Câu thành ngữ ngụ ý nói về một việc làm khó khăn, không thể thực hiện được cố che giấu một việc lộ liễu.
Chuyện kể:
Có một thầy cúng đã dốt nhưng hay huênh hoang, bảo thủ. Từ bé đến lớn thầy rất ít ra khỏi nhà, vì thế rặt những gì nhà thầy có là thầy coi như thiên hạ cũng chỉ có thứ ấy. Nhà thầy có nuôi một con mèo và một con ngỗng ăn cỏ. Vậy nên thầy nghĩ thiên hạ chỉ có hai giống ấy.
Một hôm, người ta đồn có con voi từ rừng về phá làng. Chuyện đến tai thầy. Thầy hỏi người nhà:
- Nó có mấy chân?
Người nhà bảo:
- Nó có bốn chân.
Vậy là thầy chắc nhẩm, nó to lắm cũng thì cũng chỉ bằng con mèo là cùng.
Thầy mới hỏi lại:
- Thế nó ăn gì?
Người nhà bảo:
- Nó ăn cỏ.
Thầy nói luôn:
- Vậy có gì to tát đâu mà làm ầm cả lên thế. Chắc bằng con ngỗng là cùng.
Con voi về làng, phá nhà, quật chết người, thầy mới hung hăng gọi người nhà ra bảo.
- Việc ấy cứ để ta. Mang cho ta cái thúng ra đây!
Tưởng thầy có phép thần chú gì để đuổi voi nên người nhà đi lấy thúng cho thầy, rồi hỏi:
- Thầy làm phép gì ạ?
Thầy huênh hoang đáp:
- Ta úp nó lại, lấy đá đè lên, nó có mà chạy đằng giời.
Rõ ràng là thầy cúng ở truyện trên chưa cầm thúng úp vào con voi, nhưng ai cũng biết rằng cái thúng thì bé mà con voi thì quá lớn, quá khổ thì úp sao đặng. Cái sự vô lý đến nực cười. Nếu có dùng cái thúng úp lên con voi thì phần được che phủ chẳng thấm tháp gì với phần không được che, tức là cái nhỏ không thể che lấp được cái lớn, muốn che giấu không thể che được, vẫn lộ ra.
Dễ gì lấy thúng úp voi
Giấu đầu thì lại bị lòi đuôi ra.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn