Câu thành ngữ ý nói về việc phân phát không đều, kẻ được người không, nơi ít nơi nhiều.
Chuyện kể:
Một năm, trời làm hạn hán, đâu đâu ruộng vườn cững nứt nẻ, hồ ao cạn kiệt, dân tình khổ sở.
Ở vùng nọ có chàng Trần Công quyết đi hỏi trời để bắt thần mưa tìm cho ra nhẽ. Trên đường đi, chàng giúp giải thoát cho một con vượn bị mắc bẫy. Vượn tạ ơn cho chàng một cây gậy thần. Nhờ gậy thần chàng tìm đến được chỗ thần mưa. Gặp thần mưa, chàng vung gậy lên, thần mưa sợ hãi nói:
- Người có việc gì mà định đánh cả người nhà trời vậy?
Chàng đáp:
- Ở hạ giới đã mấy năm nay, trời làm hạn hán, khắp nơi không có một giọt nước nào, dân tình điêu đứng. Ta lên hỏi tội thần, mau mau làm cho mưa xuống.
- Ta là thần mưa thật, nhưng nhiệm vụ này ta đã trao cho con ta. Nó đi ăn tiệc ở Thiên Cung chưa về kịp, đã mấy ngày nay ta cũng nóng ruột lắm. Thôi chàng đã lên đây ta mời chàng giúp cho con ta vậy.
Chàng Trần Công chưa hiểu gì thì thần mưa nói:
- Kia là bầu nước, bên cạnh là một nhành lá. Chàng trèo lên lưng con sư tử kia, nhúng cành lá vào bầu nước. Sư tử sẽ đưa chàng đến những miền chàng muốn, rồi cứ thế chàng vẩy nước xuống, nơi ấy sẽ có mưa.
Trần Công làm theo lời thần mưa. Nhìn xuống đã thấy một trời mù mịt. Chàng đoán là nơi ấy mưa to lắm. Mong muốn cho trần gian nước ngập đầy đồng, hết cảnh hạn hán nên Trần Công ra sức vẩy. Mệt quá chàng thiếp đi trên lưng sư tử. Khi tỉnh dậy thì sư tử đã đi hết một vòng hạ giới. Nơi sư tử đi qua lúc chàng thiếp đi, do không vẩy được nước thần, thành thử nơi ấy vẫn chưa có mưa. Khi sư tử cùng chàng bay tới vùng Hạ Hòa, chàng thấy vùng này nắng hạn đã lâu mà bầu nước thì còn nước bèn đổ tất cả nước còn lại trong bầu xuống vùng Hạ Hòa. Xong việc khi trở về hạ giới, Trần Công giật mình vì vùng Hạ Hòa nước ngập mênh mông. Ngập lụt đã làm cho dân tình điêu đứng. Chàng buồn rầu trở lại quê mình thì thấy ruộng đồng vẫn khô hạn nứt nẻ. Bấy giờ chàng mới vỡ lẽ ra rằng tại mình làm mưa không khắp.(1)
Có lẽ từ câu chuyện trên mà có thành ngữ trên. Nhưng quan trọng là từ truyện trên người ta vận dụng để nói việc khác, đó là việc xử sự không công bằng trong xã hội.
Trên thực tế thì mưa không thể rải khắp cùng lúc được nên người đời mới có câu chống chế: “Mưa làm sao khắp được”. Nhưng nói mưa là nói sự công bằng trong xã hội, đó là sự cần bàn.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1) Theo "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam", NXB Văn học, 1973