Thành ngữ chỉ: Người học giỏi, thông minh, tài hoa. Còn có câu: Chữ tốt văn hay. Ngược với câu: Văn dốt võ nát.
Chuyện kể:
Tương truyền thuở đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn hay đến mấy vẫn bị thầy cho điểm kém.
Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản:
- Gia đình già có việc oan uổng muốn kêu quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn.
Cao Bá Quát vui vẻ trả lời:
- Tưởng việc gì khó chứ việc ấy cháu xin sẵn lòng.
Lá đơn được thảo ra, lý lẽ rõ ràng. Cao Bá Quát yên trí quan sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà cụ ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà kể lại câu chuyện khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Ông biết dù văn hay đến đâu mà chữ không ra chữ cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc sức luyện viết chữ sao cho đẹp.
Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông lại muốn có những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác.
Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày một đẹp, Từ đấy, ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt. Sau này, người ta cứ lấy ông ra để răn nhau rồi vận nên thành ngữ: “Văn hay chữ tốt”.
Có nhiều truyện tương tự như trên. Văn hay chữ tốt được coi là truyền thống, một nét đẹp văn hóa, đáng để mọi người học tập. Ngày nay, do có sự sa sút về nét đẹp đó nên ngành Giáo dục phát động phong trào vở sạch chữ đẹp bởi “nét chữ, nết người”. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một vế của thành ngữ trên đây. Thành ngữ này thường dùng để ca ngợi những người tài giỏi, toàn diện về mọi mặt.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn