Khẳng định đầu con quạ nào cũng đen. Đen ở đây là ý xấu xa. Thành ngữ ví von cùng một giuộc, cùng bản chất xấu xa như nhau cả. Còn có câu: Giống quạ đen đầu. Đen như quạ.
Chuyện kể:
Xưa, quạ và công là đôi bạn thân. Màu lông của chúng đều xám xịt như rúc ở bùn lên. Một hôm, quạ bảo công:
- Đằng kia có người thợ vẽ, ta ăn trộm một ít về sửa lại bộ cánh cho đẹp.
Rồi hai con rủ nhau ăn trộm được thỏi mực tàu, một gói thuốc xanh và gói kim nhũ.
Quạ đem công ra vẽ. Nó dùng màu xanh tô vào cổ, vào mình cho công. Tô đến đâu rắc kim nhũ đến đấy. Đến cái đuôi, công xòe ra cho quạ vẽ nhưng vì màu xanh đã cạn nên chỉ vẽ được vành tròn rồi rắc nhũ lên.
Đến lượt công vẽ cho quạ thì bỗng có tiếng lợn kêu eng éc ở đằng xa. Quạ chắc mẩm sẽ được bộ lòng lợn. Càng nghĩ càng thèm, nó không tự chủ được nữa bèn giục công rối rít.
- Thôi chị vẽ cho tôi nhanh lên, kẻo lỡ hết bữa cỗ ngon.
Công vẫn đủng đỉnh:
- Cô cứ từ từ, phải có bộ cánh đẹp thì đi dự tiệc mới ra dáng chứ.
Tiếng lợn kêu càng dồn dập, quạ càng sốt ruột, nó giục:
- Chị công ơi, chị đổ cả màu đen lên mình tôi cho mau đi!
Công chưa kịp nghe ra thì quạ liền nhảy vào chậu thuốc vẽ rồi cứ thế chúi đầu xuống chậu thuốc mực tàu. Công bực quá, cầm chậu thuốc đổ cả lên đầu đó.
Thành thử bây giờ chả con quạ nào không đen đầu (1)
Tham lam, háu ăn và hấp tấp đến như quạ thì chẳng còn coi nghệ thuật là gì. Những người cùng hội cùng thuyền thì giống nhau, vì thế, phải chọn bạn mà chơi, kẻo người đời cho rằng “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, bởi:
“Quạ nào mà đầu chẳng đen
Quạ đâu lại dám mon men với cò” (2)
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1): Phỏng theo truyện “Con công và con quạ”, Truyện cổ nước Nam, Nguyễn Văn Ngọc, NXB Văn học, 2003.
(2): Ca dao.