Tương là loại nước chấm làm bằng đỗ, cà là thức ăn dễ làm đối với nông dân. Người nông dân coi những thức ăn này làm cơ bản trong sinh hoạt. Vì thế, mới có câu: “Thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản”. Ý nói: Cuộc sống, ăn uống thanh đạm, không cao lương mĩ vị, nhưng bền chắc, lâu dài.
Chuyện kể:
Xưa có một người trong nhà kể cũng vào loại bậc khá giàu, nhưng tính kiết kiệm, không hề hao phí đi đâu một tí gì. Chỉ trừ những khi có việc, dám làm con gà, hoặc đĩa cá, còn bữa cơm thường ngày chỉ rót một chút tương, với một đôi quả cà, vừa đủ no thì thôi.
Thiên hạ có người thấy thế cười mà bảo rằng:
- Ta nghĩ người sinh ra trong trời đất, nay mưa mai gió, chẳng lấy gì làm chắc, cho nên lúc ăn, lúc uống cũng nên chớ có nhịn miệng làm chi cho khổ cái thân.
Người kia mắng lại rằng:
- Anh biết một mà chẳng biết mười. Con người ta sống ở đời chẳng phải một chút một ngày gì mà còn lâu dài mãi. Vậy mà cứ lo ăn, không liệu tính việc gì, thì dần dà của hết, người còn. Mình đã chẳng có mà ăn, con cháu mình cũng vì mình mà đói rách khổ sở, lại mang tiếng “đời cha ăn mặn, đời còn khát nước”.
Rồi sau mặc tiếng chê cười, người đó vẫn giữ được thói hà tiện. Nhưng nhà người ấy càng ngày càng sung túc lên, con cháu ai ai cũng thịnh vượng.
Thiên hạ thấy vậy đều khen nhà ấy rằng:
- Tương cà gia bản, ăn chắc mặc bền, cứ như nhà ấy mà học.
Chuyện “tương cà gia bản” đáng học lắm chứ, khác với “bóc ngắn cắn dài”, lại hợp với câu “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Thời nay, khối người có tiền “vung tay quá trán”, ném tiền qua cửa sổ thì rồi trước sau cũng rơi vào cảnh khốn cùng. Thậm chí, sống như thế đều bị ghép vào tội xa hoa, lãng phí.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn