Theo nghĩa từng chữ, chúng ta nhận thấy quan niệm sống được tàng ẩn trong câu tục ngữ này. Ở câu tục ngữ này nổi lên sự đối lập của hai hình ảnh lá lành và lá rách trong đó các từ lành, rách tạo sự liên hệ tới quần áo và cách đánh giá giàu nghèo của người Việt Nam – nghèo đói hơn nhau cũng chỉ ở tấm áo, manh quần! Vì vậy, trong tiếng Việt lá lành đùm lá rách bao giờ cũng được dùng biểu trưng cho sự nghèo khổ.
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người”
(Ca dao)
Cho nên cũng không nghi ngờ gì về việc khẳng định lá lành trong câu tục ngữ này là hàm chỉ lớp người có đời sống khá hơn so với những người nghèo đói được nói đến trong nhóm từ lá rách. Ngoài ra, các từ lá và đùm trong câu câu tục ngữ lá lành đùm lá rách cũng giả định tới việc cùng chung chia sẻ một vật thể vật chất (lương thực, thực phẩm) nào đấy. Để có một nắm cơm, một chiếc bánh ngon, đẹp khi gói bọc người ta có thể xếp lá rách trong lớp lá lành. Đó là một điều bình thường. Nhưng cái ý nghĩa cần lưu ý, hẳn là lá lành là nơi nương tựa của lá rách trong việc tạo nên một vật thể vật chất gắn liền với đời sống của con người. Cũng vậy, người giàu có thể đùm bọc che chở cho người nghèo để tạo lập cho họ một cuộc sống đỡ khó khăn hơn! Âu đó cũng là cái nghĩa tương thân tương ái ở đời.
Với câu tục ngữ lá lành đùm lá rách, chúng ta nhận thấy một quan niệm giản đơn về cuộc sống giàu nghèo. Nhưng cao hơn thế là cái đạo lý, cái lẽ đời của con người Việt Nam. Ở đâu có cuộc sống đói khổ, ở đâu có hoạn nạn, con người cần có sự thông cảm, tương trợ lẫn nhau, người giàu giúp kẻ nghèo khó, đừng như đèn nhà ai nấy rạng, để rồi mặc cho cái cảnh: kẻ ăn chẳng hết người lần chẳng ra.