi ngay, cho rằng có về một chuyến cuối cùng như thế thì mới khỏi áy náy, sau này có sự gì thì cũng không phải hối hận.
Long cắm cổ ra khỏi làng.
Chàng vừa đi vừa lẩm bẩm “Đồ khốn nạn! Bố khốn nạn, con khốn nạn”. Rồi Long tự chế giễu mình cho mình là khôi hài khi chưa dám tin lời Tú Anh, chàng rắp tâm về kể lể mọi điều uất giận với Mịch và xin Mịch tha cho những điều càn giỡ khi xưa, Long thấy mình ngu ngốc lạ lùng. Cái sự tham vàng phụ ngãi của cha con thị Mịch như vậy là hiển nhiên lắm rồi! Từ rày mà đi là Long không còn phải đau khổ gì nữa, không còn phải ân hận gì nữa, không còn phải nhớ nhung thương tiếc gì nữa. Long cũng có chút ít ngạc nhiên về sự thay lòng đổi dạ quá đỗi đột ngột của con người ta. Long bàng hoàng thấy rằng những sự bất ngờ, những điều không ai tưởng tượng là sẽ xảy ra được, thì vẫn cứ xảy ra luôn luôn, trái hẳn với ý nghĩ của thiên hạ.
Long cảm thấy Tú Anh là thâm trầm, là hiểu đời vô cùng. Chàng thấy đời là đáng chán lắm không còn tin ai được nữa.
Một chiếc xe ô tô ca phăng phăng trên đường nhựa... Như cái máy, Long ra hiệu cho cái máy ấy dừng lại. Lúc bước chân lên xe rồi, bụng chàng vẫn còn lẩn quẩn những ý nghĩ khinh bỉ lão đồ Quỳnh Thôn.
Cho nên hành khách trên xe hơi, khi thấy người thiếu niên vừa bước lên xe xong là lầm bầm: “Đồ khốn nạn! Một lũ khốn nạn!” rồi lại ngồi trầm ngâm khoanh tay: thì ai cũng ngẩn người ra như người ta phải lạ lùng, khi thấy một người điên rồ như thế.