Vợ chồng nhà chẫu chàng không có sự nhất trí trong việc cho anh nông dân nọ chuộc lại viên ngọc thần. Thành ra suốt ngày vợ chồng bọn họ cứ “to tiếng” với nhau. Vợ thì một mực “chuộc thì chuộc” (đồng ý cho chuộc), còn chồng thì dứt khoát “chẳng chuộc” (không cho chuộc). Tiếng kêu ra rả trái ngược nhau của hai loại chẫu chàng là tiền đề sáng tạo nên câu chuyện về sự bất hoà của vợ chồng chẫu chàng. Kèm theo câu chuyện dân gian này là sự ra đời của thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”.
Thành ngữ “ông chẳng bà chuộc” biểu thị sự chủng chẳng không ăn khớp, không hợp nhau về ý nghĩa cũng như việc làm giữa người này và người khác.
Gần nghĩa với thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, trong tiếng Việt còn có thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt”. Tuy nhiên thành ngữ này được sử dụng với phạm vi hẹp hơn. Thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt” biểu thị sự không ăn khớp nhau, không hiểu nhau, mỗi người nói một nẻo. Sự không ăn khớp nhau ở đây chỉ dừng lại ở phạm vi nhận thức mà nguyên nhân của nó là do không hiểu ý nhau một cách vô ý thức. Ngược lại, ở thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, sự không ăn khớp nhau được thể hiện ở cả lời nói, ý nghĩ và cả ở việc làm. Sự không ăn khớp này là tất yếu và hoàn toàn có ý thức.