Lúc ấy đã 12 giờ đêm. Long còn đi lang thang ngoài đường như người không có chỗ trọ. Tiết trời lạnh ngắt, lại thêm lún phún mưa xuân.
Các phố xá đã vắng ngắt.
Thỉnh thoảng lại thấy một người ăn mày, như một cái bóng ủ rũ ôm một manh chiếu, lờ đờ đi tìm một cái mái hiên rộng.
Bọn phu xe xếp xe hàng dài trước cửa những tiệm khiêu vũ, có những bóng điện lập lòe chiếu xanh đỏ. Từ bên trong những tiệm ấy đưa ra những điệu kèn réo rắt, bổng trầm. Bên ngoài, bọn phu xe, anh thì co ro đi lại như có vẻ trầm tư mặc tưởng, anh thì đập càng xe thình thình xuống đường, để dằn vặt cái xe, và to tiếng chửi trời, chửi đất, chửi nạn kinh tế, thành ra cũng là một thứ âm nhạc có lẽ lại còn ai oán hơn, hoặc hùng dũng hơn thứ của những đĩa kèn hát. Không bao giờ Hà Nội lại phô bày những cảnh tượng trái ngược, những sự chơi bời cực kỳ xa xỉ, bên cạnh những sự khốn khổ, khốn nạn, như lúc ấy.
Long đi gần đến trước cửa một tiệm khiêu vũ thì có đến ba mươi cái mồm đều cùng một giọng. “Mời thày lên xe! Thày đi xe!...” Không nghĩ gì đến những câu vật nài ấy, Long lắc lắc cái đầu. một người phu xe nói sau lưng chàng một cách ai oán: “Toàn lắc cả thì có chết cha người ta không!” Một người phu xe khác kêu lên: “Mẹ kiếp! Từ trưa đến giờ, được hai chuyến sáu xu!”
Tự nhiên... Long dừng chân đứng lại.. Cả bọn phu xe bấy giờ lại nhao nhao lên mời chào. Một ông phu xe già lụ khụ, khẩn khoản nói với Long bằng một giọng ăn mày: “Thầy đi cho con vài xu, lạy thày, thày làm ơn”. Long lẳng lặng bước lên ngồi xe. Ông già lật đật cài cái áo tơi cánh gà, đánh cái xe ra, rồi quay lại ra ý hỏi khách muốn đi về phía nào... Long buông thõng: “Ông muốn kéo tôi đi đâu thì kéo!”.
Vì rằng lúc ấy Long cũng không có định kiến gì cả. Chỉ biết rằng Long đã đi lang thang được nhiều đường đất lắm, không còn để ý đến phố nào vào phố nào, dễ đã có trong hai ống chân đến mười cây số rồi, nên chàng ngồi lên xe chỉ biết là hãy được khoan khoái khỏi mỏi chân. Chàng đi đâu, để làm gì, những cái ấy Long không hề nghĩ đến. Lúc ấy là lúc đứng không yên ổn, ngồi không vững vàng, nên tuy Long đi đã mỏi, cũng đã muốn về nhà, nhưng vì chợt nghĩ rằng có lẽ về với gian phòng lạnh lẽo trống rỗng, thì lại phải đến ra đi một lần nữa. Long cứ đi.
Tại sao Mịch lại cầm của nghị Hách cái giấy bạc 5 đồng? Tại sao Mịch lại để cho lão dụ vào trong xe hơi? Có thật nghị Hách hiếp... không? Có phải Mịch chửa chỉ vì nghị Hách không? Ấy đó những câu hỏi cứ làm khổ mãi Long, đã mấy hôm nay vậy.
Xe chạy được vài phố, Long mới bảo người phu: “Ông kéo tôi đến một tiệm thuốc phiện!” Mười phút sau, chiếc xe đỗ trước một cái nhà Tây hai tầng ở phố Mã Mây, Long xuống xe, đưa ông phu già một hào bạc. Ông già cảm ơn thành thực một cách đáng cảm động, làm cho Long phải hỏi:
- Cụ năm nay bao nhiêu tuổi?
- Bẩm, con đúng sáu chục rồi đấy ạ.
- Thế con cái cụ đâu?
- Bẩm, chả có mống nào cả.
Tức thì Long lại thò tay vào túi, khoắng nốt cả chỗ tiền lẻ, vừa hào vừa xu, không biết là bao nhiêu, cứ vốc cả nắm, giơ ra cho ông phu. Ông già vội đưa tay ra hứng lấy, rồi, sau khi thấy số tiền ấy là quá đáng, thì ngạc nhiên hết sức, không nhớ đến cảm ơn nữa, cứng ngây người ra không biết rằng mình thức hay ngủ mê và khách đi xe là điên hay say rượu.
Long không thèm nhìn lại, vênh vang bước vào nhà, lên thẳng gác.
Đêm hôm ấy, vì vào cuối tháng nên tiệm đông khách lắm. Hai mươi cái sập đều kín cả, đến nỗi Long không biết ngồi vào đâu. Người chủ tiệm phải thu xếp mãi mới được một cái sập cho Long. Chàng tháo giầy, bỏ mũ rồi lên nằm dài trên khay đèn, không thèm nhìn chung quanh có những ai, y như một người nghiện đã thực thụ.
Gian phòng ấy người ta đã cố bài trí cho nó có vẻ một cái phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Những bóng điện có chùm dua xanh, những cái sập thấp lè tè, bốn mặt tường đều có vẽ hình đen những mỹ nữ khỏa thân, trên sàn gác lại rải nệm khiến cho khách khứa đi lại, tuy như mắc cửi, mà phòng vẫn không vang tiếng giầy lộp cộp, vẫn như giẫm trên nhung.
Khách đến hút thuốc đủ hạng người: ông chủ sòng mà sở liêm phóng không thương hại, mấy cậu học trò vừa ra khỏi trường mà đã oán giận xã hội không trọng dụng nhân tài, cụ phán già không được cưới thêm vợ lẽ, ông nhà văn có sách mới bị cấm, tay chủ báo vừa thua kiện về tội phỉ báng, tay phóng viên thiếu đầu đề, cô gái nhảy vừa đánh mất nhân tình, nhà tài tử cải lương Nam kỳ không có người bao. Gian phòng lúc ấy là cả một cái xã hội thất vọng phải tan ra khói. Trong cái không khí ấm cúng ấy, thiên hạ thấy coi nhau thân yêu như người nhà, cho nên những chuyện tâm sự, những điều đau khổ, những chuyện đê nhục tưởng phải giấu kín của họ, họ cũng đem ra nói rất to. Họ nói chuyện phong tục, chuyện xã hội, chuyện mỹ thuật, chuyện chính trị nữa. Người ta kháo nhau về nhà trọc phú kia vừa dựng tượng kỷ công minh, bà chủ hiệu vàng bạc nọ, hồi xuân đánh đĩ long trời, lở đất, mà vừa được “tiết hạnh khả phong”, ông sư chùa này đi hát ả đào thi... và làm những trò như thế nào, vị tiểu thư khuê các kia bị bồi săm bóc lột ra làm sao... thôi thì đủ tất cả những chuyện rừng có mạch, vách có tai, mà những cái phù hoa hào nhoáng bề ngoài, thứ nước son trưởng giả của một cái xã hội đê tiện không thể che đậy cho kín được.
Long chưa hợp ngay được với bầu không khí ồn ào ấy, tai còn đương rộn lên vì tiếng cười rộ, những cái ho khạc, những tiếng nói bô bô, những điều văng tục ghê gớm, thì một anh bồi tiêm sà ngay xuống sập, hỏi Long cần dùng bao nhiêu. Đoạn anh bồi chạy ngay đi lấy thuốc và đem về chỗ cả một ấm nước nóng giẫy. Long đưa mắt nhìn... Cuối phòng, trên một cái sập, hai bác lính da đen nằm ôm hai chị đàn bà mặc quần áo tân thời, họ co quắp lấy nhau một cách ngạo mạn, hình như chung quanh đấy không còn ai nữa. Long lấy làm lạ không hiểu sao khách hút cũng cứ thản nhiên, không buồn nhìn đến cái cảnh tượng chướng mắt ấy. Long quay ra phía khác, thì ở đầu phòng đằng kia, một cô đầm lai, mặt mũi xanh xao nằm với một con chó tây xinh xinh, cứ vừa vỗ về con vật, như âu yếm đứa con mới đẻ, và vừa lảm nhảm nói một mình để khoe với mọi người những là: “Con nằm ngoan nhé Toto nhé con ngủ nhá... Tội nghiệp, mỗi ngày 5 hào khám bệnh, hai hào súp bò mà cứ quặt quẹo luôn...”.
Anh bồi tiêm xong, giơ cho Long thì chàng vớ lấy xe mà kéo thật mạnh. Chàng ngạc nhiên về sự người đời bị nghiện đến không sao bỏ nổi, vậy mà khói thuốc phiện nhẹ một cách vô nghĩa lý như khói giấy bản, lại không có dư vị bằng một mồi thuốc lào.
Thốt nhiên ở sập bên cạnh của Long thấy đánh thịch một cái rồi một câu văng: “... Mẹ kiếp!” nối liền ngay cái đập giường ấy Long đưa mắt nhìn... Quanh khay đèn bên ấy có một ông già vào trạc hơn thất tuần, một người độ bốn chục tuổi và hai thiếu niên âu phục cực kỳ sang. Người đứng tuổi vứt tờ báo xuống giường rồi cau mày nói:
- Mình không thể nào tưởng tượng được!
Ông già khoan thai hỏi:
- Cái gì thế?
Một người trong hai người trẻ tuổi vừa tiêm thuốc vừa cười khúc khích và hỏi:
- Ấy chết! Quan bác! Lấy điếu rồi? Còn việc gì khả dĩ làm cho bác xung thiên chi nộ đến như thế được!
Người kia đáp:
- Một thằng bốn mươi tuổi đầu rồi mà còn đi hiếp một đứa bé lên tám thì có chó không! Mình không thể nào tưởng tượng được lại có hạng người dã man đến như thế được!
...
...
...
Long như bị kim đâm vào ruột. Long nghĩ đến lúc nghị Hách hiếp Mịch trên xe hơi. Long nghĩ một cách xót xa đến cái mang trong bụng, tang chứng rành rành về sự khoái lạc nhục thể của Mịch, lúc Mịch bị hiếp... Long đã muốn ra về. Trước khi về, Long còn ủ rũ bó gối, chờ cho chén nước nguội đi đã.
Chợt một bàn tay để vào vai Long. Chàng ngoảnh lại thì đó là Tú Anh!
- Ông đấy à? Ông Long thế này đấy à?
Long buồn rầu mà rằng:
- Vâng, thưa ông chính tôi thế này đây. Sao ông cũng lại tới đây?
- Tôi đi tìm ông đó mà?
- Sao ông lại biết tôi ở đây mà tìm?
- Khi một người đau khổ mà chưa đi tự tử, thì ắt là chỉ hút thuốc phiện.
Long đứng dậy:
- Thưa ông hay là tôi về? Ông giám đốc Đại Việt học hiệu giơ tay ngăn: - Không, ông cứ nằm xuống, tôi cũng nằm đây, tôi cũng hút như ông cho khuây khỏa! Chúng ta cần giải quyết với nhau vài câu chuyện cho xong đi thôi...