Điều cần làm sáng tỏ thêm ở đây là tại sao để nói về những điều bất lợi, không may mắn, dân gian lại viện đến vỏ dưa và vỏ dừa? Như ai nấy đều biết khi ăn dưa hấu, người ta thường bổ dọc quả dưa thành từng miếng. Miếng dưa hấu sau khi ăn hết còn vỏ dày vất lại. Miếng vỏ dưa có hình dạng cong, võng lên ở hai đầu, trông tựa như mảnh vỏ ngoài quả dừa. Vỏ dưa nhiều nước, cứng, trơn. Vô ý dẫm lên vỏ dưa rất dễ bị ngã. Và, nhiều người đã bị ngã vì đạp phải vỏ dưa. Thế cho nên, người đời hễ gặp vỏ dưa là tránh, khỏi dẫm lên mà ngã. Oái oăm thay, vỏ dưa và vỏ dừa lại hao hao giống nhau. Cái tâm lý “Kính cung chi điểu” (tức con chim phải tên thấy làn cây cong cũng hoảng sợ) đã cho người đời một lời khuyên choại vỏ dưa thấy vỏ dừa phải tránh. Nghĩa là đã bị trượt ngã vì dẫm phải vỏ dưa, khi gặp vỏ dừa cũng phải tránh ra, vì vỏ dừa và vỏ dừa cũng na ná như nhau mà thôi. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng có sự công bằng trong ban phát và trừng phạt. Có những lúc, con người liên tiếp gặp phải những điều không may này đến những điều không may khác. Hoặc, cũng có những khi ta muốn tránh điều bất lợi này mà chọn làm một việc nọ, nhưng khi làm việc nọ lại vấp phải một điều bất lợi khác. Cho nên, đã đành là khi đạp vỏ dưa rồi thì gặp vỏ dừa phải tránh đi, nhưng không phải lúc nào cũng làm được điều đó. Trong khi nhiều trường hợp, tránh vỏ dưa lại đạp phải vỏ dừa. Nghĩa là không thoát khỏi được, dù có ý thức chống đỡ, mà cứ gặp hết điều bất lợi này đến điều bất lợi khác. Rất có khả năng là, thành ngữ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa hình thành trên cơ sở cấu từ lại ý của câu choại vỏ dưa thấy vỏ dừa phải tránh do hiện thực cuộc sống đòi hỏi.