Ý nghĩa chung của thành ngữ này là như vậy, song cơ chế nảy sinh ý nghĩa đó lại không đơn giản. Như đều biết, móng heo (móng lợn) là một loại sừng cứng bao bọc kín hết ngón chân lợn. Cái vỏ bọc bên ngoài vừa vững, vừa kín như vậy, hẳn là khó lòng biết rõ cái được bảo vệ ở bên trong. Vậy thì, muốn biết ngón chân heo chỉ có cách làm toạc móng. Quả nhiên, làm toạc móng heo, một mặt là làm mất cái che đậy bên ngoài, mặt khác làm bộc lộ rõ hoàn toàn phần bên trong của chân heo. Có lẽ vì thế, đặt nói bên cạnh toạc móng heo tạo nên thành ngữ nói toạc móng heo với sự liên hệ ý nghĩa “làm mất cái vỏ bề ngoài, làm rõ cái bên trong”. Sự liên hội này đã đưa vào trong nội dung ý nghĩa của thành ngữ hai nét nghĩa: nói không che đậy, nói trắng ra.
Thành ngữ nói toạc móng heo còn có biến thể là nói toạc móng lợn, song biến thể này ít được sử dụng.