Thực tế, cây nào hoa ấy là do tạo hóa sinh ra. Nói một cách giản dị là “cây nào hoa ấy”, “chẳng hoa nào giống hoa nào”. Từ đó, suy ra vế hai “mỗi nhà mỗi cảnh”, không mấy ai giống ai.
Chuyện kể:
Trước khi tạo hóa nặn ra con người thì đã có cây cối đủ loại rồi. Nhưng ngặt một nỗi, các loại cây cùng chung một màu hoa làm cho cảnh sắc đâu đâu cũng giống nhau. Hơn nữa, cây to cũng như cây cỏ bé nhỏ mọc ở ven rừng, cánh hoa cũng bằng nhau chằn chặn. Rồi hương hoa cũng vậy, đâu đâu cũng một mùi giống nhau, chẳng có gì là hấp dẫn.
Vì hoa giống nhau nên loài cây không sao phát tán, gây giống sinh trưởng được nên đã nhờ ong, bướm mời Thần Tạo Hóa xem xét giúp.
Thần Tạo Hóa bay xuống trần gian, đi khắp Trái đất, quả thấy đâu đâu cũng chỉ một loài hoa. Vốn đa cảm, Thần Tạo Hóa thấy Trái đất trùng trùng điệp điệp các loại cây nhưng hương sắc thì nhạt nhòa, đơn điệu nên đã triệu các loại cây lớn, bé đến phán:
- Quả thật là cây cối trần gian phong phú. Nhưng cứ thế này thì rồi Trái đất cũng lụi tàn, cây cối chúng mày không phát dục được. Hơn nữa đơn điệu quá, chỉ một màu, chỉ một mùi hương. Ta có sáng kiến thế này: Các ngươi dồn hết hoa của các ngươi lại, ta pha thêm màu sắc, rỏ nước thơm vào rồi tạo hoa cho loài cây các ngươi. Các loại cây trên Trái đất đều nghe theo, gom hết hoa lại đựng cả trời mây mới hết. Thần Tạo Hóa sai các thần linh dưới quyền pha màu rồi đổ nước thơm vào. Sau đó, lệnh cho gió thổi cả trời mây hoa xuống trần thế. Rồi Thần ra lệnh mỗi cây chỉ được lấy một loài hoa. Trần thế đang âm u, bỗng nhiên rực rỡ. Cây cối xòe lá, xòe ngọn ra đón hoa. Thế là cả thế gian bừng lên muôn màu muôn sắc.
Tuy nhiên, do các thần trộn màu không đều nên có cây thì nhần được màu hoa rực rỡ, có cây chỉ nhận được màu nhạt, xanh, đỏ, tím, vàng cũng khác nhau. Do nước thơm vẩy không đều nên có loài hoa thì thơm phảng phất, có loài hoa thì thơm ngây ngất, cũng có loài hoa thì do nước thơm không sạch nên đã chuyển mùi khó chịu. Những cây cao thường chỉ hứng được cánh hoa nhỏ, còn những cánh hoa to và nặng hơn phần nhiều rơi xuống thấp, đậu vào những cây nhỏ hơn dưới mặt đất. Thành thử, những cây dưới thấp thường có hoa to hơn những cây cao.
Thần Tạo Hóa đứng trên mây nhìn xuống, cười:
- “Mỗi cây, mỗi hoa. Muôn trời rực rỡ”. Rồi Thần bay về trời.
Từ thực tế mỗi cây mỗi hoa, con người vận vào cuộc sống xã hội phong phú nên có vế “mỗi nhà mỗi cảnh”. Thế nên, ở đời không nên chỉ nghĩ giản đơn là mình thế nào thì người thế ấy, nhà mình sao thì nhà khác vậy. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” là chân lý giản dị. Vì vậy, trăm người trăm ý, trăm nhà trăm mối là hiển nhiên.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn